Tôi nợ rất nhiều người để có được bài viết rất sơ khởi này về tập thơ Lưu Hương Ký (LHK) của nữ-sĩ Hồ Xuân Hương (HXH), “Bà chúa thơ Nôm” (tên mà nhà thơ Xuân Diệu “mượn tạm” mà không hề ghi nhận là lấy của ông Lê Tâm, tác-giả cuốn Thân thế và thi ca Hồ Xuân Hương (Bà chúa thơ Nôm), Hà-nội: Nhà xb Cây Thông, 1950):
Trước hết là cụ cử Nguyễn Văn Tú, người đã tìm ra bản thảo LHK trong tủ sách gia-đình (ở Hành-thiện) và đã gởi về cho toà báo Văn Sử Địa từ năm 1957. LHK sau đó đã được chuyển về thư-viện của Viện Văn-học ở Hà-nội khi viện này được thành-lập.
Thứ nữa là ông Trần Thanh Mại, một chuyên-gia văn-học VN, người đầu tiên đã công-bố một số bài, phiên âm sang Quốc-ngữ từ LHK, trong Tạp chí Văn học tháng 3/1963 (“Phải chăng HXH còn là một nhà thơ chữ Hán?”), số 10/1964 (“Trở lại vấn đề HXH”) và số 11/1964 (“Bản LHK và lai lịch phát hiện của nó”).
Rồi đến học-giả Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) ở Pháp, người đã đóng góp nhiều nhất vào việc nghiên cứu tiểu-sử của HXH (“HXH với Vịnh Hạ-long,” Tập san Khoa học xã hội, Paris, số 10-11, tháng 12/1983). Cụ Hãn đã phải nghiên cứu LHK trên căn-bản những bản phiên âm của Trần Thanh Mại (chứ không được thấy mặt các bản gốc chữ Hán và chữ Nôm trong LHK).
Công của anh bạn tôi, G.S. Tạ Trọng Hiệp (trước khi mất vào năm 1997, dạy ở Paris VII), cũng không nhỏ vì năm 1988 anh đã về Hà-nội để hỏi về cuốn LHK cho cụ Hãn mà không có kết-quả. “Khi tôi đến Viện Văn Học là nơi có chức năng bảo tồn bản LHK quý báu đó thì… các vị chuyên gia về văn học cổ VN đều cho biết cuốn ấy đã mất rồi.” (Thuỵ Khuê, Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn & Tạ Trọng Hiệp, Văn Nghệ, Cali 2002, trang 250) Hai người đã dùng bản LHK để nghiên cứu, ông Trần Thanh Mại và ông Hồ Tuấn Niệm, đều “đã chết.” Chỉ còn một hy-vọng nhỏ nhoi là “cuốn thơ HXH của Nguyễn Lộc có nói rằng Đào Thái Tôn là người đã được giao cho đọc tập LHK và đã dịch trọn vẹn 52 bài… [Không hiểu] Anh còn giữ được bản chép tay LHK không? Nếu không thì đây là một tổn thất không thể nào cứu vãn được nữa.” (như trên, trang 251)
Đã tưởng như vậy thì không bao giờ ta còn thấy được mặt mũi cuốn Lưu Hương Ký gốc mà cụ Cử Tú đã tìm ra và may ra, ta chỉ còn có thể trông chờ một cách mỏng manh vào một bản mà ông Đào Thái Tôn đã cho hoặc nhờ người khác chép từ bản gốc. Và trong một thời-gian dài, ai cũng coi như bản LHK đó đã mất, không còn hy-vọng gì tìm ra được nữa.
Bìa bản gốc “Lưu Hương Ký” HN336
Nghiên cứu ngược từ các bản phiên âm sang Quốc-ngữ
Cụ Hoàng Xuân Hãn có lẽ là người buồn nhất trong vụ này bởi cụ là người có đủ vốn Hán-Nôm để có thể nghiên cứu thẳng từ nguyên-bản. Vậy mà từ 1963-64 cho đến ngày cụ nhắm mắt, nghĩa là 32-33 năm sau, không cách nào cụ thấy được nguyên-bản LHK. Trong khi đó, theo G.S. Tạ Trọng Hiệp, mới có “16 bài đã được giới-thiệu” trong số 52 bài của tập thơ (24 bài thơ Nôm và 28 bài thơ chữ Hán) bởi ông Trần Thanh Mại song cách “phiên âm [sang Quốc-ngữ] nhiều khi thất cách.” (Thuỵ Khuê, sđd, trang 250)
Những sách viết về Hồ Xuân Hương trong thời-gian này, vì đa-phần không có cách nào đến với bản gốc LHK mà bắt buộc phải tuỳ-thuộc vào những bản phiên âm Quốc-ngữ của tập thơ, nên đã bị giới-hạn rất nhiều bởi:
Số thơ đã được phiên âm và giới-thiệu (16 trên 52 bài) là chưa đầy 1/3 tập thơ.
