Đọc “Hồi ký của một thằng hèn” của Tô Hải
Ngõ cụt Việt Nam và những giấc mơ về Thằng Hèn Chilon Chilonides (*)
Từng trang Hồi ký của một Thằng Hèn đưa tôi lui dần về bốn mươi năm trước.
Thuở đó, một buổi sáng cuối năm 1969, tại toà soạn tuần báo Diễn Đàn trên đường Tạ Thu Thâu Sài Gòn, anh Mặc Đỗ nhắc tôi thực hiện ngay số báo đặc biệt về Hồ Chí Minh vừa có tin đã chết.
Anh Mặc Đỗ là chủ bút và tôi là người điều khiển toà soạn.
Lời nhắc của anh tự nhiên làm bừng dậy một loạt hình ảnh từ ký ức.
Trước mắt tôi không còn khung cảnh toà soạn mà là đoạn đường đèo Mang Yang.
Đối diện với tôi không còn nhà văn Mặc Đỗ mà là người lính đầy bụi đất ‒ một đại uý thiết giáp mà tôi nhớ tên là Đào Trọng Trấn. Tôi tới đây khi trận Đức Cơ (1) đã dứt, nhưng toàn Vùng 2 đang căng thẳng vì cuộc nổi dậy của Fulro vào tuần lễ trước –– đêm Giáng Sinh 1965. Chúng tôi bước dọc hàng chiến xa rồi dừng bên một lùm cây. Đại uý Trấn bỗng chỉ tay xuống dải thung lũng bên quốc lộ bật la:
‒ Đẹp quá! Cảnh đẹp quá!
Rồi anh thở dài:
‒ Lúc này được cùng gia đình lo đón Tết mới thú!
Câu nói bất ngờ tỏ nỗi khát khao của vị chỉ huy đơn vị đang bảo vệ an ninh cho một điểm xung yếu nối cao nguyên với duyên hải đã theo tôi suốt đoạn đường trở lại thị xã Pleiku sau đó.
Tôi như nghẹn thở vì những hình ảnh hỗn loạn, vừa thấy mình dừng giữa dòng suối nhỏ tại Dakto đã lập tức ngồi bên một sân bóng tại Lệ Thanh, rồi chết sững tại một căn cứ địa phương quân Phú Bổn…
Bên tai tôi dội lên tiếng la của người lính vừa cùng tôi vục tay vào dòng suối.
Dòng suối hiện ra như nguồn hạnh phúc cho những kẻ thất thểu gần mười ngày giữa núi rừng khô khốc. Tất cả đang lao xuống suối như bày thú đói lao vào con mồi bỗng sững lại vì tiếng la và nhìn theo bàn tay chỏ một lùm cỏ đen lù lù trôi tới. Giữa đống cỏ và đám lá khô bập bềnh hiện lên một đám tóc rồi một gương mặt đen kịt ruồi muỗi giòi bọ ‒ một đầu người xám xịt nhớp nhúa.
Chiếc đầu theo dòng nước từ từ trôi trước mắt chúng tôi để về đâu không ai biết.
Cũng chẳng bao giờ chúng tôi biết chiếc đầu đó là của ai, bị cắt lìa lúc nào, trong tình cảnh ra sao…
Rồi ngay trước mắt tôi là một phụ nữ với mớ tóc rối mù phủ dài phía trước.
Sợi thừng quấn quanh ngực buộc chiếc xác lên một nhánh cây khiến người đã chết không được nằm yên mà phải đứng gục đầu với hai bàn chân lửng lơ chạm hờ trên mặt đất. Những vệt máu tím ngắt kết dính mấy mảnh áo tả tơi vào bộ ngực nát bấy vì vết đạn.
Chỉ hơn mười tiếng đồng hồ trước đây, chắc chắn người phụ nữ này không thể nghĩ về điều xẩy ra cho chị như tôi đang thấy. Có thể chị vẫn thấy cuộc đời đầy tươi đẹp vì đang xum họp bên chồng con giữa buổi tối mừng lễ Giáng Sinh, dù ở một tiền đồn heo hút trên mảnh đất Phú Bổn xác sơ này.
