Tin thời sự kinh tế trong thời gian gần đây cho thấy Đức quốc nay có thể thở phào nhẹ nhõm sau khi các cơ quan trách nhiệm về kinh tế tài chánh cho biết tình trạng khủng hoảng kinh tế trong nước được xem là đã qua. Nạn thất nghiệp đã được chận đứng, người dân bắt đầu chịu mua sắm trở lại. Người ta không hiểu chính phủ nước này dùng sách lược kinh tế nào để có thể đẩy mạnh con tàu kinh tế như vậy?
Trong khi đó đầu tàu kinh tế Mỹ quốc xem ra vẫn còn ì ạch không chịu ra khơi trở lại. Lý do được đưa ra là do Trung quốc chơi xấu, không chịu nâng giá đồng Nhân Dân Tệ gây cho kinh tế Mỹ bị suy sụp. Dân Mỹ bị mất công ăn việc làm.
Trong những ngày qua tin tức xấu về tình hình kinh tế Việt nam cũng được nêu lên. Tiền Đồng mất giá so với đồng Dollar, giá vàng tăng nhanh. Lạm phát hai số là chuyện không thể tránh khỏi trong thời gian sắp đến.
Càng đọc lại càng rối. Là một người không chuyên về lãnh vực này, người viết cảm thấy khó khăn để có thể nắm vững, hiểu thông suốt được những bản tin kinh tế tài chánh trên thế giới hiện nay. Những câu hỏi cứ được đặt ra để hiểu cho được trọn vẹn một bản tin thời sự về kinh tế như là: Vì sao người ta lại quả quyết Trung quốc ghìm giá đồng Nhân Dân Tệ để hỗ trợ ngành xuất khẩu? Đồng nội tệ cao hay thấp thì lại có lợi cho nền kinh tế trong nước – Gây ảnh hưởng như thế nào cho hàng nhập khẩu và kỹ nghệ xuất khẩu? Vì sao một nước Mỹ giàu có như vậy lại là một con nợ của Trung quốc? Và nợ thì nợ như thế nào?… Đối với một nhà chuyên môn về kinh tế đây là „chuyện nhỏ“ nhưng những người „bình thường“ khác phải thật vất vả để có thể hiểu được những chuyện như thế.
Trong tâm trạng rối mù càng đọc càng không hiểu, người viết tự cố gắng tìm hiểu một ít kiến thức căn bản về kinh tế và xin giới thiệu hầu có thể giúp bạn đọc, nếu cần, có được một vài khái niệm căn bản để có thể nắm được một phần nào đó tình hình kinh tế hiện nay.
Trên danh nghĩa chính thức thị trường tiền tệ thế giới được gọi là thị trường ngoại hối. Mỗi khi bất kỳ một công ty nào đó muốn làm ăn ở ngoại quốc, mỗi khi một nhà đầu tư mua trái phiếu của chính phủ Mỹ, mỗi khi một người khách du lịch đi Việt Nam đổi tiền Euro thành tiền Đồng… Tất cả những việc đó đều có ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái dù cho rất khó có thể đo lường được. Khó có thể đo lường là do khi so sánh những việc này trong thị trường hối đoái (TTHĐ) thì cũng giống như việc thêm hay bớt một vài hạt cát trong sa mạc nhưng thử hỏi không có những hạt cát nhỏ làm sao có sa mạc?
Lý do, TTHĐ là thị trường tài chánh lớn nhất trên toàn thế giới. Theo phỏng tính cúa Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế (Bank for International Settlements BIS) có chừng 4000 tỷ Dollar được trao đổi hàng ngày – mười hai lần hơn so với số tiền các nhà buôn chứng khoán mua qua bán lại trên các thị trường chứng khoán thế giới. Thị trường ngoại hối không bao giờ đóng cửa, 24 giờ trong ngày và bảy ngày trong tuần.
Tỷ gía hối đoái?
