Chính quyền ở trong dân hay ở trên dân?
Kỷ niệm 35 năm thống nhất đất nước, chủ đề được người dân quan tâm nhiều nhất là chủ đề về hoà hợp dân tộc. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói: “Cùng một dân tộc hà cớ gì không thể hoà hợp?”. Nhà ngoại giao Võ Văn Sung khẳng định:“Nuôi thù hận, cản trở hoà hợp dân tộc là có tội với tương lai con cháu”. Và Giáo sư Cao Huy Thuần khái quát: “Dân tộc không có sông Ngân”.
Chúng ta nói đến hoà hợp dân tộc là thực sự chúng ta đang nói đến một trong những mối hoà hợp vô cùng quan trọng giữa người Việt Nam trong nước và người Việt Nam sống ở nước ngoài. Đã 35 năm, sự thật đã từng có một hố sâu ngăn cách giữa hai khối người Việt Nam sinh ra cùng “bọc trứng” này. Khoảng thời gian dài của sự chia cách đó là một khoảng thời gian vô lý. Và những ai đã kéo dài sự chia cách đó cho dù nguỵ biện bằng bất cứ lý do nào cũng là những người có lỗi với dân tộc.
Và “ở trong dân” là con đường duy nhất để bắt đầu thời đại của sự hoà hợp mà chính quyền bắt buộc phải đi. Ảnh: VNN
Trong con mắt của tôi, muốn hoà hợp dân tộc hay hoà hợp giữa hai người với nhau hoặc giữa các thành viên của một gia đình… phải có đủ ba yếu tố: Một là sự hiểu biết, hai là lòng vị tha và ba là vì lợi ích chung. Nếu một trong hai bên hay ba bên mà không có được những yếu tố này thì không bao giờ đi đến được một sự hoà hợp đúng nghĩa. Nhưng thực tế, chúng ta đã có đủ ba yếu tố đó chưa? Mọi người Việt chúng ta đã thực sự có lòng vị tha chưa? Chúng ta thực sự đã vì lợi ích chung của dân tộc chưa? Hay chúng ta vẫn còn mang trong lòng mình sự tự ái, thói ích kỷ và có lúc là sự hận thù?
Một người bạn của tôi nói vấn đề hoà hợp dân tộc của chúng ta giống như sự hoà hợp giữa hoa và ong. Đã là hoa thì phải có hương thơm và đã là ong thì phải làm ra mật ngọt. Nghĩa là cả ong và hoa phải thực sự trong sáng cho cùng một mục đích chung. Nếu hoa mà không có hương thơm thì làm sao ong tìm đến. Hương thơm và mật ngọt đó chính là ba yếu tố nói trên. Hoa cứ nở với bản chất toả hương thơm và ong cứ hút nhuỵ với bản chất làm ra mật ngọt thì cả ong và hoa chẳng phải mất công bàn luận và tuyên truyền mà sự hoà hợp kỳ diệu này vẫn đến.
Theo tôi, bản chất toả hương thơm của bông hoa cũng chính là sự hoà hợp ở bên trong như GS Cao Huy Thuần chỉ rõ. Sự toả hương của bông hoa sẽ tự nhiên kéo những con ong làm mật đến. Và những con ong sẽ rời bỏ bông hoa nếu đó chỉ là bông hoa có sắc mà không hương. Mà cái cốt lõi của sự hoà hợp ở bên trong chính là sự hoà hợp giữa chính quyền và nhân dân. Chúng ta hãy trả lời một cách trung thực sự hoà hợp giữa chính quyền và nhân dân lâu nay như thế nào? Sự hoà hợp giữa chính quyền và người dân chỉ thực sự đúng khi chính quyền ở trong dân chứ không phải ở trên dân.
Và “ở trong dân” là con đường duy nhất để bắt đầu thời đại của sự hoà hợp mà chính quyền bắt buộc phải đi. Ngoài ra không còn con đường nào khác.
Hà Nội có con sắp… lấy chồng?
Phải nói rằng bây giờ, ngày nào cũng vậy, trong các công sở, các quán cà phê, trong mỗi ngôi nhà ở Hà Nội, một trong những chuyện mà người dân nói đến nhiều nhất là Hà Nội đang làm những gì cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Đấy là sự quan tâm và cũng là niềm vui của người dân.
