Riviera ra đời với những khách du lịch đầu tiên, thuộc giới quý phái người Anh đến và yêu các bầu không khí ấm áp, khi tất cả Âu châu đang chìm trong cái lạnh và London chìm trong sa mù. Bắt đầu ngay từ những năm 1750 rồi, nhưng phải chờ đến lúc hoàn thành đường xe lữa Paris – Nice và con đường dọc theo bờ biển khoảng những năm 1862 – 1864, các trạm nghỉ, các nhà nghỉ mới được tổ chức có quy mô. Sau thời gian các trạm nghỉ ngơi các trưởng giả, đến phong trào các trạm tắm biển để chữa bệnh, một phong trào do những du khách Huê kỳ tung ra và quảng bá. Cuối cùng cuộc cách mạng xã hôi với Chánh phủ Bình dân Pháp tạo quyển cho người công nhơn nghỉ Hè, năm 1936 biến vùng Riviera thành một trạm nghỉ Hè đại chúng.
Những người tiên phuông :
Quận công Gloucester, nữ bá tước Cumberland và quận công York là ba người khách đầu tiên biến Nice thành trạm nghỉ tránh mùa đông. Suốt cả mùa đông 1784-1785, đã có 300 người Anh đến lánh nạn mùa đông phía tây thành phố Nice. Nhờ không khí ấm áp, phong cảnh hữu tình, Nice có tiếng là chữa được những bệnh phong thấp và đường phổi.
Từ những người tỵ nạn mùa Đông đến từ bốn phương :
Kỹ nghệ du lịch phát triển càng ngày càng phát đạt, chỉ bị gián đoạn bời thời Cách Mạng Pháp 1789, và tiếp tục trở lại năm 1815, người Anh, người Nga, người Ý, người Đức sống gan như thường trực ở Nice và ở Cannes từ tháng 11 đến tháng 5. Phần đông đến bắng xe ngựa lớn ( kéo bằng 6 đến 8 con ngựa), Chuyến đi từ Marseille đến Nice – 210 cây số, ngày nay đi xa lộ chưa đầy hai tiến rưởi – ngày ấy tốn cả đến 24 đồng hồ ! Đường xe lữa được khai mạc đến Nice năm 1864, đến Menton 1869 mở một kỷ nguyên mới cho nền du lịch. Tổng số những người tỵ nạn thời tiết năm 1887 gồm khoảng 22 ngàn người, năm 1914 con sống ấy tăng lên 150 ngàn người. Giới quý tộc, các ông vương bà chúa, các dân đại phú, tiểu thương đại thương, các nghệ sĩ, và cả gái giang hồ thích vào ngụ trong những đại khách sạn, hơn là thuê những biệt thự – vì phải thuê cả tổ chức phịc vụ. Và Riviera biến thành một mỏ vàng của ngành du lich : từ cuối thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ 20, Bờ Biển Xanh Côte d’Azur Riviera mở ra càng ngày càng nhiều thị trấn du lịch nhỏ nỗi tiếng : Cap-d’Ail, Cap d’Antibes, Juan-les-Pins, Saint-Jean-Cap-Ferrat, Beaulieu, Cap-Martin, Menton… Và Bờ Biển Xanh của Mùa Đông chẳng chốc biến thành nơi nghỉ Mùa Hè của đại chúng
đến bờ Biển Mùa Hè của đại chúng :
Với sự quảng bá và do nhóm nghệ sĩ Huê Kỳ tạo thành một phong trào, một thế hệ ăn chơi bắt đầu chuộng Côte d’Azur, lấy bải biển Mủa hè làm nơi tắm biển, tắm nắng và tắm tình … Sun Sex and Sea. Năm 1931, các khách sạn bắt đầu mở cửa rước khách mùa Hè. Coco Chanel tung ra bộ pyjamas của bải biển. Phong trào Bình dân và Chánh phủ Bình dân ra quyết định biến thành LuậtLao động, cho quyền công nhơn được nghỉ hằng năm, và được nghỉ vào Muà Hè. Công nhơn, thợ thuyền, tiểu thương, thư ký thường dân từ nay bắt đầu biết đi nghỉ Hè, biết đi tắm Biển, tắm nắng, và đi nghỉ Hè ở Côte d’Azur, đi Hè ở Côte d’Azur… Và từ đấy Cộte d’Azur và ngành du lịch đi vào đại chúng.
