Đề cập đến chữ “danh”, Nguyễn Công Trứ dõng dạc hạ bút:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”
NCT
Thế nào là danh? Danh do đâu mà xuất hiện? Nếu không có Con Người, chữ danh không thể thành hình. Thế nhưng, nếu một người sống đơn độc chốn rừng sâu, núi thẳm, chắc chắn chữ danh cũng không có cơ hội ra đời. Như vậy, danh là hệ quả tất yếu của những ứng xử hai chiều giữa cá nhân và xã hội trên dòng sống chung của loài người. Trên dòng sống chung kia, mỗi cá nhân lại có một dòng đời riêng biệt gọi là phận. Hàng tỷ người có hàng tỷ phận, người nào sống đúng theo phận ổn định của người nấy, đó là chân ý nghĩa của hòa bình thế giới.
Một người có phận là sống với công việc cầm súng bảo vệ quê hương, xã hội đặt tên (nêu danh) cho phận của người này là quân nhân, là sĩ quan, hạ sĩ quan hay binh sĩ… Rõ ràng danh là tên gọi của phận. Danh phải trùng khớp với phận. Danh với phận như hai mặt không thể tách rời của một bàn tay. Nói về các lọai “người tài” trong xã hội, nhà tư tưởng Lý Đông A đưa ra nhận định:
“Nuôi tâm sinh thiên tài
Nuôi trí sinh nhân tài
Nuôi thân sinh nô tài”
Nhận định của Lý Đông A mang hàm ý: Phận là nuôi tâm, danh là thiên tài. Phận là nuôi trí, danh là nhân tài. Phận là nuôi thân, danh là nô tài. Như vậy, nhìn phận, biết danh. Nghe danh, nhận ra phận. Phận nào, danh nấy. Phận ma đi với danh ma. Phận Phật đi với danh Phật. Danh như vậy gọi là chính danh.
Trong thực tế của đời sống không phải lúc nào và ở đâu danh với phận cũng bước với nhau những bước đồng điệu như cặp bài trùng. Rất nhiều khi phận đen, danh trắng. Nói rõ hơn những người không lương hảo thường dùng danh cao quý để che đậy phận tệ hại. Phận là họng súng đẻ ra chính quyền, phận là những cuộc bầu cử gian dối, phận là tham ô kiểu Vinashin làm cả thế giới kinh ngạc, phận là ngoan ngoãn cai trị đất nước theo mệnh lệnh của Đại Hán, phận vừa là hoàng đế tàn độc đối với người dân vừa là tôi tớ hèn mọn đối với ngoại bang … Thế nhưng danh lại là “giới lãnh đạo anh minh và chân chính của Việt Nam”. Danh như vậy là danh giả, danh ngụy.
Phân tích và lượng giá phận là phương pháp chính xác nhất giúp con người xác định được sự khác nhau như ngày với đêm giữa chính danh và ngụy danh. Chính phương pháp phân tích và lượng giá vừa kể đã dẫn chúng ta đi đến kết luận không một chút dè dặt rằng: Nhà đương quyền Hà Nội hiển nhiên là nhà cầm quyền ngụy danh.
Giữa thế giới tràn ngập ngụy danh, công việc tìm kiếm và nhận diện chính danh rất dễ bị lạc đường. Vì vậy, bên cạnh nguyên tắc “chính danh, định phận” còn có lời nhắc nhở : “Danh có chính thì ngôn mới thuận”. Chân lý này dẫn đến định lý nghịch đảo rằng : “Nhà cầm quyền nào có ngôn không thuận, nhà cầm quyền đó ắt phải mang tính ngụy danh”. Con người diễn tả tư tưởng, ý muốn bằng “ngôn”. Ngôn có thể là lời nói, ngôn cũng có thể là cử chỉ, là hành động. Mặt khác, trên địa bàn chính trị, hiểu một cách chung nhất, cốt lõi nhất: “thuận” có nghĩa là người dân đồng ý với nhà cầm quyền, ủng hộ nhà cầm quyền. Dấu hiệu tiên khởi và trọng đại hàng đầu để người dân biểu lộ ý chí thuận kia chính là sự việc người dân được tuyệt đối tự do sử dụng lá phiếu để chọn và ủy nhiệm giới lãnh đạo thay mặt dân điều hành việc nước. Tại Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản, ngoại trừ những cuộc bầu cử gian trá, mọi hình thức bầu cử tự do đều bị triệt để thủ tiêu. CSVN “ngôn” với dân theo kiểu vừa kể, làm gì có sự kiện người dân thuận với nhà đương quyền?
Còn nữa, đảng CSVN do một nhóm tư nhân thành lập, không hề có tư cách pháp lý dành cho giới đại biểu của dân, thế nhưng đảng này lại lấy tiền thuế của dân, lấy tài nguyên của quốc gia để chi trả lương cao, bổng hậu cho đảng viên từ bộ chính trị cho tới các cấp đảng bộ địa phương. CSVN “ngôn” như vậy gọi là ngôn thuận ư?
