I- Ông Gorbachev từ chức
Sau vài ngày trì hoãn không tìm ra lối thoát, Chủ Tịch của Liên Xô là ông Mikhail S. Gorbachev vào buổi chiều ngày 25 tháng 12 năm 1991, đành phải lên đài truyền hình, trình bày trước dân chúng Liên Xô rằng ông không còn đủ sức, đủ tài để giữ cho Liên Xô không bị sụp đổ. Ông nói: “Từ nay tôi chấm dứt các hoạt động của tôi ở chức vụ Chủ Tịch của Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô viết”.
Ông Mikhail S. Gorbachev có quyết định này khi tìm mọi cách để hàn gắn lại đất nước Liên Xô nhưng không thành. Đế Quốc Cộng Sản Liên Xô đang đứng trước bối cảnh đói rách, phá sản, ly khai.
Không lâu sau bài diễn văn truyền hình của ông Gorbachev, vào đúng 7 giờ 32 phút chiều ngày hôm đó, lá cờ Búa Liềm đã từng ngạo nghễ tung bay phấp phới trên nóc Điện Cẩm Linh trong gần 3 phần tư thế kỷ, được kéo xuống một cách âm thầm và thay thế bằng lá cờ Nga với 3 màu trắng, xanh và đỏ, và đây là lá cờ của một liên minh lỏng lẻo gọi là “Cộng Hòa các Quốc Gia Độc Lập” (the Commonwealth of Independent States). Từ nay “thành trì của ý thức hệ Mác Xít Lê-Nin-Nít đã tiêu tan”.
Đế Quốc Cộng Sản Liên Xô đã sụp đổ, đã chết vào ngày 25/12/1991, hưởng thọ 74 tuổi! Liên Xô đã được thai nghén từ các lời hứa “không tưởng” (utopian promises), đã chào đời sau những chính biến đầy bạo lực của “Cuộc Đại Cách Mạng Tháng 10 Năm 1917” để rồi trải qua các thập niên lịch sử vừa hỗn độn, vừa huyên náo, đã đạt được nhiều thành tích rất to lớn nhưng cũng khiến cho hàng trăm triệu người dân trong nước phải chịu đựng nhiều đau khổ một cách khủng khiếp.
Sự sụp đổ của Đế Quốc Cộng Sản Liên Xô khiến cho nhiều người phải nhớ tới lời của Alexis de Tocqueville nói về cuộc Cách Mạng Pháp: “Như vậy rõ ràng là trên các miền đất của nước Pháp, đã có cuộc cải tiến quan trọng khi lòng bất mãn của người dân lên cao nhất. Điều này có vẻ vô lý, nhưng Lịch Sử thì tràn đầy nghịch lý (paradoxes) như thế. Không phải luôn luôn có các cuộc cách mạng mỗi khi sự việc đi từ xấu đến xấu nhất mà trái lại, cuộc cách mạng thường xẩy ra khi người dân chống đối một chính quyền đàn áp trong một thời gian khá dài rồi bỗng nhiên, khi thấy rằng chính quyền giảm bớt áp lực đè nén thì ngay lập tức, người dân cầm súng vùng dậy chống lại chính quyền đó”.
Liên Xô có hệ thống chính trị Xô Viết với đường lối tập quyền và chuyên chế từ trung ương, với Đảng Cộng Sản được tổ chức rất kỷ luật, với mạng lưới công an KGB tinh vi, với khối quân sự hùng mạnh và các ngành truyền thông cùng báo chí bị kiểm soát chặt chẽ, thì không thể nào bị sụp đổ từ bên trong! Chế độ Phát Xít của Ý và chế độ Quốc Xã của Đức đã chỉ bị tiêu diệt sau nhiều thảm bại về quân sự. Nhưng Liên Xô đã sụp đổ quá nhanh mà không phải dùng tới vũ khí hạt nhân. Liên Xô đã âm thầm đi vào bóng tối, khiến cho nhiều người phải sững sờ, thắc mắc?
Ngày 11 tháng 3 năm 1985, ông Mikhail S. Gorbachev được chọn làm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Xô, chỉ vài giờ sau lời công bố sự từ trần của ông Konstantin U. Chernenko. Vào lúc này, Liên Xô đang cần tới một nhà lãnh đạo có nhiều sinh lực hơn, trẻ trung hơn. Ông Gorbachev đã được Chủ Tịch Yuri V. Andropov “đánh bóng” và chọn lựa vào chức vụ hàng đầu: ông mới 54 tuổi, là nhà lãnh đạo trẻ nhất kể từ thời Stalin và đây là điều mà phần lớn người dân Liên Xô ưa thích, nhưng ông Gorbachev lại chỉ có chút ít kinh nghiệm tại Trung Ương Đảng. Vào ngày nhậm chức, ông Gorbachev đã tuyên bố rằng: “Thưa các đồng chí, tôi hứa với các đồng chí rằng tôi sẽ hết sức cố gắng một cách trung thành phục vụ Đảng, nhân dân và lý tưởng Lê Nin”. Ông Gorbachev đã hứa sẽ làm cho các cơ sở kinh tế được độc lập hơn, làm tăng năng suất và cho người dân có thêm thông tin. Ông kêu gọi cải thiện quan hệ với phương Tây và Trung Cộng. Ông Gorbachev đã dùng chính sách “glasnost” hay “cởi mở” để canh tân Liên Xô, nhưng rồi chính ông lại là nạn nhân của chính sách cởi mở và đường lối dân chủ, mà ông đang cố gắng tìm kiếm phương cách để áp dụng sao cho thích hợp.
Giống như Sa Hoàng cuối cùng là Nicholas II, ông Gorbachev đã cố gắng hòa giải và tránh dùng sức mạnh. Tại Đông Âu, có vẻ như ông Gorbachev chấp nhận sự tan rã của các chế độ cộng sản tại vùng này vào năm 1989 và đã không hành động gì để tránh cho Bức Tường Bá Linh khỏi bị sụp đổ. Trong 30 năm, Bức Tường này đã là một pháo đài biểu tượng của sự ngăn cách giữa hai khối Đông và Tây mà đối với các nhà lãnh đạo Tây Phương, đáng lẽ ra nó phải được bảo vệ bằng các võ khí hạt nhân khi bị đe dọa chọc thủng. Tại Liên Xô, ông Gorbachev thường nói về cải cách và dân chủ hóa, ông đã cố gắng làm cho Xã Hội Chủ Nghĩa có thêm năng lực, hoạt động hơn, đồng thời cũng trấn an Đảng Cộng Sản rằng ông sẽ không làm tổn thương các quyền lợi đã được thiết lập vững chắc và từ lâu của giới cầm quyền Cộng Sản. Cố gắng của ông Gorbachev vừa mang lại dân chủ cho người dân Liên Xô, vừa duy trì chế độ cộng sản chuyên chế cuối cùng đã thất bại.
1- Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản
Lý thuyết Mác Xít của giai đoạn đầu đã được Lênin bổ túc bằng mạng lưới tổ chức rất kỷ luật và chặt chẽ theo đó, đảng Cộng Sản là người tiền phong của giai cấp vô sản, là giai cấp lãnh đạo của toàn thể xã hội. Tại tất cả các quốc gia theo Cộng Sản hay theo Xã Hội Chủ Nghĩa, đảng Cộng Sản được Hiến Pháp dành cho “độc quyền về quyền lực” vì vậy mới có định luật “Dân làm chủ, Nhà Nước quản lý và Đảng lãnh đạo”. Định luật căn bản này đã được George Orwell diễn tả trong cuốn truyện “Trại Súc Vật” (the Animal Farm) theo đó “mọi con vật đều bình đẳng, nhưng cũng có một số con vật được bình đẳng hơn” (all animals are equal, but some are more equal). Tại các quốc gia cộng sản, các đảng viên Cộng Sản được hưởng thụ ưu thế “bình đẳng hơn” các người dân khác, họ là “chủ nhân của xã hội”. Các đảng viên cao cấp cùng gia đình của họ có quyền hưởng thụ nhiều tiện nghi như ở nhà tốt, đi xe công, điều trị trong các bệnh viện dành riêng, mua hàng tại khu bán hàng đặc biệt… tức là an hưởng một mức sống cao hơn hẳn các người dân thường. Đã có các tổ đảng bố trí tại mọi cơ sở, từ Quân Đội, thành phố, làng xã, nhà máy, trường học… Tổ chức Đảng là một cấu trúc theo hình kim tự tháp, với mệnh lệnh từ trên đưa xuống và các tổ đảng tại mỗi tầng lớp có nhiệm vụ nhận chỉ thị từ cấp trên, thi hành và theo dõi việc tuân thủ tại mỗi địa phương, cho tới giai tầng thấp nhất. Đảng và Nhà Nước (hay chính quyền) đã lẫn vào nhau trong công việc quản trị quốc gia.
Một đặc tính khác là trò chơi dân chủ. Chính quyền luôn luôn tổ chức các cuộc bầu cử và các đảng viên đều được đắc cử vẻ vang bởi vì họ thuộc giai cấp lao động nên được sự ủng hộ hoàn toàn của quần chúng. Nhưng trong các cuộc bầu cử này, thường chỉ có một ứng cử viên duy nhất do Đảng Cộng Sản đưa ra tại mỗi vị trí tranh cử, và mọi công dân bị bắt buộc phải tham gia vào công việc đi bầu khiến cho kết quả bỏ phiếu thường là 99 phần trăm hay 99.5 phần trăm và điều này dùng để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng các đường lối của Đảng đã được dân chúng hoàn toàn chấp nhận một cách dân chủ.
Tổ chức Đảng theo hình kim tự tháp có phần đỉnh tháp gồm một tập thể nhỏ đảng viên đầy quyền lực, được gọi là “Nomenclatura” hay “tầng lớp thư lại chính trị”. Các đảng viên cao cấp này, trên cùng là Ban Bí Thư, Ủy Ban Trung Ương Đảng và Bộ Chính Trị, là những người thực sự cai trị đất nước. Sau các cuộc nổi dậy tại Đông Âu vào cuối năm 1989, người dân châu Âu và người dân các nước cộng sản đã sửng sốt khi nhìn thấy chiếu trên màn ảnh truyền hình các cảnh xa hoa đã bị che dấu và đã do các nhà lãnh đạo đảng hưởng thụ một cách kín đáo, từ các căn nhà lộng lẫy dùng làm nơi săn bắn, nghỉ mát của Honecker, các biệt thự bên trong có rất nhiều bức danh họa vô giá, các vòi nước mạ vàng của Ceausescu, các khách sạn rực rỡ của một số đảng viên Tiệp Khắc…
Nomenclatura hay “tầng lớp thư lại chính trị” không chỉ gồm các đảng viên cao cấp trong Trung Ương Đảng, mà còn bao gồm các bộ trưởng trong chính phủ, các chủ tịch của nhiều công ty quan trọng, các giám đốc của những xí nghiệp và ngân hàng lớn và các sĩ quan cao cấp. Một phần quan trọng khác của Nomenclature là “tổ chức công an mật vụ”: tại Liên Xô có K.G.B., tại Đông Đức có Stasi, Securitate là của Romania, Sigurimi là của Albania… Hệ thống công an vừa bí mật, vừa có quyền hành ngang với quân đội, đã hiện diện tại khắp nơi, đã theo dõi và nắm chặt được xã hội, và hệ thống này có hàng triệu, hàng trăm ngàn mật báo viên, với tỉ lệ trong 10 người dân có một công an chìm.
2- Ý thức hệ chỉ đạo Mác Xít- Lêninnít
Ý thức hệ Mác Xít/ Lênin-nít là tập thể các giáo điều, các công thức, các định luật… được lặp đi, lặp lại hàng triệu lần để làm ăn sâu vào đầu óc của mọi người dân sống trong các quốc gia cộng sản hay xã hội chủ nghĩa. Vào giai đoạn đầu của thời kỳ cộng sản, lý thuyết này đã được nhiều trường đảng giảng dạy như một thứ tôn giáo mới. Các đảng viên cộng sản cuồng tín có thể tranh luận về lý thuyết xã hội này hàng giờ mà không nghỉ và qua nhiều năm, giáo điều Mác Lê đã trở thành một thứ thánh kinh, một lá bùa hộ mệnh cho mọi người.
Ý thức hệ Mác-Lê gồm các điều căn bản chính như sau:
– Lịch sử của loài người đi từ giai đoạn này qua giai đoạn khác bằng các cuộc đấu tranh giai cấp.
– Đảng Cộng Sản là người tiền phong của giới lao động, là đại diện của giai cấp vô sản.
– Phe đế quốc với Hoa Kỳ là tên đầu sỏ, chủ trương bóc lột công nhân và áp bức các dân tộc khác trên thế giới, nên là lực lượng phản xã hội, phản cách mạng.
– Liên Xô là cái nôi của xã hội chủ nghĩa và là lực lượng bảo vệ các dân tộc bị áp bức.
– Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa rất khoa học, không bóc lột nhân công. Marx đã tiên liệu rằng cách chỉ huy từ trung ương về kỹ nghệ và nông nghiệp sẽ bảo đảm sự hữu hiệu kinh tế, công việc làm lâu bền và lợi tức đồng đều.
