Từ năm 2008 đến 2015, Hoa Kỳ mất bảy năm thương thuyết Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP căn cứ trên sáng kiến tự do mậu dịch năm 2005 của bốn nước nhỏ trên vành cung Thái Bình Dương, là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Nhưng tới khi hoàn thành ngày năm Tháng 10 năm ngoái, và ký kết với 11 quốc gia đối tác vào ngày bốn Tháng Hai năm nay, thì thỏa ước lại bị khựng vì không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Ban đầu còn hoài nghi lợi ích của chế độ tự do thương mại mở rộng, sau một năm cân nhắc do dự, Chính quyền Barack Obama tiến hành việc đàm phán qua hơn hai chục hội nghị chuyên môn và tin rằng đây là điều có lợi cho nước Mỹ, thậm chí là một trong những di sản lịch sử của Obama. Trở ngại của việc thông qua Hiệp ước TPP xuất phát từ sự chống đối của đa số bên đảng Dân Chủ của ông Obama và càng trở thành nan giải hơn vì lần này, đảng Cộng Hòa cũng hoài nghi giá trị của TPP, chứ không ủng hộ mạnh như hoàn cảnh Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA do Chính quyền Bill Clinton bên đảng Dân Chủ thi hành từ năm 1994 với hậu thuẫn Cộng Hòa.
Những mâu thuẫn ấy trong nội tình chính trị của nước Mỹ còn được khuếch đại vì năm nay Hoa Kỳ có tổng tuyển cử, khi dân Mỹ bầu lại lãnh đạo Hành pháp (Tổng thống và Phó Tổng thống), toàn thể 435 Dân biểu, 34 Nghị sĩ và 12 Thống đốc Tiểu bang. Đặc biệt hơn cả, hai ứng cử viên thụ ủy hai liên danh Cộng Hòa và Dân Chủ đều mạnh mẽ chống đối Hiệp ước TPP mà còn đòi thương thuyết lại Hiệp ước NAFTA với hai đối tác Bắc Mỹ và hai bạn hàng lớn nhất của nước Mỹ là Canada. Các dân biểu nghị sĩ đang lo tái tranh cử cũng phải suy nghĩ lại về lập trường của mình vì phản ứng chống hay thuận của cử tri địa phương, căn cứ trên số phận của họ và trên cách giải trình của báo chí.
Chìm sâu trong cuộc tranh luận, người ta thấy ra một hiện tượng tương đối mới lạ, là trào lưu bảo vệ quyền lợi quốc gia dân tộc đang lấn át lý tưởng tự do ngoại thương, kinh tế thị trường và hiện tượng toàn cầu hóa mà nước Mỹ từng cổ võ và phát huy. Một khía cạnh khác của trào lưu này là chủ nghĩa quốc gia, hay tinh thần “Hoa Kỳ Trên Hết” mà tỷ phú New York là Donald Trump đã nâng thành chủ thuyết và minh diễn qua lập tường của ông về Minh ước Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO.
Trong 10 năm “Chiến tranh Việt Nam” sau khi Hoa Kỳ giật tay lái để tiến hành cuộc chiến trong khung cảnh Chiến tranh lạnh, người Việt ta biết rất ít về nội tình chính trị của nước Mỹ vào mùa tổng tuyển cử, thí dụ như 1964, 1968 hay 1972, và bẽ bàng rồi kinh hoàng về quyết định của lãnh đạo Hoa Kỳ. Lần này, chúng ta đang chứng kiến, ở tại chỗ, một trường hợp tương tự trong khi tâm tư vẫn âu lo về sóng gió ngoài Đông Hải và mối nguy từ Trung Cộng.
Vì vậy, chúng ta nên tìm hiểu hiện tượng này, cụ thể là qua hai hồ sơ NAFTA và NATO.
Chúng ta chưa biết dân Mỹ nghĩ sao về việc chưa có mà đã đầy chướng ngại là TPP, nhưng có thể thấy ra bài toán chính trị của lãnh đạo Hoa Kỳ qua hiệp ước kinh tế năm 1994 là NAFTA (nội dung của bài tuần này) và một hiệp ước về an ninh năm 1949 là NATO (xin hẹn tuần sau!)
Trong cuộc tranh cử năm nay, ngoài những mâu thuẫn về chủ trương và đả kích về tư cách bất xứng của đối phương, hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ duy nhất có chung một ý kiến.
