Thân mến tặng Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh để kỷ niệm những ngay bàn luận về Phật Học
Bất cứ ai đã đọc bộ truyện Thiên Long Bát Bộ của văn hào Kim Dung thì thế nào cũng phải nhớ một đoạn vô cùng hào hứng và hùng tráng xẩy ra tại chùa Thiếu Lâm, hầu hết các nhân vật quan trọng nhất trong truyện đều có mặt tại sân chùa vào lúc này.
Tên bộ sách “Thiên Long Bát Bộ” chỉ định tám vị thần Hộ Pháp rất quan trọng của Phật Giáo Nguyên Thuỷ trong đó có những tên quen thuộc như Dạ Xoa Thần, Long Thần, Thiên Thần, A Tu La vv.
Lúc đó Du Thản Chi, dưới danh nghĩa tân Bang Chủ Cái Bang, cùng A Tử cô nương dẫn bang phái lên Thiếu Thất, Tung Sơn tranh chức Võ Lâm Minh Chủ, thống lĩnh giang hồ. Bất cứ ai muốn tranh chức Minh Chủ thì không đâu danh giá bằng chiếm được chức này tại Thiếu Lâm Tự, nơi toàn thiên hạ công nhận là Thái Sơn Bắc Đẩu của Trung Hoa Võ Lâm. Người đọc được gặp tất cả các nhân vật quan trọng nhất, đáng yêu cũng như đáng ghét của Thiên Long Bát Bộ trong chùa Thiếu Lâm vào lúc này: Vương Ngọc Yến cô nương, người đẹp tuyệt trần giống bức tượng tiên nữ dưới đáy băng hồ, đi theo biểu huynh Mộ Dung Phục, người anh hùng xứ Cô Tô cùng đoàn hiệp sĩ tuỳ tùng của mình như Bao Bất Đồng, Phong Bất Ác… Và chỗ nào có Vương Ngọc Yến thì tất nhiên chúng ta sẽ thấy Đoàn Dự, vị thế tử nước Đại Lý, chàng si tình dễ yêu nhất, ngây ngô nhất với tâm hồn hiền hoà và tuyệt pháp Lăng Ba Vi Bộ không ai sánh kịp.
Chúng ta cũng sẽ thấy nhà sư Hư Trúc – người anh kết nghĩa của Đoàn Dự-, tân chủ nhân của Linh Thứu Cung, người kế nghiệp Thiên Sơn Đồng Mẫu già ngót trăm tuổi mà hình dáng lúc nào cũng trẻ như đứa con nít nhỏ tuổi (Mẫu là bà già còn Đồng là con nít).
Hoà thượng Hư Trúc đã học được hết tất cả tuyệt học bí truyền của phái Tiêu Dao, tiếp nhận Sinh Tử Phù của Thiên Sơn Đồng Mẫu và hấp thụ trên sáu mươi năm nội công của Vô Nhai Tử, vị tiền nhiệm chưởng môn Tiêu Dao phái, một môn phái kỳ dị, võ công tuyệt học nhưng luôn luôn đòi hỏi Chưởng Môn Nhân phải là một người đàn ông sang trọng, hào phóng và đẹp trai.
Chúng ta nên nhớ Linh Thứu Sơn là nơi Đức Phật Thích Ca hay lui tới để giảng đạo và tế độ chúng sinh. Nước ta cũng như bên Trung Hoa có nhiều chùa đặt tên là Linh Sơn Tự cũng vì lý do muốn xử dụng tên ngọn núi đầy lịch sử và gợi lại một điển tích xa xưa vô cùng quý báu của Phật Giáo. Khi đặt tên nơi cư ngụ của Thiên Sơn Đồng Mẫu là Linh Thứu Cung, nhà văn Kim Dung đã chứng tỏ ông ta thấu hiểu rất nhiều về cuộc đời của Đức Thích Ca Mầu Ni khi ngài hành đạo.
Gần đây Cao Hành Kiện cũng viết một cuốn sách tên là Linh Sơn, sách này đoạt giải thưởng Nobel về Văn Học. Kẻ viết không chia sẻ sự kính phục của nhiều người với tác giả Cao Hành Kiện.
Khi đặt tên nơi cư ngụ của Thiên Sơn Đồng Mẫu là Linh Thứu Cung, nhà văn Kim Dung đã chứng tỏ ông ta thấu hiểu rất nhiều về cuộc đời của Đức Thích ca khi ngài hành đạo.
Theo Hư Trúc đến chùa Thiếu Lâm chúng ta còn thấy bốn cô gái Mai, Lan, Cúc, và Trúc Kiếm rất dễ thương, rất trung thành mà võ nghệ cũng rất cao cường của Cung Linh Thứu.
Hư Trúc với tuyệt nghệ Bắc Minh Chân Khí, Thiên Thượng Địa Hạ Duy Ngã Độc Tôn, với Sinh Tử Phù làm bằng nước đóng băng núi Thiên Sơn cao ngất trời miền Tây Bắc nước Tầu, đột nhiên đã trở nên một nhân vật đứng hàng đầu võ lâm.
Chúng ta cũng sẽ thấy tại chùa Thiếu Lâm Trấn Nam Vương Đoàn Chính Thuần, thân phụ Đoàn Dự, người đàn ông si tình nhất thiên hạ, được bao nhiêu người đàn bà đẹp khuynh nước nghiêng thành tương tư , mơ ước được sống xuốt cuộc đời họ với ông ta.
Đoàn Chính Thuần nhân vật quan trọng hàng đầu nước Đại Lý đến Thiếu Lâm cùng người nhân tình Nguyễn Tinh Trúc, mẹ của A Tử, người con gái tinh nghịch, si tình, ham mê võ nghệ và quyền hành danh vọng.
Bên cạnh Trấn Nam Vương còn có bốn vị võ tướng Đại Lý là Ngư, Tiều, Canh, và Độc tướng quân luôn luôn sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ gia đình Hoàng Gia Trấn Nam Vương.
Chúng ta lại được gặp Bắc Hiệp Kiều Phong, nhân vật anh hùng bậc nhất của tất cả các tác phẩm Kim Dung. Kiều Phong sau khi từ bỏ chức vị Bang Chủ Cái Bang đã đi về phía Bắc Vạn Lý Trường Thành, đến vương quốc các dân tộc Khiết Đan, Liêu, Kim, nơi quê hương cũ của ông ta.
