Dân biểu John Boehner [Cộng hòa] Chủ tịch Hạ viện
Các cuộc thăm dò cho thấy ngày càng có nhiều người Mỹ đổ lỗi cho Đảng Cộng hòa về việc chính phủ đóng cửa. Trong những ngày gần đây, mọi sự chú ý phần lớn dồn vào Dân biểu John Boehner, lãnh tụ đảng Cộng hòa đa số ở Hạ viện.
– Những nghĩa vụ này gồm An sinh xã hội, chương trình bảo hiểm xã hội Medicare, tiền lương quân đội, lãi suất nợ quốc gia, tiền thuế hoàn lại.
– Nâng giới hạn trần nợ không cho phép những khoản cam kết chi tiêu mới.
– Không nâng giới hạn trần nợ sẽ khiến chính phủ mất khả năng thực hiện nghĩa vụ pháp lý
-Từ năm 1960, Quốc hội đã nâng giới hạn trần nợ 78 lần.
Tình trạng bế tắc tiếp diễn giữa phe Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội Hoa Kỳ hiện làm dấy lên mối quan ngại rằng hai đảng đối nghịch có thể không đạt đồng thuận về việc nâng mức trần nợ vào giữa tháng 10, và điều đó sẽ khiến chính phủ bị vỡ nợ. Cả Bộ Tài chính Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều kêu gọi các nhà lập pháp nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng về ngân sách để tránh gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA, Chủ tịch Hạ viện Mỹ đang đối mặt với nhiều áp lực đòi ông hành động để chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Các cuộc thăm dò cho thấy ngày càng có nhiều người Mỹ đổ lỗi cho Đảng Cộng hòa về việc chính phủ đóng cửa. Trong những ngày gần đây, mọi sự chú ý phần lớn dồn vào một nhà lập pháp, đó là Dân biểu John Boehner, lãnh tụ phe Cộng hòa đa số ở Hạ viện.
Trong cương vị chủ tịch Hạ viện, ông Boehner đã chặn một cuộc bỏ phiếu về dự luật ngân sách tạm thời mà lẽ ra đã giữ chi tiêu ở mức hiện thời. Tất cả các đảng viên Dân chủ và một số đảng viên Cộng hòa ủng hộ dự luật.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích ông Boehner hôm qua trong khi phát biểu trước một nhóm công nhân xây dựng ở ngoại ô thủ đô Washington.
“Hiện có đủ đảng viên Cộng hòa và Dân chủ tại Hạ viện mà nếu Chủ tịch Hạ viện John Boehner chỉ đưa dự luật ra bỏ phiếu thì mọi dân biểu sẽ bỏ phiếu bằng chính lương tâm của họ, và việc đóng cửa sẽ chấm dứt ngày hôm nay”.
- Khoảng 800 ngàn công chức liên bang sẽ phải nghỉ việc không lương.
- 1 triệu 400 ngàn nhân viên quân đội hiện dịch sẽ tiếp tục thi hành nhiệm vụ, nhưng có thể phải lãnh lương trễ.
- NASA sẽ cho nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên.
- Các nhân viên kiểm soát không lưu và kiểm tra hành khách sẽ tiếp tục công tác.
- Các toà án liên bang sẽ tiếp tục hoạt động.
- Sẽ tiếp tục giao thư tín vì Sở Bưu chính Hoa Kỳ không được tài trợ bởi tiền thuế.
- Phần lớn nhân viên của Bộ An ninh Nội địa sẽ tiếp tục làm việc.
- Phần lớn các dịch vụ dành cho cựu chiến binh sẽ tiếp tục vì đã nhận tiền tài trợ từ trước.
- Các Công viên quốc gia và các viện bảo tàng Smithsonian sẽ đóng cửa.
Cho tới giờ này, ông Boehner vẫn từ chối cho phép bỏ phiếu về một ngân khoản tạm thời, có thể giúp 800 nghìn nhân viên chính phủ liên bang trở lại làm việc. Các chuyên gia chính trị dẫn hai lý do để giải thích hành động này: Một là ông Boehner sẽ mất sự ủng hộ của nhóm bảo thủ và có lẽ là cả vị trí chủ tịch, và một điều khác là sức mạnh của ông sẽ giảm đi khi ông thương lượng với phe Dân chủ về ngân sách mới của Mỹ.
Trong khi đó, phe Cộng hòa chỉ trích Thượng viện do đảng Dân chủ nắm giữ đã bác bỏ ý tưởng tiếp tục cấp quỹ cho một số cơ quan và chương trình như việc chữa trị ung thư cho trẻ em tại Viện Y tế Quốc gia.
Hôm qua, một nhóm các đảng viên Cộng hòa đã tìm cách thu hút sự chú ý đối với những khó khăn mà việc thiếu ngân sách gây ra cho chương trình đó. Renee Ellmers, một đảng viên Cộng hòa đại diện tiểu bang North Carolina và một cựu nhân viên y tá, đã say sưa nói thay cho các em bị bệnh ung thư và gia đình của các em.
“Nếu ta từng chứng kiến vẻ mặt của một người cha, người mẹ khi họ được thông báo rằng con họ bị ung thư và rồi ta tước đi hy vọng của họ, ngay khi họ biết rằng họ vẫn còn hy vọng”.
Theo một ước tính, việc đóng cửa một phần chính phủ liên bang đã làm thất thu kinh tế ít nhất 300 triệu đôla mỗi ngày, và sự thất thu đó sẽ còn tăng.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde hôm qua cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng ngân sách của Mỹ cũng có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.
“Những bất ổn tiếp diễn về chính trị xoay quanh ngân sách, mức trần nợ, không giúp ích gì. Việc đóng cửa chính phủ đã quá tệ hại. Nhưng việc không thể nâng mức trần nợ còn xấu hơn nhiều và sẽ gây tổn hại hết sức nghiêm trọng không chỉ với kinh tế Mỹ mà cả kinh tế toàn cầu nữa”.
Hoa Kỳ phải nâng mức trần nợ vào ngày 17/10 để tránh bị vỡ nợ.
Nguồn: VOA
Rào chắn được dựng lên tại Ðài Tưởng niệm Lincoln ở thủ đô Washington, ngày 1/10/2013