Đảng Cộng sản Cuba sắp có những quyết định bước ngoặt ?
Các báo ra hôm nay phần lớn đều tập trung vào hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul. Tuy nhiên báo Le Monde vẫn dành sự chú ý tới một động thái thay đổi ở đất nước Cộng sản Cuba nằm giữa biển Caribe với bài viết « Tại Cuba, đảng Cộng sản sắp thông qua bước ngoặt về kinh tế ».
Hôm 8 tháng 11, chủ tịch Cuba Raul Castro đã ra một thông báo quan trọng là Đại hội đảng Cộng sản Cuba sẽ họp vào tháng tư năm 2011, điều quan trọng là Đại hội này sẽ «cập nhật lại mô hình kinh tế Cuba». Trước Đại hội sẽ có một hội nghị trung ương để xem xét các « vấn đề nội bộ » của Đảng đến giờ vẫn còn nằm dưới sự lãnh đạo của bí thư thứ nhất Fidel Castro, nay đã 84 tuổi.
Trên đường phố La Habana ngày 10/11/2010. Reuters
Cũng nên biết là từ năm 1997 đến nay đảng Cộng sản Cuba chưa có kỳ Đại hội nào và Đại hội lần này đã bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần từ năm 2002.
Văn kiện trình Đại hội này, đã được phổ biến hôm 9/11 tại La Habana, gồm 32 trang, xác định những cải cách đã được thông báo và đưa ra thêm những cải cách khác, đồng thời văn kiện cũng nói rõ « chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có khả năng vượt lên khó khăn và duy trì thành quả cách mạng » và « kế hoạch hóa sẽ vẫn là chủ đạo trên thị trường ».
Trong số những điểm mới mà người ta có thể thấy trong văn kiện này, đó là việc xóa bỏ chế độ tem phiếu phân phối lương thực thực phẩm, nét đặc trưng của chủ nghĩa bình quân trong xã hội bao cấp Cuba đã tồn tại từ năm 1963. Nhà nước sẽ cho nghiên cứu để xóa bỏ tình trạng tồn tại song song hai đồng tiền ở Cuba đó là đồng peso có giá trị quy đổi sang ngọai tệ và đồng peso tiêu dùng trong nước, vốn bị mất giá trầm trọng. Chính hệ thống hai loại tiền đã gây ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa những người Cuba có ngoại tệ và những người làm công ăn lương với mức thu nhập trung bình chỉ có 20 đô la một tháng.
Văn kiện Đại hội Đảng cũng hứa hẹn với các nhà đầu tư ngọai quốc rằng «Cuba sẽ tôn trọng triệt để các cam kết đã ghi trong hợp đồng », trong khi đó, còn nhớ hồi năm vừa qua vì thiếu tiền nên tài sản nhiều công ty liên doanh tại Cuba đã bị phong tỏa.
Báo Le Monde nhắc lại hồi tháng 9 năm nay, trong kế hoạch giảm biên chế, chính quyền đã thông báo đến đầu năm tới, nửa triệu người lao động Cuba sẽ bị ra khỏi biên chế. Đại hội đảng Cộng sản lần này sẽ phải thông qua các quy định công nhận quy chế lao động tự do cho những người bị đưa ra khỏi biên chế. Đến năm 2009 thì cả Cuba mới chỉ có gần 150 nghìn lao động độc lập. Từ giờ trở đi, những người này có thể sẽ được vay tín dụng để lập công ty riêng.
Đó là những nét cởi mở cơ bản đã được ghi trong văn kiện sẽ thông qua Đại hội Đảng vào năm tới. Tuy nhiên, báo Le Monde cũng ghi nhận thấy có phản ứng ngờ vực, thậm chí chỉ trích các chính sách cơ cấu lại nền kinh tế Cuba hiện tại.
Trước hết, theo hai chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Cuba thuộc đại học La Habana là Pavel Vidal và Omar Everleny Perez, khu vực kinh tế tư nhân mới hình thành khó mà có thể hấp thụ được hết nửa triệu lao động trong vòng một năm. Hai chuyên gia trên còn dự báo lượng thất nghiệp sẽ tăng cao. Đây sẽ là một thách thức của chế độ vốn đã duy trì từ năm thập kỷ qua chính sách ai cũng phải có công ăn việc làm đầy đủ.
Theo văn kiện trình Đại hội Đảng, các xí nghiệp làm ăn không có lãi sẽ bị đóng cửa. Trong lúc mà các xí nghiệp làm ăn có lãi hiện đã nằm dưới sự quản lý của bộ Quốc phòng. Theo giới đối lập, chính sách mới của Cuba « thể hiện một bước ngoặt sang hướng chủ nghĩa tự do hóa hoang dã ».
