Huỳnh Thục Vy là một cây bút chính luận trẻ tuổi ở Việt Nam với những bài viết phê phán thực trạng trong nước được phổ biến rộng rãi ở hải ngoại qua các trang blogs. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, những bài viết của cô về các đề tài cách mạng, dân chủ, nhân quyền, luật pháp… không chỉ thể hiện một kiến thức tự học có nền tảng mà còn một sự suy nghĩ sâu sắc vượt tuổi của mình. Có lẽ cô là một trong những cây bút chính luận hiếm hoi đã có nỗ lực nối truyền thống tâm linh của mình với con đường cách mạng dân chủ và nhân quyền của dân tộc. Những bài viết của Huỳnh Thục Vy, cũng như hoạt động của cả gia đình cô, đã khiến cho chính quyền Cộng Sản tìm mọi cách trấn áp.
Cuộc chuyện trò với Huỳnh Thục Vy từ trong nước được tiếp tục.
Huy Phương: Chúng ta đã thấy Martin Luther King, Jr. và Desmond Tutu đấu tranh cho nhân quyền trong cảm hứng Thiên Chúa Giáo cũng như Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và Aung Sang Suu Kyi đấu tranh chống độc tài xâm lược với những giá trị Phật Giáo. Theo cháu, cảm hứng nào và những giá trị tâm linh nào có thể là bạn đồng hành cho những bạn trẻ như cháu trên con đường đấu tranh chống toàn trị để chuyển hóa Việt Nam?
Huỳnh Thục Vy: Mỗi người trên thế giới được sinh ra trong những điều kiện cụ thể, những điều kiện đó cho họ cơ hội để cảm nghiệm và thực hành những niềm tin tôn giáo khác nhau. Một người ở Luân Ðôn, gần như tất nhiên là anh ta sẽ theo Anh Giáo, một người ở Mỹ có xu hướng theo các hệ phái Tin Lành, một người ở phương Ðông có thiên hướng đi gần lại với Phật Giáo… Các giáo lý tôn giáo trong đời sống tâm linh của mỗi cá nhân khác nhau là vô cùng khác biệt. Nhưng xét trên bối cảnh toàn xã hội thì điều quan trọng không phải là anh tin vào một Thiên Chúa là đấng tối cao hay anh tin vào luân hồi, vào nghiệp quả; mà cái chính yếu là anh ta mang lại giá trị tốt hay xấu cho xã hội. Trong cuộc đấu tranh hiện nay cho dân chủ và tự do, điều quan trọng không phải là niềm tin tôn giáo nào được chọn làm giá trị đồng hành với chúng ta; mà là việc chúng ta là ai, chúng ta có niềm tin mạnh mẽ đến mức nào vào những giá trị đạo đức tốt đẹp giúp chúng ta vượt thắng sợ hãi để đấu tranh và chúng ta có thể làm được gì cho cuộc đấu tranh, cho đất nước. Con nghĩ rằng, tinh thần khoan dung tôn giáo là quan trọng và cần thiết cho xã hội nói chung và cho mỗi cá nhân nói riêng. Mỗi người cứ sống như chính mình, miễn là chúng ta có thể thay đổi mình cho tốt hơn, để từ đó thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp. Một hình ảnh rất cảm động, rất đẹp đối với con là hình ảnh một vị linh mục dòng Chúa cứu thế đứng cạnh một vị hòa thượng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong lễ tang bà cụ Liêng. Bất kể bạn thuộc tôn giáo nào, nếu bạn có tâm và có đủ dũng cảm để đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp cho đất nước, bạn xứng đáng được mọi người vinh danh.
“Gần đây, con trở thành một tín đồ Công Giáo…”
Ảnh chụp tại nhà thờ Tam Kỳ, Quảng Nam. (Hình: Do HTV cung cấp)
Huy Phương: Trong bài Bàn Về Ðạo Ðức Thay Lời Chúc Mừng Giáng Sinh, cháu viết, “Ðạo đức dũng mãnh vạch ra lập trường đối lập với nhà cầm quyền bằng hành động ủng hộ dân chủ, đạo đức lên án kẻ ác vì chứng kiến sự chà đạp nhân phẩm của họ, đạo đức yêu thương chia sẻ vì nhìn thấy khổ đau của đồng loại,” và trong bài Tâm Tư Nhân Ngày Lễ Tạ Ơn, cháu cũng viết, “Trong vũ trụ này, không có một bản thể tồn tại độc lập với các bản thể khác… Tôi tin rằng tự do là nhân tính, là phù hợp với thiên nhiên và tự do phóng khoáng cũng là tinh thần Phật Giáo.” Phải chăng con đường hoạt động của dân chủ của cháu không chỉ được hướng dẫn bởi những ý tưởng về công bằng và tự do mà còn bởi những cảm nghiệm về đạo đức và giá trị tâm linh của dân tộc?
Huỳnh Thục Vy: Không dám tự nhận mình là một Phật tử thuần thành, nhưng lối sống và lối tư duy của con được hướng dẫn bởi niềm tin Phật Giáo với các giá trị luân lý thượng thừa Bi, Trí, Dũng của nhà Phật. Trước khi là người chịu ảnh hưởng bởi các tư tưởng tự do khai phóng của các nhà tư tưởng phương Tây, con là người luôn cố gắng giữ mình trong tinh thần Phật Giáo (dù việc này không dễ dàng). Ðạo Phật trong nhận thức của con cũng là một triết lý tự do qua những lý thuyết về “vô ngã”, “vô thường”… Có thể nói lối tư duy của con được định hình trong hai tư tưởng lớn, đó là tư tưởng Phật Giáo về nhân sinh và thế giới cùng với tư tưởng tự do-pháp trị về thể chế chính trị. Dù muốn hay không, mỗi người bị “điều kiện hóa” trong bối cảnh sống của mình, nên lối sống và tư duy của chúng ta đều có xu hướng đi theo một hướng nhất định. Con tin sự thiện lương là điểm chung của mọi tôn giáo. Ðó mới là điều chính yếu.
