Lời tác giả: Trong các cuộc thảo luận liên quan đến cuốn Thơ đến từ đâu trên talawas gần đây, nhiều người đề nghị phân biệt hai khái niệm “biên tập” và “kiểm duyệt”. Trên lý thuyết, sự phân biệt ấy là đúng đắn và cần thiết: Đó là hai khái niệm khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, ở Việt Nam, chúng lại đồng nhất: Chức năng chính của biên tập viên thực chất là kiểm duyệt.
Trong cuốn Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản 1945-1990 do Văn Nghệ (California) xuất bản lần đầu năm 1991 và tái bản năm 1996, tôi có đề cập đến chế độ kiểm duyệt tại Việt Nam. Xin đăng lại ở đây để bạn đọc tham khảo. Và cũng xin lưu ý: tôi chỉ dừng lại ở thời điểm 1990. Nhưng thay đổi từ đó đến nay, chắc chắn là khá nhiều, đều nằm ngoài phạm vi tìm hiểu trong chương sách này.
Nguyễn Hưng Quốc
Bất cứ người cầm bút nào dưới chế độ cộng sản cũng đều lệ thuộc vào ba tổ chức: một tổ chức Đảng, một tổ chức nhà nước và một tổ chức quần chúng.
Tổ chức Đảng có nhiệm vụ lãnh đạo. Đó là Ban Tuyên huấn và Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương trước đây, Ban Tư tưởng-Văn hoá hiện nay. Lãnh đạo ở ba phương diện: tư tưởng, nghệ thuật và sinh hoạt.
Tổ chức nhà nước có nhiệm vụ quản lý. Đó là Bộ Văn hoá đối với các ngành nghệ thuật tạo hình (hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc), nghệ thuật biểu diễn (ca, nhạc, kịch, điện ảnh) và Bộ Thông tin đối với văn học và báo chí. Có ba lãnh vực được quản lý: ngân sách, nhân sự và cơ sở. Có ba loại cơ sở: nhà xuất bản, nhà in, công ty phát hành.
Tổ chức quần chúng của giới cầm bút là Hội Nhà văn và rộng hơn Hội Nhà văn là Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật.
Vấn đề là: tổ chức nào có quyền hạn kiểm duyệt văn nghệ?
Dĩ nhiên không phải là Hội Nhà văn hay Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Đó chỉ là những tổ chức có tính chất “mặt trận”, chức năng chủ yếu là tập họp lực lượng để nhà nước dễ quản lý và đảng dễ lãnh đạo. Thế thôi. Ngay cả Nguyễn Đình Thi, Tổng Thư ký Hội Nhà văn, đến đầu năm 1989, cũng có đến sáu vở kịch bị cấm xuất bản.[1]
Không phải Bộ Thông tin. Trong Bộ Thông tin có Cục Xuất bản, nhưng La Thăng, Cục trưởng Cục Xuất bản lại xác định nhiệm vụ của Cục chỉ là “tổng hợp, cân đối, kiểm tra các kế hoạch, đề tài hàng năm và ký xác nhận vào các bản kế hoạch (kể cả các kế hoạch bổ sung), đồng thời theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của từng nhà xuất bản”.
La Thăng lại nhấn mạnh:
“Cục xuất bản không có chức năng xét duyệt nội dung từng tên sách”.[2]
La Thăng không nói dối. Trong Bộ Thông tin hoặc trong Cục Xuất bản không có một cơ quan nào chuyên trách về vấn đề kiểm duyệt nội dung sách báo, dù ẩn nấp dưới bất cứ hình thức hay danh nghĩa gì. Và Bộ Thông tin cộng sản, từ xưa đến nay, chưa bao giờ lệnh cấm hay thu hồi một tác phẩm nào cả; cũng chưa bao giờ truy tố hay trừng phạt một tác giả nào cả (trừ trường hợp sách, báo xuất bản “chui”). Trước đây cộng sản đã không ngừng khai thác tính chất “hiền lành” và “vô hại” ấy của Bộ Thông tin để tuyên truyền cho sự tự do sáng tác và tự do sáng tạo dưới chế độ của mình.
Theo dõi tất cả những vụ án văn nghệ dưới chế độ cộng sản, người ta luôn luôn bắt gặp một thủ phạm duy nhất: Đảng. Luôn luôn là Đảng. Không phải Ban Tuyên huấn thì là Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương của Đảng. Không có ai khác. Người tự nhận nắm vai trò lãnh đạo văn nghệ cũng đồng thời là người thực hiện việc kiểm duyệt văn nghệ.
