Carl Becker (1873 – 1945) là sử gia Hoa Kỳ, sinh tại Iowa, theo học Đại học Wiscosin-Madison, và lấy bằng Tiến sĩ vào năm 1907. Từ năm 1917 đến 1944, ông là giáo sư sử học tại Đại học Cornell. Ngoài các tác phẩm nổi tiếng như The Declaration of Independence (1922), Progress and Power (1949), and The Heavenly City of the Eighteenth-Century Philosophers (tái bản lần thứ 11 năm 1955), ông còn được nhiều người biết đến qua bài diễn văn “Everyman His Own Historian” năm 1931 tại Hội nghị Minneapolis của Hội Sử học Hoa Kỳ (AHA), khi ông làm chủ tịch hội này. Bài diễn văn, sau đó, được nhà xuất bản F. S. Crofts & Company, Inc., vào năm 1935, in thành sách cùng với nhiều tiểu luận khác dưới nhan đề Every Man His Own Historian: Essays on History and Politics. Michael W. Alssid và William Kenney đã đưa một trích đoạn của tác phẩm nói trên vào cuốn The World of Ideas: Essays for Study (Holt, Rinehart and Winston, Inc. xuất bản năm 1964), trong đó Carl Becker, dưới hình thức một bài thoại luận, đã phản bác triết học sử quan của Karl Marx. [Cao Hùng Lynh]
Tôi thường thảo luận về chủ nghĩa cộng sản với những người tin tưởng vào chủ nghĩa ấy; và cũng không phải là hiếm, tôi nhận được những lý lẽ từ phía họ rằng tôi, với tư cách là một kẻ có ít nhiều hiểu biết về lịch sử, hoặc phải (1) phản bác triết học sử quan Mác-xít, hoặc phải (2) nhiệt thành ủng hộ chánh nghĩa cộng sản. Trong các cuộc thảo luận với những lý lẽ như thế, tôi luôn luôn giữ vững quan niệm rằng (1) một kẻ hiểu biết chỉ có thể coi triết học sử quan Mác-xít như là một sự diễn dịch sáng sủa về quá khứ mà không cần phải tán dương nó như là một quy luật lịch sử, và (2) ngay cả khi được thuyết phục rằng học thuyết Mác-xít là một quy luật lịch sử có giá trị, người ta vẫn có thể, với nhiều lý do chính đáng, từ chối ủng hộ chánh nghĩa cộng sản. Để tiện theo dõi, những cuộc thảo luận như thế, khi được khai triển và trình bày đầy đủ và trang trọng hơn, sẽ được thể hiện dưới hình thức thoại luận giữa một bên là người Cộng sản và một bên là người Tự do.
Người Cộng sản: thưa giáo sư, ông không nghĩ lịch sử đã chứng tỏ rằng sự phát triển xã hội – hoặc sự biến chuyển xã hội, nếu ông thích gọi như thế hơn – là kết quả của một cuộc xung đột giai cấp không thể tránh khỏi sao?
Người Tự do: Nói một cách chính xác, thì không. Tôi không thấy lịch sử minh chứng bất cứ cái gì, ngoại trừ việc cho thấy cái xảy ra đã xảy ra, hoặc không có cái gì không thể tránh khỏi, ngoại trừ cái đã xảy ra; nhưng cái đã xảy ra thực sự lại là một vấn đề luôn luôn đang nằm trong tình trạng tranh cãi. Khi dùng những từ “chứng tỏ” và “không thể tránh khỏi,” ông đang – như các nhà logic học thường nói – lấy một giả định để làm luận cứ giảo biện (beg the question).
Người Cộng sản: Tôi không nhất thiết phải dùng những từ như thế.
Người Tự do: Vậy thì được. Do đó, tôi đồng ý rằng, nói một cách tổng quát, lịch sử đã củng cố, hoặc có thể được tạo ra để củng cố, học thuyết Mác-xít. Chẳng hạn, vào thời trung cổ, nguồn gốc chủ yếu của sự thịnh vượng chắc chắn là đất đai; và rõ ràng vào thời điểm đó, giới quý tộc sở hữu ruộng đất chính là giai cấp thống trị. Chẳng khó khăn gì để chứng minh rằng phong tục tập quán và các quan niệm chánh trị, xã hội và tôn giáo của thời đó phù hợp với việc duy trì uy thế kinh tế và chánh trị của tầng lớp quý tộc. Tương tự, trong suốt ba thế kỷ qua, đất đai đã dần dần bị thay thế bằng tư bản trong vai trò là nguồn gốc chủ yếu của sự thịnh vượng; và lịch sử của giai đoạn này dễ dàng được coi như là lịch sử của cuộc xung đột giữa các nhà tư bản trung lưu với tầng lớp quý tộc sở hữu đất đai; kết quả là cái trước đã thay thế cái sau để trở thành giai cấp thống trị, đồng thời, vì quyền lợi của nó, đã đưa ra một hệ thống các định chế và quan niệm mới (chánh thể đại nghị, tự do cá nhân, chủ quyền của nhân dân, tự do cạnh tranh) để thay thế cho cái cũ. Vâng, khi giải thích lịch sử một ngàn năm vừa qua của Âu châu, học thuyết Mác-xít là một học thuyết đã làm điều này một cách sáng tỏ nhất.
Người Cộng sản: Chỉ sáng tỏ thôi ư? Ông có thể phủ nhận việc nó là một sự giải thích thuyết phục và thực tiễn hơn bất cứ một học thuyết nào khác không?
Người Tự do: Tôi có thể dễ dàng phủ nhận điều đó, nhưng tôi không muốn làm như vậy. Chúng ta hãy thừa nhận rằng nó là một sự giải thích thuyết phục nhất. Chẳng những thế, vì các mục đích của cuộc tranh luận này, tôi sẽ chấp thuận rằng nó là một sự giải thích duy nhất có giá trị.
Người Cộng sản: Vậy thì tốt quá. Nếu ông thừa nhận rằng Marx đã giải thích quá khứ một cách chính xác, tại sao lại không thừa nhận ông ta cũng chính xác khi lý giải tương lai? Tại sao không thừa nhận rằng một khi giai cấp tư sản đã thay thế giai cấp quý tộc chủ đất để trở thành giai cấp thống trị, thì giai cấp vô sản, tới phiên nó, cũng sẽ thay thế giai cấp tư sản? Và nếu như thế, lẽ nào lại không hữu lý khi cho rằng các quan niệm tiêu biểu của xã hội hiện tại (chính thể đại nghị, tự do phát biểu, tự do kinh doanh) sẽ nhường chỗ cho những quan niệm khác phù hợp với quyền lợi của giai cấp vô sản?
