Môn kinh tế học được nhiều người chú ý và tôn trọng phần lớn là dựa vào những con số làm nền tảng để chứng minh cho những sự kiện hưng thịnh hay suy thoái của nền kinh tế một nước hay một vùng trải qua một thời điểm hay giai đoạn nào đó. Người ta thường nói rằng những con số không biết nói dối, và không cần phải dựa vào những hình thức hay phương pháp lý luận tài tình hoặc hùng biện, để nói lên một sự kiện hay một kết luận nào đó khó ai phản biện được.
Dĩ nhiên, những con số đó phải là những con số ghi nhận những sự kiện xác thực đã xảy ra, chứ không phải là những con số được dựng đứng hay diễn dịch, suy đoán. Phương pháp thu nhận những con số xảy ra ngoài đời và tổng hợp lại thành những biểu đồ chính là môn thống kê học. Một trong những ấn bản về thống kê học lâu đời và có giá trị nhất là tập Statistical Abstract of the United States (viết tắt là Stat Abstract) do văn phòng của Tổng Nha Kiểm Kê Dân Số (Census Bureau) trực thuộc Bộ Thương Mại Hoa Kỳ ấn hành hàng năm để ghi nhận lại những sự kiện vẽ lên hình ảnh sinh hoạt xã hội và kinh tế của Hoa Kỳ.
Cái tên của ấn phẩm này có thể được chuyển dịch là Thống kê Trừu tượng của Hoa Kỳ, nhưng xét cho kỹ, nó đã vẽ lên những trạng thái rất cụ thể của đời sống tại Hoa Kỳ diễn ra hàng năm. Được xuất bản lần đầu từ năm 1878, nó được coi như là cuốn kinh điển chính xác nhất được dùng làm tài liệu để trích dẫn mỗi khi cần đến những dữ liệu liên quan đến nhiều lãnh vực khác nhau trong sinh hoạt kinh tế của cả nước.
Mỗi ấn bản thường dầy khoảng 1000 trang bao gồm 30 phần với hơn 1300 biểu đồ tóm gọn khoảng 200 đề tài đa dạng như mức lợi tức và tài sản, các con số về xuất-nhập-cảng, mức tiêu thụ và sản xuất, các nguồn tài sản thiên nhiên và một số các bảng so sánh giữa Hoa Kỳ và nhiều nước khác.
Nhà báo Robert Samuelson, chuyên viết các bài bình luận về kinh tế trên tờ nhật báo Washington Post, cho biết ông là một độc giả trung thành của cuốn sách này. Trong một bài viết đề ngày 11 tháng Giêng vừa qua, ông kể rằng có những sự kiện rất lý thú để biết về nước Mỹ xuyên qua những con số được in trong ấn bản 2010 vừa mới được phát hành.
Chẳng hạn như khi mở ra trang 673 của tập sách này, người đọc có thể biết rằng hơn 3/4 người dân Mỹ (đúng ra là 76.1%) lái xe một mình khi đi đến sở làm mỗi ngày. Chỉ có 10.4% là chịu khó đi chung xe quá giang với nhau, thường gọi là carpool, trong khi chỉ có 4.9% chịu sử dụng các phương tiện chuyên chở công cộng như xe buýt và khoảng 2.8% là chịu khó đi bộ mỗi ngày đến sở. Chẳng trách nào mà mức tiêu thụ xăng nhớt tại Hoa Kỳ tốn kém và phung phí nhất, đi kèm với mức độ ô nhiễm trong không khí cũng cao nhất do bởi khí thải ra từ số lượng xe cộ khổng lồ kẹt xe nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày trên các đường phố.
Tính trung bình, người dân Mỹ tốn hao khoảng 25.3 phút mỗi ngày cho việc di chuyển đến trường học hoặc sở làm; và tiểu bang có thời gian dài nhất cho việc di chuyển này là New York ở mức 31.5 phút trong khi hai tiểu bang thưa thớt dân cư là North và South Dakota lại ít tốn thời gian nhất, chỉ mất trung bình có 16 phút để đi làm mỗi ngày. Tiếp theo đó là những tiểu bang như Montana và Nebraska, chỉ tốn kém khoảng 17.6 phút mỗi ngày. Tiếc thay, đây là những tiểu bang không có đông dân số cũng như không có những điều kiện thuận lợi về khí hậu và thắng cảnh thiên nhiên lý tưởng, và do đó cũng không cung cấp được nhiều công ăn việc làm để thu hút những di dân chịu đến lập nghiệp.
