Trung cộng trong hơn 3 thập niên vừa qua phát triển như vũ bão trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và đang rút ngắn khoảng cách rất nhanh chóng với Hoa kỳ về kinh tế, về công nghệ nhất là công nghệ quốc phòng, họ đã có được những thành tựu vượt bật trong một thời gian ngắn làm ngạc nhiên những nhà phân tích chiến lược trên thế giới, điều này đã làm thay đổi tư duy và lối hành xữ của giới lãnh đạo và cả người dân nước này.
Đặng Tiểu Bình hình như đã tiên liệu được sự hãnh tiến của những người lãnh đạo kế thừa sau khi ông ta mất nên đã để lại một lời dặn dò như một cẩm nang cho họ, đó là :Thao quang dưỡng hối. Nhưng những thành tựu to lớn mà người khổng lồ Trung quốc đạt được đã làm cho lớp hậu duệ tự tin quá đáng về sức mạnh của Trung hoa nên họ đã ngang nhiên thách thức Mỹ , một siêu cường đã lãnh đạo thế giới và chi phối Thái bình dương trong nhiều thập kỷ nay kể từ sau đệ nhị thế chiến kết thúc, Trung cộng không úp mở gì khi “đề nghị” chia hai Thái bình dương với Mỹ.
Lợi dụng quan hệ Nga –Phương Tây khủng hoảng sau một thời gian dài đầy mâu thuẩn và thực sự đổ vỡ khi Nga chiếm Crimea của Ukraina, giờ đây Nga trở thành đồng minh cơ hội của Trung cộng khi cả hai nước cùng có chung một kẻ thù là Mỹ và Phương Tây. Cùng với những điểm nóng đang kìm chân Mỹ khắp nơi trên thế giới từ Afghanistan, Iraq, Syria, Israel- Palestine, Bắc Triều Tiên và Đông bắc Á, cộng với sự cắt giảm ngân sách quốc phòng trong những năm tới Trung cộng tự tin rằng Mỹ không muốn và cũng không có khả năng can dự sâu vào biển Đông.
Ngày 2/5 năm 2014 Trung công đưa giàn khoang dầu nước sâu HD 981 vào cắm sâu trong biển Việt nam và tiến hành xây cất quy mô lớn trên những bãi đá trong quần đảo Trường sa xâm chiếm được của Việt nam năm 1988. Mục đích của những hành động này là “hiện thực hóa chủ quyền” trên biển Đông được họ “tự khẳng định” trên tấm bản đồ hình chín đoạn mà Trung cộng đã đệ trình cho Liên hiệp quốc năm 2009.
Những hành động ngang tàn và bất chấp luật pháp quốc tế đã biến một nhà nước độc tài cộng sản hiện nguyên hình là một đế quốc đầy tham vọng và sẵn sàng phiêu lưu sau nhiều thập niên ẩn mình chờ thời .
Giới lãnh đạo chính trị Mỹ chuyển từ trạng thái thất vọng sang trạng thái bất an sau nhiều thập niên theo đuổi chủ nghĩa thực dụng với hy vọng rằng một khi kinh tế Trung cộng hội nhập với thế giới và phát triển cao, một khi kinh tế Trung cộng bị ràng vào nền kinh tế toàn cầu hóa Trung cộng sẽ trở thành một nhà nước hành xữ có trách nhiệm, và Trung cộng sẽ trổi dậy một cách hòa bình.
Nhưng những gì mà giới hoạch định chính sách tại Washington nhìn thấy hôm nay là một Trung cộng hung hăng và đầy tham vọng, bất chấp đạo lý cả về mặt kinh tế văn hóa và ngoại giao.
Sự nhìn nhận này về phía Mỹ là khá muộn màng.
Sau hơn hai tháng giàn khoang dầu HD 981 hiện diện trong biển Đông của VN, nhà cầm quyền CS Hà nội hoàn toàn bất lực và cũng không hề có được một giải pháp khả thi nào trong tương lai.
Đứng trước hiện tình đất nước bị đe dọa như vậy nhân dân VN từ nông dân, công nhân cho đến thành phần gọi là tinh hoa của đảng như ngồi trên lửa.
