Khi làm việc ở Đông Nam Á, tôi có dịp nghe người tị nạn nói tiếng Anh với đồng nghiệp của mình hay trong các buổi thực tập.
What do you want to do when you come to the United States? (Bạn muốn làm nghề gì khi đến Mỹ?)
I want to do restaurant. (Tôi muốn làm nhà hàng.)
Lần đầu tiên nghe câu trả lời tôi phải cố nhịn cười. Dĩ nhiên là trong chúng ta, nếu đã qua thời gian học một ngoại ngữ có thể cũng có lúc suy nghĩ tìm câu chữ, hay đã từng bật miệng nói tiếng Anh kiểu tương tự khi khả năng còn kém. Anh ngữ của những người tị nạn với trình độ học vấn cấp 1, tôi gọi đó là kiểu nói tiếng Anh “No star where” – không sao đâu – để khuyến khích người học mạnh dạn tập nói.
Năm đó cũng có sao chổi Halley xuất hiện nên đêm đêm người tị nạn rủ nhau lên đồi xem “broom star”, nghe lạ nhưng người ngoại quốc hiểu người Việt muốn nói gì. Với trình độ Anh ngữ thấp, dịch sát nghĩa từng chữ là cách để họ truyền đạt một ý nghĩ nào đó khác hơn là phải quơ tay, ra dấu.
Nhưng có câu chuyện liên quan đến văn học Việt ở Mỹ do một người sống ở Mỹ nhiều năm, có bằng cấp đại học và đã dịch “bể dâu” trong “Trải qua một cuộc bể dâu…” của Truyện Kiều thành “mulberry sea”. Đó là một tai nạn dịch thuật của hơn 30 năm về trước để đến giờ vẫn có người châm chọc gọi ông là dịch giả “Mulberry Sea”.
Nay chuyện dịch sang Anh ngữ một cách sát nghĩa đến ngô nghê thì liên quan đến một nhạc sĩ trong nước. Nhân dịp kỉ niệm Nghìn năm Thăng Long Hà Nội, một số bài hát tiếng Việt rất được nhiều người Việt ưa thích đã được chuyển qua Anh ngữ, điển hình là bài “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” với câu “Em trong tôi một chiều tan lớp…” được dịch sang tiếng Anh là “You inside me after class…” rất theo phong cách “No star where” làm nhiều bạn đọc hay thính giả khi nghe qua phải bật cười.
Mấy em sinh viên, vài bác sĩ ở trong nước kém tiếng Anh dịch như thế cũng chẳng có gì đáng trách. Điều làm sốc, làm xấu hổ nhiều người là những bản dịch ngây ngô đó lại được một nhạc sĩ có tiếng đang lãnh đạo văn hoá, văn nghệ ở Việt Nam ca ngợi hết lời, để rồi bây giờ ông có biệt danh Anh ngữ là “Naked Dragon Hidden”.
Về chuyện dịch sát nghĩa, mời bạn đọc xem hình dưới đây, chụp một tờ thực đơn được loan truyền trên mạng Internet mà tôi đoán là từ nhà hàng ở một vùng sâu xa nào đó trên đất nước Việt Nam.
Cũng liên quan đến con mực, ở Mỹ có bán loại mực khô ăn liền, bao bì ghi sản xuất ở Đài Loan, trên đó “Prepared Squid” được dịch thành “Sẵn sàng con mực”. Dịch như thế phảng phất mùi nước mắm.
Còn ở Việt Nam, mực là một loại hải sản ngon, dịch sát nghĩa thành “Ink” thì không còn gì sát nghĩa hơn. Sặc mùi mắm tôm.
Ông bạn nhà quê nào đã dịch tờ thực đơn trên sang tiếng Anh, mai mốt thăng quan tiến chức lên làm văn hoá, thông tin và phải dịch khẩu hiệu “Bác Hồ sống mãi trong quần chúng” ra tiếng Anh [Uncle Ho living in their pants –Việt Thức “nôm na” ghi thêm] thì chắc Bác cũng phải bật cười vùng ra khỏi lăng.
Bùi Văn Phú