Giải trí lúc nghỉ Hè :
Hai cái không thể thiếu được lúc đi nghỉ Hè ở miền Nam nước Pháp, miên Provence : đó là rượu Pastis – rượu khai vị giải khát, có vị đại hồi (anis étoilé). Nói là khai vị (apéritif) nhưng khi bắt đầu có trời ấm là ta uống được. 11/12 giờ trưa, ngồi dưới tàng cây, bóng mát, uống cà phê thi đã uống từ sáng rồi, uống vào giờ nầy nóng quá, ladze ư, ladze không đã khát, và làm no bụng, giảm đói…chỉ có pastis. Pastis dưới tàng cây, với ngọn gió biển, hay gió núi ? hiu hiu, với tiếng ve sầu reo vang, thật tuyệt vời. Được người yêu ngồi bên cạnh, không nói, là tuyệt vời – đàn bà không nên nói lúc chồng thưởng thức pastis. Đó là luật chơi của dân miền Nam provenciaux. Uống chầm chậm, hai tua vửa đủ gợi đói – món nhậu thường bằng trái ô liu ngâm dầu – ô liu xanh hay đen, hoặc trái dưa non, cornichons ngâm dấm, nhưng cornichon nhỏ dòn, chứ không phải cornichons to, dân đông âu hay nga nhậu với vodka.
Pastis và Pétanque:
Rượu khai vị-apéritif Pastis, như đã nói trên, màu vàng pha với nước (1phần rượu 5 phần nước, rượu có mùi đại hối-anis, uống rất đã khát ; có thể pha trộn pastis+sirop bạc hà mầu xanh gọi là perroquet = con két, (người viết rất thích uống perroquet vào mùa hè), hay pastis+sirop lựu grenadine mầu đỏ gọi là tomate = cà chua.
Trò chơi boules-bi sắt là giải trí của dân bản xứ, miền Nam nước Pháp, nhưng nhờ ngành du lịch đại chúng phát triển nay đã biến thành một môn thể thao quốc tế – thiên hạ đang nghĩ đến vận động đưa vào môn thể thao của Thế vận quốc tế (jeux olympiques, olympic games). Với những quán ăn bình dân, với những quán cà phê lộ thiên, trò chơi boules biến thành giải trí của dân đi hè. Nếu trò chơi boules cổ truyền bi dài-la longue- cần một quảng trường rộng, sân dài và bi nặng không còn được thích nữa ( trò nầy được gọi là à la lyonnaise, chơi theo kiểu dân ở thành phố Lyon), trò chơi ngắn la pétanque được đại chúng hóa, vi pétanque không cần một sân chơi đặc biệt, chỉ cần một khoảng đất nhỏ là đủ rồi, cỏ chơi theo cỏ, cát chơi theo cát, sỏi chơi theo sỏi …. Tuần nầy từ 7 đến 14 tháng 7 tại Marseille được tổ chức cuộc thi đấu quốc tế về bi sắt, La Marseillaise de Pétanque.
Các độc giả còn nhớ ở Sài gòn, lúc xưa ở đường Duy Tân-cựu Blansubé-có một Câu lạc Bộ gọi là Club de la Boule gauloise. Chơi boules, hay bi sắt, hay Pétanque, chơi giữa hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người hai bi (gọi là triplette), hay hai người mỗi người ba bi (gọi là doublette). Đi bi, đứng trong một vòng tròn làm sao đưa bi mình đến cạnh một hòn bi nhỏ, gọi là bouchon – nút ve hay là cochonnet-con heo con, càng gần càng tốt. Khoảng cách giữa vòng tròn và con heo con do phe thắng điểm ra bi phải xa khoảng tối thiểu 6 thước, tối đa 10 thước. Phe nào đủ 13 điểm trước thắng. Cái khó khăn là gò sát con heo, hay bắn bi địch văng xa con heo. Cú bắn tài tình carô, là bắn văng bi địch mà bi mình nằm ngay chổ thay thế. Sôi nỗi vui nhộn, rất đàn ông. Ngày nay cũng bắt đầu có vài phụ nữ. O Tempo, o morès !! Gặp thời thế thế thời phải thế ! Đàn bà ngày nay từ từ lấn áp đàn ông. Gà mái bắt đầu đá gà cồ.