Cũng La Thăng, Cục trưởng Cục Xuất bản thuộc Bộ Thông tin cho biết:
“Các sách của các nhà xuất bản chuyên nghiệp, theo nguyên tắc, phải được ghi trong kế hoạch hằng năm của nhà xuất bản, được cấp lãnh đạo các bộ, các ngành, các đoàn thể xét duyệt (đối với các nhà xuất bản ở trung ương), hoặc được hội đồng xuất bản xem xét, và Ban Tuyên huấn tỉnh, thành xét duyệt (đối với các nhà xuất bản địa phương).”[3]
Đối với các nhà xuất bản địa phương, ý của La Thăng đã rõ: nhiệm vụ kiểm duyệt (ông gọi là xét duyệt) nằm trong tay Ban Tuyên huấn thuộc tỉnh ủy hoặc thành ủy. Nhưng đối với các nhà xuất bản ở trung ương, cách diễn tả ở trên có phần hơi mơ hồ. Cơ quan chủ quản của nhà xuất bản là ai? Ví dụ, cơ quan chủ quản của nhà xuất bản Tác Phẩm Mới là Hội Nhà văn. Nhưng Hội Nhà văn lại không có quyền hạn kiểm duyệt các ấn phẩm của nhà xuất bản Tác Phẩm Mới. Nhớ lại lời phát biểu của nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh: “Sách, báo, bài vở của hội viên do những nơi nào duyệt kia, chứ Hội không được “ý kiến” vào đấy”.[4]
Vậy ở đây phải hiểu là cơ quan chủ quản cao nhất chứ không phải là cơ quan chủ quản trực tiếp. Cơ quan chủ quản trực tiếp của nhà xuất bản Tác Phẩm Mới là Hội Nhà văn. Cơ quan chủ quản cao nhất của nó lại là Ban Tuyên huấn và Ban Văn hoá Văn nghệ.
Trong Lời giới thiệu quyển Từ điển Việt Anh của Bùi Phụng, do trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tái bản năm 1986, Phan Hữu Dật viết:
“… cuốn Từ điển Việt Anh của đồng chí Bùi Phụng sau khi được xuất bản, đã được đông đảo người đọc trong và ngoài nước, nhất là các nhà khoa học, sinh viên và học sinh sử dụng rộng rãi và hoan nghênh… Trong tám năm qua, kể từ khi cuốn Từ điển được xuất bản, trường chúng tôi đã nhận được yêu cầu của nhiều cơ quan và cá nhân trong và ngoài nước đặt mua, nhưng chúng tôi không thể đáp ứng được vì sách đã bán hết.
Lần này, được phép của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Bộ Văn hoá và Thông tin, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tái bản cuốn Từ điển Việt Anh của đồng chí Bùi Phụng”.
Hai cơ quan cấp giấy phép để tái bản quyển Từ điển Việt Anh, theo lời Phan Hữu Dật, hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là Ban Tuyên huấn và Bộ Văn hoá và Thông tin (sau này tách đôi thành Bộ Văn hoá và Bộ Thông tin).
Cũng cùng một vấn đề như vậy, nhưng Thuận Trung, trên tạp chí Cộng sản tháng 6-1989 viết rõ hơn, chi tiết hơn:
“… Nhà xuất bản Đại học được Vụ Xuất bản Ban Tuyên huấn Trung ương và Cục Xuất bản Bộ Thông tin cho phép in lại một số tác phẩm của Tự lực Văn đoàn (có kèm theo lời giới thiệu, đánh giá và hướng dẫn nghiên cứu) trong “Tủ sách nhà trường” dành cho sinh viên” (trang 62).
Như vậy, hai cơ quan trực tiếp đảm nhận việc kiểm duyệt là Vụ Xuất bản thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương và Cục xuất bản thuộc Bộ Thông tin. Ở trên, La Thăng, Cục trưởng Cục xuất bản đã cho biết là Cục này chỉ có nhiệm vụ “tổng hợp, cân đối, kiểm tra kế hoạch đề tài hằng năm” chứ “không có chức năng xét duyệt nội dung từng tên sách”. Dùng phép loại trừ, chúng ta có thể kết luận: đảm nhận việc kiểm duyệt sách dưới chế độ cộng sản là Vụ xuất bản trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương.
Kiểm duyệt báo lại có một cơ quan khác cũng trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương: Vụ Báo chí.
Có thể nêu lên một đặc điểm lớn đầu tiên của hệ thống kiểm duyệt văn nghệ dưới chế độ cộng sản: hệ thống kiểm duyệt ấy nằm trong tay Đảng chứ không phải nằm trong tay nhà nước. Tổ chức Đảng đặc trách vấn đề kiểm duyệt là Ban Tuyên huấn, hoặc nói cụ thể hơn, là Vụ Xuất bản và Vụ Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn.
Đặc điểm thứ hai: Vụ Xuất bản và Vụ Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn không có văn phòng cố định để mọi người có thể đến đó nộp bản thảo chờ kiểm duyệt. Phương thức làm việc của Vụ Xuất bản và Vụ Báo chí là phân tán nhân sự và quyền hành xuống các cơ sở. Ban Tuyên huấn chỉ là kẻ quyết định cuối cùng trước khi in. Với phương thức tổ chức như thế, hệ thống kiểm duyệt dưới chế độ cộng sản được phân chia thành nhiều đợt qua nhiều cấp khác nhau:
Đối với báo chí, có ba cấp:
1. Ban biên tập
2. Ban giám đốc
3. Ban Tuyên huấn (nếu là báo chuyên về văn nghệ thì có sự cộng tác của Ban Văn hoá Văn nghệ).
Đối với sách cũng có ba cấp:
1. Ban biên tập
2. Hội đồng nghệ thuật của nhà xuất bản
3. Hội đồng xuất bản trung ương hoặc địa phương (do Ban Tuyên huấn chủ trì).
Trên báo Văn Nghệ số ra ngày 29-4-1989, Phạm Đức tóm lược những “con đường đau khổ” mà một tác phẩm văn học phải trải qua để đến được với quần chúng: “Trong cách thức xuất bản hiện nay… mỗi quyển sách được ra đời đều đã qua khá nhiều ‘cửa ải’ (Người biên tập các cấp, tổng biên tập và giám đốc Cục, Vụ duyệt đề tài).”
