Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc hôm nay tại 15/10 tại Bắc Kinh. Theo thông tín viên của nhật báo Le Figaro tại đây, trong hội nghị lần này sẽ diễn ra cuộc đấu tranh nội bộ giữa các cán bộ lãnh đạo xuất thân bình thường, với các «hoàng tử đỏ », tức là con cháu những lãnh đạo cốt cán.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (thứ hai từ trái sang), Thủ tướng Ôn Gia Bảo (giữa), Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình (thứ ba từ phải sang) trong dịp Quốc khánh Trung Quốc 1/10/2010 tại Đại sảnh đường nhân dân Bắc Kinh. Reuters
Hội nghị này là một bước quan trọng trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 18 sẽ diễn ra vào năm 2012, lúc ê-kíp đang tại vị sẽ chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc. Thế hệ thứ nhất khởi đầu với Mao Trạch Đông, thế hệ thứ hai là Đặng Tiểu Bình, thứ ba là Giang Trạch Dân và thứ tư là bộ đôi Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo hiện nay.
Thế hệ thứ năm có lẽ sẽ là ông Tập Cận Bình, hiện là Phó chủ tịch nước, và ông Lý Khắc Cường, Phó thủ tướng sẽ lên thay ông Ôn Gia Bảo. Trong hội nghị Ban chấp hành lần này, tuy mục đích nhằm hoạch định chính sách kinh tế, nhưng mọi người đều chờ đợi xem ông Tập Cận Bình có được lên làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương hay không. Theo luật bất thành văn, thì ai giữ chức vụ quan trọng này sẽ là lãnh tụ kế nhiệm trong tương lai. Việc này đã không diễn ra trong đại hội năm ngoái, nên có tin đồn là vẫn đang có những bất đồng.
Bên cạnh vấn đề chọn lựa nhân sự, một câu hỏi lớn được đặt ra là, liệu thế hệ mới của Trung Quốc, ở độ tuổi năm mươi, liệu có lãnh đạo một cách khác đi không ?
Một giáo sư ở Bắc Kinh nhận xét, thế hệ lãnh đạo mới hồi thời cách mạng văn hóa còn nhỏ, họ lớn lên cùng với công cuộc cải cách của thập niên 80 nên thấm nhuần tinh thần mở cửa. Chẳng hạn như vào năm 1966, Tập Cận Bình đang còn học trung học, và thế hệ của ông có cách nghĩ khác. Theo giáo sư trên thì lớp người này có ý hướng đổi mới, và Trung Quốc vẫn thường thay đổi mỗi thập niên.
Nhưng một giáo sư khác đang giảng dạy ở Trường Đảng trung ương, tỏ ra ít lạc quan hơn. Ông nói : « Vấn đề của đất nước này là không được điều hành bằng luật pháp mà bởi con người, và thế hệ lãnh đạo sắp tới sẽ không khác hiện nay bao nhiêu. Tôi không hy vọng sẽ có nhiều thay đổi ». Theo ông, cho dù ý thức được sự cần thiết của đổi mới, nhưng họ chỉ muốn có những rủi ro tối thiểu. Không có lãnh đạo nào kiểu như Đặng Tiểu Bình, vừa có tầm nhìn xa vừa có khả năng áp đặt quan điểm của mình. « Họ biết rằng việc cải cách chính trị hiện quá chậm chạp so với phát triển kinh tế, nhưng cho rằng nếu thay đổi sẽ dẫn đến hỗn loạn. Buồn thay, đây là một nhận định hết sức sai lầm ».
Cả hai chuyên gia trên đều nhất trí ở một điểm : trở ngại lớn nhất cho cải cách là « các nhóm lợi ích » mà những người nắm quyền về chính trị và kinh tế cùng có liên quan, vì cải cách có thể dẫn tới việc tái phân phối quyền lực và lợi ích. Sân khấu chính trị Trung Quốc không phân chia rạch ròi làm hai nhóm tự do và bảo thủ. Cuộc chiến giành quyền lực hiện nay là giữa Liên đoàn Thanh niên Cộng sản mà chủ tịch là ông Hồ Cẩm Đào, và các « hoàng tử đỏ », nổi bật là ông Tập Cận Bình. Nói cách khác, đó là sự tranh giành ảnh hưởng giữa nhóm cán bộ có xuất thân khiêm tốn, với lớp con cháu của những cán bộ lão thành cách mạng.
