Ferdinand de Saussure[1] và Roman Jakobson[2] đã nhận định rằng phép ẩn dụ (metaphor) và phép hoán dụ (metonymy) dẫn tới cơ cấu song hành thích ứng để kết tạo thể thức thi ca. Trên trục ẩn dụ, một tín hiệu được dùng để thay thế cho một tín hiệu khác, căn cứ vào sự lựa chọn (selection) tương tự giữa hai tín hiệu. Những từ ngữ như “lửa tình”, “trồng cây si”, “bị bỏ bùa”, “yêu như điên” v.v. đều là những tín hiệu tương tự, có thể được lựa chọn, thay thế nhau biểu thức xúc cảm mạnh mẽ của tình yêu cuồng nhiệt, say, mê. Còn trên trục hoán dụ, một tín hiệu được tiếp nối với tín hiệu khác để khuếch xung ý nghĩa trong thể kết hợp (combination): ý nghĩa “tình yêu” được biểu hiệu toàn bộ bằng sự kết hợp của “thư tình”, “lời của hoa”, “hẹn hò”, “ghen tuông”, “nhớ nhung”, “nhẫn cưới”, “tơ hồng” v.v. Những tín hiệu trên được hoán dụ để bổ xung ý nghĩa toàn diện của tình cảm đó. Như vậy, cơ cấu ẩn dụ và hoán dụ có tác dụng thắt dệt những mối liên hệ mật thiết để tạo thêm chất liệu và chiều sâu cho thi ca.
Tranh sơn dầu Lưu Nguyễn Đạt [oil enamel on luan panels]
Thơ Du Tử Lê cũng được kết tạo theo cơ cấu ẩn dụ và hoán dụ. Trước hết không gian và thời gian của thi tập Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra [3] không còn là những hiện tượng biệt lập, khách quan, bất di bất dịch, có thể khẳng định một cách rõ rệt. Không gian và thời gian đã mất hẳn giá trị tuyệt đối của nó mà chỉ còn là những mối liên hệ mật thiết với đời sống biến động, bấp bênh, bất trắc. Ngoại cảnh và nội tâm đã thẩm thấu trào lực, xuyên giao vị trí trong một thế hiện sinh song hành. Trung tâm điểm của từng đơn vị hiện sinh đó đã bị lay động, xóa nhòa, sẵn sàng chuyển hướng tới những bờ cõi xa lạ, mà dị biệt đôi khi đã biến thể, qua hai trục ẩn dụ và hoán dụ, thành một hiện tượng phối diện. Như trong bài “thơ ở thời của những người không tuổi trẻ”:
chúng tôi lớn: vào đời không lựa, chọn
hoa tình cờ nẻ đá mọc hoang mang
suối không mạch; thác không nguồn: chảy ngược
ngón vực ngờ khỏ vỡ trán cô đơn
(cdlh, trg. 15)
Không gian và thời gian đã biến dạng thành những hiện tượng bất bình thường: “suối không mạch; thác không nguồn; chảy ngược”. Những nghịch lý này được dùng để ám chỉ một khung cảnh vắng vợi, khô khan, vô tình, như một phá thể tan hoang của đất mẹ mất hẳn mẫu mực, mất hẳn lý tưởng bao bọc, nuôi dưỡng. Mảnh đất đó hoang phế vì Người Mẹ đã thất tung, đã khước từ tình Người ngay trong tế bào và bản chất hiện sinh khiếm khuyết:
đừng xa nhau nữa.