Kiều Phong về Thiếu Lâm mang theo Thập Bát (18) võ sĩ Khất Đan hộ vệ. Kiều Phong tiên đoán chuyến đi Thiếu Lâm này sẽ vô cùng nguy hiểm, đám tuỳ tùng võ sĩ tuyệt nghệ công phu rất quan trọng để hộ vệ, đề phòng các giang hồ dị khách mưu mô quỷ quái với những công phu kỳ dị có thể bất ngờ tấn công.
Quả nhiên Kiều Phong đã thấy những người tài ba nhất, quỷ quái nhất trong Hắc Đạo có mặt, tham dự đánh phá Thiếu Lâm Tự như Đệ Nhất Ác Đoàn Diên Khánh, Tinh Tú Lão Quái Đinh Xuân Thu, Cửu Ma Trí Đại Sư nước Thổ Phồn vv…
Khi bị Mộ Dung Phục ức hiếp làm nhục, Đoàn Dự xuất phát ra tuyệt học Lục Mạch Thần Kiếm nước Đại Lý miền Vân Nam ra chống cự. Lục Mạch Thần Kiếm dùng sáu ngón tay thay kiếm, phát ra những luồng kiếm khí vô cùng mãnh liệt, là một loại võ công vô cùng kỳ dị, vô địch thiên hạ, nên Đoàn Dự chế ngự Cô Tô Mộ Dung Phục một cách dễ dàng.
Là một người lòng dạ hiền hoà, tử tế, không bao giờ muốn hại ai, nên Đoàn Dự không giết Mộ Dung Phục, cũng không muốn làm nhục người này trước mặt Võ Lâm.
Vốn là một nhân vật kiêu ngạo, đầy chí khí và tham vọng sẽ khôi phục giang sơn tổ tiên đất Yên miền Bắc Trung Hoa, Mộ Dung Phục hoàn toàn thất vọng khi thấy mình thua võ Đoàn Dự thì làm sao có hy vọng lấy lại nền độc lập cho Tiên Ty ?
Vì quá thất vọng và chán nản, Mộ Dung Phục đưa kiếm lên cổ tự tử.
Trong giây phút cực kỳ nghiêm trọng này, chúng ta thấy đột nhiên xuất hiện trên sân chùa Thiếu Lâm một vị tăng già mặc quầo áo toàn mầu trắng, bịt mặt phi thân bay tới ngăn cản không cho Mộ Dung Phục tự sát. Vị Bạch Y Tăng võ nghệ kinh hồn này còn la mắng, và giảng giải cho Mộ Dung Phục về trách nhiệm của người nối nghiệp duy nhất dòng họ Tiên Ty.
Khi toàn thể anh hùng Hắc Bạch hiện diện còn chưa hoàn hồn về tài ba xuất chúng của vị tăng già áo trắng thì bỗng nhiên một vị tăng già khác, cũng bịt mặt, quần áo toàn mầu đen lại hiện ra xung đột với tăng già áo trắng.
Hai vị Hắc Bạch tăng đánh nhau dùng những tuyệt chiêu Thiếu Lâm vô cùng kỳ dị mà ngay cả chưởng môn chùa Thiếu Lâm cũng chỉ nghe qua chứ chưa bao giờ tập luyện cả.
Đệ Tử Thiếu Lâm tự hỏi tại sao có hai vị sư võ công tài giỏi như vậy, hiểu rõ bao nhiêu tuyệt nghệ bản phái , sống trong chùa bao nhiêu năm nay mà toàn thể môn đồ Thiếu Lâm, từ chưởng môn trở xuống, không ai biết ?
Trong khi hai vị cao tăng đánh nhau thi quần hùng được biết danh vị hai người là Tiêu Viễn Sơn, thân phụ của Tiêu Phong, và Mộ Dung Bắc, thân phụ của Mộ Dung Phục.
Hai kẻ tử thù ẩn nấp trong Thiếu Lâm từ 30 năm nay để học lén võ công tuyệt học Thiếu Lâm lừng danh thiên hạ kể từ thời Đạt Ma Thiền Sư sáng lập ra môn phái này.
Trong khi cuộc xung đột giữa Hắc và Bạch Tăng lên tới mức tột đỉnh thì một vi sư già hiền lành chất phác, xuốt mấy chục năm nay hàng ngày quét lá sân chùa Thiếu Lâm, bỗng nhiên hiện ra dùng võ công kỳ dị ngăn cản hai người không được giết nhau.
Các vị sư quét lá sân chùa, theo thông lệ không có trong hệ thống tôn giáo chính thức của chùa, họ là những người thấp kém nhất, thua cả những nhà sư hỏa đầu quân làm việc trong bếp.
Những người này, cũng như các sư quét chùa , không phải học kinh Phật và cũng không cần phải biết đọc, biết viết, không phải hiểu biết Phật học và Thiền Học ngoại trừ nhửng điều căn bản như không trộm cắp, không uống ruợi, không hoang dâm vv…
Khi nhà sư già quét chùa hiện ra, đệ tử Thiếu Lâm ai cũng kinh ngạc vì hàng ngày thấy ông ta không hề nói chuyện với ai, chỉ cúi đầu lùi lũi quét sân chùa, chẳng ai biết tên và chức vị ông ta là gì cả.
Vị sư già quét chùa nhẹ nhàng hóa giải tất cả võ công Thiếu Lâm Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác đã học được trong trên 30 năm qua, trong một phong cách khoan thai, hiền hoà, giống Đức Thích Ca Mầu Ni đứng dưới cây bồ đề giảng đạo trên Linh Thứu Sơn trên 1500 năm về trước.
Vị sư quét chùa giảng dậy cho hai người Tiêu, Mộ cùng với quần hùng đang hội tụ tại Thiếu Lâm Tự ( và cả chúng ta những độc giả của Kim Dung nữa) những Yếu Lý thâm thúy nhất của Phật Học trong đó có những tư tưởng vô cùng tinh tuý của Liên Hoa Kinh và Kim Cương Kinh.