Đấu bò:
Hồi xưa, theo tục lệ, cũng như tất cả các quốc gia, Pháp, cũng như Việt Nam, … cả năm làm ăn, sau mùa gặt rồi, sau khi thâu hoạch rồi phải biết nghỉ xã hơi.. ăn Tết… nghỉ Hè. Nhưng muốn làm ăn khấm khá, cũng phải biết Tạ Ơn, Phật Chúa, Đức Mẹ, Allah hay Ơn Trên, Ơn Trời Đất ! Nước Pháp, dân Pháp, Văn hóa Thiên Chúa Giáo lâu đời, nhưng vẫn còn giữ những tục lệ dân gian. Vẫn lẫn lộn những Tạ Ơn Chúa và Đức Mẹ với những Ngày Hội dân gian, để Tạ Ơn Trời Đất, nhưng cũng Tạ Ơn Con người Lao lực cam khổ suốt năm tạo nên của cải, được một ngày thoải mái ăn chơi… Ngày Hội làng, Ngày Hội Vùng là cái không thể thiếu.
Mà nói đến Hội là nói đến Trò Chơi, Thi đầu…và Thi đấu là phải trổ tài Gan dạ, Khỏe Mạnh, Cường Tráng của lũ thanh niên làng mình, xóm mình. Vùng miền Nam nước Pháp trù phú sông nước hữu tình, có nuôi bò. Miệt vùng Nîmes, có đấu bò giống như bên Tây Ba Nha như không giết bò. Cuộc đấu bò ấy là một buổi diễn do các tay đấu bò nhà nghề, dân chúng đến xem cuộc đấu giữa « đoàn nhà nghề các tay tài tử người đấu bò », và « lò nhà nghề nuôi bò đấu húc người » : hai lò đấu nhau, lò người, lò thú vật. Tài tử người dù đánh hay, có gan dạ, nhưng con thú hèn nhát, làm biếng không chịu húc, cuộc đấu cũng kém đi phần ngoạn mục. Vi vậy bò phải gan dạ, hiên ngang, không chơi xấu, (đánh sừng ngang) bravo trong nghĩa Tây Ba Nha là ngang tàng… Đó là nói về đấu bò kiểu Tây Ba Nha mà các bạn người Việt mình thường biết, vì thấy ở ciné… nếu có dịp qua Pháp hay Tây Ba Nha ( nếu ở Mỹ thi qua Mể cũng sẽ thấy – tiếng gọi chung là corrida – tiếng Mỹ gọi là bullfight) ! Quý vị nên đi xem một lần cho biết…Còn nếu bước về xứ Côte d’Azur, trước khi đến Marseille, các bạn sẽ đến vùng nuôi bò và có đấu bò là vùng Camargue. Vùng Camargue vì đầm lầy nên cũng trồng lúa, gạo Camargue ăn rất ngon cơm. Vùng Camargue cũng sản xuất muối, muối Camargue không thơm bằng muối Guérande của Đại Tây Dương, nhưng dùng để rãi đường mùa Đông cho tan tuyết. Nhưng đặc biệt được biết đến là vùng Camargue nuôi bò, và có những tay canh giữ dắt bò, gọi là gardian, cũng như các cow boy xứ Texas Mỹ, gardian cũng cưởi ngựa, và họ dẫn bò bằng những cái gậy dài. Bò camargue nhỏ con nhanh nhẹ, khác với loại bò thịt limousine, charolaise hay bò sữa normande, nặng nề hơn. Và để cám ơn bò đã nuôi dân camargue, ngày Hội bò, họ thả đàn bò chạy vào thành phố. Trò chơi là phải làm sao chạy đùa với đàn bò mà không bị bò húc. Hằng năm cũng có vài người bị thương hay chết, thường thường là dân du khách, chơi dại bắt chước dân bản xứ, nhưng không nhanh bằng dân bản xứ. Cá nhơn người viết, hồi nhỏ những năm 63/64, thường thích qua dự ngày Hội Bò ở San Sebastian của xứ Basque Tây Ba Nha. Có một lần, hú hồn may trèo kịp lên ngọn đèn đường. Bò rượt kinh hơn cảnh sát rượt khi đi biểu tình, người viết có kinh nghiệm cả hai.
