Bối cảnh về Kinh Tế và Ngoại Giao tại Đông Nam Á
Vì bị Trung Quốc (TQ) ru ngủ trong nhiều năm, giới phân tích quốc tế lúc nào cũng nghĩ là TQ sẽ phát huy ảnh hưởng bằng «quyền lực mềm», tức là dùng kinh tế để thống trị Á châu. Tại sao các giới phân tích quốc tế nghĩ như vậy?
Á Châu là nơi có mức tăng trưởng cao và ảnh hưởng TQ về thương mại và kinh tế càng ngày càng lớn, còn nhiều hơn là thương mại giữa Mỹ và TQ nữa. Hiện giờ thương mại TQ – Á châu được ước tính là khoảng $231 tỷ so với thương mại Mỹ -Trung là $178 tỷ cho năm 2008.
Chính sách của TQ là mua các sản phẩm – linh kiện từ các nước Á châu nghèo – mang về ráp và tái xuất cho các nước tân tiến (Mỹ, Nhật, Nam Hàn, EU, vv). Thương mại kiểu này, TQ không có chia sẻ hiểu biết – kỹ thuật và tăng tiềm năng kỹ thuật với các nước ĐNA. Vì vậy các nước như Malaysia, Singapore, VN, Thailan, và Indonesia vẫn phải dựa vào kỹ thuật và nền giáo dục của Mỹ để tiến. Vì vậy Mỹ vẫn đầu tư trực tiếp $3.4 tỷ (8.5%) so với $1.5 tỷ (3.8%) của TQ trong năm 2009. Do đó các nhà phân tích cho là sự xích dần của các nước ĐNÁ về phía Mỹ sẽ còn tiếp tục.Theo hãng tin AP, ngày 18 tháng 8, 2010, đô đốc Robert Willard, tư lệnh Bộ chỉ huy TBD của Mỹ đã tuyên bố rằng quân đội Hoa Kỳ chống việc sử dụng vũ lực giữa các nước tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, và sẽ duy trì sự hiện diện của Mỹ tại vùng chiến lược này trong nhiều năm nữa để bảo vệ an ninh lưu thông hàng hải của mỗi nước. Tuyên bố này được đưa ra sau lời kêu gọi của NT Hillary Clinton vào tháng trước tại hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN.
Tuy nhiên chính sách của TQ gần đây ngày càng trở nên hung hăng, sử dụng cả phương tiện quân sự lẫn kinh tế để dọa nạt các nước phương nam nhất là VN, khiến quốc tế phải có phản ứng. Theo báo Washington Post thì vào năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Mỹ mới nhìn nhận trong một bản báo cáo, rằng chính TQ chứ không phải Bắc Triều Tiên, mới là nguy cơ gây bất ổn trong khu vực. Cũng theo báo này, thái độ ỷ mạnh hiếp yếu của Bắc Kinh đã thúc đẩy các nước Đông Nam Á (ĐNÁ) phải xích lại gần với siêu cường số một là Mỹ.
TQ đã khẳng định «chủ quyền không thể tranh cãi» trên vùng biển quốc tế ngoài khơi Việt Nam (mà chúng ta gọi là Biển Đông), trong một khu vực cách bờ biển TQ hơn 1000 km. Khu vực có tiềm năng về dầu mỏ và khí đốt này cũng là nơi Đài Loan, và nhiều nước khác như VN, Philippines, Malaysia, Brunei và Singapore đòi chủ quyền. Điều này trở lên quyết liệt vào đầu năm nay. Tháng 3, TQ tuyên bố với các lãnh đạo Hoa Kỳ về «các lợi ích sống còn» của TQ trên phần lớn Biển Đông (BĐ), giống như tại hai vùng lãnh thổ Đài Loan và Tây Tạng. Hành động cụ thể là TQ đã đòi hai công ty Exxon và BP ngừng khai thác dầu trên thềm lục địa VN, và bắt giữ hàng trăm ngư dân không phải là người TQ.