Trong lịch sử nước ta, vào thế kỷ XIII , vua thứ 3 nhà Trần tên là Trần Nhân Tôn nhường ngôi cho con, trở thành Thái Thượng Hoàng, leo lên núi Yên Tử cắt tóc đi tu theo cửa Phật. Trần Nhân Tôn sau này trở thành nhân vật hết sức đặc biệt với dân tộc ta vì những công trình của ngài về Phật Học cũng như việc ngài sáng lập ra môn phái Thiền Trúc Lâm của Việt Nam.
Tục lệ làm Thái Thượng Hoàng có từ thời Hán Cao Tổ bên Trung Hoa và được nhà Trần nước ta áp dụng hết sức triệt để.
Theo ý kiến rất thấp kém của kẻ viết, có lẽ trong những ngày đầu, Trần Nhân Tôn cũng bắt trước tục lệ sẵn có nước ta dành cho các người lớn tuổi vào sống trong chùa, ngoài việc học kinh kệ còn lau bàn thờ Phật, đánh chuông lúc hoàng hôn xuống, và quét lá sân chùa.
Nhiều năm trước khi Trần Nhân Tôn xuống tóc đi tu thì vua đời trước – Trần Thánh Tông – cũng đã lên Yên Tử xuất gia rồi. Ảnh hưởng của Trần Thánh Tông trên Phật Học Việt Nam không vĩ đại bằng ảnh hưởng công trình của Trần Nhân Tôn, tuy nhiên ngài cũng để lại những sách vở quý giá do ngài là tác giả như Thiền Tông Liễu ngộ Ca và Đại Minh Lục….
Nếu sống trong đền, chùa mà không xuống tóc đi tu thì người ta kêu là ông Từ , nhưng thời Trần, các tu sĩ như vua Trần Nhân Tôn thường cạo trọc đầu, mặc cà sa, áo nâu như các vị sư chính thống.
Sau nhiều năm khảo cứu , học hỏi Kinh Phật, Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tôn trở thành một hoà thượng uyên bác về Phật Học và lúc cuối cuộc đời, ngài trở thành tổ sư sáng lập môn phái Thiền Trúc Lâm của nước ta.
Giống như vị sư quét chùa Thiếu Lâm trong truyện Thiên Long Bát Bộ, Trần Nhân Tôn tượng trưng cho những người phụng sự Tam Bảo mà không theo cửa chính thống đi tu từ lúc tuổi còn thơ ấu.
Quốc Sử nhà Trần không viết gì nhiều về công trinh khảo cứu của Trân Nhân Tôn về Phật Học trong thời kỳ ngài còn trên ngai vàng từ năm 1278 đến 1293. Sau 15 năm xuất gia cửa Phật trên núi Yên Tử, vị vua anh minh đời thứ 3 nhà Trần đã thông hiểu một cách hết sức thâm thuý đạo lý Thiền của Phật Học, ngài để lại những ý tưởng vô cùng quý giá và tinh tuý trong các sách ngài viết như Thạch Thất Mỹ Ngữ, Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Tăng Cà Thoái Sự và nhất là sự đào tạo hai đệ tử bác học Hoà Thượng Pháp Hoa và Huyền Quang.
Hai vị này về sau tiếp tục quảng bá Thiền Học Trúc Lâm ra khắp Bắc Việt và miền Bắc Trung Kỳ.
Trần Nhân Tôn mất đi năm 1308 lúc ngài 51 tuổi.
Một người học trò đời sau của Đạt Ma Thiền Sư tên Ti Ni Đa Lưu Chi – Vitinarucci – là một nhà sư Ấn Độ rất tài giỏi, sau khi thành tài, dời bỏ Thiếu Lâm , đi về Phương Nam truyền giáo và đến trụ trì tại Chùa Dâu gần ngoai ô Hà Nội.
Đạo Phật lôi cuốn được nhiều người trong xuốt hai ngàn năm trăm năm qua, vì Đạo Phật có phong cách một triết lý nhân bản hơn là một tôn giáo chính thống.Đạo Phật không có giáo điều (non-dogmatic) và không có giáo chủ. Sư nào coi chùa đó chứ không thuộc một hệ thống quốc gia hay liên quốc gia như các đạo khác.
Ngay từ thời Lý Công Uẩn lập ra nhà Lý, khi Phật Giáo bành trướng tột đỉnh thì quyền hạn của vị Quốc Sư cũng không hề tuyệt đối với các ngôi chùa khác giải giác trong Bắc Việt.
Sự kiện này khởi đầu từ những ngày Đức Thích Ca giảng đạo, ngài chỉ tự coi mình là một người thầy ( teacher) giảng đạo lý sự đời cho học trò, chưa bao giờ ngài tự nhận là giáo chủ một môn phái mới.
Một cuốn sách viết đầy đủ và dễ đọc về cuộc đời Đức Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) là cuốn Siddhartha của học giả người Đức Herman Hesse 1951, bàn dịch tiếng Anh của Hilda Rosner.
Herman Hesse đoạt giải Nobel về văn học năm 1947.
Siddartha là tên Đức Như Lai Phật tổ khi ngài chưa xuất gia đi tu. Đường Tam Tạng trong thế kỷ VII dịch phiên âm là Tất Đạt Đa, các học giả việt nam giữ lại phiên âm này.
Thích Ca ( Shakya) là tên dòng họ trị vì vương quốc Ca Tì La Vệ (Kapilavastu) miền bắc Ấn Độ nơi ngài sinh ra trong một cái vườn mang tên Lâm Tì Ni (Lumbini). Ngài là con của vị vua trị vì vương quốc này và đương nhiên sẽ kế nghiệp vua cha nếu ngài không quyết địng bỏ ngai vàng đi tu. Nói là vương quốc nhưng Ca Ti La Vệ có lẽ chỉ là một phần đất nhỏ bé, diện tích chỉ bằng môt tỉnh nhỏ của Việt Nam ngày nay.
Mầu Ni có nghĩa là người đã tìm ra chân lý cuộc đời, đã giác ngộ (illuminated) không còn vướng vào vòng luẩn quẩn của kiếp Luân Hồi nữa.
Buddha – Bụt, Phật – là người đã tìm ra chân lý, có thể dời cuộc đời tăm tối để đi vào cõi Niết Bàn hư vô.
Có một vài học giả dịch chữ Buddha bằng chữ Bồ Tát, kẻ viết e rằng dịch vậy không chỉnh, sự ngộ nhân đó gây ra bởi truyền thuyết Đức Thích Ca trong một kiếp trước đã là Bồ Tát tại cung Đậu Suất. Bồ Tát – Bodhisattvas – chỉ những người có đủ điều kiện thành Phật nhưng không chịu dời bỏ cõi đòi này vì muốn ở lại trần gian cứu nhân loại lên cõi Niết Bàn.
