Từ ngày nhóm tân học (Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim…) ca ngợi và bênh vực Truyện Kiều trước sự lên án của một số nhà Nho thủ cựu, hầu như không còn ai dám lên tiếng chê bai Truyện Kiều nữa, về bất cứ phương diện nào. Người ta dần dần có thói quen chỉ ca tụng, rồi tôn thờ Truyện Kiều. Ai cũng coi Truyện Kiều là một đại tác phẩm, vì Phạm Quỳnh đã nói : “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn.” Ai có khám phá mới lạ về Kiều, những “khám phá” đó cũng chỉ có tính cách tôn vinh thêm, hùa theo những người đi trước, để đưa Kiều lên địa vị độc tôn trong văn học Việt Nam.
Ai cũng ca tụng Ðọan Trường Tân Thanh của Nguyễn Du là đại tác phẩm, nhưng chưa thấy ai định nghĩa thế nào là “đại tác phẩm”. Muốn biết một tác phẩm văn chương có bất hủ không, chúng ta tìm hiểu nội dung hay hình thức ? Hay cả hai ? Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học, một tác phẩm văn chương muốn trở thành bất hủ hay cũng gọi là “đại tác phẩm”, nội dung phải là một thông điệp gửi cho nhân loại và các thế hệ mai sau. Muốn như vậy, thông điệp phải nói lên nhưng điều sát với thực tế, sát với những nhu cầu cần thiết của con người, cả về tinh thần lẫn vật chất và đôi khi còn có tính cách tiên tri nữa.
Vậy, còn hình thức thì sao ? Ðã gọI là một tác phẩm văn chương, phần hình thức cũng không kém quan trọng. Tư tưởng cao siêu mà không biết cách diễn tả để truyền đạt tư tưởng đó cho ngườI khác thì tư tưởng đó cũng không có lợI gì cho ngườI đời. Nhưng riêng vớI Ðoạn Trường Tân Thanh, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta không cần phảI quan tâm tớI vì ai cũng biết rằng thơ của Tiên Ðiền thi sĩ đều “lờI lờI châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Chính những lờI thơ trác tuyệt đó mà Truyện Kiều được tôn sùng ngay từ khi tác giả vừa viết xong, cách đây hơn 180 năm. Ngòai ra, chúng tôi nghĩ rằng lời văn (hình thức) mỗi thời mỗi khác. Ngôn ngữ luôn luôn thay đổi, cách nói của con người mỗi thời mỗi biến dạng. Chẳng hạn thời của Nguyễn Du, người ta thích dùng điển cố để câu văn xúc tích, nói ít mà hiểu nhiều. Chỉ những người có học mới lãnh hội được tòan vẹn ý tưởng của tác giả. Không những thế, thời xưa, các nhà nho chỉ viết truyện bằng thể thơ lục bát, nên thể thơ này được gọi là thể “truyện”. Dùng thơ đê viết truyện, tất nhiên sự diễn tả sẽ bị hạn chế rất nhiều. Do đó, người viết phải dùng điển cố. Truyện Kiều được viết gần hai thế kỷ trước nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có nhiều điển cố. Ngày nay người ta viết văn xuôi giản dị hơn để ai (dù ít học) cũng có thể hiểu được.
Vậy thì chúng tôi xin bỏ qua phần hình thức.
Khi Kiều bị Tú Bà hành hạ, nàng rút dao tự tử. Trong cơn mê, nàng gặp Ðạm Tiên và nàng Ðạm đã cho biết :
“Rỉ rằng : Nhân quả dở dang,
“Ðã toan trốn nợ đoạn tràng được sao ?
“Số còn nặng nghiệp má đào,
“Người dù muốn quyết, TRỜI nào đã cho !
Chuyện có vẻ hoang đường nhưng đã nói rõ được cái cách trả nghiệp mà Phật giáo quan niệm. Thật ra, nói đến tôn giáo, chẳng nhiều thì ít, đều có chút hoang đường. Nếu xét kỹ, những chuyện đó cũng không hẳn là hoang đường. Khi có niềm tin tuyệt đối vào một điều gì, người ta sẵn sàng chết cho niềm tin đó. Ở nước ta, vào thời nhà Nguyễn cấm đạo, hàng trăm, hàng ngàn tín đồ Thiên Chúa giáo sẵn sàng tử vì đạo. Các tín đồ Hồi giáo tin rằng nếu giết những người ngoại đạo, họ sẽ được lên thiên đàng. Vì thế mới có những vụ đeo bom tự sát để giết hàng lọat…người không theo đạo Hổi.
