Trà Mi mời quý vị cùng gặp gỡ Andrew Lâm, một nhà văn-nhà báo trẻ người Việt thành danh tại Mỹ từng vinh dự nhận được giải thưởng Ký giả trẻ Xuất sắc của Hội Ký giả Chuyên nghiệp. Anh đã đến rất nhiều quốc gia, kể cả về Việt Nam, để tác nghiệp. Chúng ta hãy nghe anh Lâm kể về sự nghiệp cầm bút và con đường thành công của một ký giả trẻ gốc Việt trong làng báo Hoa Kỳ như thế nào, các bạn nhé.
Andrew Lâm: “Ở Việt Nam có nhiều nhà báo có tài, nhưng họ không có được quyền tự do phát biểu ý kiến. Họ còn bị cái dây xích xiềng vào chân của họ.”
Trà Mi: Andrew Lâm, một cái tên rất quen thuộc, nhất là đối với các đồng nghiệp người Việt ở Mỹ. Trà Mi đã được đọc rất nhiều bài viết của anh mà nay mới có dịp được hân hạnh trò chuyện.
Andrew Lâm: Cảm ơn chị.
Trà Mi: Trước tiên, xin mời anh giới thiệu sơ lược về sự nghiệp của mình một chút. Anh vào nghề từ khi nào, đã cộng tác với các cơ quan truyền thông nào, và trong thời gian bao lâu?
Andrew Lâm: Tôi ngày xưa học ở trường UC Berkeley, tính ra làm bác sĩ, nhưng khi ra trường rồi tôi lại đổi nghề. Cho nên, tôi đi học ở trường San Francisco State về viết văn. Sau đó, tôi được hãng Pacific News Service mời viết báo. Từ đó, tôi viết rất nhiều bài, rồi bắt đầu viết truyện ngắn. Tôi cũng làm bình luận trong chương trình All things considered của đài radio NPR ở Mỹ. Ngoài ra, tôi cũng đi giảng văn ở các trường đại học.
Trà Mi: Hiện giờ công tác của anh như thế nào?
Andrew Lâm: Bây giờ tôi là tổng biên tập của hãng New America Media, đưa các bài báo của các cộng đồng thiểu số tại Hoa Kỳ lên mạng lưới.
Trà Mi: Được biết anh cũng là người đồng sáng lập hãng này, phải không?
Andrew Lâm: Đúng vậy.
Trà Mi: Lúc nãy anh nói khởi sự anh định bước vào nghề bác sĩ nhưng sau đó lại chuyển hướng sang một nghề hoàn toàn khác biệt là viết văn. Cơ duyên nào đưa đẩy anh vào con đường viết lách?
Andrew Lâm: Có thể nói bắt đầu từ một chuyện tình. Lúc tôi học ở trường Berkeley, tôi có một cô bạn gái tôi rất thương. Tôi tính viết văn để nói lên chuyện tình đó, nhưng rồi viết không được vì chuyện tình đó có nhiều chi tiết đau xót, nên mình không viết được. Tuy nhiên, mình bắt đầu viết về những chuyện khác, viết về đời sống của người tị nạn lúc ra khỏi Việt Nam ra sao. Tôi học một lớp viết văn chơi thôi. Thầy tôi nói tôi đừng vô trường y nữa mà hãy trở thành một người viết văn. Sau đó, tôi phải về thưa với ba mẹ rằng tôi sẽ không học bác sĩ nữa. Họ rất đau lòng, nhưng tôi đã tìm được con đường đi riêng của mình. Chủ bút của hãng Pacific News nhận tôi và gửi tôi đi khắp nhiều nơi trên thế giới để viết báo. Ví dụ như họ gửi tôi về Hong Kong để viết về những người tị nạn trong các trại tị nạn ở Hong Kong. Một trong những bài viết của tôi về đề tài này giờ trở thành một câu chuyện rất dài trong quyển sách Perfume Dreams của tôi. Chuyến công tác thứ nhì sau Hong Kong, tôi được gửi về Việt Nam. Lúc đó là năm 1991, Việt Nam mới mở cửa thôi.
