Chế Độ Đất Đai Việt Nam:
Sai Đến Đâu Sửa Đến Đó
“CSVN xem ra chưa sẵn sàng từ bỏ độc quyền về đất đai để chấp nhận cho nó một cuộc cải tổ toàn diện nhằm giải phóng nông dân.”
Hình (giaoduc.net.vn): Hai anh em ông Đoàn Văn Vươn (phải) và Đoàn Văn Quý (trái), nạn nhận của vụ cướp đất tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng
Trong thời gian gần đây người ta bàn cãi rất nhiều về những mưu toan tịch thu đất đai của người dân ở Huyện Cờ Đỏ thuộc tỉnh Cần Thơ và Huyện Tiên Lãng ngoại thành Hải Phòng mà bà Trần Ngọc Sương và ông Đoàn Văn Vươn là hai nạn nhân chính. Trước đây đã có hàng trăm ngàn trường hợp nông dân bị ức hiếp như vậy vì họ đều cùng ở trong cùng cảnh ngộ như Bà Sương hay ông Vươn. Trong nhiều trường hợp hàng trăm dân oan kéo về Hà Nội và Saigon để khiếu kiện về đất đai trong hơn mười năm vừa qua. Một tai nạn này đã gây xúc động mãnh liệt trong nước cũng như ở hải ngoại xẩy ra vào cuối năm 2005 liên quan đến đất đai và bà Phạm Thị Trung Thu là một nạn nhân. Tuyệt vọng vì khiếu kiện đòi nhà đất bị tịch thu tại Đà Lạt không có kết quả, bơ vơ không nơi nương tựa và uất ức vì bị đối sử bất công, Bà Phạm Thị Trung Thu đã ra Hà-Nội tự thiêu ngay tại nhà tiếp dân ở Quận Ba Đình. Bà bị phỏng nặng nhưng được cứu sống [1] và chữa trị bằng một phần tiền của một số người hảo tâm mà Bà không hề quen biết ở nước ngoài gửi về giúp.
Đất đai là một tài nguyên khan hiếm, một tích sản quý giá và là một vấn đề quan trọng liên quan đến tất cả 90 triệu người Việt Nam. Ai cũng cần có một mái nhà trên một mảnh đất để ở. Nhưng đất đai còn là một phương tiện sinh sống thiết yếu của 63 triệu người dân nông thôn. Nhà nước đụng đến đất đai là đụng đến an sinh của cả 90 triệu dân. Gần nửa thế kỷ vừa qua, Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã dùng đất đai và nhà ở làm phương tiện để sách động và kiểm soát dân. Chính sách đất đai và hộ khẩu cũng như cải cách ruộng đất vào giữa thập niên 1950, đều là những thứ vay mượn của Trung Quốc. Chúng đã cản trở việc phát triển đất nước và gây ra không biết bao nhiêu đau thương và bất công trong xã hội.
Chế độ đất đai tại Việt Nam phản ảnh trung thực mưu đồ tối tăm và tầm nhìn thiển cận của cấp lãnh đạo.
Chính sách tập thể hóa đất đai
Trong thời gian chưa nắm được quyền hành, CSVN phát động đấu tranh giai cấp, đấu tố địa chủ, lấy đất chia lại cho dân, “trả ruộng cho người cầy” để lôi kéo nông dân. Đến khi có được quyền hành trong tay, CSVN thâu hồi lại đất đai và bắt dân làm mướn. Chính sách tập thể hóa đất đai kéo dài không được bao lâu vì nông dân chống đối mạnh mẽ, đặc biệt tại miền Nam Việt Nam. Tính đến năm 1986, chỉ có 5.9% nông dân ở đồng bằng Sông Cửu Long, 20% ở miền Đông Nam phần, và 85% ở vùng đất thấp của miền Trung gia nhập các hợp tác xã. Số lượng nông phẩm sản xuất giảm xuống nhanh chóng khiến Việt-Nam bị đe dọa bởi nạn khan hiếm thực phẩm nghiêm trọng. Nạn thiếu đói này làm người ta liên tưởng đến chính sách bắt dân trồng đay thay vì lúa gạo để làm nguyên liệu cho việc sản xuất quân trang, quân phục của quân phiệt Nhật vào năm Ất Dậu 1945. Hậu quả là một triệu dân Việt bị chết đói.
