Đảng Cộng Sản đương quyền ở Việt Nam đã chọn các nhà lãnh đạo mới tại một hội nghị ở Hà Nội. Các nhà phân tích cho biết tuy có những mối quan tâm về bất ổn kinh tế nhưng hội nghị này không có những diễn tiến gây ngạc nhiên và ông Nguyễn Tấn Dũng có phần chắc sẽ tiếp tục giữ chức thủ tướng. Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo này sẽ phải ra sức kiềm chế lạm phát để bảo đảm cho sự tăng trưởng của kinh tế đất nước.
Các nhà lãnh đạo mới được bầu chọn của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng trên sân khấu
tại lễ bế mạc Đại hội đảng lần thứ 11 tại Hà Nội, ngày 19/1/2011.Hình: REUTERS
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam của Đại học Quốc phòng Australia, nói rằng sự thay đổi nhân sự lãnh đạo này đã diễn ra hầu như hoàn toàn đúng với sự tiên liệu của nhiều người:
Ông Thayer nói: “Đây là một hệ thống lúc nào cũng cố gắng tìm kiếm một vị thế ở giữa và không di chuyển tới các thái cực. Hệ thống này luôn chuyển dịch một các tuần tự và thận trọng. Vì vậy tôi nghĩ rằng đó là điều mà chúng ta nhìn thấy ở đây. Công việc diễn ra như bình thường và đó là những người mà chúng ta đã biết. Và ngay cả những người mới được bầu vào Bộ Chính trị cũng phải mất thời gian để có thể thật sự phát huy quyền lực. Đây là một nền văn hóa coi trọng sự thâm niên cho nên sự tiếp nối là một sự việc quan trọng.”
Giáo sư Thayer nói rằng sau khi được tái bổ nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có phần chắc sẽ tiếp tục chính sách tài trợ cho các dự án lớn của nhà nước như đường xe lửa cao tốc.
Ông Dũng bị chỉ trích hồi năm ngoái khi Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin nợ nần chồng chất đã không trả được những khoản nợ vay của nước ngoài, khiến cho thứ hạng tín dụng của Việt Nam bị sút giảm.
Việt Nam là một nước theo thể chế độc đảng và đại hội đảng, bên cạnh việc chọn lựa các nhân vật lãnh đạo, còn đề ra một kế hoạch 5 năm về phát triển quốc gia. Khoảng 1.400 đại biểu đã tụ họp ở Hà Nội trong tuần qua giữa lúc Việt Nam, mặc dù có tăng trưởng nhanh, nhưng phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về kinh tế vĩ mô, trong đó có vấn đề thâm hụt mậu dịch ngày càng lớn và vấn đề giá cả leo thang nhanh chóng.
Ông Jonathan Pincus, một kinh tế gia thuộc Chương trình Harvard-Vietnam ở Hà Nội, nói rằng vì áp lực giá tiêu thụ toàn cầu dự kiến sẽ gia tăng trong năm nay cho nên Việt Nam càng cần phải kiểm soát các chính sách tài chánh và tiền tệ.
Ông Pincus nói: “Tôi không nghĩ rằng điều này đòi hỏi một sự thay đổi to lớn. Tôi nghĩ rằng để có thể tái lập ổn định giới hữu trách chỉ cần áp dụng một chính sách tài chánh bảo thủ hơn, hay nói một cách khác là phải giảm thiểu mức thâm hụt tài chánh của chính phủ. Ngoài ra họ cũng cần lưu ý nhiều hơn nữa tới chính sách tiền tệ để bảo đảm là mức tăng trưởng tín dụng không vượt khỏi giới hạn mà chính phủ đã đề ra ngõ hầu vật giá không gia tăng vượt tầm kiểm soát.”
Kinh tế Việt Nam đã được dần dần tự do hóa sau hơn hai thập niên áp dụng chế độ tập trung kiểm soát, nhưng một số công ty quốc doanh lớn vẫn còn lệ thuộc vào sự hỗ trợ của chính phủ.
Khi Việt Nam mở cửa cho các sức mạnh của thị trường và kinh tế toàn cầu, các công ty tư đã trở thành động lực thúc đẩy để giúp cho tăng trưởng hàng năm đạt được tỉ lệ trung bình 7% trong 20 năm qua.
Tại đại hội đảng lần này, các đại biểu đã quyết định cho phép những người chủ doanh nghiệp tư được gia nhập đảng lần đầu tiên – một sự thừa nhận về vai trò quan trọng của các doanh nghiệp này đối với kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục nắm giữa vai trò cốt lõi trong các công nghiệp quan trọng như năng lượng và viễn thông. Một số nhà kinh tế học nói rằng những doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả nhưng nắm vị thế độc quyền này làm cho ngân quỹ nhà nước bị hao tổn rất nhiều.
Ông Lê Đăng Doanh, người từng giữ chức cố vấn kinh tế cho chính phủ Việt Nam, nói rằng hoạt động kinh doanh thiếu hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước là một vấn đề rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Ông Doanh nói thêm: “Việt Nam cần phải cải cách một cách mạnh mẽ để vượt qua vấn đề bất ổn của kinh tế vĩ mô và huy động các nguồn lực tiềm năng. Nếu Việt Nam có thể thực thi những biện pháp cải cách cần thiết thì kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nếu không, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức.”
Đại hội đảng đã bày tỏ quan tâm về nền kinh tế nhưng tỏ ý lạc quan là tình trạng mất cân bằng sẽ được khắc phục.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng các đại biểu đã lạc quan quá độ về tình hình hiện nay. Ông nói thêm rằng Việt Nam cần có những nhà lãnh đạo trẻ hơn, có tinh thần cải cách nhiều hơn để cân bằng với những nhà lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm ngõ hầu đất nước có thể đương đầu tốt hơn với những thách thức mới trong lúc tiến vào thị trường toàn cầu.
Nguồn: Daniel Schearf/ VOA