Trong thời gian gần đây nhiều người ở Trung Quốc và các nhà quan sát tình hình Á châu đã xôn xao bàn tán về điều được gọi là “hiện tượng Ôn Gia Bảo”, sau khi vị Thủ tướng của Trung Quốc liên tiếp đưa ra những phát biểu hô hào cho dân chủ, tự do và kêu gọi giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhanh chóng tiến hành cải cách chính trị.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo [Hình: AP]
Trong cuộc phỏng vấn được đài truyền hình CNN trình chiếu hôm chủ nhật mồng 3 tháng 10 vừa qua, ông Ôn Gia Bảo tuyên bố rằng “nguyện vọng và đòi hỏi của dân chúng về dân chủ, tự do là một sức mạnh không thể kháng cự.” Ông cũng nói với phái viên Fareed Zakaria của CNN rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc cần phải hành động theo đúng hiến pháp và pháp luật, chứ không thể đứng trên hiến pháp và pháp luật như trong thời kỳ còn là một đảng cách mạng đang đấu tranh để giành chính quyền. Theo các nhà quan sát, đây là lần thứ 7 trong vòng chưa đầy 2 tháng mà nhà lãnh đạo được tiếng gần gũi với dân chúng công khai đề cập tới nhu cầu cải cách chính trị. Trước đó, vào ngày 22 tháng 8, vị thủ tướng của Trung Quốc cũng tuyên bố ở thành phố Thẩm Quyến nhân dịp kỷ niệm 30 năm đổi mới kinh tế rằng chính quyền cần phải tạo điều kiện để người dân có thể giám sát và phê phán những hoạt động chính phủ và giải quyết điều mà ông gọi là “sự tập trung quá độ của những quyền lực không hạn chế.” Ông nói thêm rằng nếu không có sự bảo đảm của cải cách thể chế chính trị, những thành quả của cải cách kinh tế có thể bị mất đi.
Những tuyên bố của ông Ôn Gia Bảo đã gây xôn xao trong giới quan sát chính trị ở Trung Quốc. Ông Dương Kế Thằng, chủ biên tờ “Viêm Hoàng Xuân Thu” – một tạp chí chính trị nổi tiếng ở Trung Quốc, cho biết như sau:
“Đây là hành vi cá nhân hay là hành vi tập thể? Ông ấy nói như vậy mà có báo trước với các nhà lãnh đạo khác hay không? Hàng ngũ lãnh đạo có đạt được đồng thuận về vấn đề này hay không? Tất cả những nghi vấn đó đều chưa có lời giải đáp. Mọi người chỉ có thể suy đoán mà thôi. Vì vậy hiện tượng Ôn Gia Bảo hiện giờ vẫn là một điều bí ẩn.”
Tường thuật hôm thứ hai của tờ The Guardian ở Anh trích lời Giáo sư Edward Friedman, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc của Đại học Wisconsin-Madison, nói rằng hiện giờ nhiều người Trung Quốc tán thành các ý kiến mà ông Ôn Gia Bảo đưa ra cũng chưa biết rõ là ông tham gia cuộc đấu tranh chính trị này vì quyền lợi của người dân hay chỉ vì muốn khẳng định vị trí của ông trong lịch sử.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài CNN, Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định rằng tự do ngôn luận là một quyền không thiếu ở tất cả mọi nước, bất kể là nước đang phát triển hay đã phát triển, nước nghèo hay nước giàu. Tuy nhiên ông cũng viện dẫn vấn đề “trật tự” để tự bào chữa đối với những lời chỉ trích cho rằng ông đã làm ngơ trước những hành động chà đạp tự do ngôn luận của chính phủ Trung Quốc.
Mặc dù vậy, ông Phạm Á Phong, một nhà nghiên cứu luật học ở Bắc Kinh, cho rằng phát biểu của ông Ôn Gia Bảo về tự do ngôn luận là một diễn tiến tích cực cho phong trào dân chủ Trung Quốc. Ông nói:
“Tự do ngôn luận, tự do lập đảng, và tự do bầu cử là 3 mắc xích then chốt của cải cách thể chế chính trị. Hiện nay sức mạnh tổng thể cho sự thay đổi hiến chính ở Trung Quốc đang tích lũy và cô đọng. Một cao trào thay đổi hiện đang trong vòng âm ỉ. Trong lúc chờ đợi sự bùng phát của cao trào, những phát biểu liên tục, bền bỉ và tương đối sáng suốt của ông Ôn Gia Bảo có một ý nghĩa tích cực và có ích cho việc gầy dựng một ý thức và quan niệm rõ ràng về cải cách chính trị.”
