Mối quan tâm hàng đầu của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) hiện nay không phải là nội dung văn kiện căn bản cho Đại Hội XI sắp tới mà là sự sắp xếp nhân sự trong Bộ Chính Trị sao cho vừa ý đàn anh phương Bắc. Đường lối chính đã vạch sẵn, chẳng cần phải thay đổi – góp ý, ừ thì cứ góp ý, nhưng đường ta ta cứ đi — trừ phi có chỉ thị của đảng đàn anh. Những vụ ký kết nhượng bộ về biên giới, vùng biển, v.v. do ai tự ý làm? Đảng. Sự kiện ĐCSVN không thể cưỡng lại ý định cùa ĐCSTQ cho thấy rõ hiểm họa mất nước cũng từ đó mà ra. Trước mắt là vụ tranh chấp Biển Đông mà cốt lõi là ý đồ sát nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào nội hải của Trung Hoa do “đường lưỡi bò” khoanh vùng . Đó chì là bước đầu. Tại sao Trung quốc cứ khăng khăng đòi đàm phán song phương? Bởi vì tình đồng chí anh-em (thực chất là thầy-trò) trong một nhà, anh bảo thì em phải nghe, nếu không thì hết tình hết nghĩa. Nhưng nếu thế thì coi như Việt Nam không còn là một quốc gia có chủ quyền lãnh thổ. Và nếu ý thức dân tộc đủ mạnh để thúc đẩy một cuộc đối diện tay đôi sòng phẳng thì nguy cơ xung đột bằng vũ lực, thậm chí chiến tranh, sẽ bùng nổ. Vấn đề là trong tình thế giằng co này bao giở Trung Quốc sẽ ra tay thôn tính Việt Nam?
Chứng cứ đã hiển lộ không thể lầm. Theo tường thuật của phóng viên báo Vietnamnet, một vị tiến sĩ Tàu tên Vương Hàn Lĩnh [một loại “quan văn phò chính thống” của nhà nước CSTQ] có tuyên bố:
“Chính phủ Trung Quốc cho rằng tất cả những quần đảo nằm trong đường chữ U chín đoạn (đường lưỡi bò) là thuộc về Trung Quốc và Trung Quốc đã thực thi chủ quyền và quyền tài phán từ cách đây hơn hai ngàn năm” và “Nên nhớ rằng cho đến năm 1885, Việt Nam vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc”.
Hắn còn lớn tiếng đe dọa: “Tôi muốn nhắc lại nếu không chọn cách giải quyết như tôi vừa nêu, (đàm phán song phương), các anh sẽ phải hứng chịu các xung đột bằng vũ lực, hoặc thậm chí chiến tranh”.
Đó chỉ là mặt nổi, có tính hù dọa trong một cuộc tranh biện. Quan trọng và khả tín hơn, theo một biên bản ghi âm (1) một buổi họp giữa Tổng Cục 2 Việt Nam và đối tác cao cấp Trung Cộng, một chính ủy họ “Sùng” đã khẳng định như lời phán quyết của một cấp trên như sau:
“Việc Việt Nam trở về với tổ quốc Trung Hoa vĩ đại là việc trước sau sẽ phải đến. Không sớm thì muộn. Mà sớm thì hơn muộn. Trong lịch sử, Việt Nam từng là quận huyện của Trung Quốc, là một nhánh của cây đại thụ Trung Hoa. “Trung Quốc và Việt Nam là một”. Ðó là chân lý đời đời. Ðó cũng là lời của Hồ đồng chí (Hồ Chí Minh) trong lễ tuyên thệ gia nhập đảng cộng sản Trung Quốc. Hồ đồng chí tôn kính còn dạy: “Trung Quốc, Việt Nam như môi với răng. Môi hở thì răng lạnh.” Có nghĩa là hai nước là hai bộ phận trong cùng một cơ thể. Nông đồng chí (Nông Ðức Mạnh) từng tự hào nhận mình là người Choang (Tày) trong cuộc gặp gỡ các đại biểu trong Quốc Vụ Viện. Mà dân tộc Choang là gì? Là một bộ phận của đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.
Đáng ghi nhận hơn cả là lời Sùng chính ủy tiết lộ:
Trong tướng lĩnh, phần nhiều là người của ta, do ta đào tạo, cất nhắc. Công này là của nguyên chủ tịch Lê (Ðức Anh) người rất biết nhìn xa trông rộng.