Sự phiên âm của ông Trần Thanh Mại hay/và những cộng-sự-viên của ông đôi khi còn rất thiếu sót. Theo G.S. Tạ Trọng Hiệp, “trong bài của tác-giả Hoàng Xuân Hãn [tức bài “HXH với Vịnh Hạ-long,” bđd, Tập san Khoa học xã hội] đã điều chỉnh một vài tiếng cổ rất quan trọng bị đọc sai.” (Thuỵ Khuê, sđd, trang 250)
“Còn những bài chưa được giới thiệu thì bây giờ không còn hy vọng gì được đọc nữa, bởi vì cuối năm 1988, khi tôi có dịp đi công tác ở Hà Nội, tôi đã cố gắng thực hiện một lời dặn của thầy Hãn là yêu cầu anh em trong nước cho phép chụp hay chép lại những bài chưa được Trần Thanh Mại giới thiệu và cả những bài Trần Thanh Mại chỉ phiên âm, dịch theo kiểu của mình. Việc sử dụng 16 bài đó rất bấp bênh.” (Như trên, NNB nhấn mạnh)
Chính vì vậy mà những bài chữ Hán mà cụ Hoàng Xuân Hãn cho in trong cuốn sách nhỏ, Hồ Xuân Hương: Poèmes, mà cụ làm chung với người khác (Paris: Không thấy ghi năm và nhà xuất bản, khoảng 1985; cuốn này cũng không thấy ghi trong “Thư mục Hoàng Xuân Hãn” do Tạ Trọng Hiệp và Chương Thâu ghi lại, từ trang 1389 đến 1401 trong bộ đại-toàn ba tập đồ sộ La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), Hà-nội: Nhà xb Giáo Dục), là những bản tái-lập (reconstructed) từ bản phiên âm của Trần Thanh Mại, nghĩa là có nhiều chỗ cụ đã phải đoán. Cũng chính vì vậy mà một người uyên bác như cụ đã đoán nhầm chữ “Lưu” trong Lưu Hương Ký: cụ viết 琉 thay vì chính-xác là 瑠.
Trần Thanh Mại (1963-64) |
Nguyễn Lộc(1982) | Hoàng Xuân Hãn(1983-84) | Đào Thái Tôn(1996) | Bùi Hạnh Cẩn(1999) |
16/52 bài | 13/52 bài(3 H + 10 N) | 15,25/52 bài(1)(4,5 H + 10,75 N)9,75/52 bài(2)(5 H + 4,75 N) | 26/52 bài(8 H + 18 N) | 31/52 bài(15 H + 16 N) |
Không ghi chữ Hán | Không ghi chữ Hán | Chữ Hán “lập lại theo phiên âm Trần Thanh Mại” | Không ghi chữ Hán | Không ghi chữ Hán |
HXHãn tái-lập sai chữ “Lưu” trong LHK và chữ “Hoan” (“Hoan-trung”) trong chữ Hán (LSYH-HXH, tập III, trang 907) | ||||
Ông cũng còn tái-lập sai một số chữ trong bản Hán các bài thơ. |
Chú thích:
Trần Thanh Mại tức ba bài do ông viết trong Tạp chí Văn học (số 3/1963: “Phải chăng HXH còn là một nhà thơ chữ Hán?,” trang 33-64; số 10/1964: “Trở lại vấn đế HXH,” trang 58-64; và số 11/1964: “Bản LƯU HƯƠNG KÝ và lai lịch phát hiện nó,” trang 69-78).
Nguyễn Lộc tức cuốn Thơ Hồ Xuân Hương, Hà-nội: Nhà xb Văn Học, 1982.
Hoàng Xuân Hãn có hai tác-phẩm: Tác-phẩm 1 là bài “Hồ Xuân Hương và Vịnh Hạ-long” trong Tập san Khoa học xã hội (Paris, 1983) và tác-phẩm 2 là tập Hồ Xuân Hương: Poèmes do Hoàng Xuân Hãn, Lâm Bá Châu, Jean Ristat, Olivier Stern và Nguyễn Minh Thanh viết chung (Paris: không ghi năm hay nhà xb).
Đào Thái Tôn tức cuốn Thơ Hồ Xuân Hương từ cội nguồn vào thế tục, Hà-nội: Nhà xb Giáo Dục (In lần thứ ba – có bổ sung và sửa chữa), 1996.
Bùi Hạnh Cẩn là nói về cuốn Hồ Xuân Hương: Thơ chữ Hán – chữ Nôm & Giai thoại, Hà-nội: Nhà xb Văn Hoá – Thông Tin, 1999.
Mấy chữ viết tắt: H tức là “Hán” và N “Nôm.” “3 H + 10 N” có nghĩa là “3 bài thơ chữ Hán và 10 bài thơ chữ Nôm” trong tổng-số 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài chữ Nôm có mặt trong Lưu Hương Ký. “4,5” có nghĩa là 4 bài rưỡi và “10,75” 10 bài cộng với một bài chỉ có 6 trong 8 câu Đường-luật (“thất ngôn bát cú”).