Trà Mi: Như anh vừa chia sẻ, anh có kinh nghiệm đi nhiều nơi trên thế giới. Một ký giả với bề dày kinh nghiệm như thế, dĩ nhiên anh cũng sẽ có những sự so sánh khác nhau về những nơi mà anh đã tới. Anh về Việt Nam được bao nhiêu lần rồi?
Andrew Lâm: Chừng 10 đến 12 lần rồi.
Trà Mi: Anh có những ấn tượng hay kỷ niệm nào sâu đậm nhất về những chuyến công tác tại Việt Nam?
Andrew Lâm: Mỗi lần về đều khác nhau. Lúc tôi rời Việt Nam, tôi mới 11 tuổi. Đến năm 1991 khi trở lại Việt Nam lần đầu, tôi rất xúc động.
Trà Mi: Qua mười mấy lần đi về Việt Nam, anh có kỷ niệm hay ấn tượng nào mà anh cảm thấy khó phai nhất so với các chuyến đi tới những nước khác?
Andrew Lâm: Mỗi lần về Việt Nam, tôi thấy Việt Nam thay đổi rất nhiều. Lần tôi dẫn đoàn làm phim của PBS về làm bộ phim tài liệu về tôi, nhan đề “My journey home”, năm 2004, chúng tôi về tới ngôi biệt thự cũ của gia đình tôi trước kia. Tại đó, tôi đã đứng thuật lại câu chuyện thời ấu thơ của tôi. Đó là kỷ niệm cảm động nhất.
Trà Mi: Nói về nghề nghiệp, anh có sự so sánh ra sao giữa nghề làm báo ở Mỹ với những nơi khác, đặc biệt là tại Việt Nam? Có những điểm khác biệt nổi bật nào?
Andrew Lâm: Ở Việt Nam có nhiều nhà báo có tài, nhưng họ không có quyền nói. Tôi đã gặp rất nhiều nhà báo trẻ làm việc cho báo Việt Nam với mức lương rất cao. Có những nhà báo 27-28 tuổi mà lương 8 hoặc 9 trăm đô mỗi tháng, rất cao so với mức lương ở Việt Nam. Họ nói tiếng Anh giỏi và đã được đi tu nghiệp ở nước ngoài. Nhưng họ không có được quyền tự do phát biểu ý kiến.
Trà Mi: Anh muốn nói tới quyền tự do báo chí?
Andrew Lâm: Đúng vậy. Họ có nhiều điều muốn bày tỏ nhưng không nói lên được vì tất cả đều bị kiểm duyệt. Những chuyện chướng mắt họ thấy nhưng họ nói không được. Nhiều khi nói ra bị mất việc luôn. Họ còn bị cái dây xích xiềng vào chân của họ.
Trà Mi: Đó là về môi trường làm việc, còn về tác phong làm việc của ký giả tại Việt Nam so với ký giả ở nước ngoài, cũng như các yêu cầu đòi hỏi đối với người ký giả, anh thấy có gì khác biệt chăng?
Andrew Lâm: Tôi không rõ lắm vì không làm việc với họ thường xuyên. Nhưng có một điều nhà báo ở Mỹ không ai có thể chấp nhận chuyện lấy tiền của các hãng, các công ty để viết tốt về họ. Ngược lại, ở Trung Quốc và Việt Nam, nhà báo được mời tới viết rồi trước khi ra về còn được tặng phong bì lì xì. Tôi thấy chuyện đó rất lạ. Bên Mỹ, nếu đưa tiền kiểu vậy, người viết báo họ nói liền. Cho nên, tôi nhận thấy các nước Á Châu còn thiếu cái gọi là “làm báo độc lập”.
Trà Mi: Từ một cậu bé Việt Nam sang Mỹ tị nạn với nhiều khó khăn của buổi ban đầu tới một ký giả người Mỹ gốc Việt thành danh và thành công trên đất Mỹ. Trong suốt quá trình đó có những bài học nào khó quên trong anh?
