Mọi chuyện khởi đầu từ danh tánh của một “giao liên.”
Giới chức cao cấp Tòa Bạch Ốc, khuya Chủ Nhật, rạng sáng thứ Hai, nói rằng, toàn bộ chiến dịch theo dõi bin Laden được khởi sự từ trước vụ “9/11,” trước cả các cuộc tấn công khủng bố đưa tay này lên hàng “trùm.”
Và chiến dịch theo dõi này “nóng” hẳn lên vào mùa Thu 2010, khi giới hữu trách khám phá một căn nhà khả nghi tại Pakistan.
Ảnh Bin Laden trước khi bị hạ sát
Giao liên dẫn đến ông trùm
“Kể từ thời điểm chúng ta biết chắc rằng bin Laden là mối đe dọa, chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu thu thập thông tin liên quan đến mọi nhân vật thân tín của y, kể cả các giao liên.” Một giới chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ cho biết.
Sau vụ khủng bố 9/11, 2001, “những tay khủng bố bị bắt đã khai ra thông tin liên quan đến các tay giao liên thân cận của bin Laden. Trong số này, có một giao liên được để ý nhiều nhất, và chúng ta liên tục theo dõi tay này. Các đồng chí của hắn khai ra bí danh, đồng thời cho biết hắn nằm trong số những giao liên thân cận nhất của ông trùm.”
Đến năm 2007, phía Hoa Kỳ tìm ra tên thật của y.
Đến năm 2009, “chúng ta khám phá ra địa bàn mà tay giao liên này cùng người anh trai của y hoạt động, bên trong Pakistan. Hai anh em cực kỳ cẩn trọng. Và điều này khiến chúng ta càng xác tín: chúng ta đang lần đúng đầu mối.”
Căn nhà bạc triệu
Đến tháng Tám, 2010, “chúng ta tìm ra căn nhà nơi chúng trú ngụ, tại Abbottabad,” một địa điểm hẻo lánh.
“Nhìn thấy căn nhà này thì chúng tôi sốc!” Làm sao không sốc được, “căn nhà đặc biệt chưa từng thấy, nó là duy nhất, là ngoại hạng.”
Diện tích của căn nhà thì rộng gấp 8 lần các căn nhà khác trong địa phương. Nhà xây năm 2005, nằm ở ven thị trấn. Theo thời gian, một số căn nhà khác mọc lên, kế bên.
“Về mặt an ninh thì khỏi phải nói: Ngoại hạng; các bức tường cao 12 đến 16 foot; toàn bộ khu vực được bao quanh bởi tường là tường. Đường vào nhà phải thông qua 2 cái cửa an toàn.”
Còn một điểm rất khác biệt giữa cư dân trong căn nhà này với cư dân khác trong địa phương: Rác phải luôn luôn được đốt đi. Chưa hết, các mặt nhà ngó ra đường không có cửa sổ.
Căn nhà này chắc hẳn trị giá nhiều triệu Mỹ kim. Thế mà nó không hề có điện thoại và Internet.
Giới tình báo Mỹ kết luận, cái nhà lạ lùng này chắc chắn phải là nơi trú ngụ của một ai đó “hết sức quan trọng.”
Ngoài hai anh em tay giao liên, phía Mỹ còn phát hiện thêm, “một gia đình thứ ba cũng sống tại đây. Dựa vào số người sống tại đây, và thành phần các gia đình trong căn nhà, chúng tôi tin chắc, cái gia đình thứ ba ấy phải là bin Laden. Tin tình báo cho biết, bin Laden trú tại đó, cùng người vợ trẻ nhất của y.”
Mặc dầu không thể chứng minh, mọi thứ có vẻ quy về một đầu mối, và liên hệ chặt chẽ với nhau: an ninh căn nhà, nhân thân của mấy tay giao liên, và kiến trúc của toàn bộ khu vực.