Để giải quyết nạn đói đe dọa, CSVN đã phải nương tay để mặc dân chúng tự sản xuất nông phẩm trên những mảnh đất quanh nhà hay bỏ hoang. Vào năm 1981, CSVN ban hành Chỉ Thị 100, thiết lập hệ thống “khoán sản phẩm” để chính thức hoá tình trạng “xé rào” ở cả hai miền Nam Bắc. Theo chỉ thị này đất đai vẫn thuộc về toàn dân và do nhà nước quản trị, nhưng nông dân được trao cho một số nguyên liệu và được khoán cho làm một số công việc sản xuất trên mảnh đất được nhà nước chỉ định, được trả công trên số giờ làm, và được giữ số lượng nông phẩm thăng dư trên số lượng ấn định phải nộp cho nhà nước. Nhờ vậy số lượng nông phẩm tăng lên.
Chính sách này có nhiều khuyết điểm như tiền công trả cho nông dân không dựa trên lượng và phẩm của nông sản do gia đình nông dân sản xuất. Ngoài ra việc phân phối đất đai không công bằng đã gây ra nhiều kiện tụng. Tuy nhiên Chỉ Thị 100 là bước đầu quan trọng đưa đến những cải tổ rộng lớn với chính sách “Đổi Mới” vào cuối năm 1986. Sau thời điểm này CSVN ban hành nhiều luật đất đai và tu chính nhiều lần khác nhau theo kiểu vá víu “sai đến đâu sửa đến đó”.
Luật Đất Đai 1988
Để giải quyết tình trạng kiện tụng về đất đai mỗi ngày một nghiêm trọng, CSVN đã ban hành luật đất đai lần đầu tiên vào năm 1988 sau khi chiến tranh chấm dứt tại Việt-Nam. Đất được phân phối cho dân chúng sử dụng, nhưng việc mua bán, thuê mướn đất đai, thay đổi mục tiêu sử dụng hoàn toàn bị cấm đoán. Cũng vào năm này, nhà nước ra Nghị Quyết số 10, chính thức hủy bỏ hệ thống sản xuất nông phẩm tập thể.
Luật Đất Đai 1988 có những điểm chính sau đây: 1) Đất đai thuộc quyền sở hữu chung đặt dưới sự quản lý của nhà nước; 2) Nhà nước cho cá thể và các tổ chức thuê đất để sử dụng lâu dài; 3) Người sử dụng đất có thể bán những sản phẩm gặt hái từ miếng đất đã sử dụng; 4) Mua bán đất bị cấm đoán; 5) Tranh chấp về đất đai sẽ được xử theo luật lệ; 6) Đất không được phép cho thuê lại; và 7) Không được thay đổi cách sử dụng đã mô tả.
Luật Đất Đai 1993
Luật đất đai thứ 2 ban hành vào năm 1993. Luật mới tiến bộ hơn, cho phép người sử dụng đất được quyền chuyển nhượng, mua bán, cho thuê, thừa kế hoặc thế chấp. Trong việc áp dụng luật mới năm 1993 có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng khác nhau.[2] Luật Đất Đai 1993 có rất nhiều hạn chế cản trở việc thực hiện các quyền trên. Trước tiên, chính phủ không ban hành bất kỳ sắc lệnh nào giải thích việc áp dụng các quyền này. Thứ 2, luật quy định diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm tối đa mà mỗi hộ miền Nam được phép sử dụng là ba mẫu hectare – ha) còn ở ngoài Bắc là hai mẫu. Đối với đất trồng cây lâu năm, giới hạn tương ứng là 10 mẫu đất đồng bằng và 30 mẫu đất đồi núi. Thứ 3, thời gian sử dụng đất trồng cây hàng năm là 10-15 năm và gia hạn thêm. Thứ 4, cấm chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác. Thứ 5, việc chuyển nhượng đất lâu dài bị hạn chế bởi các trường hợp cụ thể đi ra khỏi vùng, không có khả năng sử dụng mảnh đất riêng) và đòi hỏi phải có giấy phép của chính quyền địa phương. Thứ 6, không cho phép cho thuê hay cho thuê mướn đối với đất trồng cây hàng năm hoặc đất nuôi trồng thủy sản quá ba năm, trừ khi có giấy phép của chính quyền. Thứ 7, việc mua bán trao đổi đất đều phải nộp thuế. Thuế suất áp dụng là 50% giá trị đất nếu là đất trồng lúa của một hộ gia đình sang tên cho một hộ gia đình khác và để trồng các loại cây khác. Thuế suất là 30% trong trường hợp đất xây dựng cơ sở công nghệ.