*
Bất cứ tờ báo hay tạp chí nào tại Việt Nam cũng đều có một ban lãnh đạo do tổng biên tập và các phó tổng biên tập cầm đầu. Trực thuộc ban lãnh đạo có hai bộ phận: bộ phận quản lý và bộ phận biên tập, thực chất là bộ phận kiểm duyệt cơ sở. Bộ phận quản lý gồm các phòng: tổ chức, hành chánh, kỹ thuật và tài vụ. Bộ phận biên tập, tuỳ theo từng loại báo hay tạp chí, có những cơ cấu khác nhau. Báo chuyên về chính trị như tạp chí Cộng sản chẳng hạn, có năm Vụ biên tập: Vụ biên tập về kinh tế; Vụ biên tập về chính trị; Vụ biên tập về văn hoá; Vụ biên tập về các vấn đề xây dựng đảng và Vụ biên tập về các vấn đề quốc tế. Báo văn nghệ cũng có năm bộ phận biên tập khác nhau, gọi là Ban: Ban văn, Ban thơ, Ban lý luận phê bình, Ban văn học nước ngoài và Ban thời sự văn học.
Mỗi loại hình văn học đều có ít nhất hai biên tập viên. Bài lai cảo gửi tới người này đọc rồi chuyển qua người kia đọc tiếp. Quyết định chọn đăng, cả hai người cùng ký tên trên bản thảo. Rồi chuyển lên cho tổng biên tập hoặc phó tổng biên tập. Tổng biên tập hoặc phó tổng biên tập đọc lại và nếu đồng ý với đề nghị của biên tập viên, lại phải ký tên vào bản thảo. Những chữ ký ấy xác nhận sự liên đới trách nhiệm giữa Ban lãnh đạo, các biên tập viên và tác giả nếu sau này người ta phát hiện trong bài viết ấy có “vấn đề” gì về tư tưởng.
Trước khi đưa sang nhà in, tất cả các bài vở đều phải được Ban Tuyên huấn Trung ương hoặc địa phương kiểm duyệt lần cuối cùng:
“Cho đến bây giờ nhiều tỉnh phía Nam (ngoài Bắc tôi không rõ), Tuyên huấn vẫn còn duyệt bản thảo báo Văn Nghệ trước khi in”, lời tiết lộ của nhà văn Mai Văn Tạo trên báo Văn Nghệ số ra ngày 11-6-1988.
Nói tóm, để xuất hiện trên mặt báo, bất cứ bài viết nào cũng trải qua ba lần bị kiểm duyệt: các biên tập viên, tổng biên tập hoặc phó tổng biên tập của Ban Tuyên huấn.
Trọng tâm của sự kiểm duyệt không phải chỉ là tư tưởng chung chung thể hiện qua chủ đề của tác phẩm mà còn đi sâu vào từng chi tiết, từng câu, từng chữ. Trên báo Văn Nghệ số Tết 1987, nhà văn Nguyễn Tuân kể:
“… Nhân dịp Tết Trung thu vừa qua, tôi có đưa đăng báo một truyện ngắn viết cho thiếu nhi nói về sự tích trái bưởi đào, trong đó có mấy chữ ‘Đại hội các loài chim’, một cán bộ biên tập đã yêu cầu tôi bỏ mấy chữ Đại hội đi vì sợ người ta liên hệ đến đại hội Đảng”.
Nhà văn không chịu sửa chữa theo những đề nghị quái gở của các cán bộ biên tập ư? Thì không sao cả. Chỉ có điều tác phẩm ấy sẽ mãi mãi nằm yên trong ngăn kéo, không bao giờ xuất hiện với đời. Sỹ Ngọc viết về Nguyễn Tuân:
“Người ta vẫn sợ anh, và bài báo nào anh viết, quyển sách nào của anh cũng bị coi từng chữ, từng câu, vì họ rất sợ cái nói toạc sự thật, lối nói riêng của anh không khuôn theo một lối nói có sẵn của xã hội. Vì vậy, quãng sau này anh ít được in sách, tuy có túng bấn, anh vẫn không chịu sửa theo ý người khác.”[5]
Trong một bài viết đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng ngày 2-9-1988, Đoàn Giỏi kể có lần Nguyễn Tuân gửi bài đến báo Cứu Quốc ở Hà Nội. Các biên tập viên tự ý chữa bài của ông đến nát bét cả. Lại chữa bậy. Và không hỏi ý kiến nhà văn đến một lời. Lần ấy, cầm tờ báo đọc, không nén được sự phẫn nộ, Nguyễn Tuân đã cầm ba-toong rượt đánh các biên tập viên báo Cứu Quốc. Rồi ông nghẹn ngào than: “Của người ta trau chuốt, cân nhắc, nâng niu từng chữ mà mấy ông nội cứ a-lê-hấp, phạt y như phạt cỏ”.
*
Mô hình tổ chức ở các nhà xuất bản cũng giống nhau như ở các toà báo, có điều quy mô lớn hơn, do đó, cồng kềnh hơn.
