Vũ Trọng Phụng đã quan niệm và nhìn cái rởm như thế nào? Trang tử có phân biệt hai cách nhìn và hiểu thế thái nhân tình: bằng tiểu trí và bằng đại trí. Người nhìn đời bằng tiểu trí coi trọng sự biện biệt các giá trị, nhất là những giá trị đối đãi (tức là đối lập), phân biệt thị và phi, phải và trái, chính và tà, thiện và ác, đẹp và xấu, rởm và “thật”… Chẳng những phân biệt mà còn vạch ra đường ranh chia cắt thật sâu, tinh thần tiểu trí được đẩy tới cùng có khi phải khoét sâu hố thẳm giữa những giá trị đối đãi thì mới hả.
Chúng ta có thể hình dung được bộ mặt đáo để và riết róng của những người tiểu trí phăng phăng vạch đường ranh và xúc đất đào sâu hố thẳm… Nhìn đời bằng đại trí thì khác. Tất nhiên người đại trí có biết sự phân biệt những giá trị đối đãi, họ có năng lực biện biệt, thậm chí biện biệt rất rành, nhưng khác với người tiểu trí, không dừng lại ở sự biện biệt.
Nhận thức của đại trí, đúng hơn, “trực cảm tuệ tính” (Cao Xuân Huy) của đại trí có quan điểm “chủ toàn” (1) về thế giới con người và vũ trụ. Với quan điểm này, những hiện tượng và giá trị của cuộc sống hữu hạn được nhìn từ cái nền đại toàn, cũng có thể nói là “thái cực toàn” của tồn tại, cái nền này bao trùm tổng thể vô hạn, trong đó không còn sự phân biệt về thời gian và không gian, trong đó những giá trị đối đãi không còn đối lập nữa, thậm chí không khác biệt nữa, mà giả sử như còn sự khác biệt thì nó cũng rất khác sự biện biệt trong cách nhìn của tiểu trí.
Trên cái nền của tổng thể vô hạn và vô cùng vô tận, thì cái rởm và cái thật cũng như cái phải và cái trái, cái vinh và cái nhục, cái đẹp và cái xấu, cái sang và cái hèn….. có khi chỉ là những nét khác nhau trong cái rộng lớn vô cùng và đa dạng vô tận của thực tại hữu thể và vô thể. Nói một cách nôm na, rởm và thật là hết sức tương đối. Có nhiều dạng biểu hiện của tính tương đối. Trước tiên là: trong “rởm” có “thực”, trong “thực” có “rởm”.
Ngay Xuân tóc đỏ, một nhân vật điển hình cho rởm không phải là không có năng lực thật. Xuân là sinh viên trường thuốc rởm, là “thượng lưu trí thức”rởm, là thi sĩ rởm…nhưng năng lực đánh quần vợt của Xuân là tài năng thực, hơn nữa, một tài năng xuất chúng, không chỉ được chứng nhận bằng học hàm học vị mà được chứng tỏ ngay trong giao đấu trên sân. Ngược lại trong xã hội Số đỏ có bao kẻ hẳn tự cho mình là trí thức “thật”, có bằng cấp hẳn hoi, có danh tiếng, đã từng du học…, lại được quần chúng mến mộ như là những uy tín lớn nhưng ở họ không có một giọt năng lực nào gọi là thực. Cái rởm thường đi đôi với thói ba hoa (và trong xã hội thị trường sẵn sàng núp sau quảng cáo). Có lẽ đây là một hiện tượng phổ biến trong những xã hội đi vào con đường Âu hoá mà trình độ dân trí còn thấp. Trong những xã hội như vậy, quần chúng lại dễ dàng cả tin vào lời lẽ ba hoa của cái rởm (đây cũng là một đề tài hay được bàn lướt qua trong Số đỏ).