Người Tự do: Sở dĩ tôi chấp nhận cách giải thích quá khứ của Marx là vì tôi biết điều gì đã xảy ra và tôi có thể kiểm tra nó. Còn khi tôi do dự trong việc chấp nhận sự lý giải của ông ta về tương lai, một phần là vì tôi không biết một cách đích xác điều gì sẽ xảy ra, và phần khác là vì ngay cả có biết đích xác điều sẽ xảy ra đi chăng nữa, tôi cũng không có cách nào kiểm tra điều đó. Tôi sẵn lòng thừa nhận rằng tương lai sẽ, trong một cách thức nào đó có thể được hợp lý hóa theo biến cố vừa nói, có nhiều điểm tương đồng với quá khứ. Cố nhiên, thay đổi là quy luật của cuộc sống, và rõ ràng là các định chế và quan niệm của thế kỷ mười chín, những thứ rất phù hợp với quyền lợi của giai cấp tư sản, sẽ không đáp ứng, nếu không có sự biến cải nào đó, các nhu cầu của xã hội cơ giới phức tạp của thế kỷ hai mươi. Tôi cũng sẵn sàng thừa nhận rằng các định chế và quan niệm của thời đại hiện nay sẽ bị đổi thay sao cho thích hợp nhiều hơn nữa với những quyền lợi kinh tế của người công nhân, của đa số dân chúng, của giai cấp vô sản. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng sự đổi thay vừa kể sẽ xảy ra theo cách mà Marx tiên đoán, hoặc không có nghĩa rằng thành quả của sự đổi thay sẽ là một loại xã hội không tưởng đúng với sự tiên liệu của ông ta.
Người Cộng sản: Xã hội không tưởng! Tôi không hề thấy Marx tiên liệu một xã hội không tưởng nào cả.
Người Tự do: À, vậy thì chúng ta đồng ý rằng ông ta không làm điều đó. Thế thì ông ta đã tiên liệu cái gì?
Người Cộng sản: Ông ta tiên liệu rằng chế độ tư bản, theo bản chất của nó, sẽ tự diệt vong. Bản chất của chế độ tư bản là cạnh tranh không khoan nhượng; do đó, trong bất cứ xã hội kỹ nghệ nào, tài sản luôn luôn có khuynh hướng tập trung cao độ vào bàn tay của một thiểu số, trong khi đa số quần chúng dần dần sẽ bị rơi vào tình trạng của những kẻ nô lệ ăn lương. Khi tiến trình này vươn tới một điểm giới hạn nào đó, toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ như nó hiện đang sụp đổ, bởi vì nó đã tước đoạt phương tiện mua sắm hàng hóa của người dân. Mục tiêu duy nhất của giai cấp tư sản là sản xuất và buôn bán vì lợi nhuận. Khi hệ thống tư bản ngưng hoạt động, nhân dân sẽ, một cách tất yếu, nắm quyền kiểm soát, và vì quyền lợi của chính mình, họ sẽ thiết lập một xã hội không còn giai cấp được đặt nền tảng trên chế độ công hữu tư liệu sản xuất và sự phân phối sản phẩm công bằng hơn. Đây chính là cuộc cách mạng xã hội mà Marx đã tiên đoán, và nó đã bắt đầu ở Nga.
Người Tự do: Ở Nga, vâng. Ở Nga, có nghĩa là không phải ở xã hội đã được kỹ nghệ hóa cao nhất, mà ở một xã hội đã được kỹ nghệ hóa kém nhất. Đây chắc chắn không phải là điều Marx nói.
Người Cộng sản: Không, không phải. Nhưng ông không thể khăng khăng rằng vì tiên đoán của Marx không đúng ở khía cạnh chi tiết, cho nên nó không có giá trị trong đường nét tổng quát của nó. Cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ nhất đã tạo ra một loạt những hoàn cảnh đặc biệt vô cùng thuận lợi cho cuộc cách mạng xã hội ở Nga.
Người Tự do: Rất đúng. Cuộc cách mạng xã hội ấy rõ ràng đã xảy ra ở Nga. Thượng đế, hoặc Chủ nghĩa Duy vật Biện chứng, hoặc bất cứ cái gì làm nên những biến chuyển xã hội, lẽ cố nhiên, đã thực hiện một hành động hết sức kỳ quặc khi đưa cuộc cách mạng xã hội ấy đến nước Nga, trước khi đưa nó đến các quốc gia kỹ nghệ hóa cao hơn như Anh quốc, chẳng hạn. Về phần mình, tôi không nghĩ cuộc cách mạng Nga đã làm được điều gì để chứng thực cho các điều tiên đoán của Marx; đối với tôi, nó chỉ cho thấy rằng ở một đất nước mà trong đó người dân đã quen với việc bị cai trị bởi một chánh phủ độc tài – một đất nước mà nền độc tài đã bị mục rữa và kém cỏi – thì rất dễ thiết lập một nền độc tài theo một hình thức khác. Nhưng thôi, hãy bỏ qua điều này. Sự không sẵn lòng chấp nhận học thuyết Marx của tôi xuất phát từ một yếu tố căn bản hơn nhiều so với biến cố xảy ra ở Nga. Có hai vấn đề khó khăn mà tôi luôn luôn gặp phải. Có lẽ ông sẽ giải quyết chúng giùm tôi. Thứ nhất, vô cùng gian khó trong việc tiên đoán tương lai dựa trên kinh nghiệm quá khứ; hay đúng hơn là rất dễ tìm thấy trong quá khứ những luận cứ củng cố cho các loại tiên đoán về tương lai. Vấn đề khó khăn thứ hai là việc hiểu được lý do tại sao một sự xung đột giai cấp dai dẳng có tính chất kinh tế lại có thể biện minh cho chúng ta trong việc tiên đoán về một xã hội phi giai cấp trong tương lai.
