Ngày 27 tháng 7, đài RFI vừa loan tin: “Nhân ngày kỷ niệm thương binh liệt sĩ ở Việt Nam, một số nhân sĩ, trí thức ở thành phố Hồ Chí Minh cùng với câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm tất cả những người đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và hải đảo.
Ðó là những người đã hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như trong hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam.”
Báo chí ở hải ngoại, trong tinh thần “phấn khởi” cũng đã cho rằng: “Lần đầu tiên, Sài Gòn có một lễ tưởng niệm các chiến sĩ VNCH tử trận trong khi giữ đảo Hoàng Sa năm 1974, chống cự quân Trung Quốc lên chiếm đảo. Và cũng lần đầu tiên, bà quả phụ Ngụy Văn Thà, vị hạm trưởng chiếc Nhật Tảo đã tử tiết theo tàu chiến này, được mời tới dự lễ vinh danh người chồng quá cố của bà.”
Chúng tôi, những người đã bỏ nước ra đi, sau bao năm bị cộng sản hành hạ, chửi bới, và vùi dập hình ảnh người lính VNCH, cũng phấn khởi khi đọc các bản tin trên báo chí, tưởng như bây giờ cộng sản đã đổi hướng, biết đến lẽ phải, biết trân trọng những anh hùng liệt sĩ đã chết cho đất nước dù đó là người lính miền Nam hay miền Bắc. Trong thời gian trước tháng 4 năm 1975, trước sự xâm lăng của Trung Cộng và vì sự khiếp nhược của vai vế “bề tôi,” chính phủ Hà Nội, đã cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của đàn anh Trung Cộng còn hơn là của Việt Nam Cộng Hòa, dù Việt Nam Cộng Hòa cũng là đất nước Việt Nam. Bây giờ ngay tại Hà Nội, thật bất ngờ khi nghe tin chính phủ cộng sản cho phép ông Nguyễn Ðình Ðầu, một nhà sử học, 91 tuổi, đứng ra tổ chức một buổi lễ tưởng niệm “đồng bào, chiến sĩ” hy sinh để bảo vệ đất và biển mà trong đó “bao gồm cả các chiến sĩ VNCH đã bỏ mình chống lại Trung Cộng xâm lăng quần đảo Hoàng Sa vào ngày 18 tháng 1, 1974,” khiến tôi phải quan tâm theo dõi, tưởng tượng hình ảnh những người lính Hải Quân VNCH ngày nào trên bàn thờ hương khói, mà lòng xúc động khôn cùng.
Cũng chính vì nỗi xúc động này, tôi đã đi tìm trên những trang “lưới,” để hy vọng tận mắt thấy những hình ảnh của anh em tôi, thấy bà quả phụ Ngụy Văn Thà được vinh danh, dù là với một bó hoa nhỏ tri ân, nhưng tất cả những gì tôi thấy được ở đây, đọc được ở đây làm cho tôi mang cái cảm giác bị lừa, cũng như giới truyền thông thế giới bị lừa bởi cái tiểu xảo của cộng sản và cách loan tin vội vã gần như hoàn toàn sai sự thật của nhiều ký giả.
Khoảng 50 người có mặt tham dự “buổi lễ tưởng niệm” trong một cái phòng nhỏ ở số 43 đường Nguyễn Thông Saigon có sự hiện diện của giới “nhân sĩ, trí thức” như các ông Nguyễn Ðình Ðầu, GS Tương Lai, ông Lê Hiếu Ðằng, Ðỗ Trung Quân và ông Huỳnh Tấn Mẫm (!).Chúng ta thấy gì trên sân khấu và trên bàn thờ? Thay vì bài vị và hình ảnh các tử sĩ của cả hai bên như ý nghĩa tưởng niệm, thì chúng ta chỉ thấy một bàn thờ Hồ Chí Minh và ngọn cờ máu. Bên phải bàn thờ “bác” có mấy hàng chữ lớn: “Kỷ Niệm 64 Năm Ngày Thương Binh Liệt Sĩ Việt Nam 27 tháng 7, 2011,” bên trái “bác” có câu: “Tưởng Niệm Ðồng Bào Chiến Sĩ Hy Sinh Bảo Vệ Biên Cương Hải Ðảo.” Lá cờ lớn sau ảnh Hồ Chí Minh màu đỏ, bàn thờ phủ khăn màu đỏ, bục thuyết trình phủ khăn đỏ, cả hai cây đèn cầy không thắp (!)và hai chục hoa “glaieul” cũng màu đỏ luôn. Không thấy có câu nào là “vinh danh tử sĩ VNCH,” cũng không có câu nào là “Hoàng Sa ngày 8 tháng 4, 1974” hay “buổi lễ tưởng niệm chung cho các chiến sĩ hai miền Nam Bắc.” Diễn thuyết xong, (cho ăn kẹo cũng không có ông trí thức XHCN nào dám lên tiếng ca tụng “công khai” các chiến sĩ VNCH), cuối cùng thì bà con lên thắp nhang khấn vái trước bàn thờ ông Hồ, mà không phải là ai khác!
Bà quả phụ Ngụy Văn Thà (1) mặc áo bà ba ngồi ở hàng ghế thứ hai, “bị” mời lên thắp nhang trên bàn thờ “bác Hồ” vì không có bàn thờ nào dành cho anh hùng Ngụy Văn Thà, chồng của bà. Ðể kết thúc buổi lễ, người ta bắt bà cầm một tấm bảng có mấy chữ viết tay nguệch ngoạc “Phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc vi phạm biển đất thuộc chủ quyền Việt Nam” để chụp ảnh đưa lên “net.”
Ðó là những gì thuộc buổi lễ mà người ta ca tụng là “công khai,” “đặc biệt,” “hiếm có.” Ðừng hy vọng gì ở cộng sản một sự thay đổi biết điều hay tử tế, và giới nhân sĩ, trí thức Việt Nam trong câu chuyện này, dám nói dám làm vì thật sự họ chưa hết sợ đâu! Tôi không thấy phấn khởi chút nào trước sự việc trên mà cảm thấy mình bị lừa bịp! Xin ơn trên ban cho anh em tôi chút sáng suốt cuối đời!
Huy Phương
Saturday, July 30, 2011 2:00:19 PM
(1) Nếu bạn đọc muốn thăm hỏi bà quả phụ Ngụy Văn Thà xin liên lạc:
Bà Huỳnh Thị Sinh
151/10 Ðường Nguyễn Kim
Phường 7- Quận 10 – Sàigòn
Số phone mới: 848-3857-2760