Tác giả Số đỏ đã xây dựng những nhân vật trào phúng của mình trước hết bằng một tiểu trí “sắc sảo”, “mặn mà”. Ở họ, cái rởm được cường điệu, được biếm hoạ… Nhưng không thể nói là Vũ Trọng Phụng ghét những nhân vật nhếch nhác, lố bịch này; ông thích thú họ và hài hước của ông đặc biệt khởi sắc, đặc biệt dí dỏm khi viết về họ, từ Min đơ, Min toa đến ông Hồng, cụ Cố, từ Tip-phờ-nờ, ông Mọc sừng đến Bà Phó Đoan, Xuân tóc đỏ…Có thể nói là tác giả rất yêu những nhân vật của mình, ấn tượng này hoàn toàn không có khi chúng ta đọc Giông tố chẳng hạn. Sự thích thú này và tình yêu này là những biểu hiện của một cái nhìn đại trí. Hơn nữa trong Số đỏ, cái rởm tự bộc lộ một cách “hồn nhiên” và ngang nhiên, tuồng như những nhân vật hài hước trong đó, dù có nhếch nhác, lố bịch đến đâu thì họ cũng là những con người trong cuộc đời, những con người vốn là như vậy và cuộc đời thì cũng vốn là như vậy. Trào phúng của Vũ Trọng Phụng kết hợp tiểu trí và đại trí. Chỉ với tiểu trí cũng có thể làm được những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn, mặn mà, nhưng nghệ thuật lớn đòi hỏi đại trí.
Dị ứng với cái rởm của Vũ Trọng Phụng bộc lộ ngay trong cuộc đời thực tại của nhà văn. Sau đây là câu chuyện một lần dị ứng của Vũ Trọng Phụng được thuật lại trong Nhật ký và ghi chép của ông Trần Văn Sáng (2), một ký giả đương thời với nhà văn họ Vũ. Chuẩn bị đến tòa soạn một tờ báo, ông Sáng “thắng bộ thật bảnh” và “không quên thoa một lượt phấn nhẹ trên mặt cho thêm phần điển trai”. Đến tòa soạn, ông Sáng được giới thiệu với nhà văn Vũ Trọng Phụng, trước đó hai người chưa hề quen biết. Nói chuyện với nhau một hồi, ông Phụng – tất nhiên sau những câu rào đón – nói với ông Sáng: “…Tôi muốn đối với anh thật chân thật. Vậy tôi xin nói toạc. Chúng mình, nam nhi, có cái đẹp tinh thần. Hà tất phải phủ lên da mặt một lớp phấn”. Trong tập Nhật ký lại có một mẩu chuyện khác. Ông Phụng đến thăm ông Sáng. Mở cửa đón bạn, Vũ Trọng Phụng tươi cười bước vào, “y phục rất trang nhã. Mầu ngà bộ đũi thẳng nếp ăn ý với màu xanh da trời áo sơ mi thửa ca vát màu cánh chả toàn tơ, loại đắt tiền. Đầu đội mũ dạ Mossant xám nhạt, chân dặn giày daim trắng,…có vẻ sang trọng kín đáo…” Thấy bạn trầm trồ, Phụng nhã nhặn: “ Anh tính tôi có muốn thế đâu!…Ở cái đất Hà nội mà con người cứ bị đánh giá qua cái bề ngoài, cái vỏ y phục để trọng hay khinh thì… chặc!… đành theo thôi… Tôi nghèo nên tôi càng phải giữ gìn nhân phẩm, không thể để cho nó quá…hủi” (nghèo nhưng vẫn cứ phải y phục tươm tất để “giữ gìn nhân phẩm”: đây là một nét rất dễ yêu và đáng thương của người Hà nội, và một lần nữa ông Vũ chứng tỏ là một người Hà nội gốc). Trong quan niệm của Vũ Trọng Phụng, “đàn ông mà thoa phấn lên mặt” là rởm, “vỏ y phục” “bề ngoài”… là rởm. Qua mẩu chuyện thứ nhất ông dị ứng với cái “rởm” và đây là biểu hiện của tiểu trí; qua mẩu chuyện thứ hai ông chấp nhận cái “rởm”, đây chưa phải là đại trí, nhưng là bước đầu tiếp cận đại trí.