Những hoạt động lớn nhiều ý nghĩa người dân chưa được chứng kiến vì có lẽ chưa đến “giờ G” của Đại lễ (?). Vì thế người dân mới chỉ thấy một số hoạt động mà rõ nhất là việc sơn quét làm mới một số tuyến phố chính của Hà Nội hay là đào nhiều vỉa hè để lát lại.
Điệp khúc đào đường rồi lại lấp… lại đào… lại lấp… đã quá quen thuộc với người dân không chỉ ở thủ đô mà trên toàn quốc. Cho nên việc đào các vỉa hè để lát lại lần này đối với người dân thủ đô chẳng gây một cảm hứng nào vì họ vẫn tin rằng đến một ngày gần đây thôi những vỉa hè đó lại được đào lên. Nếu cách suy nghĩ đó của người dân không đúng thì chúng ta cũng phải thông cảm cho người dân vì cái tật “chim sợ cành cong”.
Công cuộc chỉnh trang quyết liệt đang được tiến hành trước thềm Đại lễ. Ảnh: CAND
Thôi thì việc tốn kém tiền của chúng ta nói nhiều rồi và bây giờ tạm ngưng một chút. Nhưng người dân vẫn thi thoảng dừng bước khi đang đi dọc các vỉa hè và cúi xuống ngơ ngác hỏi: “Chẳng lẽ người Việt Nam không có đủ thẩm mỹ và trình độ để làm một cái vỉa hè cho tử tế và có một tuổi thọ tương đối hay sao?”
Chính vì cái vỉa hè đào lên lấp xuống hết năm này đến năm khác mà cũng chẳng ra hồn làm người dân cảm thấy vô cùng lo lắng cho một Đồ án quy hoạch Hà Nội khổng lồ như chúng ta đang biết rồi sẽ như thế nào.
Nhưng còn lo lắng hơn nhiều lần so với việc lát vỉa hè là việc sơn những khu phố. Việc sơn lại một số dãy phố theo tôi cũng có lý của nó. Nhưng báo chí vừa rồi đưa một cái tin “siêu giật gân” là người ta đục phá cả di tích cổ Tháp nước Hàng Đậu để chuẩn bị sơn một “nhát” cho cái di tích cổ này thành mới tinh. Đó không còn là việc sơn lại một số dãy phố nữa. Bởi mới đây, hoạ sỹ Lê Thiết Cương đã lên tiếng về việc lai căng các ngôi chùa ở Hà Nội. Cổng chùa được làm như cổng chùa Tàu, sân chùa có sư tử chầu như là sân của Singaporre. Thì việc dùng sơn để sơn đè lên các di tích cổ có thể xảy ra lắm chứ.
Khi được hỏi về chuyện này, đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội hồ hởi nói: “Một gia đình có con gái lấy chồng cần quét vôi nhà cửa, Hà Nội dịp kỷ niệm 1000 năm cũng cần có sự thay đổi cho đẹp, sáng sủa hơn. Lãng phí về kinh tế song được về đối ngoại”.
Tôi dùng chữ “hồ hởi” vì đồng chí Tuấn phát biểu giống như ông chú tôi ở quê làm nghề chăn vịt đẻ đã rất sung sướng khi con gái ông sắp lấy chồng. Thưa đồng chí Tuấn, đây không phải là vấn đề lãng phí hay đối ngoại mà đây là vấn đề hiểu biết. Và cứ với lý do “có con gái lấy chồng cần quét vôi nhà cửa” thì chúng ta phải quét vôi lại Văn Miếu, đánh bóng lại hay đục đẽo lại các bia, các cụ rùa đá trong đó luôn, rồi quét vôi hay sơn gì gì đó tất cả chùa Trấn Vũ, Chùa Một Cột, Tháp Rùa… đến việc đánh bóng cho mới các cổ vật trong Bảo tàng Mỹ thuật. Làm thế mới vui, mới được khách nước ngoài trầm trồ thán phục.