Đối với vấn đề khó khăn thứ nhất, sự hiểu biết ít ỏi của tôi về lịch sử khiến tôi trở nên thận trọng trong bất cứ tiên đoán nào liên quan đến cái hình thái mà các định chế xã hội tạo ra trong tương lai; đặc biệt khi các tiên đoán như thế, những tiên đoán dựa trên một quan điểm thực dụng về quá khứ, lại chấp nhận một quan điểm lý tưởng về tương lai. Trong suốt hai ngàn năm qua, tất cả các vị thánh và các nhà hiền triến trên thế giới này, khi phàn nàn về sự bất hòa và tham lam, về sự nghèo đói và bất công của con người, đều đã trông đợi cái thời điểm mà một xã hội công bằng hơn được thiết lập. Nhiều lần họ đã tiên đoán về sự xuất hiện của một xã hội phi giai cấp, trong đó mọi người đều no đủ; nhưng hàng loạt các biến cố xảy ra đã không bao giờ chứng thực cho những ước vọng của họ. Suy luận khái quát hóa dựa trên sự kiện lịch sử này cũng vững chắc như suy luận khái quát hóa của Marx, và nó còn có những căn cứ rộng rãi hơn nhiều so với Marx. Và nếu phán định tương lai bằng quá khứ, tôi sẽ không tìm thấy lý do chính đáng nào khiến tôi phải từ bỏ suy luận khát quát hóa của tôi để nghe theo cái mà Marx đưa ra. Suy luận của Marx, do đó, dường như đã bác bỏ chính điều tiên đoán của Marx, khi mà ông lý giải quá khứ, rồi dùng đó để phóng chiếu vào tương lai.
Người Cộng sản: Tôi chưa hiểu điều này.
Người Tự do: Có lẽ nó sẽ trở nên rõ ràng nếu tôi nói thêm về vấn đề khó khăn thứ hai mà tôi đã đề cập trước đó. Sự giải thích quá khứ của Marx có tính chất sáng sủa và thực tế; trong khi đó, sự tiên đoán của ông ta về tương lai lại mù mờ và có tính chất lý tưởng. Tôi đã gọi điều đó là không tưởng, nhưng ông lại phản đối từ này. Vậy tôi sẽ không dùng từ ấy nữa. Thậm chí, tôi cũng sẽ từ bỏ cả từ “lý tưởng.” Nhưng vấn đề là như vầy: Marx nhận thấy rằng trong quá khứ, động lực hữu hiệu đã định đoạt sự thay đổi xã hội chính là sự xung đột giai cấp có tính chất kinh tế. Marx chỉ ra rằng xung đột này đã giải thích sự xuất hiện của xã hội tư bản hiện nay. Rất đúng. Vậy nếu như tôi dùng sự lý giải này để tiên đoán các biến chuyển xã hội trong tương lai, thì nó sẽ nói cho tôi biết điều gì? Câu trả lời dường như là trong tương lai sẽ có cái mà đã từng hiện hữu trong quá khứ – một cuộc xung đột giai cấp bất tận, một sự thay thế bất tận giai cấp cai trị này bằng giai cấp cai trị khác, một sự cải biến bất tận các định chế và quan niệm phù hợp với các biến động xã hội do xung đột giai cấp tạo ra. Nhưng đây không phải là cái mà Marx tiên đoán. Cái ông ta tiên đoán là sự cáo chung của xung đột giai cấp, sự thiết lập một xã hội phi giai cấp. Cái mà ông và ông ta đang đòi hỏi tôi phải chấp thuận là một sự giải thích lịch sử mà sẽ chỉ có thể biện giải nó (lịch sử) đến một mức độ nào đó. Marx đã phê phán Hegel về nhược điểm này. Hegel giải thích lịch sử quá khứ như là một sự chuyển biến chịu tác động bởi Tư tưởng Siêu nghiệm (Transcendent Idea) khi nó tự ý thức về chính nó trong các biến cố thực tế của lịch sử; theo Hegel, mục tiêu quan trọng của lịch sử là sự nhận thức hoàn toàn về Tư tưởng qua hình thức Tự do, và mục tiêu quan trọng này, trong ý nghĩa nào đó, đã từng đạt được ở nước Phổ. Marx muốn biết điều mà Tư tưởng Siêu nghiệm có thể tìm ra để thực hiện trong tương lai, vì nó đã được nhận thức hoàn toàn. Đó là một phê phán xác đáng. Giờ thì vấn đề khó khăn của tôi là muốn biết Marx đã hoàn thiện Hegel như thế nào. Chắc chắn Marx không nói rằng mục tiêu quan trọng của lịch sử đã đạt được. Ông ta nói xung đột giai cấp về kinh tế sẽ làm nảy sinh một cuộc cách mạng xã hội. Nhưng sau cuộc cách mạng xã hội đó, sẽ là cái gì? Cái gì sẽ xảy đến cho sự xung đột giai cấp về kinh tế, sau khi cuộc cách mạng nói trên đã thiết lập một xã hội phi giai cấp? Tôi thấy chẳng có gì khác hơn Tư tưởng Siêu nghiệm của Hegel. Một quy luật lịch sử — cái mà tại một thời điểm quyết định nào đó không còn lý giải lịch sử — một quy luật lịch sử — cái mà được đòi hỏi, tại một khoảng khắc thích hợp nào đó, phải mổ bụng tự sát ngay tại ngưỡng cửa của lý tưởng – chắc chắn sẽ bỏ lại một điều gì đó cho người ta khát khao.
Người Cộng sản: À, đó là một quan niệm. Nhưng thưa giáo sư, ông thực sự biết rõ rằng mục tiêu này đã từng được chú ý trước đây, và hiện có một giải pháp tốt đẹp cho nó. Marx không mù đến nổi không nhìn thấy nó. Làm sao có thể như vậy được, khi ông đã chỉ ra chính cái điểm yếu đó trong triết học sử quan của Hegel.
Người Tự do: Tôi sẽ rất sung sướng nếu biết được Marx đã tránh điểm khó khăn đó như thế nào.
Người Cộng sản: Tôi chắc rằng Marx đã hoàn toàn tránh được điểm này. Nhưng giáo sư phải để cho các môn đồ của Marx diễn giải chi tiết triết học Marx dưới ánh sáng kinh nghiệm sau đó của họ. Ông không phản đối chứ?
Người Tự do: Hoàn toàn không. Chúng ta cần phải thảo luận về chủ nghĩa Marx một cách rốt ráo và bằng mọi phương cách có thể có, khi mà hiện nay nó đang được diễn dịch bởi các nhà phê phán chuyên nghiệp nhất.