Bồ Tát chỉ có trong Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana) mà thôi, Phật Giáo Therevada Tiểu Thừa (Hinayana) không công nhận có Bồ Tát ngoại trừ Matreya ( Di Lạc).
Nói một cách khác các chùa miền Nam chính thống ít khi thờ Bồ tát, khác hẳn với chùa miền Trung và Bắc thuộc Phật Giáo Đại Thừa (hoàn cảnh này thay đổi sau cuộc di cư vĩ đại đưa đẩy ngót một triệu người Bắc vào Nam năm 1954)
Căn bản yếu lý Đại Thừa là Bát Nhã, người ta tìm thấy yếu lý này trong hết tất cả những kinh thâm thúy nhất của Phật Giáo Đại Thừa. Số kiếp con người chúng ta dựa trên luật Nhân Quả, Nghệp Báo (Karma) và luật Luân Hồi (Samsara).
Nếu không sáng suốt kiếm cách giải thoát tâm linh, hướng về Niết bàn vô ngã thì chúng ta sẽ luôn luôn tự trói buộc vận mạng kiếp này qua kiếp khác vào cái vòng luẩn quẩn của thuyết Luân Hồi.
Vai trò của Bồ Tát hết sức đặc biệt, họ ở lại trần gian giúp đỡ những kẻ chưa đủ điều kiện, để có thể lên miền Tây Phương Cực Lạc hay cõi Niết Bàn hư vô, khi dời khỏi cõi đời này.
Trái lại, Phật Giáo Tiểu Thừa mà chúng ta thấy trong Therevada, trong Phật Giáo Mật Tông, Tantric không đồng ý là con người có thể lên cõi Niết Bàn hư vô nhờ sự giúp đỡ của kẻ khác.
Con người phải tự mình qua những khổ hạnh, phải vượt khỏi sân si, phải tu luyện kinh phật để đạt tới đỉnh cao trí tuệ, tự giác ngộ bản thân và tiến về nơi Tây Phương Cực lạc và cõi hư vô Niết Bàn.
Đạo Phật vào nước ta vào thế kỷ thứ I sau Công Nguyên, có lẽ đến bằng đường biển từ Ceylan qua ngả Thái Lan, Mã Lai, Phù Nam (vùng Óc Eo Nam Việt) rồi mới lên Bắc Việt.
Có một truyền thuyết cho biết là trong cuộc đời rất thọ của ngài, Đức Thích Ca có du hành đến Tích Lan (Ceylan) và truyền gíáo những tinh túy Phật Học trên đảo này. Sau này những lời dậy của ngài được ghi chép bằng một loại chữ Phạn riêng biệt của Tích Lan gọi là Pali.
Đây cũng là điều cắt nghĩa tại sao các chùa Phật miền Nam và tại Cao Miên thường vẫn giữ hình thái nguyên thuỷ Therevada của Tiểu Thừa (hinayana) phát xuất từ Tích Lan chứ không biến đổi với ảnh hưởng Trung Hoa, sang hình thái Đại Thừa ( Mahayana) như tại Trung Việt và Bắc Việt
Căn chùa đầu tiên được dùng để truyền giáo đạo Phật tại Bắc Việt tọa lạc tại Lũy Lâu, tỉnh Bắc Ninh ngày nay gần thành phố Hà Nội. Rất nhiều người tin rằng môn phái Thiền trong Phật học đã xuất hiên tại Việt Nam từ khi có một vị sư tên là Khương Tăng Hội , Thế kỷ III, đến giảng đạo tại Lũy Lâu chứ không phải do Vitinaruci, đệ tử đời sau của Đạt Ma đến Việt Nam trong thế kỷ VI.
Có lẽ hầu hết các kinh Phật lúc khởi thủy dùng tại nước ta đều viết bằng chữ Pali Tích Lan này. Sau khi Đường Huyền Trang thỉnh 500 bộ kinh về, dịch ra chữ Trung Hoa và những bản dịch này được các Sứ Thần Việt Nam và các nhà truyền giáo Trung Hoa mang sang Việt Nam.
Khi Đạo Phật tới Nam Việt Nam từ Tích Lan bằng đường biển thì tiền nhân chúng ta gọi Buddha là Bụt, về sau này khi Đạo Phật Đại Thừa từ phương Bắc truyền giáo qua Việt nam thì người ta bắt đấu dùng lối phiên âm của Trung Hoa là Phật và quên lãng đi chữ Bụt rất đẹp và thuần túy của thủa ban đầu.
Cũng cùng một khía cạnh đó , người ta xử dụng cách xưng hô thân mật như sư cụ, sư ông, sư bà, sư bác, chú tiểu và tránh cách xưng hô đầy ảnh hưởng của Trung Hoa như Hoà Thượng, Tăng Thống, Thượng Toạ, Đại Đức, Tỳ Kheo vv…
Trong thế kỷ VIII, IX, X tại Ấn Độ, Phật giáo đã trải qua môt cuộc khủng hoảng rất lớn gần như bị tiêu diệt.
Lúc đó những người Ấn theo đạo Hồi Giáo – Islam- đã làm đủ mọi cách để xóa hẳn ảnh hưởng Phật Giáo trong nưóc. Bao nhiệu chùa chiền, bao nhiêu tượng Phật bị phá họai vì người Hồi Giáo theo Kuran không cho phép được tạc tượng Phật.
Bao nhiêu công trình văn hoá, kiến trúc từ thời vua Asoka thế kỷ III trước Công Nguyên đếu bị phá huỷ một cách bi thảm trong cuộc tàn phá tôn giáo của Islam này..
Kẻ viết cách đây ít năm sang Ấn Độ đi tìm kiếm lại di tích kiến trúc Phật giáo thời Asoka mà chỉ còn thấy một ít cột đá chứ bao nhiêu đền đài nguy nga, tượng Đức Thích Ca cổ kính đều bị thiêu huỷ hết rồi
( việc này làm cho ta nhớ lại quân Taliban dùng đại bác bắn vào hai bức tượng Phật thế kỷ IV, cao bằng toa nhà 5 tầng tại Afghanistan cách đây ít năm)
Có cuốn sách “Mùi Hương Trầm” của tác giả Nguyễn Tường Bách viết về hành trình đi thăm các thắng cảnh lịch sử Ấn Độ liên hệ đến cuộc đời đấng Thế Tôn. Cuốn sách này viết rất hay và rất có ích cho những ai quan tâm đến Đức Thích Ca Mâu Ni.