Tại các quốc gia cộng sản, từ bậc tiểu học cho tới bậc trung học, các học sinh phải học thuộc lòng các giáo điều căn bản Mác Lê và các sinh viên đại học phải theo các khóa học Mác Xít- Lênin-nít. Người dân đều thuộc lòng những câu hứa hẹn như “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Trong các nước cộng sản theo đường lối bảo thủ như Romania và Bulgaria, không một ai có quyền thắc mắc tranh luận về ý thức hệ này. Tại Tiệp Khắc, người dân không tin vào các giáo điều Mác Lê nhưng cũng “trả bài” cho qua việc, còn tại Hungari và Ba Lan, việc nhồi sọ bằng lý thuyết cộng sản dần dần trở nên hời hợt, cho tới khi nhà lãnh đạo cộng sản Romania là Nicolae Ceausescu nói về “đỉnh cao trí tuệ của chủ nghĩa cộng sản” (the radiant summits of Communism) vào tháng 12 năm 1987 thì các người dân đói ăn đã không còn tin tưởng vào ông ta nữa.
3- Nền kinh tế chỉ huy
Nền kinh tế chỉ huy của Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa còn được gọi là nền kinh tế Mác Xít, hay nền kinh tế được hoạch định từ trung ương. Trong nhiều năm, nền kinh tế này được mọi báo chí, sách vở ca tụng là khoa học nhất, hiện đại nhất vì đi trực tiếp vào đời sống xã hội. Nền kinh tế này có các đặc tính như sau:
a) Kế hoạch từ trung ương: các kế hoạch kinh tế đều do bộ máy thư lại rất to lớn quyết định. Mọi kinh doanh cá nhân, mọi sáng kiến không được hoan nghênh mà còn bị xách nhiễu, trừng phạt… vì đi lệch khỏi đường lối của đảng.
b) Kiểm soát giá biểu: các cơ quan nhà nước ấn định mọi giá biểu và giá biểu này đã không gia tăng trong nhiều năm. Các người cộng sản thường tự phụ rằng trong xã hội của họ không có nạn lạm phát, trong khi đó thực phẩm và hàng hóa thường xuyên bị khan hiếm, gây nên nạn buôn bán chợ đen, nạn làm hàng giả…
c) Nhà Nước là chủ nhân chính và duy nhất thuê mướn nhân công. Hầu như tất cả dân chúng đều làm việc cho Nhà Nước, tức là chính quyền. Tại các quốc gia tư bản, các người lao động bị bóc lột thực, nhưng họ có tự do đổi chủ khi không muốn làm việc vì lương bổng thấp, vì bị chèn ép, bởi vì trong xã hội tư bản có hàng trăm ngàn ông chủ nhỏ để họ chọn lựa. Nhưng trong các nước cộng sản, ngoài chính quyền ra, không có cơ sở tư nhân thuê mướn người. Nhà Nước là “ông chủ duy nhất” và người dân muốn có ăn phải làm công cho ông chủ này với giá rẻ mạt. Vào giai đoạn đầu của thời kỳ cộng sản, hầu như không có nạn thất nghiệp nhưng thường xuyên có nạn xử dụng nhân lực dưới mức hữu hiệu (underemployment). Cũng ít có cảnh một kỹ sư bị sa thải vì bất tài nhưng trái lại người kỹ sư rất dễ bị đuổi việc vì một lý do chính trị. Người cộng sản thường tự hào rằng trong chế độ của họ, người dân có chiếc chén (bát) ăn bằng thép, không thể bị bể vỡ, nhưng ngược lại, thực phẩm và nhu yếu phẩm do Nhà Nước cung cấp lại quá ít, nhiều thứ không có. Do lương bổng và lợi tức của người dân rất thấp nên cả hai giới “lao động chân tay” và “lao động trí óc” đều làm việc cầm chừng, họ tìm cách trốn việc, ăn cắp của công và không ai có sáng kiến hay cố gắng xây dựng.
d) Chú trọng vào kỹ nghệ nặng. Đặc tính này bắt nguồn từ sở thích của Stalin, quan tâm tới các tổ hợp kỹ nghệ to lớn nhưng đa số các cơ xưởng vĩ đại này đều hoạt động không hữu hiệu, đều thiếu sự phối hợp với nhau, nặng về báo cáo và trình diễn và không đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mọi ưu tiên được dành cho các cơ sở kỹ nghệ vì thế mà tại nước Romania chẳng hạn, các nhà máy dùng nhiều điện lực hơn tất cả các nhà dân.
e) Hệ thống ngân hàng cổ lỗ và không phát triển. Tại các quốc gia cộng sản và xã hội chủ nghĩa, mọi công việc trao đổi được thanh toán bằng tiền mặt, kể cả lương bổng hay các dịch vụ thương mại và kỹ nghệ. Đã không có các hệ thống tài chính như quỹ tiết kiệm, thẻ tín dụng, chương trình mua hàng trả góp…Tài sản của người dân thường bị cất dấu vì họ không tin vào tổ chức ngân hàng. Họ đã bị lường gạt nhiều lần và e sợ bị kết tội là tư sản.
f) Nhu cầu đời sống bị thiếu thốn và mọi dịch vụ bị lơ là. Do việc yểm trợ tối đa cho kỹ nghệ nặng, người dân không được cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm. Đã thiếu hẳn các cửa hàng, các quán ăn, các văn phòng dịch vụ… Sự thiếu hụt thường thay đổi từ nước cộng sản này sang nước xã hội chủ nghĩa khác, chẳng hạn như Romania luôn luôn thiếu thực phẩm còn các nước khác như Hungari hay Tiệp Khắc lại không có đủ nhiều mặt hàng gia dụng khác. Kinh tế, giáo dục, y tế… là vài mặt yếu, không được Nhà Nước quan tâm.
g) Nạn chợ đen và hối lộ. Để bổ túc cho hệ thống kinh tế không hoạt động hữu hiệu, đã xẩy ra nạn chợ đen, cách buôn bán bằng trao đổi hàng hóa và hệ thống móc ngoặc. Tài sản của nhà nước thường bị ăn cắp, lãng phí và các nhân viên công quyền thường nhận hối lộ để cải thiện đời sống gia đình, khiến cho nạn tham nhũng, nạn quà cáp lan tràn tại mọi giai tầng xã hội. Ngoài ra còn có rất nhiều tệ nạn khác như buôn lậu, mãi dâm, ma túy, tội phạm… mà các báo chí không dám nói ra và các nhà cầm quyền địa phương làm ngơ vì bất lực.
