Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: bauxitevn
Trước thái độ thẳng thắn, táo bạo của Tiến Sĩ (TS) Cù Huy Hà Vũ, nhiều người nghĩ rằng đằng sau ông phải có một lực lượng lớn trong giới lãnh đạo đảng hỗ trợ. Điều này có thể đúng… nhưng không nhất thiết phải có điều đó. Hơn ai hết, ông biết về gia thế của ông. Gia đình ông là một trong rất ít “Hoàng Gia Cách Mạng”. Bố ông, Cù Huy Cận, một trong các công thần tạo dựng chế độ, đồng thời cùng với bác ruột của ông, nhà thơ Xuân Diệu, hai người là hai ngôi sao sáng nhất trong thi ca Việt Nam cận đại. Bản thân ông lại là một trí thức được đào tạo bài bản của hai nền giáo dục Xã hội Chủ Nghĩa và phương tây. Việc làm của ông không mưu lợi cá nhân mà hoàn toàn vì các người dân nghèo khổ đang bị đàn áp, vì dân tộc, vì nguy cơ của tổ quốc trước họa xâm lăng của ngoại bang phương bắc. Cho nên chỉ có một số rất ít trí thức vì ganh tị cho ông là người “tự làm nổi”, và một số rất ít nhân vật lãnh đạo chóp bu bị ông tố cáo là thù ghét ông, đại đa số thành phần dân chúng và đảng viên, đặc biệt là giới cách mạng lão thành còn lại đều biểu đồng tình với ông, vì ông đã nói được cho họ, đã hành động thay cho họ, những điều mà họ rất muốn mà không nói và không làm được. Chính điều này khiến đảng đã phải suy nghĩ lung lắm, cuối cùng, mới dám bắt ông, mặc dù đó là điều lúc đầu họ không dám, không muốn.
Bắt ông rồi, cũng không dám ra lệnh cho đám cai tù hành hạ ông như đối với những nhà bất đồng chính kiến khác. Ai dám ra lệnh đó? Mà nếu có kẻ ra lệnh thì những cai tù nào dám thi hành? Đám công an cai tù dù ngu dốt lắm cũng phải biết hành hạ ông chẳng có lợi gì cho bản thân, có khi còn mang họa vì nguy cơ bị những đảng viên cao cấp khác âm thầm đồng tình với việc làm của ông, cảm tình với “gia đình cách mạng danh tiếng” của ông, sẽ trả thù.
Cá nhân ông cũng có mối quan hệ xã hội đặc biệt làm rào chắn bảo vệ ông. Ông là một trong rất ít trí thức xuất sắc trong nước. Điều này khiến ông được giới trí thức đàn anh và cùng trang lứa có cảm tình và nể vì đặc biệt. Bởi thế ông đã được giới trí thức đàn anh và bậc thầy của ông trên trang mạng bauxite trao cho chức vụ danh giá trong tổ chức này, “Cố vấn pháp luật.” Đây là cái áo giáp vô hình nhưng vững chắc bảo vệ ông.
Ông cũng là một nghệ sĩ hội họa có tài, từng được hân hạnh vẽ nhiều bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tranh rất đẹp, đồng thời cũng là hội viên hội Mỹ Thuật Việt Nam. Ông thường được giới văn nghệ sĩ có uy tín trong cũng như ngoài đảng mời tham dự các sinh hoạt văn hóa, như cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn tại Cẩm Giàng, quê hương của Văn Đoàn nổi tiếng này, mà bố ông cũng là một thành viên. Bởi thế, giới nghệ sĩ, một thành phần sĩ phu có uy tín trong nước, sẽ đứng về phía ông trong những việc ông làm. Lại thêm một lớp áo giáp nữa bảo vệ ông.