Tương lai chính trị của bà Aung San Suu Kyi ?
Trang quốc tế báo Le Figaro có bài viết « Tập đoàn quân sự có thể trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi ». Vẫn chỉ là có thể, nhưng theo tờ báo thì sau khi giành chiến thắng trong cuộc chạy đua không có đối thủ, các tướng lĩnh Miến Điện giờ đang cân nhắc đến mức độ nguy hiểm của biểu tượng dân chủ Aung San Suu Kyi đối với chế độ. Tờ báo đặt câu hỏi : Tập đoàn quân sự Miến Điện có gặp nguy hiểm gì khi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, một biểu tượng sống, hiện thân cho những khát vọng của cả dân tộc ?
Trên nguyên tắc, lệnh quản thúc tại gia nhà đối lập nổi tiếng này sẽ kết thúc vào ngày 13 tháng 11 tới đây, nhưng quyết định vẫn thuộc về lãnh đạo tối cao tập đoàn quân sự, tướng Than Shwe. Không loại trừ khả năng nhân vật số 1 của Miến Điện một lần nữa gia hạn thêm lệnh quản chế bà Aung San Suu Kyi.
Theo Le Figaro, nếu như bà Aung San Suu Kyi bị cầm tù suốt hơn 15 năm, đó là vì chế độ độc tài này lo sợ uy tín vô cùng lớn của bà. Nhưng ván bài đã thay đổi sau cuộc bầu cử vừa rồi. Tập đoàn quân sự đã tạo dựng được tính chính đáng qua hòm phiếu. Hơn nữa, bà Aung San Suu Kyi cũng đã từng tuyên bố sẵn sàng hợp tác với chính quyền để gỡ bỏ lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Miến Điện. Vì thế, việc trả tự do cho giải Nobel Hòa bình này vừa có ý nghĩa là cơ hội nối lại viện trợ của quốc tế vừa thúc đẩy hòa hợp dân tộc.
Đến lúc này đã có nhiều người đặt vấn đề tương lai chính trị của bà Aung San Suu Kyi. Nhà đối lập 65 tuổi này hiện vẫn bị cô lập. Đảng của bà từng bị tập đoàn quân sự phủ nhận chiến thắng trong cuộc tuyển cử năm 1990, nay cũng đã bị giải tán vì tẩy chay cuộc bầu cử mới đây. Những người đồng hành trung thành với bà nay cũng đã rời bỏ con đường chính trị, hoặc còn đang ở trong tù, hoặc đã tham gia đảng phái mới.
Vẫn liên quan đến Miến Điện, báo Liberation hôm nay lưu tâm đến nước này, nơi vừa diễn ra cuộc tuyển cử gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên đặc phái viên của báo Liberation tại Thái Lan lại đề cập đến một vấn đề khác ở Miến Điện, đó là « cuộc hồi hương lạ lùng của những người dân sắc tộc Karen bị tập đoàn quân sự đàn áp », tựa của bài báo.
Theo tác giả bài báo, sau thời gian tỵ nạn ngắn ngủi trên đất Thái Lan, những người Karen bỏ chạy khỏi cuộc chiến trên quê nhà đã trở về Miến Điện là điều bình thường, nhưng chính sách cai trị những người sắc tộc thiểu số đang báo hiệu những cuộc xung đột khác ở Miến Điện.
Đặc phái viên của Libération đã đến con sông Moei, đường biên giới tự nhiên giữa hai nước Miến Điện và Thái Lan, để chứng kiến cuộc hồi hương của khoảng 15 nghìn người Karen hôm 9/11 vừa rồi. Đây cũng chính là nơi trước đó có một hôm, họ chen nhau đổ về Thái Lan để chạy khỏi cuộc xung đột giữa một nhóm quân sắc tộc Karen với quân đội của chính phủ Miến Điện. Đợt chạy nạn của họ chỉ kéo dài có một ngày. Ngay sau khi các chỉ huy quân đội Thái Lan thông báo tình hình đã trở lại bình thường bên kia biên giới của Miến Điện là những người tỵ nạn đã quyết định quay trở về nhà ngay.
Nguyên nhân của sự việc này vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược, nhưng những người chạy nạn đều nhất trí với nhau một điểm, đó là cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ với nhóm những người Karen theo đạo Phật (vốn đã quy phục tập đoàn quân sự), có liên quan đến căng thẳng trong diễn biến của cuộc bầu cử hôm mùng 7 vừa rồi. Có người khẳng định vì bực tức với việc cử tri tham gia bầu cử ở thành phố Myawaddy không cao, nên quân đội chính phủ đã kiếm chuyện với những người dân trong đó có cả người Karen.