Sau các thời kỳ khủng bố như dưới chế độ Stalin, người dân trong các nước cộng sản đã bớt bị đàn áp một cách tàn nhẫn. Họ đã hiểu rõ về quyền lực của chính quyền và về thân phận yếu hèn của họ. Họ biết rằng các chống đối chính trị, hay ngay cả những lời chỉ trích không kín miệng có thể khiến họ mất đi khẩu phần nhu yếu phẩm hay công việc làm ăn, hoặc cả hai. Đối với đa số người dân dễ bảo, họ được cung cấp nền giáo dục và cách chăm sóc y tế miễn phí nhưng cả hai thứ này đều thuộc loại kém phẩm chất. Người dân thường ngày phải “xếp hàng cả ngày” để mua hàng theo sổ phân phối hoặc lãnh các trợ giúp nhỏ mọn của chính quyền. Họ thường bất mãn vì các nhân viên phục vụ khó tính, các công nhân viên hạch xách giấy tờ và gây ra nhiều khó khăn trong dịch vụ bằng các mẫu đơn, các luật lệ, “các thủ tục đầu tiên”! Sau một ngày lao động vất vả ngoài xã hội, người dân khi trở về nhà lại gặp cảnh cúp điện, cúp nước, cúp săng.
Một đặc tính khác của các xã hội cộng sản hay xã hội chủ nghĩa là số lượng các cấm đoán và các luật lệ, khiến cho mọi người đã phải nói rằng tại các nước phương tây, “điều gì không bị cấm đoán rõ ràng thì được coi là cho phép”, còn dưới chế độ cộng sản, “những gì không được cho phép rõ ràng đều bị coi là cấm đoán”. Tại Liên Xô cũng như tại nhiều quốc gia cộng sản khác, người dân không được phép tự do đi ra nước ngoài và hơn nữa, còn phải có “giấy phép đi đường” để đi lại trong xứ. Việc xin đi du lịch ra nước ngoài là một khó khăn lớn, người dân Đông Âu chỉ được qua lại giữa các nước Đông Âu còn tại các nước thuộc miền Balkan ngoại trừ Nam Tư, việc đi qua các xứ tây phương hoàn toàn bị cấm đoán. Trong nhiều thập niên, tại các quốc gia cộng sản, đã không có hệ thống điện thoại dành cho dân chúng, việc giao hàng thường chậm chễ và nhiều mệnh lệnh từ cấp trên đưa xuống rất vô lý, không thích hợp với địa phương.
Về phương diện thông tin, giới truyền thông của cộng sản chỉ đề cập tới mặt trái của các xã hội tây phương và không ngừng kết tội các thói xấu đó, đồng thời tâng bốc các thành quả của xã hội chủ nghĩa. Cách bóp méo sự thật của các cơ quan tuyên truyền cộng sản đã khiến cho người dân của các nước này không tin tưởng vào chính quyền nên tìm cách nghe lén các đài phát thanh, coi lén các chương trình truyền hình của khối tây phương.
Các cơ quan truyền thông của cộng sản hay xã hội chủ nghĩa còn theo đuổi công việc tôn sùng và quảng cáo cá nhân. Nhân vật được Liên Xô ca tụng nhất, được đưa lên hàng thần thánh hay thiên tài là Joseph Stalin. Trong nhiều chục năm, nhiều nước cộng sản đã từng ca ngợi Stalin là nhà lãnh tụ thông thái nhất, được kính yêu nhất, là một vị anh hùng trong chiến tranh và cũng là một nhà khoa học xuất chúng. Ngoài Stalin, còn có Lenin, Karl Marx, các tổng bí thư đảng… với tên của họ được đặt cho các thành phố, đại lộ, tượng được dựng tại các công viên và hình ảnh được đóng khung, treo trên tường cao. Tại các nước cộng sản Đông Âu, người dân phải tôn kính các lãnh tụ như Tito tại Nam Tư, Hoxha tại Albania và Ceausescu tại Romania.
III- Gốc rễ của chế độ Cộng Sản bị lay chuyển
Sự sụp đổ của Đế Quốc Cộng Sản Liên Xô là do rất nhiều lý do nội tại trong đó phải kể đến các lý do chính, đó là do nền kinh tế tuột dốc của Liên Xô, là do một hệ thống chính trị được đặt căn bản trêncác chủ trương “bịp bợm, khủng bố và sợ hãi” và cuối cùng là do sự phá sản của ý thức hệ Mác Xít – Lê nin-nít, một ý thức hệ không tưởng, thiếu thực tế, chỉ gồm những lời hứa hẹn suông quá rực rỡ, nhưng đã đánh lừa được hàng trăm triệu người trên toàn thế giới trong một thế kỷ!
Ông Mikhail S. Gorbachev là một nhân vật của thời cuộc, đã cố gắng phục hồi lại Đế Quốc Liên Xô. Ông đã bổ nhiệm những người tin cẩn nắm giữ các chức vụ then chốt tại các cơ quan mật vụ KGB, công an, lực lượng quốc phòng, kể cả Phó Chủ Tịch và Thủ Tướng cùng các cơ sở quan trọng khác. Ông Gorbachev được giới tây phương coi là nhân vật lãnh đạo có đầu óc sáng tạo nhất của hệ thống Xô Viết kể từ trước tới nay, nhưng chính vì cách nới lỏng việc kiểm soát chặt chẽ quần chúng, cách giảm bớt sự đe dọa và nỗi sợ hãi của người dân, cách lắng nghe đôi chút ý muốn của người dân để có thể thúc động nền kinh tế trong nước, cách cho xã hội Liên Xô một đôi phần “tự do”, thứ mà đất nước này đã thiếu thốn từ lâu… tất cả đã đưa lại sự sụp đổ và điều tương tự này đã xẩy ra tại Iran vào năm 1979 và tại khối cộng sản Đông Âu vào năm 1989.
Ngày 11/3/1985, ông Mikhail S. Gorbachev được chọn làm Tổng Bí Thư mới. Sau khi nhận chức, ông Gorbachev bắt đầu ngay các chương trình chống nghiện rượu, chống tham nhũng và tìm kiếm nhiều cách cải tổ. Trước 5,000 đại biểu và qua hệ thống truyền hình, ông Gorbachev đã hùng hồn đề cập tới các chính sách đổi mới. Ông Gorbachev đã biện hộ cho các thay đổi về kinh tế gồm những thứ mà người dân Liên Xô chưa từng được nghe đến, chẳng hạn như các sức mạnh thị trường (market forces), sáng kiến tài chánh, tự trị địa phương và xí nghiệp tư nhân. Chính sách “Glasnost” hay “cởi mở” và “Perestroika” hay “tái cấu trúc kinh tế” là hai mục tiêu mới của ông Gorbachev, và vào ngày 28/1/1987 Uũy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Liên Xô đã ủng hộ các cải cách về kinh tế và xã hội của ông Gorbachev.
