Hồi sáu, bẩy tuổi, tôi đi bộ từ thị xã Bắc Ninh về làng, ở phủ Thuận Thành; trên đường thấy những bụi cây tre mầu vàng, ngả sang mầu nâu, đỏ chứ không phải mầu xanh. Tôi hỏi người người dẫn đường, chị giải thích đó là giống tre đặc biệt ở vùng này, có từ thời Hùng Vương. Khi Phù Ðổng Thiên Vương cưỡi ngựa sắt đi đánh giặc Ân, con ngựa hí phun ra lửa, làm cháy các bụi tre, cho nên từ đó da cây tre đổi mầu.
Sau này khi có con, kể cho con nghe chuyện Thánh Gióng, tôi vẫn nhắc đến kỷ niệm này. Bây giờ kể chuyện cho các cháu nghe cũng vậy. Mỗi năm, Hội Gióng vẫn diễn ra trong ba ngày, mùng 6 đến mùng 8 Tháng Giêng âm lịch tại đền Gióng, huyện Sóc Sơn, bây giờ thuộc thành phố Hà Nội để tưởng nhớ vị anh hùng phá giặc, cứu nước.
Năm nay, nếu nhớ đến Thánh Gióng lại chỉ thấy buồn. Vì nhiều người đi Hội Gióng đã biến thành những đám côn đồ cướp, phá, đánh lẫn nhau. Nhiều thanh niên, không biết có phải trai Gióng hay không, xông vào cướp cái kiệu hoa tre, chắc là tre làng Gióng. Những người khiêng kiệu chống lại, rồi đánh nhau. Sau đó, đến lượt đoàn rước kiệu trầu cau cũng bị hàng chục trai tráng xông vào cướp trầu cau; rồi cũng ẩu đả; nhiều người được đưa vào bệnh viện điều trị.
Trên các báo mạng, nhiều người đã than phiền về những vụ ẩu đả tại Hội Gióng và chỉ trích hành động của đám thanh niên vô lại. Nhưng phản ứng của chính quyền thì rất lạ. Báo chí cho biết ông Lê Hữu Mạnh, phó chủ tịch huyện Sóc Sơn coi vụ ẩu đả này là một “chuyện bình thường!” Ông nói: “Lễ hội không tổ chức phát lộc cho người dân cho nên ai muốn có lộc phải cướp. Việc xảy ra xô xát là bình thường!” Có nhà báo trong nước nhận xét rằng những người đi “cướp hoa tre lấy lộc” đều mang sẵn gậy gộc, những người đi bảo vệ kiệu cũng trang bị sẵn, làm như hai bên đều chuẩn bị trước cho cuộc thư hùng! Hai bên, kẻ cướp và người giữ của đều biết trước rằng “chuyện bình thường” này sẽ diễn ra chăng?
Có ai ngờ rằng Hội Gióng lại có thêm một “truyền thống” mới, năm nào cũng có thể thấy người đi cướp và người đánh cướp hay không? Ðáng kinh ngạc hơn nữa là lời tuyên bố của ông Phan Ðăng Long, phó trưởng ban Tuyên Giáo trong Thành Ủy đảng cộng sản ở Hà Nội. Ông Phan Ðăng Long nói vụ ăn cướp ở Hội Gióng là một vụ “cướp có văn hóa!”
Có lẽ các quan chức cộng sản, từ cấp xã lên cấp huyện, tỉnh, cho tới trung ương, họ đã có thói quen nhìn những vụ dân cướp bóc, tranh giành với nhau là “chuyện bình thường” từ lâu rồi. Dân Hà Nội đã chứng kiến cảnh thanh niên nam nữ giành giật các cành cây hoa anh đào, giằng xé hoa đến tan nát, những cây hoa anh đào mà người Nhật Bản đem sang giới thiệu với dân Việt để bày tỏ tình hữu nghị! Người Nhật muốn “hữu nghị” nhưng người Việt lại không thể “hữu nghị” với nhau được! Lại tới vụ một nhà hàng Nhật giới thiệu món cá sống “sushi” mời đến ăn miễn phí, các thực khách người Việt kéo tới chen lẫn, giẫm đạp lên nhau để giành ăn! Các quan chức “tuyên huấn” cộng sản chắc cũng coi đó là những vụ “cướp có văn hóa!” Không biết họ nghĩ sao khi dân Hà Nội đánh nhau, đạp lên nhau giành giật miếng bánh chưng trong cuộc biểu diễn nấu bánh chưng kỷ lục nặng hai tấn? Còn những người đánh nhau giành áo mưa khi Tòa Ðại Sứ Hòa Lan tổ chức phát tặng, như vậy có phải là “cướp có văn hóa” hay không?