Một nhà quan sát nhận định : Ông Hồ Cẩm Đào không đủ bề dày cách mạng để có thể chỉ định người kế vị. Tuy không có tầm cỡ của ông Mao, nhưng từ lâu ông đã cài cắm người phe mình ở khắp các cấp, từ trung ương cho đến địa phương. Từ năm ngoái, nhiều người phe ông đã nhanh chóng trở thành cán bộ Đảng, chủ tịch tỉnh, tướng lãnh quân đội…Thậm chí bên trong hậu trường, người ta đã chuẩn bị đến tận thế hệ thứ sáu, vào năm 2022 ! Theo nhà quan sát trên, tiếc thay ông Hồ Cẩm Đào tiếp tục ưu tiên nâng đỡ dựa trên lòng trung thành của thuộc cấp hơn là năng lực, cho nên « Việc thiếu hụt cả tài năng lẫn ý tưởng mới có nguy cơ kìm hãm các tham vọng của Trung Quốc trong nửa đầu của thế kỷ ».
Trong khi chờ đợi, cho dù có lời kêu gọi cải cách dân chủ đáng kinh ngạc của ông Ôn Gia Bảo, chính sách hiện thời vẫn là cứng rắn, mà cụ thể là phản ứng về vụ giải Nobel Hòa bình năm nay được trao cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba. Trên internet, các trang web quan trọng như Sina hay Sohu được lệnh phải có người lo việc tự kiểm duyệt.
Le Figaro nói thêm, bãi bỏ kiểm duyệt cũng chính là kiến nghị của nhóm hơn hai chục đảng viên lão thành, trong đó có ông Lý Nhuệ, cựu bí thư của Mao Trạch Đông. Và thật là nghịch lý, khi những người kỳ cựu đã cho thấy các ý tưởng cải cách không phải là độc quyền của thế hệ trẻ.
Sự kiện Lưu Hiểu Ba có thể gây chia rẽ nội bộ lãnh đạo Bắc Kinh
Cũng liên quan đến tình hình Trung Quốc, một nhà nghiên cứu đã nhận định trên báo Le Monde là, việc giải Nobel Hòa bình 2010 được trao cho ông Lưu Hiểu Ba có thể làm chia rẽ nội bộ các nhà lãnh đạo Bắc Kinh.
Le Monde cho biết, việc bắt giữ ông Lưu Hiểu Ba hồi năm 2008 cũng đã gây nhiều bất đồng. Bằng chứng là phải mất sáu tháng mới ra lệnh bắt chính thức, và hơn sáu tháng nữa để loan báo bản án. Rõ ràng là quyết định được đưa ra từ trên cao, và nhân vật số một của Trung Quốc đã quyết tâm trừng phạt nặng nề những ai dám chống đối lại mình. Một cơ quan có nhiệm vụ « duy trì ổn định » đã được thành lập với ngân sách tương đương ngân sách quốc phòng – 514 tỉ nhân dân tệ, tức khoảng 55 tỉ euro ; các « phần tử đáng ngờ » bị theo dõi ngày đêm.
Từ một năm qua, đã có những tiếng nói phản kháng, chẳng hạn báo cáo của một trường đại học uy tín ở Bắc Kinh, yêu cầu tôn trọng các quyền công dân và đề nghị tạo ra những « kênh độc lập » để phát biểu quan điểm. Báo cáo kết luận : « Việc duy trì ổn định không thể trở thành công cụ để bảo vệ lợi ích của kẻ mạnh ». Và gần đây nhất là các bài viết và phát biểu của ông Ôn Gia Bảo khẳng định « Không có cải cách chính trị, thì không thể bảo đảm có tiến bộ trong cải cách kinh tế ».
Le Monde nói thêm, trong suốt hai thập kỷ, các tổ chức độc lập đã bị bóp chết từ trong trứng nước. Nhưng trong thời điểm Trung Quốc gần như có vị trí áp đảo trên trường quốc tế, thì sự kiện giải Nobel được trao cho ông Lưu Hiểu Ba đã khiến quốc gia hãnh tiến này phải quay trở lại vị trí một nhà nước công an đơn thuần. Tờ báo cho rằng, trong hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần này vấn đề trên sẽ được đề cập đến, và một số đại biểu nhất định sẽ nghi ngờ về hiệu quả của chính sách trấn áp.