Luật Đất Đai 1993 đã được tu chính lại hai lần vào năm 1998 và 2001. Tu chính 1998 cho phép khoảng 100,000 mẫu đất nông nghiệp được dùng cho mục tiêu khác mỗi năm.[3] Tình trạng đất đai ngày càng rắc rối với số đơn khiếu nại và kiện cáo ngày càng gia tăng. Mỗi năm riêng Viện Giám Sát Nhân Dân nhận được 5,000-7,000 khiếu nại. Tính đến cuối năm 2003 đã có khoảng 120,000 tranh chấp liên quan đến đất đai.[4] Những biến loạn lớn ở Cao Nguyên Trung Phần đã xẩy ra vào 2001 và 2004 chỉ vài tháng trước khi Luật Đất Đai 2003 bắt đầu có hiệu lực một phần liên quan đến việc xâm chiếm đất đai của đồng bào thiểu số.
Trong một số trường hợp, cuộc tranh chấp về đất đai trở nên sôi nổi khiến dân chúng trở thành hung bạo. Vào cuối năm 1998, dân chúng thuộc làng Thổ Hà thuộc tỉnh Bắc Giang đã dùng liềm, giáo mác, gậy, cuốc, và dao dựa tấn công mãnh liệt và làm bị thương một số viên chức chính quyền khi họ đến viếng thăm một địa điểm được thu hồi từ nông dân để xây sân gôn trong một dự án hợp tác với Daewoo Group của Đại Hàn. Trước đó thỉnh thoảng cũng đã xẩy ra những cuộc xô sát có tính cách bạo lực như vậy. Dân chúng liên hệ chấp nhận đất của họ bị thu hồi nhưng họ đòi hỏi bồi thường hợp lý.[5]
Vào cuối năm 2002 trước khi CSVN họp đại hội, hàng trăm nông dân đã đụng độ với công an tại quận Hoài Đức ở miền bắc của tỉnh Hà Tây, chỉ cách Hà Nội 20 km. Khi nhân viên công lực hợp lực với công nhân dùng võ lực buộc khoảng 190 người thuộc 38 gia đình phải dời khỏi một vùng bị giải tỏa để xây khu công nghiệp, một cuộc xô sát đã xẩy ra. Một số viên chức nhà nước đã bị thương, một chiếc xe hơi bị đập phá. Hai công an và một viên chức bị dân chúng bắt giữ. Tại đại hội đảng, Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh có nhắc nhở các đảng viên rằng những xáo trộn xã hội sẽ gây ra những bất ổn, mặc dù ông không đề cập rõ ràng đến sự kiện ở Hà Tây. Ông phê bình rằng cuộc cải tổ hành chánh tiến hành chậm chạp, tội ác và đồi trụy lan rộng, và ông cũng nhận thấy tình trạng tham nhũng của một số đảng viên và viên chức chính quyền.[6]
Luật Đất Đai 2003
Luật mới này thay thế Luật Đất Đai 1993, những tu chính và bổ túc 1998 và 2001 cũng như những sắc lệnh và nghị định liên hệ và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2004.
Luật 2003 tái xác nhận rằng đất đai không thuộc quyền sở hữu tư nhân mà là của toàn dân do nhà nước quản lý. Nhà nước bao gồm Quốc Hội, Chính Phủ, và Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh và huyện. Luật Đất Đai 2003 có những điểm chính sau đây được giải thích rõ hơn so với luật cũ:
1. Đất được chia ra làm 3 loại: đất nông nghiệp, đất phi-nông nghiệp, và dất bỏ hoang. Trước đây đất được phân làm 6 loại: đất nông trại, đất rừng, đất nông thôn, đất thành thị, đất dùng cho mục đích đặc biệt, và đất hoang). Trong mỗi loại đất lại chia ra nhiều thứ khác nhau tùy theo mục tiêu sử dụng như đất dành cho khu công nghệ, đất dùng cho khu kỹ thuật cao, đất dùng cho khu kinh tế, đất dành xây công sở, v.v.