Ông Gorbachev cũng ra đường phố, gặp mặt và bắt tay chào hỏi dân chúng. Hình ảnh khiêm tốn và thân mật của ông bà Gorbachev đã là những điều hoàn toàn mới lạ đối với quần chúng Liên Xô từ trước tới nay bị đóng khuôn trong nghi thức vì sự xa cách người dân của các nhà lãnh đạo đất nước. Ông Gorbachev còn nói rõ vào ngày 2/11/1987 rằng Stalin đã phạm phải các tội ác to lớn và ông tìm cách thực hiện các bước cải tiến cụ thể hơn, đó là chú ý tới phạm vi “nhân quyền” (the human rights area). Nhà lãnh đạo đối lập người Do Thái là Anatoly B. Shcharansky được thả ra khỏi nhà tù vào ngày 11/2/1986 khiến cho bà mẹ của ông ta đã phải nói:”Tôi nghĩ là đã có một cuộc giải phóng. Cần phải có một người dám làm công việc đó”. Tới cuối năm 1986, ông Gorbachev cũng gọi điện thoại cho Tiến Sĩ Andrei D. Sakharov và cho biết ông Sakharov được phép trở về Moscow. Andrei Sakharov là nhà vật lý kiêm nhà hoạt động nhân quyền (human rights activist) hiện đang bị lưu đầy tại Gorky. Tin tức này đã làm cho cộng đồng những người bất đồng chính kiến lên tinh thần bởi vì tại các nước Cộng Sản, việc chống đối chính quyền chỉ mang lại sự giam cầm, sự tra tấn, cảnh chết chóc hay cảnh lưu đầy.
Chính sách Glasnost hay “cởi mở” của ông Mikhail S. Gorbachev có chủ đích làm cho Đế Quốc Liên Xô không còn bị trì trệ hay ở trong trạng thái “ngủ đông” bởi vì xã hội Liên Xô đang bị sói mòn, đang bị giảm tốc. Chính sách này đã làm tan đi sự “băng giá” kinh tế tại Liên Xô và có vẻ như mỗi ngày, các hạn chế trước kia được nới rộng, nhiều người dân Liên Xô đã bàn tán về các cải tiến sắp tới. Thế nhưng sự cởi mở kể trên lại gặp ngay các giới hạn. Tai họa của lò phản ứng nguyên tử tại Chernobyl trong xứ Ukraine, không xa thành phố Kiev là bao, xẩy ra vào ngày 26/4/1986, đã khiến cho các nhà cầm quyền Xô Viết bối rối, bởi vì họ thường che đậy các thất bại, không muốn phổ biến “sự thật”, không muốn nói tới “tai họa” đó. Mãi tới ngày 14/5/86, ông Gorbachev mới báo cáo về tai họa Chernobyl cho dân chúng biết. Chính sự chậm chễ về thông tin từ nhà cầm quyền tại Moscow đã thúc đẩy xứ Ukraine đòi độc lập sau này.
Cách đề cập tới hai đặc tính “cởi mở” và “dân chủ hóa” của ông Gorbachev đã gây nên bối rối cho các đảng viên Cộng Sản kỳ cựu bởi vì họ gặp khó khăn trong việc theo dõi và kiểm soát chặt chẽ dân chúng cũng như xứ sở trong tương lai. Ngày 23/4/1987, lãnh tụ Cộng Sản Đông Đức là ông Erich Honecker đã cho biết Đông Đức sẽ không theo kiểu mẫu “cởi mở” và “tái cấu trúc” của Liên Xô. Ông Honecker đã chỉ trích nhà cầm quyền Liên Xô là có ý định “viết lại lịch sử Xô Viết theo đường lối tư sản” (attempting to rewrite Soviet history in a bourgeois manner). Trong cuộc viếng thăm xứ Romania vào các ngày từ 25 tới 27/5/1987, bài nói chuyện đề cập tới hai chính sách “cởi mở” và “tái cấu trúc” của ông Gorbachev đã không được các nhà cầm quyền Romania hoan hỉ chấp nhận. Về sau, ông Ceausescu đã nói rằng xứ Romania không cần các thay đổi bởi vì đất nước này đang tiến tới “đỉnh cao trí tuệ của chủ nghĩa Cộng Sản” (radiant summits of Communism).
Chính sách “cởi mở” cũng khiến cho nhiều “người quốc gia” (nationalists) lên tiếng chống lại chính quyền Moscow. Trước kia, chỉ một chút chống đối Moscow cũng đã dẫn tới cảnh bắt bớ, cảnh tra tấn và nạn tù đầy bởi cơ quan mật vụ KGB, trong khi đó các xứ sở không-thuộc-Nga (non-Russian areas) vẫn thường bất mãn. Thế nhưng sự chống đối ông Gorbachev đã bắt đầu bởi ông Boris N. Yeltsin, người cầm đầu đảng Cộng Sản của thành phố Moscow. Trong cuộc hội họp của Uũy Ban Trung Ương Đảng vào ngày 21/10, ông Yeltsin đã chỉ trích hai ông Yegor K. Ligachev, nhà lãnh tụ bảo thủ của Bộ Chính Trị và ông Mikhail S. Gorbachev vì sự chậm chạp trong tiến trình đổi mới. Ông Yeltsin liền bị loại khỏi đảng vào ngày 11/11 vì bị ông Gorbachev buộc tội là có tham vọng cá nhân và tính kiêu căng.
Tới tháng 2 năm 1988, đã xẩy ra hai sự việc quan trọng. Ngày 8/2, ông Gorbachev tuyên bố rằng Liên Xô sẽ rút quân đội ra khỏi Afghanistan và việc rút quân này sẽ được thực hiện trong vòng 10 tháng. Thực vậy, từ ngày 15/2/1989, tất cả quân đội Liên Xô từ từ rút lui về nước. Sau 9 năm chiến tranh không mang lại chiến thắng, 15,000 binh lính Liên Xô đã bị giết, hơn một triệu quân sĩ và thường dân Afghanistan cũng bị thiệt hại. Liên Xô đã thua trận tại Afghanistan! Sự việc thứ hai là vào ngày 11/2, hàng ngàn người đã biểu tình tại Nagorno-Karabakh, đòi hỏi miền này phải được sát nhập vào nước Armenia. Đã xẩy ra sự tranh chấp giữa các người gốc Armenia và gốc Azerbaijan trong trong cuộc xô sát tại Sumgait vào ngày 28/2/1988 với 23 người bị chết.