Một sự trùng hợp lý thú là trong dịp kỷ niệm này, 90 năm sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng thì trên tuần báo Văn nghệ (3) đăng truyện ngắn Ronan Keating của Lê Minh Khuê. Tôi chú ý đến truyện này vì nó đã giúp tôi hiểu sâu hơn những quan niệm của Vũ Trọng Phụng về rởm. Trong truyện, “rởm” bành trướng khắp toàn cầu, khắp nơi những ca sĩ nhạc hiện đại tung hoành trên sân khấu và hàng biển người trẻ tung hô họ, “tràn lên quanh họ, muốn chồm qua và nhấn chìm họ”. Ở Việt Nam cũng vậy thôi. Tuy nhiên tác giả hiểu rất rõ tính tương đối của “rởm” và “thật”. Trong hàng ngàn sao và siêu sao thì ít nhất cũng có một Ronan Keating và biết đâu ở mỗi “siêu sao” rởm chẳng có ít nhiều chất Ronan Keating. Và trong biển người ca nhạc hiện đại cuốn hút, không phải tất cả đều là fans (đám người sùng bái cuồng nhiệt), có những người như Vũ Thị Hạ đến với âm nhạc với một tấm lòng trìu mến “bình thản”, âm nhạc đối với họ không phải là những thần tượng, đó là say mê và “đại trí” của Ronan Keating: “ Tội ác, đó là khẳng định trong thế giới có tồn tại cái gì đấy không phải là con người, không tạo ra cho con người dấu hiệu nào, không có cái gì chung với con người. Tội ác là thừa nhận sự tách biệt khoảng cách này, không cần tìm cách thanh cao hóa nó dù là ít nhất” (trích lời của Ronan Keating được dẫn trong bài tập làm văn lớp 12 của Hạ). Như vậy là trong “rởm” có “thật”. Và trong “thật” cũng có “rởm”. Ông thầy giáo già trong truyện là một người trung thực và lão thực. Nhưng có một lần ông đã “rởm”. Ông chẳng biết R. Keating là ai cả nhưng trước câu nói của cô học sinh phịa ra Keating “có lẽ là thế kỷ 18” thì ông cũng nói mẽ một câu: “…hình như thầy cũng đã đọc ông ta..”.Ông già lão thực này có câu nói đầu miệng : “…thôi thì làm như mọi người…”. Trên thực tế “làm như mọi người” có nghĩa là “rởm như mọi người.” Nhân vật Hạ có dị ứng đặc biệt nhậy cảm với “rởm”. Nó kinh nhất món vịt “chay” làm bằng hoa chuối rán của bà nó: “là vịt mà không phải là vịt”. Biết thày giáo nói mẽ về Ronan Keating nó đã “nghiêm nghị nhìn thẳng”. Hành động “phá quấy” của nó trong kỳ thi học sinh giỏi văn thực chất là dị ứng với cái rởm tầm cỡ quốc gia. Tuy nhiên dần dần nó cũng nghiệm ra được minh triết trong câu nói đầu miệng của người thầy giáo già. Nó biết quá rõ thực chất của những lớp luyện thi đại học, nhưng cuối cùng, nghe lời thày giáo, nó lên tỉnh học luyện thi như mọi người. Và nó đã đỗ đại học. Ở nhân vật Vũ Thị Hạ, cũng như ở nhà văn Vũ Trọng Phụng (phải chăng sự trùng hợp họ Vũ là tình cờ), dị ứng với cái rởm là biểu hiện của tiểu trí, nhưng biết chấp nhận cái “rởm”, tức là chấp nhận một phương diện cơ bản của cuộc sống như nó vốn có, đó là bước đầu mon men đến với đại trí.