2. Một điều khoản trong Luật Đất Đai 2003 ấn định về giá đất, hủy bỏ bao cấp, đấu thầu đất, khảo giá bao gồm quyền sử dụng đất, thu hồi đất chậm trễ sử dụng, v.v.
3. Người sử dụng đất có quyền chuyển nhượng, chỉ định, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng, thế chấp, bảo đảm, và góp vốn đối với quyền sử dụng đất.
4. Một số điều khoản nằm trong Luật Đất Đai 2003 quy định quyền lợi và bổn phận của người Việt hải ngoại, các tổ chức và người ngoại quốc đối với việc sử dụng đất tại Việt-Nam. Các công ty tư nhân nội địa được phép cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê mướn lại quyền sử dụng đất dài hạn của mình với sự chấp thuận của cơ quan chính quyền đã cấp quyền sử dụng dất đai cho các công ty tư nhân này và thời hạn cho thuê không được quá hơn thời hạn đã ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai.[7]
Luật Đất Đai 2003 được coi như là một bộ luật tỉ mỉ nhất từ trước đến nay bao gồm 6 chương và 146 điều. Tuy nhiên sau hơn một năm áp dụng Luật Đất Đai 2003 đã để lộ ra một số thiếu sót. Theo Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên và Môi Trường, cơ quan chính phụ trách thanh tra việc thi hành luật đất đai, những khiếu nại của dân chúng là hợp lý và có những lý do khác nhau như số tiền bồi thường quá thấp, xin chứng chỉ khai phá đất khó khăn, v.v. Mặt khác, các toán thanh tra của Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên và Môi Trường báo cáo một than phiền và khiếu nại khác của dân chúng như nhân viên quản lý đất đai thiếu khả năng, trình độ hiểu biết luật kém, một số nhiệm vụ của các cơ quan địa phương trùng hợp nhau, việc cấp phát chứng chỉ sử dụng đất chậm trễ v.v. Ngoài ra việc thi hành luật đất đai rất chậm, đặc biệt đối với những dự án xây cất, kế hoạch sử dụng đất lớn. Trong khi đó việc thu hồi những đất bỏ hoang tiến hành chậm.
Luật Đất Đai 2003 vẫn giữ nguyên hạn chế diện tích dành cho mỗi hộ nông dân như Luật Đất Đai 1993. Điều này có nghĩa là hai mẫu ở miền Bắc và ba mẫu ở miền Nam dành cho cây hàng năm, 10 mẫu đất đồng bằng và 30 mẫu đất đồi núi dành cho cây lâu năm. Nhưng trên thực tế có dân được giao cho sử dụng tới 40 mẫu đất như ở Long An. Ông Võ Quan Huy ở huyện Đức Hòa tích tụ được tới 550 mẫu vì nhờ người đứng tên giùm.[8]
Một điểm quan trọng hơn cả là luật đất đai 2003 vẫn không thừa nhận quyền sở hữu của người dân. CSVN giải thích rằng “Đất đai là kết quả của một quá trình chế ngự thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm của cả dân tộc chứ không của riêng ai. Tách khỏi những điều kiện của nhà nước, của cộng đồng, thì không một cá nhân nào có thể khai phá và giữ gìn bất cứ mảnh đất nào để rồi sau đó nói nó hoàn toàn là của mình. Có chăng, ở đây họ chỉ có công khai phá và sử dụng nó.”[9] Tuy nhiên nguyên nhân sâu sa vẫn là tham vọng độc quyền không thay đổi từ xưa đến nay của CSVN về cả hai mặt chính trị và kinh tế. Với cùng một tư duy thiển cận và phản quốc hại dân này, hơn 10 năm qua CSVN vẫn không dứt khoát cải tổ các xí nghiệp quốc doanh mặc dù đa số những công ty này thua lỗ, phung phí tài nguyên quốc gia, và cũng là nơi nuôi dưỡng bè phái, tham nhũng. Điển hình là trường hợp Tập Đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Việt Nam Vinashin.