Trở lại giá trị của Ðoạn Trường Tân Thanh, chúng ta chỉ cần tìm hiểu nội dung để xem tác phẩm này có phải là một “đại tác phẩm” như nhiều người vẫn ca tụng không ?
Muốn tìm hiểu nội dung, chúng ta trước hết phải tìm hiểu triết lý căn bản của truyện. Theo nhiều học giả, như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Kỷ, Nguyễn Quảng Tuân…đạo Phật là triết lý nòng cốt của Ðoạn Trường Tân Thanh. Vậy, chúng ta hãy căn cứ vào triết lý ấy để tìm hiểu Truyện Kiều.
Phật giáo trong Ðoạn Trường Tân Thanh
Nàng Vương Thúy Kiều, vì Nghiệp của kiếp trước, đã phải sống một cuộc đời gian truân, đau khổ suốt 15 năm trời, “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Nhưng, dù chịu nhiều cay đắng, nàng vẫn giữ được cái tâm trong sáng nên đã gieo được cái nhân tốt để được hái quả tốt ngay trong kiếp này. Vì thế, nàng đã được gặp lại gia đình và người yêu để hưởng hạnh phúc cuối đời.
Sư Tam Hợp đã nói về cái tâm của Kiều như sau :
“Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,
“Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm.
“Lấy tình thâm trả nghĩa thâm,
“Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.
“Hại một người, cứu muôn người,
“Biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng.
Thửa công đức ấy ai bằng,
“Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi !”
Giáo lý của nhà Phật là khi đã mắc nợ (Ðã mang lấy Nghiệp vào thân), chúng ta phải trả cho đến hết mới được siêu thoát hay được hưởng cái quả mới do mình vừa gieo nhân. Như vậy, Phật giáo cho rằng con người có hoàn toàn tự do trong cuộc sống của mình, không có một “đấng tối cao” nào can thiệp, gián tiếp hay trực tiếp, vào những hành động của mỗi cá nhân. Những tư tưởng, những hành động của con người sẽ định đọat tương lai của chính họ. Gieo nhân tốt, hưởng quả tốt và tất nhiên gieo nhân xấu phải hái quả xấu. Ngoài đời thực tế cũng vậy, gieo bắp, sẽ được ăn bắp. Nhưng trong Ðoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du đã cho một ông Trời định đọat mọi việc.
Ngay cả đến đạo cô Tam Hợp, người đã tu hành đắc đạo, cũng tin có một ông Trời ngự trị trên cao và quyết định mọi việc :
“Sư rằng : Phúc họa đạo TRỜI,
“Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.”
Và trong đọan kết của Truyện Kiều, Nguyễn Du đã quả quyết :
“Ngẫm hay muôn sự tại TRỜI.
“TRỜI kia đã bắt làm người có thân,
“Bắt phong trần, phải phong trần,
“Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”
Người ta không ngạc nhiên khi thấy Nguyễn Du đưa ông Trời vào đạo Phật. Tiên sinh là một nhà Nho mà đạo Nho coi Trời là đấng tối cao cầm cương nẩy mực cả vũ trụ này. Các nhà Nho tin ở thuyết “Thiên mệnh”, vì thế vua là con trời (thiên tử) nên thay trời định đoạt mọi việc trong khu vực mình cai trị. .
Trong Ðoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du không những đã không theo sát giáo lý nhà Phật, mà còn đi ngược lại. Phật giáo chủ trương trả nghiệp là trả món nợ đã vay từ kiếp trước (hay nhiều kiếp trước). Thế mà Kiều chưa trả xong nợ đã giết hết các “chủ nợ”. Trong cuộc báo ân trả oán, nàng giết những người đã gây đau khổ cho nàng : Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh,Bạc Hạnh, Bạc Bà. Như vậy là nàng đã gây nghiệp mới cho những kiếp sau của nàng, không đúng với giáo lý nhà Phật.