Tốt nghiệp tiến sĩ luật tại trường nổi tiếng nhất nước Pháp, Đại học Sorbone, nên ông rất thông thạo luật pháp của mấy nước văn minh phương tây cũng như rành rẽ những thiếu sót trong luật hình sự và luật hiến pháp của Việt Nam. Ông cũng từng rút kinh nghiệm đau thương qua vụ nhận tội của hai nhà tranh đấu cho nhân quyền Nguyễn Tiến Trung và Luật Sư Lê Công Định, cho nên không thể có chuyện ông nhận tội trước tòa. Trong bài “Về điều 79” gửi cho đài BBC ngày 17/12/2009, TS Hà Vũ nghiên cứu trường hợp Luật Sư Lê Công Định bị tuyên án 5 năm tù giam, quản chế 3 năm về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79 BLHS), ông đã phân tích tất cả các mánh lới của Cơ quan công an đe dọa và dụ dỗ LS Định để ông này nhận tội mong được hưởng khoan hồng giảm án. Do đó chắc chắn không thể có chuyện ông nhận tội dù với bất cứ biện pháp đe dọa hay dụ dỗ nào.
Mới đây, trong biên bản lời khai lập ngày 18-1-2011, từ trong tù TS Hà Vũ một lần nữa cho thấy thái độ cương quyết không nhận tội khi ông xác nhận 3 mục tiêu đòi hỏi lâu nay của ông là: Bác bỏ chủ nghĩa xã hội, đa đảng và liên minh với Hoa Kỳ, đồng thời ông cũng xác định, “Tổ Quốc Việt Nam hay là chết.” Cho tới giờ phút này của vụ án, TS Hà Vũ cho thấy ông cương quyết không nhận tội.
Ông lại rất khôn ngoan không để bị kết tội lật đổ chính quyền nhân dân theo điều 79 BLHS mà hình phạt cao nhất là tử hình như đảng đã từng áp dụng đối với mấy nhà tranh đấu khác. Trong bài “Về Điều 79” trích dẫn ở trên, ông viết, “Theo Điều 79 BLHS, người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là phạm “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Phân tích trường hợp LS Lê Công Định ông viết tiếp, “Tại cơ quan an ninh Việt Nam, Lê Công Định thừa nhận đã tham gia “Đảng dân chủ Việt Nam”, thành lập “Đảng lao động” và “Đảng xã hội”, soạn thảo “Tân Hiến pháp”… và vì vậy cấu thành tội phạm quy định tại Điều 79 BLHS.” Từ kiến thức pháp lý như vậy, ông đã không để trường hợp mắc kẹt của LS Lê Công Định xảy ra với ông. Ông tránh không ở trong một tổ chức hay đảng phái nào. Ông hoạt động một mình. Một mình thì không thể nào bị kết tội lật đổ chính quyền.
Điều 88 luật Hình Sự được áp dụng để truy tố ông là một điều luật vừa trái điều 69 hiến pháp vừa trái nguyên tắc cơ bản của luật hình sự. Theo điều 88, “Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.” Việc định danh tội phạm như điều 88 quá mơ hồ khiến cho đảng, thông qua tòa án, có toàn quyền muốn kết án ai hay tha ai cũng được. Luật sư Trần Lâm, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, một người đã từng quyết định nhiều vụ án quan trọng của đất nước, đã nhận xét về vấn đề định danh tội trạng của điều 88 như sau, “… nếu bảo là chống đối cũng đúng, mà bảo là ông (Cù Huy Hà Vũ) muốn thực thi pháp luật thì cũng đúng.” Trong khi đó nguyên tắc cơ bản của luật hình là mọi định danh tội phạm phải rõ ràng và được giải thích chặt chẽ, không thể giải thích tùy tiện theo lòng thương, ghét của chánh án. Nội dung điều 88 cũng trái với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí qui định trong điều 69 Hiến Pháp. (Điều 69 Hiến Pháp qui định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”). Vì vậy sẽ nhức đầu cho tòa nếu mở đầu vụ xử mà luật sư của bị can nêu vấn đề tiên quyết là xét tính bất hợp hiến của điều 88 thì tòa sẽ phải đình chính vụ để chờ bản án của vụ tranh cãi tính hợp hiến của điều 88 mà chắc chắn nếu tranh cãi thì phần thắng sẽ về phía nêu khiếu nại.