Chính vì có những thiếu sót nghiêm trọng sau nhiều lần sửa đổi, Luật Đất Đai 2003 vẫn không làm giảm được sự bất mãn và ngăn chặn được những cuộc khiếu nại tập thể. Vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hà Nội là nơi hàng trăm dân khiếu kiện ở các nơi đổ về tập trung hàng ngày để mong Văn Phòng Tiếp Dân của nhà nước giải quyết nỗi oan ức mất nhà mất đất của họ. Phóng viên Diễm Hương của Đài Tiếng Nước Tôi có mặt tại Hà Nội tường thuật rằng vào cuối năm 2005, những người dân khiếu kiện đã gởi ra hải ngoại một lá thư kêu cứu có 44 người ký tên cùng với 900 gia đình ở thôn Phú Thượng, quận Tây Hồ; Hà Nội, và 560 gia Đình ở xã Lai Vũ, Hải Dương, 100 gia đình ở tỉnh Thái Bình và 200 gia đình ở tỉnh Bắc Giang. Tất cả cũng thường xuyên có mặt tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng.[10]
Trước sự kiện là ngày càng có nhiều biểu tình Ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt-Nam đã phát biểu như sau: “Chế độ dân chủ của chúng ta ngày càng loạn.”[11] Hai năm sau nhà nước Việt Nam ban hành Nghị Định số 38/2005/NĐ-CP vào ngày 18/3/2005 với tựa đề là “Nghị Định Của Chính Phủ Quy Định Một Số Biện Pháp Bảo Đảm Trật Tự Công Cộng” bao gồm những luật lệ ngăn chặn những cuộc biểu tình của dân chúng vì nhiều lý do khác nhau liên quan đến nhà đất, thuế, tham nhũng, nhân quyền và tôn giáo. Thông Tư số Số: 09/2005/TT-BCA của Bộ Công An nêu rõ rằng những cuộc tập trung từ năm người trở lên đều bị cấm.
Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, khoảng 376,000 mẫu trồng lúa đã bị thu hồi làm một triệu nông dân bơ vơ trong khoảng thời gian 2001-2006. Luật Đất Đai 2003 nhắm đơn giản hóa thủ tục làm các các hợp đồng lớn, nhưng cũng lại tăng tốc độ nông dân mất đất. Khoảng 70% của 31,000 đơn khiếu nại trong năm 2007 không được đền bù thỏa đáng.[12]
Chính sách quy hoạch đất đai
Quy hoạch đất đai là lấy đất bỏ hoang hay thu hồi đất do dân chúng đang sử dụng, dời dân đi nơi khác để lấy đất dùng cho các dự án có lợi ích công cộng. Mục tiêu đề ra rất hợp lý, nhưng việc thực thi chính sách này gây ra nhiều kiện tụng và tạo ra căm phẫn trong dân chúng. Hiện tượng này hầu xẩy ra ở khắp 61 tỉnh và thành phố trên toàn quốc.
