Người viết cứ mong có ngày rảnh rỗi thì viết truyện trinh thám bí hiểm mà chỉ có… Trời mới hiểu nổi. Có lẽ ông Trời cũng sợ rằng mình không hiểu, nên Trời chưa cho. Là trò chưa chơi. Trong khi chờ đợi cái ngày chậm đến ấy, ta vẫn có thể thao dợt cho quen, ngay trong thể loại kinh tế.
Gặp ngày đẹp trời, khi tổng thống Hoa Kỳ đang lên xe hoa cho một nhiệm kỳ mới, thì chả nên xối nước lạnh vào niềm hưng phấn của thiên hạ mà viết chuyện bí hiểm, như nhà nước tìm đâu ra tiền để cứ rộng chi cho bá tánh? Hay là gánh thuế sẽ là bao nhiêu sau khi gánh hát là Quốc Hội diễn xong cái màn thỏa thuận về ngân sách vào ngày Tết Tây? Chi bằng ta nói chuyện Tàu…
Kỳ bí như câu hỏi “bao giờ nước Tàu có loạn?”
Từ năm năm nay, khi các nước dân chủ Tây phương đều mếu máo về chuyện chi thu ngân sách mà kinh tế cứ bèo nhèo như dải rút trên sàn – đẩy mãi chưa thấy nhúc nhích – kinh tế Trung Quốc vẫn lừng lững đi lên.
Năm 2010, trên cao điểm của sự khốn khó toàn cầu, lãnh đạo xứ này đã bơm thuốc cường dương cho toàn dân đạp xe vượt qua Nhật để thành nền kinh tế hạng nhì thế giới. Qua năm 2012 vừa rồi, Trung Quốc còn cho thấy là sẽ lấn Hoa Kỳ để chiếm giải quán quân trong một tương lai không xa. Có thầy bói Mỹ còn sủ quẻ nói rằng cái năm đại tiểu vận trùng phùng đó sẽ là 2030! Khiếp!
Giới kinh doanh thì cứ kè kè nhìn vào túi bạc, chứ giới kinh tế phải biết nhìn xa trông rộng!
Họ bảo rằng sau 30 năm tăng trưởng trung bình là 9% thì nền kinh tế nào cũng thấm mệt và từ nước đại sẽ giảm đà thành nước kiệu. Vì vậy, chẳng ai ngạc nhiên nếu kinh tế Trung Quốc có tăng trưởng thấp hơn trước. Nhưng dù thấp hơn con số sinh tử là phải 8% một năm – nếu không, Thiên triều sẽ có loạn – tuần qua, thống kê cho biết là mức tăng trưởng vẫn là 7.8%. So với trung bình 1.8% của nước Mỹ năm nay, hoặc 3.8% kể từ năm 1790 đến giờ, con số 7.8% là sự thần kỳ bí hiểm.
Giới kinh tế thì cứ đùa với con số trừu tượng, chứ các nhà xã hội thì nhìn vào chuyện sâu xa hơn!
Quả là kinh tế Trung Quốc có đạt tốc độ tăng trưởng kỳ diệu, đấy chỉ là lượng. Chứ nói về phẩm thì sự thật lại chẳng hồng hào như vậy vì là tăng trưởng thiếu phẩm chất. (Từ “phẩm chất” này mới đúng, chứ “chất lượng” là chữ ngô nghê vừa chất vừa lượng của người Hà Nội!) Thiếu phẩm chất vì bất công, với chỉ số Gini cứ tăng chứ không giảm, và là cơ sở của tham ô lãng phí. Lại còn gây ô nhiễm và tai nạn tầy trời lệch đất với các dự án hạ tầng thuộc loại tàu hủ – mềm xèo – hay xe lửa cao tốc bỗng dưng bốc khói. Những vụ nổi loạn tại Tứ Xuyên hay Ô Châu là sự nhắc nhở và nạn biểu tình đấm đá đã thành cơm bữa. Nhưng lãnh đạo vẫn thản nhiên dẹp loạn và dàn dựng thành công màn thay bậc đổi ngôi trong đại hội 18.
Giới xã hội học cứ ưa bàn ngang tán dọc về chuyện nhân văn, chứ các kỹ sư mới biết về vật lý.
Họ giải ra rằng bước nhảy vọt vĩ đại của Trung Quốc về công nghệ (hay thuật lý) chỉ là trò ăn cắp hoặc ăn cướp. Ăn cắp là khi sao chép bản quyền trái phép, quốc sách của Thiên triều. Ăn cướp là khi luật lệ đầu tư quy định điều kiện của liên doanh: Công ty đầu tư nước ngoài phải chia sẻ bí quyết với đối tác nội địa, cho đến ngày đối tác đuổi ra và ca bài tự chủ. Vì vậy, dù có ào ạt đầu tư vào loại kỹ nghệ hạ đẳng, Trung Quốc chưa có loại cao kỹ hai tếch, mà hai ba tếch gì thì cũng chỉ là cóp nhặt ngoài da. Nhưng vì sao Trung Quốc đã hết đạp xe mà tống ga xông tới, có sản lượng xe hơi cao nhất địa cầu và sẽ có ngày bán xe cho Mỹ chạy?