Việc tuyên bố BĐ là vùng của họ, bất chấp các luật quốc tế và luật biển của LHQ là một điều càng rõ. Trong những năm gần đây, TQ đã sử dụng tàu chiến cải trang mà họ gọi là «Ngư Chính» để tung hoành uy hiếp tàu đánh cá VN, bắt cóc ngư dân đòi tiền chuộc, và đơn phương ra lệnh cấm đánh cá trên những vùng biển thuộc ngư trường của VN. Chính những tàu này năm ngoái 2009 đã chặn tàu Mỹ “Impeccable” làm khó dễ vì tàu này khảo cứu trong lãnh vực biển TQ cho là của họ (mặc dù tàu Impeccable nằm ngoài 12 hải lý cách TQ).
Vào tháng 6, 2010, tàu «Ngư Chính» của TQ phiêu lưu sâu xuống phía nam, bị tàu chiến Indonesia chặn lại trên biển và phải tháo lui về phương bắc. Bộ Ngoại giao VN tố cáo và lên án TQ thực hiện khảo sát địa chấn gần quần đảo Trường Sa nơi có nhiều trữ lượng dầu khí.
Trong cuộc hội thảo tại Ronald Reagan Building – Trung Tâm Thương Mại Quốc tế – vào tháng 6 vừa qua, Thứ Trường Ngoại giao James B. Steinberg nhấn mạnh vai trò Á châu trong chính sách của Mỹ và nhấn mạnh mối tương quan Mỹ-Trung. Trong bài nói chuyện này ông Steinberg nhấn mạnh điểm quan trọng là cân bằng kinh tế qua G20, tăng cường quan hệ với Nhật và Nam Hàn và xây dựng liên hệ với Ấn Độ. Ông Steinberg cũng nhấn mạnh vai trò của Indonesia trong vùng và chính sách Mỹ-Trung về vấn đề Đài Loan.
Cuộc hội thào này do “National Bureau of Asian Research and Woodrow Wilson International Center for Scholars” tổ chức, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố là mặc dù quan hệ Mỹ Nhật là trọng tâm của chính sách của Mỹ tại Thái Bình Dương, hợp tác Mỹ-Trung là cần thiết để tránh các hiểu lầm. Có nhiều tranh cãi về các chính sách nhưng nay ai cũng thấy tầm quan trọng của khu vực Thái Bình Dương (TBD).
Gần đây Ngoại trưởng Clinton trong cuộc họp thượng đỉnh của tổ chức ASEAN tại Hà Nội đã có phản ứng kiên quyết, tuyên bố các yêu sách của TQ là bất hợp pháp và không có giá trị. Ngoại trưởng TQ Dương Khiết Trì đã rời phòng họp và lên án Washington âm mưu chống TQ. Ông Dương Khiết Trì lớn tiếng tuyên bố với người đồng nhiệm Singapore: «TQ là nước lớn, còn các nước khác là nước nhỏ.» Tham vọng của TQ là trở thành lãnh đạo và đại diện cho các «nước châu Á» đã bị đẩy lùi vì các nỗi lo ngại của nhiều nước ĐNÁ đối “tham vọng bành trướng” của TQ.
Trong bối cảnh này chính sách của Mỹ tại TBD ra sao?
Sau vụ Bắc Triều tiên đánh chìm tàu Cheonan, Hoa Kỳ đã có phản ứng mạnh mẽ qua việc gởi ba tiềm thủy đỉnh nguyên tử chở hỏa tiễn tomahawk thăm ba nơi tại Á châu – Diego Garcia trong Ân độ Dương, Nam Hàn và Phi Luật Tân. Tiếp theo đó Mỹ và Hàn quốc đã có các cuộc tập trận trong vùng biển Nhật. Không thua, TQ đã có một cuộc tập trận lớn với sự tham gia của 12 000 binh sĩ tại biển Đông Trung Quốc, và một cuộc tập trận bắn đạn thật tại BĐ.