Cù Huy Hà Vũ lại là một trong chỉ vài luật gia xuất sắc nhất trong nước rất am tường luật pháp của nền văn minh phương tây hiện đại mà đảng đang cố sức theo đuổi để thực hiện công cuộc đổi mới tư pháp. Cho nên việc xét xử ông sẽ chỉ khiến cho đảng lúng túng vì không một vị chánh án nào của đảng cũng như không một vị đại diện Viện Kiểm Sát nào có thể ngang tài đấu lý với cá nhân ông, vợ ông và mấy luật sư bào chữa cho ông. Chắc chắn TS Cù Huy Hà Vũ sẽ đấu lý với đại diện Viện Kiểm Sát và sẽ đưa vị chánh án và hội đồng xét xử vào thế kẹt: Nếu chấp nhận lý lẽ của TS Hà Vũ và các luật sư bênh vực ông thì sẽ bị đuổi khỏi đảng, khỏi cơ quan, bị tước đoạt mọi quyền lợi. Nếu tuân theo bản án định trước của đảng bộ thì tự biến mình thành một con rối và tự ghi tên mình vào danh sách những “trí thức” hèn hạ và ngu dốt nhất của đất nước vào đầu thế kỷ 21. Chẳng một ai muốn bị kẹt vào tình huống không lối thoát này. Vì thế tin từ trong nước cho hay không vị chánh án nào muốn được đề cử xét xử vụ này.
Ông cũng là một người trung niên, còn trẻ, khỏe, biết sống nhân nghĩa, chân tình với giới “giang hồ”. Văn phòng của ông chuyên tiếp những khiếu kiện của những người thấp cổ bé miệng vì thế ông được lòng giới “trọng nghĩa khinh tài” này. Sau lần tiếp xúc đầu tiên với ông để nhờ văn phòng luật của vợ chồng ông bênh vực, ngày 18/11/10 blogger “người buôn gió” đã viết “Mình chỉ quý anh Vũ thẳng tính”. Trước đó tác giả viết, “Anh Vũ thấy mình vào nói một thôi một hồi. – Đ.m. tao nói cho mày nghe, đã là vì đất nước thì phải nói, chứ nếu có sao tao mất nhiều chứ, đ.m. tao có công việc, có tiền, có danh dự của gia đình. Tao có phải thằng lông bông ngoài đường đâu. Có đứa bảo tao làm chính trị, đ.m. nó chứ, làm chính trị ở cái nước này thì chỉ có vào Đảng. Còn ở ngoài mà nói thì làm đ… có thằng nào làm được đâu, toàn bị cho là chống phá bỏ tù hết. Cái ở đây là mình đứng trên địa vị người dân yêu nước, mình phải nói những gì mà thấy nguy hại cho đất nước. Tao đ… đảng phái nào hết, thằng nào làm sai là mình phải nói cho nó chừa đi, thế dân mới đỡ khổ, nước mới mạnh được.” Cách nói của người trí thức Cù Huy Hà Vũ rất bình dân, rất bộc trực, rất thẳng thắn và đầy lòng yêu nước. Đó là giọng điệu “trọng nghĩa khinh tài” (ghi chú: khinh tài đây là khinh tiền) rất “Lương Sơn Bạc” (1). Thái độ đó đã khiến “giới giang hồ đích thực” kính trọng ông. Chính vì thế đảng muốn mượn những tay tù hình sự, giang hồ vặt trong trại giam để hãm hại ông như đã từng áp dụng đối với các nhà bất đồng chính kiến khác sẽ không được. Ngay cả sau này, khi thả ông ra khỏi tù, đảng cũng không thể kiếm được những tay côn đồ đe dọa tông xe gây tai nạn, thậm chí có thể làm thiệt mạng ông, hay áp đảo ném “cứt, đái, chất thải bẩn thỉu” vào nhà ông như đảng đã từng áp dụng với nhà cách mạng Cộng Sản lão thành Hoàng Minh Chính và những người bất đồng chính kiến khác. Cho nên, từ trong tù cho tới ngoài đời, nhà trí thức “hảo hớn” Cù Huy Hà Vũ có một vị trí “cao lừng lững” mà đảng không trấn áp được.