Dù sao chị cũng may mắn vì chồng con chị đã chia chung mọi điều với chị và hẳn đang ở bên chị dưới mấy nhánh cây không xa. May mắn hơn nữa là chị cùng chồng con rồi sẽ có một nấm mồ vì thân xác còn treo tại đây thay vì trôi trên một dòng suối.
Dù quá quen với cảnh chết chóc, tôi vẫn không thể dừng lâu giữa những xác người dựng đứng bao quanh.
‒ Không cách gì trốn khỏi được!
Đó là mấy lời ngắn ngủi của một thiếu tá Biệt Động Quân.
Chúng tôi quen nhau từ tuổi học trò và gặp lại sau nhiều năm xa cách giữa vùng núi Chư Prong sặc mùi tử khí. Thằng bạn hiền hoà học cùng lớp với tôi từ trường Thăng Long qua trường Văn Lang Hà Nội mấy năm 1950-1953 mang gương mặt cằn cỗi khó ngờ.
Ngồi bệt trên bờ hào, nhìn quanh lơ đãng, anh nói với tôi mà như đang nói với chính mình:
‒ Tao không sợ hành quân mà chỉ sợ lúc trở về. Những lúc đó tao chỉ muốn trốn mà… không cách gì trốn khỏi được!
Tôi không ngạc nhiên về sự muốn trốn khi một cuộc hành quân chấm dứt.
Không muốn trốn sao được khi biết chắc đang chờ phía trước là những gương mặt căng thẳng đón xem trong số người về còn có người thân của mình không?
Càng muốn trốn hơn nữa khi phải nhìn nỗi đau oà vỡ của những người vợ yếu đuối, những đứa trẻ ngây thơ thấy chồng, cha trở về trong gói poncho, nhất là lúc cả đám đông chan hoà nước mắt vây quanh người chỉ huy để cùng nhao nhao cất lên một câu hỏi như đang mê sảng:
‒ Thiếu tá ơi, chồng tôi đâu?
Chẳng ai cần trả lời nhưng những câu hỏi cứ vang lên như những lằn đạn kinh hoàng không một lằn đạn kinh hoàng nào giữa trận địa so nổi.
Một rừng hoang ký ức vây hãm tôi trên đoạn đường dài do câu nói bất ngờ của đại uý Trấn.
Tôi không tìm nổi lý do chính đáng cho việc cần xô mọi người vào những cảnh sống mà tôi đã gặp.
Không lý do nào đứng vững khi trút cả tràng đạn vào ngực một phụ nữ yếu đuối và lúc nạn nhân đã gục xuống lại dựng đứng cái xác dưới một nhánh cây. Người phụ nữ đó phải sống giữa một tiền đồn chỉ vì có chồng là lính địa phương quân.
Càng không có lý do nào đứng vững khi những đứa trẻ chưa quá 5 tuổi đầu vẫn bị bắn hạ và treo xác chỉ vì cha chúng là người cầm súng.
Chỉ những con tim gạch đá và những bộ óc ngập đất bùn mới tạo nổi lý do chính đáng cho các hành động này, nhất là những nạn nhân còn trở thành con số ghi dấu chiến công đã diệt bao nhiêu tên địch!
Nỗi khát khao nhỏ bé được cùng gia đình lo đón Tết mà người sĩ quan thiết giáp vừa thốt lên bỗng như vầng khói sương hư ảo. Ngay cái đỉnh đèo mà tôi vừa đứng bên anh cũng chìm dưới hình ảnh những xác chết ngổn ngang để xoá nhoà hẳn nét đẹp mà anh nhìn thấy. Cảnh sắc thiên nhiên không bao giờ thay đổi, nhưng tôi không thể quên những cuộc tàn sát từng diễn ra chính trên đoạn đường này, nhất là không thể quên những thân xác vào nhiều ngày tháng trước đã nằm gục theo mọi tư thế bên những gốc cây, những mô đất mà chúng tôi vừa bước qua…
Những hình ảnh đó đã trở thành đời sống Việt Nam do ý hướng của một con người mà anh Mặc Đỗ vừa nhắc tôi thực hiện số báo đặc biệt về con người ấy.