Đừng như mẹ bỏ mặc nghìn đêm tôi tạm dung
(cdlh, trg. 60)
Thời và điểm đã qui tụ thành những mối liên hệ đối nghịch với lòng trời, với thế tuần hoàn thiên nhiên. Thời và điểm đã qui tụ để cưỡng bách thân phận con người, nay bị tước đoạt tự do và quyền chọn lựa sống, chết. Nhưng với một không gian và thời gian đảo ngược, khắc nghiệt như vậy, thân phận con người, dù yếu đuối như thảo mộc, vẫn đủ khí phách vượt thoát trở ngại để vạch đường, sẻ đá sống sót tới ngày nay. “Hoa” trong tâm hồn người thi sĩ là cơ duyên thăng trầm ẩn dụ thay thế kiếp người. “Đá” đã được hoán dụ để tạo thêm bế tắc trên đường đời phản, nghịch. Nhưng cũng để đem lại phép lạ cho sáng tạo qua thách đố và phá thể. Trong cảnh thế đó, thân phận con người đã được nhắc tới dưới nhiều hình thức: lúc chủ động trong ý thức nghịch lý; lúc thụ động như bóng chữ vô hình, vô biên. Đa số những đoạn thơ ngắn, tứ tuyệt, lục bát phá thể đã luân phiên gửi gấm đến những danh xưng như “nguyên sa, đào quý châu, từ công phụng…toàn bò, hùng muỗi…và đỗ quý toàn…và nguyễn ngọc bích…và đỗ hùng và, nga xa v.v.”. Cả trăm “nhân vật” như vậy đã tham dự vào các vị trí khác biệt của cùng một trào lưu song hành. Lúc họ là đồng niên, là những sao ảnh nghiệp-chướng (réduplication existentielle) của nhà thơ Du Tử Lê; lúc họ là những song bào/song thể (jumeaux/doubles) của con người trong thơ. Họ đã bị lôi cuốn như bóng chữ, những dấu hiệu câm nín, vào thời vận và cảnh trí của thi phẩm. Trong những mối liên hệ hiện sinh và sáng tạo đó, họ đã bị không gian và thời gian ẩn dụ và chọn lựa đề cùng đắm đuối hoàn thế nhau làm nhân chứng bất đắc dĩ cho chính cuộc đời mình đang phá thể.
năm mươi tuổi: chúng tôi không tuổi trẻ
thiếu quê hương: – phế bỏ võ công mình
(cdlh, trg. 18)
Theo phân tích phá cách của trường phái “Déconstruction”[4] thì ý nghĩa chứa đựng trong đời sống và ngôn ngữ không hề có một nền tảng rõ rệt, vững chắc, mà trái lại, luôn luôn bấp bênh, thay đổi từ hoàn cảnh này sang thể cách khác. Tư tưởng và ngôn từ chỉ có thể nắm bắt một vài khía cạnh của ý nghĩa ẩn diện, như chỉ ý thức và biểu hiện được ánh sáng trong không gian, khi mặt sau còn là bóng tối. Ý nghĩa toàn diện luôn luôn vượt thoát khỏi tầm tay người chạy theo ý nghĩa tối hậu. Nguồn gốc và tầm vóc của ý nghĩa di tản và biến hóa không ngừng, tạo thành nghi vấn và ngộ nhận căn bản trong cuộc sống: có/không có/tưởng có/chưa có…Đó cũng là nghi vấn và ngộ nhận mà Du Tử Lê đã lồng vào thân phận con người trong cảnh huống trầm bổng của dự phóng “chấm dứt luân hồi” hiện sinh và sáng tạo.
Ở bình diện tư tưởng và văn hóa, muốn dứt điểm phải nắm bắt được dấu điểm ở trạng thái điển hình, rõ rệt. Theo thuyết nhà Phật, khi chúng sinh còn vấp cảnh luân hồi, chưa phá chấp vòng tử sinh để hội nhập cõi Niết Bàn, thì đâu là có, đâu là không, đâu là nhân, đâu là quả ? Khởi đầu ở đâu và chấm dứt ở đâu ? Chấm dứt sau khi khởi đầu hay khởi đầu sau khi chấm dứt ?
để nhìn những người tình ra đi
như nhìn dòng nước chảy
(những dòng nước không có khởi nguồn sẽ lấy đâu là điểm kết thúc ?)