Andrew Lâm: Viết văn rất khó, nhưng có chí thì nên. Tôi thấy có nhiều người viết hay nhưng không có ý chí thì đều bỏ việc rất mau. Từ khi tôi chọn nghề viết văn, tôi thấy mình đi đúng con đường. Cho nên, tôi không bao giờ do dự về việc này. Cái khó khăn là kiếm lời văn để viết bài mới cho hay. Đó là cuộc đấu tranh hằng ngày.
Trà Mi: Đồng ý với anh viết văn đã là khó, nhưng viết văn không phải bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình lại càng khó hơn nữa. Có khi nào anh gặp khó khăn trong việc chuyển tải suy nghĩ của mình qua ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ hay không?
Andrew Lâm: Lúc đầu có thể nói là có, nhiều khi mình bị thiếu từ. Nhưng bây giờ mình quen rồi.
Trà Mi: Những bài viết của anh về Việt Nam thiên về kinh tế-xã hội nhiều hơn là các đề tài thời sự nhạy cảm, đúng không?
Andrew Lâm: Có thể nói là tôi viết thiên về văn hóa. Tôi không thích nói chuyện chính trị vì chính trị đi rất chậm. Một đảng vẫn còn một đảng. Thay đổi thì lâu lâu mới có. Còn văn hóa, đời sống thường nhật thay đổi rất mau. Cho nên tôi để ý mảng này hơn.
Trà Mi: Không riêng về lĩnh vực chính trị, nhưng có những đề tài thời sự nhạy cảm tại Việt Nam, vốn là điều thu hút giới ký giả nước ngoài nhiều nhất, nhưng xem ra anh không mặn mà lắm với mảng này. Đây là điều ngẫu nhiên hay là sự lựa chọn của anh?
Andrew Lâm: Cũng tùy, vì tôi để ý tới điều gì thì tôi viết về cái đó. Tháng tư vừa qua tôi có về Việt Nam. Tôi đi chung với hãng PBS quay phim nói về 35 năm sau chiến tranh. Tôi cũng viết về khoảng cách giàu nghèo rất lớn tại Việt Nam. Tóm lại, tôi gặp những gì tôi thấy chướng mắt thì tôi viết về cái đó. Điều tôi để ý nhiều nhất là tình trạng ngày càng có nhiều trẻ em Việt Nam bị buôn bán ra nước ngoài. Có những em bị chính cha mẹ bán nữa.
Trà Mi: Việc lựa chọn đề tài để viết khi tác nghiệp tại Việt Nam thì sao?
Andrew Lâm: Điều éo le là tôi không bao giờ viết ca ngợi cộng sản bao giờ. Mỗi lần tôi xin visa về đều khó khăn. Nhưng mỗi lần đi quay phim thì Bộ Ngoại giao đều gửi người đi theo. Quay cái gì “đụng chạm” thì họ không cho.
Trà Mi: Có khi nào những bài viết của anh gây trở ngại cho anh không?
Andrew Lâm: Không, nhưng nó gây trở ngại cho những người mà tôi viết về. Cho nên, ở Việt Nam nhiều người cũng hơi ngại nói chuyện với nhà báo nước ngoài.
Trà Mi: Nhưng chưa bài viết nào của anh bị chính phủ Việt Nam phàn nàn hay chỉ trích phải không?
Andrew Lâm: Tôi chưa thấy. Có nhiều bài của tôi nhiều khi còn được họ dịch ra tiếng Việt nữa. Chỗ nào họ thấy tôi chỉ trích thì họ cắt ra, còn những chỗ khen thì họ giữ lại.
Trà Mi: Ngoài những bài viết, anh cũng là tác giả của một số tập truyện được đánh giá cao, trong đó phải kể đến cuốn “Perfume Dreams”, tức “Những giấc mơ hương”, và quyển sách mới trình làng nhan đề “East eats West”, tức “Đông ăn Tây”. Hai quyển này dường như có chung một chủ đề về sự khác biệt trong lối sống, cách nghĩ, và sự hội nhập của người Việt di dân tới Mỹ. Điều gì khiến anh tâm đắc về chủ đề này hơn những chủ đề khác, thưa anh?