Để chứng minh các điều trên, mới đây đảng đã thua keo đầu khi lần đầu tiên phải cho một người bất đồng chính kiến tiếp tục lên tiếng công khai chỉ trích đảng qua một biên bản chính thức trong trại giam, trước sự hiện diện của luật sư bênh vực. Đó là biên bản lời khai lập ngày 18-1-2011, từ trong tù, trong đó TS Hà Vũ một lần nữa xác nhận 3 mục tiêu đòi hỏi của ông là: Bác bỏ chủ nghĩa xã hội, đa đảng và liên minh với Hoa Kỳ.
Chính vì thế, tại Hà Nội hay toàn miền Bắc, nơi danh tiếng cá nhân và gia đình ông nổi như cồn, đảng không ra lệnh nổi cho kẻ nào thi hành việc theo dõi và bắt ông được mà phải chờ khi ông vào Saigon, “cọp xuống núi”, nơi miền Nam nhiều người còn xa lạ với ông, mới chỉ thị tay sai bày mưu bắt ông một cách hèn hạ.
Việc xét xử TS Hà Vũ lại có thêm một khó khăn nữa trong nội bộ đảng cộng sản là thành phần nhân sự mới của Bộ Chính Trị có nhiều người chưa bị ông tố cáo, trong đó đặc biệt là vị tân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Những vị này chắc chắn không những không dại gì trấn áp TS Cù Huy Hà Vũ mà còn âm thầm muốn dùng ông để làm đối trọng tranh dành quyền lực với các “đồng chí đối thủ”.
Do đó bây giờ bắt được TS Cù Huy Hà Vũ rồi thì làm gì với ông vẫn tiếp tục là một vấn đề làm đau đầu mấy tay chóp bu trong đảng bị ông tố cáo đích danh. Nói tóm lại, hiện nay trong khi ông biết rằng việc bắt giữ và xét xử ông sẽ chỉ giúp ông cơ hội làm nên lịch sử và đi vào lịch sử dân tộc như cha ông và bác ông thì thành phần chóp bu trong đảng như đang ngồi phải lửa. Muốn yên cũng không được. Cù Huy Hà Vũ đã tuyên bố với mấy nhà cách mạng lão thành là kỳ này dù chết ông cũng sẽ quyết không lui. Và ông mới tái xác nhận điều này trong biên bản khai báo ngày 18-1-2011 trích dẫn ở trên.
Mọi người hãy chờ xem tiếp màn giao đấu của “hiệp sĩ Cù Huy Hà Vũ diệt gian trừ bạo” và trận tái đấu sẽ bắt đầu trước phiên tòa sắp tới. Chắc chắn tại chính phiên tòa đó, nhà trí thức Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ sẽ biến phiên tòa xét xử ông thành phiên tòa xét xử thành phần chóp bu trong đảng đang phạm tội lừa gạt đồng chí, đồng bào với ý niệm giả dối “dân chủ tập trung”, đang nói một đằng làm một nẻo, đang giả danh chủ nghĩa Mác-Lê Nin trong khi đi ngược lại chủ nghĩa này, đang mượn danh ông Hồ Chí Minh để dụ dỗ những người còn tôn sùng ông, đang đàn áp không cho dân chúng lên tiếng khiếu kiện, đang cướp đất của dân qua hình thức đền bù rẻ mạt v.v… và đang dâng đất, dâng biển cho kẻ thù truyền kiếp Trung Quốc.
Nguyễn Tường Tâm
Ghi chú:
(1) Lương Sơn Bạc là một địa danh trong tác phẩm Thuỷ Hử, là căn cứ của lực lượng nổi dậy do “108 anh hùng Lương Sơn Bạc” lãnh đạo. (Wikipedia)