Người Cộng sản: Rất tốt. Theo một người giải thích chủ nghĩa Marx gần đây, lịch sử có thể lý giải bằng biện chứng pháp về sự biến đổi, theo đó các mâu thuẫn chỉ có thể được giải quyết trong một hợp đề (synthesis) cao hơn. Mâu thuẫn này không nhất thiết phải là mâu thuẫn giai cấp về kinh tế. Sau khi xã hội phi giai cấp được thiết lập, sự mâu thuẫn vẫn hiện hữu, nhưng ở một mức độ khác. Theo giáo sư Sidney Hook, một nhà lý giải Marx, biện chứng pháp trong một xã hội cộng sản phi giai cấp sẽ không, “về phương diện lịch sử, bị điều kiện hóa trong cùng một ý nghĩa” giống như trong các thời đại trước đó. “Nó sẽ tìm được cách thể hiện trên một bình diện cao hơn. Mặc dầu không ai có thể nói trước các hình thái cụ thể mà nó sẽ biểu hiện, nhưng rõ ràng là địa hạt tác động của nó sẽ có tính cách cá nhân.” Nói cách khác, khi đã giải quyết vấn đề kinh tế bằng cách thiết lập một xã hội phi giai cấp, con người sẽ bị chi phối bằng các vấn đề tinh thần cao hơn về sự phát triển của chính mình.
Người Tự do: Tôi phải thú nhận rằng đây là điều khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Ít phút trước đây, ông không cho phép tôi dùng thuật ngữ “không tưởng” để chỉ xã hội tương lai mà Marx đã tiên đoán; vậy mà giờ đây, đối với tôi, điều ông vừa nói xem ra lại rất giống với tất cả các xã hội không tưởng mà tôi từng nghe nói đến. Trong suốt chiều dài của quá khứ, con người luôn luôn dính vào những xung đột bạo tàn để giành lấy các lợi ích vật chất; nhưng rồi sự xung đột bạo tàn này, bằng cách nào đó, sẽ mang lại một xã hội phi giai cấp, trong đó con người đột nhiên thay đổi bản chất của mình để hiến thân cho những điều cao cả của cuộc đời. Thuyết duy vật biện chứng sẽ bị thay thế bằng cái mà chúng ta có thể gọi là thuyết duy linh biện chứng, hoặc nói bằng một ngôn ngữ dễ hiểu, mọi mâu thuẫn sẽ chấm dứt trên bình diện kinh tế, để tiếp tục diễn ra trên bình diện tinh thần.
Có thể nói như vầy: nếu nó xảy ra như thế, thì nó thật là tuyệt diệu. Tôi chỉ muốn nói rõ rằng đây chính là điều mọi nhà tiên tri duy tâm trên thế giới không ngừng mong mỏi xảy ra. Đây chính là điều các nhà tiên tri thuở ban đầu của nền dân chủ đã tiên đoán. Đây cũng chính là điều tất cả những người theo trường phái tự do nhân văn hằng ước vọng. Nhưng cái tôi không thể hiểu là làm cách nào triết học Marx có thể khiến chúng tôi hy vọng vào điều đó. Tôi nghĩ rằng nguyên lý căn bản của triết học Marx là phẩm hạnh con người luôn luôn bị điều kiện hóa một cách khắt khe; và nếu phẩm hạnh của họ, trong quá khứ, đã bị điều kiện hóa bởi mâu thuẫn giai cấp về kinh tế, thì tại sao nó lại không bị điều kiện hóa như thế trong tương lai?
Người Cộng sản: Vấn đề khó khăn của ông này sinh từ một giả định sai lầm – một giả định do nhiều nhà phê bình có thái độ thù địch với Marx tạo ra. Giả định đó nói rằng Marx chấp nhận thuyết tất định máy móc (mechanistic determinism) của thế kỷ mười chín. Sự thật không phải như vậy. Marx luôn luôn nói rằng “con người làm nên lịch sử của chính mình.” Anh ta mang cái mới lạ vào các điều kiện định đoạt hành vi của chính anh ta. Marx nói rõ: “Bằng cách tác động đến ngoại giới, con người đã làm thay đổi bản chất của mình.” Điều này có nghĩa là con người có khả năng, thông qua sự hiểu biết, cải tạo hoàn cảnh sống của anh ta, và do đó sẽ làm giảm bớt sự lệ thuộc vào hoàn cảnh sống ấy. Vì thế, hoàn toàn có khả năng là con người, trong một thời gian rất dài, sẽ lệ thuộc một cách mù quáng vào tầm chi phối của mâu thuẫn giai cấp về kinh tế — một thời gian rất dài, nhưng không nhất thiết phải là mãi mãi; do đó, sau khi đã ý thức được rằng trong quá khứ, mình đã tùy thuộc vào sự mâu thuẫn giai cấp về kinh tế, con người sẽ, trong tương lai, không còn lệ thuộc vào điều đó, ngay cả khi anh ta đã từng lệ thuộc vào nó. Việc ý thức rằng hành vi của anh ta bị định đoạt bởi mâu thuẫn giai cấp về kinh tế sẽ trở thành một yếu tố mới trong các điều kiện định đoạt hành vi của anh ta, và vì thế sẽ làm thay đổi các điều kiện sẽ định đoạt hành vi của anh ta trong tương lai. Có thể nói rằng mục đích cao cả của Marx nằm ở điều sau đây: làm cho con người ý thức được những điều kiện đã tạo nên các cuộc cách mạng xã hội trong quá khứ, để cho trong cuộc cách mạng xã hội sắp tới, anh ta có thể điêu khiển nó một cách có ý thức, khi ý thức được những gì đang diễn ra. Một lần nữa, xin trích dẫn giáo sư Sidney Hook: “Một khi con người kiểm soát được những điều kiện của đời sống xã hội, anh ta sẽ có thể, một cách có ý thức, làm thay đổi bản chất của mình bằng một ý chí tự do có tính cách tinh thần, trái ngược với con người trong quá khứ, những kẻ mà bản chất của họ bị thay đổi một cách vô thức bởi ý chí được định đoạt bằng các yếu tố kinh tế của các giai cấp kinh tế.”
