Vậy, chỉ số (indicator) dân chủ là gì?
Có nhiều quan điểm khác nhau.
Một cách tiêu cực, nhiều học giả cho dân chủ là những gì trái ngược với độc tài, do đó, chỉ số của dân chủ cũng chính là sự vắng mặt của các dấu hiệu độc tài. Chẳng hạn, theo Giovanni Sartori, trong cuốn The Theory of Democracy Revisited (1987), dân chủ là một hệ thống trong đó không ai có thể tự chọn chính mình, không ai có thể tự chiếm đoạt quyền lực một cách vô điều kiện và vô giới hạn. (Nhớ đến điều 4 trong Hiến pháp Việt Nam: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”)
Một cách tích cực, nhiều học giả khác loay hoay tìm cách xác định các bảng đo lường cụ thể để đánh giá mức độ dân chủ của từng quốc gia. Tuy nhiên, ở khía cạnh này, giới nghiên cứu rất ít thống nhất với nhau. Trong cuốn Prospects of Democracy: A Study of 172 Countries (Routledge, London, 1997), Tatu Vanhanen cho “hầu như tất cả các nhà nghiên cứu từng nỗ lực đo lường mức độ dân chủ đều sử dụng những chỉ số khác nhau” (tr. 31). Ngay ở một nhà nghiên cứu, các chỉ số cũng có thể biến thiên khi họ xê dịch từ giai đoạn này sang giai đoạn khác hoặc từ nền văn minh này sang nền văn minh khác.
Nhận thức được khuyết điểm ấy, sau này, nhiều học giả cố gắng chuẩn hóa các tiêu chí đo lường dân chủ. Đại khái, có hai khuynh hướng chính.
Một, thiên về số lượng, tiêu biểu nhất là Philips Cutright, người, trong bài “National political development: measurement and analysis” đăng trên tạp chí American Sociological Review số 28 năm 1963, đề xuất một bảng dấu chỉ (index) để đánh giá các nền dân chủ, xếp hạng từ 0 đến 63 điểm, căn cứ trên nhiều tiêu chí khác nhau, từ việc tự do bầu cử đến sự hiện hữu của đối lập, v.v…
Hai, thiên về chất lượng, tiêu biểu nhất là Kenneth A. Bollen, người, trong bài “Political democracy and the timing of development” đăng trên tạp chí American Sociological Review số 44 năm 1979, đánh giá các nền dân chủ dựa vào hai kích thước chính: quyền chính trị (political rights) và tự do chính trị (political liberties). Quan niệm này được tổ chức Freedom House chấp nhận với một sự thay đổi nhỏ: họ dùng chữ tự do dân sự (civil liberties) thay vì tự do chính trị. Ở mỗi kích thước, người ta đo lường theo bảng điểm từ một đến bảy: Các quốc gia được xếp hạng từ một đến hai được xem là tự do; từ ba đến năm được xem là tự do một phần (partly free); và từ sáu đến bảy được xem là không có tự do.
Cái gọi là đánh giá theo chất lượng này, thật ra, cũng là đánh giá theo phán đoán; mà phán đoán thì không thể tránh khỏi chủ quan. Để hạn chế chủ quan, người ta lại phác họa ra nhiều khả năng và mức độ biến thiên của từng tiêu chí để có thể cân nhắc. Khả năng và mức độ biến thiên ấy càng nhiều, số lượng chỉ số càng tăng, vấn đề càng trở nên phức tạp và thường vượt ra ngoài tầm thu thập tư liệu của từng nhà nghiên cứu; cuối cùng, chỉ tạo cơ hội cho các nhà độc tài ngụy biện và tránh né tội trạng của mình.
Chính vì thế, nhiều học giả chỉ tập trung vào các chỉ số chính. Đó chính là những điều kiện căn bản và thiết yếu của dân chủ.
Theo Larry Diamond, Juan J. Linz và S.M. Lipset, trong bộ Politics in Developing Countries: Comparing Experiences with Democracy (1990), các chỉ số (và cũng là điều kiện) của dân chủ có thể được tóm gọn vào ba điểm:
Thứ nhất, tính cạnh tranh giữa các cá nhân và tổ chức, đặc biệt các tổ chức chính trị, ở mọi vị trí quyền lực trong bộ máy nhà nước. Sự cạnh tranh này phải được thiết chế hóa và được tổ chức định kỳ (ví dụ ba hay bốn năm một lần).