Chính sách nới lỏng mức độ kiểm soát cũng khiến cho người dân các xứ Lithuania và Estonia đòi độc lập và vào ngày 20/6/1988, chính quyền cộng sản Liên Xô chính thức công nhận Phong Trào Nhân Dân Estonia (the People’s Front of Estonia). Đây là một tổ chức chính trị không cộng sản đầu tiên được công nhận tại Liên Xô rồi sau đó, vào ngày 1/10/1988, Phong Trào Bình Dân Estonia ủng hộ chương trình Perestroika (the Estonian Popular Front for Perestroika) khai mạc đại hội. Tới ngày 9/10/88, Phong Trào Bình Dân Latvia (the Latvian Popular Front) cũng tổ chức đại hội. Các sắc dân thiểu số này đã nhấn mạnh tới sự khác biệt với những sắc dân bên cạnh, họ đề cao các nét đặc thù về văn hóa và dân tộc.
Tại Ba Lan, Đức Giáo Hoàng John Paul II đã thăm viếng xứ này vào các ngày 8 tới 14 tháng 6 năm 1987, Ngài đã đề cập tới vấn đề nhân quyền và nền chính trị đa nguyên. Nền kinh tế của Ba Lan tuột dốc vào tháng 2/1988, giá biểu hàng hóa và dịch vụ đã gia tăng trung bình 27%, thực phẩm căn bản tăng 40%, săng và điện tăng 100%, than đá tăng 200%. Đã xẩy ra các cuộc biểu tình phản đối tại 2 thành phố Warsaw và Gdansk rồi sau đó, sự việc giá biểu lại gia tăng nữa đã gây nên các cuộc đình công trong 2 tuần lễ. Cuộc bầu cử địa phương được tổ chức vào ngày 19/6 nhưng chỉ có 55 % người đi bầu bởi vì Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarity) đã kêu gọi người dân Ba Lan tẩy chay các cuộc bầu cử. 55 % là tỉ lệ đi bầu thấp nhất kể từ khi chế độ cộng sản bắt đầu cai trị xứ sở này. Các cuộc đình công, bắt đầu vào ngày 15/8/1988 tại các mỏ than Silesian, đã lan qua các thành phố khác và các người đình công đòi hỏi việc hợp pháp hóa Công đoàn Đoàn Kết. Ngày 31/8, ông Lech Walesa bắt đầu thảo luận với Bộ Trưởng Nội Vụ Czeslaw Kiszczak nhưng tới ngày 31/10, chính quyền tuyên bố rằng họ sẽ đóng cửa khu đóng tầu Lê Nin của thành phố Gdansk. Đây là nơi ra đời và là thành trì của Công đoàn Đoàn Kết.
Các đề nghị “cởi mở” của ông Gorbachev cho phép người dân bầu cử bằng phiếu kín, đã gặp phải phản ứng ngược, đã mở lối cho dân chúng dùng lá phiếu để khinh thường việc quản lý đời sống và xã hội của các đảng viên cộng sản, còn tại các đại hội, đã xẩy ra nhiều tranh luận công khai giữa các đại biểu đảng. Đây là điều trái ngược với các truyền thống ngột ngạt của hệ thống chính trị Xô Viết, bởi vì các quyết định thường được soạn thảo từ trước và đại hội chỉ là một hình thức chấp thuận, không bàn cãi.
Tháng 10 năm 1988, ông Mikhail S. Gorbachev chính thức được bầu làm Chủ Tịch Nước và vào tháng 12, kế hoạch cải tổ của ông đã được cơ quan hành pháp Xô Viết chấp nhận để tạo thêm quyền lực cho chức vụ Chủ Tịch. Nhưng khi tham dự buổi họp của Liên Hiệp Quốc tại New York cũng vào tháng 12 năm đó, ông Gorbachev đã phải quay về Liên Xô gấp bởi vì cuộc động đất tại xứ Armenia với độ mạnh 6.9 trên địa chấn kế Richter, đã giết chết tối thiểu 25,000 người, gây đau khổ cho toàn thể địa phương.
Vào mùa hè năm 1988, ông Gorbachev đã chấp thuận việc tổ chức bầu cử các đại biểu nhân dân vào Quốc Hội. Đây là một cơ chế mà ông Gorbachev nghĩ rằng có thể điều khiển được. Thế nhưng vào ngày 26/3/1989, kết quả của cuộc bầu cử đã khác trước, với ông Boris N. Yeltsin là đại biểu độc lập duy nhất thắng cử rất vẻ vang tại thành phố Moscow. Nhiều ứng viên gốc là đảng viên Cộng Sản kỳ cựu đã bị đánh bại bởi các đại biểu từ những nhóm độc lập. Quốc Hội này đã trở thành một cơ quan lập pháp mới với tư tưởng tự do, trông đợi các đổi mới. Các nhân viên Bộ Chính Trị và nhiều đảng viên Cộng Sản kỳ cựu không còn thao túng Quốc Hội mới dễ dàng như trước, điều này đã khiến cho các đảng viên Cộng Sản bảo thủ rất lo lắng, họ cho rằng đây có thể là cơ hội để ông Gorbachev mở cửa cho “nạn lũ lụt” tràn vào.
Uy tín của đảng Cộng Sản đang tuột dốc, nhịp độ thay đổi chính trị đang ra khỏi tầm kiểm soát của các đảng viên Cộng Sản! Trong khi đó, nền kinh tế phá sản đã gây nên những vấn đề nghiêm trọng cho ông Gorbachev. Ngày 9/4/1989, cuộc biểu tình đòi độc lập tại thành phố Tbilisi, thuộc nước cộng hòa Georgia đã bị quân đội Liên Xô đàn áp một cách tàn nhẫn, 20 người chết vì hơi ngạt hoặc vì bị đánh đập, rồi tới ngày 20/4, ông Andrei Sakharov được bầu làm đại biểu nhân dân của Quốc Hội. Ngày 25/5/89, ông Mikhail S. Gorbachev được Quốc Hội Liên xô bầu làm Chủ Tịch của Xô Viết Tối Cao (the Supreme Soviet) nhưng tới ngày 31/5, ông Gorbachev đã bị ông Boris N. Yeltsin chỉ trích vì sự thất bại của chương trình Perestroika. Ông Yeltsin cũng tấn công giới Nomenclature tức là giới thư lại quan liêu của đảng Cộng Sản, còn tại nội bộ của Quốc Hội Liên Xô, khoảng 300 đại biểu cấp tiến trong đó có cả hai ông Yeltsin và Sakharov, đã tạo nên một nhóm đối lập không chính thức.