Bảng trên đây cho ta thấy sự tiến triển rất chậm chạp trong việc khai thác tập Lưu Hương Ký trong thời-gian từ 1963-64 là lúc Trần Thanh Mại bắt đầu nghiên cứu tập thơ đến cuối thế-kỷ trước: từ 16 bài thành được 31 bài trên tổng-số 52 bài. Nó cũng chứng tỏ lối làm việc bất cập của các học-giả ở Hà-nội với những hậu-quả nguy hại như thế nào. Ở hải-ngoại, khi cho xuất bản cuốn Hồ Xuân Hương: Tác-phẩm năm 2000 (do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông in ra), tôi cũng không thoát khỏi những giới-hạn do tình-trạng tài-liệu khá thiếu sót như trên gây nên. Trong sách đó tôi có trình bầy được 30 bài (11/24 bài thơ Hán và 19/28 bài thơ chữ Nôm). Bên cạnh đó, nhờ được thấy bản chụp lại bài tựa Lưu Hương Ký (“LHK tự”) rút từ Du Hương-tích-động ký (ký-hiệu A. 2814) có in lại trong sách của ông Đào Thái Tôn (Thơ HXH từ cội nguồn vào thế tục) mà tôi đã kịp thời viết cho chính-xác chữ “Lưu” trong “Lưu Hương Ký” và chữ “Hoan” (驩) trong “Hoan-trung Cổ-nguyệt-đường nữ-sử tập.”
Đó, việc nghiên cứu văn-học cổ ở nước ta trong tình-trạng hiện nay khó khăn là như thế. Ở trong nước, nơi có tài-liệu thì chỉ đưa ra một cách nhỏ giọt (15 bài trong 33 năm, sau khi ông Trần Thanh Mại đã cho công-bố 16 bài và một số tài-liệu quan trọng đi kèm theo chỉ trong vòng có một năm). Trong khi đó, ở hải-ngoại, ngay khi ta có những người với chuyên-môn cần thiết thì lại không được tiếp-cận những tài-liệu đó. Kết-quả là học-thuật VN bị chậm lại hàng chục năm, và nếu không có một vài biến-cố mới xảy ra gần đây thì vấn-đề có lẽ đã trở nên vô vọng.
Người then chốt: Ông Đào Thái Tôn
Đúng như anh Tạ Trọng Hiệp nghi ngờ (trả lời chị Thuỵ Khuê, anh chỉ dám mong là ông Đào Thái Tôn còn giữ được một bản chép từ bản gốc mà anh lo là đã mất1/), người có thể cho ta câu trả lời dứt khoát về vấn-đề bản Lưu Hương Ký gốc không thể là ai khác hơn ông Đào Thái Tôn. Chính vì anh tin tưởng như vậy, và đã từng chia xẻ ý nghĩ đó với tôi, nên tôi mới dám khẳng-định gần như đinh đóng cột trong Hồ Xuân Hương: Tác-phẩm (trang 255): “Ông [tức anh Tạ Trọng Hiệp] ngờ rằng ông Đào Thái Tôn là người cuối cùng giữ cuốn Lưu Hương Ký và cho rằng ông Tôn hoặc đã đánh mất, hoặc đã giấu đi làm của riêng.” Đã đành, khi viết như thế này, tôi đã uống thuốc liều đầy mình và tôi phải tin anh Hiệp lắm thì mới dám “thác lời” anh để gần như đưa ra một lời cáo buộc đối với ông Tôn.
Không phải chỉ mình tôi nghĩ thế. Cụ Hoàng Xuân Hãn, trong thư gửi từ Paris đề ngày 12 tháng chín 1994 cho “Chú Đào Thái Tôn” (có in chụp lại trong sách đã dẫn của ông Tôn, trang 17-18, ấn-bản 1996) cũng nghĩ thế:
“Tôi đã chú ý đến sự Chú là người, sau Trần Thanh Mại và Hồ Tuấn Niệm, ra công khảo cứu về Hồ Xuân Hương. Vậy tôi mong chú sẽ tìm thêm được nhiều điều mà nay còn thiếu sót.
“Trước hết, chú là người có điều kiện phiên âm hoàn-toàn những văn bản chắc chắn về H. X. Hương: tập thơ Lưu Hương Ký, tập thơ của Tốn Phong.”