Trên thị trường tự do không bị kiềm chế, tỷ gía hối đoái (TGHĐ) là biểu hiệu cho sức mạnh của nền kinh tế quốc gia. Đất nước nào càng thu hút lôi cuốn giới đầu tư nước ngoài vào thì tỷ giá hối đoái đồng tiền của nước đó lại càng vọt cao. Nhưng tại sao nước ngoài vào đầu tư mà đồng tiền trong nước lại tăng giá?
Để trả lời câu hỏi này ta thử lấy thí dụ về kỹ nghệ hiện nay của Việt Nam. Các công ty nước ngoài vào mở chi nhánh, xây dựng cơ sở sản xuất thì đương nhiên họ phải đổ vốn vào Việt Nam. Tiền vốn có thể là Dollar, Euro hay đồng bảng Anh được đổi ra thành tiền Đồng Việt Nam để chi dụng. Tiền Đồng Việt nam khi đó được cần nhiều mà những gì được cần nhiều thì lại có giá. Giá trị tiền Đồng khi đó tăng lên.
Ngược lại, các nhà đầu tư khi thấy một nước nào đó nợ nần chồng chất, tỷ lệ thất nghiệp trong nước dâng cao kéo theo một nền kinh tế èo uột thì họ liền tránh không chịu đổ tiền vào làm ăn. Đồng tiền trong nước khi đó không ai cần đến nên ngày càng bị mất giá. Một thí dụ mới đây nhất là đồng tiền Euro bị mất giá sau khi nền kinh tế của Hy Lạp bị sụp đổ cộng thêm nền kinh tế của Bồ Đào Nha, Tây ban Nha và Irland đang trên bờ vực thẳm. Không một nhà đầu tư nào chịu đổ tiền vào khu vực này ngoài trừ Trung quốc đang dò dẫm đổ tiền vào Hy Lạp và Tây Ban Nha để đầu tư hầu kiếm đường xâm nhập vào thị trường EU dể dàng hơn.
Một cách giải quyết khác, một khi nền kinh tế trong nước èo uột, chính phủ liền bỏ một số tiền lớn hàng trăm tỷ Dollar (nếu có khả năng như Đức, Mỹ, Trung quốc trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua) cho chương trình kích thích phát triển kinh tế (hay còn được gọi là Gói Kích Cầu).
Trái Phiếu Chính Phủ:
Để có được một số tiền lớn thì chính phủ phải tung ra Trái Phiếu Chính Phủ (TPCP). Theo giải thích chính thức của nhà nước Việt Nam: „Trái phiếu Chính phủ là một loại chứng khoán nợ, do Chính phủ phát hành, có thời hạn, có mệnh giá, có lãi, xác nhận nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đối với người sở hữu trái phiếu.“
Nói thẳng, đây chẳng qua chỉ là một hình thức chính phủ đi vay nợ mà thôi. Tại Việt nam lối đi vay nợ này thường được diễn tả với những thuật ngữ rất „kêu“: Phát hành trái phiếu Chính Phủ ra thị trường quốc tế là một kênh huy động vốn hữu hiệu…
Một thí dụ khác là câu chuyện con tàu ma Vinashin đang ngắc ngoãi. Nhà nước Việt Nam lấy tiền đâu để lập nên tập đoàn „Tàu thủy-Khách sạn-Nhà hàng“ làm ăn đang nợ hơn 4 tỷ Dollar này? Lãnh đạo nhà nước tài ba Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được tôn sùng là „Nhân vật của năm 2010“ cũng phải đi vay bằng cách bán TPCP quốc tế hồi năm 2006 rồi dành toàn bộ số tiền 750 triệu Dollar vay thời hạn 10 năm và lãi suất 7,125% cho con tàu ma này. Nay tàu ma đang nợ ngập đầu, các ngân hàng chủ nợ đang thúc hối bên lưng, một nhà lãnh đạo tài ba khác là Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng „đưa ra ý kiến chủ đạo, dùng 300 triệu Dollar tiền TPCP thu được để trả nợ cho ngân hàng Natixis của Pháp.“ Câu hỏi được đặt ra là, vay thì dễ nhưng rồi lấy gì để các nhà lãnh đạo tài ba này trả lại cả vốn lẫn lời cho người ta? Câu trả lời dù có vẻ „anh chị“ nhưng cũng đã được đưa ra với trường hợp con tàu ma Vinashin: „Cho hoãn nợ thì may ra còn, thúc quá thì sẽ mất cả vốn lẫn lời!“
TPCP của những nước như Mỹ được mệnh giá bằng Dollar chẳng hạn, rất được giới đầu tư ưa chuộng vì tính cách an toàn nhưng không phải là không có rủi ro. An toàn vì giới đầu tư không sợ bị mất tiền vì trong trường hợp cần thiết chính phủ nước con nợ vẫn có thể in tiền ra để trả nợ. Rủi ro vì số tiền bỏ ra để đầu tư có thể bị giảm bớt do nội tệ của nước con nợ bị giảm giá.