Số đỏ của Vũ Trọng Phụng ở trong số rất ít truyện đọc xong độc giả cảm thấy có cả một “ xã hội Số đỏ “, một “thế giới Số đỏ.” “Xã hội” này, “thế giới” này được nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh định nghĩa bằng một loạt “ bịp”: “Âu hoá bịp, cải cách bịp, thể thao bịp, tu hành bịp, khoa học bịp, đốc tờ bịp, triết gia bịp, nghệ thuật bịp, luật pháp bịp, vĩ nhân anh hùng cũng bịp…” (4) Có thể bổ sung định nghĩa này bằng một loạt “rởm”: “Âu hoá rởm, cải cách rởm…tu hành rởm, khoa học rởm…nghệ thuật rởm, luật pháp rởm…” Rởm có khác bịp. Bịp bao giờ cũng gian manh, có “cơ tâm, xảo trí” nhưng cái rởm có thể “vô tư” (hiểu theo nghĩa hiện đại của từ này), và văn hài hước của Vũ Trọng Phụng đặc biệt khởi sắc, đặc biệt dí dỏm và hóm hỉnh ở những đoạn miêu tả cái rởm tự trình bày một cách “hồn nhiên” và ngang nhiên. Còn những cử chỉ, những hành động bịp bợm tác giả chỉ kể một cách qua loa hoặc lướt qua (chẳng hạn khi Văn Minh bịp bợm giới thiệu Xuân là sinh viên trường thuốc năm thứ ba hoặc việc Xuân dúi lén truyền đơn vào túi hai đối thủ của mình). Rởm có thể là bịp nhưng không nhất thiết là bịp. Thơ của Xuân là rởm, không phải là bịp. Âu hóa của nhân vật chính trong truyện ngắn Từ lý thuyết đến thực hành của Vũ Trọng Phụng gọi là “rởm” thì đúng hơn là “bịp”. Trong Số đỏ khi có sự kết hợp giữa cái “xấu xa” thật và cái “súng sính”rởm thì châm chọc hài hước của tác giả thường chĩa vào cái rởm. Khi bà phó Đoan “mừng thầm rằng mình đã trót hư hỏng một cách có tính chất khoa học” thì cái buồn cười không phải là sự hư hỏng “thật” của bà phó Đoan, mà sự súng sính khoa học rởm của bà khiến chúng ta cười. Ngoài ra, người đàn bà goá này lố bịch không phải vì những ham muốn tình dục thường tình mà vì miệng bà lại cứ hay rêu rao chuyện phẩm giá thủ tiết, súng sính “tiết hạnh” rởm.
Trong Số đỏ, Âu hoá rởm, văn minh rởm, khoa học rởm… có những biểu hiện đa dạng. Nhà mỹ thuật Típ phờ nờ cổ vũ cho sự Âu hoá về nữ quyền, về thời trang mô – đéc cho phụ nữ, nhưng đấy là cho “vợ con, chị em người khác” còn “vợ con, chị em của tôi” “cứ phải theo cổ”. Sự phê phán Âu hoá rởm đã được khái quát và nâng lên thành sự phê phán mọi lý thuyết và tư tưởng rởm trong truyện ngắn Từ lý thuyết đến thực hành. Bản chất của lý thuyết rởm đã được định nghĩa hết sức ngắn gọn: lý thuyết rởm chỉ là lý thuyết ở “cái lỗ mồm mà thôi.”(5) Trong quan niệm của tác giả, lý thuyết cũng như tư tưởng chân chính nhất thiết phải tác động tới những sự thay đổi trong cảm xúc, trong nếp nghĩ, trong những hành động và những cách ứng xử ngay trong đời sống. Qua sự suy sụp thảm hại của nhân vật chỉ Âu hoá “ở cái lỗ mồm thôi” trong truyện, phải chăng Vũ trọng Phụng đặt ra những yêu cầu rất cao cho sự Âu hóa: đây là một quá trình trọng đại trong sự tiến triển của xã hội Việt Nam thế kỷ XX và sang thế kỷ XXI vẫn giữ nguyên tính chất trọng đại của nó. Trong Số đỏ, tính cách trí thức rởm được phơi bày ở nhiều khía cạnh. Một khía cạnh lý thú là Xuân tóc đỏ nói huyên thuyên và nói rất hay về nghệ thuật nhưng đến lúc bàn đến cái “gu” (gout) trong nghệ thuật thì ngẩn tò te. Tác giả đưa ra một tiêu chuẩn quan trọng để phân biệt trí thức rởm và trí thức thật. Trí thức rởm có thể nói rất trôi chảy, rất hay, có khi hay hơn trí thức thật nhiều nhưng về mặt những kiến thức sơ đẳng và cơ bản luôn luôn bị lỗ hổng. Một khía cạnh lý thú khác là mối quan hệ giữa trí thức rởm và “bình dân”. “Bình dân” là một phạm trù phức tạp: mặt mạnh của bình dân là tính chất quần chúng, tinh thần dân chủ, mặt yếu là sự vô học, tính chất tự phát và tất cả những sự nhếch nhác sinh ra từ đó. Có thể ông Vũ chưa thấy hết sức mạnh của bình dân như chúng ta ngày nay nhưng ông đã thấy khá rõ những sự nhếch nhác của họ. Bản chất của trí thức “rởm” được Vũ Trọng Phụng phơi bày trong sự so sánh với kẻ vô học. Một chi tiết thiên tài của tác phẩm Số đỏ là câu nói của Xuân tóc đỏ trước sự ba hoa của đốc tờ Trực Ngôn về lý thuyết Frớt: “Chỗ anh em mình với nhau cần gì còn phải giảng giải”.
