Bà Võ Thị Hảo (bìa phải) và tiến sĩ Nguyễn Quang A (giữa) trong một cuộc tuần hành ở Hà Nội blog nhinrabonphuong
Qua câu chuyện của đảng cầm quyền và hội nhà văn Việt nam, của các blogger hiện nay bàn về một xã hội Việt nam đương đại.
Bắt đầu là chuyện đảng
Hai tuần lễ đã trôi qua sau khi hội nghị trung ương đảng cộng sản kết thúc, nhưng dư âm của nó vẫn còn để lại trên một số trang blog. Lý do của sự vương vấn đó có lẽ là niềm kỳ vọng lớn lao của nhiều người về một sự đổi thay vào thời gian này sang năm, thời gian mà đảng chính trị duy nhất tại Việt nam được phép hoạt động công bố đường lối chính sách của mình.
Nếu như sau khi hội nghị trung ương kết thúc, người ta bàn tán nhau nhiều về cơ cấu nhân sự và cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các phe nhóm trong đảng, thì tuần qua người ta lại nhắn nhủ đảng cộng sản Việt nam là hãy làm một điều gì đó để có cơ hội tồn tại cùng dân tộc. Đó là kết luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai trong bài viết của ông đăng trên blog Bauxite Việt nam. Ông viết rằng cái kết luận vừa qua của trung ương đảng cộng sản chỉ là một công thức mà không có nội dung, và nếu vài tháng nữa mà họ chẳng làm được điều gì thay đổi sau đại hội 12 của họ thì đảng cộng sản sẽ không còn mang tính chính danh nữa.
Blogger LeAnvi thì lại nhận xét rằng những điều được ông Tổng bí thư đảng phát biểu sau hội nghị trung ương về sự đề phòng, về những nguy hiểm cho đảng của những sự nhũng lạm,… là một bản tổng kết mang tính xúc phạm nhân cách cần phải loại bỏ. Ý của tác giả là nếu một đảng mà có quá nhiều nhiễu nhương như những lời tổng kết của ông Nguyễn Phú Trọng thì nó đã quá tệ hại, làm sao có thể cầm quyền được!
Tiếp theo là Câu chuyện Hội nhà văn Việt nam
Nhưng chuyện được nhiều blogger nhắc đến trong tuần qua lại là việc Hội nhà văn Việt nam khai trừ nhiều nhà văn ra khỏi hội này. Điều trớ trêu là những người này chẳng bao giờ quan tâm đến cái hội của họ, thậm chí có người như nhà văn Phạm Đình Trọng biết đến việc bị… khai trừ của mình qua một nhà báo ở nước ngoài. Trớ trêu hơn nữa là bản án khai trừ của Hội nhà văn Việt nam lại kéo theo tuyên bố ra khỏi hội của hàng chục nhà văn tên tuổi.
Ông Phạm Đình Trọng viết bài Buồn ơi chào mi, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Buồn ơi chào mi của nữ nhà văn Pháp Francoise Sagan về việc từ bỏ một nỗi buồn lý tưởng mà ông đeo đẳng mấy năm nay. Ông nêu quan điểm của mình thế nào là danh hiệu hội nhà văn:
Danh hiệu hội viên, cái thẻ hội viên hội Nhà Văn không làm nên nhà văn. Nhà văn là một nhân cách trong cuộc đời, một trách nhiệm với cuộc sống.
Nhà thơ Ý Nhi, một trong những người ký tên ra khỏi hội nói rằng:
“Nói chung nhà văn làm việc người ta hoàn toàn độc lập chẳng có cái hội nào có thể giúp cho nhà văn viết hay hoặc là một nhà văn bất tài trở thành có tài, điều đó là không có.”
Còn nhà văn Võ Thị Hảo, người vốn có những chính kiến mạnh mẽ, cảnh báo là câu chuyện Hội nhà văn hôm nay không được lặp lại bi kịch Nhân văn giai phẩm hơn nửa thế kỷ trước.