Người Tự do: Tôi biết; ít nhất là tôi cũng nghĩ như vậy, bất chấp cách nói có tính cách học thuật khá mơ hồ của giáo sư Hook. Nhưng tôi cho rằng điều mà nó sẽ đi đến là như vầy. Trong thế giới vật chất, một quy luật nào đó luôn luôn có tác dụng mãi mãi, bởi vì vật thể không ý thức được, đồng thời chẳng màng đến, điều gì đang diễn ra. Một quả bi-da (xin được dùng một thí dụ cổ điển) không hề muốn thay đổi bản chất của nó. Nhưng con người thì lại luôn luôn ý thức được, đồng thời không hề không màng đến, điều gì đang diễn ra. Hành vi của anh ta hoàn toàn bị điều kiện hóa, nhưng khi anh ta trở nên biết được cái gì đang điều kiện hóa hành vi của mình, lập tức sự nhận thức của anh ta sẽ giúp anh ta có những phản ứng khác đi; hành vi của anh ta, lúc đó, không hề bị điều kiện hóa ít hơn trước đây, nhưng sự nhận thức của chính anh ta đã trở thành một yếu tố mới làm phức tạp và thay đổi các điều kiện ấy. Trong một thời gian dài, con người có thể tôn thờ mặt trời; khi họ nhận thức được các tác động khiến anh ta phải thờ phụng mặt trời, thì sự nhận thức này có thể sẽ trở thành một tác lực làm cho anh ta ngưng thờ phụng mặt trời. Sự tự do của ý chí, như Engels nói, không là điều gì khác hơn việc con người biết rằng hành vi của anh ta bị điều kiện hóa.
Marx đã áp dụng rất tốt nguyên lý tự do này vào các biến động hoặc những cuộc cách mạng xã hội trong lịch sử. Các cuộc cách mạng xã hội trong quá khứ đã bị điều kiện hóa bởi sự mâu thuẫn giai cấp về kinh tế. Khi nào con người vẫn chưa ý thức được sự thật này, thì các cuộc cách mạng xã hội vẫn sẽ tiếp tục bị điều kiện hóa bởi mâu thuẫn giai cấp về kinh tế. Nhưng khi con người hoàn toàn ý thức được, thông qua sự khám phá vĩ đại của Marx, rằng các cuộc cách mạng xã hội trong quá khứ đều bị điều kiện hóa bởi mâu thuẫn giai cấp, thì sự ý thức này sẽ giúp anh ta phản ứng khác đi – phản ứng theo cách nào đó để xóa bỏ sự mâu thuẫn giai cấp. Tôi thừa nhận đây chính là cách ông giải thích Marx.
Người Cộng sản: Đúng vậy.
Người Tự do: Vậy thì tôi đồng ý với quan niệm về ý chí tự do này. Đối với tôi, rõ ràng là khi con người đạt được sự hiểu biết về những tác động định đoạt hành vi của anh ta, thì sự hiểu biết này trở thành một tác lực mới có khả năng làm cho anh ta hành động khác đi. Nhưng nếu chấp nhận nguyên lý này, tôi thấy có một điều kỳ lạ như sau: trước thời đại của Marx, có lẽ con người đã không có sự hiểu biết nào về sự thật rằng hành vi của anh ta bị định đoạt bởi mâu thuẫn giai cấp về kinh tế. Tôi tưởng rằng yếu tố về sự nhận thức này lẽ ra đã phải cải tạo những điều kiện định đoạt các biến động xã hội xảy ra từ thời đại của người Neanderthal cho đến nay rồi kia chứ. Tại sao yếu tố nhận thức này lại không hề có một tác động đáng kể nào từ xa xưa cho đến thời đại của Marx? Hẳn Marx phải là một nhân vật vĩ đại hơn những gì tôi nghĩ – một đấng Messiah nào đó, người mà chỉ bằng một hành động duy nhất đã ban tặng cho nhân loại một khám phá trọng đại để biến đổi triệt để các điều kiện định đoạt lịch sử con người. Tôi thấy điều này thật khó tin. Đáng lý ra phải nói như vầy: sự hiểu biết đã từng bước cải tạo các tác lực kinh tế từng định đoạt những biến động xã hội trong quá khứ, và trong tương lai sự hiểu biết xa hơn nữa, sự hiểu biết mà Marx không hề hay biết, sẽ tiếp tục cải tạo những tác lực này theo các cách thức mà Marx không thể mơ tưởng tới.
Nhưng đây chỉ là vấn đề thứ yếu. Chúng ta hãy giả sử rằng cho đến thời của Marx, con người hoàn toàn lệ thuộc một cách mù quáng vào mối xung đột giai cấp về kinh tế, và rằng hiện nay, nhờ vào Marx, họ đang bước trên con đường ý thức được sự thật vừa nói, đồng thời khi ý thức được nó, họ sẵn sàng cải tạo một cách sâu rộng các điều kiện sẽ định đoạt những biến động xã hội. Rồi sao nữa? À, đối với tôi, dường như là sự khám phá trọng đại này của Marx chính là cái làm cho ông ta không thể tiên đoán được đặc tính của cuộc cách mạng xã hội sắp tới. Nếu chúng ta không biết rằng các biến động xã hội đều bị định đoạt bởi sự mâu thuẫn giai cấp về kinh tế, thì cuộc cách mạng xã hội sắp tới có lẽ cũng sẽ bước theo con đường của các cuộc cách mạng trước đây, trong đó không hề xuất hiện một xã hội phi giai cấp nào cả. Nhưng bởi vì chúng ta hiện nay đã biết rằng các cuộc cách mạng xã hội trong quá khứ đều bị quy định bởi mâu thuẫn giai cấp, cho nên sự hiểu biết này, theo Marx, sẽ khiến cuộc cách mạng xã hội sắp tới đi theo một đường hướng khác, trong đó chúng ta có thể hy vọng, nhưng không thể chắc chắn, một xã hội phi giai cấp sẽ xuất hiện. Nói ngắn gọn, một khi Marx làm cho con người nhận thức được sự tác động của mối xung đột giai cấp về kinh tế trong quá khứ, thì đó cũng là lúc ông phá hủy chính các điều kiện có thể giúp ông tiên đoán bản chất của cuộc cách mạng xã hội tương lai. Nếu Marx muốn tiên đoán chính xác bản chất của cuộc cách mạng xã hội sắp tới, có lẽ ông đã không nói cho chúng ta biết cái gì là cái tạo nên các cuộc cách mạng xã hội: bởi vì khi nói ra, bí mật đã bị tiết lộ, do đó không ai có thể tiên đoán được nó. Nhờ Marx, bí mật vĩ đại ấy đã bị tiết lộ, và sự hiểu biết này sẽ giúp chúng ta có thể hình thành cuộc cách mạng xã hội sắp tới khác với cái nó lẽ ra phải là. Triết học Marx trình bày cho các môn đồ một song đề mà họ hoặc là không nhận ra, hoặc là chối từ việc đối diện với nó. Song đề đó là đây: các biến động xã hội luôn luôn được quyết định bởi các điều kiện như nhau, trong đó chúng ta có thể đoan chắc rằng cuộc cách mạng xã hội sắp tới cũng giống với các cuộc cách mạng xã hội trước đó – nó sẽ biến đổi mối xung đột giai cấp hiện tại chỉ để tạo ra các điều kiện sẽ xuất hiện trong một cuộc cách mạng mới nào đó; mặt khác, sự hiểu biết về các điều kiện đã định đoạt các cuộc cách mạng xã hội trong quá khứ sẽ dẫn đến một tác lực mới trong các điều kiện sẽ định đoạt các cuộc cách mạng xã hội trong tương lai, mà trong trường hợp này, chúng ta không cách nào tiên đoán được bản chất của những cuộc cách mạng tương lai ấy. Triết học Marx không biện minh được cho sự quả quyết của người Cộng sản rằng giai cấp vô sản là giai cấp được chọn để thiết lập một xã hội phi giai cấp dựa trên sự sụp đổ của chế độ tư bản hiện nay. Nếu ông diễn dịch Marx dưới hình thức thuyết tất định máy móc, thì sự quả quyết nói trên của người Cộng sản là một ảo tưởng thuần túy; mặt khác, nếu ông diễn dịch Marx dưới hình thức ý chí tự do, thì sự quả quyết ấy chẳng khác gì một ước vọng huy hoàng. Đó là lý do tại sao tôi không thể coi triết học Marx như là một quy luật lịch sử.