Như vậy, chắc chắn là sau khi anh Tạ Trọng Hiệp ở Hà-nội về Pháp năm 1988, anh cũng đã chia xẻ với cụ (mà anh coi như là “thầy” anh) cùng những thông tin mà anh đã nắm được trong thời-gian ở Hà-nội rồi về sau chia xẻ với tôi. Vì nếu không chắc thì cụ đã không viết là ông Tôn “có điều kiện phiên âm hoàn-toàn… Lưu Hương Ký.” (NNB gạch dưới)
Nhưng rồi ông Tôn vẫn một mực chối, hay ít ra cũng đánh trống lảng khi được hỏi về chuyện này. Đây là lời của ông Đào Thái Tôn chia xẻ với nhà báo Nguyễn Thắng (của báo Gia Đình và Xã Hội ở trong nước, số ra ngày đầu năm tây, 1/1/2009):
Về câu chuyện GS Tạ Trọng Hiệp nhận sự uỷ thác của GS Hoàng Xuân Hãn về nước công tác tìm ông Đào Thái Tôn để hỏi về Lưu Hương Ký, ông Tôn cho biết: “Đúng là năm 1988, anh Tạ Trọng Hiệp có tìm tôi nhưng thời gian đó tôi đi công tác. “Sau đó, đến ngày 8/3/1993, khi tôi dự buổi bảo vệ luận án Phó tiến sỹ của ông Nguyễn Lân Cường thì vô tình được gặp GS Tạ Trọng Hiệp. Ông Hiệp mừng lắm, huỷ luôn một cuộc hẹn hôm đó để tiếp tôi. Ngồi uống bia giữa chợ, ông Tạ Trọng Hiệp chỉ hỏi tôi một câu, xem tôi còn giữ được bản gốc Lưu Hương Ký không để về báo tin lại với GS Hoàng Xuân Hãn. Khi nghe tôi khẳng định là còn, ông Hiệp rất mừng nhưng không xin tôi bản chụp nào.” |
Thật là khó tin. Bởi tôi biết anh Tạ Trọng Hiệp là người rất tỉnh táo và tinh tường, không thể nào nghe lầm được chuyện ông Đào Thái Tôn cho biết là “còn giữ được bản gốc Lưu Hương Ký.” Vả, anh còn là một con người rất thận trọng, về Việt-nam với một sứ-mệnh của “thầy” Hãn, không lẽ lại chỉ hỏi cho có lệ mà không tìm cách xin một bản chụp (đến 1993 thì photocopy một bản văn 22 trang như LHK, ngay ở Hà-nội, không phải là một điều khó khăn gì) như G.S. Hoàng Xuân Hãn muốn có để nghiên cứu. Trả lời phỏng vấn của chị Thuỵ Khuê (RFI) vào năm 1996, anh Hiệp nói: “Cuối năm 1988, khi tôi có dịp đi công tác ở Hà Nội, tôi đã cố gắng thực hiện một lời dặn của thầy Hãn là yêu cầu anh em trong nước cho phép chụp hay chép lại những bài chưa được Trần Thanh Mại giới thiệu…” (Thuỵ Khuê, sđd, trang 250, NNB gạch dưới)
Vậy ta phải tin ai đây, anh Tạ Trọng Hiệp hay ông Đào Thái Tôn? Dù anh Hiệp đã mất, tôi cho ta vẫn phải tin anh Hiệp hơn là ông Tôn trong chuyện này. Nhất là khi ta nghe lời giải thích tiếp của ông Đào Thái Tôn:
“Có lẽ do ông Hiệp tế nhị nên không nói [nghĩa là không xin ông Đào Thái Tôn một bản chụp hay chép LHK để mang về cho ‘thầy’ Hãn.- NNB]. Bởi theo tôi, là tài liệu người khác đang nghiên cứu thì không đời nào GS Hoàng Xuân Hãn lại nhờ ông Hiệp về chụp cho xin một bản cả.” |
Chắc là ông Đào Thái Tôn phải nghĩ chúng ta, hay là người đọc, khờ khạo lắm thì ông mới có thể mong chúng ta tin được lời ông trong chuyện này.
Sau, có lẽ vì cũng hiểu ra chuyện này, nghĩa là giải thích như thế không thuyết phục được ai, nên ông Tôn lại còn có một lối giải thích khác:
“Trong cuốn Hồ Tuấn Niêm, văn và người in năm 2002, dòng cuối cùng trong bài của Lê Đình Cúc ghi lại kỷ niệm chuyến đi vào Nam với Hồ Tuấn Niêm sau năm 1975 viết: ‘Tôi thấy anh như vẫn còn đây, rít thuốc lào sòng sọc, trong tay vẫn cầm Lưu Hương Ký.’ Nghĩa là thời điểm tôi đi bộ đội, Lưu Hương Ký vẫn nằm trong tay ông Hồ Tuấn Niêm.” |
Khi từ chối không cho anh Tạ Trọng Hiệp một bản chụp LHK, có lẽ đó chính đây là lối giải thích của ông Tôn đối với anh Hiệp. Bởi anh Hiệp năm 1996 lại kể lại cho chị Thuỵ Khuê (sđd, trang 250-51):
“Tôi hỏi: Mất như thế nào? Trong trường hợp nào? Năm nào? Ai làm mất? Thì được biết sau ông Trần Thanh Mại (sau loạt bài viết về Hồ Xuân Hương, bài cuối cùng năm 1964, ông ấy bị bệnh, mất), người kế tục công tác nghiên cứu Hồ Xuân Hương, lại là người giữ công việc gần như quản thủ thư viện sách Hán Nôm của Viện Văn Học, ông Hồ Tuấn Niệm. “Trong những năm sơ tán để tránh bom Mỹ, ông Niệm đem theo trong ba-lô cuốn Lưu Hương Ký mà không để lại Hà Nội một bản chụp nào cả và ông ấy cũng đã chết… Trong khi ông ấy chết thì số phận của tập Lưu Hương Ký cũng biến mất theo cái ba-lô của ông. Điều tra mãi mới bật ra được sự thật này.” |
Phải chăng sự “điều tra mãi” của anh Tạ Trọng Hiệp này lại không từ miệng của ông Đào Thái Tôn mà ra. Perfect alibi!