Ðảng cộng sản tự phong cho mình vai trò “lãnh đạo nhà nước” và “lãnh đạo xã hội,” ghi vào điều 4 trong Hiến Pháp, bắt 90 triệu người dân phải tuân theo. Họ là một đảng đề cao “bạo lực cách mạng.” Họ chủ trương phải cướp chính quyền, giữ quyền hành bằng bất cứ cách nào. Hồ Chí Minh đã dạy các đảng viên học theo Mao Trạch Ðông, nhớ câu Mao dạy rằng “Súng đẻ ra chính quyền.” Vì cộng sản lãnh đạo cho nên nước ta biến thành một xã hội bạo động chưa bao giờ thấy, kể cả thời chiến tranh. Cho nên những người ăn trộm gà, trộm chó cũng bị đánh đập, có khi bị giết. Không phải chỉ có nạn nhân mất trộm, mà cả làng kéo nhau ra vây bắt, đánh chết rồi đốt cả người lẫn xe tay ăn trộm. Nhưng càng tàn bạo, càng sinh ra thêm nhiều kẻ trộm.
Tôi lại nhớ thời còn nhỏ, mẹ tôi kể trong làng bắt được một anh ăn trộm, anh đi bẻ bắp ngô ở ruộng người khác, bị tuần đinh bắt quả tang. Họ trói anh ngồi ở một góc ngoài đình. Thầy tôi đi qua, anh ăn trộm khóc lóc xin nhờ: “Cụ Mền ơi, họ dọa chặt ngón tay cháu! Xin cụ nói với họ tha cho nhà cháu!” Thầy tôi là một cụ đồ trong làng, mà phong tục người Việt rất kính trọng các thầy giáo, nhất là người cao tuổi. Thầy tôi đã đi đến nhà các người có chức vụ xin họ hãy trừng phạt cách khác, tha cho anh ăn trộm tội chặt ngón tay: “Chặt mất ngón tay làm sao nó còn nuôi nổi vợ con nó? Muốn nó lại đi ăn trộm nữa hay sao?” Trong lúc bàn cãi với các “quan viên,” mẹ tôi kể, thầy tôi còn lớn tiếng nói: “Nếu vợ tao, con tao đói, tao cũng đi ăn trộm!”
Sau đó, người ta đã tha tội chặt tay cho anh ăn trộm. Có thể họ cũng chỉ dọa cho anh ta sợ mà thôi, chứ người Việt Nam nào chẳng biết câu, “Bần cùng sinh đạo tặc!”
Nhưng ở nước Việt Nam bây giờ những kẻ “không bần cùng” cũng “sinh đạo tặc!” Bản tin trên báo Người Việt hôm trước kể “trong dịp Tết Ất Mùi, có 6,200 ca nhập viện” vì đồng bào chúng ta đánh nhau, chém nhau, bắn nhau. “Ngày cao điểm lên đến 900 ca làm 11 người chết.”
Ðó cũng là do “Ðảng lãnh đạo.” Một đám người ngồi trên cao suốt nửa thế kỷ mà họ chủ trương dùng bạo lực bắt dân phải vâng lời, họ đã nêu tấm gương xấu đến trẻ em cũng tự động “học tập” theo. Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận xét: “Người Việt hôm nay dường như đủ hung hãn lên: hung hãn giành giật thức ăn buffet, hung hãn trói đánh kẻ trộm chó, hung hãn phán xét, nguyền rủa chung quanh như bản thân mình là hiện thân của ngọn cờ đầu nhân nghĩa” Nhưng, Tuấn Khanh rất buồn vì “cái cần phải hung hãn, thì người ta đang chọn thái độ hèn nhát!”