Người Cộng sản: Được rồi. Giả sử, vì mục đích tranh luận, rằng sự quả quyết nói trên chỉ là một ước vọng huy hoàng. Chính ông đã nói rằng chế độ tư bản hiện nay cần phải bị thay đổi theo một cách thức nào đó để dung hợp hữu hiệu hơn quyền lợi của đa số dân chúng, tức giai cấp vô sản. Đó chính là điều mà người Cộng sản mong muốn. Vì ông đồng cảm với mục tiêu của họ, đồng thời tin rằng mục tiêu ấy sẽ được thực hiện bằng một biện pháp nào đó, vậy tại sao ông không gia nhập đảng Cộng sản để góp phần thực hiện ước vọng huy hoàng này?
Người Tự do: Tôi không gia nhập đảng Cộng sản, bởi vì tôi không tin vào các phương pháp mà họ đề ra để đạt được mục tiêu này, mặc dầu đồng cảm với ước vọng của họ trong việc tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho đại khối quần chúng. Theo như tôi hiểu, họ tuyên bố rằng không có gì thực sự có giá trị để thực hiện cho đến khi các điều kiện chín muồi cho việc áp dụng biện pháp cách mạng. Khi các điều kiện chín muồi xảy đến, căn cứ theo tấm gương của người Bolshevik ở Nga, họ tiến hành chiếm chính quyền, truất hữu giai cấp tư sản, đàn áp thô bạo sự bày tỏ mọi ý kiến bằng cách độc đoán đánh giá chúng là những ý kiến thù nghịch với lợi ích của giai cấp công nhân.
Tôi không tin vào việc coi võ lực và đàn áp như là phương tiện chủ yếu mang lại đời sống tốt đẹp hơn. Tôi cũng không phải là một người yêu chuộng hòa bình thụ động. Có thể không có chính quyền nào tốt cả, và mọi chính quyền, suy cho cùng, đều dựa trên võ lực. Nhưng tôi tin rằng trắc nghiệm cần thiết về một xã hội văn minh nằm ở chỗ mức độ tin cậy vào sự tranh luận tự do và sự đồng thuận có tính cách tự nguyện mà cơ quan công quyền và luật pháp đạt tới. Việc viện đến võ lực nhằm đạt được sự đồng thuận đôi lúc có thể là hành động cần thiết để ngăn xã hội sa vào tình trạng hỗn loạn thực sự; nhưng việc dùng võ lực thay thế cho thuyết phục chính là sự thú nhận về tình trạng bất lực. Tôi không tin vào khả năng dẹp bỏ sự đàn áp bằng cách đàn áp những kẻ áp bức. Tôi không tin vào tính bất khả sai lầm của bất cứ người nào, hoặc bất cứ nhóm người nào, hoặc bất cứ học thuyết hay giáo thuyết của bất cứ người hoặc nhóm người nào, trừ phi chúng có thể đứng vững trước sự thử thách của việc phê phán và phân tích một cách tự do. Tôi đồng ý với Pascal rằng “suy tư làm nên phẩm hạnh của con người”; do vậy, tôi tin rằng tất cả những thành tựu vĩ đại và có giá trị lâu dài của nền văn minh đều thâu được từ sự hoạt động tự do của trí óc, cái đối lập với, hoặc không liên quan gì tới, việc áp chế cảm xúc của quần chúng và mưu toan dùng quyền uy để cưỡng tạo sự tuân phục trong hành vi và ý kiến. Tôi không tin rằng đã có, hoặc sẽ có, một nền văn minh cao tại bất cứ quốc gia nào, mà trong đó con người bị giới hạn việc diễn tả tư tưởng bởi cơ quan công quyền. Chế độ độc tài là một chế độ già cỗi như sự già cỗi của xã hội Âu châu; và dẫu chế độ độc tài ấy có mang tên Stalin, Mussolini hay Hiler, thì nó không bao giờ trở thành điều gì mới mẻ và đáng được ngưỡng mộ bằng cách che dấu nó dưới lớp áo ý thức hệ mới lạ và huyền ảo. Tôi nhìn nhận nó như một khả thể, theo đó nền văn minh cơ giới, hiện đại và phức tạp của chúng ta có thể nhầm lẫn khi cho rằng một nền độc tài sẽ thay thế chế độ hiện tại; nhưng tôi từ chối góp phần vào việc làm cho nó xảy ra.