Dĩ công vi tư, ngồi trên luật-pháp: Quan-niệm của Ô. Đào Thái Tôn
Nhưng cuộc đời đôi khi cũng có những lẽ riêng của nó mà ông Đào Thái Tôn không ngờ. Để cho công-bằng, ta hãy nghe lối suy-luận của chính ông Tôn về chuyện tại sao ông giữ cuốn Lưu Hương Ký làm của riêng trong mấy chục năm trời.
Nói với ký-giả Nguyễn Thắng của tờ Gia Đình & Xã Hội, ông Tôn thẳng thừng:
Sáng 16/9 [2008], chúng tôi gặp PGS.TS [Phó Giáo-sư Tiến-sĩ] Đào Thái Tôn khi ông vừa xuất viện sau một ca phẫu thuật. Ông bắt đầu câu chuyện: “Khi tôi ở trong bệnh viện cũng đã có ngưòi đưa cho tôi xem mấy bài viết về nghi án ‘Lưu Hương Ký’ trên báo GĐ&XH. Tôi thấy trong bài báo, anh Nguyễn Xuân Diện tỏ ra nghi ngờ các công trình nghiên cứu của tôi không dựa vào văn bản gốc. Tôi xin khẳng định là tôi đang giữ bản gốc Lưu Hương Ký. Vì chân đau nên tôi chưa thể lên gác lấy cho các anh xem được. Tôi không nhớ chính xác nhưng vào khoảng đầu những năm 70 của thế kỷ trước, tôi đã ký mượn bản gốc Lưu Hương Ký ở thư viện Viện Văn học.’ |
Nghĩa là giấu đầu thì bắt đầu hở đuôi. Ít nhất tới đây, ông Đào Thái Tôn cũng đã bắt đầu công-nhận là ông có “ký mượn bản gốc” LHK từ thư-viện của Viện Văn-học như anh Tạ Trọng Hiệp chia xẻ với chị Thuỵ Khuê và tôi. Và anh cũng không tin lời giải-thích của ông Tôn, nếu như có, tìm cách đẩy trách-nhiệm cho một người đã nằm xuống (ông Hồ Tuấn Niêm).
Không phải chỉ có anh Tạ Trọng Hiệp ngờ. Ngay tại Việt-nam cũng có người ngờ ông Đào Thái Tôn vì một số lý-do không có gì khó hiểu cả. Người đó là một cán-bộ trẻ tuổi nhưng cương nghị tên Nguyễn Xuân Diện, “Tiến sĩ, Phó GĐ Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện KHXH [Khoa học xã hội] Việt Nam.” Theo tờ Hồn Việt (của Hội Nhà văn VN) số ra ngày 16/10/2008, trong một bức thư ngày 13/8/2008 ông gửi cho TS. Trần Đức Cường, Chủ-tịch Hội-đồng xét duyệt đề-cương đề-tài cấp Bộ, ông đã nêu ra vấn-đề “bản Lưu Hương Ký mà học giả Trần Thanh Mại phát hiện và công bố [năm 1963-64] đã biến mất.” Như vậy thì để cho đề-cương của ông có giá-trị cần “yêu cầu ông Đào Thái Tôn, nếu vẫn tiến hành khảo cứu, giới thiệu Lưu Hương Ký, nhất định phải trình ra trước Hội đồng bản gốc Lưu Hương Ký… Nếu ông Đào Thái Tôn không xuất trình được bản nào, đề tài của ông cần dừng lại, không cho phép làm nữa… Do khối lượng công việc, tính chất vấn đề không xứng đáng với một công trình cấp Bộ, Viện KHXH Việt Nam không nên và không thể cho phép tiêu một khoản tiền quá lớn của nhân dân đóng thuế vào một công trình như thế.” (300 triệu đồng trong khi LHK chỉ gồm có 11 tờ, tức 22 trang sách)
Để trả lời thắc mắc rất chính-đáng và hữu lý của ông Nguyễn Xuân Diện, ông Đào Thái Tôn đã phải chống chế: “Vào khoảng đầu những năm 70 của thế kỷ trước, tôi đã ký mượn bản gốc Lưu Hương Ký ở thư viện Viện Văn học. Về sau có nhiều chuyện xảy ra, tôi sợ người ta thu lại giao cho người khác làm nên mới thuê một cụ đồ viết chữ Hán rất đẹp—là thầy đồ cùng làng tôi, năm nay đã hơn 90 tuổi—chép lại bản gốc Lưu Hương Ký trên giấy dó. Tôi dặn kỹ cụ rằng, nếu thấy trong bản gốc có chữ nào chép sai thì cứ chép nguyên như thế mà không sửa lại. Bản đó tôi đã gắn kèm với luận văn cao học của tôi hiện đang được lưu giữ ở thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Gần đây tôi đã vào thư viện chụp lại bản chép tay này.”