Andrew Lâm: Cuốn “Perfume Dreams” nói về đời sống của người Việt tại Mỹ ra sao, cái khổ của người di dân trong quá trình định cư như thế nào. Còn “East eats West” cho thấy sau 30 năm định cư ở Mỹ, đời sống của người Việt đã an toàn và phát triển bành trướng đến nỗi thay đổi cả văn hóa của người Mỹ. Trong cuốn này, tôi viết những chuyện như món Phở được người Mỹ giờ ưa chuộng đến nỗi chính người Mỹ còn mở show dạy nấu Phở trên TV nữa. Ngày xưa kiếm chai nước mắm ở Mỹ rất khó. Bây giờ tất cả các tiệm lớn ở Mỹ đều bán nước mắm. Đó là “East eats West”, nói về nước Mỹ bị thay đổi bởi các di dân từ Á Châu qua.
Trà Mi: Từ những tác phẩm của mình, anh muốn nhắn gửi thông điệp gì tới độc giả, nhất là thế hệ trẻ gốc Việt trưởng thành trên đất Mỹ?
Andrew Lâm: Đối với tôi, lớn lên trên xứ Mỹ, lúc nào mình cũng tìm kiếm câu trả lời “Mình là ai?” Và hai cuốn sách của tôi nhằm trả lời câu hỏi đó.
Trà Mi: Khai thác một chủ đề không mới nhưng vẫn lôi cuốn người đọc, bí quyết của anh là gì?
Andrew Lâm: Đó là nói từ trong lòng mình, nói sự thật. Cái xấu của mình, mình cũng phải chấp nhận.
Trà Mi: Là một người Việt ở Mỹ đi vào được dòng chính của giới truyền thông, giới viết văn ở đây và được công nhận bằng những giải thưởng lớn, rõ ràng có nhiều thử thách, không phải ai cũng làm được. Với kinh nghiệm của một ngòi bút thành danh, theo anh, làm thế nào có thể khắc phục được những khó khăn đó?
Andrew Lâm: Bạn phải yêu nghề viết văn.
Trà Mi: Chỉ yêu nghề thôi, có đủ không?
Andrew Lâm: Nếu không yêu chuộng nghề viết văn và không yêu văn, thì đừng viết văn.
Trà Mi: Anh hoạch định con đường phía trước của mình như thế nào? Anh sẽ có những hoạt động gì liên quan tới Việt Nam chăng?
Andrew Lâm: Tôi sẽ có cuốn sách thứ ba và sau đó tôi sẽ viết một tiểu thuyết.
Trà Mi: Hai cuốn sách anh đang dự định đó chủ đề có khác hơn những gì anh đã viết không?
Andrew Lâm: Sẽ đều dính líu đến văn hóa và lối sống của người Việt ở Mỹ.
Trà Mi: Anh có dự định sẽ thực hiện thêm các chuyến tác nghiệp về Việt Nam?
Andrew Lâm: Tôi nghĩ là không, nhưng nếu có công tác mời tôi thì có thể về vào năm 2011. Nhưng nếu được lựa chọn, tôi sẽ sang những nước tôi chưa từng tới.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn anh rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này. Hy vọng trong tương lai, độc giả sẽ tiếp tục đón nhận những bài viết đều tay, sung sức, và đầy thú vị của anh.
Andrew Lâm: Cảm ơn chị nhiều.
Mời các bạn thường xuyên ghé thăm Tạp chí Thanh Niên tại địa chỉ www.voatiengviet.com hoặc trên facebook ở http://www.facebook.com/VOATiengViet để xem những câu chuyện hằng tuần về giới trẻ người Việt khắp nơi và giao lưu, chia sẻ ý kiến với các độc giả VOA trong và ngoài nước. Hẹn gặp lại các bạn trong một đề tài mới vào giờ này, tuần sau.
Trà Mi [Nguồn: VOA | Washington DC Thứ Ba, 05 tháng 4 2011]