Một giai thoại của Phật giáo kể rằng có một nhà sư tu hành đã gần đắc đạo có thể nhìn thấy nghiệp kiếp trước của mình và biết rằng mình khó có thể đắc đạo vì còn một món nợ chưa trả xong. Một hôm, vị sư ấy đi qua một khu rừng, trông thấy một con hổ đang núp trong một bụi rậm để chờ nhà sư. Ông có thể trốn tránh dễ dàng, nhưng chợt nhận ra rằng con hổ chính là kẻ đã bị ông hại trong một kiếp trước. Ðó là món nợ cuối cùng mà ông phải trả nếu muốn được siêu thóat. Ông bình tĩnh đi đến trước con hổ và đã bị nó xé xác. Như vậy, nhà sư đã trả xong nghiệp.
Một chuyện khác kể rằng có một vị sư đi khất thực, hàng ngày thường gặp một ông nhà giầu rất rộng rãi, vui vẻ và hay giúp đỡ. Nhưng sau cái vẻ tươi vui, cởi mở của ông, nhà sư thấy có một cái bóng u ám. Nhìn kỹ, sư biết rằng ông ta sắp gặp một tai nạn có thể nguy đến tính mạng. Sư định báo cho ông nhà giầu biết để đề phòng, nhưng lại chợt nhận ra rằng tai nạn chính là một cái nghiệp kiếp trước của ông ta. Nếu ông tránh được tai nạn, nghiệp vẫn còn đó, tức là nợ chưa trả xong. Sau một lúc suy tính, nhà sư quyết định để cho ông nhà giầu trả nghiệp. Từ ngày đó, sư không khất thực trong khu vực đó nữa. Nửa năm sau, sư trở lại và biết tin ông nhà giầu bị cướp đánh đến bại liệt. Khi gặp lại ông ta, sư không còn thấy cái bóng u ám chung quanh ông nữa. Như vậy là ông đã trả xong nghiệp.
Phật giáo không chủ trương trả thù vì đã coi là nợ thì phải trả, trả cho đến hết, có thể việc trả nợ kéo dài trong nhiều kiếp. Nhưng Nho giáo lại dung túng việc trả thù. Trong lịch sử Việt Nam, không thiếu những chuyện trả thù một cách khủng khiếp, tàn bạo. Vua có thể “tru di tam tộc”, giết mấy trăm người một lúc, kể cả những đứa bé mới sinh. Ðời nhà Lê, người ta dựng nên chuyện Thị Lộ để giết ba họ một đại công thần là Nguyễn Trãi.
Nguyễn Du là một nhà Nho nếu hành sử theo đạo Nho cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Phật giáo chủ trương xuất thế trong khi Nho giáo khuyến khích mọi người nên nhập thế. Vào đời thì phải sống theo phong tục tập quán của đời để đạt được những mục đích mình mong ước.
Trong cuộc trả oán này, Kiều còn giết oan hai tên Khuyển Ưng. Chúng chỉ là những tên đầy tớ tuân theo lệnh của chủ. Trong khi đó, chủ của chúng là Hoạn Thư (Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư) lại được tha bổng sau một hồi kêu nài, trần tình. Khi ra lệnh cho quân sĩ của Từ Hải hành hình các tội phạm, Kiều còn đặt ra cách hành hình là “thề sao thì lại cứ sao ra hình”. Ðối với những kẻ đã thề thốt, quân sĩ dễ thi hành nhiệm vụ :
“Lệnh quân truyền xuống nội đao,
“Thề sao thì lại cứ sao ra hình.
“Máu rơi thịt nát tan tành,
“Ai ai trông thấy, hồn kinh phách rời.”
Nhưng đối với hai tên Khuyển Ưng, họ không biết phải hành hình thế nào vì chúng không hề thề thốt.
Như vậy, chúng ta có thể quả quyết rằng đạo Phật không phải là triết lý căn bản của Ðoạn Trường Tân Thanh như nhiều người đã nhận định.
Xã Hội Trong Truyện Kiều
Chúng ta thử tìm hiểu xã hội mô tả trong Ðọan Trường Tân Thanh có liên quan gì đến xã hội Nguyễn Du sống không ? Sự so sánh này cũng có thể cho chúng biết có phải tác giả muốn gửi gắm tâm sự vào tác phẩm không ?