Lúc nhấc điện thoại liên lạc với các cộng tác viên, tôi nhớ lại mấy câu thơ “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua ‒ Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà…” của Hồ Chí Minh mà đài Hà Nội truyền đi và bên tai vang lên câu nói của người tuỳ viên văn hoá toà đại sứ Mỹ vào dịp tiếp xúc với một nhóm cầm bút trẻ tại Sài Gòn mấy năm trước, năm 1964. Chưa bao giờ tôi nghĩ người Mỹ hiểu thấu hoặc ưu tư về tâm cảnh người dân Việt Nam, nhưng câu nói của người tuỳ viên đã khiến tôi chấn động thực sự. Ông ta hỏi: “Giới trẻ Sài Gòn nghĩ gì về nhân vật Hồ Chí Minh?” Bạn tôi, Vũ Ngọc Đĩnh, trả lời: “Hồ Chí Minh là người yêu nước, nhưng đã lầm đường.” Người tuỳ viên văn hoá mà đa số lớp trẻ Sài Gòn nghĩ là mù mịt về văn hoá Đông Phương đã lắc đầu nói ông ta không nghĩ vậy, vì theo ông ta, người yêu nước trước hết phải thương dân. “Hồ Chí Minh đam mê sự nghiệp của ông ta chứ không thương dân. Không thể bảo ông ta là người yêu nước!”
Kể từ ngày đó, tôi luôn cố tìm con tim rung động trước nỗi đau của đồng bào nơi những con người được tôn xưng là yêu nước và không ngớt thắc mắc về sự viện dẫn tình yêu nước để đẩy đất nước vào vòng lửa đạn với hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu cái chết oan khiên đau đớn.
Ít ngày trước khi ghé Mang Yang, tôi ghé một quán nước gần khoảnh đất trống bên quận lỵ Lệ Thanh cũng là sân bóng chuyền của những người lính đồn trú gần đó và đám trai trẻ địa phương. Niềm vui quây quanh trái bóng tại đây đã biến một nhóm sáu chàng trai thành tâm điểm thu hút. Tôi gặp những chàng trai này khi họ vừa qua một trận đấu, đang ngồi với đám học sinh nhỏ ngưỡng mộ họ. Thấy tôi đeo máy ghi âm, cả nhóm đề nghị mở cho nghe một bài ca. Cuốn băng đang nằm trong máy của tôi chỉ ghi phần kết bản trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy. Tôi không tin đám trẻ mười tám, hai mươi sống giữa vùng gió bụi mưa mù này thích nghe bản nhạc, nhưng vẫn chiều ý. Không ngờ họ đòi tôi cho nghe lại, và hết thẩy đều như chết lặng trước từng lời ca. Rồi một chàng trai vừa chấm mấy giọt nước mắt trên gò má vừa xin tôi cuốn băng. Nỗi xúc động hiện trên từng khuôn mặt khiến tôi hứa sẽ trở lại vào tuần sau và tặng cuốn băng ghi trọn ba phần của bản trường ca thay vì cuốn băng này.
Tôi trở lại như đã hứa, nhưng quán nước bên đường chỉ còn là đống dấu tích tan hoang.
Đợt pháo kích bất ngờ vào buổi chiều ba ngày trước đã biến cả sáu chàng cầu thủ bóng chuyền, đám học sinh nhỏ và gia đình chủ quán thành tro bụi, khi họ đang ngồi quây bên nhau như thường lệ.
Các nạn nhân vừa được chôn cất ngày hôm trước.
Tôi quay ra xe như kẻ vô hồn, thay vì mở máy xe, đã mở đoạn cuối cuốn băng với những lời ca mà tôi ngỡ chỉ là tiếng nấc nghẹn của Thái Thanh:
Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi!
Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ
Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi!
Mấy giọt nước mắt trên gò má chàng trai chỉ một lần thoáng gặp tại xó rừng mịt mù bụi đỏ như có ma lực thúc đẩy một nỗi bứt rứt khó tả. Tôi cứ thấy những giọt nước mắt đó khởi từ con tim đằm thắm của một tâm hồn nhân hậu chỉ hứa hẹn sự tốt lành. Những con tim và những hứa hẹn đó hẳn có ở nhiều nơi nhưng số phận dành cho tất cả chỉ là tro bụi.