Sau khi đàn bò chạy qua thành phồ, đàn bò được dắt vào một hí trường rộng. Bây giờ là giờ của các cao thủ của mỗi làng ra tranh chức vô địch, mỗi làng đưa ra toán cao thủ mình. Mỗi cao thủ cầm một vòng nhỏ cột hoa, cột lá rực rỡ. Làm sao, đặt những vòng hoa nhỏ ấy vào sừng con bò. Phe nào xâu nhiều vòng nhứt phe ấy thắng và vinh quang về đến làng, xóm mình. Nên nhớ, trong hí trường chỉ có vài con bò, thứ được lựa chọn khoẻ nhứt, ngon lành, thường là bò đực, taureau. Ngày nay trong những buổi lễ dành cho « du khách » cũng có trò chơi thả bò cái nhỏ, gọi là vachette, thường ở vùng Landes (vachettes landaises), sừng được bao lại bằng một quả banh tennis để bớt tai nạn. Đừng tưởng bở, . . dân chơi đấu bò ngán vachette hơn taureau. Taureau tuy to con lớn xác nguy hiểm, nhưng không có cú độc, ủi là ủi thằng, không có những cú đánh sừng ngang, hay đang ủi thẳng, đứng lại nửa chừng, thay hướng bất tử. … Bò cũng như người, giống cái, phái nữ bao giờ cũng khôn hơn, hể không ra đòn thôi, ra đòn, đánh đòn, ra đòn là độc hơn phái đực mình ! Trong những cuộc chơi nầy, bò cũng như người đã bị kích thích bởi cuộc chạy qua thành phố, tiếng ồn ào, tiếng pháo, tiếng kèn tiếng nhạc…
Đấu trên sông – joute :
Trò nầy hiền hơn ! trò chơi nầy, quần chúng chỉ làm khán già. Mỗi làng đại diện một chiếc ghe gồm 6 người chèo, đứng đầu thuyền là tay cao thủ. Trò chơi, mỗi cao thủ có một cái thương dài và một cái khiên, làm sao dùng thương dài đẩy vào cai khiên của đối thủ để hắn rơi xuống nước, thường thường cả hai đều té cả, nhưng tay nào gượng được lâu một chút té sau thì thắng. Trò nầy dân gian bắt chước các hiệp sĩ thời xưa dùng thương, cưởi ngựa chọi nhau như quý vị đã thấy trong phim Ivanhoe với tài tử Robert Taylor. Trò chơi nầy đã có từ thế kỷ 15, thời Phục Hưng. Ngày nay, các làng thường tổ chức vào ngày lễ Quốc Khánh 14 tháng 7 hay ngày lễ Đức Mẹ 15 tháng 8 cho du khách thưởng thức.
Carnaval:
Carnaval, mình không biết dịch việt ngữ thế nào, hy vọng quý vị ngày nay qua mạng internet biết được cái Carnaval lớn nhứt thế giới là Carnaval của thành phố Rio de Janeiro của xứ Ba Tây, với những đoàn vũ công, vũ nữ với nhạc điệu Samba rộn rã. Carnaval là thuộc truyền thống Văn hóa Thiên Chúa Giáo. Trước khi bước vào thời gian mùa Chay dài (40 ngày), Carême, để sửa soạn bước vào Mủa Chúa Chịu Nạn- Passion, dân chúng xã hơi. Carnaval là lễ của dân gian, Carnaval vì vậy thường diễn ra 40 ngày trước lễ Phục Sanh-Pâques. Carnaval cũng thuộc truyền thống dân gian, sau nầy Giáo hội Thiên Chúa Giáo đem vào lịch mình. Carnaval là lễ dân gian mừng Mùa Xuân, xe hoa, người nộm khổng lồ, diễn hành. Ngày nay thành phố nào thị trấn nào cũng có Carnaval. Càng khủng hoảng kinh tế, càng nghèo khổ càng làm Carnaval : Phương Pháp Coué để chống sự buồn tủi thất vọng. Ỡ vùng dưới Bờ Biển Xanh nầy Carnaval của Nice là lớn nhứt.