( Nguyễn Tường Bách dời khỏi Saigon từ cuối thập niên 60, du học Đức Quốc).
Bao nhiêu kinh thư Phật Giáo cũng bị người Islam Hồi giáo đốt trong những thế kỷ tối tăm đó. Việc này đưa ra sự kiện oái ăm là trong thế kỷ X, có lẽ những bản kinh Kim Cương, Liên Hoa, Dược Sư, Hoa Nghiêm, Bát Nhã vv… trung thực nhất là những kinh do Đường Tăng Trần Huyền Trang thỉnh về vào đầu thề kỷ VII, và các học giả Ấn Độ, Tây Tạng thời đó cần tham khảo rất nhiều những bản kinh vô cùng quý giá này để bổ túc những thiếu xót về kiến thức Phật Học gây ra bởi sự tàn phá cuồng nhiệt của Hồi Giáo thời Trung Cổ.
Vì người Hồi Giáo chưa bao giờ xâm chiếm miền Nam Ấn độ và Tích Lan nên những bản kinh Tiểu Thừa Hinayana xuất phát từ Tích Lan đều ít có dấu hiệu phá hoại.
Thật là điều vô cùng buồn thảm khi thấy bao nhiêu kho tàng văn hóa và tôn giáo về Phật Học bi phá huỷ, chùa chiền bị đốt cháy, các người dân Ấn Độ cũng như tu sĩ bị bắt buốc phải bỏ đạo theo Hồi Giáo và thúc đẩy cuộc sự di cư một số tu sĩ Phật Giáo miền Bắc Ấn Độ sang Tây Tạng.
Thời điểm này cũng bắt đầu đánh dấu sự bành trướng của Phật Giáo Tây Tạng trên khắp thế giới.
Nếu ta đọc cuốn “Đại Đường Tây Vực Ký” của Đường Tăng viết theo lệnh của Đường Thái Tông Lý Thế Dân thì ta thấy Phật Giáo rất mạnh trong quần chúng tại Ấn Độ hồi đầu thế kỷ VII khi Đường Tăng sang thỉnh Kinh.
Đường Tăng Trần Huyền Trang là người tài ba xuất chúng, một mình trong buổi họp, tranh luận thao thao bất tuyệt với 7- 8 trăm hoà thượng Ấn Độ về yếu lý Phật Học trong xuốt mấy ngày mà không bao giờ thua kém các chư tăng Ấn Độ.
Hiện nay trên con đường tơ lụa, trong sa mạc Gobi và Taklamakan phía bắc Hy Mã Lạp Sơn, người ta còn thấy vết tích của các tu viện nằm trong các toà thành bị chôn vùi trong cát đỏ, nơi Đường Tăng nghỉ chân, tạm trú ít tháng trong cuộc hành trình Tây Du.
Trong sa mạc Taklamakan, nhìn các tòa Tu Viện này, nóc đã mục nát từ bao nhiêu thế kỷ rồi, còn trơ bốn bức tường gạch đỏ với những lỗ trũng trong tường, nơi mà ngày xưa người ta kính cẩn đặt tượng Đức Phật lên để ngày ngày thắp hương thờ kính, kẻ viết không khỏi bồi hồi cúi đầu thầm nghĩ đến nhà sư Trung Hoa trẻ tuổi 1500 năm về trước đã không quản hiểm nguy, dấn thân vào sa mạc đến miền Tây Vực thỉnh hơn 500 bộ kinh về truyền bá khắp Đông Á và Đông Nam Á.
Cuộc hành trình của Huyền Trang kéo dài 16 năm khi ngài trở về Trung Nguyên năm 644, lúc đó Đường Tăng 42 tuổi.
“Đại Đường Tây Vực Ký” của Đường Tăng viết từ thời Sơ Đường dùng những cách hành văn cổ khó đọc với các người Việt nhưng ai muốn tìm hiểu thêm về hành trình Tây Du hồi đầu Thế Kỷ VII có thể đọc cuốn “Sur les Traces du Bouddha” 1929 Paris, của học giả René Grousset, hội viên Hàn Lâm Viện Pháp, cựu Quản Thủ Bảo Tàng Viện Guimet Paris.
René Grousset dịch lại gần nguyên văn “Đại Đường Tây Vực Ký” kèm theo với nhiều chú thích rất giá trị của ông ta làm cho chúng ta hiểu dễ dàng hơn nhiều. Cựu quản thủ Viện Bảo Tàng Quốc Gia Vương Hồng Sển rất hãnh diện về cuộc gặp gỡ với René Grousset tại Saigon và cuộc tranh luận với René Grousset về bức tượng Uất Trì Cung đứng cạnh con ngựa mà Viện Viễn Đông Bác Cổ mang từ Trung Hoa về Paris.
Trong thâp niên 60, một hôm ngồi uống trà với Vương Hồng Sển và được cụ kể lại cho kẻ viết việc cụ thắng cuộc tranh luận này, René Grousset phải đồng ý chịu nhận giả thuyết của Vương Hồng Sển về bức tượng có lý hơn.
Năm 1970, Vương Hồng Sển có dịch lại một vài đoạn quan trọng trong cuốn “Đại Đường Tây Vực Ký” vào trong Hiếu Cổ Đặc San số 2 in tại Saigon.
Mấy thế kỷ tối tăm của Phật Giáo Ấn Độ từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X & XI làm chúng ta liên tưởng đến những Thế Kỷ Đen Tối ( The Dark Ages) của Âu Châu từ thế kỷ V khi các người man dợ Goths và Vandales dến từ miền Bắc qua Gaul để chiếm, đánh phá, đốt tất tả kho tàng văn hóa của Âu Châu do văn minh La Mã và Hy Lạp cổ để lại.
