Chuyên gia hàng đầu về Biển Đông Carl Thayer nhận định việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về đảo Hải Nam có hai mục tiêu, gồm ngăn Việt Nam kiện ra tòa quốc tế và ngăn Việt Nam bắt tay với các nước khác.
Việc Trung Quốc điều giàn khoan 981 ra Biển Đông xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và gây trở ngại cho tiến trình đàm phán giải quyết tranh chấp. Ảnh: Chinanews.
Trao đổi với VnExpress, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi Hoàng Sa là vì nước này muốn tránh những rủi ro khi duy trì hơn một trăm tàu thuyền trong lúc cơn bão Rammasun (Thần Sấm) đang đi vào Biển Đông. Khi đưa giàn khoan vào đặt trái phép hồi tháng 5, phía Trung Quốc nói nó sẽ hoạt động đến 15/8.
“Giàn khoan Hải Dương 981 sẽ trở lại Biển Đông sau mùa bão. Câu hỏi chính là họ đặt ở đâu”, ông Thayer nhấn mạnh. “Trung Quốc đóng các giàn khoan dầu để tìm dầu khí và sẽ sử dụng nó để khai thác cho nền kinh tế nước này”.
Với việc dời giàn khoan, Trung Quốc không cần triển khai các tàu thuyền ở khu vực này nữa. Việt Nam cũng không cần duy trì tàu của Cảnh sát biển và Kiểm ngư. Như vậy là cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ chấm dứt, ông Thayer lập luận.
Quyết định dịch chuyển giàn khoan của Trung Quốc phản ánh tính toán của Bắc Kinh, đó là hoàn thành các hoạt động của giàn khoan trước mùa bão và không buộc hoạt động của Hải Dương 981 với một cam kết vô hạn. Tuy nhiên giàn khoan này sẽ được tiếp tục sử dụng như một vũ khí của Trung Quốc để “tiếp tục cuộc tấn công về chính trị”, ông phân tích.
Theo giáo sư, sau khi giàn khoan dời đi, một lúc nào đó, Trung Quốc và Việt Nam sẽ bắt đầu những thảo luận tìm cách cải thiện quan hệ song phương. Điều này có thể đồng nghĩa với khả năng Việt Nam sẽ kiềm chế không kiện Trung Quốc nữa, và cũng sẽ kiềm chế trong hợp tác với Mỹ và Nhật Bản.
“Nói cách khác, động thái dịch chuyển giàn khoan của Trung Quốc sẽ giúp nước này biện hộ rằng tranh chấp ở Biển Đông chỉ liên quan đến hai nước và loại trừ sự tham gia của bất kỳ nước bên ngoài nào”, Thayer cho biết.
Hành động của Trung Quốc cũng được lên kế hoạch để chặn trước những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh trong việc đưa vấn đề căng thẳng ở Biển Đông ra Diễn đàn An ninh Khu vực ARF tháng tới tại Myanmar.
Đánh giá về dài hạn, ông Thayer cho rằng, Trung Quốc không từ bỏ tham vọng kiểm soát Biển Đông trong phạm vi đường chín đoạn. Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục các hoạt động khai hoang như đang làm ở Trường Sa, và tăng cường áp lực với Philippines.
Trung Quốc có thời gian cho đến nửa đầu năm 2016, khi Tòa án Trọng tài, nơi tiếp nhận vụ kiện của Philippines, dự kiến đưa ra phán quyết. Trung Quốc có mưu toan củng cố sự hiện diện của họ ở Biển Đông nhiều hết mức có thể trước thời điểm đó.
Giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc đêm qua bắt đầu di chuyển từ vị trí đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam về phía đảo Hải Nam. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay ra thông cáo xác nhận việc giàn khoan Hải Dương 981 hoàn tất hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa và dịch chuyển về một dự án mới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm nay yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương 981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào khu vực thuộc vùng biển của Việt Nam, được quy định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Ông Bình một lần nữa khẳng định hoạt động của giàn khoan 981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc trong hơn hai tháng qua là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế.
Từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 5, nhiều nước đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, ủng hộ lập trường của Việt Nam.
Trong chuyến công du của Thủ tướng Việt Nam tới Manila hồi tháng 5, chính phủ Philippines cho biết kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm. Philippines cũng ủng hộ Việt Nam cân nhắc việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì những hành động xâm phạm chủ quyền.
Trong Diễn đàn an ninh khu vực Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố dành sự ủng hộ tối đa cho Đông Nam Á, nơi Việt Nam và một số nước đang có tranh chấp chủ quyền biển với Trung Quốc, nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Nhật Bản sẽ cấp các tàu tuần tra cho Việt Nam vào đầu năm sau, đồng thời giúp đỡ đào tạo và chia sẻ thông tin với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.
Hôm 10/7, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết về Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và lực lượng hàng hải liên quan khỏi Hoàng Sa. Các nghị sĩ Mỹ cũng đề nghị Trung Quốc kiềm chế các hoạt động hàng hải trái với Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển, và trở về nguyên trạng như trước ngày 1/5.
Việt Anh
Trung Quốc Rút giàn khoan HD981 Ra Khỏi Vùng Biển Việt Nam
Tối hôm qua, 15 tháng 7 Trung quốc tuyên bố chính thức rút giàn khoan HD 981 ra khỏi đảo Tri Tôn thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Tân Hoa Xã dẫn lời ông Hồng Lỗi người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết việc rút giàn khoan do đã “hoàn thành tác nghiệp” sau khi đã thu một số dữ liệu về địa chất. Giàn khoan được rút về đảo Hải Nam.
Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng việc rút giàn khoan hòan toàn nằm trong kế hoạch và không bị bất cứ một yếu tố nào từ bên ngoài.
Động thái này ngay lập tức được phản ứng tích cực từ nhà nước Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương các cơ quan chức năng, cơ quan thực thi pháp luật trên biển đã biểu thị thái độ và trách nhiệm cao, trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền Việt Nam.
Cùng lúc người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình lên tiếng yêu cầu Trung Quốc không tái diễn đem giàn khoan vào vùng biển Việt Nam trái phép một lần nữa để bảo đảm an ninh trên biển Đông.
Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng việc rút giàn khoan nằm trong kế hoạch xác định sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ công an cho biết Việt Nam cần phải cảnh giác đối với Trung Quốc vì họ sẽ tiếp tục mang các giàn khoan khác vào Biển Đông để thử xem phản ứng của Việt Nam trước khi có những bước tiến mới nhằm chiếm cứ vùng biển này.
Theo nhiều chuyên gia quốc tế cùng cho rằng Trung Quốc đem giàn khoan vào trong lúc biển lặng và mang nó ra lúc bão tố nhằm thực hiện kế hoạch chứng tỏ sự hiện diện thường xuyên của họ tại các vùng biển tranh chấp. Việc rút giàn khoan đã được Trung Quốc công bố từ khi bắt đầu và hôm nay họ rút ra chỉ vì bão tới sớm hơn dự kiến.
Theo tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn của Việt Nam thì bão Rammasun tức Thần Sấm đang tiến vào vùng biển có giàn khoan HD 981 với sức gió giật lên tới cấp 17.