Chắc ông Tôn tưởng như thế thì người ta cũng như Hội-đồng xét duyệt sẽ chấp nhận bản chép lại của ông là có giá-trị như bản gốc (sau khi ông đã dặn dò kỹ lưỡng cụ đồ làng ông). Ông Tôn còn kiên quyết: “Trước sau tôi cũng sẽ trả lại [bản gốc mượn của Viện Văn-học] nhưng thời điểm tôi đang nghiên cứu văn bản thì không thể trả lại ngay. Tôi đã phiên âm hết từ năm 1977 rồi, nhỡ ông nào ‘cướp’ mất của tôi thì sao? Viện Văn học giờ có gọi tôi ra Công an, tôi cũng không trả.”
Thật quái dị, một tư-cách trắng trợn của một tên ăn cướp, bất cần luật-pháp, ngay cả sau khi đã bị lật tẩy!
Chưa hết, ông Đào Thái Tôn còn có một lời giải-thích khác nữa vì sao ông không chịu hoàn trả cuốn sách: “Tôi được GS Nguyễn Văn Hoàn là Tổ trưởng tổ Văn học cổ cận đại của Viện Văn học giao đề tài về Hồ Xuân Hương từ năm 1968. Suốt 40 năm nay, Viện không giao cho ai khác đề tài này. Ngày ông Hồ Tuấn Niêm làm GĐ Thư viện Viện Văn học, tôi với ông Niêm thân nhau nên vẫn thường trao đổi sách. Ông Niêm đi đâu cũng cho Lưu Hương Ký vào ba lô mang theo, kể cả đi sơ tán. Về sau, trước khi mất, ông Niêm đã trao lại cho tôi bản gốc Lưu Hương Ký. Trước sau tôi cũng sẽ trả lại cho Viện Văn học nhưng thời điểm này văn bản tôi đang nghiên cứu thì tôi không thể trả lại ngay được.”
GS.TS Đào Thái Tôn
Có chăng hiện-tượng học-phiệt ở Hà-nội?
Ngày 4 tháng 12 năm 2008, ông Diện lại có thư “kháng nghị” lên Viện KHXH “vẫn tiếp tục cho tiến hành việc xét duyệt đề tài khoa học cấp Bộ của ông Đào Thái Tôn, cho dù ông này đã về nghỉ hưu” (từ ngày 18/9/2008) theo đó “Viện KHXH không còn [thẩm-quyền] quản lý hoặc có trách nhiệm gì về ông Đào Thái Tôn nữa.”
Lý-do ông Nguyễn Xuân Diện “kháng nghị” được ghi lại như sau:
Vừa qua, Viện KHXH Việt Nam có công văn số 1019/KHXH-QLKH Về việc xét duyệt đề cương đề tài cấp Bộ năm 2009, gửi Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, với nội dung: “Đồng ý để PGS.TS Đào Thái Tôn xây dựng lại đề cương đề tài cấp Bộ với tên gọi theo đề nghị của Hội đồng xét duyệt là: Nghiên cứu văn bản thơ chữ Hán và chữ Nôm của Hồ Xuân Hương. Theo đó, Ông Tôn sẽ phải xây dựng [lại] đề cương, tổ chức xét duyệt cấp cơ sở và trình Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam thành lập Hội đồng xét duyệt cấp Bộ. Thời hạn bảo vể, xét duyệt đề cương cấp Bộ muộn nhất là 15/10/2008. |
Theo ông Diện, thế có nghĩa là “đề cương của ông Tôn [đã] không đạt yêu cầu, đề tài đã bị bác bỏ, vậy mà Viện KHXH Việt Nam vẫn cho phép làm lại, trái hẳn với thông lệ một cuộc bảo vệ đề cương công trình khoa học (và là việc chưa từng có ở Viện KHXH Việt Nam).”
Đến ngày 21/11/2008, “theo chỉ đạo của Viện KHXH Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức buổi bảo vệ cấp cơ sở cho đề cương đề tài cấp Bộ ‘Nghiên cứu văn bản thơ chữ Hán và chữ Nôm của Hồ Xuân Hương,’ do ông Đào Thái Tôn làm chủ nhiệm.”