Về tư tưởng đối ngoại trong lời phát biểu của đồng chí Tuấn là không ổn. Hiệu quả đối ngoại cao nhất là làm cho thế giới thấy được trên đất nước ta có một nền dân chủ thực sự, có ý thức bảo vệ môi trường, có hiểu biết văn hoá và có lối sống văn hoá, có những chính sách ưu việt đối với trẻ em, người già, trí thức, có những công trình thực sự có ý nghĩa lịch sử và văn hoá chứ đâu là mấy dãy phố quét sơn xanh đỏ. Điều chúng ta cần và người nước ngoài nhìn ngắm là một xã hội dân chủ trong một lối sống văn hoá chứ không phải vài mấy ngôi nhà hay mấy dãy phố được sơn lại như là mấy tiệm thời trang.
Nhưng việc đồng chí Tuấn nghĩ vậy cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên. Vì khi người ta phá bức tường cổ Đền Và để lấy lối vận chuyển nguyên vật liệu bị báo chí phê phán thì một nhà sử học đất Thăng Long đã tuyên bố một câu xanh biêng biếc là phá tường cổ rồi xây lại như cũ chứ có gì mà ầm ĩ lên đến thế.
Ai cũng biết, việc trùng tu các di tích văn hoá, lịch sử là chuyện tất nhiên. Nhưng trùng tu phải có những nguyên tắc chứ đâu cứ làm nó mới toanh như hàng mỹ ký. Trong một lần trả lời báo chí, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Ban chỉnh trang đô thị Hà Nội nói: “Nếu nói việc tân trang làm mất nét duyên của phố cổ, thì tôi xin hỏi như thế nào là duyên? Tháp Effen khi mới xây dựng bị coi là quái vật nhưng đến nay là kỳ quan”.
Nếu một người phụ trách việc chỉnh trang đô thị mà nói thế thì người dân… hết bàn. Nhưng vì việc chung chúng ta vẫn phải nói lại: đồng chí Cường nên hiểu công việc trùng tu các di tích cổ không bao giờ đồng nghĩa với việc tân trang một vật gì đó. Nếu đồng chí cần hiểu điều này chúng tôi sẽ mời một chuyên gia nói kỹ lưỡng trùng tu là thế nào vào một ngày gần đây. Hơn nữa, việc nói đến sự xuất hiện tháp Effen để so sánh với việc tân trang ở đây thì quả là… hài hước. Người ta coi tháp Effen là “quái vật” bởi một tác phẩm kiến trúc quá mới, quá hiện đại mà người đương thời chưa chấp nhận chứ sao lại đưa nó ra để so sánh với việc quét vôi, bôi sơn lại mấy dãy phố hay mấy di tích cổ.
Thế mới hiểu vì sao chúng ta mắc nhiều lỗi trong nhiều trong việc thực hiện chủ trương, chính sách đúng của Nhà nước chỉ bởi những người quản lý hay thực hiện cấp dưới đã không hiểu được bản chất của chủ trương hay chuyên môn của công việc ấy.
Ôi Thăng Long! Cứ đà này thì không biết chúng ta kỷ niệm 1000 năm Thăng Long hay là kỷ niệm 1 năm đây vì cái gì cũng mới toanh hết cả.
Giáo trình dạy sát sinh
Sẽ lại có ông này bà nọ phê phán tôi viết những dòng này quá cay nghiệt hay cực đoan. Xin thưa, vậy các vị muốn tôi nói thế nào hay lại cái kiểu “dĩ hoà vi quý”, hoà cả làng. Bởi các vị làm như thế thì người dân phải nói như thế.
Nhà xuất bản Giáo dục, tôi xin nhấn mạnh Nhà xuất bản Giáo dục, mới đây cho ra mắt một cuốn sách dành cho trẻ em mà người dân không ngần ngại khi gọi cuốn sách đó là “giáo trình dạy sát sinh”. Đó là cuốn Từ điển tranh về các con vật.
Lẽ ra cuốn sách đó phải dựng lên trong tâm hồn trẻ em về một thiên nhiên kỳ diệu với nhiều loài động vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cần phải yêu thương, bảo vệ chúng thì cuốn sách lại tìm cách quyến rũ những bạn đọc trẻ tuổi về sự khoái khẩu.
Xin trích dẫn một số ví dụ của sự quyến rũ khoái khẩu trong cuốn sách:
– Thịt cầy giông ngon. Mật dùng để chữa bệnh phụ nữ khi sinh đẻ. Da, lông là những mặt hàng có giá trị kinh tế. Tuyến xạ được dùng trong công nghệ sản xuất nước hoa.