Tập sách Stat Abstract cũng cho thấy là người dân Mỹ nói chung tương đối thuộc thành phần lạc quan với tỉ lệ người tự tử thấp nhất trong số các quốc gia kỹ nghệ giầu mạnh trên thế giới. Tỉ lệ tự tử tại Hoa Kỳ là 10.2 trên 100,000 người, thấp hơn tỉ lệ trung bình của tất cả các nước giầu mạnh là 11.9%, và thấp hơn nhiều so với nước Nhật (20.3%) và Pháp (15.1%). Giá cả thực phẩm tại Hoa Kỳ cũng gần như rẻ nhất trên thế giới (so với đồng lương và giá sinh hoạt trong nước), một nhận định mà đa số người Việt đều cảm nhận rõ nhất mỗi khi đi du lịch ra nước ngoài, kể cả khi về thăm nhà ở Việt Nam. Thống kê năm 2007 cho thấy là người dân Mỹ chi ra khoảng 6.9% tổng số chi phí tiêu xài cho chuyện ăn uống. Dân chúng những nước khác tiêu tốn hơn nhiều cho mục này, như dân nước Đức (11.4%), nước Ý (14.5%) hoặc ngay cả dân nước Mễ Tây Cơ (24.2%). Phải chăng vì vậy mà dân Mỹ cũng dễ trở thành béo phì hơn vì ăn uống quá nhiều bởi vì giá cả thức ăn quá rẻ? Thống kê cũng chứng minh điều này chứ không phải chỉ là những lời tiên đoán hay bình phẩm chủ quan. Bởi vì có khoảng 34% dân Mỹ được xếp hạng là béo phì (obese), cao hơn gấp 3 lần tỉ lệ tại Pháp (10.5%) hoặc gấp 4 lần tỉ lệ tại Thuỵ Sĩ (chỉ có 7.7%).
Tập sách thống kê này cũng giúp bác bỏ nhiều quan niệm sai lầm rất phổ thông. Chẳng hạn như nhiều người thường cho rằng Hoa Kỳ là nơi khai sinh ra phong trào tranh đấu cho quyền của phụ nữ và nữ giới giành được nhiều quyền hành trên chính trường. Tuy nhiên, những con số thống kê không xác nhận điều này. Tại Quốc Hội Hoa Kỳ, tuy bà Nancy Pelosi đã trở thành phụ nữ đầu tiên nắm chức Chủ tịch Hạ Viện, nhưng tỉ lệ các nữ dân biểu chỉ có khoảng 16.8%, thua xa tỉ lệ tại nhiều quốc gia khác như Gia Nã Đại (22.1%) hoặc Hoà Lan (41.3%), hoặc còn thấp hơn cả tỉ lệ tại Uzbekistan (17.5%) vốn vẫn còn được xem là một quốc gia chưa thực sự tự do dưới quyền một lãnh tụ độc tài. Pháp và Hoa Kỳ, hai quốc gia được coi như đi đầu trong việc tôn trọng nữ quyền, trớ trêu thay, lại là những quốc gia chưa chịu bầu cho các nữ chính khách được trở thành tổng thống, thua xa nhiều nước khác như Anh và Đức, và còn thua cả nhiều quốc gia Á châu bảo thủ khác như Pakistan và Phi Luật Tân đã có những lãnh tụ uy quyền trong các chức vụ tổng thống hay thủ tướng từ nhiều thập niên trước.
Trong tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, nhiều người có thể lầm tưởng rằng những dấu hiệu về phát triển và tiến bộ có thể đã bị đình trệ. Tuy nhiên những con số thống kê trong cuốn sách Stat Abstract dường như đã chứng minh điều ngược lại. Thí dụ đầu tiên là về vấn nạn tội ác trong xã hội.
Cách nay hai thập niên, tỉ lệ tội ác đã gia tăng khắp nơi khiến người ta có cảm tưởng như các chính phủ đều lâm vào tình trạng bất lực trước những con số các vụ án mạng, hãm hiếp hoặc mua bán ma tuý tiếp tục gia tăng. Thế nhưng sau đó các tỉ lệ này đã tụt giảm dần. Nếu so sánh thống kê từ năm 1993 đến năm 2007, người ta nhận thấy rằng con số các vụ án mạng đã giảm từ 25,000 xuống còn 17,000 và số các vụ cướp bóc từ 660,000 xuống còn 445,000 vụ. Tỉ lệ tội ác coi như đã tụt giảm bởi vì trong cùng thời gian này dân số đã gia tăng hơn khoảng 16%. Người ta vẫn chưa đồng thuận trong những lý do giải thích hiện tượng này. Có thể đó là do ảnh hưởng của những tiến bộ trong các kỹ thuật phòng chống tội ác của các cơ quan công lực đi kèm với những hình phạt được gia tăng nặng nề hơn nhằm răn đe người dân không phạm tội. (Số tù nhân đã gia tăng từ 1.15 triệu người trong năm 1990 đã thành 2.29 triệu tù nhân vào năm 2007). Tuy vậy, vấn đề tội ác vẫn là một đề tài khá nghiêm trọng, nhất là trong giới trẻ: Vào năm 2007, có đến 18% các học sinh trung học cho biết là đã từng đem vũ khí vào trường học.