Hội-đồng gồm 9 vị:
1/ PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh (Viện-trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Chủ-tịch
Hội-đồng)
2/ TS. Nguyễn Công Việt
3/ PGS. Phan Văn Các
4/ PGS.TS Nguyễn Tá Nhí
5/ PGS.TS Trần Thị Băng Thanh
6/ PGS.TS Tạ Ngọc Liễn
7/ PGS.TS Nguyễn Đăng Na
8/ PGS.TS Phạm Văn Khoái
9/ TS. Trương Đức Quả (thư-ký Hội-đồng)
Sau khi nghe trình bầy của ông Đào Thái Tôn, các thành-viên Hội-đồng lần lượt phát biểu, phản biện và chất vấn. Nội-dung các phần phát biểu này là thơ Hồ Xuân Hương đã có quá nhiều người nghiên cứu và công bố rồi, không còn gì mới mẻ để ông Tôn có thể phát hiện và đóng góp được nữa. Ngoài ra, trong thư-mục tham-khảo ông Tôn lại còn không nêu tên hai tác-phẩm nổi tiếng mà không thể thiếu, cuốn Thơ Hồ Xuân Hương của Nguyễn Lộc (đã công-bố 26 năm trước) và cuốn biên-khảo Tình sử Hồ Xuân Hương của cụ Hoàng Xuân Hãn, hai thiếu sót khó chấp nhận từ một nhà nghiên cứu cấp Bộ, cấp quốc gia như ông Đào Thái Tôn.
Hôm đó đã không có quyết-định được vì theo ông Trịnh Khắc Mạnh, Chủ-tịch Hội-đồng, đã có “một số vị trong Hội-đồng ra về giữa chừng nên không thể bỏ phiếu kín.” Trong khi đó, đích-thực chỉ có một người về sớm, PGS.TS Tạ Ngọc Liễn, đã thông-báo từ đầu khi mới vào họp và để lại nhận-định là “không thể làm được đề tài này.”
Mặc dầu, dù như có chỉ-đạo từ ban Lãnh-đạo Viện KHXH là việc bảo vệ đề cương này phải xong “trước ngày 25/11/2008,” đến hôm 28/11 Hội-đồng lại nhóm họp lại và “bỏ phiếu thông qua đề tài của ông Đào Thái Tôn.”
Trong thời-gian đề-cương của ông Tôn được xét xử đã có “Đơn Khiếu nại và Tố cáo” (đề ngày 7/9/2008) của ông Nguyễn Khắc Bảo, viết rất dài và chi-tiết, về “thực lực” và “vốn liếng Hán-Nôm” khá yếu kém của ông Đào Thái Tôn cũng như về những chỗ ông Tôn “mượn” và “ăn cóp” của ông Bảo liên-quan đến mấy bản “Truyện Kiều của tôi mà không chịu trả lại.” Cả mấy điểm trong “đơn khiếu nại và tố cáo” của ông Nguyễn Khắc Bảo đều là những chuyện liên-hệ đến khả-năng Hán-Nôm và đề-tài do ông Tôn đề nghị nghiên cứu. Ấy vậy mà chuyện này cũng không được xét đến.
Vì thế nên ông Nguyễn Xuân Diện phải nêu ra một thắc mắc có tính-cách nguyên-tắc, đó là liệu có một thế-lực nào “bảo kê” cho ông Đào Thái Tôn không, tóm lại một thế-lực “học-phiệt” nào đó bao che cho nhau, ngay cả trong một lãnh-vực như nghiên cứu Hán-Nôm.
Tại sao một đề cương đã qua nhiều lần bị trượt vì chất lượng quá kém như của ông Đào Thái Tôn lại cứ như là được “bảo kê” của một thế lực nào đó, để cho ông Tôn cứ được làm đi làm lại cho đến lúc dược thì mới thôi, trong khi năng lực của ông Đào Thái Tôn rất hạn chế. (Lúc bảo vệ đề cương ở cấp cơ sở ông Đào Thái Tôn đã trượt, lại làm lại, đến khi bảo vệ ở cấp Bộ, lại trượt, thì lại được Viện KHXH Việt Nam tiếp tục cho làm lại từ cấp cơ sở. Khi bảo vệ lại, chất lượng đề cương quá kém, không thể bỏ phiếu ngay được, lại được hoãn bỏ phiếu để chờ thêm 1 tuần nữa để thông qua. Tình hình này không khỏi khiến cho dư luận cho rằng, phải chăng có sự “bảo kê,” “thoả thuận ngầm” gì ở đây? |
Cuối cùng, bản gốc Lưu Hương Ký cũng đã về Viện Văn-học
Dù ông Đào Thái Tôn trí trá rồi ngoan cố (không chịu trả), cuối cùng dưới áp-lực của công-luận và những bằng-chứng không thể chối cãi, ngày 15/9/2008 Viện Văn-học đã phải “có trát gửi đến Ông Đào Thái Tôn, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm để đòi bản sách cổ Lưu Hương Ký” sau khi ghi nhận là “có thể ông Tôn đã giữ cuốn sách này trên 40 năm nay.” Theo một nguồn tin khác thì không phải là “trát” mà là một công-văn của “lãnh đạo Viện Văn học” gởi ông Tôn và chỉ “đề nghị thu hồi” bản thư-tịch cổ quý giá này mà thôi.