Còn nữa, ngày 28/08/2011 nhân một cuộc đối thoại về quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc, khi đề cập tới những cuộc biểu tình của nhân dân Việt Nam chống Trung Quốc, ông Nguyễn Chí Vịnh thứ trưởng quốc phòng của CSVN đã cung kính thông báo cho phía Trung Quốc biết: Hà Nội “chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn”. Rõ ràng là ngôn của CSVN chẳng những là ngôn không thuận mà còn là ngôn của tội ác chống dân biểu tình, chống dân yêu nước, chống nhân dân. Có thể nói được rằng lịch sử của đảng CSVN là lịch sử trùng trùng điệp điệp của những ngôn không thuận. Nhà cầm quyền ngôn không thuận hiển nhiên là nhà cầm quyền ngụy danh.
Nói chung lại, “phận đen, danh trắng” và “ngôn không thuận” là hai chỉ dấu của ngụy danh. Đó là công lý hằng cửu. Thế nhưng mới đây công lý hằng cửu kia đã bị xúc phạm bởi một ý kiến kỳ lạ. Ngày 31/10/2011 trên một diễn đàn bạn đọc, GS Lê Xuân Khoa viết: “CHXHCNVN là một thực thể được quốc tế nhìn nhận là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, được ASEAN nhận làm hội viên, được Hoa Kỳ nhìn nhận và tất cả những quốc gia dân chủ khác thiết lập quan hệ hợp tác trên nhiều lãnh vực. Như vậy về mặt bang giao quốc tế, CHXHCNVN là một thực thể pháp lý có tính chính danh”
Bằng vào đoạn văn nêu trên, ông Lê Xuân Khoa đã đưa ra luận cứ: chế độ CSVN đã là một thành viên thực sự của guồng máy bang giao quốc tế. Từ đó CSVN là một thực thể pháp lý có tính chính danh. Cội nguồn quan trọng bậc nhất của luật quốc tế là hiệp ước quốc tế. Khi hai hay nhiều quốc gia ký tên vào một hiệp ước thì hiệp ước kia trở thành luật quốc tế đối với các quốc gia đồng ước. Ngày 30/04/1975, CSVN đã công khai xé bỏ hiệp ước Ba Lê 28/01/1973 trước mắt nhìn vô cảm của toàn thế giới. Lịch sử của bang giao quốc tế cho thấy có rất nhiều hiệp ước đã từ trần theo kiểu hiệp ước Ba Lê 1973. Những trường hợp từ trần kia là bài học dạy cho con người hiểu biết một cách chính xác: luật quốc tế là luật của phản trắc, luật của súng đạn, luật của kẻ mạnh. Bang giao quốc tế diễn ra trên khung sườn của luật quốc tế. Vì vậy bang giao quốc tế là hình thức bang giao nhiều chao đảo nhất, nhiều đổi trắng thay đen nhất. Trong chiến tranh lạnh, Hoa kỳ và Liên Xô nhìn nhận nhau, bang giao mật thiết với nhau. Sau cùng, ngày 25/12/1991 Liên Xô vỡ vụn dưới đôi tay bí ẩn của Hoa Kỳ. Đây là thí dụ điển hình cho thấy: trong bang giao quốc tế, sự việc các quốc gia nhìn nhận lẫn nhau không liên hệ gì đến tính chính danh hay không chính danh của chế độ chính trị.
Nhìn nhận ngoại giao chỉ để trao đổi các quyền lợi kinh tế, tài chánh, tài nguyên thiên nhiên, tin tức tình báo các loai… Nhìn nhận ngoại giao không hề và không thể ban phát tính chính danh cho bất kỳ chế độ chính trị nào. Đây là lý do giải thích tại sao tổ chức Liên Hiệp Quốc lại là nơi chứa chấp đủ loại chế độ chính trị từ dân chủ chân chính đến độc tài tham ô cùng với các chế độ tay sai ngoại bang, phản dân chủ, chống nhân quyền… tất cả đều hiên ngang có mặt trong Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Dĩ nhiên tác giả Lê Xuân Khoa không thể không biết thực chất của bang giao quốc tế, thế nhưng tác giả này vẫn viết: “Về mặt bang giao quốc tế, CHXHCNVN là một thực thể pháp lý có tính chính danh”.
Thế nào là một thực thể pháp lý? Luật quốc nội cũng như luật quốc tế (luật của nay còn, mai mất) không hề có văn bản nào qui định một cá nhân hay tập thể cần phải hội đủ bao nhiêu yếu tố để có thể thủ đắc được một tư cách pháp lý có tên gọi là “thực thể pháp lý”. Xin đừng quên rằng gốc rễ của luật quốc tế là luật quốc gia. Luật chân chính của quốc gia hiển nhiên là luật của công bằng, chính trực, luật của pháp trị (Rule of law). Mỗi khi luật quốc tế gặp khó khăn vì luật thiếu sót hay mơ hồ, xã hội quốc tế phải đi tìm giải pháp thỏa đáng và kịp thời cho quốc tế trong ý niệm pháp trị của luật quốc nội. Hiệp ước quốc tế, án lệ quốc tế, tập quán quốc tế, học lý quốc tế… toàn bộ vận động của luật quốc tế không thể mâu thuẫn với công lý pháp trị trong luật của mỗi quốc gia. Có như vậy Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mới được thượng tôn. Có như vậy nguyên tắc “Dân tộc tính và nhân loại toàn tính thống nhất” (Tư tưởng Lý Đông A) mới được thăng hoa.