Ở một góc cạnh tích cực hơn, người ta có thể ghi nhận nhiều dấu hiệu lạc quan cho thấy đã có tiến bộ. Tỉ lệ người hút thuốc đã tụt giảm, do ảnh hưởng của nhiều chiến dịch giáo dục y tế nhằm hướng dẫn việc bảo vệ sức khoẻ đi kèm với những biện pháp ngăn chặn gắt gao hơn. Vào năm 1990, tỉ lệ người lớn hút thuốc là 25.3% nhưng đến năm 2007 đã tụt xuống còn 19.7%. Tỉ lệ sống sót cho những người mắc bệnh ung thư sau 5 năm cũng đã gia tăng từ 62.4% lên đến 69.1%. Tỉ lệ tham gia đi bầu của người dân cũng đã gia tăng với tỉ lệ 57.1% cử tri đi bầu trong năm 2008 là mức cao nhất kể từ năm 1968 đến nay. Trong giới trẻ (từ 18 đến 29 tuổi), số người sử dụng thông tin Internet cũng đã gia tăng mạnh, từ 72% vào năm 2000 nay đã lên thành 92% vào năm 2009.
Đi kèm với những tin tức có phần lạc quan kể trên, con số những sự kiện tiêu cực cũng gia tăng trong thời gian qua. Vào năm 2007, có đến 2/5 các em bé sơ sinh được ra đời bởi các phụ nữ độc thân (những người không chồng mà chửa mới ngoan!), tức là tăng gấp đôi tỉ lệ của năm 1980. Nếu như vào năm 1970, tỉ lệ các giáo viên tại trường học là 1 thầy cô cho 22 học sinh thì đến năm 2007 cứ 15 em học sinh là có một thầy cô, nhưng sự cải tiến này lại không giúp cải thiện rõ rệt thành quả của các em học trò.
Tập sách Stat Abstract này cũng giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về sinh hoạt của người dân Hoa Kỳ ra sao và đã thay đổi thế nào trong thời gian qua. Thống kê cho thấy là dân số khoảng 304 triệu dân Mỹ vào năm 2008 có thể tiến lên đến con số 440 triệu người vào năm 2050. Một trong những chỉ dấu cho thấy Hoa Kỳ là quốc gia có số di dân cao nhất là tỉ lệ khoảng 1/4 các em học sinh tiểu học và trung học là thành phần di dân hoặc có bố mẹ là di dân từ nước ngoài đến định cư. Riêng về nhu cầu giải trí và thông tin, tính trung bình người dân Mỹ vào năm 2007 đã tiêu tốn đến 1,613 giờ, tương đương với 67 ngày, để xem truyền hình. Một trong những con số thống kê chứng minh Hoa Kỳ là quốc gia tiêu tốn nhiều năng lượng nhất cho vấn đề di chuyển là con số các loại xe lớn tốn xăng như pickup truck, van và SUV đã tăng gấp 4 lần trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến năm 2007 và chiếm đến 101.5 triệu chiếc; trong khi đó số lượng xe thường chỉ gia tăng khoảng 12% trong cùng thời điểm và hiện có khoảng 135.9 triệu chiếc xe.
Một chi tiết khác cũng khá lý thú mà nhà báo Robert Samuelson đã nêu ra liên quan đến những con số thu lượm được từ tập sách Stat Abstract này, đó là vấn đề tình dục (sex) được nhiều người tò mò muốn biết. Đối với phái nam từ 15 đến 44 tuổi, coi như trong suốt cuộc đời, họ có khoảng 5.4 người bạn tình dục (sex partners). Chi tiết này có lẽ sẽ khiến cho nhiều nhà đạo đức phải nhăn mặt và than phiền rằng còn đâu chuyện một vợ một chồng thuỷ chung suốt đời cho đến ngày răng long tóc bạc! Thậm chí có khoảng 1/4 số đàn ông (22.6%) cho rằng họ đã có đến 15 hay hơn nữa những người bạn đời về tình dục. Đối với phụ nữ, những tỉ lệ này có phần khiêm nhượng hơn, với trung bình là 3.3 người trong suốt cuộc đời của mình, trong khi chỉ có gần 10% phụ nữ cho rằng mình đã có đến 15 hay cao hơn những người đã từng chung chăn xẻ gối.
Đúng ra, cuốn sách Stat Abstract cung cấp một kho dữ kiện rất phong phú về những gì đã xảy ra trong thời gian qua. Việc người ta dựa vào nó để phân tích hay bàn bạc hoặc tranh luận là một biểu hiện của sinh hoạt dân chủ tại quốc gia này mà chúng ta có may mắn được hưởng thụ.
Mai Loan
Houston, Texas 19-02-2010