Gần đây tàu hàng không mẫu hạm Washington từng tham gia cuộc tập trận với Nam Hàn thăm vùng biển Đà Nẵng (về hành chánh đảo Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng), và một chiến hạm khác ghé Đà Nẵng tổ chức thao diễn với hải quân VN về cấp cứu. Ngoài ra lần đầu tiên VN và Hoa Kỳ mở đối thoại quốc phòng ở cấp thứ trưởng, chỉ vài ngày sau khi hải quân hai nước cũng lần đầu tiên tham gia một cuộc thao diễn hỗn hợp. Trả lời phỏng vấn báo Quân Đội Nhân Dân, tướng Nguyễn Chí Vịnh xác định rằng cuộc «Đối thoại chính sách Quốc phòng» Mỹ-Việt cấp thứ trưởng lần đầu tiên này nằm trong thỏa thuận đã được bộ trưởng Quốc phòng hai bên thông qua từ năm ngoái và về nội dung cuộc đàm phán: «Hai bên sẽ nêu các vấn đề liên quan đến chính sách quốc phòng, quan hệ quốc phòng song phương và bàn các biện pháp để tăng cường quan hệ quốc phòng hai nước trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau… Hai bên có thể tham khảo lập trường của nhau về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm”. Trong lãnh vực quốc phòng, VN có quan hệ với nhiều nước, trong đó có cả TQ, Ấn Độ, và Nga.
Bộ Quốc phòng Mỹ nói là hàng không mẫu hạm USS George Washington sẽ tiếp tục tiến hành tập trận tại các vùng biển ngoài khơi TQ kể cả gần Triều Tiên.
Trong một báo cáo công bố trong cuối tuần tháng 8, BQP Mỹ đã chỉ trích việc TQ không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự dự phòng khả năng xảy ra xung đột với Đài Loan. Báo cáo này còn khẳng định là hải quân TQ đang phát triển khả năng tấn công đến tận đảo Guam của Hoa Kỳ ở TBD.
HQ Nhật đã đóng vai trò quan sát trong cuộc tập trận Mỹ Hàn. Năm nay là lần đầu tiên HQ Nhật tuyên bố sẽ tăng tiềm thủy đỉnh cho HQ. Không nên quên Nhật có hải quân hiện đại, có thể hoạt động ở tầm xa trong khu vực TBD nhưng vẫn đóng vai trò khiêm nhường luôn luôn cần sự yểm trợ của Mỹ.
Tờ báo Yomiuri Shimbun đã loan tin là Nhật Bản và Hoa Kỳ dự trù các cuộc tập trận chung vào tháng 12 tới. Trong khuôn khổ hiệp ước an ninh, Hoa Kỳ và Nhật Bản thường tổ chức các cuộc tập trận ở vùng TBD, phía Đông Nhật Bản nhưng lần này, cuộc tập trận chung sẽ diễn ra ở vùng biển Hoa Đông, chung quanh các đảo Kyushu (còn tranh chấp) và Okinawa của Nhật.
Vào tháng 4, 2010, chính phủ Tokyo đã từng bày tỏ sự quan ngại sau khi một hạm đội khoảng một chục tàu ngầm và khu trục hạm Trung Quốc đi ngang qua các đảo phía Nam Nhật Bản và trong cùng thời gian đó, một phi cơ trực thăng Trung Quốc đã bay sát một khu trục hạm của Nhật Bản ở ngoài khơi Okinawa, trong một cuộc tập trận mà Tokyo xem là có tính chất khiêu khích. Trước đó, vào tháng 12 năm 2008, hai chiến hạm của Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Nhật Bản ở khu vực gần các đảo đang có tranh chấp.