Casino :
Đi đến Nice mà không đến Monaco là một cái thiếu sót. Monaco chỉ là một tiểu quốc rộng 2,02 cây số vuông, với khoảng 37 triệu dân. Monaco cai trị bởi dòng họ Grimaldi từ năm 1297 khi ông tổ Grimaldi la Malice (Grimaldi Tay Láu cá) đã giả dạng thành tu sĩ dòng PhanXiCô đột nhập và cướp lâu đài Monaco. Trên Quốc Huy của Monaco có hình hai tu sĩ cầm gươm. Monaco hiện nay do Ông Hoàng Albert II trị vì, nối nghiệp cha là ông Hoàng Rainier III, nhưng Ông Hoàng Rainier III không nỗi tiếng bằng Bà Hoàng Grace, vợ ông. Bà Hoàng Grace là cựu diễn viên nữ tài tử Grace Kelly. Ngày nay bà Chủ tịch nước Trung Hoa Công sản Tập Cận Bình, hay bà cựu Tổng thống Pháp Sarkozy là Carla Bruni cũng chỉ là những người đi theo gót ông Hoàng Rainier III chịu chơi nầy thôi.
Monaco ngày nay được biết đến nhiều do cuộc đua xe hơi chạy trong thành phố. Và…Casino, sòng bạc nỗi tiếng của Âu châu. Người ta nói nhiều ca tụng nhiều về Las Vegas. Las Vegas là cả thành phố ăn chơi, và đánh bạc là một trong những môn tiêu khiển, nhưng Las Vegas xô bồ, đại chúng, thiếu cái sang trọng, cái quý phái, đồ giả, đồ dởm – du toc – quá nhiều, cũng nhưng ngày nay thiên hạ nói đến Macao, Hồng Kông vậy, nhưng đồng nào của nấy, Monaco là Monaco, các nơi các chỉ là những sòng bầu cua các cọp. So sánh Monaco và Las Vegas như so sánh kim cương và đá quý, so sánh phé với xập xám. Chúng ta có thể đến Las Vegas xem nhạc hội, Céline Dion chẳng hạn mà không cần đánh bạc, đến Las Vegas chúng ta có thề đi viếng những Hôtel khác nhau, xem, so sánh các décors khác nhau, chụp hình nhưng không cần đánh bạc. Nhưng đến Casino Monaco, thế nào cũng bước phải bước vào sòng bài, thua tý tý để làm kỷ niệm. Trước khi vào sòng bài Monaco, phải ghé qua khách sạn, diện tuxado, smoking, complet đen, thắt nơ, vợ áo soirée dài, vai trần, tay cầm bóp nhỏ – pochette, tai và cổ hạt trai hay kim cương, và dỉ nhiên giầy cao gót, vai khoác khăn voan. Và đi viếng Casino vào buổi tối sau khi ăn rồi. Vào Casino Monaco, không chơi máy, hình như không có máy, nếu chịu chơi thì roulette, hay ngon nữa thì phé. Hãy đi xem James Bond đánh bạc, sang trọng, jetons cầm tay, cigare, rượu mạnh … Cá nhơn tôi không biết đánh bạc, không hiểu đánh bạc. Hồi trẻ có một lần dự chơi « dì dách » bị bạn bè đuổi ra nói rằng kéo « thúi bài ». Cẩm Kỳ Thi Hoạ tứ đổ tường tui hổng biết gì cả. Đờn không biết, Ca sai nhịp, Cờ ta cờ Tây không biết ! (biết nhậu Cờ Tây thôi), Thi thì thơ con Cóc, Họa thì vẽ rắn vẽ rồng. Nhưng hôm đưa ông bạn đi thăm Casino Monaco, tôi cũng vào dự, cũng diện bộ đồ đen, cũng thắt nơ, và cũng thua tý tý để góp mặt với đời.