Vào các ngày 3, 4 và 7, 8 tháng 6 năm 1989, các cuộc xung đột chủng tộc đã xẩy ra tại Uzbekistan giữa những người Uzbeks và Meshketians, khiến cho 90 người bị chết, hơn 1,000 người bị thương. Bạo động do chủng tộc cũng diễn ra vào hai ngày 16 và 17 tháng 6 tại Kazakhstan với 4 người chết, 53 người bị thương. Tới ngày 10 tháng 7, 100,000 thợ mỏ thuộc khu mỏ than Kuzbass tại miền tây Siberia đình công, đòi trả lương và cởi mở chính trị. Các cuộc đình công đã lan qua vùng mỏ Donbass thuộc miền đông của xứ Ukraine và các mỏ than khác.
Đồng thời với các phản đối của giới lao động thợ mỏ sống rải rác trên nhiều miền đất nước của Liên xô, hơn 400 đại biểu của 3 quốc gia thuộc vùng biển Baltic cũng hội họp tại thành phố Tallin, thuộc xứ Estonia. Họ thuộc các Phong Trào Bình Dân Estonian, Latvian và tổ chức Sajudis của Lithuania. Rồi hơn 1 triệu người của 3 nước Estonia, Lithuania và Latvia đã “nối vòng tay lớn”, một biểu tượng đoàn kết vào ngày 23/8/89, tạo nên một chuỗi người dài 360 dặm, để kỷ niệm 50 năm Hiệp Ước Xô Viết – Đức Quốc Xã ký vào năm 1939. Đây là hiệp ước đã cho phép sát nhập ba nước thuộc vùng biển Baltic vào khối Cộng Sản Xô Viết. Những người kể trên đòi hỏi được độc lập khỏi nền cai trị Xô Viết.
Các phong trào quốc gia khác cũng diễn ra tại miền Trung Á. Ngay cả nước cộng hòa Ukraine cũng đòi tự trị, với phong trào nhân dân gọi tên là Rukh. Đây chính là nỗi “kinh hoàng” của ông Gorbachev bởi vì xứ Estonia chẳng hạn, chỉ có 1.5 triệu dân, các đòi hỏi của xứ sở này không thể so sánh với xứ Ukraine với 50 triệu dân, với diện tích bằng nước Pháp hoặc nước Ý. Vì thế có người cho rằng việc Liên Bang Xô Viết sống còn hay không, không tùy thuộc vào xứ Estonia mà vào xứ Ukraine. Hiểm nguy của các phong trào đòi chia tách đang hiện ra.
Ngoài các cuộc thăm viếng các nước tây phương, gặp gỡ Tổng Thống Ronald Regan vào tháng 12/1986 tại Reykjavik, Hội Nghị Thượng Đỉnh tại Washington vào tháng 12/1987, ông Mikhail S. Gorbachev cũng thường xuyên liên lạc với các nhà lãnh tụ cộng sản của khối Đông Âu. Đây là các quốc gia hoàn toàn lệ thuộc vào Liên Xô để sống còn. Trong quá khứ, quân đội Liên Xô đã từng đàn áp các phong trào đòi độc lập như tại Hungari vào năm 1956, tại Tiệp Khắc vào năm 1968 và do áp lực của Liên Xô mà nước Ba Lan phải ban hành luật giới nghiêm năm 1981. Các nước cộng sản Đông Âu dù bị chế độ cộng sản kiểm soát chặt chẽ, nhưng khi được hành động tự do, họ đều tìm cách thoát ra khỏi ảnh hưởng của Liên Bang Xô Viết, đoạn tuyệt với chủ nghĩa cộng sản ảo tưởng, bởi vì “thánh kinh Mác Lê” đã không mang lại cho người dân “cơm no, áo ấm” nên không còn được ưa chuộng nữa.
Các thay đổi vẫn diễn ra từ từ. Tại Ba Lan và Hungari là 2 nước được tự do nhất của khối Đông Âu, chính quyền đã tổ chức các cuộc bầu cử. Tiếp theo, đã có hàng ngàn người Đông Đức bỏ chạy sang các quốc gia tây phương qua ngả Hungari và Tiệp Khắc. Tại Tiệp Khắc, Đông Đức và Romania, hàng ngàn dân chúng đã xuống đường đòi độc lập khỏi khối Liên Xô. Trước những phong trào “đòi độc lập” này, ông Gorbachev rất có thể dùng quân đội Liên Xô để đàn áp thẳng tay các người chống đối, dẹp tan các phong trào nổi dậy, giống như ông Brezhnev đã từng làm trước kia, nhưng trước các biến cố quan trọng này, ông Gorbachev cho rằng việc phục hồi nền kinh tế đang thảm bại của Liên Xô được coi là rất quan trọng cho sự sống còn của quyền lực Xô Viết, vì thế ông Gorbachev đã không ra tay.
Từ ngày 6 tới ngày 10 tháng 8 năm 1989, Đảng Công Nhân Xã Hội Hungari, tức là Đảng Cộng Sản, được tái cấu trúc và được gọi là Đảng Xã Hội Hungari với lời hứa thực hiện chính sách dân chủ đa đảng (multiparty democracy) và nền kinh tế thị trường rồi sau đó, một tu chính án được thêm vào Hiến Pháp đã mô tả Hungari là một quốc gia độc lập. Hungari cũng trở thành “nước Cộng Hòa Hungari” vào ngày 23/10/1989.
Nền kinh tế thị trường cũng được nước Ba Lan chấp nhận vào tháng 10-89 với thị trường chứng khoán mở ra đầu tiên tại Warsaw. Tháng 10 năm đó, các bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia trong khối quân sự Warsaw đã họp nhau tại Ba Lan, bác bỏ chủ thuyết Brezhnev và công bố một chính sách mới, xác nhận mỗi quốc gia Đông Âu có chủ quyền tuyệt đối, có quyền quyết định về các cách phát triển riêng. Đường lối mới này được gọi là “Chủ Thuyết Sinatra”, theo bài hát “I did it my way = tôi làm theo cách của tôi” của ca sĩ lừng danh Frank Sinatra. Ngày 17-19 tháng 11/89, Tối Cao Xô Viết của xứ Georgia xác nhận nước cộng hòa này có quyền tách ra khỏi Liên Xô rồi vào ngày 7/12, Tòa Án Tối Cao của xứ Lithuania phủ nhận “vai trò lãnh đạo” của đảng Cộng Sản đồng thời vào hai ngày 19 và 20 tháng 12/89, đảng Cộng Sản Lithuania công bố độc lập khỏi đảng Cộng Sản Liên Xô.