Trung quốc thường được gọi là chủ nợ của Mỹ là vì họ thu mua rất nhiều loại TPCP của Mỹ này. Hiện nay đứng đầu chủ nợ của Mỹ là Nhật Bản với 765,7 tỷ Dollar. Khi nhà đầu tư mua TPCP họ phải dùng nội tệ của nước con nợ để trả. Nhu cầu nội tệ của nước con nợ tăng lên kéo theo tỷ giá hối đoái được ổn định một phần.
Hậu quả có thể xảy ra khi đồng tiền bị mất giá
Đối với người dân thường khi nghe thấy đồng tiền bị mất giá thì người ta tin chắc nền kinh tế đang bị suy sụp, nạn lạm phát sẽ xảy ra. Đây là nhận thức đúng vì theo định nghĩa của Kinh tế học, lạm phát là sự phá giá tiền tệ của một loại tiền tệ khi so sánh với các loại tiền tệ khác. Thật ra đây là một quy trình kinh tế phức tạp, khó hiểu vì sự thật đồng tiền bị mất giá có thể là hệ quả của một nền kinh tế suy yếu nhưng cũng có thể do chính phủ cố tình phá giá đồng tiền nhằm thu lợi riêng cho mình. Tùy theo tình hình kinh tế cũng như thế mạnh của mỗi nước người ta mới có thể đánh giá chính xác nguyên nhân và hậu quả của việc đồng tiền bị mất giá.
Nói chung, đồng tiền mất giá được xem là một „con dao hai lưởi“ có thể gây ra ba hệ quả:
- Giá tiêu thụ trong nước tăng: Giá trị đồng tiền trong nước giảm so với đồng tiền của các nước khác. Giới nhập cảng phải cần nhiều nội tệ hơn khi mua Dollar để trả tiền mua hàng nước ngoài, qua đó hàng hóa nhập cảng tăng giá. Giá nguyên liệu thô nhập cảng tăng kéo giá thành sản phẩm tăng theo, từ đó có thể xảy ra nạn lạm phát. Đây là tình trạng Việt Nam đang phải gánh chịu. Tiền đồng mất giá gây cho thực phẩm hàng tiêu dùng tăng vượt mức hai con số (chính xác là 11,75% theo thông tin chính thức từ nhà nước Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế độc lập lại tin rằng con số thật sự phải qúa 15%)
- Kỹ nghệ xuất khẩu mạnh hơn: Một khi đồng tiền của nước muốn xuất khẩu hàng hóa thấp hơn những đồng tiền nước ngoài thì giá thành sản phẩm trong nước rẻ hơn. Đây chính là lợi thế trong cuộc tranh đua giá cả. Trường hợp Việt Nam là một nước sống bám vào kỹ nghệ xuất khẩu lại thêm đồng tiền lại bị mất giá, có được lợi thế gì không? Dù là một nước lấy xuất khẩu làm chủ đạo nhưng Việt Nam lại phải dùng Dollar để nhập khẩu tất cả mọi thứ từ cây kim cho đến sợi chỉ cho công đoạn sản xuất xuất khẩu. Theo thông tin từ nhà nước, muốn xuất khẩu được 13 tỷ Dollar hàng dệt may thì riêng tiền nguyên vật liệu nhập khẩu đã lên tới 10 tỷ Dollar. Do đó điều kiện tiền hạ giá đã không không giúp mà lại còn có thể gây thiệt hại cho kỹ nghệ xuất khẩu.
Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ đáng chú ý, thí dụ nhờ đồng tiền mất giá Việt Nam lại giành được thị trường xuất khẩu gạo của Thái Lan. Mặc dù do tiền Đồng mất giá so với tiền Dollar kéo theo giá vốn nhập khẩu phân bón tăng lên nhưng nhờ vào tỷ giá hối đoái đồng tiền Bath của Thái Lan so với Dollar tăng cao liên tục từ năm 2008 đến nay.
Một thí dụ điển hình khác là nước Đức, nước được xem đứng hàng đầu về xuất khẩu. Hàng hóa của Đức khi xuất ra ngoài đều được tính bằng Dollar. Khi một công ty bán một bộ máy trị giá 100 000 Euro thì khách hàng nước ngoài phải trả bằng tiền Dollar. Hối suất hiện nay là 1 Euro=1,30 US$ khách hàng phải trả 130000 US$. Thời gian trước đây khi 1 Euro=1,50 US$ thì cũng giàn máy đó mà khách hàng phải trả 150000 US$. Qua đó cho thấy hàng xuất khẩu của Đức sẽ rẻ hơn, thu hút khách hàng hơn khi đồng Euro hạ giá. Một khi hàng hóa xuất khẩu mạnh thì nền kinh tế Đức sẽ được vực dậy.
- Nền kỹ nghệ của các nước khác bị thiệt hại: Một khi một nước nào đó dùng biện pháp hạ giá đồng tiền để gây lợi thế trong việc tranh đua giá cả cho ngành xuất khẩu trong một thời gian kéo dài từ năm này sang năm khác thì nền kỹ nghệ của các nước khác qua đó có thể bị tàn phá. Thí dụ rõ nhất là do lợi thế đồng Nhân Dân Tệ thấp giá nên Trung quốc hiện nay triệt hạ được các nhà sản xuất Pin năng lượng mặt trời của Âu châu.
Các nước dùng mánh khóe điều chỉnh tỷ giá hối đoái như thế nào?
Như trên đã trình bày, TGHĐ là biểu hiệu cho sức mạnh của nền kinh tế quốc gia tuy nhiên trên thực tế, Ngân Hàng Trung Ương (NHTƯ) của các nước dùng rất nhiều mánh khóe để ghìm tránh cho TGHĐ bị chao đảo mạnh. Một số phương pháp thường được áp dụng như:
– Giữ cho nội tệ thấp so với đồng tiền khác: NHTƯ tung ra một số tiền lớn để mua đồng tiền nước ngoài. Khi đồng nội tệ đầy dẫy trên thị trường và đồng tiền nước ngoài có nhu cầu thu mua nhiều thì điều hiển nhiên tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền thay đổi. Đồng nội tệ xuống giá và đồng tiền ngoại tăng lên. Thí dụ điển hình cho phương pháp này là NHTƯ của Nhật đã bỏ ra 200 đến 300 tỷ Yen để mua đồng Dollar. Trong trường kỳ câu hỏi Lợi hay Hại khi dùng chiến thuật này vẫn còn được giới chuyên môn tranh cãi.