Về phía Ấn Độ, một nước có lực lượng hải quân tương đương với TQ, thì đã có tin là hai nước Nga và Ân đã thương lượng về việc Ấn mướn một “tiềm thủy đỉnh nguyên tử” và Nga sẽ trao tàu này cho Ấn trong những năm tới đây.
Ngoài ra một viên chức Không quân Ấn Độ đã tiết lộ rằng, Ấn đang nâng cấp một căn cứ không quân gần biên giới TQ cho các máy bay chiến đấu. Theo tin từ trang web US Defense News cho biết, những hành động này là một phần của nỗ lực tăng cường sự phòng thủ của Ấn Độ để chống lại Trung Quốc. Ngoài ra Ấ n Độ cũng đã thông qua một hợp đồng trị giá $3,3 tỉ đô la để mua thêm 42 máy bay chiến đấu loại Su-30.
Như vậy Mỹ đã tăng quan hệ quốc phòng và kinh tế với các nước TBD từ Nhật, Nam Hàn cho đến Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Phi, Miến Điện. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đang cùng nhau xây dựng một chính sách tạo mối liên hệ mới với các nước TBD.
Phải chăng Á châu đang đi tới một SEATO kiểu mới (Minh Ước Phòng thủ ĐNÁ) để chống TQ? Có lẽ chủ trương mới của Mỹ sẽ không cần đến một Minh ước như thế, vì với kỹ thuật hiện đại, Mỹ sẽ không cần dựa vào các căn cứ quân sự tại các nước Á châu để thể hiện chính sách của mình. Kỹ thuật mới với các vệ tinh nhân tạo, từ các căn cứ quân sự ở cách xa TQ, Mỹ vẫn có thể can thiệp ngay tức thì khi TQ muốn tấn công Đài Loan hay Biển Đông. Nếu VN có một chính sách “khéo léo” thì sẽ không tái diễn trận TQ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, hay Trường Sa năm 1988. Hàng rào điện tử của Mỹ sẽ báo cho VN biết trước.
Ngoài khu vực ĐNÁ, Mỹ cũng đã có các hoạt động quân sự với các nước khác trong vùng Trung Á như ở Kazakhstan, gần biên giới TQ.
Mặc dù tin tức cho biết, cuộc tập trận này là một phần trong chương trình hòa bình của khối NATO, thế nhưng phải chăng cuộc tập trận nói trên cũng có thể nằm trong kế hoạch của Mỹ về một NATO ở châu Á?
Tại sao? Theo các nghiên cứu của Hải quân Hoa Kỳ thì HQ TQ sẽ có khả năng có trên 75 tiềm thủy đỉnh trong 15 năm tới cùng với nhiều rađa mới đi song song với hỏa tiễn chống hàng không mẫu hạm, có thể gây khó khăn cho HQ HK trong vùng Đài Loan.
Trong số tháng 5-6, 2010, Tạp Chí “Foreign Affairs” với bài nhan đề “Geography of Chinese Power” tác giả Robert D. Kaplan (chuyên viên cao cấp về nền An Ninh Mới của nước Mỹ –Center for a New American Security), nói là TQ sẽ bành trướng ra khỏi lục địa và đó sẽ là “nguy cơ da vàng.”
Nhìn theo bản đồ trên đây, muốn ra Thái Bình Dương, Hải quân TQ cần phải qua các dẫy đảo bao vây TQ từ Nhật cho đến Đài Loan, Phi Luật Tân và sau đó là các nước ĐNÁ. Các đảo này là hàng rào kẽm gai – là những chuông báo động cho HQ Mỹ khi HQ TQ ra khơi. Biển Đông trở thành quan trọng, vì vậy TQ muốn xé lẻ các nước ĐNÁ ra để dễ trị, và điều này gây trở ngại cho Mỹ.
Mỹ đã thấy hiểm họa TQ lâu rồi và đã có “chiến lược tại TBD”, tái bố trí HQ tại vùng TBD – về căn cứ quân sự, chỉ cần dựa vào các căn cứ tại Guam, Hawai và các quần đảo Marshall là đủ.
