Trong khuôn khổ cuộc họp với nhiều lãnh đạo ngân hàng trung ương ngày 18/10 ở Thượng Hải, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF cảnh báo : « phá rào » trên hồ sơ tiền tệ và ngoại hối đe dọa trực tiếp đến đà phục hồi kinh tế của toàn cầu.
IMF tuyên bố như trên vào lúc giá đồng tiền của nhiều nước Á châu tăng mạnh so với đô la, làm phương hại đến khu vực xuất khẩu của các nước trong vùng và khiến nguy cơ lạm phát ngày càng lớn.
Tại khóa họp thường niên của IMF và Ngân Hàng Thế Giới từ ngày 8-10/10 vừa qua, các giới chức tài chính quốc tế đã thảo luận về các biện pháp đẩy mạnh đà phục hồi kinh tế sau khủng hoảng toàn cầu 2008/2009, củng cố hệ thống tiền tệ của thế giới và nhất là để các bên cùng đưa ra những công cụ « đề phòng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh ngoại hối».
Nhưng theo các nhà quan sát, tại châu Á chiến tranh tiền tệ dường như đã mở màn vài ngày truớc cuộc họp của các bộ trưởng Tài chính G20 tại Hàn Quốc để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Seoul vào đầu tháng tới.
Hàn Quốc nỗ lực hạ giá đồng tiền
Hôm nay bộ trưởng tài chính Hàn Quốc Yoon Jeung Hyun cho biết chính quyền Seoul đang ráo riết chuẩn bị một loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn đà gia tăng của đồng won trong bối cảnh tư bản quốc tế đang ồ ạt đổ vào các thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao như Hàn Quốc. Trong ba tháng vừa qua, đơn vị tiền tệ của Hàn Quốc đã tăng giá 7,6% so với đô la và điều này gây trở ngại cho ngành xuất khẩu quốc gia.
Một trong những biện pháp nói trên có thể là xóa bỏ các điều khoản ứu đãi thuế khóa đối với các tập đoàn nước ngoài hoạt động ở Hàn Quốc. Điều khoản này đã được áp dụng từ tháng ba 2009. Bên cạnh đó một khả năng thứ nhì đang được Seoul tính đến đó là tăng thuế đối với các nhà đầu tư ngoại quốc mua công phiếu của Hàn Quốc.
Theo hãng thông tấn Yonhap, Seoul có thể chính thức công bố và cho áp dụng các biện pháp vừa nêu ngay sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20. Tin trên cho thấy cuộc chiến hối đoái bắt đầu manh nha. Hàn Quốc hiện đang bị nhiều đối tác châu Á, đứng đầu là Nhật Bản chỉ trích là đã thường xuyên tung ra thị trường các khoản tiền khổng lồ để giữ giá đồng won ở một mức có thể chấp nhận được.
Nhật Bản nghẹt thở vì đồng yen tăng giá
Nhìn đến một nền kinh tế có trọng lượng khác ở châu Á là Nhật Bản : ngày 15/9/2010, chính phủ Nhật bán ra một khối lượng lớn đồng yen để giữ giá đơn vị tiền tệ. Bên cạnh đó từ nhiều năm qua, đây cũng là lần đầu tiên Tokyo quy định một mức tối đa cho phép các nhà đầu tư quốc tế mua công trái của Nhật.
Tính từ đầu năm tới nay, giá đồng yen tăng 13% so với đô la Tuy nhiên, mặc dù chính quyền của thủ tướng Naoto Kan đã mạnh dạn can thiệp như vậy nhưng giới tài chính dự phóng là đồng yen Nhật Bản còn tiếp tục tăng giá, dao động ở mức trên dưới 80 yen đổi lấy một đô la.
Ngoài các nước lớn như Hàn Quốc và Nhật Bản, nhiều nước nhỏ như Thái Lan cũng đã phải can thiệp vào lúc mà cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc trên mặt trận tiền tệ còn chưa ngã ngũ.
Nhân dân tệ-đô laReuters
Cục diện kinh tế và tài chính thế giới
Tất cả các cuộc tranh cãi hiện nay chung quanh tỷ giá hối đoái diễn ra trong bối cảnh đà phục hồi kinh tế tại các nước công nghiệp phát triển còn yếu kém, trong khi đó các quốc gia đang trỗi dậy lại có tiềm năng phát triển rất cao và đang là những khu vực được coi là năng động nhất toàn cầu.
Khi một nền kinh tế được coi là có tiềm năng phát triển và tăng trưởng cao, tự nhiên các khu vực này thu hút tư bản ở những nơi khác đổ về. Hậu quả trực tiếp là đồng tiền quốc gia tăng giá. Điều đó đe dọa đến ngành xuất khẩu. Hơn nữa tình trạng dư thừa vốn như trên dẫn đến nguy cơ lạm phát, các hoạt động đầu tư bất cẩn, đầu cơ…
Trong bản báo vừa được công bố vào hôm nay (19/10), Ngân Hàng Thế Giới cũng cảnh báo các nước trong khu vực Đông Á trước những rủi ro về phương diện tiền tệ. Theo WB, Đông Á – bao gồm Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Cam Bốt, Fiji, Lào, Mông Cổ, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và các nước tiến bộ hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc Singapore, Hồng Kông, và Đài Loan – tiếp tục là khu vực có tỷ lệ tăng truởng kinh tế ngoạn mục nhất thế giới, dự trù là 8,9% cho năm nay.
Tỷ lệ tăng trưởng « hấp dẫn này » sẽ là nguyên nhân khiến tỷ giá hối đoái của các đơn vị tiền tệ khu vực có khuynh hướng tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong lúc mà Hoa Kỳ vẫn để ngỏ các cửa cho việc « nới lỏng chính sách tiền tệ » để tiếp sức cho khu vực kinh tế.
Điều đó càng cho thấy viễn cảnh cộng đồng quốc tế chứ không chỉ riêng gì châu Á lao vào trận chiến hối đoái càng thêm rõ nét. Có khả năng cuộc chiến đó sẽ mở màn ngay từ cuối tuần này tại Hàn Quốc trong khuôn khổ cuộc họp bộ trưởng Tài chính nhóm G20.
Thanh Hà [Nguồn: RFI]