(cdlh, trg. 122)
Sống và yêu, tất cả chỉ là ẩn dụ những trạng thái tạm bợ thay thế lẫn nhau, dịch biến từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Phải chăng đó là cách trì hoãn ngộ giác, trì hoãn đam mê tột đỉnh bằng cách ẩn dụ những khởi đầu-không-khởi-đầu và hoán dụ những “chấm dứt” không-thể-chấm-dứt-được. Sống và yêu là nợ nần, là trần thế, là tạm bợ. Nhưng vì còn nợ đời và lụy tình luân phiên, thay thế lẫn nhau, nên không sao thoát bỏ trần tục, không sao đạt tới mức tuyệt đối của lẽ sống. Chưa ngộ giác thì vẫn chìm đắm trong kiếp nhân quả, trong cảnh thế phân bộ, luân hồi triền miên. Cuộc sống và tư tưởng hiện sinh dứt điểm để luân lưu trong tạm bợ và phiếm diện, nghi vấn và ngờ vực:
tình yêu khắc lên xương nghìn dấu hỏi
ai đi rồi còn giữ lại con người ?
(cdlh, trg. 111)
mỗi trang sách bật lên nghìn dấu hỏi
nguyên không gian chưa chỉ dấu đi, về
(cdlh, trg. 14)
Du Tử Lê, Ink on paper by Nguyễn Trọng Khôi
Riêng về mặt ngôn ngữ, cụm từ “chấm-dứt-luân-hồi” tự nó là một nghịch lý hoặc một nghịch biện. Nó thoang thoáng nhắc tới một công án khó hiểu của vị thiền sư.[5] Công án nêu lên một vấn đề sâu sắc, bí hiểm, khó có thể giải đáp (như “thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?” hoặc ” Các pháp trở về một, một trở về chỗ nào?”) Nghịch lý của ẩn ngữ trong câu hỏi gây thắc mắc, tạo thành nghi vấn và náo loạn tinh thần (“Brainstorming”). Người khán công án “lấy độc trị độc”, sống chết với nghi vấn, sẽ giác ngộ khi phá vỡ được nghi vấn. Nghi vấn càng lớn, giác ngộ càng cao. Vậy nghịch biện “chấm-dứt-luân-hồi” sẽ được khai triển đến mức độ nào trong thi ca Du Tử Lê? Phải chăng biểu ngữ (signifiant/signifier)[6] “chấm/dứt” ám chỉ một tác động kết thúc quyết liệt đưa tới việc “chấm xuống dòng” để sang một giai đoạn mới ? Phải chăng tác động đó cũng được đồng hóa với sự vung tay theo đường dao cắt-đứt-đoạn, mà phân tâm học (psychoanalysis)[7] gọi là “castration”, hoặc “hoạn”, một hiện tượng cắt, bỏ đưa tới đoạn giao, tuyệt tích giang hồ, ngay trong tâm dục:
người ở cùng tôi: mỗi đứt, lìa […]
chấm dứt luân hồi: em bước ra
(cdlh, trg. 36)
Nhưng ý đồ “hoạn” hoặc đoạn giao đó không đen trắng rõ rệt, mà lại xam xám ẩn dụ một nét dao giơ cao “không-cắt-đứt”, khi “chấm dứt” không còn là một tác động vụn vặt, mà lại trở thành một trạng thái vô thường, một dấu hiệu của thay đổi, đổi thay liên tục trong vị trí ghép nối với thành tố “luân hồi”. Dấu hiệu “chấm dứt” đã được “luân hồi” hóa để tái sinh thành những dấu điểm mới, ngược xuôi, xuôi ngược. Dấu điểm “chấm dứt” trước đã được xóa bỏ và thay thế bằng những dấu điểm “chấm dứt” sau, để tái sinh trong vòng dứt-điểm-không-dứt-điểm. Đó là những trạm–cuối và cũng là những trạm–đầu của trạng thái ẩn dụ hiện sinh tạm bợ bên cạnh những hoán dụ sáng tạo, biến chế song song, khác biệt và liên tục. Sống và yêu chỉ còn là những hiện tượng trì hoãn về ý tưởng sống và yêu, trì hoãn bằng cơ thể và cũng bằng tâm thể, qua những mối liên hệ luân phiên trong phiếm diện, trong hư thực, lẫn lộn. Phải chăng huyền thoại “chấm dứt luân hồi: em bước ra” là một công án táo bạo làm người cầu cạnh náo loạn vì mắc mưu nghi vấn bí hiểm do thách đố chính mình đề xướng (đề/sướng)?