Và, những dòng chữ của Tô Hải hiện lên:
“Tôi đã thấy… Cả một xã không còn bóng đàn ông, trắng xóa khăn tang của các chị, các mẹ… Cả một đơn vị, một chuyến phà, một đoàn xe, một gương mặt, thậm chí một bà mẹ già còng lưng chở lính qua sông, mẹ Suốt, một tiểu đội con gái đêm đêm san đường, lấp hố bom, mới gặp mặt hôm trước thì hôm sau đã thành tro bụi. Đố ai tìm được cái xác nào sau khi bom B52 rơi trúng bến phà Xuân Sơn nhỏ bé ở Quảng Bình, ở ngã ba Đồng Lộc ấy! Bản thân tôi, khi trực tiếp gặp họ, tôi đều nghĩ: ‘Chắc đây là lần gặp… cuối cùng.’ Và, quả là như vậy”. (HKCMTH – tr. 279)
Đó là quê hương Việt Nam trong cuộc chiến dài gần nửa thế kỷ mà chính người tự nguyện bước vào cuộc chiến như Tô Hải đã nhận định:
“Với tôi cũng như với nhiều người được đọc, được nghe và có được tí chút độc lập suy nghĩ thì cuộc chiến chống Mỹ chẳng có gì là bất ngờ… Đâu phải nó nổ ra từ vụ hải quân tí hon Bắc Kỳ dám “đánh cú liều” vào tầu Maddox ở vịnh Bắc Bộ! Quần áo, mũ, giày, thắt lưng, bao đạn, lương khô… tất cả là…Tàu! Kalachnikoff, T54, Sam I, Sam II, Mig 17 hay Mig 21…tất cả đều đến từ Matxcơva… Còn dân Việt Nam chỉ có… người mà con người Việt Nam thì chỉ cần đứng trước hai chữ “xâm lược” là sẵn sàng, kẻ thù nào cũng… “oánh”!” (HKCMTH – tr. 266)
Cảm giác nhục nhã vì mang thân nô lệ khiến nỗi uất hận do cảnh sống bất công những ngày tháng trước vẫn chưa nguôi, dù chế độ thực dân Pháp đã chấm dứt từ đầu tháng 3, 1945 và đất nước đã có một chính quyền tự chủ khi người Nhật buông súng đầu hàng. Cảm giác này khiến một thế hệ trẻ dễ dàng biến thành công cụ trong tấn tuồng lường gạt bi thảm mà nạn nhân gồm cả bản thân họ.
Tô Hải kể về cái ngày khởi đầu sa hố đó:
“Đúng ngày 17 tháng 8 năm 1945, chúng tôi kéo nhau đến quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội mít-tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc mít-tinh bắt đầu được mấy phút bỗng hàng loạt cờ đỏ sao vàng được tung ra, cờ quẻ ly bị giật xuống và trên bục diễn giả xuất hiện một người đeo poọc-hoọc, đăng đàn diễn thuyết, kêu gọi đồng bào đi theo Việt Minh, đánh Pháp, đuổi Nhật, đòi lại áo cơm, tự do, xóa bỏ gông xiềng… Những khẩu hiệu vừa phát ra đã có hàng ngàn người hô to hưởng ứng. Không một tiếng súng. Không một sự phản kháng từ ai, từ đâu, dù trại lính Nhật ở cách đó chỉ khoảng 300 mét!
Cuộc khởi nghĩa thành công nhanh như thế đó!
Sau này, loại thanh niên “yêu nước hồn nhiên” bọn tôi đâu có dám lên tiếng khi nghe người ta tự tâng bốc kể công với lịch sử rằng “Đảng đã lãnh đạo toàn dân nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật dành tự do, độc lập cho đất nước!”
Và các nhà viết sử Nhà Nước Cộng Sản cũng lờ tịt luôn cái chuyện Việt Minh cướp chính quyền từ chính phủ quân chủ lập hiến Trần Trọng Kim ‒ không khác vụ lật đổ chính phủ Kerensky ở nước Nga trong lúc nội tình nước này đang bối rối.