Theo đề nghị gọi là Garrett (xem bài FA tháng 5-6, 2010) thì Mỹ có thể rút về các căn cứ trên các đảo Guam, Mariana, Solomon, Caroline,(đảo của Mỹ nhưng ít người để ý). Riêng đảo Guam đã có trên 100,000 quả bom và hỏa tiễn, 66 triệu gallons dầu, xăng, căn cứ của không quân khổng lồ với rất nhiều máy bay, chưa kể đây cũng là căn cứ cho tiềm thủy đỉnh. Các đảo này chỉ cách Đài Loan có vài tiếng bay, và TQ sẽ trả một giá rất đắt nếu họ tấn công Đài Loan hay các nước ĐNÁ khác.
Đi song song với chính sách quân sự, còn có “chiến dịch ngoại giao” với các nước ĐNÁ và việc làm mới lại quan hệ với Nga – để biến Nga trở thành bạn của Mỹ trong việc kìm hãm “mối đe dọa TQ”, chẳng khác nào bốn thập niên về trước chính Mỹ đã đi đêm với TQ nhằm phá vỡ mối “hiểm họa Liên xô”.
Như vậy, Mỹ đang tạo một thế “liên kết mới” gồm nhiều mối liên lạc ngoại giao, kinh tế và quân sự với Nga, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan xuống đến vùng Biển Đông, với Việt Nam, Indonedia, Singapore, Malaysia và đi vòng qua Ấn độ dương với người khổng lồ Ấn Độ trấn ngự phía Nam. Mục đích của vòng liên kết này không gì khác hơn là để bao vây và kiềm hãm Trung Quốc.
Trong trận đồ Thái Bình Dương, chính sách Mỹ là tạo các nút chặn làm khó cho việc bành trướng của hải quân TQ. Nhìn vào bản đồ, hình ảnh các nước nối nhau quanh Trung Quốc chẳng khác gì một hàng rào kẽm gai, mỗi chiếc tàu TQ ra khơi là mỗi lần hàng rào báo động. Sở dĩ phải tạo nên cái thế hàng rào này là vì thái độ của TQ ngày càng hung hăng bành trướng với tham vọng chiếm các tài nguyên của thế giới, đến độ nước nào cũng coi đó là một hiểm họa cho chính mình. Và chỉ trong thế siêu cường Mỹ mới có thể đứng ra tạo cái thế vừa tung vừa hoành này với mục đích khóa TQ vào giữa: cái tên Trung Quốc (nước nằm giữa) bấy giờ mới thật sự tỏ ra là một cái tên tiền định!
Có thể thấy rõ chính vì sự hung hăng của TQ mà Mỹ đã có một chính sách mới cho vùng Thái Bình Dương. Khi TT Obama nhậm chức ông có nói là liên hệ Mỹ và Á châu sẽ được cũng cố. Cuối năm nay TT Obama sẽ viếng Indonesia và gặp một số lãnh đạo Á châu khác, trong đó có VN.
Một liên minh mới trên đường thành hình, có mục đích cho TQ thấy rằng hung hăng quá thì chẳng có lợi gì. Tốt hơn hết hãy bỏ bớt cái tham vọng “nước lớn” đi, lo buôn bán làm ăn trong tinh thần tôn trọng kẻ khác, như thế mới góp phần tạo nên một thế giới tốt đẹp cho mọi người.
Tiến sĩ Đinh Xuân Quân
One Comment
nguyen tuong ba
Một bài viết giá trị của một chuyên gia thẩm quyền rất xứng đáng cho chúng ta thu nhập
ghi nhận . Các diễn biến trong tương lai chính sách ấy ra sao mới là điều quan trọng hơn nhiều mà chúng ta mong muốn tác giả sớm tiết lộ.
TS Quân , hậu duệ nhà cách mạng Đinh Xuân Quảng đức độ kiên cường.
Nguyễn Tường Bá