– Thịt cầy hương thơm ngon.
– Sơn dương là loài rất có giá trị kinh tế, thịt rất ngon, mật có tác dụng như mật gấu, xương dùng để nấu cao.
Nghĩa là ngập tràn trong cuốn sách là một không khí băm chặt, nấu nướng, nhai nuốt… Cứ như cảnh thế giới con người thuở sống trong hang động mà chưa tìm ra lửa vậy.
Với nội dung như vậy tại sao tác giả cuốn sách lại có thể ung dung soạn thảo và những người chịu trách nhiệm xuất bản, đặc biệt lại là Nhà xuất bản Giáo dục, còn ung dung hơn nhiều lần ký vào đó rồi in đẹp và mang bán cho trẻ em?
Đây không chỉ là sai lầm của một cuốn sách, không phải sai lầm của tác giả biên soạn và cũng không phải chỉ là sai lầm của ông (bà) Giám đốc hay Phó Giám đốc Nhà xuất bản này. Đây là sai lầm một cách có hệ thống trong nền giáo dục chung của chúng ta. Chúng ta đã tạo ra những con người với sự hiểu biết như thế, với trách nhiệm đối với con người và thiên nhiên như thế thì xã hội phải còng lưng gánh chịu những sai lầm như vậy.
Một nền giáo dục đúng đắn sẽ không sinh ra quá nhiều những công chức, cán bộ hay những trí thức như vậy. Cho nên một số công chức, cán bộ, trí thức của chúng ta mới có những phát ngôn và hành động với sự thiếu hụt kiến thức trầm trọng và vô trách nhiệm. Nhưng trong lúc đó, có những người có trách nhiệm thì lại phẩy tay: “Ôi giời, một cuốn sách có gì mà quan trọng hoá đến thế”. Cái chết chính là ở những ông bà cán bộ như thế này.
Ứơc gì cán bộ có 3 cái tai
Một lần nữa tôi xin nhắc lại rằng: Hơn bao giờ hết, Đảng đang kêu gọi các đảng viên của mình phải coi ý kiến của nhân dân như là sự sống còn của Đảng. Tư tưởng của Đảng là như vậy. Nhưng tư tưởng ấy có được các đảng viên ở mọi vị trí, mọi cấp thực hiện và thực hiện đúng hay không?
Nói có sách, mách có chứng. Chính vậy chúng ta thử xem một việc hỏi ý dân có đúng thực chất là cần dân hay chỉ là mang dân ra nói cho vui một tí như là ta thêm gia vị váo món ăn ấy mà. Đó chính là việc lấy ý dân về Đồ án quy hoạch Hà Nội.
Từ ngày 21/4 đến 1/5 Bộ Xây dựng đã cho mở triển lãm quy hoạch HN tại Vân Hồ để lấy ý kiến nhân dân. Theo cách nhìn của tôi, thời gian đó để những người dân quan tâm đến tìm hiểu, suy ngẫm và sau đó sẽ đóng góp bằng văn bản một cách khoa học cho thành phố hoặc Bộ. Rồi sau đó, một bộ phận sẽ đọc và tổng hợp những ý kiến có giá trị và có tính khoa học cao theo nội dung từng vấn đề liên quan đến đồ án. Cuối cùng, những người có trách nhiệm và chuyên môn nghiên cứu bản tổng hợp đó và bàn luận đi đến giải pháp cuối cùng. Ít nhất làm được như thế thì việc hỏi ý kiến dân mới thực sự có giá trị ở cả hai vấn đề: dân chủ và tập trung trí tuệ.
Người dân đến xem triển lãm rất đông. Ảnh: VNN
Tất nhiên, chúng ta phải hiểu rằng: ý kiến của người dân góp ý đồ án quy hoạch này là những người dân có hiểu biết về phát triển đô thị hiện đại và có chuyên môn về kiến trúc. Với những người dân không có nhiều hiểu biết về phát triển đô thị hiện đại và không có chuyên môn kiến trúc thì hầu như họ không có ý kiến ngoài việc sẵn sàng ủng hộ những chính sách nhằm phát triển đất nước. Nhưng họ gián tiếp cử các đại diện ưu tú nhất thay mặt mình để có ý kiến giống như bầu đại biểu Quốc hội vậy.