Nhắc tới lời tuyên bố “cướp có văn hóa” của ông Phan Ðăng Long trong Thành Ủy Hà Nội. blogger Nguyễn Hữu Vinh cũng thấy cộng sản đã tạo ra một nền “văn hóa ăn cướp.” Từ vụ cướp chính quyền cho tới “cải cách ruộng đất,” gây chiến tranh “giải phóng miền Nam. Những nông dân, những nhà tư sản, rồi tới tất cả các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo đều bị cướp nặng nề… Ðảng Cộng Sản gom tất cả tài sản đất đai, tài nguyên đất nước vào tay mình.” Vì vậy, những người không được cha mẹ giáo dục, những người thiếu suy nghĩ đã “học tập đạo đức Hồ Chí Minh,” gây ra cảnh: “Cướp” trở nên bình thường trong xã hội.” Nguyễn Hữu Vinh nêu thí dụ: Trong phiên tòa xử một thanh niên chặt tay cô gái để cướp xe ga, khi hung thủ bị tuyên án phạt, người nhà của anh ta đã gào thét chửi bới cô gái, chứ không biết trách mắng con cái mình. Họ hét lên rằng: “Ai bảo mày mang vàng bạc và đi xe ga đẹp làm chi cho nó chặt?” Nghe là phải ngạc nhiên, vì không một xã hội nào trong nhân loại dạy nhau cách suy nghĩ ngược đời như thế! Thái độ đổ tội cho nạn nhân bị cướp chứ không trách kẻ cướp, không thấy xấu hổ vì hành động căn cướp, người ta đã được học tập qua các cuộc đấu tố, đánh tư sản của đảng cộng sản! Những đứa ăn cướp mới được “lãnh đạo nhà nước và xã hội!” Nguyễn Hữu Vinh kết luận: “Xã hội đã đến lúc buộc phải sống chung bình thường với… cướp!”
Ðời xưa, luân lý của dân ta, cũng như các nước Á Ðông khác, đề cao tín nghĩa. Ngày nay các lãnh tụ cộng sản chỉ làm gương nói dối, nói dối trên báo, trên đài, nói dối từ sớm tới đêm, ở những cái loa đầu ngõ. Ngày xưa các cụ dạy con cháu nhường nhịn, khoan dung; ngày nay cộng sản dạy đấu tranh giai cấp, “muốn biết yêu thương phải học căm thù.” Bài học về “đạo đức cách mạng” của Hồ Chí Minh chỉ đề cao một đức tính: Hoàn toàn trung thành với đảng cộng sản; đó là thứ đạo đức cao nhất. Không cần nói đến bổn phận với gia đình, cha mẹ. Trái lại, trẻ em còn được cô giáo, thầy giáo khuyến khích kể lại trong nhà ăn cơm có món gì, cha mẹ nói với nhau những chuyện gì. Ngay cả hàng xóm cũng được huấn luyện dò thám, tố cáo lẫn nhau để “lập công với đảng.”
Trước cảnh người Việt Nam đánh nhau, cướp nhau, giết nhau hàng ngày, nhiều người có thể sẽ lắc đầu, nhún vai giải thích: “Cái nước mình nó như thế!”
Nhưng “Cái nước mình nó vốn không như thế!” Từ ngàn năm trước, nước mình không ai coi một bọn ăn cướp nào là “cướp có văn hóa.” Chỉ một cán bộ cộng sản mới được đảng giáo dục cho lối nhìn như vậy. Nước mình vốn không có “văn hóa ăn cướp.” Chỉ từ khi có đảng cộng sản mới có thứ văn hóa đó.
Dân Việt Nam phải chấm dứt thứ “văn hóa ăn cướp.” Phải chấm dứt thứ “văn hóa nói dối” có hệ thống. Phải chấm dứt lệ thuộc ngoại bang. Ngày xưa Thánh Gióng đánh giặc Ân. Tôi hỏi người chị dẫn đường: Giặc Ân là giặc gì? Chị giải thích: Chắc là giặc Tàu nó sang, vì bên Tàu thời xưa đó có Nhà Ân. Nếu ngày nay có một Thánh Gióng, chắc người ta sẽ nói ngài chỉ đánh “giặc lạ” thôi chứ không dám nêu tên!
Ngô Nhân Dụng