Có hai cách đánh giá trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ: đó là “ một lối hoạt kê không lấy gì làm cao lắm” (Vũ Ngọc Phan) và tiếng cười Số đỏ “là không ai bắt chước được, không ai theo kịp được” (Vũ Bằng). Tôi thiên về cách đáng giá của Vũ Bằng. Trong những tác phẩm văn xuôi trào phúng Việt Nam thế kỷ trước có thể tìm thấy những câu hài hước hay không kém gì những câu hài hước hóm hỉnh nhất trong Số đỏ, những tình thế hài hước cũng oái oăm và ngộ nghĩnh như trong Số đỏ, những nhân vật cũng rất buồn cười và hấp dẫn, nhưng không có một tác phẩm nào tạo ra được cả một “ xã hội hài hước”, một “thế giới hài hước” như Số đỏ.
Không thể nói rằng đối tượng trào phúng của tác giả Số đỏ chỉ giới hạn ở những “ông chủ, bà chủ” của xã hội cũ. Thực ra tác giả đã tạo ra cả một xã hội hài hước, trong đó ai cũng buồn cười, ngớ ngẩn, ngô nghê, lố bịch giống như những con rối và với ai thích phân loại, các nhân vật trong xã hội này có thể phân ra như sau:
– Loại nhân vật “ông chủ, bà chủ” (bà Phó Đoan, cụ Cố…).
– Xuân tóc đỏ, nhân vật trung tâm, thuộc thành phần “bình dân”.
– Văn Minh, đốc tờ Trực Ngôn, nhà sư chủ nhiệm tờ Gõ mõ, nhà mỹ thuật TYPN, ông hội viên Khai trí tiến đức,… sắp vào loại nhân vật trí thức thì đúng hơn là “ông chủ, bà chủ”.
– Ông Cẩm Tây, viên Quản, lính Min đơ, Min toa…, xét về thành phần xã hội, thuộc bộ máy đàn áp của chính quyền thực dân.
Đáng chú ý là ở loại nhân vật sau cùng, tác giả không phơi bày “bản chất gian ác” của họ, ông Cẩm Tây cũng như lính Min đơ, Min toa chỉ là những con người buồn cười, lố bịch, không gây ác cảm ở độc giả, họ cũng là nạn nhân của những nguyên tắc quan liêu hành chính máy móc. Phân tích Số đỏ không nên đặt vấn đề mũi nhọn trào phúng chĩa vào giai cấp nào. Tác giả đã tạo ra cả một xã hội hài hước trong đó nhất cử nhất động của bất kỳ nhân vật nào đều khôi hài, lố bịch từ “Em chã” đến cụ Tổ, từ trí thức đến bình dân, từ nhà sư đến cảnh sát…, cả hai người thợ lúng túng với “cái thẹo chổng lên” và “cái thẹo chúc xuống” cũng trở thành nhân vật hài, ngay đến nhân vật người vú già vô tội tác giả cũng gài vào một ngón đùa: nhân vật này nghĩ rằng “sân quần” là sân “phơi quần”. Tóm lại, mọi người đều buồn cười, không phân biệt trẻ già, trai gái, thành phần xã hội, tôn giáo… Về mặt mỹ học (hài hước là một quan hệ mỹ học) tác giả đã tạo ra được một thế giới nghệ thuật hoàn tất, thống nhất: tính chất hoàn hảo của tác phẩm Số đỏ ở đây. Mặt khác, sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật như vậy, mục tiêu trào phúng của tác giả lớn hơn sự phê phán một giai cấp, tiếng cười của tác giả phủ định cả một xã hội ngớ ngẩn, nhí nhố, lố bịch, nhố nhăng. Nội dung tư tưởng của Số đỏ đạt tới trình độ phổ quát, tác giả phê phán một loạt thói rởm, tật xấu có thể trở thành phổ biến ở mọi chế độ xã hội: cấp tiến rởm, bình dân rởm, trí thức rởm, nghệ thuật, khoa học rởm, tước hàm rởm, bằng sắc rởm.