Đại diện của nhân dân là những nhà văn hoá, những sử gia, những nhà hoạt động xã hội và các kiến trúc sư. Mà Hội KTSVN là một trong những đại diện tin cậy nhất của nhân dân. Thế nhưng, ngay cả ý kiến của những nhân dân ưu tú ấy hình như cũng không có ý nghĩa gì với một số nhà quản lý, quy hoạch.
Có một điều hài hước nữa là, khi thời gian đang chờ xin ý kiến người dân thì Bộ Xây dựng mà đại diện là Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đã tuyên bố “có thể xây dựng trục Thăng Long ngay từ năm 2011″. Và trong việc này, Bộ Xây dựng phải ngồi đúng vị trí của mình là người phản biện đồ án quy hoạch, nhưng đồng chí Toàn cứ một mực khẳng định tính tối ưu của đồ án với “trục thẳng” như là một luật sư bào chữa của đồ án quy hoạch vậy. Có lẽ vì quá vui điều gì đấy mà đồng chí Toàn quên mất vai trò của mình chăng?
Thế nên, khi biết chuyện này, người dân chỉ biết nhún vai, lắc đầu và trở nên tẽn tò. Nhiều người dân tự trách mình sao đã nhiều tuổi mà vẫn cứ dại, cứ nông nổi thế. Vì những người dân ấy đã hồ hởi, đã sốt sắng, đã khăn gói đến triển lãm và nghiền ngẫm để mong góp được điều gì đó cho đất nước.
Làm thế nào để một số ông cán bộ Nhà nước kia nghe được góp ý của nhân dân? Một người dân hài hước đưa ra phương án giải quyết: Một cán bộ Nhà nước chỉ có 2 cái tai thì dùng hết vào việc khác rồi làm gì còn dư tai mà nghe góp ý của dân nữa. Muốn họ thực sự nghe được những góp ý của người dân thì họ phải có thêm một cái tai nữa, cái tai thứ 3.
Trực Ngôn thấy phương án này mới là phương án tối ưu. Nhưng làm thế nào để gắn thêm cái tai thứ 3 vào đầu một số cán bộ Nhà nước lại phải cần đến ý kiến của nhân dân đây.
Đã có những lần tôi mong được khóc
Tuần này, một tờ báo viết: “ Không có tiền trợ cấp, bữa ăn của các em học sinh tại Trà Bùi chỉ là gói mì tôm lõng bõng nước hay mớ rau rừng… Cách đây hơn một tháng, cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu phó nhà trường đã đem mấy chỉ vàng dành dụm được sau bao năm đem bán, mua gạo chia cho các em”.
Đấy là câu chuyện về những em học sinh trường tiểu học Trà Bùi, Trà Bồng. Hầu như tất cả các em học sinh ở đây đều là con em những gia đình ngèo khổ. Bởi thế, các em chỉ trông chờ vào 140.000 đồng mỗi tháng để sống và học tập. Trường tiểu học Trà Bùi có 60 em học sinh bán trú nhưng chỉ có 20 chiếc giường tầng. Vì thế mà những em không có giường phải ngủ trên bàn ghế hoặc nằm trên sàn nhà.
Đã mấy tháng nay, các em không nhận được tiền tài trợ, vì thế bữa ăn hàng ngày của các em chỉ có gói mỳ tôm nấu với nước và một ít rau rừng. Không thể cầm lòng trước hình ảnh hiện tại của những chủ nhân tương lai của đất nước trong thế kỷ 21, các thầy cô đã làm hết lòng cho các em đỡ đói và bớt tủi hờn. Một trong những thầy cô đó là Hiệu phó Nguyễn Thị Hương. Cô đã mang mấy chỉ vàng giành dụm trong suốt những năm tháng công tác đến giờ bán đi để mua gạo cho các em.