Đó cũng là dòng tâm tưởng luôn luôn được trì hoãn để tạo thành hồn thơ bỏ ngỏ trong thi ca Du Tử Lê. Hồn thơ đó đang thay thế cho một dòng đời vừa gần gũi, vừa bao la thành nghi vấn và bí ẩn của câu hỏi không thể trả lời: hồn thơ bỏ ngỏ như mở rộng để ẩn dụ dấu điểm “chấm dứt” của ý niệm chết ngay trong nhịp sống hiện tại:
tôi muốn rủ em dời cư địa ngục
âm cảnh kia: phó bản của dương gian
(cdlh, trg. 76)
Mở rộng để hé nở thành tin tưởng khi thơ hoán dụ nổi nụ sống từ đổ vỡ đầy đọa, từ cõi chết giữa lòng đá hoang vu. Dấu chết và nụ sống vẫn chuyển hóa “luân hồi” thành chông gai đầy đọa, thành ước vọng trần gian. Nghi vấn, ngờ vực và ngộ nhận còn khai triển miên man khi nguồn gốc và mẫu mực, sự thật và chính nghĩa, giáo điều chỉ còn là huyền thoại và mê hoặc, tuyên truyền và cuồng tín, áp lực và bạo động. Ý nghĩa về cuộc sống-chết đuổi bắt nhau vô tận, đến mức độ song hành, trực diện:
khi chết thành ma?
Giờ cũng vậy chỉ như mặt khác tấm gương soi sống đây.
Sống đấy mà đâu hiểu vạn kiếp trong cùng một kiếp thôi
(cdlh, trg. 115)
Ý nghĩa về đời sống không còn hoán dụ, chờ đợi để bổ túc với ý niệm chết chóc, mà đã hoàn toàn ẩn dụ ý niệm này ngay trong hiện tại: sống và chết chỉ là hai mặt sáng và tối của cùng một hiện tượng đồng khởi, luân lưu, thay thế nhau bất kỳ hạn. Nghịch lý và thuần lý, huyền thoại và lịch sử bôi bác, sửa sai lẫn nhau, lôi cuốn, lồng tách nhau, trong thế hội nhập mông lung, muôn hình vạn trạng. Huyền thoại và lịch sử có triển vọng và khả năng thu hút, chiêu dụ, đồng thời cũng có âm mưu và tác dụng ly gián, khai trừ. Nhân loại đầy tràn kỳ vọng và cùng lúc ngột ngạt, trống trải, lạc lõng. Chưa lúc nào hơn lúc này, ngôn ngữ đã trở thành con dao hai lưỡi, vừa chém, vừa ghép; vừa hứa hẹn, vừa bội bạc; vừa bạch hóa, vừa nhị trùng, phản trắc. Ngôn ngữ đã bắt nguồn từ thân phận con người, nên “Chấm-dứt-luân-hồi” trong thi ca Du Tử Lê, cũng như trong hơi thở và dòng tư tưởng hiện tại của nền văn học hải ngoại, là một huyền thoại – một hiện-tại-không-hiện-tại, một quá-khứ-chưa-quá-khứ, trong cảnh huống tự lột xác để khoác lên thân thể mình, lên tư tưởng và ngôn ngữ hiện sinh một tấm da mới-mọc-lại từ một cơ cấu / một cơ thể cũ cằn:
tự lột da mình: ta đỏ tươi
(cdlh, trg. 27)
Du Tử Lê, Ink on paper [sketch] by Nguyễn Trọng Khôi