Thế kỷ đen tối (Dark Ages) của Âu Châu kéo giài đến gần thế kỷ X mới chấm dứt nhờ có hai yếu tố quan trọng:
1) Trong các nhà thờ hẻo lánh nấp trên các núi cao, hiểm trở, xa xôi có tàng chữ được một số tài liệu nguyên thuỷ quý giá do các vị cố đạo chuyên môn chép đi , chép lại để lưu giữ trong thư viện nhà thờ. Nhờ những cố đạo ghi chép (scribe-priest) này mà nhân loại Âu Châu kiếm lại được nhiều tài liệu về tôn giáo và triết lý để truyền lại cho đời sau. Các nhà thờ Ái Nhĩ Lan ( Irish) vì ở quá xa và được biển bảo vệ nên giữ được toàn thể tài liệu.
2) Trong thế kỷ VIII, người Ả Rập Hồi giáo Moor từ Moroco qua eo biển Gilbratar sang Tây Ban Nha/Y Pha Nho (Spain) và đô hộ gần hết xứ này. Người Hồi Giáo Moor mang theo với họ rất nhiều kiến thức thu thập được từ văn minh Hy Lạp, Ai Cập cổ xưa, và dậy dỗ người Tây Ban Nha. Trong đạo quân viễn chinh Hồi Giáo còn có các nhà bác học Do Thái làm việc cho quân đội Hồi Giáo. Các nhà bác học Do Thái này truyền lại cho Âu Châu những kiến thức về Toán học, Thiên Văn Học, Y Học, Sử Học đã hoàn toàn thất truyền tại Âu Châu sau nhiều thế kỷ sống trong đêm tối.
Sau này vào thế kỷ XV, khi Đế Quốc Hồi Giáo (Ottoman Empire) chiếm được Byzantium năm 1452, các học giả Công Giáo Chính Thống (orthodox christian) khi di cư về Tây Âu cũng mang theo với họ nhiều sách vở nguyên thuỷ của Hy Lạp cổ và đóng góp không nhỏ về thời kỳ Phục Hưng Âu Châu.
Đường Tăng sau khi thỉnh kinh về Lạc Dương, được Đường Thái Tôn Lý Thế Dân giao phó trách nhiệm điều khiển một khối lớn tăng ni và tu sĩ để dịch sang Trung Hoa những bản kinh rất quý hoá này trong 20 năm trời cho đến ngày ông viên tịch.
( Vào đời nhà Hán, người dịch giả đầu tiên kinh Phật sang tiếng Trung Hoa là An Thế Cao (An Shi Gao) người gốc Parthia, tên cũ một vùng thuộc Đế Quốc Ba Tư/Iran ngày xưa)
Ít người biết khi dời khỏi Trung Hoa, sửa soạn Tây Du sang Ấn Độ thỉnh kinh thì Đường Tăng phải trốn tránh ra đi trong bí mật lén lút, không dám cho triều đình nhà Đường biết đến. Các tu sĩ Phật giáo khác khởi hành trước Đường Tam Tạng không may bị bắt đều bỏ nằm tù, có người còn bị tử hình nữa.
Có rất nhiều lý do để triều đình nhà Đường cấm không cho tu sĩ đi Tây Du Ấn Độ thỉnh kinh nhưng lý do dễ hiểu nhất là hoàng đế nhà Đường họ Lý, tự nhận là con cháu giòng dõi Lý Nhĩ tức Lão Tử sáng lập Đạo Lão.
Lão Tử có nhiều tư tưởng khác biệt và đối nghịch với tư tưởng nhà Phật và Đường Triều không muốn Phật Giáo bành trướng cạnh tranh ảnh hưởng Đạo Lão trên lục địa Trung Hoa.
Khi Đường Tăng thành công mang theo trên 500 kinh Phật về, trước sự mừng rỡ tột bực của dân chúng bầy bàn thờ ngoài đường, đốt trầm hương đón tiếp ông thì triều đình Đường Thái Tông không thể làm gì khác hơn là vinh danh Tam Tạng Trần Huyền Trang nếu không muốn mất lòng trăm họ.
Về sau Đường Thái Tông trở nên một hoàng đế rất sùng đạo Phật và là người giúp đỡ tận tình Huyền Trang trong công cuộc dịch Kinh rất nhiều.
Phật Giáo xuất phát từ Ấn Độ nên mượn rất nhiều nghi lễ và phong tục của Ấn Độ Giáo.
Đức Thích Ca Mầu Ni được coi là hậu sinh ( avatara) đời thứ 9 của vị thần Vishnu của Ấn Độ Giáo trong khi đó Khrisna được coi là hậu sinh đời thứ 7.
Các vị Bồ Tát ( Bodhisattvas), các vị La Hán/A La Hán (arhat/arahants) đều đã có sẵn trong Ấn Độ Giáo rồi, các đệ tử đời sau của Thích Ca Mâu Ni thâu nhận những vị thần này vào Phật giáo để cho dân chúng Ấn Độ thời đó đón nhận Đạo Phật một cách nhanh chóng hơn.
La Hán là những vị tối cao, đã giác ngộ luôn luôn đi theo hầu Đức Phật và bảo vệ Tam Bảo.
Trong nhiều sách cổ Phật Học, người ta viết là có 50 vi La Hán theo hầu Đức Phật, có sách khác nói tổng cộng có 500 vị La Hán. Tuy nhiên khi được truyền giáo sang Trung Hoa, con số được đưa ra là 18 vị La Hán.
(Trong thập niên 80, kẻ viết có sưu tầm được một cái bát lớn men Lam đời Minh Mạng (Bleu de Huế) vẽ 18 ông La Hán rất đẹp.Loại đĩa vẽ La Hán rất hiếm).
Trong hệ thống đẳng cấp Phật Giáo, có lẽ Bồ Tát được sắp trên La Hán vì tượng chư vị Bồ Tát hay được đặt đứng cạnh Đức Phật trong khi đó tượng La Hán hay được đặt ngoài cổng chùa hay bên tường chứ không để vào chính điện.
Khi chùa chỉ có hai vị La Hán đặt tại cổng chùa thì người ta gọi là Thiên Vương.
Bên Ấn Độ, các Bồ Tát được vẽ hay mặc quầo áo hết sức sang trọng, cổ đeo nhiều trang sức vàng bạc, châu báu, tai mang nhiều bông tai to lớn. Tuy nhiên khi truyền sang Trung Hoa thì tượng hình các Bồ Tát trông khổ hạnh hơn, nghiêm nghị hơn và nhân từ hơn.