Các nhà vận động cho dân chủ và đấu tranh bảo vệ nhân quyền trên cả nước là những người đã nhận diện được mối hiểm họa Trung cộng từ lâu đã đưa ra những kế sách và những đòi hỏi yêu cầu nhà cầm quyền phải thực hiện đó là chấp nhận một chế độ Dân chủ đa đảng để hội tụ lòng người, khai dụng trí tuệ cả dân tộc tìm kế sách chống giặc ngoại xâm.
Để bảo vệ đất nước trước một kẻ thù mạnh một điều hiển nhiên và hợp lý là phải để cho người dân tham gia công việc quốc gia, giới nhân sĩ trí thức dân chủ phải có tiếng nói và quyền lực thực tế. Nhà cầm quyền CSVN đã phớt lờ những yêu sách này tuy họ không thể bác bỏ.
Những đòi hỏi chính đáng đó đã tạo một áp lực vô cùng lớn lên quyền lực của đảng CS và thách thức tính chính danh của nhà cầm quyền làm cho việc biện hộ cho một chế độ độc tài trở nên trơ trẻn và lố bịch..
Trong dư luận xã hội người dân bắt đầu đặt nghi vấn về thực lực và tính khả thi của chế độ và quân đội VC trong việc bảo vệ quốc gia trước sức mạnh vượt trội hàng trăm lần của quân đội Trung cộng. Và như vế kết trong tam đoạn luận , như một tất yếu của suy luận logic người dân VN đồng thuận với nhau rằng để có thể bảo vệ quốc gia VN không thể đơn độc đối đầu với Trung cộng mà phải tìm kiếm một phương thức phòng vệ tập thể. Phương thức đó là liên minh với Hoa kỳ, mà muốn liên minh với Hoa kỳ thì phải dân chủ hóa đất nước.
CSVN thật sự lúng túng với tình thế này vì đơn phương đối đầu với Trung cộng là tự sát và họ không hề muốn, còn liên minh với Hoa kỳ thì mất chế độ.
Chưa bao giờ trong lịch sử CSVN bế tắc như bây giờ vì họ đã đi hết đoạn đường lầm lỗi và trước mặt là hố thẳm…chế độ đang đối diện với nguy cơ sụp đổ nếu tình hình trên biển Đông Trung cộng tiếp tục lấn tới.
Nhưng thật bất ngờ ngày 10/7/2014 Thượng viện Hoa kỳ thông qua Nghị quyết về biển Đông với lời lẽ cứng rắn yêu cầu Trung cộng dừng ngay các hành vi gây căng thẳng và rút giàn khoang dầu HD 981 ra khỏi biển Việt nam.
Đây là một diễn biến quan trọng trong cục diện biển Đông, tuy Nghị quyết này không mang tính cưỡng hành nhưng đây là một chỉ dấu cho thấy lập trường của quốc hội Mỹ và có thể biết đâu là một cách “bật đèn xanh” cho Chính phủ Mỹ can dự sâu hơn và quyết liệt hơn vào biển Đông!?
Với Trung cộng điều này làm “phức tạp” thêm tình hình vì từ trước đến nay Trung cộng chủ trương giải quyết song phương vấn đề biển Đông, họ đã nhiều lần minh định rằng Mỹ không phải là một bên tranh chấp không nên và không được can thiệp vào khu vực.
Trong một tầm cao chiến lược, Trung quốc qua lời Tập cận Bình đã khẳng định Á châu của người châu Á, TC muốn loại Mỹ ra khỏi cuộc chơi, ra khỏi khu vực …
Cho nên để tránh tạo cớ cho Mỹ can dự sâu hơn vào biển Đông Trung cộng đã đơn phương rút giàn khoang HD 981 trong ngày 16/7/2014 tức một tuần sau Nghị quyết của Thượng viện Mỹ, chấm dứt hai tháng khủng hoảng.
Trung cộng ý thức được rằng thời điểm này tuy TC đã có một quân đội hùng hậu nhất Châu Á nhưng vẫn chưa thể là đối thủ của Mỹ nên họ không muốn khiêu khích Mỹ, không muốn đối đầu và lôi kéo Mỹ vào xung đột.
Rút giàn khoang dầu HD 981 về Hải nam và đàm phán tay đôi với người “đồng chí anh em” VC là cách khôn ngoan nhất để đẩy Mỹ ra khỏi biển Đông.