Luật đất đai có nhiều kẽ hở và mù mờ, nên dễ bị lạm dụng. TS Nguyễn Thanh Giang tại Hà Nội mới đây vừa phát biểu với phóng viên của đài Radio France International RFI) rằng “cái gọi là sở hữu toàn dân là nguồn gốc gây ra nhiều tham nhũng, làm tăng khoảng cách giàu nghèo, làm giảm năng suất nông nghiệp và nói chung là cản trở sự phát triển của đất nước. Thực chất sở hữu toàn dân là gì? Là sở hữu của Nhà nước. Mà sở hữu của Nhà nước là sở hữu của chính phủ. Mà sở hữu của chính phủ là của các quan chức. Cho nên có một thực tế là một giám đốc nhỏ như giám đốc một công ty chế biến cây trồng nông nghiệp đã biếu không 700 hectare đất công ở huyện Bến Cát, Bình Dương. Một ông giám đốc nhỏ như vậy mà có thể biếu 700 hectare đất, vậy thì những ông quan lớn hơn 5, 7 bậc có thể biếu không đến bao nhiêu hectare đất?”[13]
Trường hợp thông thường là dân bị lấy lại đất nhưng không được bồi thường theo giá thị trường hoặc không được đền bù gì cả vì không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất đai. Dân có những trường hợp khiếu nại nghiêm trọng mà nhà nước không giải quyết nhanh chóng. Có trường hợp kiện cáo kéo dài 15 năm rồi mà vẫn chưa kết thúc.[14] Đất bị nhà nước thu hồi, “giải phóng mặt bằng”, rồi được phân lại thành các lô và rao bán lại với giá cao gấp nhiều lần cho những người giầu có để xây biệt thự hay các mục tiêu khác mà “chủ cũ” không đủ điều kiện thực hiện. Một nông dân ở Củ Chi, Trảng Bàng được đền bù 15 triệu đồng US$951) cho một miếng đất rông ½ mẫu. Nhưng giá thị trường gấp 10 lần tức là 150 triệu VNĐ US$9,510). Với một số tiền ít oi như thế, một nông dân không được huấn luyện để có nghề khác, vì nhà nước không có đủ ngân sách, chẳng bao lâu sẽ trở thành kẻ vô sản thuần tuý.[15] Một số nông dân trồng rau ở Đà Lạt bị đuổi ra khỏi khu đất đang sinh sống, xin đất ở nơi khác để tiếp tục sống về nghề trồng rau, nhưng không được chấp thuận. Nhà nước tính đưa số nông dân vào ở trong chung cư. Xưa nay chỉ biết cầm cuốc, cầm sẻng, họ lo sợ vì không biết làm gì khác để sống.
Nguyên nhân của tình trạng quy hoạch hỗn loạn này là do nhà nước không có một chính sách đất đai rõ ràng, không có sự giám sát hữu hiệu và sự lạm dụng địa vị của các quan chức nhà nước ở địa phương cũng như tại trung ương. “Trên bảo dưới không nghe. Địa phương tự tung, tự tác, muốn làm gì thì làm; vượt ra ngoài vòng kiểm soát của chính phủ.”[16] Ngoài ra một số cán bộ kiểm tra việc thi hành luật lại không hiểu rành rẽ về luật lệ đất đai. Các dự án phát triển cần quy hoạch đất đai được soạn thảo một cách thiếu minh bạch. Có những dự án quy hoạch được thiết kế giả tạo để làm tiền dân chúng.
Giải pháp
Việt Nam cần phải gia tăng diện tích đất sử dụng trong nông nghiệp (hạn điền) cho mỗi hộ nông dân để họ có thể cơ giới hóa sản xuất và gia tăng năng suất. Theo ông Nguyễn Tử Cương, Ủy Viên Thường Vụ Trung Ương của Hội Nghề Cá, Việt Nam hiện có 14 triệu hộ nông dân nhưng có tới 70 triệu mảnh đất trên 10 triệu hec ta đất nông nghiệp.[17] Như vậy mỗi mảnh đất trung bình chỉ có 1,429 thước vuông. Trong tình trạng này, phát triển nông nghiệp một cách quy mô không thể thực hiện được một khi Việt Nam muốn phát động một cuộc đổi mới thứ hai.
Quan trọng hơn nữa, thời gian sử dụng đất cần được kéo dài hơn để nông dân yên tâm làm ăn, sẵn sàng bỏ vốn cải thiện đất đai và có đủ thời gian kiếm lời và thu hồi số vốn đã đầu tư. Theo Luật Đất Đai 2003, thời hạn cho thuê đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá hai mươi năm; thời hạn cho thuê đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá năm mươi năm. Việc ấn định thời gian sử dụng đất đai từ 1 – 20 năm thuộc quyền sinh sát của chính quyền địa phương. Những lổ hổng của luật đất đai là những cơ hội giúp cho các quan chức dễ dàng bóc lột dân vô tội vạ một cách hợp pháp. Theo cuộc điều tra của báo Tuổi Trẻ, các xã ven biển của huyện Tiên Lãng, các hộ dân được giao đất với thời hạn khác nhau: từ 4 năm đến 15 năm. Không ai được sử dụng đất đến 20 năm.[18]
Việc cấp bách là nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho dân chúng bị trưng thu ruộng đất và nhà cửa theo giá thị trường. Luật này cần phải có hiệu lực hồi tố đối với những trường hợp trưng thu tài sản từ khi có Luật Đất Đai 1993 đến nay. Dân chúng phải được quyền khiếu nại tại địa phương cũng như tại các cấp cao hơn kể cả trung ương. Trung Ương không thể phủi tay đổ lỗi hết cho địa phương. Những Biện pháp này không những vì lý do công bằng mà còn là cách để ngăn chặn nạn đầu cơ, tham nhũng, bóc lột những kẻ thân cô thế cô và giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của các nạn nhân.