Ông Chương Lập Phàm là một nhà chính trị học nổi tiếng Trung Quốc. Ông tán đồng nhận định vừa kể và cho biết ông ủng hộ ông Ôn Gia Bảo hơn những nhà lãnh đạo khác ở Trung Nam hải:
“Ông ấy đã có thể minh xác niềm tin chính trị của mình, có thể trình bày một cách hoàn chỉnh về những gì mà ông tin tưởng. Nói cho cùng thì làm được như vậy vẫn tốt hơn là không làm hay chống lại những người hô hào cải cách. Như quí vị đã thấy, sau khi ông Ôn Gia Bảo đưa ra những phát biểu ở Thâm Quyến, một số thế lực đã phát động một chiến dịch mới để công kích ông ấy. Tôi nghĩ rằng so với những người khác thì ông ấy tốt hơn cho nên tôi ủng hộ ông ấy.”
Ông Chương Lập Phàm cho biết việc ông Ôn Gia Bảo nói rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc cần phải hành động theo đúng hiến pháp và pháp luật thật ra là một chủ trương đã được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào năm 1987. Ông Chương nói thêm rằng việc quay lại với đường lối của Đại hội 13 là cách duy nhất để cữu vãn vị thế chính trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng việc này gặp phải những sức cản rất lớn:
“Mặc dù các nhân vật lãnh đạo đảng nhận thức được là đã tới lúc phải quay lại với thể chế cai trị theo hiến pháp, nhưng việc này có thể gặp phải những trở lực vô cùng to lớn. Như quí vị đã biết, hơn 20 năm đã trôi qua. Đã trễ nãi nhiều lắm rồi. Những nhóm đặc quyền đặc lợi đã hình thành một mạng lưới rất chặt chẽ rồi.”
Ông Lưu Hiểu Ba, một nhà tranh đấu dân chủ Trung Quốc vừa đoạt giải Nobel Hòa bình [Hình АР]
Ông Trần Vĩnh Miêu, một học giả và là một nhân vật bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, cũng cho rằng sức cản đối với nỗ lực cải cách chính trị hiện nay rất lớn. Tường thuật hôm mồng 4 tháng 10 của tờ The Guardian ở Anh trích lời ông Trần Vĩnh Miêu nói rằng ông Ôn Gia Bảo chỉ còn nắm quyền được hai năm nữa; cho nên dù ông ấy có thật sự muốn cải cách đi nữa thì cũng không thể đạt được mục tiêu. Ông Trần nói thêm rằng việc thực hiện cải cách chính trị ở Trung Quốc cần tới một nhà lãnh đạo thật sự có nhiều thế lực, như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình, để đương cự và đánh bại guồng máy thư lại do quá nhiều người tạo nên. Ông Trần Vĩnh Miêu nhận định như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA:
“Nếu ông Ôn Gia Bảo không có hành động có thực chất nào thì những tuyên bố của ông ấy chỉ có thể được xem là một sự trình bày ý kiến dựa theo lương tâm của mình, hay thậm chí chỉ là một sự tuyên truyền hay một trò tung hỏa mù mà thôi. Việc suy đoán động cơ của ông Ôn Gia Bảo thật ra là không cần thiết. Bởi vì bất kể là động cơ của ông ta là gì thì rốt cuộc ông ta cũng gặp thất bại trước sức mạnh mà thể chế độc tài và guồng máy cai trị chuyên chính đã tích lũy ở Trung Quốc trong hơn 60 năm qua.”
Nhà nghiên cứu luật học Phạm Á Phong không bi quan như vậy, nhưng ông nói rằng điều mà Trung Quốc cần có hiện nay là một cuộc cách mạng chính trị chứ không phải chỉ sửa đổi như ông Ôn Gia Bảo hô hào:
Hôm thứ 6 (08-10-2010), với việc Ủy ban Nobel Hòa bình Na Uy loan báo quyết định trao giải Nobel năm nay cho ông Lưu Hiểu Ba, một nhà tranh đấu dân chủ Trung Quốc đang thọ án tù 11 năm, chính phủ ở Bắc Kinh đã trở thành chính quyền thứ nhì trên thế giới, sau Miến Điện, giam cầm một người đoạt giải Nobel.
Duy Ái [Nguồn: VOA]