Ông Lâm Ngữ Ðường cho rằng nước Trung Hoa thời thượng cổ đã có ý thức kính trọng tuổi già như lời khuyên của thầy Mạnh Tử: “Người tóc bạc không phải đội nặng ở ngoài đường,” nhưng ông Lâm lại so sánh cái tinh thần đó như tinh thần hào hoa của Tây phương đối với phụ nữ thì tôi cho là không đúng lắm.
Ðối với việc nhặt gậy cho một cụ già ngoài đường không thể nào so sánh với việc nhường bước hay mở cửa xe cho một phụ nữ. Cùng thuộc lãnh vực văn hóa, nhưng không thể so sánh hai công việc vì bản chất nó không giống nhau. Một bên có tính chất luân lý, một bên là thuộc loại giao tiếp trong xã hội. Bên Tây đàn bà là ưu tiên (lady first), ở Nhật thì đàn bà đi sau đàn ông ba bước, nhưng có lẽ đối với người già ở đâu người ta cũng coi là đáng kính trọng. Không “hào hoa” đối với phụ nữ, dưới con mắt người phương Tây có thể là thiếu văn minh, nhưng thiếu sự kính trọng đối với người già có thể được xem như là một hành động mọi rợ. Ðiều gì xẩy ra ở Việt Nam ngày nay để có thể sinh ra lối văn hóa “chửi già” như tôi đã trình bày nhiều lần trước đây cũng như bạn đọc đã xem những lời than phiền trên nhiều trang “mạng”.
Trẻ con cũng như người già là những sinh vật yếu đuối cần phải săn sóc và che chở. Chúng ta cứ nhìn những vật dụng dùng thường ngày của hai lớp tuổi này thì thấy rõ, từ chiếc xe nôi hay xe lăn, tấm tã lót hay đến những cảnh bồng bế, tắm rửa trong nhà dưỡng lão. Nhưng con trẻ trí não chưa phát triển, không có kinh nghiệm, không biết hồi tưởng, chỉ có phản xạ kêu khóc khi đói ăn, khát uống hay ẩm ướt vì tã lót. Người già cũng với cảm giác ấy nhưng thêm biết buồn, tủi thân, biết hồi tưởng, so sánh, tiếc nuối, nhớ nhung nên phải nói rằng người già đáng cho người đời quan tâm và thương yêu hơn con trẻ. Lúc về già mà thiếu thốn vật chất, đói rét hay quạnh hiu thì không còn cảnh khổ nào bằng, nhưng cái luân lý dạy người ta bổn phận đối với cha mẹ so ra còn quá ít không bằng nghĩa vụ đối với con cái.
Ở các nước phương Tây hay các quốc gia giàu có, có quỹ an sinh xã hội đầy đủ dành cho người già, để qua một thời gian làm lụng, đóng góp cho đất nước, người già có quyền được hưởng quỹ hưu của mình, nếu không thì cũng có trợ cấp xã hội, trợ cấp tài chánh, y tế, thuốc men và bệnh viện, tuy không thong dong như những người giàu có, nhưng cũng đủ bảo đảm cho một đời sống trung bình, khỏi lo thiếu thốn, nhất là được tự lập, khỏi phải nhờ vả đến con cái, thân thuộc khi về già. Nói quá lời, nếu sống ở phương Tây, các vị cao niên khi đã đến lúc yếu đuối, bệnh tật, dù có những đứa con bất hiếu, không ngó ngàng gì đến cha mẹ, cũng không đến nỗi phải ra nằm đường hay chết bờ chết bụi. Phải chăng vì vậy, mà ở phương Tây người ta ít nói đến chữ hiếu chăng? Trẻ con vị thành niên bụi đời, trộm cắp thì cha mẹ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng cha mẹ không nhà, không có ông cảnh sát nào đi tìm những đứa con để hỏi tội!
Con cái được cha mẹ yêu thương nâng niu thì ai cũng thấy, Ðông cũng như Tây, như thành ngữ “nước mắt chảy xuôi!” cùng với những bài học phải dạy dỗ thương yêu con cái, nhưng ở phương Tây không thấy có bài vở nào nêu lên bổn phận của con cái đối với cha mẹ, nhất là cha mẹ già. “Bánh ít trao đi”: Trẻ con trên 18 tuổi có thể ra khỏi nhà, cha mẹ không còn trách nhiệm, nên đã có “bánh quy trao lại”: Con cái không có trách nhiệm gì với cha mẹ già! Nước Tàu có đến “Nhị Thập Tứ Hiếu”, mà những chuyện này dịch ra tiếng Anh cho lũ trẻ ngày nay, chắc là chúng sẽ cho đó là những chuyện ngớ ngẩn, điên khùng như chuyện Ngô Mãnh cởi trần cho muỗi hút máu, Mạnh Tông khóc đến nỗi măng phải mọc hay Vương Tường nằm trên băng giá mà chờ cá chép. Thuở nhỏ ở Việt Nam, chỉ nội trong mấy tập Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư mà chúng ta học được biết bao nhiêu bài về bổn phận làm con, yêu mến, tôn kính, biết ơn, phụng dưỡng cha mẹ…
Ai về già mà không quý trọng và hãnh diện vì tuổi già. Không hãnh diện sao lại có những lễ tiệc ngũ tuần, lục tuần, thất tuần hay thượng thọ. Thọ là phước trời ban, giàu nghèo chưa đáng kể. Hạnh phúc cho gia đình nào có tiếng khóc trẻ thơ, nhưng cũng hạnh phúc cho ai còn có cha mẹ già để phụng dưỡng. Thầy Tử Lộ thuở hàn vi, đội gạo lấy tiền công nuôi cha mẹ mà lấy làm vui, lúc trưởng thành ra làm quan thì song thân đã qua đời, lấy làm buồn vì không còn có dịp mà phụng dưỡng. Ðem chuyện này ra kể cho lũ trẻ ngày nay, chắc không phù hợp với nếp suy nghĩ của thời đại mới.
Trời Mùa Ðông rồi, trời lại mau sụp tối, cha mẹ nào sống với con thì trông con, trông cháu trở về sum họp trong buổi cơm tối. Cha mẹ nào cô đơn trong những căn nhà già thì thêm thấm lạnh nỗi quạnh hiu. Trẻ con vui mừng trước những ngày lễ hội cuối năm với những món quà, nhạc Giáng Sinh hay những phong bì mừng tuổi đầu năm, trong khi người cao niên thấy tháng ngày như vội vã trôi mau và lo sợ cho tuổi già. Chúng ta hạnh phúc được sống trong một nền luân lý xã hội phương Ðông và trong sự đùm bọc của an sinh xã hội phương Tây, thiếu một trong hai điều ấy, quả là một điều bất hạnh. Nhưng có tuổi già nào mà không buồn.
Nàng Thu Phù, trong văn học Trung Hoa, vợ của văn nhân Tưởng Thản có câu thơ viết đang lúc mùa Thu, dù là mùa Thu đang đẹp: “Hôm qua vui hơn hôm nay, Năm nay già hơn năm ngoái!” Nếu là đang cuối mùa Ðông, năm cùng tháng tận, ý thơ chắc sẽ buồn hơn thế nữa!
Huy Phương