Cũng có những nhà văn biện hộ cho sự tồn tại của Hội nhà văn Việt nam, bằng một lý lẽ khá ngộ nghĩnh, rằng thì là Hội này tồn tại để… Vui là chính. Một blogger là Kinh Thư bình luận:
Ông nhà văn ơi! ông muốn chơi kiểu gì cũng được, trò gì cũng được nhưng ông đừng chơi trên tiền thuế của dân. Với tiền túi của ông, thì ông cứ tha hồ mặc sức. Chứ cái hội mà mấy ông đang chơi đó một năm tiêu tốn tiền của dân bao nhiêu ông có biết không?
Trong xã hội Hậu Cộng sản
Ai cũng biết rằng tất cả các hội đoàn chính thức được hoạt động ở Việt nam hiện nay đều được đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Việt nam. Đảng chỉ đạo hết mọi hoạt động của xã hội.
Có một hoạt động học thuật cũng liên quan đến giới cầm bút trong tuần qua là Hội thảo về ông Nguyễn Đổng Chi, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về văn học dân gian với tác phẩm đồ sộ Chuyện cổ tích Việt nam. Nhưng một câu chuyện bên lề được các blogger ghi nhận là các tờ báo chính thống được chỉ đạo là không được đăng tham luận của nhà văn Nguyên Ngọc, một trong những người tuyên bố từ bỏ hội nhà văn Việt nam, và của chính ông Nguyễn Huệ Chi, người sáng lập trang Bauxite Việt nam và là con trai của học giả quá cố.
Chuyện chỉ đạo tuyệt đối của đảng cộng sản Việt nam cũng chính là điều mấu chốt của cuộc cải cách chính trị tại Việt nam, mà theo nhận định của nhà báo Đoan Trang thì việc cải cách sâu rộng sẽ thách thức chuyện chỉ đạo tuyệt đối đó. Bàn về chuyện lẫn quẩn của cải cách chính trị ở Việt nam, blogger Lê Tuấn Huy viết rằng
Đơn giản là họ vẫn chỉ nói theo ý nghĩa mà họ hiểu hạn hẹp từ con chữ, hoặc vẫn chỉ nói theo cái đã được “Đảng ta” khẳng định, hay theo hướng mà thế lực nào đó trong đảng này muốn lèo lái,
Blogger, Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc nhận định rằng sự cầm quyền tuyệt đối như vậy đang là một thất bại, nhưng những nhà cầm quyền lại thành công ở một chuyện khác:
Ai cũng thấy là chính quyền Việt Nam hiện nay hoàn toàn thất bại trên mặt trận lý luận ngay cả khi chỉ để tự biện hộ cho quyền cai trị của họ. Tuy nhiên, có khi họ lại thành công ở một phương diện khác: làm phân tâm và phân tán dân chúng để ít ai thực sự quan tâm đến đất nước, hoặc nếu quan tâm, thì lại hục hặc gấu ó với nhau về những chuyện không đâu và hậu quả là mọi người đều quên mất thủ phạm chính làm đất nước ngập ngụa trong bế tắc: chính quyền
Và Giáo sư Quốc viết tiếp rằng chính quyền đó đang thực hiện một chế độ cai trị bằng khủng bố:
Bất cứ chế độc tài nào cũng xây dựng quyền lực trên hai nền tảng: tuyên truyền và khủng bố. Công việc tuyên truyền của chính quyền Việt Nam gần đây rõ ràng là đã thất bại: Họ không còn thuyết phục được dân chúng về tính chính nghĩa của họ, đặc biệt trước hai vấn nạn: dân chủ và chủ quyền (đặc biệt ở Biển Đông). Thất bại về tuyên truyền, họ chỉ còn cách duy nhất là gia tăng mức độ khủng bố.
Nhà báo Trung Bảo viết về sự việc nhà hoạt động dân chủ tại Hà nội là Nguyễn Chí Tuyến bị hành hung như sau:
Nếu không nhanh đưa những kẻ đánh anh Nguyễn Chí Tuyến ra trước pháp luật thì những lời đồn đại về việc công an giả dạng côn đồ sẽ càng lan rộng và có nhiều người tin. Thiệt hại về uy tín của ngành công an đối với người dân sẽ là thiệt hại không gì so sánh nổi.
Không thấy nhà cầm quyền lên tiếng về việc một công dân của mình vô cớ bị hành hung như vậy, và gương mặt đầy máu của anh Tuyến trở thành một biểu tượng cho sự đàn áp, xuất hiện thành một phong trào phản kháng trên mạng xã hội.