Sau khi đã trình bày mối liên hệ biện chứng giữa “chính danh và định phân”, giữa “danh chính” và “ngôn thuận”, sau khi đã bác khước toàn bộ luận cứ lơ mơ và không nghiêm chỉnh của GS Lê Xuân Khoa, bài viết này trân trọng kính gửi đến Bạn Đọc một kết luận ngắn, gọn và dứt khoát: Chế Độ CSVN là chế độ ngụy danh, gọi tắt là ngụy quyền.
Đỗ Thái Nhiên
One Comment
Tran Tue
Bây giờ còn nêu lên vấn đề “chính danh” của nhà nước Việt cộng thật buồn cười… không khác nào mang niềm ưu tư đối với một cô gái điếm già giặn, không biết cô nàng có còn “trinh tiết” hay không ?
Thiết nghỉ đây là câu hỏi thuộc về nền tảng, nguồn gốc, bản chất, hay truy về nguyên thủy tư duy. Nhà nước Vc do đảng cs dàn dựng, người dân không quyền bầu chọn, bản chất vốn không “Danh Chánh Ngôn Thuận”…. danh vốn không, thì chính làm sao có được? Giản dị là như vậy… lý luận quá chuyên môn và cao, e không phổ cập qua internet cho nhiều tầng lớp dân chúng được.
Cấp bách bây giờ là làm cách nào ngăn ngừa nhà nước Vc mượn danh nghĩa đại diện chánh phủ VN đi vay tiền các nước khác trên thế giới (Nga 7 tỷ US dollars để xây dựng nhà máy nguyên tử, Nhựt, Ấn Độ, Trung Quốc nhiều tỷ US dollars cho các dự án khác, chưa kể tiền nợ Tc và Nga thời chiến tranh chưa trả xong, thì thất thoát thêm 4.4 tỷ US dollars do tập đoàn Vinashin gây ra….). Vc rồi sẻ chia chác và chi tiêu bừa bãi vô trách nhiệm số tiền vay mượn, mà con cháu ta, nhiều thế hệ sau này, phải đứng ra gồng gánh để chi trả số nợ to lớn đó.
Người Việt hải ngoại nên cấp tốc thành lập, càng nhanh càng tốt, một tiếng nói liên minh đoàn kết, một tập hợp trưởng lão uy tín đại diện mọi tầng lớp xã hội [kiểu 36 nhà trí thức mở rộng, có tư cách một Chánh Phủ Lưu Vong hay không, là không cần thiết, đối với dân chủ ngày nay, các hình thức dân chủ nguyên thủy kiểu Hy Lạp Senate (Coucil of Elders), hoặc Hội Nghị Bô Lão Diên Hồng (đã có trong truyền thống dân chủ bản xứ), v.v….đều có giá trị], để kịp thời thông báo cho thế giới (qua LHQ) biết là: Các hợp đồng của họ với nhà nước CHXHCN hiện hành là sự thõa thuận giữa họ với một cá thể độc lập, không mang tính đại diện quốc gia, chánh quyền đó không do dân bầu, vì thế người dân VN sẻ không có trách nhiệm trong bất cứ hợp đồng nào kỳ kết với bất cứ ai, cá nhân, đoàn thể, hay chánh quyền thuộc sở tại.
Đây là phương cách hưu hiệu đề tiến tới thể chế dân chủ và vô hiệu hóa cơ cấu đảng trị. Một khi khối cs đã thâu hẹp lại còn số ít quốc gia để có thể giao dịch nội bộ tự tồn và hiêu quả.
Các nước tư bản củng sẻ chùng bước trong vấn đề giao dịch kinh doanh với Vc một khi tiền nợ không được nhân dân VN bảo chứng…. họ sẻ không còn bị đồng tiền làm mù quán bỡi những lời hứa cuội của Vc.
Quan tâm nhất vẩn là: Một khi Vc cố ý dùng nợ quốc tế để trói buộc chế độ họ vào các nước tư bản, họ nghỉ con nợ đó sẻ được gìn giử an toàn, và sẻ không bao giờ bị lật đổ vì quyền lợi. Cái tham và thiếu lý tưởng của tư bản là hể nơi nào có tiền, là đâm đầu nhảy vào, chết sống tính sau, bạn thù không cần biết…. cs biết rỏ điều đó, cứ khai thác dài dài.
Nhưng người Việt chúng ta vì tiền đồ dân tộc và tổ quốc, phải hành động ngay.