Ngay phần đầu, tác giả cho biết thời đại Kim Vân Kiều là thời nhà Minh vào những năm có niên hiệu Gia Tĩnh. Theo sử Trung quốc, nhà Minh bắt đầu từ nắm 1368, sau khi Chu Nguyên Chương đánh đuổi được quân Mông cổ. Niên hiệu Gia Tĩnh bắt đầu từ năm 1522. Như vậy, Trung quốc đã được hưởng hòa bình 154 năm (Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.) Khi người dân được hưởng một nền hòa bình lâu dài, người ta thường nghĩ đến chuyện hưởng lạc, từ đó nẩy sinh nhiều tệ đoan và bất công. Vì thế, người ta không lạ khi thấy Thúy Kiều, một cô gái xinh đẹp, tài hoa phải sa vào chốn thanh lâu tới hai lần.
Trong khi đó ở nước ta, vào những năm Gia Tĩnh của triều Minh, nhà Lê đã suy vi, Mặc Ðăng Dung tiếm quyền cướp ngôi nhà Lê (1527). Từ đó, nước ta không được yên ổn, loạn lạc kéo dài. Nhà Lê được Trịnh Kiểm giúp, lấy lại ngôi vua, trở về Thăng Long. Họ Mạc phải rút lên Cao Bằng. Ðến năm 1592, vua cuối cùng của nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp bị Trịnh Tùng bắt, giải về Thăng Long chém đầu. Nhưng từ đó, vua Lê chỉ là một ông vua bù nhìn, quyền hành chuyển vào tay chúa Trịnh hết. Nguyễn Hoàng không phục chúa Trịnh, vào Nam lập nghiệp, gây nên cuộc chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 160 năm, từ năm 1527 đến năm 1788, năm Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh. Nhưng sau cuộc Trịnh- Nguyễn phân tranh, nước ta vẫn đám chìm trong loạn lạc triền miên. Ngoài Bắc, quân Mãn Thanh, do cầu viện của vua Lê Chiêu Thống, kéo vào nước ta, lấy cớ “cứu giá”, nhưng thực tâm muốn chiếm nước ta, biến thành quận huyện của chúng. Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân, lấy hiệu là Quang Trung, kéo quân ra Bắc diệt quân Thanh vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789). Trong Nam, Nguyễn Ánh đem quân về Gia Ðịnh đánh Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Gia Long. Vì Nguyễn Du có thành tích chống lại Tây Sơn, lại là người có tài, vua Gia Long vời ông ra làm quan.
Như vậy, hai xã hội, một được mô tả trong truyện Kiều và một là ngoài đời thực tế ở nước ta, không có một điểm nào trùng hợp. Khó mà biết Nguyễn Du đã gửi gắm tâm sự như thế nào. Có người cho rằng tiên sinh đã gửi tâm sự của mình vào nhân vật Từ Hải. Vì thế, Từ Minh Sơn, chỉ là một tên giặc cỏ đã được tiên sinh tô điểm cho thành một bậc anh hùng :
“Râu hầm, hàm én, mày ngài,
“Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
“Ðường đường một đấng anh hào,
“Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
“Ðội trời đạp đất ở đời,
“Họ Từ, tên Hải vốn người Việt Ðông.
“Giang hố quen thú vẫy vùng,
“Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.”
Quan Tổng đốc trọng thần là Hồ Tôn Hiến cũng nhận định như sau :
“Biết Từ là đấng anh hùng…”
Nhưng chính Thúy Kiều lại nhìn bằng con mắt khác. Khi khuyên Từ ra hàng, nàng đã nói :
“Làm chi để tiếng về sau,
“Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào.”
Như vậy, nàng chỉ coi Từ là một tên tướng giặc. Không lẽ Nguyễn Du ký thác tâm sự mình vào một tên tướng giặc ?
Ðến đây, chúng ta có thể biết chắc rằng qua Ðọan Trường Tân Thanh (tức Truyện Kiều) Nguyễn Du không gửi một thông điệp nào cho nhân loại và hậu thế. Tiên sinh chỉ phóng tác Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (hay Thanh Tâm Tài Tử) sang chữ Nôm, theo thể truyện là thơ lục bát. Khi phóng tác tiên sinh theo sát nguyên bản, tuy cũng có chọn lưa hoặc thay đổi một vài tình tiết. Sự thay đổi có lúc hợp lý, nhưng cũng có lúc lại gây thắc mắc cho người đọc. Chúng ta thử đọc một số tình tiết khác thường.
Mùa xuân trong Truyện Kiều đã gây thắc mắc không ít cho nhiều người. Mùa xuân đó đã kéo dài một cách kỳ lạ.