Đó là đòi xét lại nguyên tắc tự do mậu dịch (hay tự do thương mại, hay giao dịch ngoại thương và đầu tư theo tinh thần tự do) và thậm chí thẩm định lại giá trị của hiện tượng toàn cầu hóa. Một cách cụ thể, cả hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton không chỉ phản bác Hiệp ước TPP chưa áp dụng mà cùng muốn thương thuyết lại Hiệp ước NAFTA đã thi hành từ 22 năm trước.
Khi theo dõi – và nếu muốn hiểu ra ưu thế của nền dân chủ thì nên theo dõi – người ta có thể thấy chính trường Mỹ tranh luận về NAFTA căn cứ trên một yếu tố chính là nhân dụng, cụ thể là ảnh hưởng của hiệp định thương mại trên công ăn việc làm của dân Mỹ.
Có một quy ước chung được mọi người Mỹ đồng ý là qua giao kết buôn bán với nước khác. Hoa Kỳ có thể được lợi nhưng nhiều thành phần sản xuất bị thiệt hại và chính quyền liên bang có nhiệm vụ trợ giúp việc chuyển hướng làm ăn cho những người bị thất thế. Cộng Hòa hay Dân Chủ đều biết, nói ra và thi hành việc trợ giúp ấy. Nhưng với nhiều người thì hình như là chưa đủ. Mà muốn đủ thì chính trường phải can thiệp vào thị trường!
Y như cuộc tranh luận năm nay về TPP, trong các năm 1992-1994 rồi sau đó, chính trường Mỹ tranh luận về sự lợi hại của NAFTA và về chương trình yểm trợ việc chuyển hướng sau khi áp dụng.
Về sự lợi hại, trước khi biểu quyết, Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ đã có 141 phát biểu chống đối và 219 phát biểu ủng hộ. Từ phe chống, có 112 vị dân cử nêu ra kết luận là NAFTA sẽ diệt công ăn việc làm của công nhân Mỹ và từ phe thuận có 199 tham luận nói rằng NAFTA sẽ tạo ra công ăn việc làm. Then chốt ở đây là người ta tranh luận về những gì chưa xảy ra cho nên chỉ có thể căn cứ trên các dự báo.
Ai thực hiện các dự báo này cho các chính khách?
Câu trả lời là các chuyên gia kinh tế. Họ là ai và dựa trên cơ sở gì để đưa ra những dự phóng ấy? Câu trả lời còn nhức tim hơn: các chuyên gia kinh tế có sẵn lập trường chính trị, nhiều khi cộng tác với các trung tâm chính trị và dùng chuyên môn để hậu thuẫn cho chính trị.
Có trụ sở tại Paris, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD (được mấy chục nước phát triển thành lập từ năm 1961) đã công bố kết quả thẩm xét ảnh hưởng nhân dụng của NAFTA qua 10 công trình nghiên cứu được đưa ra trước khi phê chuẩn Hiệp ước.
Các công trình nghiên cứu dùng nhiều phương pháp chuyên môn để nêu ra các dự phóng về công ăn việc làm. Kết quả tóm lược: bốn phúc trình cho là NAFTA có ảnh hưởng thấp hoặc vô hại cho việc làm của dân Mỹ; hai phúc trình kết luận là lợi hơn hại; một phúc trình dự báo là việc làm sẽ tăng từ hơn 40 ngàn đến 61 ngàn; một phúc trình còn kết luận là sẽ có thêm 175 ngàn công việc mới. Duy nhất một công trình nghiên cứu đưa ra dự đoán u ám là trong 10 năm tới, có một triệu 600 ngàn việc làm bị mất. Phúc trình sau cùng thì nêu ra ước tính mơ hồ hơn: thêm chừng 225 ngàn tới 264 ngàn việc nhưng có thể mất từ 400 đến 900 ngàn việc, mơ hồ như vậy vì đấy là tùy theo lượng đầu tư ngoại quốc vào xứ Mexico. Trong khi đó, năm 1994, xứ Mễ bị khủng hỏang tài chánh và xém vỡ nợ nên có hoàn cảnh kinh tế khác bất thường, dựa trên đó mà đoán thì đôi khi lạc quẻ.
Không thể đi sâu vào chi tiết, ta chỉ cần thấy là trước khi phê chuẩn Hiệp ước, đa số giới chuyên gia thời đó cho rằng hiệu ứng NAFTA trên thị trường lao động Mỹ, theo hướng lợi hay hại, thật ra không đáng kể.