Những biện pháp trên chỉ có tính cách ngắn hạn. Để giải quyết vấn đề đất đai tận gốc, Việt Nam cần phải sửa đổi hiến pháp, trả lại quyền sở hữu đất đai cho người dân. CSVN cần phải học bài học nông trường tập thể và hợp tác xã nông nghiệp để cấp bách kết thúc chính sách “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý”. Một khi có quyền sở hữu đất đai, người dân mới có động lực và tự do để tăng gia sản xuất và phương tiện để vay vốn để phát triển. Nạn tham nhũng đất đai sẽ chấm dứt để người dân nông thôn thấp cổ bé miệng được yên ổn làm ăn.
Theo ông David Brown, một nhà ngoại ngoại giao Hoa Kỳ trước đây phục vụ lâu năm tại vùng Đông Nam Á, nay đã về hưu, nhờ sửa đổi luật đất đai sản lượng nông nghiệp của Việt Nam đã tăng hơn 100% trong khoảng thời 1993-2008 và Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất cảng nông phẩm lớn nhất trên thế giới về gạo, cà phê, hạt điều, hột tiêu và hải sản… Ông Brown nhận xét thêm rằng luật đất đai hiện nay của Việt Nam là một quả bom nổ chậm. Nó sẽ nổ vào năm 2013 [khi thời hạn cho sử dụng đất 20 năm chấm dứt] – nếu không có một cuộc cải tổ căn bản thì những thảm kịch như thứ bất ngờ xẩy đến cho ông Đoàn Văn Vươn sẽ đe dọa một nửa dân số.[19]
Kết luận
Nếu Việt Nam thực hiện một cuộc đổi mới thứ hai, tạo điều kiện dễ dãi cho tư nhân làm ăn, nông dân tự do cầy cẫy, tiềm năng sẵn có sẽ giúp Việt Nam tiến mạnh hơn nữa để dân Việt có cơ hội ngửa mặt lên với thế giới, chứ không còn phải đi bán thân xác và sức lao động ở nước ngoài. Có sức mạnh kinh tế mới có thể có sức mạnh quân sự để bảo vệ giang sơn.
Kể từ ngày ban hành luật đất đai đầu tiên kể từ sau 1975 đến nay đã được 24 năm, một thời gian khá dài. Sự oan ức của dân chúng mỗi ngày một tích lũy nhiều hơn trước sự vô cảm của nhà nước. Tình trạng này đã đưa đến sự chống cự bằng võ lực mới nhất tại Tiên Lãng. Tuy nhiên đây cũng sẽ không phải là phát súng cuối cùng. CSVN xem ra chưa sẵn sàng từ bỏ độc quyền về đất đai để chấp nhận cho nó một cuộc cải tổ toàn diện nhằm giải phóng nông dân, cũng như hiện nay họ cũng chưa sẵn sàng giải phóng những xí nghiệp quốc doanh như tờ tạp chí nổi tiếng trên thế giới The Economist nhận định.[20]
Trong cuộc họp liên bộ tại văn phòng Thủ Tướng ở Hà Nội về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vào chiều 10-02-2012, ông Nguyễn Tấn Dũng nhận định rằng cả việc giao đất và thu hồi đất đối với trường hợp của ông Đoàn Văn Vương đều không làm đúng theo pháp luật. Việc tổ chức thưc hiện cưỡng chế có nhiều sai sót và đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nguyên do là sự yếu kém của chính quyền huyện Tiên Lãng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Huyện Tiên Lãng bị đình chỉ công tác. Thủ tục khởi tố việc phá nhà ông Vươn bắt đầu được tiến hành. UBND Huyện Tiên Lãng không hành động đơn phương. Tuy nhiên không một viên chức nào ở cấp tỉnh bị xử lý. Trái lại họ còn được trao cho trách nhiệm kiểm điểm toàn bộ sự việc. Nói tóm lại Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ phê phán về sự sai trái trong việc thi hành luật lệ đất đai mà không đề cập gì đến nội dung của bộ luật. Nhưng đây mới thật sự là nguồn gốc của những rắc rối làm nông dân mất ăn mất ngủ bấy lâu nay.