Chị em Kiều du xuân, xem hội Đạp Thanh, vào đầu tháng ba, tức là tháng cuối cùng của mùa xuân :
“Ngày xuân con én đưa thoi
“Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.”
và
Trong cuộc du xuân này, Kiều đã gặp Kim Trọng và hai người thầm yêu nhau :
“Người quốc sắc, kẻ thiên tài,
“Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.”
Khi xa nhau, hai người tưởng nhớ đến nhau. Kim Trọng đã tương tư Kiều đến độ phải tìm gặp nàng, rồi thuê nhà bên cạnh nhà nàng để :
“Song hồ nửa khép cánh mây,
“Tường đông ghé mắt, ngày ngày hằng trông.
“Tấc gang đồng tỏa nguồn phong,
“Tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra.”
Thế rồi chàng phải chờ thêm hai tháng nữa mới có dịp làm quen với nàng
“Nhẫn từ quán khách lân la,
“Tuần trăng thấm thoắt nay dà thêm hai.”
Như vậy, kể từ tiết Thanh minh đến lúc Kim làm quen được với Kiều, đã hơn hai tháng trôi qua. Lúc đó ít sớm cũng phải là tháng năm, tức là đang mùa hè. Nhưng đến ngày “sinh nhật ngoại gia”, người ta lại thấy :
“Lần lần ngày gió đêm trăng,
“Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua.”
Bây giờ tác giả mới cho mùa xuân trôi qua, mà thực tế là đang giữa mùa hè. Vậy mùa xuân trong Ðoạn Trường Tân Thanh kéo dài gần năm tháng ? Ðó là một điều khó hiểu đối một tác phẩm được coi là “đại tác phẩm”
Tâm Trạng Người Đang Yêu
Thúc Sinh nghe lời khuyên của Kiều, về thăm Hoạn Thư, định tâm báo cho vợ biết mình mới có thiếp. Nhưng vì rụt rè, e sợ, ở nhà suốt một năm trời mà Thúc không nói được gì. Sau đó, chàng lên đường trở lại Lâm Truy với tâm trạng nhớ Kiều tha thiết. Nhưng nhớ người yêu như vậy, sau một năm trời xa cách (nhất nhật bất kiến như tam thu hề!), Thúc không tìm con đường ngắn nhất để đi, lại chọn con đường xa lắc xa lơ :
“Lâm Truy đường bộ tháng chầy,
“Mà đường hải đạo sang ngay thì gần.”
Thúc mê muội đến độ không biết “đường hải đạo” sao ? Có đúng tâm trạng của một kẻ đang yêu và mong được gặp lại người yêu càng sớm càng tốt không ?
Vì Thúc đi đường bộ nên không kịp gặp Kiều trước khi nàng bị Khuyển, Ưng bắt về Vô Tích. Mãi đến khi Thúc ông đã làm ma cho cái “thây vô chủ” xong xuôi, chàng mới về đến nhà:
“Lễ thường đã đủ một hai,
“Lục trình chàng mới đến nơi bấy giờ”.
Kiều Bị Đánh Thuốc Mê
Muốn bắt cóc Kiều hai tên đầy tớ của Hoạn Thư phải tưới thuốc mê cho
nàng mê đi :
”Đầy sân gươm tuốt sáng lòa,
“Thất kinh nàng chửa biết là làm sao.
“Thuốc mê đâu đã tưới vào,
“Mơ màng như giấc chiêm bao biết gì.”
Sau đó, chúng đưa nàng về Vô Tich , tức là nơi cách xa Lâm Truy một tháng đường bộ, mà đường thủy nếu có gần cũng phải mất từ một tuần đến nửa tháng.
“Nước trôi hoa rụng đã yên,
“Hay đâu địa ngục ở miền trần gian,
“Khuyển, Ưng đã đắt mưu gian,
“Vục nàng lên ngựa để an dưới thuyền.
“Buồm cao lèo thẳng cánh xuyền,
“Đè chừng huyện Tích, băng miền vượt sang.
“Dỡ đò lên trước sảnh đường,
“Khuyển, Ưng hai đứa nộp nàng dâng công.
“Vực nàng tạm xuống môn phòng,
“Hãy còn THIÊM THIẾP GIẤC NỒNG chua phai.”
Như vậy Kiều đã mê man ít nhất một tuần hay nủa tháng. Với thời gian dài ấy, nàng còn có thể sống được không ?
Ba Năm Hay Sáu Tháng ?
