Dân Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống bốn năm một lần, bầu Quốc Hội hai năm một lần. Trong ngày 4 Tháng Mười Một, họ sẽ bầu lại tất cả 435 dân biểu và một phần ba số 100 nghị sĩ, trong năm nay cũng bầu 30 trong số các thống đốc của 50 tiểu bang và chọn các dân biểu, nghị sĩ cấp tiểu bang.
Hai đảng chính trị lớn ở Mỹ, mỗi đảng có những đường lối chính khác nhau; nhưng mỗi lần tranh cử họ lại cố gắng thu hút những nhóm cử tri khác nhau, không nhất thiết là những người đồng ý 100% với chủ trương, đường lối chính của đảng. Thí dụ, giới lao động xưa kia vốn là thành trì của đảng Dân Chủ vì đảng này thiên về phía người nghèo; nhưng từ thập niên 1980 đã được đảng Cộng Hòa hấp dẫn, Họ tin vào chủ trương của Tổng Thống Reagan bảo vệ nền đạo lý cổ truyền, chống phá thai, chống tăng thuế, và chống khuynh hướng của chính phủ liên bang thâu tóm quá nhiều quyền hành. Từ đó tới nay, đảng Cộng Hòa nhắm vận động và thành công với những cử tri lao động và nông dân vốn có khuynh hướng bảo thủ về đạo lý, xã hội. Các ứng cử viên Quốc Hội có thể đi ra ngoài các đường lối chung của đảng để thắng cử. Thí dụ ở vùng Ðông Bắc nước Mỹ (New England) trong mấy cuộc bầu cử qua đảng Cộng Hòa đã thất bại nặng nề. Trong cuộc tranh cử năm nay, các ứng cử viên Hạ Viện của đảng Cộng Hòa trong các tiểu bang vùng này tìm cách thu hút các cử tri trước đây theo đảng Dân Chủ. Họ chỉ đề cao các chủ trương chính của Cộng Hòa, như chống tăng thuế, chống Obamacare; trong khi vẫn bày tỏ những ý kiến như không chống phá thai, cũng không chống hôn nhân đồng tính; tức là ngược lại với đường lối chung của đảng. Muốn thắng cử, mỗi đảng chính trị phải tạo được những tập hợp càng rộng càng tốt, thu hút các cử tri bằng cách đáp ứng đúng những mối quan tâm, lo lắng, hoặc khát vọng của họ.
Trong những cuộc bầu cử toàn quốc gần đây nhất, hai đảng có khả năng khác nhau trong việc tập hợp các cử tri nòng cốt. Ðảng Dân Chủ rất mạnh khi thu hút các nhóm khác nhau để cùng ủng hộ họ trong các cuộc tranh tử tổng thống. Trong khi đó đảng Cộng Hòa rất mạnh khi vận động ở cấp địa phương và tiểu bang, như khi dân bầu Quốc Hội.
Nhưng cuộc tranh cử quan trọng nhất năm nay là việc bầu Thượng Viện. Hiện nay đảng Dân Chủ có 55 trong số 100 ghế nghị sĩ. Nếu đảng Cộng Hòa thắng thêm được sáu ghế đang nằm trong tay Dân Chủ thì họ sẽ kiểm soát Thượng Viện. Các cuộc nghiên cứu dư luận cho thấy Cộng Hòa sẽ thắng ghế nghị sĩ tại hai tiểu bang Montana, West Virginia, và có thể tại South Dakota. Còn lại năm, sáu tiểu bang đang nghiêng ngửa, là Alaska, Arkansas, Colorado, Iowa, Louisiana và North Carolina Cộng Hòa phải chiếm thêm ba ghế nữa. Nhưng đảng Cộng Hòa cũng có thể mất một vài ghế mà họ đang giữ, như ở Kansas, và Georgia. Cuộc tranh cử ở Louisiana và Georgia có thể bất phân thắng bại, phải bỏ phiếu vòng thứ nhì trong Tháng Giêng sang năm. Một triệu chứng tốt cho đảng Cộng Hòa là trong số các tiểu bang tranh hùng để quyết định thắng bại thì chín tiểu bang đã bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống Mitt Romney vào năm 2012.
Nước Mỹ thường sôi nổi trong những năm bầu tổng thống nhưng dư luận ít chú ý đến kỳ bầu Quốc Hội. Vì thế trong những năm bầu cử giữa hai lần bầu tổng thống, như năm nay, nhiều người không thấy hứng thú cất công đi bầu. Tâm lý thờ ơ này là một nguyên nhân giúp cho đảng Cộng Hòa, vì các cử tri của đảng này thường chăm chỉ đi bỏ phiếu hơn những người ủng hộ đảng Dân Chủ. Mặt khác, những năm bầu Quốc Hội giữa nhiệm kỳ thường bất lợi cho đảng của vị tổng thống đương nắm quyền. Ðó là một lý do nữa khiến cho năm nay đảng Cộng Hòa được nhiều lợi thế.
Yếu tố quyết định thắng bại trong kỳ bầu cử có thể hoàn toàn do tâm lý của cử tri có thiết tha đi bỏ phiếu hay không. Trong hai kỳ bầu tổng thống năm 2008 và 2012, Tổng Thống Obama thắng thế phần lớn nhờ khả năng thu hút những người ủng hộ rất nhiệt thành, thiết tha muốn ông thắng. Cũng những cử tri đó, có thể họ lại hững hờ trong việc bỏ phiếu bầu Quốc Hội.
