Trung Quốc không đối đầu trực diện với Mỹ, nhưng sẽ tìm các cách loại trừ sự can dự của Washington và cáo buộc ngược các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: CSIS
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, trao đổi với VnExpress về những động thái mới của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây và dự báo diễn biến sắp tới.
– Vì sao quan chức Trung Quốc và truyền thông nước này từ đầu năm liên tục công khai hoạt động cũng như mục đích cải tạo các đá ở Trường Sa?
– Trung Quốc bắt đầu các hoạt động cải tạo ở Biển Đông năm 2014. Hiện họ đã hoàn thành 4 trong số 7 thực thể. Họ đang xây dựng cơ sở hạ tầng và các thiết bị ở 4 đảo nhân tạo này. Trung Quốc đang cho thấy “sự đã rồi” với ASEAN và cộng đồng quốc tế. Ban đầu Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc sử dụng cho mục đích dân sự và sau đó triển khai tàu quân sự khi thích hợp.
Trung Quốc đang cố đón trước bất kỳ phán quyết nào của Tòa án trọng tài quốc tế về vụ kiện của Philippines, chứng minh với các thành viên ASEAN rằng việc phản đối hay chống lại Trung Quốc là vô ích. Cách tiếp cận “đường ray kép” này của Bắc Kinh sẽ được tiếp tục áp dụng để khẳng định quan điểm đàm phán song phương với Philippines và Việt Nam. Trung Quốc cũng sẽ phối hợp với ASEAN để giải quyết vấn đề an ninh ở Biển Đông nhằm loại trừ sự can thiệp của Mỹ.
– Trung Quốc đang đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra Biển Đông, ông có cho rằng họ sẽ hạ đặt trái phép vào vùng biển Việt Nam một lần nữa?
– Trung Quốc sẽ không đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, khu vực chồng lấn với đường 9 đoạn phi lý mà Bắc Kinh đưa ra. Trung Quốc muốn tìm kiếm sự ổn định, nhưng theo luật chơi của họ.
– Ông đánh giá thế nào về kế hoạch Mỹ triển khai tàu và máy bay đến Biển Đông, gần khu vực Trung Quốc đang bồi đắp các đá?
– Dường như chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đáp ứng lá thư hồi tháng 2 của các chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, Hạ viện Mỹ cùng Ủy ban Quân vụ Thượng viện, để tiến đến thực hiện một chiến lược đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ khi lá thư được công bố hồi tháng 3, có một loạt quan chức cấp cao Mỹ công khai chỉ trích Trung Quốc, từ Chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, Chỉ huy Hạm đội châu Á – Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và cả Tổng thống Obama. Một báo cáo bị rò rỉ còn cho thấy Lầu Năm Góc đề nghị các tàu Hải quân Mỹ thực hiện tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý của 7 thực thể mà Trung Quốc đang cải tạo.
Ít nhất, các tàu tuần tra của Hải quân Mỹ sẽ kiềm giữ Trung Quốc, không để họ nhất quyết đòi kiểm soát trên thực tế với khu vực bên ngoài 12 hải lý xung quanh 7 thực thể nói trên. Đây là một nỗ lực lớn nhằm kiềm chế Trung Quốc, tức là: nếu Bắc Kinh khăng khăng, thì Mỹ can dự.
– Trung Quốc sẽ đối phó như thế nào?
– Trung Quốc và Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Obama vào tháng 9 tới khi ông Tập đến thăm Mỹ. Trung Quốc sẽ muốn thử Mỹ nhưng không đi quá xa để gây hại đến cuộc gặp này. Tuy nhiên Bắc Kinh cũng đã hoàn thành việc xây dựng ở 4 trong số 7 đá và đang hướng tới việc củng cố sự hiện diện của mình bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng. Trung Quốc có thể thay đổi nhịp độ các hoạt động xây dựng ở đây. Nhưng với tất cả ý định và mục tiêu của mình, Trung Quốc đã xoay xở xong việc mở rộng các thực thể. Phép thử thực sự là Trung Quốc có muốn thách thức Hải quân Mỹ trên biển và trên không hay không. Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không đối đầu trực diện với Mỹ.