Ngay sau khi vừa thề thốt với Kiều, Kim Trọng được tin chú từ trần ở tận Liêu Dương. Cha chàng cho gọi chàng về gấp để giúp việc tang ma :
“Liêu dương cách trở sơn khê,
“Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang.”
Hai chữ “hộ tang” mỗi người giải thích một khác. Theo bản chính bằng chữ Hán, Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân do Tô Nam Nguyễn Ðình Diệm dịch, khi chú Kim Trọng chết ở Liêu Dương, chàng được cha gọi về gấp để cùng đi với ông tới Liêu Dương đón linh cữu. Phần lớn các học giả đều chú thích là “giúp đỡ việc ma chay.” Riêng Ðào Duy Anh, có lẽ bị ảnh hưởng câu “Ngoài nghìn dặm, chốc ba đông” lại chú thích thêm :”Vì ông chú không có con trai, Kim Trọng là cháu thừa tự nên phải về để săn sóc việc tang.” (Từ điển Truyện Kiều, trang 181). Nhưng nếu chàng Kim phải để tang ba năm, làm sao giải thích khoảng thời gian chỉ mới sáu tháng chàng đã trở về vườn Thúy để tìm Kiều ?
Khi từ biệt Kiều để về hộ tang chú, Kim nói :
“Ngoài nghìn dặm, chốc ba đông,
“Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy !”
Nhưng chỉ mới có sáu tháng, chàng đã trở về :
“Từ ngày muôn dặm phù tang,
“Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà.
“Vội sang vườn Thúy dò la,
«Nhìn xem phong cảnh nay đà khác xưa.»
Theo Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Trọng không nói tới chuyện phải xa Kiều ba năm mà chỉ than thở phải theo cha tới Liêu Dương lo việc tống táng chú. Vì thế, mới bốn (không phải là sáu) tháng sau, chàng đã trở về, không có điều gì đáng thắc mắc. Người ta không hiểu tại sao Nguyễn Du lại bắt Kim Trọng phải xa Kiều những ba năm, thế rồi lại chỉ mới sáu thàng đã cho chàng trở về ?
Ngòai những điều khác biệt trên, chúng tôi cũng thấy một vài thay đổi nhỏ. Trong cuộc trả ân báo oán, tiên sinh giữ lại chuyện Kiều giết Khuyển Ưng, nhưng lại bỏ hình phạt Hoạn Thư phải chịu (bị đánh 100 roi). Khi hành hình các tội phạm, Kiều chỉ ra lệnh «thề sao thì lại cứ sao ra hình». Trong nguyên bản, Thanh Tâm Tài nhân đã kể tỉ mỉ cuộc trừng phạt. Chẳng hạn, về Sở Khanh, cuộc hành hình được mô tả như sau :
Kiều sai quân sĩ nấu một vạc nhựa thông lẫn với vỏ cây gai, lột hết quần áo Sở Khanh, tưới nhựa thông đang sôi lên người hắn, rồi tưới nước lạnh cho nhựa thông nguội đi. Người Sở Khanh bị nhựa thông bọc cứng đờ như sắt. Quân sĩ tìm những chỗ có vỏ gai mà kéo mạnh ra. Da Sở Khanh bị nhựa thông nóng làm cho nát nhừ nên dễ dàng tuột ra, để lộ thịt đỏ. Khi Sở Khanh chỉ còn là một đống thịt nhầy nhụa máu, quân sĩ lấy nước vôi đổ lên…
Nguyễn Du tránh cho độc giả phải chứng kiến cảnh trả thù dã man ấy nên chỉ tóm tắt :
«Máu rơi, thịt nát tan tành,
«Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời.»
Nhưng cũng có chi tiết đáng giữ lại, tiên sinh lại đổi đi làm cho truyện thành vô lý. Khi Kiều được gặp lại gia đình, Vương ông muốn Kiều bỏ tu để về nhà, nàng cho biết nàng muốn ở lại với Giác Duyên, người đã cứu sống nàng khi nàng tự tử ở sông Tiền Ðường.. Vương bà và Giác Duyên khuyên Kiều nên nghe lời Vương ông. Kiều đành phải từ biệt ni cô cứu mạng. Thế mà trong tác phẩm của Nguyễn Du, Vương ông lại nói một câu rất vô lý và ngang ngược :
«Phải điều cầu Phật, cầu tiên,
«Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây ?»