Đó là lý do tại sao tôi không gia nhập đảng Cộng sản. Tôi tin rằng những đổi thay sâu rộng trong hệ thống kinh tế và kỹ nghệ của chúng ta là cần thiết; nhưng tôi tin rằng chúng có thể, và tôi hy vọng chúng sẽ, được thực hiện tại đất nước này mà không cần đến một cuộc cách mạng bạo lực, không cần đến một chế độ chuyên chế, không cần đến việc xóa bỏ niềm tin truyền thống của chúng ta vào sự thảo luận tự do và sự tự do phê phán cơ quan công quyền, phê phán các biện pháp mà nó đưa ra để giải quyết các căn bệnh xã hội. Và theo triết học Marx, như ông dẫn giải, không có gì là bất hợp lý khi tôi chọn lập trường này. Theo như ông nói, vì rằng Marx đã làm cho chúng ta ý thức được tác lực của mâu thuẫn giai cấp về kinh tế trong quá khứ, cho nên chính sự ý thức ấy sẽ khiến chúng ta có thể làm chủ và cải tạo mối xung đột giai cấp trong tương lai. Tôi đồng ý. Nhưng tại sao nhất thiết phải cho rằng sự hiểu biết mà Marx mang đến cho chúng ta lại là vật sở hữu duy nhất của giai cấp vô sản? Suy cho cùng, người tư sản cũng có chút thông minh nào đó chứ. Họ có thể đọc Marx, hoặc ít nhất, đọc Sidney Hook. Họ có thể quan sát điều đã xảy ra ở Nga, ở Ý, ở Đức. Họ cũng có thể hiểu rằng chế độ tư bản cạnh tranh đang đi trên con đường tự hủy. Học thuyết Marx nói với tôi rằng nhà tư bản, giống như người vô sản, đều bị tác động bởi quyền lợi giai cấp về kinh tế của họ; học thuyết ấy không nói với tôi rằng họ, cũng chẳng khác gì người vô sản, mãi mãi phải chịu sự tác động của một ảo tưởng mù quáng liên quan đến cái mà quyền lợi ấy là. Cho đến nay, quyền lợi của giai cấp tư sản rõ ràng không phải là việc đại khối quần chúng sẽ tồn tại mà không cần đến phương tiện mua sắm hàng hóa mà giai cấp tư sản đã sản xuất ra để bán. Vẫn có khả năng rằng hệ thống tư bản tại đất nước này, khi bị lệ thuộc vào áp lực của nhu cầu kinh tế và sức mạnh của tình trạng bất mãn nơi công chúng, sẽ có thể, bằng một tiến trình hòa bình hợp lý, được chuyển đổi thành một hệ thống kinh tế kế hoạch và hợp tác nào đó – chứ không phải là một xã hội không tưởng – nhưng ít nhất đó phải là một hệ thống có thể hoạt động tốt đẹp. Và một hệ thống có thể hoạt động tốt đẹp mà có khả năng bảo tồn giá trị tự do truyền thống của chúng ta đối với quyền thảo luận và phê phán sẽ, theo tôi, cao đẹp hơn bất cứ hệ thống nào được thiết lập bằng các hành động đàn áp theo kiểu chế độ Cộng sản của Nga, chế độ Phát-xít của Ý, hay chế độ Quốc xã của Đức.
Người Cộng sản: Một hệ thống có thể hoạt động tốt đẹp. Điều này hiển nhiên cũng mù mờ như cái xã hội lý tưởng của Marx trong tương lai mà ông vừa chế giễu. Rõ ràng, một hệ thống có thể hoạt động tốt đẹp là cái mà ông thích hơn, so với cái mà ông không thích như nhà nước Cộng sản Nga, chẳng hạn.
Người Tự do: Đúng vậy. Nhưng ông phải cho phép tôi thích một hệ thống hoạt động tốt đẹp mà tôi thích, hơn một hệ thống hoạt động tốt đẹp mà tôi không thích chứ. Ông hầu như không thể trông mong tôi trở thành người Cộng sản cho tới khi nào tôi được thuyết phục rằng chế độ cộng sản đáng chuộng hơn chế độ mà tôi đang sống.
Người Cộng sản: Nhưng ông đã thừa nhận rằng cái “hệ thống hoạt động tốt đẹp” mà ông hy vọng sẽ được thiết lập có thể không thiết lập được – nghĩa là hệ thống hiện nay có thể bị kết thúc bằng một chế độ độc tài. Điều tôi nghĩ đến sau đây là một kết quả có nhiều khả năng xảy ra hơn. Có lẽ rốt cuộc giai cấp tư sản, khi phải đối diện với sức mạnh ngày càng tăng của giai cấp vô sản, sẽ dùng đến võ lực, như nó đã từng dùng ở Ý và Đức. Khi đó, nếu phải chọn lựa giữa việc ủng hộ một nền chuyên chế của giai cấp vô sản và một nền độc tài của giai cấp tư sản, ông sẽ làm gì? Điều gì sẽ xảy đến cho tự do ngôn luận và hành động thuyết phục kẻ khác? Ông đồng cảm với các mục tiêu của người Cộng sản, mà đến khi đó ông vẫn không gia nhập hàng ngũ của họ sao? Tại sao phải đợi đến khi đó? Tại sao ngay bây giở, không đứng về phe chắc chắn sẽ chiến thắng, bởi vì phe đó đồng hành với xu hướng ưu thắng của các lực lượng xã hội?
