Anh Hà Minh Thành là người Việt Nam hiện đang công tác trong lực lượng cảnh sát Nhật Bản; Hiện anh Hà Minh Thành đang tham gia cứu nạn động đất tại vùng Fukushima…
Xin ghi lại địa chỉ của anh Hà Minh Thành: minhthanhjp@yahoo.com; điện thoại 09085381634. Anh Hà Minh Thành đã đồng ý đăng địa chỉ điện thoại và email cá nhân của anh để sẵn sàng hỗ trợ những bà con người Việt Nam nào đang gặp khó khăn hoạn nạn ở Nhật …
Sau đây là bức thư mới nhất của anh Hà Minh Thành kể về công việc mà anh đang tham gia tại vùng Fukushima…
Xin chào anh Đào
Em là Minh Thành đây. Anh và gia đình khỏe không ? Mấy ngày nay mọi sự đều quay cuồng lên cả. Mở mắt cũng thấy xác chết, nhắm mắt cũng thấy xác chết. Mỗi thằng tụi em mỗi đứa phải trực 20h/một ngày. Ước gì thời gian dài 48 tiếng một ngày để mà còn đi tìm cứu người. Điện nước không , thực phẩm gần như số không ? Di tản dân chưa xong thì lại có lệnh đưa dân đi di tản tiếp.
Em đang ở Fukushima, cách nhà máy điện Fukushima 1 khoảng cách 25km, có rất nhiều chuyện có thể viết nên thành sách về tình người trong hoạn nạn.
Ngày hôm kia em đã tìm thấy và cứu được một người VN. Anh ta tên là Toàn đến từ Mỹ, kỹ sư nguyên tử lực làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, anh ta bị tai nạn ngay cơn động đất đầu tiên, mọi thứ hỗn loạn nên chẳng ai giúp anh ta liên lạc cả.
Tình cờ biết được em đã liên lạc với Đại sứ quán Mỹ và phải công nhận tụi Mỹ nó nhanh, ngay lập tức trực thăng của quân đội Mý đến bệnh viện bốc anh ta đưa thẳng ra hạm đội 7.
Còn lại một số tu nghiệp sinh VN ở trong vùng này thì em đang tìm vẫn chưa có thông tin rõ ràng. Nếu có thông tin chính xác tên tuổi, nơi làm việc của họ thì dễ tìm kiếm hơn. Ở Nhật cảnh sát không có quản lý gắt gao về hộ tịch như ở VN và luật bảo hộ thông tin cũng khiến cho việc tìm thông tin của họ cũng khó. Em gặp một phụ nữ Nhật có làm việc chung với 7 cô gái đến từ VN làm việc với tư cách tu nghiệp sinh, chỗ họ làm cách bờ biển khoảng 3km, bà ta nói rằng họ không biết tiếng Nhật và lúc chạy loạn thì họ chạy theo bà ta, nhưng sau đó thì không biết chạy đi đâu còn sống hay là chết. Trong đó bà ta chỉ nhớ tên một cô gái tên là Nguyễn Thị Huyền (Có thể tên là Hiền) vì làm việc chung nhau.
Nhân viên Đại sứ quán và chính phủ VN vẫn chưa thấy xuất hiện ở đây, dù đọc trên báo mạng của VN thấy họ nói lo lắng cho dân VN rất tốt, toàn xạo cả.
Ngay cả cảnh sát tụi em còn đói khát tả tơi thì huống chi tới mấy đứa nhỏ tu nghiệp sinh VN. Nỗi khổ nhất ở vùng này bây giờ là Lạnh, Đói, Khát, không có điện, thiếu thông tin. Dân chúng thì vẫn bình tĩnh, lòng tự trọng và luân lý của họ tốt nên chưa đến nỗi loạn nhưng nếu tình hình này kéo dài thêm chừng 1 tuần nữa thì có khả năng tình hình an ninh không thể kiểm soát nổi. Họ cũng là con người mà, khi cơn đói khát đã vượt quá lòng tự trọng và nhân cách thì cái gì cũng phải làm thôi. Chính phủ đang lập cầu không vận thực phẩm và thuốc men vào vùng này nhưng chỉ như muối bỏ biển.
Có nhiều chuyện muốn kể cho anh nghe để đăng trang tin của anh nhưng mà nhiều đến độ bây giờ em cũng chẳng biết gì mà viết nữa.
Có một câu chuyện cảm động ngày hôm qua một đứa bé Nhật đã dạy cho một người lớn như em một bài học làm người.