Đứng đầu nhà xuất bản là Ban giám đốc. Thuộc quyền Ban giám đốc cũng có hai bộ phận: bộ phận quản lý và bộ phận biên tập. Bộ phận quản lý gồm: Phòng chính trị, Phòng kinh tế, Phòng khoa học kỹ thuật, Phòng văn hoá, Phòng hánh chánh trị sự và Phòng tài vụ. Bộ phận biên tập, tuỳ nhà xuất bản, được tổ chức khác nhau. Riêng các nhà xuất bản thuần tuý văn nghệ thì gồm: Phòng biên tập thơ, Phòng biên tập văn xuôi, Phòng biên tập nghiên cứu lý luận phê bình, Phòng biên tập văn học nước ngoài.
Quá trình kiểm duyệt ở nhà xuất bản, trong giai đoạn đầu, cũng giống như ở các báo và các tạp chí. Luôn luôn có hai biên tập viên cùng đọc, cùng nhận xét và cùng quyết định việc đề nghị chọn in hay không. Tất cả những nhận xét và đề nghị ấy đều được ghi vào biên bản cụ thể.
Hoàng Minh Châu kể về việc kiểm duyệt tập thơ Cửa mở của Việt Phương năm 1969 như sau:
“… Xét bản thảo có thể in, tôi bèn chuyển anh Yến Lan đọc tiếp. Yến Lan cũng đồng tình với tôi, nhận định đây là cây bút có tìm tòi, là một ‘sự kiện văn học’, tuy cũng thấy vài chỗ cần bàn bạc thêm. Chúng tôi thống nhất ý kiến, chọn chặt lại cùng nhau đặt tên tập thơ là Cửa mở và chuyển lên giám đốc.”[6]
Lời kể của Hoàng Minh Châu có hai chi tiết khá rõ: một, có hai biên tập viên cùng kiểm duyệt một tác phẩm trước khi đưa lên giám đốc; hai, hai biên tập viên ấy có quyền “chọn chặt lại”, nghĩa là, nói cách khác, có quyền loại bỏ những bài họ thấy không hợp ý.
Có một chi tiết khá mơ hồ: “bàn bạc thêm”. Là sao? Nguyễn Khải sẽ trả lời trong bài Người viết với sách in đăng trên báo Văn Nghệ số Tết 1988; bản thảo “gửi tới một nhà xuất bản nào đó. Bắt đầu sống những ngày căng thẳng trong chờ đợi. Một tuần hy vọng rồi lại một tuần thất vọng. Một tháng hy vọng rồi lại một tháng thất vọng. Nhiều khi đã thất vọng đến hoàn toàn mới nhận được giấy mời tới bàn bạc để đưa vào kế hoạch in. Bàn bạc nghĩa là yêu cầu tác giả nên sửa chữa, không nhiều, chỉ xem lại một chút cái phần mở đầu, cái phần kết thúc và một vài chi tiết ở chương này, một vài chi tiết ở chương kia và… và… Nghe mà ớn lạnh, nhưng không thể trả lời là tôi không sửa, là tôi sẽ lấy lại bản thảo đem về, mà vẫn phải chăm chú, vẫn phải tươi cười, vẫn phải lễ độ mà rằng: tôi xin tiếp thụ, tôi xin sửa chữa lại tất cả, tôi xin… tôi xin…”
Tế Hanh cũng kể một trường hợp tương tự trên báo Văn Nghệ số ra ngày 17-12-1988:
“Tôi nhớ nhất là khi cho xuất bản tập Gió Lào cát trắng của Xuân Quỳnh. Lúc ấy, Xuân Quỳnh gặp khó khăn trong đời riêng, anh Như Phong, giám đốc nhà xuất bản tỏ ý ngần ngại, anh Hoàng Minh Châu và tôi đồng ý in vì đó là tập thơ có nhiều chất trữ tình. Tôi bàn bỏ qua một vài bài quá riêng tây và cho in. Trong những bài bỏ tôi tiếc nhất là bài Cỏ dại. Về sau, khoảng 1980, có nhà văn Pháp là bà Cô-re-zơ sang Việt Nam và nhờ tôi tổ chức gặp các nhà thơ nữ, bà rất khen thơ Xuân Quỳnh, trong đó có bàn Cỏ dại, tôi nói lại với Xuân Quỳnh và Xuân Quỳnh nửa đùa nửa trách: “Thế mà hồi đó, anh lại bỏ bài ấy của em”, tôi cười: “Khi mình đọc thích một bài thơ, nhưng khi làm người phụ trách duyệt thơ thì lại khác…”
Giám đốc nhà xuất bản không phải là người quyết định cuối cùng. Nhà xuất bản nào cũng có một tổ chức gọi là Hội đồng nghệ thuật bao gồm giám đốc, phó giám đốc, các trưởng phòng, ban và một số nhà chuyên môn do giám đốc làm chủ tịch. Hội đồng nghệ thuật có nhiệm vụ duyệt lại từng tác phẩm trong số những tác phẩm được các cán bộ biên tập đề nghị in.
Khi Hội đồng nghệ thuật duyệt xong, các tác giả có tên trong bản danh mục được chọn phải cấp tốc nộp một bản lý lịch có cơ quan chủ quản, nơi mình đang công tác xác nhận. Thủ tục này được đặt ra để ngăn chận hiện tượng những tên “biệt kích văn hoá” ngụy trang với những bút hiệu khác thâm nhập vào hàng ngũ cầm bút xã hội chủ nghĩa.