Người Tự do: Tôi không hề thừa nhận rằng chủ nghĩa Cộng sản tất yếu đồng hành với xu hướng ưu thắng của các lực lượng xã hội. Tôi thấy rằng khi nó phù hợp với lập luận của ông, thì ông, cũng như hầu hết những người Cộng sản, đều viện đến một học thuyết tất định có tính chất định mệnh, cái khiến cho cuộc cách mạng cộng sản trở nên tất yếu phải xảy ra, bất chấp người ta làm gì đối với nó; nhưng khi lập luận của ông đòi hỏi phải có một học thuyết khác, ông liền thừa nhận rằng cuộc cách mạng xã hội ấy có thể được dẫn dắt và làm chủ bởi các mục đích có ý thức của con người. Ông cần phải thực sự chấp nhận một học thuyết này, hoặc một học thuyết khác, và hãy trung thành với cái mình chọn lựa. Nhưng chẳng sao cả. Cứ chấp nhận một hoặc cả hai học thuyết, nếu ông thích thế. Trong mỗi trường hợp, tôi đều không thấy bất cứ lý do hợp lý nào để đứng chung với người Cộng sản. Nếu cuộc cách mạng cộng sản là điều không thể tránh khỏi, bất chấp người ta làm gì đối với nó, vậy tại sao phải làm gì? Tại sao phải đứng về phe nó, khi mà ông đã biết trước rằng nó sẽ tất thắng? Nhưng nếu cuộc cách mạng cộng sản không phải là điều không thể tránh khỏi, vậy thì người vô sản có thể làm cái gì đó để thúc giục nó xảy ra, và tương tự như vậy, người tư sản cũng có thể làm cái gì đó để trì hoãn nó. Và trong trường hợp này, tại sao tôi phải gia nhập hàng ngũ của người Cộng sản? Tôi là một giáo sư; và người Cộng sản không bao giờ ngưng nói với tôi rằng giáo sư là một tầng lớp ủng hộ chế độ tư bản, bởi ông ta làm như vậy là vì quyền lợi của chính ông ta. Giả dụ tôi sẽ là người Mác-xít đủ tốt để chấp nhận một học thuyết nói rằng mọi hành động của con người đều bị thúc đẩy bởi quyền lợi kinh tế của giai cấp họ. Vậy khi đó, nếu các quyền lợi kinh tế của tôi đều gắn chặt với chế độ tư bản, và nếu tôi có thể làm gì đó để trì hoãn cuộc cách mạng cộng sản, thì tôi sẽ là, theo Marx, một tên ngu ngốc nhân văn chủ nghĩa đáng thương, kẻ đã từ bỏ giai cấp của mình để phục vụ cho một cuộc cách mạng mà, nếu thành công, sẽ đàn áp tôi một cách không thương xót. Một mặt, triết học Marx dạy tôi rằng cuộc cách mạng cộng sản là điều tất yếu xảy ra, và trong trường hợp này, tôi đành cam chịu; mặt khác, triết học Marx cũng dạy tôi rằng cuộc cách mạng cộng sản ấy có thể được thúc đẩy hoặc bị trì hoãn bởi những nỗ lực có ý thức của con người, trong trường hợp này, tôi sẽ gắn bó với giai cấp của mình để làm bất cứ cái gì có thể trì hoãn nó. Trong mỗi trường hợp nói trên, tôi vui mừng vì biết rằng hành vi của tôi đều được đặt trên nền tảng vững chắc của triết học sử quan của Marx.
Ông phải hiểu đây là những chọn lựa được mở ra một cách hợp lý cho tôi căn cứ trên giả định rằng tôi chấp nhận triết học sử quan của Marx. Nhưng đời sống lại không đơn giản như logic. Trong logic học, ông có thể đưa cho tôi xem những chọn lựa rõ ràng, dứt khoát. Ông có thể hỏi liệu tôi sẽ “chọn” việc ủng hộ nền độc tài vô sản hay nền độc tài tư sản, như thể hai phe tranh đấu này đang bày binh bố trận trên chiến trường và tôi được yêu cầu phải bước ra để chọn một phe. Trong cuộc sống thực tế, dường như tôi chưa gặp phải những lựa chọn giản đơn hay đầy tính sắp xếp kịch tính như thế. Khi bỏ phiếu cho ông Roosevelt (nếu tôi có bỏ phiếu cho ông ta – bây giờ tôi không nhớ chắc điều đó), tôi đã thực hiện một sự chọn lựa, mà không hề biết chắc (cũng như ông Roosevelt vậy) điều gì sẽ xảy đến sau đó. Giờ đây, tôi đang “ủng hộ” chánh quyền Roosevelt, và có khả năng đến năm 1936, tôi sẽ bỏ phiếu để ông Roosevelt tái đắc cử. Điều này lẽ nào lại có nghĩa rằng tôi đang “chọn lựa” ủng hộ một chế độ Phát-xít hơn là một chế độ cộng sản? Những người cộng sản triệt để, khi biết điều tôi đang làm, liền nói: Giải pháp Mới (The New Deal) rõ ràng là một dạng biện pháp Phát-xít kiểu Mỹ. Nhưng tôi đủ chất phác để không ý thức được mình đã thực hiện một chọn lựa giữa cộng sản và phát-xít. Và tôi rất hạnh phúc khi điều đó thực sự là như vậy. Tôi không thích bị đặt trước một sự lựa chọn rạch ròi giữa một bên là độc tài vô sản và một bên là độc tài tư sản. Tôi thiên về cách nói: “Sự nguyền rũa dành cho cả hai phía!” Tôi nhận thấy Mussolini cũng đáng kinh tởm như Stalin; và Hitler còn hơn thế nữa.
Người Cộng sản: Mọi thứ ông nói đều rất hay, nhưng dù sao thì một cuộc cách mạng thực sự là một điều không thể không xảy ra. Rất nhiều người Nga có thể bảo đảm với ông rằng sự chọn lựa mà ông không thích đã được đặt ra cho họ một cách rạch ròi và đầy kịch tính. Nếu nó cũng được đặt ra một cách tương tự tại đất nước này, dẫu ông có căm ghét nó đến đâu đi nữa, thì dường như đối với tôi, ông cũng sẽ phải chọn phe này hoặc phe kia.
Người Tự do: Không nhất thiết phải như vậy. Vẫn còn có một khả năng khác.
Người Cộng sản: Khả năng đó là gì?
Người Tự do: Tôi vẫn có thể từ chối việc gia nhập cả phe này lẫn phe kia. Tôi sẽ nhất mực tin vào sự phù phiếm của hành động bày tỏ niềm tin của mình vào những phẩm tính cao đẹp của sự thuyết phục.
Người Cộng sản: Ông có thể sẽ nhận lãnh những hậu quả nghiêm trọng vì điều này. Ông có thể bị đàn áp
Người Tự do: Đúng vậy. Nhưng tôi sẽ chấp nhận các hậu quả đó. Tôi sẽ chọn việc bị đàn áp, còn hơn là ủng hộ cái mà tôi phản đối. Nói tóm lại, tôi có thể, giống như việc lùi về nơi trú ẩn cuối cùng nào đó để lánh khỏi những hành động xuẩn động, trở thành người Thiên Chúa giáo và làm theo câu châm ngôn: thà chịu đựng điều ác, chứ không thể làm điều ác.
Người Cộng sản: Ông đang dựa vào một loại chủ nghĩa lý tưởng còn huyễn hoặc hơn cả Marx, và tôi nhận thấy rằng điều đó chẳng đưa ông đi đến đâu cả.
Người Tự do: Tôi đoan chắc không phải như thế. Nhưng, như tôi đã nói, tôi là giáo sư, và giáo sư, theo một câu cách ngôn của người Đức, là “người phải biết nghĩ khác”: nếu ông ta không được phép ngôn luận tự do, thì khi đó ông ta mới không thể đi đến đâu.
Carl Becker – Cao Hùng Lynh dịch
Nguồn: The World of Ideas: Essays for Study, Michael W. Alssid và William Kenney biên soạn, Holt, Rinehart and Winston, Inc. xuất bản, 1964.