Avalokitesvara của Ấn Độ Giáo là một vị thần râu ria rất nhiều, trông rất oai vệ, uy nghi nhưng khi sang Trung Hoa lại được cải tên là Quán Thế Âm Bồ Tát ( gọi tắt là Quan Âm) thân hình mảnh mai hơn và sau vài thế kỷ ngài trở thành một người đàn bà từ bi hiền thục, chuyên cầm hồ lô đựng nước Cam Lộ đi cứu kẻ nguy cơ bần hàn.
Matreya của Ấn độ Giáo là một vị Bồ Tát oai nghiêm như một vị tướng quân hùng dũng như một tượng thần Hy Lạp cổ , mặc nhiều quần áo lộng lẫy nhưng khi chuyển sang Trung Hoa và Việt Nam lại trở thành một ông phật béo mập, bụng rất lớn, rốn lồi , ngồi đùa nghịch với một đám trẻ con vui đùa, trèo cả lên vai, lên cổ ông.
Người ta đặt tên vị Bồ Tát này là Di Lạc với sự tin tưởng ngài sẽ thay thế đức Thích Ca Mầu Ni trong thời gian sắp tới.
Khi Trần Nhân Tôn , vị vua anh minh nhà Trần trong thế kỷ XIII từ bỏ ngai vàng, lên quét lá sân chùa Yên Tử, chắc chắn ngài suy nghĩ rất nhiều về chân lý Phật Học, về Thiền Học , về Sinh Lão Bệnh Tử, về kiếp Luân Hồi ( Samsara), về cõi Niết Bàn ( Nirvana)…
Cách suy nghĩ của ngài lúc đó cũng như các suy nghĩ băn khoăn của chúng ta bây giờ thật là vô cùng khó khăn để giải đoán. Chúng ta một ngày nào – cũng như bao nhiêu tiền nhân thế hệ trước – sẽ vĩnh viễn từ giã, ra đi, xác còn để lại đây, nhưng linh hồn sẽ đi về đâu?
Vị vua anh minh đời thứ 3 nhà Trần này, cũng giống như A Dục Vương ( Asoka) thế kỷ III trước Công Nguyên, là một hoàng đế oai hùng, tài giỏi về chiến lược , binh đao. Ngài cùng với Hưng Đạo Đai Vương Trần Quốc Tuấn hai lần thắng quân Mông Cổ, ngài dẹp loạn Ai Lao, ngài gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân vua Chiêm Thành, sát nhập Hoá Châu vào lãnh thổ Việt Nam.
Khi ngồi dưới gốc cây đa trên núi Yên Tử nghiền ngẫm Thiền Học Phật Giáo, Trần Nhân Tôn không còn tha thiết gì với những cám dỗ trần gian, ngài ước mong được theo chân Đức Thế Tôn từ bỏ hết tham, sân, si và đi qua khỏi vòng lẩn quẩn của kiếp Luân Hồi.
Theo Suzuki, vị học giả Nhật Bản thâm thuý nhất về Thiền Học/Zen trong thế kỹ XX, Thiền Học xuất hiện lần đầu tiên tại Linh Thứu Sơn (Linh Sơn) khi Đức phật Tổ giảng đạo cho học trò, đột nhiên ngài ngưng giảng không nói gì, chỉ im lặng dơ cao một bông hoa lên trước mặt.
Hết tất cả học trò ngơ ngác không hiểu ngài muốn làm gì, chỉ có Đại Ca Diệp (Mahakashyapa) nhìn ngài không nói gì, tủm tỉm cười một mình mà thôi.
Đại Ca Diệp đã giác ngộ Thiền Học là dùng Tâm truyền Tâm, không xử dụng ngôn ngữ hay văn tự, chỉ cần trong lòng mình hiền hoà , hướng về căn bồ tát hạnh và chỉ dùng trí tuệ và giác quan để tiếp cận hiện đại.
Đại Ca Diệp, vị tổ thứ nhất của Thiền Tông nguyên thuỷ Ấn Độ đã hiểu bài học vô cùng quý giá của Đức Thế Tôn: Muốn đạt tới Giác Ngộ không cần thiết phải đọc kinh xuốt ngày, ta có thể dùng giác quan và tri tuệ để tu luyện không cần phát âm (Xin đọc bản “Thiền Luận” rất xuất sắc của học giả Suzuki “Essays on Zen Buddhism” có bản dịch tiếng Việt của Trúc Thiên Tuệ Sỹ).
Trong bối cảnh đó của thế kỷ XIII Việt Nam, nhà vua kiêm hòa thượng Trần Nhân Tôn đã ngồi Thiền, tu luyện một mình.
Khi cảm thấy sắp sửa vinh viễn ra đi, ngài cũng sẽ nằm xuống dưới gốc cây đa già, lấy tay gối đầu trong tư thế tiền nhập diệt , nằm nghiêng mình hướng bên hông phải ( Right lateral decubitus) , lòng ngài vô cùng bình thản, chờ đợi lúc vĩnh viễn trở về hư vô giống như Đức Thích Ca Mâu Ni lúc sắp nhập diệt “ paranirvana” tại Câu Thi Na ( Kusinara) phía Bắc con sông Hằng rộng lớn mênh mông, vô cùng quý báu của lịch sử loài người.
Trong những năm gần đây có nhiều học giả viết sách lưu tâm, nghiền ngẫm về Yếu Lý căn bản Phật Học trong xã hội hiện đại.
Có hai cuốn sách mà kẻ viết hết sức thích thú muốn khuyến khích những vị lưu tâm đến Phật Học nên tham khảo: Đó là cuốn “Le Moine et le philosophe” ( Kẻ Tu Sĩ và nhà Triết Gia) của Mathieu Ricard va Jean Francois Revel và cuốn “L’Infini dans la Paume de la Main” ( Cái Vô Hạn trong lòng bàn tay) của Mathieu Ricard và Trinh Xuân Thuận.
Mathieu Ricard là một giáo sư y khoa đại học Paris và cũng là một nhà bác học với nhiều công trình khảo cứu rất giá trị tại Institut Pasteur de Paris trong những năm ông làm phụ tá cho giáo sư Francois Jacob (Giải thưởng Nobel 1965 về Y Học). Mathieu chọn họ Ricard để làm tên chính thay vì Revel là tên viết văn của cha là học giả Jean Francois Revel.