Mỗi năm, có một cuộc họp khoáng đại của một tổ chức gọi là Hội đồng Xuất bản Trung ương hoặc địa phương để kiểm duyệt lần cuối, quyết định “bản kế hoạch”, tức là bản danh mục sách sẽ in cho cả năm sau. Tham gia Hội đồng Xuất bản gồm có: giám đốc nhà xuất bản, đại diện Ban Tuyên huấn, đại diện Ban Văn hoá Văn nghệ, đại diện Bộ Thông tin và một số nhà chuyên môn.
Trong phiên họp của Hội đồng Xuất bản, người ta sẽ xét duyệt trên cơ sở bản danh mục nhà xuất bản đề nghị. Mỗi thành phần tham dự góp ý từ góc độ chuyên môn của mình. Bộ Thông tin xuất phát từ khả năng ấn loát (giấy mực, nhà in, thợ in…), quyết định số lượng đầu sách và số lượng ấn bản cho mỗi đầu sách, tỉ lệ giữa sách sáng tác trong nước và sách dịch từ nước ngoài. Bộ Văn hoá Văn nghệ góp ý về vấn đề chất lượng. Các nhà chuyên môn bổ sung ý kiến của Ban Văn hoá Văn nghệ. Kẻ quyết định cuối cùng là Ban Tuyên huấn. Căn cứ vào nhu cầu tuyên truyền, Ban Tuyên huấn cho phép những sách nào được in, sách nào không được in; sẽ sắp xếp thứ tự ưu tiên cho một số tác phẩm được in sớm để phục vụ kịp thời một chiến dịch, một phong trào.
Đối với các nhà xuất bản thuộc cấp tỉnh hoặc thành phố, Hội đồng Xuất bản cũng giữ nguyên cơ cấu như vậy, chỉ thay đổi cấp bậc: Sở Văn hoá thông tin thay cho Bộ Thông tin, Ban Tuyên huấn thành ủy hoặc tỉnh ủy thay cho Ban Tuyên huấn Trung ương…
Để được xuất bản, như vậy, mỗi cuốn sách phải đi qua ba tầng kiểm duyệt: cán bộ biên tập, Hội đồng nghệ thuật của nhà xuất bản và cuối cùng Hội đồng Xuất bản của trung ương hoặc của địa phương.
Trương Văn Khuê, giám đốc nhà xuất bản Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh, trên báo Sài Gòn Giải phóng ngày 5-7-1987, cho biết, trước khi chuyển qua bộ phận ấn loát, bản thảo nào cũng có một tập hồ sơ dày cộm và đỏ lòm bốn con dấu: con dấu của cơ quan chủ quản của tác giả, con dấu của nhà xuất bản, con dấu của Ban Tuyên huấn và con dấu của Bộ Thông tin hoặc của Sở Văn hoá Thông tin.
Theo lời tiết lộ của Trương Văn Khuê, người ta thấy ngay, trong Hội đồng Xuất bản, vai trò của Ban Văn hoá Văn nghệ và của những người được coi là chuyên gia về văn học rất mờ nhạt: họ không có con dấu nào riêng, nghĩa là họ chỉ góp ý kiến chứ không có quyền quyết định.
Cũng theo Trương Văn Khuê, trên số báo vừa dẫn, để thành lập chỉ tiêu xuất bản cho cả năm, Hội đồng Xuất bản chỉ nhóm họp một lần. Đối với những quyển sách tái bản, nếu không có gì sửa chữa hay thêm bớt, nhà xuất bản có thể tự quyền quyết định. Trường hợp quyển sách ấy có sự thay đổi nhỏ, dù chỉ là thay đổi cái tựa, nó phải chờ “thông qua” trong cuộc họp thường niên của Hội đồng Xuất bản vào năm tới.
Đối với kịch bản sân khấu, việc kiểm duyệt có khác chút ít nhưng mức độ khắc nghiệt thì vẫn như vậy. Trước hết, kịch bản phải được Ban lãnh đạo đoàn kịch hoặc đoàn hát xét duyệt. Đồng ý? Thì lại tiếp tục trình lên Sở Văn hoá Thông tin. Cán bộ Phòng văn nghệ của Sở Văn hoá Thông tin sẽ vầy vò tác phẩm đến độ không còn một tì vết nào có thể gây tác hại về tư tưởng chính trị cho quần chúng, sau đó mới cấp giấy phép tạm thời. Với giấy phép tạm thời ấy, đạo diễn đoàn kịch hoặc đoàn hát có thể bắt tay vào việc tập dượt. Khi các diễn viên đã thành thục, Ban lãnh đạo đoàn phải tổ chức một buổi diễn tập với sự tham dự để kiểm duyệt lần cuối của đại diện Ban Tuyên huấn.
Trong mục “Diễn đàn văn hoá” trên báo Hà Nội Mới số ra ngày 27-12-1987, một người ký tên là X.B. mô tả không khí buổi diễn tập để kiểm duyệt như sau:
“Từ tác giả, đạo diễn, diễn viên, người quản lý, từ khi mở màn cho đến lúc kết thúc, đều phải chăm chú theo dõi thái độ của người kiểm duyệt. Vì thực chất số phận của một công trình sáng tạo nhiều khi chỉ tuỳ thuộc vào ý kiến của người đến duyệt”.