Thực tế lúc ấy là… chúng tôi có biết gì đến cái đảng cộng sản cộng xiếc, nhất là ông Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh sau đó còn công khai tuyên bố GIẢI TÁN ĐẢNG của ông ta trước thế giới và đồng bào cả nước! Trong chính phủ có đầy đủ các vị Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh… và cả “cố vấn” Bảo Đại nữa.
“Quả lừa lịch sử” bắt đầu chính là từ đây! Vận nước khốn nạn nhất cũng bắt đầu từ đây!
Tại sao Việt Nam không độc lập như Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ, Thái Lan, Phi Luật Tân… mà phải qua 30 năm chém giết kẻ thù thì ít… mà chém giết nhau thì nhiều?”… Đây là sự hy sinh cực kỳ vô duyên cho cái chủ nghĩa không tưởng, cho sự tiếm quyền của một lớp người âm mưu làm VUA của cái nước Việt Nam khốn khổ này bằng chiêu bài Độc Lập, Tự Do mà ở các nước, người ta đã có từ nửa thế kỷ nay rồi vì may mắn thay, họ không có Đảng Cộng Sản cầm quyền! Bi kịch lớn của triệu tấn bi kịch nhỏ chính là đây! (HKCMTH – tr. 424 – 425)
Bi kịch đã phủ trùm đất nước do lệnh truyền chém giết viện dẫn lý do “đế quốc Mỹ đang xâm chiếm miền Nam, đồng bào bị bóc lột, đày đọa”, dù nhiều người sắm vai trong tấn kịch luôn tái tê tự vấn:
“Từ nay đến ngày ‘ngụy nhào…’ miền Bắc còn bao nhiêu xương rơi, máu đổ? Phía bên kia thì thằng Phát, thằng Đạt, những đứa em tôi; thằng Định, thằng Thọ, những bạn học của tôi … bao giờ sẽ trở thành món ‘thịt băm’ trước cái quyết tâm ‘còn cái lai quần cũng đánh’ của ‘ta’”? (HKCMTH – tr.291 – 292)
Vì họ đã thấy không đế quốc nào xâm lược, không có ai bị đọa đày mà cuộc chiến đã khởi từ mưu đồ độc bá của chỉ một nhóm, thậm chí của chỉ một người:
“Không có ông Hồ, không có cái đảng này thì đâu đến nỗi cả dân tộc tôi bị chiến tranh tàn phá, anh em, họ hàng đâu đến nỗi chia lìa, chém giết lẫn nhau, đâu đến nỗi thua xa những nước cũng thuộc địa như nước tôi đến cả thế kỷ về mọi mặt.” (HKCMTH tr. 388).
Mục tiêu thực sự của cuộc chiến đã được nêu hàng ngày bằng mọi lời lẽ có thể tóm gọn trong mấy câu thơ:
Giết! Giết nữa! Bàn tay không phút nghỉ!
Cho đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt!
(Tố Hữu)
Không gì phi lý bằng phải đổ máu để tạo sự bền lâu cho một phe đảng và càng phi lý hơn là đổ máu để phụng thờ những kẻ xa lạ ở những góc trời mù mịt. Nhưng, nhìn rõ thực tế lại chỉ để bó tay đối diện với một tự vấn không kém đau xót:
“…Rũ bỏ những nhận thức sai lầm, chịu nhận là mình đã lạc lối, kiên quyết giã từ cái chủ nghĩa nặng mùi xác chết ấy đi, sao nó khó khăn, vất vả đến thế?” (HKCMTH – tr. 388)
Đây là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu và từng khiến bản thân tôi trong thập niên 1960 bị coi là côn đồ láo xược do đã gán cho các nhân vật đại danh của thế kỷ cái biệt danh “đồ chó”. Đến lúc này, tôi vẫn nghĩ bất kể lãnh phản ứng nào, tôi sẽ không bao giờ thay nổi thái độ từng có với những Bertrand Russell, những Jean Paul Sartre… Chữ “đồ chó” chính là chữ Sartre viết ra để gán cho ai không chịu cúi đầu trước các chính quyền Cộng Sản. Sartre gọi những người này là “đồ chó” vì họ đã chống lại một lý thuyết, mà theo Sartre, sẽ đem lại tốt lành cho đời sống và cũng theo Sartre, “đảng Cộng Sản không bao giờ lầm lẫn!”