“Các chuyên viên phân tích của chúng ta xăm soi từ mọi góc cạnh: Chẳng có “ứng cử viên” nào sáng giá hơn là bin Laden, cho căn nhà này.”
“Điểm then chốt của tất cả các lượng giá tình báo là, chúng ta rất tự tin rằng căn nhà này chắc chắn đang chứa chấp một tay khủng bố có hạng. Nếu nói theo ngôn ngữ xác suất thống kê: bin Laden có xác suất cao nhất.”
Mọi thông tin đều được giữ kín, “không chia sẻ cho bất cứ quốc gia nào,” một quan chức Hoa Kỳ tiết lộ. “Chỉ một nhóm rất nhỏ trong chính phủ Hoa Kỳ biết về chiến dịch này.”
Thành phố Abbot Tabad nơi Bin Laden bị bắn vào đầu
Cuộc bố ráp
Toàn bộ chiến dịch bố ráp diễn tiến hoàn hảo, ngoại trừ một trục trặc cơ khí của một chiếc trực thăng. Không một ai trong nhóm quân nhân Hoa Kỳ bị hề hấn gì. Tất cả đã kịp rút lui trên những chiếc trực thăng khác. Quan chức Hoa Kỳ từ chối tiết lộ loại trực thăng tham gia chiến dịch. Họ cũng không cho biết có bao nhiêu quân nhân đảm nhiệm chiến dịch này.
“Chiến dịch này là một cuộc đột kích do một nhóm nhỏ đảm nhiệm. Nhóm nhỏ là để giảm đến tối thiểu mức thiệt hại có thể có. Nhóm đặc nhiệm chỉ có mặt tại căn nhà này chưa đầy 40 phút, rồi rút đi, không hề giáp mặt với chính quyền địa phương.”
Bản thân bin Laden cũng tham chiến.
“Bin Laden bị hạ sát trong cuộc nổ súng, khi nhóm đặc nhiệm của chúng ta áp sát vào căn cứ.”
“Ông ta có bắn trả không?” Một phóng viên đặt câu hỏi.
“Ông ta có chống cự, và ông ta đã bị hạ sát trong cuộc bắn trả.” Một quan chức Hoa Kỳ cho biết.
Có cả thảy 4 người đàn ông thiệt mạng trong cuộc đột kích này: Bin Laden, con trai bin Laden, và hai giao liên.
“Một phụ nữ cũng bị giết chết khi người ta dùng bà này làm bia đỡ đạn.” Thêm một phụ nữ khác bị thương. Giới hữu trách không tiết lộ danh tánh 2 phụ nữ này; và không rõ người vợ nhỏ của bin Laden có trong số này không.
Giới hữu trách Hoa Kỳ nói rằng sẽ “bảo đảm quản lý thi hài bin Laden theo đúng truyền thống và tập quán Hồi Giáo.”
Giới hữu trách cũng khuyến cáo, “có thể các đe dọa đối với nước Mỹ sẽ tăng. Chính phủ sẽ tiến hành mọi biện pháp phòng ngừa.”
Bộ Ngoại Giao vừa ra lệnh cấm du lịch Pakistan.
Người dân và lính cứu hỏa tại Times Square, New York, sau khi nghe thông tin về việc hạ sát bin Laden. (Hình: GettyImages)
Nguyên tác: Bill Dedman (msnbc)
Chuyển ngữ: Đông Bàn
Tiết lộ chiến dịch tiêu diệt Bin Laden
(NLĐO)- Abbottabad, thành phố chứng kiến giây phút trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt vẫn đang trong tình trạng căng thẳng nhiều giờ sau khi sự vụ xảy ra, khi quân đội phong tỏa khu vực quanh dinh thự trong vòng bán kính hơn 3km.
Người dân địa phương ở đây đã chứng kiến những trực thăng của Mỹ thực hiện một chiến dịch rầm rộ dù lúc đó họ vẫn chưa hay biết mục tiêu là ai.