Câu chuyện do nhà văn Mai Văn Tạo kể trên báo Văn Nghệ số ra ngày 11-6-1988 lại còn chi tiết và bi hài hơn nữa:
“Có lần tôi và anh Bảo Định Giang được mời xem vở cải lương Đồ Chiểu. Hôm ấy là ngày xét duyệt. Tác giả mời chúng tôi có ý đồ rõ rệt. Anh Giang là nhà nghiên cứu lâu dài về Đồ Chiểu. Còn tôi là bạn của tác giả từng động viên khuyến khích anh khi anh còn trăn trở với đề tài. Cách xét duyệt thật bi hài. Vở diễn, nhân vật hát hai câu: “Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước. Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”. “Không được! Không được!” – Ông trưởng ban Tuyên huấn phán ngay – “Thơ Đồ Chiểu không phải vậy, thơ Đồ Chiểu sao ủy mị thế? Không xốc tới, xông lên?”. Tác giả: “Thưa anh, thơ Đồ Chiểu thật ạ! Có anh Bảo Định Giang nhà nghiên cứu Đồ Chiểu đây”. Anh Giang gật đầu xác nhận. Ông trưởng ban nọ: “Ờ, ờ… tôi cũng không rõ thơ Đồ Chiểu, nhưng dù câu này thật đúng là của ông cũng bỏ, vì yếu quá!”. Đến đoạn khác, nhân vật Đồ Chiểu nói: “Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Ông trưởng ban: “Không được! Không được! Câu này còn quan trọng hơn nữa, Nói “triều đình” là muốn nói Trung ương (Đảng) sao?”
*
Đừng tưởng sau khi một tờ báo đã ấn hành, một quyển sách đã xuất bản, một kịch bản đã được dàn dựng trên sân khấu hoặc quay thành phim, ám ảnh về kiểm duyệt coi như đã kết thúc. Không phải. Sau kiểm duyệt còn tái kiểm duyệt.
Tái kiểm duyệt được thực hiện sau khi tác phẩm đã ra đời, đã xuất hiện trước công chúng. Dưới chế độ cộng sản, từ trước đến nay, có rất nhiều tác phẩm bị kết tội, bị đày đoạ trong cái giai đoạn tái kiểm duyệt này. Không kể vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, theo Từ Sơn, trên tạp chí Cộng Sản số tháng 5-1988, từ năm 1960 đến năm 1988, có cả thảy 73 vụ án văn nghệ lớn nhỏ. Ở hải ngoại không thể có đủ tài liệu để kiểm tra mức độ chính xác của con số này. Tuy nhiên, dù sao, nó cũng đã khá nhiều: bình quân mỗi năm có bốn vụ. Không phải vụ nào cũng là “phản động”. Phần lớn, các vụ án nổ ra vì những lý do… lãng nhách. Trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số tháng 7-1988, nhà văn Mai Ngữ kể: “Vào đầu năm 1974, một anh thương binh trẻ tự dưng lao đầu vào cuộc bằng cái truyện ngắn rất chi hiền lành ‘Cây táo ông Lành’. Tội chính của anh là đã ‘phạm huý’ khi đặt tên cái truyện bé bỏng ấy, đến nỗi một nhà phê bình văn học có tầm cỡ hồi đó, khi nhắc đến nó để phê phán nó, cũng chỉ dám gọi tắt là ‘Cây táo’, không dám gọi đủ tên, sợ chính mình cũng mắc tội phạm thượng!” Tại sao cái tựa đề như thế lại “phạm huý” và “phạm thượng”? Tội nghiệp, anh nhà văn trẻ vốn là thương binh ấy không biết Lành là bí danh của Tố Hữu, rồi trước nhà Tố Hữu lại có một cây táo: “Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt”. Một cách vô tình, anh bị coi là kẻ xỏ xiên, châm biếm lãnh đạo, một cái tội tày đình.