Nhưng vì thời ấy vẫn có người chống nên Hành pháp Clinton và Lập pháp khi ấy do đảng Dân Chủ kiểm soát cả hai viện mới giàng thêm một đạo luật NAFTA-TAA trước khi ký kết: gọi là NAFTA Trade Adjustment Assistance Program, để trợ giúp bất cứ công nhân nào bị mất việc hay bị giảm lương vì khuôn khổ kinh tế mới. Biện pháp này không có gì mới lạ vì, như đã nói ở trên, hai đảng đều đồng ý và ban hành việc yểm trợ mỗi khi Hoa Kỳ có một hiệp ước thương mại kể từ thời 1960, khi John Kennedy làm Tổng thống. Từ khi chương trình này được ban hành năm 1994, đã có 845 ngàn người nộp đơn xin chính phủ trợ giúp.
Chúng ta phải nhắc lại bối cảnh dài dòng ấy để thấy mọi phe trong cuộc đều tham gia trận đánh NAFTA ngay từ đầu, nhưng hầu hết là các dự phóng dựa trên một số giả thuyết và lý luận theo hướng này hay hướng khác. Nổi bật trong phe chống NAFTA là Viện Chánh sách Kinh tế Economic Policy Institute thuộc cánh tả, có sự yểm trợ của nghiệp đoàn AFL-CIO. Với lập trường trung dung hơn, lò trí tuệ là think tank Peterson Institute for International Economics cũng được các doanh nghiệp tài trợ đến 44% ngân sách. Còn Phòng Thương mại Hoa Kỳ US Chamber of Commerce thì triệt để ủng hộ NAFTA vì là một hiệp hội vận động của doanh giới.
Nói chung thì tổ chức nào cũng chọn dữ kiện và thời điểm trắc nghiệm để đưa ra kết luận theo hướng có lợi cho lập trường chính trị của mình.
Sự thật ở đây, như phúc trình nghiên cứu của Quốc hội (US Congressional Research Service) công bố năm ngoái hoặc công trình nghiên cứu của Hội đồng Cố vấn Kinh tế bên Tổng thống nhận định năm nay: hậu quả bất lợi không đáng kể so với nhiều lợi ích khác. Quan trọng nhất, sự thật ít ai nói tới là kinh tế Hoa Kỳ lệ thuộc rất ít vào xuất cảng, chỉ có 14% của Tổng sản lượng, nên hậu quả tốt xấu về công việc làm liên quan đến xuất cảng thật ra không nguy ngập bằng hoàn cảnh hiện nay của nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới, như Nam Hàn, Đức, Brazil hay Trung Quốc. Các quốc gia này đang điêu đứng như anh thuyền chài thủng ruột và kinh hoàng về chuyện công chúa Mỹ đứt tay!
Dù sao mặc lòng, vì có 845 ngàn công nhân Mỹ xin trợ giúp trong khuôn khổ NAFTA-TAA, kẻ lười biếng bèn kết luận là 22 năm qua NAFTA gây thiệt hại cho 845 ngàn người. Báo chí thiếu am hiểu cứ tung số liệu này ra mà không có thêm chi tiết nào về kết quả của chương trình trợ giúp. Trong khi đó, họ quên là thị trường lao động dân sự của Hoa Kỳ có khoảng 150 triệu người và mỗi năm nếu có 16 triệu dân mất việc thì có 18 triệu người tìn ra việc làm mới! Nếu NAFTA làm 100 ngàn người mất việc hàng năm thì đấy chỉ là 0,06% của việc đổi việc trên thị trường lao động.
Nghĩa là chuyện không có gì mà ầm ĩ, nhưng lại thành đề mục tranh chấp quốc tế trong mùa tranh cử vì khiến các chính quyền Canada và Mexico phải theo dõi sự lật lọng của lãnh đạo Hoa Kỳ và tự chuẩn bị cho kịch bản nước Mỹ đòi xóa bài làm lại.
Tậu voi chung với đức ông thì cũng nên biết sợ cồng bà, cứ bốn năm lại gióng lên một lần! Lần sau, ta nói chuyện binh đao khi Hoa Kỳ phải loay hoay với tấm khiên có 27 người vác trên đôi vai của nước Mỹ, là Minh ước NATO…. Nhờ đó, may ra ta hiểu “nỗi niềm Đông Hải”.
Nguyễn Xuân Nghĩa