Casino, tiếng Ý, do tiểu ngữ – diminutif của từ casa, cái nhà ; casino căn nhà nhỏ. Chỉ được sử dụng tại Pháp từ thế kỷ thứ 19. Chiếu theo Luật, điều luật ngày 3 tháng tư năm 1942, Nghị định ngày 23 tháng 12 năm 1959, một « casino » là nơi có ba sanh hoạt cho ba thú tiêu khiển : 1/ cho thính thị, văn nghệ, nghệ thuật sân khấu : kịch, nhạc, …2/ cho khẩu vị, nhà hàng ăn uống, 3/ và cuối cùng cho. .. đam mê, cờ bạc. Casino chỉ được mở ở những thị trấn có những điều kiện « chữa bệnh – dưởng bệnh » – Station de Cure – bằng tắm, bải biển (balnéaire) nước suối, (thermale) hay bằng khí hậu, lạnh mát(climatique). Và chỉ ở những nơi ấy thôi, dành cho những người đi dưởng bệnh. Nói tóm lại, muốn được ăn chơi, thưởng thức phải đi dưởng bệnh.
Thoạt đầu thì như thế, nhưng từ từ du khách đến các thị trấn có Casino chữa bệnh, ghiền cờ bạc, mê roulettes, mê Baccara, …nhiều hơn ngưởi đến dưởng bệnh thật sự. Các ông Thị trưởng, Đô trưởng thấy đây là một nguồn lợi bằng mọi giá tìm cách đưa thị xã mình thành một thành phố có nhà dưởng bệnh, như vậy cạnh một bên ta có quyền cho mở Casino. Các độc giả và các bạn bên Úc chắc không lạ gì với những Casino. Người Việt mình ở Úc thường thích đi ăn ở Casino, vừa rẻ, vừa ngon vừa có thể kiếm thêm lợi nhuận, may ra lấy lại được tiền cơm, rủi lắm, có thua sạch túi, thì ít ra khi về, có bửa cơm dằn bụng, không đói bụng. Toàn nước Pháp kể luôn các tỉnh Hải ngoại (Martinique, Guadeloupe…) có tổng cộng là 200 casinos. Riêng một mình tỉnh Alpes Maritimes trong ấy có Nice, có Cannes đã gồm thu trên 1/3 tổng số thu hoạch nghề cờ bạc.
Nghề chơi :
Những nghề chơi, những món chơi đều được các Nghị định cấp giấy phép. Năm 1907, chỉ cho phép trong các casino : baccara (với hai bảng thôi), l’écarté (giống dì dách ?), petits chevaux– ngựa nhỏ, xe lữa-chemin de fer, một thời gian sau, chemin de fer đổi thành la boule, thủy tổ của roulette, khỏi dịch các độc giả thân quý nhứt là ở Úc chắc cũng đã rành sáu rồi. Năm 1932, roulette ra đời. Năm 1969, la boule trở lại với 23 số thôi, sau đó roulette américaine ( huê kỳ, thêm 0, 00, ?), crap-liệng con « đê » kiểu Mỹ, black-jack, Năm 1987, roulette anglaise– kiểu anh, punto–banco, và cuối cùng máy kéo, machines à sous-tên cướp một tay (le bandit manchot- độc thủ bất hảo).
Nhờ những luật lệ khó khăn của Pháp, nên Casino ở Monaco phát triển mạnh những năm đầu thế kỷ 20. Ngày nay, dân chơi sang trọng vẫn còn thích Monaco, vì nó cầu kỳ, vì nó sang trọng. Những Casino các quốc gia khác càng ngày vì càng cạnh tranh đã được đại chúng hóa đi. Dân đi đánh Casino ở Monaco, không phải đến để sát phạt. Không phải đến để ăn thua. Đến Casino Monaco là đến với cái không khí sang trọng của Casino Monaco. Ăn thua không cần thiếc, một thoáng một không khí, một tý sang trọng. Trong một giờ, hai giờ một đêm, mình làm ông Hoàng thưởng thức. Nhứt dạ Đế vương ! Nếu Nhứt Dạ Đế Vương của Tàu là để người chiều chuộng mình, Nhứt Dạ Đế Vương của Casino Monaco cho mình một phút huy hoàng làm thưởng thức đời sống một vị Vương giả.
Quan trọng là đừng tưởng thiệt ! Và phải biết tất cả là trò hề. Tạo Hóa và Hí Trường ! … Giấc mộng Nam Kha thế thôi ! Phải biết …Giựt mình thức dậy biết mình nằm mơ.
Chúc tất cả các độc giả hưởng một tuần An lành !
TS. Phan Văn Song
Hồi Nhơn Sơn lễ Quốc Khánh Pháp 14/07/2013