Trong Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam có một vị thế đặc biệt do ba tư thế duy nhất tạo nên sự cách biệt hẳn với 9 quốc gia kia. Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia Hán hóa (sinicized) duy nhất. Thứ hai, Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc chung một biên giới dài (1,350 km) chỉ kém Miến Điện và có một bờ biển dài khó phòng thủ do tiếp giáp với “Đường Lưỡi Bò” mà Trung Quốc đã coi là hải phận của mình. Thứ ba — và quan trọng hơn cả — Việt Nam do Đảng Cộng Sản thống trị, cùng chung ý hệ và liên hệ mật thiết anh-em với Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng đang thống trị Trung Hoa (xem trên).
Ngoài Việt Nam, các quốc gia Hán hóa ở châu Á là: Nhật Bản, Triều Tiên, Đại Hàn, và Mông Cổ. Nhưng thế nào là Hán hóa? Hán hóa là chịu ảnh hưởng đồng hóa về văn hóa và ngôn ngữ của Trung Hoa. Tưởng không cần nói nhiều về trường hợp Việt Nam đã bị nhà Hán đô hộ trong gần 10 thế kỷ trước khi dành được độc lập vào năm 938. Chỉ cần điểm qua vài nét văn hóa như ăn cơm bằng đũa, ăn Tết âm lịch, sử liệu Hán văn, chế độ thi cử, số lượng ngữ vựng Hán-Việt, mới thấy ảnh hưởng Hán hóa sâu đậm tới mức nào. Tuy nhiên, Hán hóa không có nghĩa là Hán thuộc.
Thực ra thì Việt Nam cũng như các nước Hán hóa kia vẫn giữ được căn cước đích thực của mình là một dân tộc có tiếng nói, chữ viết và văn hóa khu biệt, và ảnh hưởng Hán hóa cũng dần dần phai nhạt với thời gian. Việt Nam ngày nay không còn là Việt Nam trước thế kỷ XIX, một quốc gia hiện đại tương tự nhưng chưa theo kịp Đại Hàn, một nước cũng đã bị Hán hóa cho đến thế kỷ XV.
Có thật là: “Trong lịch sử, Việt Nam từng là quận huyện của Trung Quốc, là một nhánh của cây đại thụ Trung Hoa”? Vấn đề cần xét lại.
Một số sử gia Việt Nam dựa theo các sách chính sử của Trung Hoa như Sử Ký của Tư Mã Thiên, Thủy Kinh Chú của Lê Đạo Nguyên, và Tiền, Hậu Hán Thư,v.v…thừa nhận dân tộc mình có gốc là Lạc Việt, một trong số bộ lạc Bách Việt (bách chỉ có nghĩa là nhiều) trước đây sinh sống ở miền Nam sông Dương Tử (Trường Giang) như Âu Việt, Mân Việt v.v… ngày nay là cư dân Phúc Kiến, Quảng Đông và Quảng Tây. Nhưng Việt gì thì Việt, tất cả những bộ lạc ấy đều không thuộc chủng tộc Hán (2). Một giả thuyết khác dựa trên quan điểm khoa học cho rằng nguồn gốc dân tộc Việt là chủng cổ Mả Lai (proto malay hay indonesian) thuộc dòng mongoloid di cư từ cao nguyên Tây Tạng xuống miền Nam cách đây khoảng 5,000 năm. Người Việt không phải là người Hán như chỉ số đo sọ (cranian index) đã cho thấy. Gia dĩ tiếng Việt thuộc ngữ hệ Mon-Khmer hay Tai-Kadai chứ không phải Sino-Tibetan như tiếng Hoa. Khoa ngữ học tỷ hiệu (comparative linguistics) cũng phát hiện một số lớn ngữ vựng có gốc cổ Mã Lai mà ta gọi là thuần Việt (3). Một sự trùng hợp đặc biệt là cả hai, Lạc Việt hay Cổ Mã Lai, đểu là chủ nhân ông của trống đồng Đông Sơn, một nền văn minh thuần Việt không liên hệ gì với Hán tộc.
Vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt, theo ý tôi, nhất thiết phải được soi rọi lại dưới ánh sáng khoa học của khảo cố học tiên tiến, chỉ số đo sọ bất biến, ngữ học tỷ hiệu và ngữ cổ học (linguistic anthropology) – chứ không phải dựa theo sử sách Trung Hoa — để xác quyết là từ xưa đến nay, người Việt chúng ta chưa bao giờ hề là một chi của Hán tộc, mặc dầu một số triều đại phong kiến xưa kia có thông lệ triều cống (tribute) nhà Hán hàng năm với mục đích duy trì hữu nghị. Triều cống không phải là tư thế của thuộc quôc.
Trước nguy cơ có thể xẩy ra xung đột, Nhà nước CSVN chuẩn bị đề phòng nhưng cũng ý thức được sự thua kém của mình về mặt quân sự cho nên đã đặt mua 6 tầu ngầm loại Kilo, 24 chiến đấu cơ SU-30MK hiện đại và hỏa tiễn chống phi cơ SA-300 của Nga. Vấn đề quan yếu là, khi xẩy ra chiến tranh, để bảo vệ một bờ biển dài như vậy, Việt Nam không phải là đối thủ của Hải quân Trung Quốc. Gia dĩ, thời gian chờ đợi giao hàng, huấn luyện sử dụng và khai triển hệ thống bảo trì quân dụng mới phải mất nhiều năm mới có thể sẵn sàng ứng phó. Hơn nữa số lượng đặt mua tương đối ít ỏi, làm sao một mình có thể đương cự hữu hiệu với Không và Hải quân Trung Quốc ngày càng gia tăng lực lượng? Ta thấy ngay là nếu Trung Quốc sớm ra tay trước bằng vũ lực thí phần thua chắc chắn là về phía Việt Nam. Số phận của kẻ thua trận sẽ ra sao? Dân tộc Việt sẽ ra sao trong tương lai? Trước mắt, mong rằng các ủy viên đảng CSVN trong quân đội, công an và hành chánh sẽ không bị tống đi “lao cải” nhiều năm như trường hợp VNCH trước đây.
Như vậy, làm sao có thể tránh hiểm họa mất nước? Còn con đường nào khác để cứu nước? Xin khẳng định như đinh đóng cột là CÓ.
Muốn cứu nước trước hết ĐCSVN phải tự cứu mính. Cứu người tương đối dễ, cứu mình mới là khó. Một khi Trung Quốc đã quyết tâm thì nài nỉ, van xin kiểu đồng chí “môi hở răng lạnh” hay “16 chữ vàng” đều vô ích. Để tự cứu mình, phải chịu hy sinh, nghĩa là phải tự “diễn biến hòa bình” để trở thành một quốc gia có thể chế khác hẳn hiện nay. Tóm một lời là phải dứt khoát cắt đứt mối liên hệ đảng-đảng anh em giữa hai nước. Lãnh đạo ĐCSVN đã bị các đồng chí Trung Quốc lũng đoạn từ lâu và một số đã trở thành tay sai trung thành như tài liệu nói trên đã chỉ ra. Điều đó không thể thay đổi nếu cứ giữ nguyên hiện trạng. Nông đồng chí có thể ra đi nhưng sẽ có một Nông đồng chí khác thay thế.
Không phải là ngẫu hứng mà có hiện tượng “chúng khẩu đồng từ” của 20 cựu đảng viên cao cấp – một “túi khôn” (lời ông Bùi Tín) hay think tank chưa từng có — đã người người như một yêu cầu bác bỏ Cương Lĩnh và Chiến Lược của Bộ Chính Trị “kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê và định hướng xã hội chủ nghĩa”. Họ là những trí thức có tư duy độc lập, những đảng viên đã nhiều năm dầy dạn với công tác đảng, công tác nhà nước ở cấp đủ cao để ý thức được nguy cơ mất nước vào tay Trung Cộng nếu cứ kiên định đường lối cũ. Sự kiện này cũng hàm nghĩa một số lớn đảng viên hiện nay cũng có thể cùng tư duy nhưng không dám mở miệng vì đang tại chức. “Túi khôn dân tộc” cũng đòi soạn thảo lại Hiến Pháp, nghĩa là đòi thay đổi tận gốc rễ cơ cấu thể chế độc đảng toàn trị, điều mà các nhà tranh đấu cho dân chủ vẫn kiên trì cho đến nay và bị giam cầm, tù tội.