Đẩy Mỹ ra khỏi biển Đông là mục tiêu chiến lược của Trung cộng về ngoại giao và quốc phòng, về ngoại giao chủ trương đàm phán song phương, về quốc phòng triển khai chiến thuật và vũ khí “chống tiếp cận”.
Khả năng thứ hai giải thích cho việc Trung công đơn phương rút giàn khoang HD 981 ra khỏi vùng biển VN và thả hết ngư dân VN về là Trung cộng và CV đã đạt được sự đồng thuận trong hồ sơ biển Đông qua cuộc họp song phương vừa qua.
Theo Đa Chiều, một tờ báo của người Hoa hải ngoại: “việc Việt Nam không hề yêu cầu dừng cuộc họp này trong tháng 6 bất chấp căng thẳng leo thang trên biển có thể cho thấy rằng Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan 981 là một thỏa thuận 2 bên đã đạt được trong cuộc họp cấp chuyên viên hôm 9, 10/7. Cũng theo Đa Chiều, mặt khác mặc dù tháng 5 năm nay Bắc Kinh tạm hoãn phiên họp thứ 6 của tổ chuyên gia 2 nước, sang tháng 6 Việt Nam vẫn phái đại diện sang Bắc Kinh dự họp ủy ban chỉ đạo hỗn hợp song phương cho thấy Việt Nam rất mong “hòa hoãn với Trung Quốc”? (nguồn báo Giáo dục)
Trung cộng và Việt cộng tuy bên ngoài có “tranh chấp” về chủ quyền quốc gia nhưng bên trong họ vẫn lấy “đại cục” của hai chế độ làm trọng như lãnh đạo của họ đã nhiều lần nhắc nhở nhau.
Việc Trung cộng rút giàn khoang HD 981 là đáp ứng quyền lợi của cả hai phía TC và VC, về phía TC rút giàn khoang HD 981 là cách loại Mỹ ra khỏi cuộc chơi không để Mỹ can dự sâu hơn vào biển Đông.
Về phía VC giúp đảng CSVN giảm thiểu áp lực đòi hỏi dân chủ hóa đất nước để bảo vệ quốc gia của nhân dân VN.
Mấy ngày qua những lãnh đạo của VC từ Nguyễn phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng , Nguyễn sinh Hùng cho đến tướng tá, đại biểu quốc hội đã “đăng đàn chém gió” với nhân dân khác hoàn toàn với thái độ tiu nghĩu của họ thời gian trước đây khi giàn khoang HD 981 còn hiện diện trên biển VN.
Bây giờ Trung cộng và Việt cộng có thể nói với thế giới và Mỹ rằng “biển Đông vẫn yên tỉnh” và quan hệ của chúng tôi vẫn tốt đẹp, có chăng chỉ là những “xích mích nhỏ trong một gia đình” thôi mà, đúng như lời ông Đại tướng bộ trưởng quốc phòng VC Phùng quang Thanh trong hội nghị Shangri-la vừa qua!?
Cục diện mới tại biển Đông cho chúng ta và người Mỹ thấy điều gì?
Đó là giữa Trung cộng và Việt cộng có một mối quan hệ sinh tử, vì lý do gì đi nữa Trung cộng cũng không ép VC vào đường cùng để phải sụp đổ, vì ngày nào VC còn tồn tại thì TC còn an tâm là sườn phía nam của họ vẫn được an toàn.
Đây là một yêu cầu và cũng là quyền lợi chiến lược của Trung cộng.
Người Mỹ và cả người Nhật không nên kỳ vọng rằng VC sẽ trở thành đồng minh hay đối tác chiến lược với họ trong việc đối đầu với hiểm họa Trung cộng và người dân Việt cũng phải nhìn nhận rằng chuyện “thoát Trung” chỉ là trò mị dân và chuyện VC thực tâm bảo vệ đất nước chỉ là chuyện hoang đường kể cho đám trẻ ham đọc truyện tranh!
Nhưng cục diện mới tại biển Đông cũng hứa hẹn những thay đổi lớn tại đây vì để bảo vệ quyền lợi quốc gia và an ninh của Mỹ, Nhật và đồng minh buộc lòng Mỹ, Nhật phải điều chỉnh chiến lược, thay đổi cách tiếp cận khu vực và thay đổi cả đối tác chiến lược.
Huỳnh ngọc Tuấn
18/7/2014