Thứ hai, sự tham gia tích cực và hiệu quả vào việc chọn lựa lãnh đạo và chính sách – ít nhất qua các cuộc bầu cử định kỳ và công bằng – của mọi công dân thành niên. Xin lưu ý chữ “mọi”: Không có người nào ở tuổi được quyền ứng cử và bầu cử có thể bị loại trừ chỉ vì những lý do liên quan đến chủng tộc, xã hội, giai cấp, tôn giáo, phái tính hay chính trị.
Và, thứ ba, quyền tự do chính trị và dân sự, bao gồm từ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thành lập và tham gia vào các tổ chức, kể cả tổ chức chính trị, để bảo đảm hai chỉ số đầu ở trên (cạnh tranh và tham gia) có thể thành hiện thực.
Tatu Vanhanen, trong cuốn Prospects of Democracy: A Study of 172 Countries, đề nghị một cách tính toán để đánh giá mức độ tham gia của dân chúng bằng cách dựa trên tỉ lệ cử tri đi bầu (cử tri đi bầu càng đông càng chứng tỏ mức độ tham gia vào sinh hoạt chính trị càng cao) và mức độ cạnh tranh bằng cách dựa trên tỉ lệ phiếu của đảng thắng cử (tỉ lệ càng cao càng chứng tỏ tính cạnh tranh ít).
Về phương diện mức độ tham gia chính trị của dân chúng, vấn đề sẽ trở thành phức tạp hơn nếu chúng ta chú ý đến hai yếu tố: một, sự tham gia vào bầu cử chỉ là một khía cạnh nhỏ trong sinh hoạt chính trị; và hai, các quốc gia có thể có chính sách khác nhau về bầu cử: ví dụ, ở các quốc gia có chính sách bầu cử hoàn toàn tự nguyện, số lượng cử tri đi bầu dĩ nhiên là thấp hơn ở các quốc gia cưỡng bức bầu cử, ai không đi bầu thì bị phạt.
Nhưng cách tính toán về tính cạnh tranh của Tatu Vanhanen thì chính xác: ở những nơi kết quả bầu cử suýt soát nhau, việc cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị chắc chắn là gay gắt hơn hẳn ở những nơi mà đảng cầm quyền bao giờ cũng thắng một cách dễ dàng với số phiếu áp đảo, nếu không phải 100% thì cũng 98-99%.
Ứng dụng ba chỉ số cạnh tranh, tham gia và tự do chính trị và dân sự ở trên, bạn thử đánh giá về tình hình dân chủ tại Việt Nam xem sao. Ví dụ, chúng ta thử trả lời các câu hỏi sau đây:
- Ở Việt Nam, trong các cuộc bầu cử, có đảng phái hay cá nhân nào cạnh tranh với đảng Cộng sản hay không? Ngay trong các cuộc bầu cử Quốc hội, nơi tất cả các ứng cử viên phải được sự chấp thuận của đảng Cộng sản – thông qua các cuộc hội nghị hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc tổ chức, các ứng cử viên cạnh tranh với nhau ở mức độ nào? Bao nhiêu ứng cử viên thì được chọn một?
- Ở Việt Nam, dân chúng có được quyền tham gia vào việc lựa chọn giới lãnh đạo và các chính sách quan trọng của đất nước hay không? (Ví dụ, trong việc bầu bán các chức vụ quan trọng nhất sắp tới, từ Chủ tịch nước đến Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, dân chúng có chút tiếng nói nào không?)
- Ở Việt Nam, dân chúng có quyền được hưởng bất cứ chút tự do căn bản nào, từ tự do ngôn luận đến tự do báo chí, tự do thành lập và tham gia đảng phái hay không?
Xin lưu ý các bạn đang sống ở Việt Nam: bạn có thể giữ kín các câu trả lời trong bụng mình. Không cần nói ra đâu. Coi chừng bạn bị bắt vì tội trốn thuế hay vì hai cái condom đã qua sử dụng rồi đấy!
TS. Nguyễn Hưng Quốc