Có một sự cân bằng của tạo hóa trong lễ hội Ngàn Năm Thăng Long. Sự cân bằng đó, tiếng Mỹ kêu là “poetic justice.” Ðó là sự cân bằng giữa lễ khai mạc với lễ bế mạc.
Tin nhắn trên Facebook của Ðại Sứ Anh Mark Kent lúc còn kẹt trên đường phố. Giờ ghi trên đó là giờ địa phương của người đọc, tại California. |
Nếu lễ khai mạc chỉ dành riêng cho khách mời (“VIP đấy!”), không một thường dân nào được thấy, thì lễ bế mạc người thường dân chiếm hết cả đất, chiếm hết cả đường đi, khiến không một VIP nào vào nổi sân vận động Mỹ Ðình. Trừ một ông, sẽ nhắc tới.
Lễ hội Ngàn Năm Thăng Long bắt đầu ngày 1 tháng 10, một chọn lựa ít ra cũng là xui xẻo, vì bị trùng với Quốc Khánh “nước lạ.” Ngày đó, chỉ có những ai có vé mời, mới được vào xem. Ðoàn đại biểu các tỉnh. Ðoàn ngoại giao. Các sếp lớn trong đảng Cộng Sản. Chứ không có vé bán. Không dành cho thường dân.
Tin nhắn của Ðại Sứ Mark Kent, một người rành tiếng Việt, sau khi về nhà. |
Ðêm bế mạc lễ hội Ngàn Năm Thăng Long thì khác. Có bắn pháo bông, mà pháo bông đã bắn lên thì ai xem cũng được. Nhưng trước đó mấy ngày, kho pháo hoa bị cháy, thiệt mạng 3 người Ðức. Dự án bắn pháo bông tại 29 địa điểm bị rút xuống chỉ còn 1 địa điểm, tại sân vận động Mỹ Ðình.
Tất nhiên, câu hỏi là liệu đường sá dẫn vào sân Mỹ Ðình có chịu nổi lượng người đi xem không? Câu trả lời, do chính quyền thành phố đưa ra, là: “Ồ, chúng tôi làm được.”
Bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam, trước khi lễ xảy ra, nói ngành giao thông vận tải bảo đảm chuyện này. Trong tối 10 tháng 10: “Lễ bế mạc sẽ được tổ chức tại sân vận động quốc gia Mỹ Ðình” và “ngành Giao Thông Vận Tải sẽ tổ chức phân luồng giao thông từ xa ngoài đường vành đai 3 và phân luồng giao thông cục bộ trên tuyến đường đi của các đoàn đại biểu và xung quanh khu vực tổ chức bế mạc.”
Góp ý của Ðại Sứ Thụy Ðiển Staffan Herrstrom |
Báo Nhân Dân điện tử, bản ra ngày 22 tháng 9, nói: “Bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT) có công văn trả lời UBND TP Hà Nội về việc tổ chức giao thông bảo đảm phục vụ đại lễ.” Bảo đảm nha!
Tới hôm việc xảy ra thật, thì chuyện phải đến đã đến: Kẹt, kẹt, kẹt. Kẹt xe. Kẹt người. Kẹt đường.
Một số người tiên đoán cái kẹt này (có thể vì họ không đọc, hay đọc mà không tin, báo Nhân Dân), ở nhà bật TV xem. Những người này thắc mắc tại sao chương trình được thông báo bắt đầu lúc 20 giờ (8 giờ tối) mà tới 20:23 mới rục rịch khởi sắc.
Câu trả lời, được các trang mạng cung cấp sau đó, là vì các vị khách mời, toàn nhân vật cao cấp cả, đều không đến được vì kẹt xe. Nên phải chờ. Mà vì chờ nên trễ.
Xe đã bị kẹt, bất kể “phân luồng.” Bất kể là xe của ông lớn. Bất kể cảnh sát mở đường.
Câu trả lời của Ðại Sứ Kent cho Ðại Sứ Herrstrom. |
Một đoạn đường, bề ngang chỉ như thế, bề dài chỉ như thế, có nhét đầy hết cũng chỉ được 100,000 người, chẳng hạn. Mà nếu đã có sẵn 100,000 người chật cứng kẹt trong đó rồi, thì có cảnh sát cách mấy, có hụ còi cách mấy, thì dù là triết gia hụ còi hay sếp lớn hụ còi, cũng không thể biến khoảng không gian 100,000 người thành không gian 100,001 người.
Tin cho biết, ông Nguyễn Minh Triết đi sớm, nhưng vẫn bị kẹt. Ông nhảy xuống xe đi bộ len vào, mới vào được, trễ 15-20 phút.
Ông Nguyễn Tấn Dũng nghe đâu đi sau ông Triết một chút, nên lúc bị kẹt, đã tính xuống xe đi bộ, nhưng cũng không thể lách bộ vào được, đành bỏ.
Có hai nhân vật trở về, là vị đại sứ Anh tại Việt Nam, và đại sứ Thụy Ðiển tại Việt Nam. Họ lên Facebook tán chuyện với nhau.
Ðại sứ Anh tại Việt Nam là ông Mark Kent, một người rành tiếng Việt. Vào lúc 9:43 sáng giờ California, tức là 11:43 tối Chủ Nhật giờ Hà Nội, ông dùng điện thoại di động gởi tin nhắn lên Facebook. Ông viết:
“5 tiếng đồng hồ kẹt xe và không thể tới được sân Mỹ Ðình. Bây giờ mới nhúc nhích, nên nếu hên thì về nhà trước 1 am. Ai là người tổ chức vụ này cần thực tập thêm nhiều trước lễ hội 2000 năm… thôi thì cũng chúc mừng sinh nhật Hà Nội.”
Hơn một tiếng sau, ông lên lại Facebook, và viết, bằng tiếng Việt:
“00.30 am. Vừa đến nhà. Tối nay rất nhiều cơ hội làm ngoại giao nhân dân vì 6 tiếng tắc đường.”
Ðại sứ Thụy Ðiển tại Việt Nam, ông Staffan Herrstrom, góp lời:
“Tôi cũng cùng hoàn cảnh như ông, Mark ạ. Mặc dù tôi về tới nhà sau khoảng 3 tiếng 15 phút.”
Ông đại sứ Thụy Ðiển này cũng dự định nhảy xuống xe đi bộ nhưng thất bại. Ông viết:
“Tôi cũng định đi bộ khoảng cách 500m còn lại tới sân vận động, nhưng không hề có một mảnh đất nào trống để đi vào. Thôi thì cũng là một buổi tối đáng nhớ.”
Và vị đại sứ Anh đồng ý. Ông viết:
“Tổng cộng thời gian 6 tiếng 15 phút. Ði ngủ lúc 2 am. Vâng, như ông nói, một buổi tối đáng nhớ.”
Vâng, như các ông nói, một buổi tối đáng nhớ.
Dương Ðông [Nguồn: Người Việt]