Kiều bán mình để cứu cha vẫn chưa phải là đã trả hiếu sao ? Thúy Vân thay chị lấy Kim Trọng thì tình của Kiều đối với chàng Kim vẫn chưa trọn vẹn sao ? Vương ông còn muốn đòi hỏi gì hơn nữa ? Buộc tội Kiều chưa trả xong hiếu và chưa trọn tình với Kim lang, Vương ông đã tỏ ra là một người cha quá khắc nghiệt và đòi hỏi quá đáng !
Như vậy, cái hay của Ðoạn Trường Tân Thanh được nhiều người ca tụng nằm ở đâu ? Thưa, cái hay đó nằm ở phần hình thức với những lời thơ trác tuyệt của Nguyễn Du. So với các truyện dịch hay phóng tác từ truyện Tàu, như Hoa Tiên, Nhị Ðộ Mai, Phan Trần…văn của Tiên Ðiền thi sĩ tuyệt tác hơn nhiều, một trời một vực.
Trong Ðoạn Trường Tân Thanh, chúng ta có thể tìm thấy những câu thơ tuyệt tác trong bất cứ trang sách nào. Chúng tôi xin đưa một vài thí dụ để biết rõ văn tài của tác giả.
Tâm trạng Thúy Kiều sau khi phải vào thanh lâu lần thứ nhất
“Lầu xanh mới rủ trướng đào,
“Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người.
“Biết bao bướm lả, ong lơi,
«Cuộc say đầy tháng, trận cười thâu đêm.
«Dập dìu lá gió, cành chim,
«Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.
«Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
«Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
«Khi sao phong gấm, rủ là,
«Giờ sao tan tác như hoa giữa đường !
«Mặt sao dầy gió, dạn sương,
«Thân sao bướm chán ong chường bấy thân !
«Mặc người mưa Sở, mây Tần,
«Những mình nào biết có xuân là gì.
«Ðòi phen gió tựa, hoa kề,
“Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu.
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ !…”
Tiếng đàn của Thúy Kiều
Ðàn cho Kim Trọng nghe :
“Trong như tiếng hạc bay qua,
“Ðục như nước suối mới sa nửa vời.
“Tiếng khoan như gió thoảngngoài,
“Tiếng mau sầm sập như trời dổ mưa.”
Ðàn cho Hồ Tôn Hiến nghe trong tiệc hạ công :
“Một cung gió thảm mưa sầu,
“Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.
“Ve kêu vượn hót nào tày,
“Lọt tai Hồ cũng chau mày rơi châu
“Hỏi rằng : Này khúc ở đâu ?
“Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay.
“Thưa rằng : Bạc mệnh khúc này,
“Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ.
Cung cầm lựa những ngày xưa,
“Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây.
“Nghe càng đắm, đắm càng say,
“Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình.”
Về lời văn, nghệ thuật tả cảnh, tả tình, không ai có thể bằng Nguyễn Du. Nhưng nếu chỉ căn cứ về mặt hình thức mà tôn lên hàng đại tác phẩm, bất hủ có phải là điều quá đáng không ? Ai cũng biết rằng ngày xưa, khi Nho học còn thịnh, người ta trọng lời văn hơn nội dung vì tư tưởng nào cũng không thể vượt qua được tư tưởng Khổng Mạnh. Truyện nào cũng phải nằm trong khuôn khổ Khổng giáo, lấy luân thường, đạo lý làm gốc. Tôi phải trung với vua, con cái phải có hiếu với cha mẹ, người đàn bà khi đã “xuất giá” thì phải hết lòng “tòng phu”… Không ai có thể vượt qua những kỷ cương ấy.
Vì thế, người xưa xét Truyện Kiều về khía cạnh hình thức nhiều hơn nội dung. Vậy, ngày nay chúng ta có nên định lại giá trị Ðọan Trường Tân Thanh không ? Chúng ta có nên đặt tác phẩm vào đúng chỗ của nó hay cứ lẳng lặng đi theo ngườI xưa mà tôn sùng một tác phẩm văn chương chỉ đẹp về mặt hình thức ? Nhưng có một điều đáng buồn là nếu chúng ta “truất phế” ÐoạnTrường Tân Thanh, nền văn học Việt Nam sẽ có một khoảng trống lớn vì cho đến nay, cả trong lẫn ngoài nước, chưa có một tác phẩm nào khả dĩ thay thế, dù chỉ về mặt hình thức.
Tạ Quang Khôi