Huy Phương: Những việc làm của Huỳnh Thục Vy có được sự khuyến khích hay biểu đồng tình của đồng bào trong và ngoài nước không? Chấp nhận tranh đấu trong một chế độ như thế này là chấp nhận thiệt thòi, hy sinh và chịu gian khổ, như vậy việc lập gia đình của cháu có trở ngại gì cho công cuộc tranh đấu, cho lý tưởng cháu đã chọn hay không?
Huỳnh Thục Vy: Con nghĩ rằng tất cả mọi người trong và ngoài nước đều quan tâm và thương yêu con, ủng hộ con nên con mới có đủ sức mạnh để đeo đuổi lý tưởng của mình. Chồng con ủng hộ những việc con làm và anh ấy cũng là người đồng hành với con trên con đường con đã chọn. Anh ấy cũng nhận thức được rằng: “Tự do, dân chủ mới là câu trả lời cho xã hội Việt Nam.” Vì quen biết, liên hệ với con nên an ninh nơi quê anh ở cũng kêu anh lên làm việc và hăm dọa đủ điều, nhưng cũng không sao!
Gần đây, con trở thành một tín đồ Công Giáo, vì chồng con là người Công Giáo dòng. Con theo chồng, nên theo đạo chồng. Việc chấp nhận từ bỏ ngã chấp để theo chồng là để đáp lại tình yêu và sự chia sẻ khó khăn mà anh ấy dành cho con. Ðạo Công Giáo thật tốt và các cha bên Công Giáo dòng Chúa Cứu Thế mà con hân hạnh được biết thực sự là những bậc tu hành đầy đức hạnh.
Con xin tin cho chú biết và những người thương yêu của con biết, vào ngày 3 tháng 9, 2012 đến đây, con và anh Lê Khánh Duy sẽ làm lễ thành hôn tại Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam.
Con là một người tuổi trẻ trong nước, chịu trực tiếp những sự đàn áp của chế độ này và con luôn luôn động viên và tự nhủ mình phải bình tĩnh và không sợ hãi để đấu tranh cho những giá trị tinh thần mà mình đang đeo đuổi. Con hy vọng những việc mình đang làm sẽ là một lời động viên chân tình đối với những người trẻ có tâm huyết với đất nước và những người có tấm lòng đối với dân tộc này.
Lúc nào con có cơ hội được báo chí ở nước ngoài phỏng vấn, con cũng muốn gửi những lời cám ơn từ đáy lòng con đến tất cả bà con hải ngoại đã thương yêu và giúp đỡ con rất nhiều, con mang ơn quý vị về tất cả những điều đó, và cũng nhờ những sự yểm trợ đó mà con được an toàn cho đến hôm nay.
Con xin giữ vững tinh thần và đi theo con đường mình đã chọn.
Huy Phương: Cháu nghĩ sao về việc bà Ðặng Thị Kim Liêng, thân mẫu của bà Tạ Phong Tần tự thiêu ở Bạc Liêu vừa rồi?
Huỳnh Thục Vy: Tin này được loan truyền tràn ngập qua mạng tự do, nhưng báo chí trong nước đều ém nhẹm sự việc này. Ðây là một hành động phản đối quyết liệt chống lại chế độ và chắc chắn chính quyền sẽ gặp khó khăn vì ảnh hưởng của vụ tự thiêu này của bà Kim Liêng. Lúc con vào Saigon thì cô Tạ Phong Tần đã bị bắt nên con chưa được gặp.
Huy Phương: Xin cám ơn cháu đã dành cho Người Việt cuộc chuyện trò vừa qua và thành thật chúc mừng nhân dịp thành hôn của hai cháu, hy vọng từ nay trên đường đời cháu có thêm bạn đồng hành, sẽ bước đi những bước vững chãi, can trường hơn.
Xin gửi tặng cháu những dòng chữ đã được xâm trên ngực của Marcel Nguyễn, chàng trai mang hai dòng máu Việt-Ðức, đã đoạt huy chương bạc Thể Dục Dụng Cụ Thế Vận Hội London 2012: “Nỗi đau là nhất thời, Vinh quang mới là vĩnh cửu”.
Huy Phương [Người Việt]
*Với sự đồng ý của Huỳnh Thục Vy, chúng tôi xin ghi lại địa chỉ: Ðội 1, thôn Phú Quý, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam, Việt Nam và số điện thoại gia đình: 09034 822 547.
One Comment
le vi..huyền
huỳnh thục vi! bạn đã chọn đúng những gì rất..”đúng” cho mình vậy!
tuổi trẻ hôm nay
có mấy ai như bạn
tâm trí sáng ngời
nụ cười diệu vợi
lý tưởng và nghị lực
vẫn rực sáng phi thường
dù bạo quyền trăm phương
với ngàn kế lọc lừa
vẫn có thừa nội lực
để chiến đấu ngoan cường
bạn thật là ..dễ thương!!