Trào phúng trong tác phẩm Số đỏ không phải là trào phúng “đả kích” (pamphlet). Trong thể loại “văn đả kích”, đối tượng đả kích bị xem là địch, là kẻ thù, thủ pháp đả kích thường dùng là “đánh vỗ mặt”, đánh “tiêu diệt”, viết văn đả kích chính là một dịp để tác giả trút ra sự căm ghét, khinh bỉ của mình đối với đối tượng. Trong Số đỏ, Xuân tóc đỏ, những nhân vật ông chủ, bà chủ và trí thức rởm được miêu tả với những cử chỉ, hành động nhếch nhác, bệ rạc nhưng độc giả không cảm thấy ghét họ như là ghét địch, ghét kẻ thù. Có thể trong cuộc sống, tác giả cảm thấy khinh ghét họ, nhưng trong cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, chịu sự chi phối những quy luật thể loại, những tình cảm này đã biến thức và hòa vào tình cảm hài hước. Hài hước là một tình cảm mỹ học có giá trị nhân bản và sức cảm hoá to lớn. Tình cảm hài hước chế giễu những gì đáng khinh đáng ghét, đồng thời làm dịu đi những tình cảm khinh ghét. Văn đả kích chỉ là một biệt loại của văn trào phúng có chức năng và thi pháp đặc biệt không nên “đả kích hoá” toàn bộ văn trào phúng. Số đỏ là một tác phẩm trào phúng hài hước. Luật chơi của trào phúng hài hước như thế nào? Tác giả hài hước là một người biết cười, biết đùa, đùa dai và đùa đến cùng. Đọc Số đỏ cảm thấy tác giả chơi và đùa đến cùng với những nhân vật trào phúng của mình. Và trong sự chơi đùa nghệ thuật này tác giả không thể xem chúng là kẻ thù của mình mặc dù chúng mang những thói rởm, tật xấu mà tác giả rất ngán.
Hoàng Ngọc Hiến
1. Xem Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương Đông. Gợi những điểm nhìn tham chiếu, Văn học, 1995, xem Phần thứ nhất. Chủ toàn và chủ biệt, hai ngả rẽ trong triết học Đông Tây. Việc đề xuất hai khái niệm chủ toàn và chủ biệt là một đóng góp quan trọng vào Triết học so sánh Á -Âu. Việc triển khai hai khái niệm này sẽ gặp khó khăn nếu như lại dùng tiểu trí để vạch đường ranh chia cắt chúng. Quan điểm “đại trí” của Trang tử có chỗ khác với quan điểm “chủ toàn” của Cao Xuân Huy, quan điểm trước thiên về bình diện giá trị luận (axiologique), quan điểm sau trước hết thuộc bình diện nhận thức luận (épistemologique).
2. Xem Cửa biển, tạp chí Văn Nghệ của Hải Phòng số 13, 1993.
3. Văn Nghệ, số 40, 5/10/2002.
4.Vũ Trọng Phụng, Về tác giả và tác phẩm, N.x.b. Giáo dục. tr.445.
5. Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, N.x.b. Hội nhà văn, 1996, tr. 238. Báo cáo đọc ở cuộc hội thảo nhân dịp Kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng do Viện Văn học tổ chức ngày 16/10/2002.
One Comment
Chu Việt
Một bài phê bình sắc sảo, đầy trí tuệ, phê phán cái “rởm’ dựa trên quan niệm “tiểu trí, đại trí” của Trang Tử, đồng thời cũng phân tích sâu sắc cái “hài hước” của Vủ Trọng Phụng khi xây dựng những nhân vật tiêu biểu cho cái rởm đó trong một xả hội chậm tiến của giao thời. “Số Đỏ” là một tác phấm lớn trong văn học Việt Nam. Nó làm cho thiên hạ cười mà cảm thấy cái nhu cầu tự tu, tự chỉnh thành nhửng người thành thật, chân chính không “lừa dối”, không “bịp” ai. Ít người có thể viết phê bình hay hơn GS Hoàng Ngọc Hiến, ngoại trừ, có lẽ, đối thủ vong niên của ông, nhà lý luận phê bình Nguyễn Hưng Quốc ở hải ngoại.