Năm 1967 Mathieu Ricard chợt cảm thấy đời sống vô vị nếu không giác ngộ kiếm ra chân lý cuộc đời. Ricard sang Ấn Độ tìm Thầy, xuống tóc đi tu và thụ huấn Lạt Ma Kanguiour Rinpoche một nhà tư tưởng lớn của Phật Giáo Tây Tạng.
Hiện nay Thượng Tọa Mathieu Ricard là một trong những cộng sự viên thân tín nhất của Đức Đạt Lai Lama.
Jean Francois Revel là môt nhà triết gia vô thần (atheist) nổi tiếng hàng đầu Pháp trong năm chục năm qua, ông là tác giả nhiều cuốn sách giá trị về Triết Học và Chính Trị Học, ông cũng là hội viên Hàn Lâm Viện Quốc Gia Pháp, ông vừa từ trần trong năm 2006.
Trịnh Xuân Thuận sinh tại Hà Nội năm 1948, học trung học tại Jean Jacques Rousseau, Saigon và sang Mỹ học về Vật Lý Thiên Văn tại CalTech.
Trịnh Xuân Thuận là một trong những chuyên gia lớn trên thế giới, nghiên cứu sự hình thành của các giải Thiên Hà. Ông hiện là giáo sư về Astrophysics tại University of Virginia. Cũng như Mathieu Ricard, Trinh Xuân Thuận vừa là một khoa học gia nổi tiếng, vừa là người hiểu biết rất nhiều về Phật Pháp.
Hai cuốn sách Le Moine et le Philosophe và L’Infini dans la Paume de la Main là kết quả của nhiều cuộc đàm thoại, trong nhiều tháng trời, vô cùng hứng thú giữa ba vị học giả danh tiếng này, họ mổ xẻ, phân tích và trao đổi với nhau những thắc mắc, những băn khoăn về Phật Học theo cách nhìn đặc biệt của cá nhân mỗi người
Sách được dịch ra nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Mỹ và tiếng Việt. Kẻ viết thấy – nếu có thể được – thì nên kiếm bản chính Pháp Văn đọc thì hơn. Sách dùng để nghiền ngẫm, đọc đi, đọc lại để tìm hiểu và không nên cho ai mượn cả vì sẽ mất.
Là một học sinh non nớt về Phật Học, không biết chữ Phạn, không dành tiếng Trung Hoa, kẻ viết phải đọc Kinh Phật bằng những bản dịch tiếng Việt. Kẻ viết lắm khi vô cùng bỡ ngỡ vì khônh thấu hiểu khi đọc những bản kinh này, ngay cả những kinh quan trọng nhất và phổ thông nhất của Phật Giáo như Kim Cương Kinh, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Bát Nhã Kinh…
Là một người thầy thuốc hành nghề trên ba chục năm trời, kẻ viết cũng tập tành mở Dược Sư Kinh để tìm hiểu vị Phật Dược Sư đã cúng hiến cuộc đời để cứu giúp, điều trị kẻ bệnh tật nhưng sự bỡ ngỡ vẫn còn to lớn vô cùng.
Mang kinh đến hỏi các bậc chân tu thì các lời giảng giải đón nhận không đả thông được những thắc mắc lâu nay vẫn có.
Chúng ta cũng hiểu rằng Đức Thế Tôn Như Lai, trong thế kỷ VI trước Công Nguyên, không hề viết Kinh.(cũng như các sách Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung chỉ viết vào khoảng 3 trăm năm sau khi Khổng Tử qua đời).
Ngay cả các đệ tử thân tín của ngài như Ananda, như Đại Ca Diệp, như Xa Lợi Phất, như Mục Kiêu Liên cũng đều không viết một cuốn kinh nào cả.
Phải đợi đến 2, 3 trăm năm sau, các tu sĩ thế kỷ thứ III trước Công Nguyên mới bắt đầu ghi chép những lời Đức Thế Tôn dậy truyền khẩu qua bao nhiêu thế hệ. Ngay cả trong bối cảnh đó, có rất nhiều tu sĩ Ấn Độ không đồng ý về sự trung thực của lời Phật dậy vì đã bị thay đổi quá nhiều “Tam Sao Thất Bổn”.
Chúng ta có sự kiện Phật Giáo trước thời A Dục Vương (Asoka) vô cùng chia rẽ, phân tán làm nhiều môn phái nhỏ, đối nghịch với nhau.
Vì là kẻ ngu dốt lại thiếu căn duyên nên xuốt đời kẻ viết chỉ nhớ có hai câu kinh luôn luôn ghi khắc trong tim. Đó là câu “Nam Mô A Di Đà Phật” và “Om Mani Pad Me Hum” . Câu kinh thứ nhất bất cứ ai cũng biết, đó là cầu xin Đức Phật A Di Đà phù hộ. Câu kinh thứ hai nổi tiếng của Phật Giáo Tây Tạng được người Trung Hoa phiên âm là “Án Ma Ni Bát Minh Hồng” để cầu xin đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara) rất từ bi che trở.
Trong “Đại Đường Tây Vực Ký” Đường Tăng Trần Huyền Trang viết mỗi khi gặp nguy hiểm trên đường Tây Du thỉnh kinh, vị sư này đều lẩm bẩm đọc “Om Mani Padme Hum” và đếu được đức Quan Âm phù hộ thoát nạn cả.
Một cách kính cẩn chân thành, kẻ viết cũng cầu xin Đức Quan Âm phù hộ cho bản thân mình trong những lúc hiểm nguy như ngài đã từng cứu khổ, cứu nạn bao nhiêu kẻ khốn khổ khác dưới trần gian.
Một vài giòng tản mạn lúc nhàn dỗi, đưa thả tâm hồn về núi Yên Tử xa xưa, ước mong có một ngày cũng sẽ đến Quảng Ninh, leo núi Yên Tử, xin quét lá sân chùa, và suy nghĩ tìm hiểu về Yếu Lý nhà Phật.
Cầu mong những học giả uyên thâm tha thứ cho những lỗi lầm ngu xuẩn, ấu trĩ của kẻ mạt sinh thiếu học, đã liều lĩnh múa may ngông cuồng trong bài viết phiếm luận này.
NGUYỄN THƯỢNG VŨ