Đất nước vẫn sẽ tiếp tục bị kìm hãm bởi những chính sách phi lý của CSVN để không thể vươn lên trừ phi có một sự thức dậy đồng loạt của toàn dân.[21]
Nguyễn Quốc Khải
15-02-2012
Chú thích:
[1] Việt Hùng, “Tình Trạng Hiện Nay Của Bà Phạm Thị Trung Thu Sau Khi Tự Thiêu,” RFA, 12-01-2006.
[2] Rita Liljestrom và các cộng sự , “Thuận lợi và khó khăn của nông thôn Việt Nam: kẻ mất người được trong công cuộc đổi mới”, Curzon Press, United Kingdom: 1998.
[3] Tran Dinh Thanh Lam, “Factories Grabbing Land From Farmers,” Inter Press Service, Ho Chi Minh City: June 3, 2004.
[4] Financial Times Information, “Vietnam’s Legislators Call for Lower Land Prices,” October 28, 2003.
[5] Reuters, “Villagers Attack Vietnam Officials in Land Dispute,” Hanoi, Oct. 21, 1998.
[6] Reuters, “Vietnam Land Dispute Turns Violent As Party Meets,” Hanoi, Nov. 8, 2002.
[7] National Assembly, Socialist Republic of Vietnam, “Law on Land, No. 13-2003-QH11, March 31, 2004.
[8] Q. Vinh – Vân Trường, “Bất Cập Trong Luật Đất Đai,” Tuổi Trẻ, 07-02-2012.
[9] Đỗ Thúy Hường, “Tôi Tìm Hiểu Luật Đất Đai,” 25-03-2008.
[10] Diễm Hương, “Tiếng Kêu Cứu Của Người Dân Khiếu Kiện,” Đài Tiếng Nước Tôi, 14-01-2006.
[11] Deutsche Presse-Agentur, “Land Protest in Vietnam’s Capital,” Hanoi: June 26, 2003.
[12] David Brown, “Vietnam’s Contentious Land Law,” Asia Sentinel, Feb 3, 2012.
[13] Thanh Phương, “Luật Đất Đai Phải Công Nhận Quyền Sở Hữu Tư Nhân,” RFI, 10-01-2012.
[14] Tiền Phong, “Đà Nẵng: Một Vụ Khiếu Kiện 15 Năm Chưa Kết Thúc do UBNDTP Tiền Hâu Bất Nhất,” 10.10.2005.
[15] Tran Đinh Thanh Lam, “Factories Grabbing Land From Farmers,” Inter Press Service, Ho Chi Minh City: June 3, 2004.
[16] Chu Vũ, “Đất Đai: Vấn Đề Nóng Bỏng Hiện Nay ở Việt-Nam,” 16.09.2005.
[17] Nam Nguyên, “Sửa Luật Đất Đai Để Tránh Những Vụ Tiên Lãng,” RFA, 07-02-2012.
[18] Xuân Long – Đức Bình, “Tiên Lãng – Nơi Luật Đất Đai Bị Bóp Méo,” Tuổi Trẻ, 03-02-2012.
[19] David Brown, “Vietnam’s Contentious Land Law,” Asia Sentinel, Feb 3, 2012.
[20] The Economist, “Rulers Pass Up The Chance To Deal With Mounting Economic Problems,” Hanoi, Jan. 6, 2011.
[21] Bài phân tích này một phần dựa vào tài liệu “Chính Sách Đất Đai Tại Việt Nam” của cùng tác giả phổ biến ngày 29-11-2005.