Các nhà văn rất hãi hiện tượng tái kiểm duyệt này. Chẳng thà tác phẩm bị vất bỏ trong các toà soạn, các nhà xuất bản , tuy cũng bị coi là có “tội”, song dù sao, cái tội ấy còn nhẹ, ít người biết, chưa gây ồn ào trong dư luận; nhà văn còn có thể vớt vát bằng cách sửa chữa lại hoặc viết một cái gì khác. Trường hợp tác phẩm đã ra mắt mà bị lên án, dù một cách oan uổng, “tác giả của nó chỉ biết cúi đầu nhận tội, chẳng hề dám cãi lại hoặc thanh minh” và “ngoài những bài phê phán công khai trên báo chí, có tác giả còn bị xử lý về mặt tổ chức và suốt đời đeo cái “án văn chương”, án không thành văn nhưng lại rất nặng nề”.[7]
Trong một cuộc họp tại Hà Nội vào tháng 10-1987, Nguyễn Khắc Viện nhận xét:
“Sự lãnh đạo văn nghệ trong mấy năm qua nhiều lúc còn thô sơ, tỉa cành bắt sâu trong một vườn hoa quý lại dùng dao búa làm rừng khai hoang… Những người làm báo, viết văn, làm phim thường được nhắc nhở, phải làm thế này, không được làm như thế kia!… Lâu lâu lại nổ ra một vụ án: bài báo này, quyển sách kia, cuốn phim nọ bị kết án là “xét lại”, là “chống đảng”, là “có tính kích động”… Mà thông thường, bản án nào cũng có kỳ hạn, mãn hạn ra tù, còn bản án văn học thì cứ mãi mãi treo lơ lửng trên đầu… một bản án chung thân, có khi còn hại đến cả con cháu.”[8]
Lời nhận xét của Nguyễn Khắc Viện có một điểm không chính xác: “trong mấy năm qua”. Đúng ra là trong mấy chục năm qua. Theo nhà văn Mai Ngữ, thái độ “tỉa cành bắt sâu” của đảng trong lãnh vực văn nghệ bắt đầu từ năm 1963, “thời kỳ mỗi buổi tối về nhà ta thường phải nhức đầu về tiếng loa từ hàng xóm vọng sang của đài Bắc kinh được tiếp âm qua đài Hà Nội đang nguyền rủa bọn xét lại hiện đại, bọn đế quốc xã hội và những kẻ theo đuôi chúng; thời kỳ mà trên các báo chí Hà Nội đang dấy lên cơn lốc phê phán không thương xót một cuốn tiểu thuyết vừa ra đời.[9] Chưa bao giờ trong lịch sử văn học Việt Nam, một cuốn sách văn chương làng nhàng lại được nhiều người, nhất là giới phê bình văn học, quan tâm đến như vậy. Cuốn sách đã chiếm kỷ lục về tổng số những bài phê phán nó (khoảng gần sáu chục bài) và nếu đem in tất cả thì sẽ dày hơn cả bản thân nó”. “Giai đoạn cũ chấm dứt và cuộc phê phán cuốn tiểu thuyết của Hà Minh Tuân mở đầu cho một giai đoạn mới đầy khắc nghiệt kéo dài suốt thời gian chống Mỹ và nhiều năm sau hoà bình.[10]
Cái mốc 1963 nhà văn Mai Ngữ nêu ra cũng không phải hoàn toàn chính xác: có lẽ vì ngại, ông không muốn kéo dài thời điểm ấy về trước để khỏi phải nhắc đến vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm, lúc mà “có tác giả viết là mùa hè nhìn thấy cây phượng già cô độc, thì có người lại bảo đó là ám chỉ bác Hồ”.[11]
Nguyễn Khắc Viện nói đúng khi dùng chữ “bản án chung thân”. Điểm qua danh sách những người cầm bút từng bị kết tội, người ta dễ dàng nhận thấy một điều: phần lớn đều bị biến mất, bị tước hẳn quyền sáng tác: Hà Minh Tuân, Hoàng Tiến, Vũ Bão, Việt Phương, Lý Phương Liên…
Trong bài dẫn trên, Mai Ngữ kể về “anh thương binh Hoàng Cát, tác giả của cái cây táo kia, gần đây tình cờ tôi gặp lại, tóc anh đã bạc trắng. Hồi đó cơ quan tổ chức của xí nghiệp đã từ chối không cấp giấy để anh thi vào đại học và sau này anh về hưu non. Một bên chân anh bị đạn của đế quốc và trái tim thành thương tật vì các nhà phê bình văn học quá sốt sắng và mẫn cán”.
Ai có quyền tiến hành tái kiểm duyệt?
Hầu như là tất cả mọi người! Từ trung ương Đảng trở xuống đảng viên lãnh đạo các cấp, đến giới phê bình và cả giới sáng tác nữa, ai cũng có thể nhân danh quan điểm của đảng, lập trường của giai cấp để tái kiểm duyệt một tác phẩm nào đó. Dĩ nhiên, chức vị càng lớn, tiếng nói “tái kiểm duyệt” càng có âm hưởng, càng mạnh mẽ.
Hoàng Minh Châu kể về trường hợp tập thơ Cửa mở của Việt Phương bị thu hồi:
“Sách in xong, chỉ mới nộp lưu chiểu, bỗng nghe tiếng xì xầm ‘Cửa mở có vấn đề’. Thời ấy ba chữ ‘có vấn đề’ thường được hiểu là có việc gì ghê gớm. Nhưng nếu có ai hỏi lại rằng ‘Vấn đề gì vậy?’ thì người đưa tin cũng chỉ đáp được chung chung là ‘Trên có ý kiến’. Còn ‘Trên là ai?’ thì kẻ nói ông A, người bảo ông B. Cũng có người dẫn ra chữ này ‘sái’, câu kia thường, hoặc thắc mắc hỏi là ‘Ý này là sao nhỉ?’.”[12]
Chỉ nghe xì xầm một cách bâng quơ vậy thôi, không có nghị quyết, không có bản án nào cả, Cửa mở đã bị thu hồi tức khắc và tác giả của nó, dù là một cán bộ khá cao – thư ký của Phạm Văn Đồng – vẫn bị xoá tên trong danh sách các nhà thơ miền Bắc suốt gần hai mươi năm nay.
Kiểm duyệt. Rồi tái kiểm duyệt. Đó là lý do tại sao lại có “tâm trạng dè dặt, tình trạng run tay trong số đông các nhà văn, nếu không nói là tất cả các nhà văn” tại Việt Nam hiện nay.[13] Không phải tình cờ mà các nhà văn, nhà thơ cộng sản, trong những phút nói thật hiếm hoi, đều cảm thấy thẹn thùng với chính mình.