Các kỹ thuật gia cứ nói chuyện máy móc, chứ giới quân sự mới biết về lẽ tử sinh của an ninh.
Họ báo động là Trung Quốc dồn tiền vào kỹ nghệ quốc phòng và ráo riết chế biến loại võ khí hiện đại để tìm lợi thế trong một hình thái chiến tranh bất cân xứng. Trong khi đó, vì ngân sách ngặt nghèo, Hoa Kỳ giảm dần quân phí, khoảng 900 tỷ trong 10 năm tới. Kết quả là Thiên triều đang uy hiếp các lân bang và chen chân lấn đất của con cháu Thái dương Thần nữ. Một vụ đụng độ Hoa-Nhật sẽ có thể xảy ra, Hoa Kỳ sẽ làm gì khi đó…?
Kết hợp ngần ấy chuyện vừa hung vừa cát, người ta phải kết luận, rằng với tất cả những bất toàn của hệ thống kinh tế chính trị Trung Quốc, xứ này vẫn đang vươn lên và có ảnh hưởng quốc tế lớn lao chưa từng thấy. Trong khi đó, ba khối tiên tiến là Âu-Mỹ-Nhật cứ lẹt đẹt và lãnh đạo cãi nhau suốt buổi mà chưa tìm ra ánh sáng.
Với công tâm của một nhà khoa học (hí hí), người viết phải kết luận như vậy. Chán thật!
Nhưng, làm sao giải thích vài chuyện bí hiểm sau đây?
Nếu Trung Quốc có tương lai sáng láng như vậy và lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa đã rửa nhục cho toàn dân sau 150 năm gục mặt xuống đất thì người dân Hoa Lục tất nhiên phải hài lòng và tin tưởng vào ngày mai chứ? Nói đến người dân là chuyện tầm phào, dân đen nào biết gì đâu!
Người có tiền tại Trung Quốc mới là thành phần thính mũi và sáng mắt, và giới đầu tư của họ hiển nhiên là biết chọn mặt gửi vàng. Vì sao mà họ lại đầu tư ra ngoài? Lãnh đạo Bắc Kinh đã nâng gấp bốn định mức đầu tư của nước ngoài vào Hoa Lục, nôm na là chiêu dụ đầu tư quốc tế, nhưng lần đầu tiên mà đầu tư của dân Tàu ra nước ngoài đã vượt ngạch số tư bản nhập cảng vào bên trong. Bụt chùa nhà không thiêng sau năm năm tuột dốc của thị trường chứng khoán Thượng Hải?
Mà nói gì về chuyện đầu tư chính thức theo kiểu văn minh?
Không ai có thể giải thích nổi trào lưu mới là “tẩu tán tài sản”, thuật ngữ kinh tế thì gọi một cách sạch sẽ là chuyển ngân tư bản hay “capital flight”, chứ thật ra, giới trung lưu và doanh gia Trung Quốc đang kiên trì, chậm rãi và quyết liệt đem tiền ra ngoài. Chính quyền tìm mọi cách kiểm soát mà chuyện ấy vẫn xảy ra, ngày càng nhiều hơn trước. Khó hiểu hơn cả cho quan thuế quốc tế, nhất là Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại, nhiều người quýnh quáng nhét vội cả trăm ngàn đồng Ếch xanh vào cặp nên bị bắt tại phi trường! Của đi thay người?
Nói vậy vẫn là chưa thấm nhuần văn hóa Khổng Mạnh! Loạn bang bất cư.
Người ta không chỉ tẩu tán tài sản mà còn tháo chạy theo ngả chính thức. Ðàng hoàng làm thủ tục nhập cư vào các nước dân chủ da trắng và không có tinh thần kỳ thị. Thứ tự được chiếu cố là Gia Nã Ðại, Hoa Kỳ, Úc và Tân Tây Lan (New Zealand). Họ là những ai? Toàn là giới có tiền và có học. Theo tờ Dương Tử Hối Báo trích dẫn nguồn tin của các công ty tư vấn quốc tế, 27% các doanh gia Trung Quốc có tài sản từ 16 triệu đô la trở lên đã nộp đơn xin định cư ở xứ khác và 47% đang tính toán như vậy.
Khi đó ta mới nhớ lại rằng rất nhiều con cháu của đám thái tử đảng đã tốt nghiệp ngoại quốc, có tài sản chuyển dần ra ngoài, thụ đắc quốc tịch xứ khác và chuẩn bị bãi đáp an toàn. Nghĩa là thành phần ưu tú của Trung Quốc đã biết cái gì đó rất bí hiểm ở bên trong! Các đại gia của đảng ta ở Việt Nam chả phát minh ra cái gì cả.
Không phải là đề tài trinh thám lồng trong chuyện “kinh tế cũng là chính trị” của buổi đầu năm hay sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa
One Comment
Việt-Long
Tác giả thật đáng ngưỡng mộ, cả về kiến thức kinh tế, chính trị lẫn tài viết văn trào lộng.