Quan sát giữa lời nói và việc làm của nhà cầm quyền Trung Quốc lâu nay, không khó để cho các nước láng giềng cũng như thế giới nhận ra họ thường “nói một đằng làm một nẻo”.
Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hôm 12 tháng 6. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện)
Một mặt, họ luôn miệng trấn an thế giới rằng Trung Quốc kiên trì theo đuổi chủ trương trỗi dậy hòa bình, sự phát triển của Trung Quốc không đe dọa đến sự an toàn của quốc gia nào khác. Nhưng hành động thì ngược lại. Họ thường xuyên gây hấn, có những tranh chấp về lãnh thổ lãnh hải với các nước láng giềng. Từ các nước nhỏ yếu thế hơn ở vùng Ðông Nam Á cho tới các nước lớn như Nga, Ấn, Nhật…
Trong bài “Fight or flight in the South China Sea” đăng trên trang Asia Times, mà bản dịch trên trang Nhật báo Ba Sàm dịch là “Tình hình ở biển Hoa Nam hiện nay: Ðánh hay là bỏ chạy”. Tác giả David Brown gọi cách hành xử của nhà cầm quyền Trung Quốc trong vấn đề biển Ðông là “những biểu hiện của một kẻ mắc chứng bệnh thần kinh rối loạn cảm xúc lưỡng cực (bipolar disorder)”.
Những chính sách tiền hậu bất nhất đó phản ánh những mâu thuẫn trong quan điểm đối ngoại cũng như đường lối phát triển chung của đất nước trong nội bộ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc. Lúc thì phe chủ trương “tiếp tục giấu mình chờ thời” theo tư tưởng của Ðặng Tiểu Bình thắng thế. Khi thì phe “diều hâu” hung hăng muốn thể hiện vị thế “siêu cường” của Trung Quốc thắng thế.
Nhưng cho dù có thể có hai luồng quan điểm khác nhau đôi chút. Ðiểm chung của nhà nước Cộng Sản Trung Quốc từ trước đến nay như nhiều người cũng đã nói rõ, vẫn là đặt lợi ích của Trung Quốc lên trên hết. Bất chấp đến quyền lợi của nước khác, bất chấp luật pháp, công ước quốc tế. Sâu xa hơn, vẫn là tham vọng bành trướng, bá quyền có từ thời Ðại Hán xa xưa.
Bởi về nhiều mặt mà nói, cái thể chế độc đảng độc tài của nhà nước Trung Quốc hiện nay không khác với chế độ phong kiến Trung Hoa trước đây bao nhiêu.
Trong mối quan hệ với Việt Nam, cái sự “nói một đằng làm một nẻo” đó càng rõ.
Trung Quốc đã và chưa bao giờ thật tâm tử tế với Việt Nam. Sự chi viện, hỗ trợ tối đa mà Trung Quốc dành cho miền Bắc Việt Nam thời đánh Mỹ, vì lý do gì, thì sau này người Việt Nam cũng đã quá hiểu. Không những thế, Trung Quốc luôn luôn có âm mưu thôn tính Việt Nam. Cái âm mưu đó cũng chỉ là sự tiếp nối dã tâm của các triều đại phong kiến Trung Hoa đối với quốc gia nhỏ bé ở phương Nam.
Khi chưa thể thôn tính thì họ có một chiến lược được thi hành bài bản trong suốt bao nhiêu năm là trục lợi, kềm chế và phá hoại Việt Nam về mọi mặt. Nhằm ngăn ngừa không cho Việt Nam phát triển, hoặc thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của Trung Quốc.
Trong khi đó, có những giai đoạn dài, những người lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã “ngây thơ” tin vào tình hữu nghị Việt Trung! Ngay cả sau khi bộ mặt thật, tàn ác của nhà cầm quyền Trung Quốc đã lộ ra sau những cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt diễn ra vào những năm 1979, 1984, 1988!
Gần đây, khi tham vọng bành trướng của Trung Quốc và nguy cơ mất biển, thậm chí mất nước đã trở nên quá rõ ràng, những người lãnh đạo Việt Nam trở nên… rối trí. Từ lời nói, thái độ, hành động cho thấy họ lại tiếp tục trạng thái tâm thần phân liệt! Nửa uất ức, muốn làm căng với Trung Quốc, nửa tiếp tục nhu nhược, hèn yếu.
Còn người dân thì bàng hoàng nhận ra thế nước nguy ngập. Và cũng cay đắng nhận ra trong mấy chục năm qua, Trung Quốc đã kịp làm được rất nhiều thứ cho giấc mơ chiếm trọn vùng biển Ðông, tiến tới vươn lên bá chủ toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam đã chuẩn bị được những gì? Tương quan lực lượng, tư thế của Việt Nam trong mối quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc bây giờ ra sao so với năm 1979?
Một số nhà phân tích, bình luận chính trị Việt Nam và thế giới đều nhận định rằng một cuộc chiến tranh trên đất liền có thể sẽ chưa xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng việc Trung Quốc tìm cơ hội đánh chiếm nốt những hòn đảo còn lại ở Trường Sa hoặc lấn chiếm dần dần trên biển Ðông là hoàn toàn có thể. Vấn đề là Việt Nam còn được bao nhiêu thời gian chuẩn bị và sẽ làm gì.