Nguyễn Minh Châu tự nhận là mình nhát.[14] Lê Lựu cũng tự nhận là mình nhát.[15] Ngay cả những người cầm bút a dua với cộng sản ở hải ngoại, xa ngoài mọi đe dọa, cũng thấy mình “thiếu dũng khí”.[16] “Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: ‘Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ’, lời kể của Nguyễn Minh Châu.[17]
Hậu quả của cái sợ là cái hèn. Vẫn lời của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn”.[18]
Cái sợ thuộc phạm trù tâm lý. Cài hèn thuộc phạm trù đạo đức. Đáng nói nhất là cái sợ ấy, cài hèn ấy đã tác hại nghiêm trọng đến giá trị văn học: một phạm trù thẩm mỹ. Để tránh những nguy hiểm không đâu có thể ập xuống bất ngờ, hầu hết những người cầm bút dưới chế độ cộng sản đã tự chọn một con đường an toàn nhất là viết dối, viết theo kiểu mà Hoàng Ngọc Hiến gọi là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”.[19]
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú tâm sự trên báo Văn Nghệ số Tết 1987: “Trước trang giấy, người viết nhiều khi băn khoăn: ‘Viết gì bây giờ?’ và ‘Viết như thế này có được không? Có làm sao không?’. Một ít lo âu và ngần ngại. Người viết nhiều khi phải nhảy ra làm trọng tài và tự phán xét mình một cách nghiêm khắc. Và thế là, bỏ bớt đi vấn đề phức tạp, làm dịu gai góc. Cuối cùng, thường thấy một chút buồn phiền mất mát xen trong niềm vui thắng lợi. Và tất nhiên, sau cái tắc lưỡi: ‘Thôi, thế cũng được!’. Rồi, tác giả (có khi là một người tài hoa sâu sắc) cũng đành bằng lòng khi sản phẩm tinh thần của mình xếp vào trong loại sản phẩm chung bằng phẳng vô thưởng vô phạt. ‘Thôi, thế cũng còn hơn’.”
Lời tâm sự buồn bã của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú hé mở cho chúng ta một sự thực khác. Là, dưới chế độ cộng sản, hệ thống kiểm duyệt không phải chỉ bao gồm hai giai đoạn: kiểm duyệt và tái kiểm duyệt, với bốn cấp: Ban biên tập, Hội đồng nghệ thuật, Hội đồng xuất bản (với sự chủ trì của Ban Tuyên huấn và Ban Văn hoá Văn nghệ), và Trung ương Đảng nói chung. Không phải chỉ có thế. Chưa đủ. Còn một cấp kiểm duyệt khác nữa, kín đáo hơn nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt. Đó là cái ý thức lúc nào cũng nơm nớp, thấp thỏm lo âu của người viết.
Trên báo Văn Nghệ số ra ngày 15-11-1986, nhà thơ Diệp Minh Tuyền viết, xót xa:
“… nhà biên tập trong mỗi chúng ta sợ nhà biên tập của các toà soạn, nhà xuất bản… đã khiến ngòi bút của mình gọt dũa sự thực tròn vo!”
Cũng cái ý ấy, nhà văn Nguyễn Minh Châu viết, nhức nhối hơn:
“Cũng trong một người cầm bút, cái phần bất tài nhảy lên bục tao đàn để múa may, còn cái phần tài năng thì trùm chăn chờ ngày xuống mồ! Con đường của một cây bút trẻ hăm hở phấn đấu để trở thành nhà văn cũng là con đường phải giết đi cái phần nhà văn trong con người mình, con đường tự mài mòn đi mọi cá tính và tính trung thực trong ngòi bút”.[20]
Nguyễn Hưng Quốc
Nguồn: Trích từ cuốn Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản, 1945-1990, nxb Văn Nghệ, ấn bản lần thứ hai, 1996, tr. 35-51
[1] Văn Nghệ, Hà Nội, 11.3.1989
[2] Nhân Dân, Hà Nội, 24.4.1989
[3]Văn Nghệ, Hà Nội, 24.9.1989
[4] Văn Nghệ, 5.9.1987
[5] Dẫn theo Thi Vũ, “Hoài niệm Nguyễn Tuân”, Quê Mẹ số 86.
[6] Văn Nghệ, Hà Nội, 17.12.1988.
[7]Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 7.1988
[8] Văn Nghệ, Hà Nội, số 17.10.1987.
[9] Tức quyển tiểu thuyết Vào đời của Hà Minh Tuân.
[10] Tạp chí Văn nghệ quân đội 7.1988.
[11] Tạp chí Cộng sản số 5.1988.
[12] Văn Nghệ, Hà Nội, 17.12.1988
[13] Văn Nghệ, Hà Nội, 2.3.1985
[14] Văn Nghệ, Hà Nội, 3.12.1988
[15] Văn Nghệ, Hà Nội, 27.12.1986
[16] Đoàn Kết, Paris, số 385
[17] Văn Nghệ, Hà Nội, 5.12.1987
[18] Văn Nghệ, Hà Nội, 5.12.1987
[19] Văn Nghệ, Hà Nội, 9.6.1979
[20] Văn Nghệ, Hà Nội, 5.12.1987.