Kính thưa quý anh chị đồng môn Cựu Sinh Viên Quốc gia hành chánh,
Trong nhiều tháng qua, một số anh em trong HĐQT và BCH chúng tôi có tham dự sinh hoạt với vài Hội đoàn trong Cộng đồng tại đây. Anh em đều mang một tâm trạng chung là có vẻ ngao ngán cho sinh hoạt của các Hội đoàn kể cả các hội thuần tuý Ái hữu trong tập thể tỵ nạn ở hải ngoại này.
Theo thiển nghĩ, thấy cũng dễ hiểu thôi: Ngay từ thời thơ ấu cắp sách đến trường, ai ai cũng biết Tổ Tông ta là Lạc Long và Âu Cơ, ăn ở với nhau sinh ra được một bọc trứng (chỉ có dân ta mới tự hào dùng chữ “đồng bào” để gọi toàn dân). Trứng nở trăm con. Năm mươi con theo mẹ lên miền núi sinh sống; năm mươi con theo cha xuống miền biển lập nghiệp. Không nghe nói có dịp nào hai nửa gia đình đó đoàn tụ cả. Phản ứng với thiên nhiên trong môi trường sống làm người miền núi và người miền biển có những tâm tính, suy nghĩ, phản ứng khác nhau. Đó là quy luật tất nhiên. Từ một đại gia đình tan, hợp, pha trộn với nhiều sắc dân đã hình thành những giòng tộc, rồi dần dần thành một dân tộc có chung một tên nước, một lich sử, một tiếng nói, một nền văn hóa…
Giang sơn hình chữ S thành hình dần dần theo thời gian với sự đồng hóa các dân tộc khác; đồng thời ảnh hưởng giao thoa của hai nền văn hóa lớn Trung Hoa và Ấn Độ đã gieo mầm Tam Giáo trong dân gian, chưa kể một vàì tôn giáo mới theo bước chân người tây phương tới sau này. Đến thời kỳ cân đại, đất nước ta lại được chọn là một trong những nơi “thử lửa” của chiến tranh ý thức hệ. Tất cả những yếu tố địa lý nhân văn, kinh tế, chính trị xã hội đa dạng đó đã uốn nặn người dân ta thành những con người thông minh, cần cù, chiu đưng, khó khuất phục nhưng lúc nào cũng thừa cảnh giác, nghi kỵ và ích kỷ. Một nét đặc biệt là đa số người dân quê đều biết ứng khẩu hát vè, hát ca dao. Họ chửi còn hay hơn hát và rất dai. Ý thức Dân Chủ trong luỹ tre xanh có rất sớm; trăm dân trăm ý, phép vua thua lệ làng nên dễ xưng hùng xưng bá. Một nét nhân bản chung là đất nước nào càng nghèo khổ, càng nhiều đọa đầy thì người dân càng yêu quê hương của họ. Dân ta rất đoàn kết trước giặc ngoại xâm, nhưng trong thời bình thường hay có nội chiến; trong đấu tranh dễ kết hơp, nhưng trong xây dưng khó thống nhất. Lich sử dân tộc ta là lich sử đầy chiến tranh. Nếu không có ngoại xâm thì có nội chiến. Dân ta khó có thể không chia rẽ trong nhiều phạm trù !
Biến cố lịch sử trọng đại năm 1975 đã đưa đẩy khoảng hai triệu người thoát sang được bến bờ Tự Do trong hoàn cảnh xa quê hương, mang nhiều vết sẹo thể xác và tinh thần đau đớn. Quá uất hận cho sự nghịch lý của lịch sử giai đoạn vừa qua của Dân tộc; quá đau buồn cho cuộc sống ly hương và quá nôn nóng cho thắng lợi được trở về quê hương nghìn trùng xa cách mà anh em quay ra cấu xé nhau bất kể lợi hại cho công cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Sự cấu xé không những chỉ xẩy ra giữa các cá nhân, mà lan rông ra trong các Hội đoàn và trong Cộng đồng ở khắp các Châu lục có người Việt hải ngoại sinh sống. Không thể phá hoại, triệt hạ nhau bằng vũ khí thì dùng những ngôn từ cay nghiệt nhất đưa lên hệ thống truyền thanh, báo chí, website và emails. Cuối cùng, sự đối đáp, tranh cãi qua lại đã đưa đến kết quả là tất cả những người có tâm huyết dấn thân vào sinh hoạt các Hội đoàn trong Cộng đồng đều được khoác cho những danh từ “ súc vật”, “việt gian”, “tay sai, nằm vùng” và rồi là…”Cộng sản”. Nếu cứ tiếp tục mãi như thế thì kẻ địch sẽ “bất chiến tự nhiên thành”.
Anh chị đồng môn chúng ta cùng một số khá đông đồng bào may mắn đang được sống trong thế giới Tự do, nhứt là tại Hoa Kỳ là một nước Dân chủ lớn, nơi luật pháp được thượng tôn, chiến tranh không trực tiếp xẩy ra ở đây nên những kẻ xấu bụng, phá hoại, thù nghịch đã xử dụng tối đa vũ khí phi-kim-khí, không-thuốc-nổ để tấn công người khác. Chỉ tội nghiệp cho những người không quen hay không thể xử dụng những ngôn từ “bẩn thỉu” phải chịu thiệt hại.
Trong Cộng đồng, những phần tử xấu, đi-bằng-đầu này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Họ hoặc là một nhóm người mất phương hướng, hoặc là phường “giá áo túi cơm”, mờ mắt vì danh vì lợi, sẵn sàng đem chữ nghĩa một vốc của mình đi phục vụ cho những thế lực thù địch kiểu như những kiếm khách thời Trung cổ vác gươm đi đâm mướn chém thuê. Để đánh phá tập thể tỵ nạn Cộng sản, họ thường dùng email nặc danh, ẩn mình dưới những tên giả, trốn tránh luồn lách, dùng sú ngữ ác độc đi ám hại những người làm việc quang minh chính đại, thì chúng ta chẳng nên và chẳng cần “ khẩu chiến” với họ làm gì. Trả lời họ là cho họ một cơ hội đứng ngang hàng với mình, vì ta không biết họ là ai, có cùng trình độ và nguồn gốc với ta hay không.
Trong tập thể Cựu sinh viên Quốc Gia Hành chánh nhỏ bé của chúng ta, rất may, số người xấu như trên lại càng ít hơn nữa, Có thể mấy anh này có đầu óc hơi bất bình thường, đã có tuổi nhưng chưa trưởng thành về nhân cách. Vậy các anh này là những người đáng thương hơn là đáng ghét và cần được xã hội cho tham dự các lớp về sức khoẻ tâm thần. Hội cựu sinh viên QGHC chúng ta trước hết là một hội Ái hữu nên cần phải chọn bạn mà chơi trong tinh thần tương kính và bao dung, coi nhau như anh em. Sẽ không có ai chê cười nếu chúng ta nhường nhịn một người em ngỗ nghịch hay chịu đựng một người anh có bịnh nan y mãn tính trong nhà.
Dù xã hội có đảo điên, dù trong hội nhà có chuyện bối rối, xin quý anh chị đồng môn cứ an nhiên tự tại, kiên định lập trường, bền chí, nhắm thẳng con đường đúng đắn quang minh chính đại mà tiến tới. “Phòng ý như thành, thủ khẩu như bình“.
Trần Ngọc Thiệu