Như vậy, những nền tảng thực hành cho một tác phẩm cổ điển như về luật bố cục, cách sử dụng màu sắc, cách bảo quản,… có còn được coi trọng ở hội hoạ hiên đại? Và những gì về kỹ thuật được các hoạ sĩ hiên đại đưa thêm vào và nâng cao hơn?
Trịnh Cung: Tuỳ theo trường phái mà hoạ sĩ hiện đại theo đuổi, nhiều hay ít của cách vẽ cổ điển vẫn được họ áp dung. Ví dụ như ở tranh của trường phái Hiện Thực,Tân Hiện Thực, Hiện Thực XHCN, Siêu Thực và cả Cực Thực ( hyper realism), thì về tạo hình có ít nhất 70% là kỷ thuật cổ điển, trường phái Ấn Tượng có ít nhất là 50% và số còn lại như Biểu Hiện, Dã Thú có khoảng 20%. Tuy hiện đại nhưng về kỷ thuật sử dụng sơn dầu, luật mầu săc, luật bố cục, các hoạ sĩ ấy rất hiểu biết giá trị của phương pháp cổ điển gốc rễ mà tôn trọng và thừa hưởng. Nhờ thế mà tác phẩm của họ dù có phá cách thế nào vẫn cho thấy vững chắc, cân bằng về mặt thị giác và lâu bền với thời gian.
Hiện thực: William Bouguereau, The Birth of Venus (1879)
Thế thì chỉ mới về hình thức?
Đúng vậy, đừng đùa giỡn với màu vẽ, với bố vẽ và các chất phụ gia ( medium), vì nó được chế tạo từ chất liệu mang nhiều yếu tố hoá chất như acide sắc, đồng, titan, bạc, cobalt,…Nếu không am hiểu về những cấm kỵ khi pha trộn màu, không rửa cọ trước khi pha mầu mới đúng cách … có thể, hay phần chắc là người vẽ sẽ thất vọng sau khi bức tranh vừa vẽ xong, rất đẹp, chỉ vài tháng sau, màu đã xỉn, đục ngầu hoặc xuống sắc, hoặc bị khô nứt. Sau 1975, có nhiều họa sĩ Miền Bắc VN, bây giờ trong số họ có nhiều người đang nổi tiếng, có thời không biết chuẩn bị bố vẽ và không biết cả về tính năng của từng loại màu dầu cũng như chất lượng màu của mỗi hãng sản xuất, họ đã vô tư vẽ bằng sơn dầu do Trung Quốc sản xuất, vẽ xong, ngày hôm sau, ruồi bu ăn sơn làm mặt tranh lỗ chỗ, thậm chí họ dùng vải bố sống mà vẽ trực tiếp, không hề biết làm như thế là bố vải sẽ bị khô rồi mục vì hiệu ứng dầu thấm trực tiếp vào sợi vải bố. Nền tảng là vậy.
Ấn tượng: Auguste Renoir, Dance in the City (1883)
Ở đây, người viết với kinh nghiệm trong nghề cũng khá lâu năm, đồng thời cũng có nhiều cơ hội đi xem tranh bản gốc của các danh hoạ hiện đại tại nhiều bảo tàng ở Pháp, Thuỵ Sĩ, Hoa Kỳ, đã tận mắt thấy được cách vẽ, cách dùng mầu dầu của những Van Gogh, Picasso, Matisse, Miro, Gauguin, Monet, Renoir, Chagall … tất cả, không ai cho thấy một sự cẩu thả nào trong sử dụng màu dầu dù bút pháp của họ rất phóng túng và táo bạo. Tôi muốn nêu ra đây cụ thể trường hợp tranh sơn dầu của một họa sĩ mà được cho là có vấn đề tâm lý, Vincent Van Gogh.
Biểu hiện: Vincent Van Gogh, The Siesta (1889)
Với bút pháp như cuồng phong, cháy bổng hay trĩu nặng tuỳ theo mỗi tâm trạng của ông khi vẽ, từ tĩnh vật đến phong cảnh, từ tự hoạ cho đến những chân dung các nhân vật mà ông gặp trong cuôc đời khốc liệt cô độc triền miên của mình, kỳ lạ thay, tôi cố xem thật gần từng cm vuông của các tranh ông trong giới hạn mà bảo tàng cho phép, không có một lỗi nào về hoà màu, màu thật trong, thật sạch dù chuyển đổi liên tục, dù có vẽ như không có chút cẩn thận nào, dù có vẻ như ông không có dư một khoảnh khắc nào để rửa cọ, như vậy ông phải có rất nhiều cọ sạch để thay mỗi khi càn đổi một tông màu khác, có như thế, màu trong tranh của Vincent Van Gogh đã không những chịu đựng đươc sự tàn phá của thời gian mà vẫn giữ được sự trong và tươi của màu sắc đến ngày hôm nay. Điều này, các hoạ sĩ Việt Nam mắc lỗi khá phổ biến.
Siêu thực: Giorgio de Chirico, Piazza d’Italia (1915)
Còn bố cục thì sao? Đừng tưởng muốn đặt sự vật ở đâu trên canvas cũng được, vì vẽ hiện đại phải chơi kiểu mới, phá cách! Vâng, nhưng chỉ trừ tranh Vô Hình Dung (non-figuratif) và một số tranh Trừu Tượng là ngoại lệ, các tranh hiên đại khác vẫn phải chú ý đến bố cuc. Ngay cả khi một nhà nghệ sĩ nào đó muốn phá cách, chống lại lối bố cục vững chắc thông thường như đặt sự vật đươc vẽ lệch hẳn về một phía của bức tranh thay vì đáng lẽ ra nó phải được đặt ở trung tâm để bảo đảm sự cân đối, sự vửng chắc cho bố cục bức tranh nhầm gây ra sự lạ mắt, sự mới mẻ nơi thị giác người xem. Tuy nhiên, họ không làm vậy hoàn toàn vì như thế bố cục bức tranh sẽ bị sụp đỗ. Ta hãy nhìn vào những khoảng trống còn lại của bức tranh, xem người hoạ sĩ có đặt một object phụ, dù rất nhỏ, ở một nơi nào đó đối lập với mảng vẽ chính? Đó là cách tạo nên sự thăng bằng cho một bố cục chông chênh mà nhà nghệ sĩ đã giải quyết vấn đề về trọng lực đúng một cách tinh tế. Từ đó, các nhà triết học hiện đại gọi đó là thẩm mỹ chông chênh (L’esthétique du choc)
Biểu hiện Trừu tượng: Jackson Pollock, Number 6 (1948)
Vậy, có thể xác định được có 5 điều mới quan trọng nhất mà các hoạ sĩ hiện đại tiền phong đã góp phần làm thay đổi khá nhiều những định chế của nghệ thuật hàn lâm từng được thiết lập từ rất lâu.
1. đa dạng bút pháp, nhiều kỹ thuật tân kỳ như dùng dao vẽ, để lại vết cọ sâu và mạnh, sử dụng đường viền đậm để tạo sự khác biệt giữa các hình thể,…
2. nhiều trường phái nghệ thuật.
3. đưa yếu tố hazard thành ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại.
4. cùng với cá tính nghệ thuật của mỗi họa sĩ, cái đẹp về chất liệu (matière) được đặt lên hàng đầu.
5. tự do sáng tạo.
Bolsa, tháng 10-2015
Trịnh Cung