Lâu rồi tôi không viết về các cá nhân trong hệ thống lãnh đạo cộng sản. Bởi nghĩ rằng, con người ai cũng có khiếm khuyết và những tồi dở thô thiển mà họ mắc phải chỉ một phần do nhân cách, mà phần lớn hơn là do sự trói buộc của guồng máy độc tài. Không một ai thành công giữ mình trong sạch trong hệ thống đó, đặc biệt là khi đã bước đến địa vị cao cấp trong đảng cộng sản và chính quyền.
Tôi thấy nhiều người phương Tây, trừ những chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về các chế độ độc tài nói chung và Việt Nam nói riêng, đa số đều tin rằng sự quản lý đất nước tồi tệ dẫn đến nhiều quốc nạn hiện nay tại Việt Nam phần lớn là do sự thiếu kiến thức kỹ trị, văn hóa quản lý kém của những người lãnh đạo chính trị.
Từ suy nghĩ này, họ tìm thấy hy vọng giải quyết vấn đề bằng con đường giáo dục. Người phương Tây rất ủng hộ chính quyền Việt Nam trong nỗ lực đào tạo kỹ năng, cung cấp kiến thức cho đội ngũ công chức có tiềm năng lãnh đạo qua các chương trình học bổng liên chính phủ.
Họ hy vọng con cháu, thân nhân đảng viên cộng sản sau khi du học phương Tây về sẽ đổi mới tư duy quản lý, giúp điều hành hệ thống độc tài tốt hơn, cởi mở hơn và người dân Việt Nam sẽ…dễ thở hơn. Đây là một cách nghĩ thiện chí và đáng trận trọng.
Trong thời đại của nền kỹ nghệ tri thức này, kiến thức và kỹ năng là chìa khóa để giải quyết khá nhiều vấn đề trong các xã hội. Việc đề cao giáo dục là một quan điểm đúng đắn. Vì còn gì tốt hơn việc trang bị đầy đủ kiến thức cho con người, giúp họ có cơ hội sáng tạo và áp dụng những gì mình đã học, đã phát minh vào cuộc sống, để thay đổi thế giới tốt đẹp hơn?! Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ khác.
Cũng không ít người trong nước tin rằng sự “trẻ hóa” (theo cách gọi của họ) đội ngũ lãnh đạo này sẽ giúp thay thế những đảng viên già cỗi, dốt nát bằng những thanh niên tài giỏi, có học vị cao ở nước ngoài. Điều này theo họ ít ra cũng là thay đổi tích cực trong lúc chúng ta chưa làm được gì khác! Sự thể có đơn giản vậy không?
Gần đây, tin Nguyễn Minh Triết, con trai thủ tướng đương nhiệm, được bổ nhiệm chức Phó bí thư tỉnh đoàn Bình Định, nhiệm kỳ 2013 – 2017, được nhiều người quan tâm. “Con vua thì lại làm vua” là chuyện thường ở Việt Nam – một quốc gia vẫn nằm dưới chế độ đảng trị chuyên chế. Nhưng ảo ảnh mà nó tạo ra đủ làm cho nhiều thanh niên mơ mộng về một tương lai sáng sủa hơn.
Việc ngày càng xuất hiện nhiều “cô chiêu cậu ấm” nhân dạng sáng sủa, du học bằng cấp cao trở thành những người lãnh đạo trong guồng máy đã mang lại uy tín nhất định cho đảng cộng sản. Điều này được đề cao bởi giới trí thức thân chính quyền, chính giới phương Tây và giới thanh niên sinh viên. Theo thiễn nghĩ của người viết, đây là một ảo tưởng nguy hiểm!
Ngược về hậu bán thế kỷ trước, đến xứ Chùa Tháp – người láng giềng có duyên nợ khắc nghiệt với Việt Nam, chúng ta lục lại hồ sơ của hai cái tên Khmer Đỏ khát máu: Pol Pot và Ieng Sary. Họ đều từng du học ở Pháp, tuy không có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ nhưng ít nhất họ đã được giáo dục những giá trị phương và trải nghiệm môi trường cởi mở Tây; dù môi trường công quyền và xã hội Pháp chưa hẳn minh bạch như Anh quốc hay tự do như Hoa Kỳ. Thế nhưng, nếu quãng thời gian ở Pháp có thể tạo cho họ chút vẻ bề ngoài lịch lãm hơn những người dân Campuchia cùng khổ, thì ngược lại những giá trị Phương tây không thể ngăn chặn được những sắc lệnh diệt chủng đồng bào họ do chính họ ban ra.
Gần đây hơn, đến với Syria khói lửa và tang thương trong nội chiến và khủng bố, chúng ta nhìn thấy một tên độc tài khác, sắt máu không kém là Bashar al-Assad. Ông này là bác sĩ, từng du học hậu đại học ở Vương quốc Anh, sinh trưởng trong gia đình trí thức. Nhưng sau khi lên nắm quyền lực chính trị với vai trò Tổng thống xứ Trung Đông này, ông hiện nguyên hình là một tên độc tài. Đến nay, với sự tham quyền cố vị của mình, ông phải chịu phần lớn trách nhiệm vì đã đẩy Syria vào tình thế bị chiến tranh, bạo lực và khủng bố xâu xé mà chưa thấy được ánh sáng nào ở cuối đường hầm.