Nếu vẫn như hiện nay, khi nào Trung Quốc gây hấn Việt Nam lại bùng lên phẫn uất, từ lãnh đạo, nhân dân cho đến truyền thông lại ầm ầm “nóng” lên mấy bữa, thế giới cũng phải lưu ý. Ðến khi Trung Quốc giơ củ cà rốt kinh tế hoặc làm ra vẻ xuống giọng ôn hòa, các ông lãnh đạo lại thở phào nhẹ nhõm. Lại trấn an nhân dân: “Tình hình biển Ðông chưa có gì nghiêm trọng, người dân cần phải tin rằng đảng và nhà nước đã có cách đối phó…” Rồi vẫn tiếp tục con đường như đã đi trong bao năm nay.
Cái kiểu “tư duy nhiệm kỳ” manh mún, không có chiến lược, cháy đến đâu dập đến đó… của những người lãnh đạo Việt Nam thể hiện trong mọi lĩnh vực. Không chỉ riêng gì chính trị, quân sự, quốc phòng, hay ngoại giao.
Còn người dân bình thường, phần lớn mãi lo lắng phẫn nộ trước cách hành xử của Trung Quốc trên biển Ðông mà không biết rõ rằng mối nguy Trung Quốc còn đến từ nhiều phía.
Nhất là kinh tế.
Mưu sâu của Trung Quốc cộng với đường lối điều hành quản lý kém cỏi, thói tham lam, tư duy ích kỷ chỉ biết thu lợi về cho mình, cho phe nhóm… của nhà nước Việt Nam đã khiến kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc. Tình trạng nhập siêu, mất cân đối nghiêm trọng trong cán cân thương mại hai nước. Hàng trăm gói thầu EPC (tổng thầu thiết kế, cung ứng thiết bị, xây lắp) thường xuyên rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc làm cho nền sản xuất của Việt Nam thêm khó khăn. Mất đi hàng trăm ngàn việc làm. Tình trạng tài nguyên bị khai thác vô tội vạ tuồn qua Trung Quốc…
Báo Tuổi Trẻ trong loạt bài “Chảy máu nguyên liệu thô” ngày 16 tháng 6 viết: “Rất nhiều mặt hàng thuộc nhóm quặng, khoáng sản và nguyên liệu thô đang được xuất khẩu ồ ạt, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng các loại nguyên liệu trên lại phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất.”
Báo Người Lao Ðộng ngày 14 tháng 6: “Người láng giềng” Trung Quốc tỏ ra cao tay khi mua không hạn chế số lượng than xuất khẩu của ta nhiều năm liền, để rồi… lấp đất lại làm “của để dành”!
Ngược lại, hàng giả hàng dỏm hàng độc hại, nhất là thực phẩm có chứa chất độc hại từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam hàng ngày bằng mọi con đường.
Ðó là chưa kể hàng loạt biện pháp chơi bẩn mà Trung Quốc đã áp dụng để phá hoại nền kinh tế Việt Nam. Từ thủ đoạn thu mua ốc bươu vàng, móng guốc trâu bò trước kia cho đến tận thu nông hải sản hay tuồn hàng trăm triệu đồng tiền Việt Nam giả vào Việt Nam để lũng đoạn tiền tệ mà công an tỉnh Lạng Sơn gần đây đã bắt được…
Trung Quốc cũng sử dụng hacker để tấn công các trang mạng Việt Nam. Báo Thanh Niên trong bài “Website Việt Nam bị tấn công dồn dập” ngày 16 tháng 6 cho biết: “Từ đầu tháng 6 đến nay, các cuộc tấn công của tin tặc nước ngoài nhắm vào các website Việt Nam bùng phát dữ dội, ước tính có hơn 1,500 website của Việt Nam đã bị xâm nhập…”
Trung Quốc đánh Việt Nam, như vậy là mọi mặt. Ðối phó với Trung Quốc, do vậy, đau đầu hơn đối phó với bất kỳ một cường quốc nào trong quá khứ.
Và nếu có chiến tranh xảy ra, nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ không coi phản ứng của nhân dân hay dư luận quốc tế là cái gì, cũng như sẵn sàng hy sinh sinh mạng nhân dân họ không thương tiếc.
Trong tình thế này, mà những người lãnh đạo Việt Nam còn lừng khừng, mù mờ, không dứt khoát thì quá nguy hiểm. Chính họ phải thoát ra khỏi tình trạng tâm thần phân liệt lâu nay, dứt khoát đoạn tuyệt với những nếp nghĩ cũ. Tâm lý sợ hãi Trung Quốc, cái gì cũng học theo làm theo Trung Quốc, những ràng buộc tự trói vào mối quan hệ đồng chí, cùng ý thức hệ… giữa hai đảng cộng sản. Cho đến tâm lý sợ mất chế độ, mất quyền lợi…
Cùng với nhân dân, họ phải xác định cuộc đấu tranh với Trung Quốc là lâu dài, toàn diện trên các mặt trận khác nhau, và phải có chiến lược rõ ràng.
Nếu biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên tất cả, mọi chuyện sẽ trở nên sáng tỏ hơn rất nhiều.
Chỉ có một sự cải tổ, thay đổi triệt để về chính trị mới thoát ra khỏi tình thế khó khăn, rối rắm hiện tại.
Ðừng để vài năm sau khi Trung Quốc thật sự đã lấn chiếm toàn bộ biển Ðông, chúng ta lại ngồi “giá như”, lại phân tích sao kẻ khác mưu sâu thế, còn ta sao ngây thơ thế. Và đừng để con cháu mai sau oán trách, hoặc tệ hơn, để lại vết nhơ nghìn đời trong lịch sử.
Song Chi