Thật sự lối can thiệp mánh khóe nêu trên cũng chỉ gây ảnh hưởng được một thời gian ngắn vì sức mua bán trên Thị Trường Hối Đoái quá lớn so với khả năng can thiệp của chính phủ.
– Tìm cách giảm vốn ngoại vào trong nước. Đây là phương pháp mà Ba tây và Thái Lan sử dụng trong thời gian vừa qua. Những nhà đầu tư nước ngoài mua Trái Phiếu Chính Phủ bị nhà nước Ba Tây đánh thuế 6%. Người ngoại quốc bị đánh thuế 15% trên tiền lời khi mua TPCP của Thái Lan.
Mánh khóe ghìm đồng Dollar của chính phủ Mỹ
Để giữ tỷ giá đồng Dollar thấp ngân hàng trung ương FED dùng phương pháp hạ giá tiền lời căn bản xuống mức cực kỳ thấp gần 0%. Tiền lời căn bản thấp dĩ nhiên kéo theo tiền lời ngân hàng cho khách hàng vay cũng hạ thấp xuống, từ đó các nhà đầu tư không còn „mặn mòi“ mà phải rút tiền ra khỏi nước Mỹ vì đầu tư tiền vào ngân hàng không còn mang lại lợi nhuận. Tiền Dollar không có nhu cầu để mua nên tự động xuống thấp.
Tuy nhiên trên thực tế, TTHĐ của Mỹ lại còn bị ảnh hưởng mạnh của Trung quốc. Lo ngại đồng Dollar hạ giá sẽ gây ảnh hưởng về ngành xuất khẩu của mình, Trung quốc liền tung ra mánh khóe „thổi bong bóng“, đổ tiền mua thật nhiều Trái Phiếu Chính Phủ của Mỹ. Theo ước tính Trung quốc đang có 1700 tỷ Dollar trong quỹ dự trữ ngoại hối. Phần chính trong số này là TPCP của Mỹ. Giá trị đồng Dollar lại tăng lên một cách giả tạo.
Ngân hàng Trung ương của Mỹ cũng nhìn thấy mánh khóe đó nên cũng lại tập trung bỏ tiền ra để mua lại TPCP của chính mình và hiện nay cũng sẵn sàng in hàng trăm tỷ Dollar để tung ra thị trường.
Mánh khóe ghìm giá đồng Nhân Dân Tệ của Trung quốc
Để giữ đồng Nhân Dân Tệ không lên giá, Trung quốc dùng một sách lược tiền tệ thô bạo hơn so với các nước khác. Họ canh chừng dòng vốn đầu tư của nước ngoài và chỉ cho đồng Nhân Dân Tệ ra khỏi nước một cách giới hạn. Nhà nước Trung quốc bắt buộc:
– Các nhà xuất khẩu trong nước phải đổi một phần lớn tiền ngoại hối thu được như tiền Euro, đồng Yen, Dollar ra đồng Nhân Dân Tệ theo một tỷ giá quy định sẵn.
– Các công ty nước ngoài muốn làm ăn với Trung quốc bị buộc phải đổi tiền Nhân Dân Tệ ngay trên đất Trung quốc. Khách du lịch không được phép đổi quá 20 000 Nhân Dân Tệ.
Đồng Nhân Dân Tệ bị kiểm soát chặt chẽ do đó không có thị trường ngoại hối trên thế giới nào buôn bán đồng Nhân Dân Tệ. Chính phủ Trung quốc có thể ghìm giá đồng Nhân Dân Tệ thấp trong một thời gian dài gây bất lợi cho ngành xuất khẩu của các nước khác.
Phương Tôn [Nguồn: www.khoahoc.net]
Tháng 1.2011
Tham khảo:
1. Stefan Schultz, Spiegel Online. „Staaten rüsten zum Weltkrieg der Währungen“.
2. Focus. „China ist weiterhin größter Besitzer von US-Staatsanleihen“
3. Zeit Online. „China will griechische Staatsanleihen kaufen“