Tại Bulgaria vào ngày 3/11/89, 4,000 người đã biểu tình đòi dân chủ trước trụ sở Quốc Hội, đây là cuộc phản đối lớn nhất kể từ năm 1947. Ngày 10/11, lãnh tụ đảng Todor Zhivkov phải từ chức và bộ trưởng ngoại giao Petur Mladenov lên thay thế, đã hứa hẹn sẽ biến đổi nước Bulgaria thành một quốc gia dân chủ, cai trị theo luật pháp. Tại xứ Romania, Đại Hội Đảng Cộng sản lần thứ 14 họp vào các ngày 20-24 tháng 11/89, đã bầu lại ông Ceausescu vào chức Tổng Bí Thư Đảng một nhiệm kỳ 5 năm nữa nhưng tới ngày 16/12 năm đó, hàng ngàn người đã biểu tình tại Timisoara, phản đối việc lưu đầy mục sư Tin Lành Lazslo Tokes. Các đám đông đã tràn vào các tòa nhà chính phủ và ông Ceausescu cùng bà vợ Elena phải chạy trốn bằng máy bay trực thăng. Các người nổi dậy đã tổ chức thành Mặt Trận Cứu Quốc (National Salvation Front = NSF). Ngày 25/12/89, lãnh tụ cộng sản Nicolae Ceausescu và bà vợ Elena đã bị một tòa án quân sự xét xử là có tội với nhân dân và bị xử bắn ngay lập tức! Trái với cuộc cách mạng đẫm máu này, là “Cuộc Cách Mạng Nhung” (the Velvet Revolution) diễn ra tại Tiệp Khắc do ông Vaclav Havel.
Do vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản bị phủ nhận tại các xứ Lithuania vào ngày 7-12-89, tại Latvia vào ngày 11/1/90, tại Estonia vào ngày 23-2-90, ông Gorbachev đã tới thành phố Vilnius để yêu cầu xứ Lithuania hãy đứng trong khối Liên Xô, rồi tới ngày 13/4/90, ông Gorbachev đã ra một tối hậu thư, cho biết nước Lithuania sẽ bị cắt hết yểm trợ của Liên Xô nếu không hủy bỏ các biện pháp “đòi độc lập”, nhưng cuối cùng, xứ Lithuania đã vượt qua được mọi khó khăn.
Vấn đề đòi hỏi dân chủ không chỉ diễn ra tại các nước Đông Âu mà còn xẩy ra ngay tại Liên Xô. Trước khi Ủy Ban Trung Ương Đảng Liên Xô họp sau ngày 1/5/90, đã có 100,000 người thuộc các nhóm đối lập tụ họp trước Điện Cẩm Linh, đòi phủ nhận quyền cai trị của Đảng Cộng Sản và ông Gorbachev. Uy tín của ông Gorbachev cũng bị tuột dốc kể từ ngày 7/2/90 khi đảng Cộng Sản Liên Xô đồng ý từ bỏ “độc quyền lãnh đạo” đất nước và tổ chức lại chính quyền theo hệ thống mới, có Tổng Thống và Nội Các như các nước tây phương. Do đó, vào ngày 12/6, Quốc Hội Liên Xô đã bầu ông Boris Yeltsin làm Tổng Thống mặc dù các vận động ngăn trở ngầm của ông Gorbachev. Trong thời gian này, quân đội Liên Xô đã tràn vào 2 xứ Lithuania và Latvia, chiếm đóng các công sở, gây nên nhiều thiệt hại, để làm áp lực, bắt buộc 2 xứ này không được tách ra khỏi Khối Liên Xô, thì ông Boris Yetlsin lại tới thành phố Vilnius để ủng hộ chính quyền địa phương đòi độc lập này. Ông Yeltsin cũng lên đài truyền hình Liên Xô vào ngày 19/2/90, kêu gọi ông Gorbachev hãy “từ bỏ độc quyền cá nhân” và hãy chấm dứt “lừa dối nhân dân” (deceiving the people).Tháng 6 năm đó, sau cuộc phổ thông đầu phiếu đầu tiên được tổ chức trong lịch sử của nước Nga, ông Boris Yeltsin được bầu làm Tổng Thống của nước Nga (Russia).
Trước các đe dọa đối với quyền lực của Đảng Cộng Sản, các đảng viên cứng dắn đã tổ chức một cuộc đảo chánh vào ngày 19/8/1991 để lật đổ các lực lượng dân chủ mà người đứng đầu là ông Boris Yeltsin. Ngày 21/8, cuộc đảo chánh đã thất bại vì không được quân đội Liên Xô ủng hộ. Tới cuối tháng 8/91, hầu hết các nước cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết đều tuyên bố độc lập, trong đó có cả Byelorussia và Ukraine. Ngày 21/12/1991, Liên Bang Xô Viết được thay thế bằng một liên minh dân chủ lỏng lẻo, không có một quyền lực trung ương từ đằng sau, và ông Mikhail S. Gorbachev tuyên bố từ chức vào ngày 25/12/1991.
Đế Quốc Cộng Sản Liên Xô đã sụp đổ kể từ ngày 25/12/1991, bởi vì xã hội cộng sản này càng trở nên bệnh hoạn hơn: hệ thống kinh tế không hoạt động hữu hiệu, không thể cung cấp cho người dân các nhu cầu tối thiểu, môi trường sống đã bị lạm dụng, phá hoại, với không khí bị nhiễm độc vì các nhà máy cổ lỗ, các giòng sông bị ô nhiễm trầm trọng vì các chất thải, rừng cây bị chặt bỏ một cách bừa bãi trong khi đó, hệ thống chính trị cũng gặp các bế tắc bởi vì các người ủng hộ hăng say lúc ban đầu đã tan biến dần.
Trước các cảnh tham nhũng lan tràn, các bất công xã hội chồng chất, rồi cũng do chính quyền Cộng Sản dùng “công an” và “mật vụ” theo dõi và kiểm soát thật chặt chẽ người dân, thường đàn áp một cách tàn bạo các ý tưởng mới, các cải tiến… mọi người dân trong xứ cộng sản cảm thấy “tuyệt vọng”, họ phó mặc cho số mệnh và chờ đợi. Hàng ngàn người trẻ có tài tìm cách liều mạng, bỏ xứ ra đi!
Nhiều người quá ngạc nhiên và đặt câu hỏi tại sao Đế Quốc Cộng Sản Liên Xô đã sụp đổ một cách nhanh chóng như vậy, nhưng thực ra, các người hiểu biết phải thắc mắc rằng, tại sao một chế độ “phản dân, hại nước” như chế độ Cộng Sản Liên Xô lại có thể tồn tại quá lâu, tới 74 năm mới sụp đổ?
Phạm Tân An