Năm nay, đảng Cộng Hòa đang được lợi thế vì những thành phần ủng hộ họ sẽ đi bỏ phiếu đông đảo hơn. Một cuộc nghiên cứ về ý định cử tri cho thấy trong số những cử tri chắc chắn đi bỏ phiếu năm nay có 78% là người Mỹ da trắng. Mà đa số người bầu cho đảng Cộng Hòa cũng là người da trắng. Ngược lại, trong số những người chắc chắn đi bầu chỉ có 11% là da đen và 7% là người gốc Mexico; những sắc dân này đa số ủng hộ đảng Dân Chủ. So sánh những con số năm nay với số cử tri đi bầu năm 2012 chúng ta thấy rõ hơn. Năm 2012, trong số cử tri đi bỏ phiếu có 72% là da trắng (năm nay sẽ lên, thành 78%), 13% da đen (năm nay xuống 11%) và 10% là người Mễ (năm nay xuống 7%).
Về tuổi tác, những người lớn tuổi thường nghiêng về đảng Cộng Hòa, người trẻ theo Dân Chủ. Năm 2012, 19% cử tri đi bầu thuộc lớp tuổi 18 đến 29, năm nay chỉ còn 11% trong số những người quyết ý đi bỏ phiếu. Ngược lại, hai năm trước có 16% những người đi bỏ phiếu thuộc lớp tuổi trên 65, năm nay lớp tuổi này chiếm 25% số người chắc sẽ đi bầu. Tập hợp cử tri được đảng Cộng Hòa thu hút (da trắng, đàn ông, lớn tuổi và bảo thủ) năm nay sẽ đi bỏ phiếu đông đảo trong khi cử tri bên đảng Dân Chủ sẽ sút giảm.
Sang năm tới, có viễn ảnh đảng Dân Chủ vẫn nắm quyền hành pháp, với Tổng Thống Obama trong tòa Bạch Ốc trong khi đảng Cộng Hòa có thể sẽ kiểm soát cả hai viện Quốc Hội. Tình trạng đó có thể khiến guồng máy chính trị bế tắc vì hai đảng không bên nào chịu nhượng bộ để thỏa hiệp! Nhưng ngược lại, trong hoàn cảnh đó hai đảng sẽ bắt buộc phải hợp tác với nhau cùng giải quyết những vấn đề lớn bị tắc nghẽn từ từ mấy chục năm qua.
Nhiều cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cũng đưa tới những hậu quả quan trọng trong hai năm tiếp theo. Năm 1994, ông Bill Clinton (Dân Chủ) đang làm tổng thống, và đảng Cộng Hòa đã thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc Hội, chiếm đa số cả hai viện, lần đầu tiên họ đạt được thành tích đó trong 40 năm. Nhưng sau đó hai bên hành pháp và lập pháp đã hợp tác với nhau, và tiến tới một đạo luật cải tổ hệ thống an sinh xã hội (welfare) mà ai cũng thấy phải thay đổi, trong cả một thế hệ nhưng không vị tổng thống và Quốc Hội nào làm được.
Hai năm tới sẽ quyết định sự nghiệp của ông Barack Obama. Trong hai năm cuối cùng làm tổng thống, ông muốn để lại một di sản nào như ông Clinton thì sẽ phải cộng tác với Quốc Hội, cả hai viện có thể nằm trong tay đảng Cộng Hòa. Ngược lại, nếu các đại biểu Cộng Hòa trong Quốc Hội chỉ nghĩ đến chuyện ngăn cản quyền hạn của ông tổng thống mà không tìm cách hợp tác thì trong hai năm nữa họ sẽ bị các cử tri phán xét nghiêm khắc. Về ngoại giao, ông Obama vẫn là người quyết định chính sách, nhưng Quốc Hội có thể cầm chân ông khi họ biểu quyết ngân sách cho ngành ngoại giao.
Có những vấn đề của nước Mỹ hiện nay cũng nghiêm trọng như hệ thống welfare trước đây, và cũng chưa giải quyết được vì hai đảng chưa cộng tác trong mấy chục năm qua. Một là việc cải tổ hệ thống hưu bổng xã hội, đang lo sẽ tới ngày hết tiền. Hai là việc cải tổ thuế vụ, giản dị hóa và lấp các lỗ hổng, trong khi vẫn giảm bớt thuế lợi tức cá nhân cũng như thuế xí nghiệp. Ba là cải tổ chính sách di dân.
Nghị Sĩ Bob Corker, Cộng Hòa, tiểu bang Tennessee kể ông đã nói riêng với Tổng Thống Obama rằng nếu đảng Cộng Hòa chiếm đa số cả hai viện thì ông tổng thống sẽ dễ làm việc hơn! Vì khi đó cả hai đảng sẽ thấy có trách nhiệm phải làm việc, phải đạt được những kết quả cụ thể chứ không phải chỉ giỏi chống nhau và chỉ trích nhau! Ông Corker nêu ra các vấn đề đã từng bị trì hoãn, kéo lê, mà mai mốt có thể thỏa hiệp với ông Obama: các hiệp định tự do mậu dịch đang bị ngâm tôm, cải tổ thuế xí nghiệp, quỹ xây dựng các xa lộ quốc gia, và một đạo luật mới về quyền hành động của tổng thống tại Iraq và Syria (hiện nay ông Obama vẫn còn dùng đạo luật quốc hội làm thời Tổng Thống Bush). Hy vọng rằng ông Corker không quá lạc quan. Ngoài ra, các lời tiên đoán kết quả bàu cử cũng có thể lầm. Biết đâu, vào những ngày chót trong cuộc vận động, đảng Dân Chủ sẽ có phương pháp lôi kéo các cử tri ủng hộ mình đi bỏ phiếu nhiều hơn!
Ngô Nhân Dụng