Cũng có ý kiến khác lại cho rằng chính những người Karen đã tấn công vào thành phố. Dù nguyên nhân do đâu thì theo tác giả bài báo, cuộc chạy nạn của hàng ngàn người Miến Điện ở biên giới cho thấy có vấn đề trong quan hệ giữa chính quyền chuyên chế với dân chúng, luôn hoang mang hoài nghi.
Vấn đề không chỉ có thế. Tác giả bài báo còn đi vào phân tích cho thấy tính chất phức tạp trong quan hệ của tập đoàn quân sự với sắc dân thiểu số ở vùng biên giới. Chính quyền muốn biến những nhóm du kích sắc tộc thiểu số đã ký ngừng bắn với chính phủ, thành các đội dân quân biên giới dưới sự chỉ huy của quân đội.
Một bộ phận người Karen đã không đồng ý và dẫn đến tình trạng lục đục trong nội bộ người thiểu số. Chính ý đồ làm suy yếu các du kích quân thiểu số này năm ngoái đã gây ra các cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ với du kích quân sắc tộc Kokang ở biên giới với Trung Quốc. Các cuộc xung đột như vậy liên tục nổ ra đã khiến cho các nước láng giềng của Miến Điện cảm thấy bị quấy rầy. Bên cạnh đó, người Shan, một lực lượng sắc tộc thiểu số lớn đối lập với chính quyền cũng đang tập hợp lực lượng vẫn luôn chống lại quân đội Miến Điện.
G20: Thượng đỉnh sôi động nhất từ trước tới nay
Chủ đề thời sự được các báo nhất loạt quan tâm nhiều nhất hôm nay là cuộc họp Thượng đỉnh G 20 hôm nay khai mạc tại Seoul Hàn Quốc. Đây là hội nghị lần thứ 5 kể từ năm 2008 và là lần đầu tiên diễn ra tại một nước có nền kinh tế mới trỗi dậy. Giới quan sát nhận định đây là một Hội nghị Thượng đỉnh sôi động hơn nhiều so với các hội nghị trước. Các báo hôm nay khai thác rất nhiều khía cạnh khác nhau và dường như sự chú ý đổ dồn về hướng hai cường quốc kinh tế thế giới Mỹ và Trung Quốc.
« Cuộc đối đầu Bắc Kinh và Washington sẽ bao trùm các cuộc thảo luận của G20 tại Seoul». Đó là dòng tựa lớn của báo Le Monde trên trang nhất. Tờ báo cũng dự trù « kỳ họp này nhiều biến động hơn trước ». Le Monde nhận thấy trong các cuộc thảo luận mở ra hôm nay, các cường quốc trên thế giới khó có quan điểm gần nhau về những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào chính sách thả lỏng tiền tệ của Hoa Kỳ và chuyện thặng dư thương mại quá lớn của Trung Quốc ».
Báo Liberation cũng nhấn thêm bằng hàng tựa « G20 : Nhốn nháo ở Seoul ». Tờ báo nhận định : « Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra hôm nay và ngày mai ở Hàn Quốc có nguy cơ vướng vào cuộc chiến tiền tệ ». Một cuộc chiến trên nền khủng hoảng kinh tế vẫn còn đeo bám. Tất cả những cái đó khó có thể mà đón được những kết quả cụ thể của hội nghị lần này.
Cùng chung nhận định với Libération, Le Figaro viết « 20 nước giàu có nhất thế giới họp nhau hôm nay tại Seoul đã có trước kịch bản là Hội nghị Thượng đỉnh G 20 lần này sẽ không đưa được ra cái gì cụ thể, chủ yếu là trên vấn đề mất cân đối tiền tệ (…). Cần phải nói là các dấu hiệu những ngày gần đây đã cho thấy không có gì khả quan hết. Bị tố cáo là duy trì giá trị đồng tiền của mình ở mức thấp giả tạo nhằm duy trì tăng trưởng, với hậu quả là làm rối loạn kinh tế thế giới, nhưng Trung Quốc không hề đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ thay đổi lập trường ».
Trên ghế bị cáo còn có cả Hoa Kỳ. Cường quốc này cũng bị tố cáo duy trì đồng đô la ở giá trị thấp so với đồng euro. Các báo đều có một câu hỏi chung : Vậy G20 có thể làm gì ? Câu trả lời là chẳng có gì đáng kể hết. Ngoài ra, trong hai ngày hội nghị, lãnh đạo các nước cũng sẽ bàn đến các chủ đề về các định chế tài chính quốc tế, viện trợ phát triển, điều tiết tài chính và đấu tranh chống tham nhũng. Có thể sẽ có được một vài kết quả trên các chủ đề này.
Anh Vũ [Nguồn: RFI]