Tối hôm qua em được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng em chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, em sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm.Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhiìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe em hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh em mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của em bị rơi ra ngoài, em nhặt lên đưa cho nó và nói:
“Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”.
Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Em tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.
Ngạc nhiên vô cùng , em hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó.
Nỏ trả lời:
“Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.
Em nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy em một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.
Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
Nghĩ lại câu nói của ông già Fuwa nguyên chủ tịch Đảng CS Nhật giáo sư dạy em về Tư bản luận đã nói rằng “Nếu Mac sống lại, ông ta sẽ thêm một câu vào trong cuốn Tư bản luận đó là “Chủ nghĩa CS chỉ thành công trên đất Nhật”.
Vài dòng gửi cho anh, chúc anh khỏe .Tới giờ em vào phiên trực nữa rồi.
Chúc anh và gia đình vạn sự an khang.
Hà Minh Thành
One Comment
Trần Việt
Câu chuyện thật cảm động, mọi người đều cảm động, trong đó có tôi. Người ta nói đền cái tâm hồn vỹ đại của cậu bé Nhật bản 9 tuổi, cậu bé thật sự vỹ đại, đáng hâm mộ, vì trong lứa tuổi của em, ít dân tộc nào có được.
Nhân chuyện này, tôi hồi tưởng lại các giai thoại về dân tộc Nhật thuở xa xưa, nhiều chuyện hay lắm, trong đó, tôi nhớ nhất là chuyện như sau: rằng trong một hôi chợ quốc tế nào đó, mỗi quốc gia đều có một gian hàng trưng bày sản phẩm đặc thù của nước mình; tất cả đều trang trí lộng lẫy, tưng bừng. Song, đến gian hàng cuả Nhật bản, chỉ có tấm màn che, bên trong là một cái bục gỗ. Đến lượt giới thiệu gian hàng của Nhật, bức màn mở ra, trên bục là một chàng võ sỹ đạo , trên tay cầm đoản đao, phực, người võ sỹ mổ bụng, moi ruột ra, và gục xuống trong vũng máu….; Một nàng keisha kiều diễm bước ra, tươi cười rạng rỡ, cao giọng giới thiệu :” Kính thưa quý vị, đây là Sản phẩm vỹ đại của nước Nhật bản .
Ngày nay, con người ta đang đứng ở thế kỷ 21, nhìn lại chuyện ngày xưa, ngày ấy chưa có khoa học hiện đại như bây giờ, chưa có computer, chưa có internet, càng chưa biết gì về stemcells, về cloning..v.v…Ngày ấy, chủ nghĩa thần tượng còn ngự trị đỉnh cao của loài người,nhất là Vương quốc mặt trời; cho nên con người có xu hướng muốn làm anh hùng giữa đám quần chúng. Họ chưa biết thế nào là Nhân-Bản, thế nào là Nhân vị, thế nào là cái độc tôn của con người đứng giữa Thiên và Địa.
Trở lại những mẩu chuyện cậu bé Nhật, người dân Nhât cuả những ngày vưà qua, tưởng cũng là dịp cho ta có một suy tư thức thời hơn, thực tiễn hơn (?) Nhìn từ góc độ bề mặt, người dân Nhật có tinh thần cao như vậy, là nhờ nền công dân giáo dục của họ thành công siêu việt; nhưng nếu đặt câu hỏi đối với chính quyền Nhật,nếu mọi người dân Nhật đều cao thượng và siêu việt như vậy, có thực sự nên có trong một xã hội nhân bản ngày nay hay không? (cậu bé đói mà nhịn ăn cho đám quần chúng…có thật là con người như vậy chăng ?), nhân bản là lấy sự hiện hữu của con người làm chủ điểm chính, hạnh phúc của nhân quần được khởi nguồn từ hạnh phúc của từng cá nhân trong gia đình, để có những gia đình vẹn toàn trong xã hội vẹn toàn. Hành động anh hùng là đáng phục, đáng ca ngợi,nhưng không phải lúc nào cũng đáng được tôn vinh, vì không luôn luôn vì tha nhân, vì nhân quần, mà lại vì cái Tôi, cái tôi vỹ đại như chuyện chàng võ sỹ đạo Nhật bản mổ bụng ngày xưa một cách rất ư là “tuồng”, người Mỹ gọi là Show-Off. Khen tinh thần người Nhật trong hoạn nạn, bây giờ giới truyền thông thế giới bắt đầu soi lăng kính vào cái bưng bít, cái gian dối, cái cẩu thả và bất lực của chính quyền Nhật trong tai họa này.