Song dù là “trát… đòi” hay công-văn “đề nghị” thì cuối cùng, ngày 27/10/2008, ông Đào Thái Tôn cũng đã buộc lòng phải mang bản Lưu Hương Ký gốc đến trả lại Thư-viện của Viện Văn-học. Theo blog của ông Nguyễn Xuân Diện thì việc hoàn-trả này, có được ghi nhận bằng một văn-bản ký giữa ba người, ông Đào Thái Tôn “người giao” và ông Nguyễn Đăng Điệp “người nhận” với sự chứng-kiến của một “người chứng kiến” (chữ ký trông không rõ song có thể đoán được là Phạm Văn Ánh hay Phạm Vân Anh),
“là kết quả của công văn Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam gửi ông Đào Thái Tôn yêu cầu ông này trả bản sách Lưu Hương Ký (HN.336) cho Viện Văn học.” Sở dĩ phải cần đến công-văn này là vì trước đó, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Phó Viện-trưởng Viện Văn-học, đã có văn-thư đòi sách gửi tới ông Đào Thái Tôn mà ông vẫn không thèm phúc-đáp, chỉ trả lời trên báo là “Công an có đến cũng không trả.”
Trong một bài kết-thúc mang tên “Như thấy Xuân Hương cười,” ông Nguyễn Xuân Diện đã cho biết: “Sáng sớm nay (29/10/2008), Ông Nguyễn Đăng Điệp, Phó Viện trưởng Viện Văn học cho tôi biết Lưu Hương Ký (HN.336) mà ông Đào Thái Tôn mượn từ tháng 10 năm 1970 đã trở về Viện Văn học.
“10h, Bà Chu Tuyết Lan, GĐ Thư viện Hán Nôm và tôi đã tới Viện Văn học để xem văn bản này…
“Chúng tôi đã đến Thư viện, đề nghị được tiếp xúc với văn bản, đã được các cán bộ thư viện rất nhiệt tình giúp đỡ. Tôi xác nhận văn bản Lưu Hương Ký này chính là một bản gốc thực sự. Chúng tôi đã sao chụp photocopy 01 bản để đưa về lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.”
Như vậy, theo ông Diện, giờ ở Hà-nội, có ít nhất:
1/ “Bản Lưu Hương Ký gốc” (22 trang theo như “Giấy Biên Nhận” ngày 27/10/2008 của Viện Văn-học) hiện được giữ ở Thư-viện Viện Văn-học.
2/ Bản “photocopy” của bản trên (cũng 22 trang) “đưa về lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.”
3/ Bản do ông Đào Thái Tôn cho người chép lại từ bản gốc (cũng 22 trang, mang ký-hiệu LA.44B) đi kèm theo với “luận-văn cao-học” (lấy năm 1986?) và “luận-văn tiến-sĩ” (lấy năm 1992) của Ô. Đào Thái Tôn.
4/ Bản do chính tay Ông Nguyễn Văn Hoàn, Tổ-trưởng tổ Văn-học cổ cận đại thuộc Viện Văn-học, chép hay cho người chép lại từ bản gốc (song chỉ có 21 trang thôi).
Câu chuyện đến đây thì ông Nguyễn Xuân Diện kết-thúc:
“Nay, như thấy nụ cười Xuân Hương mấy trăm năm trước. Như thấy nụ cười nhẹ nhõm của La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, nụ cười sắc sảo của GS Tạ Trọng Hiệp vọng lại. Và biết bao nụ cười, tưởng chừng không bao giờ có thể có được trên môi của những người nghiên cứu văn bản thơ Hồ Xuân Hương, từ bốn chục năm nay…”
Đến đây, có lẽ tôi chỉ xin thêm: Cám ơn Ô. Nguyễn Xuân Diện là người đã kiên-trì theo đuổi chuyện này cho ra nhẽ (dù như có lúc ông “đã gặp phải nhiều ngáng trở, quấy phá, giễu cợt”) cũng như cám ơn G.S. Phạm Lệ Hương của Viện Việt Học ở Nam Cali đã liên-lạc được với ông Diện để hướng-dẫn cho ai muốn xem những bản trên có thể vào trang nhà của ông Nguyễn Xuân Diện mà xem. Và đây có thể là một bằng-chứng hùng-hồn nhất là người ngoài nước (cụ Hoàng Xuân Hãn, anh Tạ Trọng Hiệp, chị Thuỵ Khuê) vẫn có thể đóng góp một cách rất cụ-thể và ngoạn-mục vào một cái án văn-học kéo dài hơn 40 năm… để tìm về một văn-bản đã có tuổi gần 200 năm (nghĩa là cổ bằng Truyện Kiều).
TS.Nguyễn Xuân Diện và bản gốc “Lưu Hương Ký” tại thư viện của Viện Văn học |
Nguyễn Ngọc Bích
Viết xong đêm 13/XII/2010
Khu Đồng Xuân
Bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ Quốc