Phản ứng quốc tế về việc ông Hollande được bầu làm Tổng thống Pháp
François Hollande tân Tổng thống Pháp
Theo đúng nghi lễ ngoại giao, ngay sau ông François Hollande được tuyên bố đắc cử Tổng thống Pháp, nhiều nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ các nước trên thế giới, đặc biệt là Đức và Hoa Kỳ đã gửi lời chúc mừng.
Tối hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi điện thoại tới ông Hollande để chúc mừng chiến thắng và mời ông công du Đức. Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Pháp, bà Merkel đã công khai tuyên bố ủng hộ ông Sarkozy. Từ nay, bà Merkel sẽ phải làm việc với ông Hollande về khả năng bổ sung hồ sơ tăng trưởng vào hiệp định kỷ luật ngân sách.
Với thái độ rất thực dụng, Thủ tướng Anh David Cameron, thuộc phe bảo thủ, đã nhanh chóng chúc mừng thắng lợi của ứng viên cánh tả Pháp. Thực ra, mối quan tâm của Thủ tướng Anh là liệu Tổng thống vừa đắc cử của Pháp có gây ra những lo ngại, bất ổn cho khu vực đồng euro, cũng như đòi xem xét lại chính sách thắt lưng buộc bụng, khi đòi châu Âu phải có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Trong khi đó, Thủ tướng Ý Mario Monti, người chủ trương cần phải có tăng trưởng tại châu Âu, đã bày tỏ mong muốn được « cộng tác chặt chẽ với Pháp, đặc biệt trong khuôn khổ châu Âu ». Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso cũng có phát biểu tương tự.
Do lệch giờ, vào rạng sáng ngày hôm nay 07/05/2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện thoại chúc mừng cho ông Hollande, đồng thời cũng nêu ra « những hồ sơ khó khăn » cần có sự hợp tác giữa hai nước để giải quyết. Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết là Tổng thống Obama sẽ đón tiếp Tổng thống đắc cử Pháp Hollande tới dự cuộc họp G8 ở Cam David và ở Chicago trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Tổng thống Brazil, Venezuela cũng gửi điện chúc mừng chiến thắng của ông Hollande.
Đức Tâm
Nguồn RFI
Châu Âu ủng hộ ý tưởng về tăng trưởng của Tổng thống đắc cử Pháp
Tối hôm qua, 06/05/2012, ngay sau khi có thông tin về việc ông François Hollande trúng cử Tổng thống Pháp, nhiều lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng kêu gọi cần phải tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên lục địa. Điều này chứng tỏ rằng cựu ứng viên cánh tả – Tổng thống đắc cử Pháp đã thành công trong việc làm thay đổi các đường hướng của châu Âu vốn được chấp nhận cho đến nay, theo đó, cắt giảm chi tiêu, khắc khổ là giải pháp chính để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công.
Ngay hôm nay, ông François Hollande tiến hành các cuộc trao đổi, tham khảo các lãnh đạo nước ngoài, đặc biệt là châu Âu, để đưa vấn đề tăng trưởng trở thành tâm điểm của chính sách phát triển kinh tế của châu Âu.
Phát biểu tối qua, tại Tulle, Corrèze, (trung nam nước Pháp), ông Hollande nhấn mạnh : « Châu Âu đang nhìn vào chúng ta. Ở thời điểm mà kết quả bầu cử được công bố, tôi tin chắc rằng tại nhiều nước châu Âu, có một sự thở phào nhẹ nhõm, một hy vọng » và chính sách thắt lưng buộc bụng không phải là một định mệnh.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Hollande đã nhiều lần khẳng định, nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ thương lượng lại hiệp định về kỷ luật ngân sách; và tiến trình xây dựng châu Âu phải chú ý tới tăng trưởng, việc làm và sự phồn thịnh. Ngày hôm qua, Tổng thống đắc cử Pháp tuyên bố : « Tôi sẽ nói những điều này với các đối tác châu Âu, trước tiên là với Đức », nước vốn chủ trương tăng cường kỷ luật ngân sách.
Theo giới quan sát, quan điểm của ông Hollande đã được lắng nghe : Ngoại trưởng Đức Guido Westerwell hứa là hai nước sẽ cùng nhau chuẩn bị một hiệp định về tăng trưởng cho châu Âu.
Thủ tướng Ý Mario Monti cho biết muốn hợp tác chặt chẽ với Pháp nhằm xây dựng một châu Âu có hiệu quả và hướng tới tăng trưởng. Lãnh đạo cơ quan hành pháp Ý nhấn mạnh, điều quan trọng đối với các nước là phải có một nền tài chính công có trách nhiệm, ưu tiên cho các đầu tư sản xuất, giống như Pháp, Ý, Hy Lạp và một số nước khác đã làm trong một thời gian dài.
Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo, thuộc cánh tả, là người đầu tiên tuyên bố: « Vui mừng được làm việc với ông François Hollande, với các nguyên thủ quốc gia và các lãnh đạo chính phủ châu Âu khác nhằm cụ thể hóa một kế hoạch tăng trưởng và tạo việc làm ».
Thủ tướng, Ngoại trưởng của Đan Mạch, Luxembourg cũng đề cao sự cần thiết phải hợp tác với Tổng thống đắc cử Pháp để tạo tăng trưởng và việc làm ở châu Âu.
Ông Hollande còn nhận được một sự ủng hộ « nặng ký » : Vấn đề tăng trưởng là nội dung chính bức thông điệp chúc mừng đến từ chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso. Thông điệp viết : « Rõ ràng chúng ta có một mục tiêu chung : Tái thúc đẩy kinh tế châu Âu để tạo ra sự tăng trưởng bền vững, dựa trên những cơ sở lành mạnh và nguồn lao động mới ». Lãnh đạo cơ quan hành pháp châu Âu cũng nhắc lại rằng ông và Tổng thống đắc cử Pháp có cùng « một niềm tin là cần phải đầu tư vào tăng trưởng, vào các mạng lưới hạ tầng cơ sở lớn, bằng cách huy động mạnh mẽ hơn sự tham gia của Ngân hàng Đầu tư châu Âu và các quỹ sẵn có trong ngân sách châu Âu, đồng thời vẫn duy trì hướng củng cố kỷ luật ngân sách và giảm nợ công ».
Trong những tuần sắp tới, Ủy ban châu Âu sẽ có các đề xuát theo hướng này.
Mặc dù có được sự hậu thuẫn của nhiều nước châu Âu trong việc thúc đẩy tăng trưởng, nhưng Tổng thống đắc cử Pháp sẽ phải đối mặt với các thách thức to lớn trong việc phục hồi nền kinh tế. Các cam kết chính của ông Hollande như giảm thâm hụt ngân sách, giảm nợ công, tạo công ăn việc làm, đầu tư cho giáo dục… đều dựa trên cơ sở tăng trưởng kinh tế.
Theo nhận xét của chuyên gia Henri Sterdyniak, thuộc Đài quan sát tình hình kinh tế Pháp (OFCE) – một tổ chức độc lập, thì « khó khăn chính là tăng trưởng ». Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo, năm tới, tăng trưởng của Pháp chỉ là 1% trong khi ông Hollande cho rằng tỉ lệ này có thể lên tới 1,7% và ông hy vọng là từ năm 2014 trở đi, kinh tế Pháp sẽ có được tốc độ tăng trưởng ít nhất là 2% mỗi năm.
Đức Tâm
Nguồn RFI