Các em học sinh Trà Bùi phải đi hái rau rừng để nấu cùng mỳ tôm. Ảnh: Báo Quảng Ngãi
Thưa các vị, mấy chỉ vàng của những thầy cô vùng sâu vùng xa như vậy là cả gia tài lớn của họ. Sự thật là họ còn có một gia tài vô giá là tình thương yêu và sự hy sinh cho tương lai của các học sinh. Nhưng hình như, cái gia tài ấy của họ từ lâu đã chẳng còn mấy giá trị nữa. Hình ảnh thương yêu học sinh của các thầy cô như cô Hương mấy chục năm về trước không hề hiếm. Nhưng bây giờ, những hình ảnh như thế quả thực thật hiếm hoi. Hình ảnh của cô giáo Hương làm cho đôi mắt tôi đã ứa lệ vì xúc động.
Cách đây mấy tháng, trong một lần đi làm về. Chiếc biển xe máy của tôi bị tuột một chiếc ốc treo lơ lửng sau xe. Và trên đoạn đường khoảng mươi cây số, tôi đã được mấy người phóng xe lên ngang tôi và nhắc tôi chiếc biển sắp rơi. Suốt buổi tối ấy, lời nhắc về một chiếc biển xe máy sắp rơi của những người đi đường làm tôi thực sự xúc động và mắt tôi nhòe ướt.
Vì sao tiền trợ cấp lại không đến với các em? Vì sao chúng ta lại để trong mấy tháng liền những đứa trẻ mà chúng ta vẫn thường rao giảng về tình thương yêu và trách nhiệm của mình với chúng mỗi bữa chỉ là những gói mỳ tôm nấu với rau rừng? Khi nhà báo truy vấn điều này thì một số người có trách nhiệm đưa ra lý do này lý do nọ. Nhưng ông Trương Minh Sang, Phó phòng Kinh tế, Đối ngoại và Miền núi – UBND tỉnh Quảng Ngãi kết luận: Dẫn đến tình trạng trên là do ngân sách từ trung ương rót về trễ.
Tại sao lại trễ? Có gì cấp bách hơn việc cứu đói con người mà lại là cứu đói những đứa trẻ? Mẹ tôi cho đến trước khi mất vẫn không thể nào quên được những đứa con của bà đã khóc trong một buổi chiều của những năm tháng chiến tranh gian khó khi bà đi vay gạo mãi mà không được để nấu cơm cho chúng: “Mẹ ơi, con đói quá”.
Mẹ tôi nói đó là tiếng kêu làm bà đau đớn nhất trong cuộc đời mình. Và bây giờ, tôi nghe thấy tiếng kêu đói của những đứa trẻ ở một vùng núi phía Bắc phải bỏ học vào rừng đào củ mài ăn cho đỡ đói mà báo chí đã đưa và những đứa trẻ ở Trà Bùi mấy tháng ăn mỳ tôm với rau rừng và những đứa trẻ ở những nơi nào nữa đang vang lên vừa làm cho chúng ta đau đớn vừa làm chúng ta xấu hổ.
Lòng tốt và sự chia sẻ của con người đã trở thành một thứ của hiếm trong một xã hội mà số vật chất làm ra ngày một nhiều hơn. Có những ngày, tôi lần mò trên các tờ báo giấy, báo mạng, các trang web, blog và những phương tiện thông tin đại chúng khác để tìm những hình ảnh xúc động và nhân văn như hành động của cô giáo Hương hay chỉ đơn giản là hình ảnh của những người đi đường nhắc ai đó về cái chân chống xe máy chưa gạt lên hay cái biển xe sắp rơi. Nhưng cuộc kiếm tìm này thật sự vất vả. Đó không hẳn là các nhà báo chỉ viết về mặt trái của xã hội mà bởi cái mặt phải kia đã mờ đi nhiều quá. Chính vì thế, mà tôi, và không chỉ riêng tôi mà nhiều người có những lần mong được khóc bởi sự xúc động trước những vẻ đẹp và nhân văn trong đời sống chúng ta.
Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật và đừng dối lòng mình về nhiều điều tốt đẹp đã và đang rời bỏ thế gian này. Khi con người lên tiếng không khoan nhượng về sự tăm tối và độc ác là lúc họ đang chiến đấu để bảo vệ sự trong sạch và nhân văn. Và khi con người lên tiếng một cách trung thực và không khoan nhượng về những dốt nát, những tăm tối, những vô cảm, những đạo đức giả, những vô trách nhiệm, những tham lam… và không nghĩ đến những thiệt hại cho bản thân mình thì hành động đó không có gì khác là nhân cách làm người.
TRỰC NGÔN