Hành động của Mỹ khiến Trung Quốc bị đặt vào tình thế phải chấp nhận nguyên trạng mới hoặc leo thang bằng cách đưa Hải quân PLAN trực tiếp can dự. Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ đi vào con đường này vì Mỹ có vị trí lợi thế để phản ứng nhanh.
Trung Quốc rất khôn ngoan trong việc tiết chế cách hành xử của mình để phù hợp với các hoàn cảnh. Trung Quốc sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉ đưa đến các tài sản dân sự, chủ yếu là các hàng hóa dùng cho công cộng như dữ liệu thời tiết, các thiết bị tìm kiếm và cứu nạn.
Đáng chú ý, Trung Quốc sẽ cố lôi kéo từng nước ASEAN trong một số hoạt động mang tính biểu tượng để làm giảm vai trò của Mỹ. Phép thử thực sự sẽ đến vào cuộc họp của Nhóm làm việc chung ASEAN – Trung Quốc để thực hiện Các nguyên tắc DOC ở Biển Đông sắp tới. Trung Quốc sẽ phàn nàn và cố gắng thuyết phục các nước ASEAN rằng Mỹ đang gây bất ổn trong khu vực.
– Ông có thể so sánh ý định của Mỹ khi muốn đưa tàu và máy bay vào gần Trường Sa với mục tiêu của họ khi đưa máy bay vào Khu vực nhận dạng Phòng không (ADIZ) Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Hoa Đông năm 2013?
– Mỹ đơn phương thực hiện các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, phản đối bất cứ nước nào cố gắng mở rộng các khu vực của mình vượt ra bên ngoài sự cho phép của Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Mỹ phản ứng với ADIZ là một chuyện khác vì “động” đến các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc cải tạo các đá ở Biển Đông thì ảnh hưởng đến đồng minh của họ là Philippines. Nếu Mỹ khởi đầu việc tuần tra trên biển và trên không, điều đó cho thấy họ hành động nhất quán.
Lực lượng Mỹ tập trận với Philippines tại Biển Đông ngày 21/4. Ảnh: Reuters
– Khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông lớn đến đâu?
– Trung Quốc không muốn đối đầu với Mỹ. Họ không có những tàu chiến lớn được triển khai thường xuyên ở khu vực. Hải quân Mỹ mạnh hơn rất nhiều. Mỹ sẽ không đi quá 12 hải lý và Trung Quốc sẽ tôn trọng điều này, khi tàu Trung Quốc hiếm khi đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý ở Hoa Đông.
Trung Quốc sẽ không tuyên bố ADIZ ở Trường Sa vì họ không có các phương tiện thực hiện. Ngay khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ thì Mỹ sẽ đưa máy bay đến.
– Những khuyến cáo của ông với Việt Nam trong tình hình hiện nay?
– Việt Nam cần phát triển đối thoại về vấn để Biển Đông với Trung Quốc, và tách bạch vấn đề này với các mối quan hệ khác trong bức tranh tổng thể. Việt Nam phải củng cố quan điểm của ASEAN trên hương diện đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc. Việt Nam phải vận động các cường quốc biển cùng can dự và tạo sức ép để Trung Quốc không được quân sự hóa các thực thể mà họ đang bồi đắp.
– Vấn đề Biển Đông sẽ được nêu lên thế nào ở Đối thoại Shangri-la (Hội nghị an ninh cấp cao châu Á Thái Bình Dương) cuối tháng này tại Singapore?
– Tình hình Biển Đông sẽ được nêu lên đặc biệt tại Shangri-la. Mỹ, Nhật và Australia sẽ lớn tiếng nhất. Trung Quốc sẽ phải đối diện với những câu hỏi khó từ các chuyên gia an ninh. Tôi dự đoán các quan chức Trung Quốc sẽ rất hiếu chiến và cố gắng chuyển thảo luận sang việc cáo buộc Philippines xúi giục bất ổn ở Biển Đông. Sẽ rất thú vị khi quan sát xem Trung Quốc thể hiện ở mức độ nào.
Việt Anh