Chừng đó ví dụ đơn giản cũng đủ thấy bằng cấp cao và kinh nghiệm cuộc sống phương Tây chưa chắc có khả năng ngăn cản một người khỏi trở thành độc tài khi lên lãnh đạo đất nước. Như từng nói nhiều lần, tôi đặt nghi ngờ về con người vì nó là một tổng thể sinh học và xã hội phức tạp, không thể đoán định. Không một cá nhân nào thoát khỏi sự thao túng và định hướng của cái cơ chế họ đang làm việc. Không một nền dân chủ nào có thể phát triển dựa trên niềm tin vào những cá nhân đặc biệt nào đó. Muốn dân chủ hóa, cần có các định chế mang tính nền tảng và hỗ trợ.
Trở lại chuyện Việt Nam, tôi đồng ý là có nhiều người trẻ du học và đã thay đổi tư duy, trở nên phóng khoáng và yêu chuộng tự do dân chủ hơn. Nhưng việc họ có làm gì để hiện thực hóa sự yêu chuộng dân chủ đó hay không thì còn là việc nan giải. Có được mấy người du học rồi trở về, trở thành người đối lập và dấn thân cho tự do như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức…? Hay là họ trở về và tiếp tục phục vụ chế độ để tìm kiếm tương lai khanh tướng? Hoặc tìm cách ở lại nước ngoài sống an nhàn? Bởi vậy, một yếu tố quan trọng khiến phong trào dân chủ hiện nay chưa thể lớn mạnh là, phần lớn giới trí thức, dù hiểu ra vấn đề tự do dân chủ, nhưng chưa có động lực đủ mạnh để hy sinh những lợi ích hiện có.
Về anh Phó bí thư Nguyễn Minh Triết và những người bạn con ông cháu cha của anh, các anh chị ấy là con cái của những lãnh đạo đảng và tư bản đỏ; lớn lên trong môi trường của sự mua quan bán tước; của những mánh khóe tham nhũng, rửa tiền…; của nhiều hành động tội ác mờ ám khác, và đặc biệt là trưởng thành với ý thức rằng mình sẽ được đưa lên vị trí lãnh đạo vì cha mẹ mình đã tạo dựng được phe cánh vững chắc.
Vậy thì, dù vốn các anh chị ấy sinh ra ngây thơ, tốt đẹp, họ có thể giữ được sự trong sáng trong môi trường u tối đó không? Càng trưởng thành, ý thức coi thường người dân của họ sẽ càng lớn. Quyền lợi chính trị, tài nguyên quốc gia trong nhận thức của họ, chỉ là những thứ để họ chia chác với nhau, đâu đến lượt người dân thường chen vào, hoặc bày tỏ ý kiến ý voi…Họ lớn lên với tương lai quyền lực được sắp đặt sẵn từ cha mẹ, vậy lá phiếu bầu cử của cử tri sẽ không khác những tờ rơi bay ngoài phố.
Họ được thọ lãnh nhiều tri thức và giá trị phương Tây, thì đã sao? Họ về nước để lãnh đạo một vị trí có sẵn chứ đâu phải để thi thố tài năng, để được công chúng công nhận là xứng đáng. Và trong guồng máy độc tài đó, điều họ cần là khả năng tạo lập phe cánh, xử lý các mâu thuẫn lợi ích nội bộ, hiểu ý lãnh đạo để dễ bề thăng chức, và đặc biệt là biết …vâng lời quan thầy ở Trung Nam Hải; chứ đâu cần phải đem áp dụng kiến thức vào việc quản lý đất nước, đâu cần cố gắng sửa đổi hệ thống này làm gì?! Nếu họ là những con người tâm huyết đến độ muốn thay đổi những khiếm khuyết của chế độ, thì liệu họ có đủ thế lực để thực hiện ý muốn của mình không? Họ có thể chữa một con bệnh ung thư giai đoạn cuối? Họ có đủ can đảm để chống đối cấp trên, phe cánh và gia đình?
Nếu đặt quá nhiều “tâm tư” với những người này, chúng ta sẽ mất thời gian cần thiết để tập trung cho nỗ lực khác hữu ích hơn. Huống chi nó còn khiến chúng ta hy vọng hão huyền rằng đảng cộng sản có khả năng tự sửa đổi. Đó chỉ là suy nghĩ của những “trí thức thân cộng” hoặc những nhà quan sát tay mơ nước ngoài.
Dân Việt Nam ta nếu cứ thụ động chờ đợi những thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo sẽ làm thăng tiến đất nước theo hướng tích cực, thì có lẽ khi chúng ta chưa kịp thấy sự thay đổi thì đất nước này đã trở thành một tỉnh lẻ của Trung cộng rồi.
Đầu năm thật tiếc vì phải nói những điều nặng nề như thế!
Huỳnh Thục Vy
Buôn Hô 5/1/2015