Le Monde đặt câu hỏi, liệu cách lãnh đạo đảng có thể chấp nhận việc Trung Quốc bị xếp ngang hàng với chế độ Hitler, hay tập đoàn quân sự Miến Điện, chế độ duy nhất đang giam cầm một giải Nobel Hòa bình ? Liệu Bắc Kinh có khắc nghiệt hơn Liên Xô cũ của ông Brejnev đã từng ngăn cản vợ ông Sakharov đến Oslo nhận giải ? Tờ báo nhận định, xã hội Trung Quốc ngày nay đa dạng hơn xã hội xô viết 35 năm trước, còn đảng Cộng sản Trung Quốc thì chỉ đoàn kết ở ngoài mặt, và đang có những tiếng nói chỉ trích chủ trương cứng rắn. Và như thế, sự kiện Lưu Hiểu Ba có thể đóng lại thời kỳ hòa hợp của năm 89, mở ra những tranh luận mới trong nội bộ đảng.
Cơ quan thẩm định tài chính lo ngại về Bình Nhưỡng
Cũng về kinh tế châu Á, phụ trang kinh tế của nhật báo Le Figaro cho biết, cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poor’s tỏ ra lo ngại trước sự kiện Kim Jong Un sẽ trở thành lãnh tụ Bắc Triều Tiên trong tương lai, vì đây là « một nhân vật chưa có kinh nghiệm, không có được sự hỗ trợ vững chắc ».
Cơ quan này cho rằng các khó khăn của Bình Nhưỡng cũng sẽ ảnh hưởng đến nền tài chính của Séoul, và các chỉ số sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hay thống nhất đất nước.
Theo một nhà tư vấn, thì « Bắc Triều Tiên không biết làm thế nào có thể mở cửa mà vẫn kiểm soát được nền kinh tế ». Hiện nay có thể mở các công ty liên doanh với Bình Nhưỡng nếu không quá 100 nhân viên, để tránh sự đố kỵ giữa ba quyền lực chính phủ, đảng và quân đội. Nhà tư vấn này cho rằng việc Kim Jong Un được phong đại tướng sẽ giúp quân đội gần gũi hơn với cha ông là Kim Jong Il. Nhưng nhiều người Hàn Quốc không lạc quan như thế, hôm qua hàng trăm người đã biểu tình tại Séoul chống lại chế độ Bắc Triều Tiên. Hai từ « thống nhất » làm họ sợ hãi : theo tính toán của chính phủ, cái giá cho sự thống nhất bán đảo Triều Tiên lên đến 1 563 tỉ euro, cao hơn việc thống nhất nước Đức cách đây 20 năm rất nhiều.
Giới trẻ Pháp ưu tư cho ngày về hưu trong tương lai
Trở lại với thời sự nước Pháp, các nhật báo lớn ở Paris hôm nay đều dành trang nhất cho sự tham gia tích cực của giới trẻ vào phong trào đấu tranh chống cải cách chế độ hưu bổng.
Hôm qua, hàng trăm trường trung học đã bị phong tỏa, đã có những cuộc đụng độ giữa các thanh niên và cảnh sát. Đi tìm nguyên nhân khiến những người trẻ lo lắng ở tương lai, nhật báo công giáo La Croix cho biết theo một cuộc thăm dò, thì có đến 75% trong lứa tuổi 18 đến 24 không tin rằng đến khi về hưu sẽ được lãnh hưu bổng tương xứng. Họ lo ngại lương hưu khi đó sẽ bị giảm mất 25%. Đối với đa số những người trẻ xuống đường lần này, việc kéo dài thời gian làm việc cho những người đang có công ăn việc làm ổn định thật vô nghĩa, trong khi tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên dưới 25 tuổi hiện là 23%. Khi người lớn tuổi phải làm việc lâu hơn, có nghĩa là giảm mất đi cơ hội việc làm cho lớp thanh niên sắp bước vào đời. Đồng thời, kéo dài thời gian đóng góp vào quỹ hưu trong khi tuổi trung bình để có được việc làm ổn định hiện nay là 29, 30 tuổi, lớp trẻ sẽ phải làm việc cho đến ít nhất 67 tuổi mới mong được hưởng được hưu bổng toàn phần.
Thụy My [RFI]