Blogger Viết từ Sài gòn nhận định rằng cách hành xử nhắm vào những công dân đòi dân chủ như anh Tuyến là một hành động khủng bố trong xã hội …Hậu cộng sản. Blogger này mô tả xã hội đó:
Người đảng viên Cộng sản không còn tin vào thứ chủ nghĩa họ đang theo đuổi hoặc tin rất mơ hồ, vớt vát nhưng họ tin chắc vào mối lợi lộc mà họ đang thụ hưởng nhân danh thứ chủ nghĩa này. Và một thứ chủ nghĩa Cộng sản biến tướng ra đời với đầy đủ tính giễu nhại tổ tông cũng như cắt dán, chắp nối đầy khôi hài trong hoạt động chính trị để thay hình đổi dạng tương ứng với thời đại nó đang sống nhằm duy trì sự tồn tại của một thực thể xác ướp Cộng sản trong dung môi đương đại. Hậu Cộng sản ra đời.
Những người cộng sản cầm quyền không phải là không có nói đến những chuyện xấu trong cái xã hội mà họ điều khiển. Mới đây khi bàn về chuyện chống tham nhũng, người ta đề nghị việc trao giải thưởng. Đáp lại tác giả Văn Quang viết trên blog Dân quyền rằng Người ta chống tham nhũng vì công bằng xã hội, chứ không phải vì tiền.
Nhưng ngược lại, số tiền mà một người buôn ve chai nhặt được và thật thà khai báo thì lại bị nhà cầm quyền giữ lại không có ý trao lại theo như luật qui định. Nhà báo Nguyễn Thông cho rằng điều đó không khuyến khích con người làm chuyện tử tế.
Chuyện tử tế bình thường đó đang rời đi như lời nhà văn Phạm Đình Trọng:
Không chỉ những điều tốt đẹp đang rời bỏ xã hội ta mà cả những điều thông thường, đương nhiên, tất yếu phải có ở một xã hội bình thường, lành mạnh cũng rời bỏ chúng ta như pháp đình phải là nơi ngự trị của công lí nhưng xã hội Việt Nam hôm nay, công lí đã rời bỏ pháp đình. Vì thế sự rời bỏ bất thường này còn nhiều lắm.
Nhận xét về những nhiễu nhương trong luân lý và đạo đức của xã hội Việt nam đương đại, blogger Trần Minh Khôi viết
Chúng ta nói nhiều đến sự xuống cấp của nhân cách và đạo đức trong xã hội Việt Nam. Sự xuống cấp đó đã là một bi kịch. Nhưng điều này còn bi kịch hơn: chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng sự xuống cấp đó chỉ xảy ra với người khác, với ai đó khác ngoài xã hội chứ không xảy ra với chính bản thân mình. Chúng ta cần phải hiểu rằng sự xuống cấp nhân cách và đạo đức xảy ra ngay cái khoảnh khắc mình nói điều mình không nghĩ hoặc nói ngược lại điều mình nghĩ. Thói quen này là sản phẩm trực tiếp của xã hội độc đoán. Và nó lan tỏa vào trong tất cả các mối quan hệ của mỗi cá nhân.
Nhà văn Võ Thị Hảo lên tiếng cho rằng sự xuống cấp đó có nguyên nhân ở chính những người Việt nam:
Người Việt vẫn tự che đậy sự vô cảm của mình bằng câu “im lặng là vàng”, hoặc là “tôi không thích tuyên ngôn”, “tôi không quan tâm đến chính trị” … đó là những câu nói không những lệch lạc mà còn mang tính phản động – tức phản lại tiến bộ xã hội và sự minh bạch, che đậy sự hèn mà thôi. Thật đáng tiếc.
Tự hỏi về cái tính … phản động …đó của người Việt xin mượn lời nhà văn Dạ Ngân:
Chúng ta đã làm gì chính ta và con cái ta và đất nước này?
Và hai câu thơ của nhà báo kỳ cựu Lê Phú Khải:
“Tôi có quyền gì lên xe xuống ngựa
Khi gót chân nhân dân nứt nẻ bụi đường”.
Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-05-18