Đó là thái độ dằn vặt, ray rứt trước việc lựa chọn thái độ hiện sinh căn bản, đôi khi quyết liệt như hiện tượng sống và chết. Du Tử Lê đang mắc kẹt ở thế đứng biên tế đó, trong hành động bất động, tê liệt và bất toại. Với trạng thái dứt điểm không dứt điểm, thân thể và tâm thể Du Tử Lê đang phá cách và biến dạng qua dòng thơ tự “hoạn”, luôn luôn chọn cắt đoạn bằng nét chấm, phẩy, “phạt ngang” (/) … cốt để đoạn giao tư tưởng mình, trì hoãn cuộc gặp gỡ với ý nghĩa tối hậu và đẩy xa giao điểm tương phùng, hạnh ngộ. Đó là cuộc phiêu lưu hồ hải bắt đuổi miệt mài bóng chữ mong manh, mờ ảo, để dấu hiệu đa đoan tung hoành, thay thế lẫn nhau, biến thể thành dòng thi ca của vòng “chấm dứt luân hồi” không-chấm-dứt. Của trào lực tình cờ và tạm bợ. Của tự do tuyệt đỉnh, trong sự thật hiện sinh, đơn độc. Của sáng tạo vô thường, toàn bích:
ngày mai ai cũng là thi sĩ
tìm thấy vầng trăng thật: của mình
(cdlh, trg. 118)
TS. LƯU NGUYỄN ĐẠT
[Bài biên khảo này trích xuất từ Văn Luận,
Lưu Nguyễn Đạt, Nhà Xuất Bản Cỏ Thơm, VA, USA 2000]
CHÚ THÍCH
[1] Ferdinand de Saussure, Course in General Linguistics, London, 1978
[2] Roman Jakobson, Fundamentals of Language, The Hague, 1953; Main Trends in the Science of Language, London, 1973
[3] Du Tử Lê, Chấm Dứt Luân Hồi: Em Bước Ra, Tủ Sách Văn Học Nhân Chứng, 1993.
Trong bài văn luận này, thi phẩm được dẫn giải và ghi tắt là Cdlh với số trang liên hệ.
[4] Jacques Derrrida, Speech and Phenomena, Evanston, Ill., 1973; Of Grammatology, Baltimore, 1976; Writing and Difference, London, 1978; Positions, London, 1981; Ann Jefferson, “Structuralism and Post-Structuralism”, in Moderm Literary Theory: A Comparative Introduction. London, 1982; Christopher Norris, Deconstruction: Theory and Practice, London, 1982 Jonathan Culler, On Deconstruction, London, 1982. Geoffrey Hartman, Deconstruction and Criticism, London, 1979
[5] công án, Nhật ngữ gọi là “koan”, thường được xử dụng trong Thiền môn Zen theo hệ phái Rinzai.
[6] Ferdinand de Saussure, Course in General Linguistics, London, 1978; Xem Roland Barthes, Writing Degree Zero, London, 1967; Elements of Semiology, London, 1967; Mythologies, London, 1972; S/Z, London, 1975; Pleasure of the Text, London, 1976
[7] Sigmund Freud, Introdutory Lectures on Psychoanalysis; The interpretation of Dreams; On Sexualityand the Case Histories, Pelican Freud Library, 1973-86; Terry Eagleton, Literary Theory, Minneapolis, 1996
2 Comments
Ngoc Nhung
The topic is very well documentary, the written collection of opinion makes the subject very interesting to me.
Thank you for posting .
NN
Chu Việt
Hay. Inimitable style. Trí tuệ. Hết ý.