Tại sao hàng ngàn trí thức tai mắt chống đối dự án Bauxite Tây Nguyên? Ví hiểm họa bùn đỏ chăng? Có thể, nhưng đó chỉ là một lý cớ. Quan tâm đích thực của họ là sự hiện diện của hàng vạn chuyên viên, công nhân Trung Hoa và gia đình. Chiều hướng toàn cầu hóa hiện nay trước sau gì xem chừng cũng khuyến khích sự thay đổi thể chế của Việt Nam hiện nay. Để tạo đối trọng cho sự đe dọa của sức mạnh Trung Quốc, Việt Nam cũng đã sáp lại gần với Hoa Kỳ nhưng không thể mặn mà. Muốn làm bạn với Hoa kỳ không phải dễ, vì có điều kiện …“đừng dẫm đạp lên người dân mình”. Khốn nỗi, mỗi lần một lãnh đạo viếng Hoa Kỳ thì y như rẳng một lãnh đạo khác lại phải sang Trung Quốc khấu đầu tạ tội. Còn gì nhục nhã cho bằng? Chủ quyền quốc gia Việt Nam ở đâu?
Bằng mọi giá, ĐCSVN phải tự lột xác để sống cón cùng đất nước. Phải tự giải thể để biến thành một chính đảng khác. Giải thể không có nghĩa là giải tán hay tan hàng mà tự ý thay đổi bản chất “độc tài chuyên chính” thành “dân chủ pháp trị” thực sự, tên gọi là gì cũng được miễn không phải Cộng sản hay Xã hội chủ nghĩa. Chế độ mới không nhất thiết phải đa đảng, nhưng phải chấp nhận ít nhất một đảng đối lập liên kết những người bất đồng chính kiến trong nước và cộng đồng người Việt hải ngoại. Hành động quyết liệt đó sẽ biến Việt Nam thành một quốc gia dân chủ đứng vào hàng ngũ các quốc gia dân chủ hùng mạnh trên thế giới, ít ra thì cũng là bạn đồng hành thực sự, trong khối ASEAN. Vị thế mới của một Việt Nam dân chủ sẽ khiến Trung Cộng phải xét lại ý đồ “ Việt Nam phải trở về với tổ quốc Trung Hoa vĩ đại” của mình và trước mắt, chùn bước trong đòi hỏi đàm phán song phương trong tranh chấp Biến Đông.
Về lâu dài, với chính sách coi Biển Đông là quyền lợi lưu thông ắt phải có của Hoa Kỳ như Ngoại trưởng Clinton đã từng tuyên bố và dự án tăng cường sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong vùng mà Bộ trưởng Quốc phòng Gates mới công bố, có lẽ đã đến lúc phải nghĩ tới việc thành lập một Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á tương tự như NATO hay SEATO trước đây. Với sự tham dự của các cường quốc như Hoa Kỳ và Ấn Độ hay Úc, Việt Nam chắc chắn sẽ được yểm trợ mạnh mẽ để duy trì chủ quyền quốc gia dân tộc của mình trong tương lai miễn là ĐCSVN quyết tâm theo con đường cứu nước như đã phác họa. Nói tóm, hãy làm một cuộc “cách mạng dân tộc” thực sự, “chống Hán cứu nước”, lối ra duy nhất trong tình huống hiện nay.
Nước đã mất thì đảng cũng chẳng còn. Và nếu còn thì cũng sẽ teo lại thành một Tỉnh hay Khu bộ dưới quyền các đồng chí “thái thú” Trung Hoa.
Chu Việt
11.2010
(1) Nguồn gốc của tài liệu này chưa thể xác định nhưng tính khả tín rất cao dựa trên những diễn biến xung quanh vụ Tổng Cục 2. Nó chỉ phản ánh những hiện thực mà ta đã biết.
(2) – Lịch Sử Việt Nam, Tập 1 – Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1983.
– Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời – Đào Duy Anh, NXB Văn hóa Thông tin, 2005.
(3) Những luận điểm trong đoạn này phần lớn dựa theo cuốn “Nguồn Gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam” (1971 – NXB Xuân Thu in lại) của nhà văn-học giả Bình Nguyên Lộc mà tôi cho là khá thuyết phục mặc dầu văn cách của ông có tính luận chiến (polemic) không thể tránh.