Giữa thời điểm mà Stalin đã lộ hình bạo chúa thủ tiêu hàng chục triệu nạn nhân vô tội; giữa thời điểm mà hồng quân Liên Xô chiếm đóng Budapest, treo cổ những người Hung yêu nước Imre Nagy, Pal Maleter, tàn sát những người Tiệp đòi hỏi tự do tại Praha, những công nhân Ba Lan nổi dậy tại Poznan; giữa thời điểm mà miền Bắc Việt Nam chưa xoá hết dấu vết tội ác Cải Cách Ruộng Đất, trong khi cuộc chiến đẩy hàng triệu người dân miền Nam vào cảnh vất vưởng trên đường chạy loạn với nỗi đau không ít người thân bị cướp đoạt mạng sống… mà có kẻ nhục mạ những người không muốn cảnh đó tiếp diễn là chó má thì không thể chịu nổi ‒ nhất là còn nhân danh giải Nobel, nhân danh hào quang trí thức đòi đưa ra xét xử những người ngăn chống các hành vi tàn sát đồng bào với lập luận đảng Cộng Sản Việt Nam đang bảo vệ chính nghĩa dân tộc và đời sống của người dân!
Càng không chịu nổi khi chính Bertrand Russell, chính Jean Paul Sartre… đều phản đối các sự việc tại Đông Âu, nhưng lại bưng tai bịt mắt trước hàng ngàn vành khăn tang tại Huế, trước những xác trẻ thơ Việt Nam bị xé nát bởi đạn pháo, bởi mìn bẫy, trong khi từng ngày từng giờ ở khắp nơi vẫn đề cao từng câu nói của Russell như thánh chỉ, chẳng hạn “toàn bộ vấn đề với thế giới chỉ do những kẻ điên rồ và cuồng tín luôn tin là mình đúng!..” hoặc đề cao nỗi khát khao của Russell là “không có gì khác hơn tình yêu và lòng thương xót trước sự cùng khốn của con người!..”
Tôi chỉ thấy hiển hiện những kẻ cùng cực ngu si trước thực tế hoặc cùng cực xảo trá trong ý đồ mượn các sắc màu rực rỡ che giấu một thực chất tởm lợm và nhớ tới nỗi ô nhục của Russell năm 1940 khi bị người dân Mỹ đuổi khỏi ghế giáo sư một trường đại học New York do lối sống vô đạo đức, nhớ tới sự hằn học của Sartre với Raymond Aron do Aron vạch ra sự ngu độn đề cao chủ nghĩa Cộng Sản của Sartre. Có thể vì những điều này mà Russell luôn xuyên tạc để bôi bẩn mọi sự kiện dính tới người Mỹ và Sartre trút ra lời lẽ đê tiện với ai chia xẻ quan điểm của Raymond Aron. Và, tôi đã khẳng định chính các nhân vật đại danh ấy mới xứng đáng nhận cái từ “đồ chó” do Sartre viết ra. Bởi, đâu còn là người khi vì bất kỳ lý do nào đã cúi đầu tôn xưng kẻ gây tội ác bằng cách trút tội ác cho các nạn nhân, trong khi mọi việc xảy ra ngay trước mắt.
Tôi chỉ có thể đổi ý với Jean Paul Sartre vì cuối cùng, ông ta đã nghĩ đến những người Việt Nam khốn khổ phải đối đầu với mọi hiểm nghèo giữa biển cả, giữa rừng sâu để mong thoát khỏi cảnh sống địa ngục trên quê hương mình. Hành động cuối đời của Sartre có thể kể như ngầm chứa một câu tự thú đầy ý nghĩa rằng “kể cả là chó vẫn đáng quí hơn kẻ cúi đầu tuân phục Cộng Sản.”
Sartre đã trở thành chứng liệu cụ thể cho lời phát biểu từ hơn 300 năm trước của William Penn về một chân lý không bao giờ thay đổi: “Lẽ phải luôn là lẽ phải ngay cả khi bị mọi người chống đối; lỗi lầm luôn là lỗi lầm ngay cả khi được mọi người tán trợ ‒ Right is right, even if everyone is against it; and wrong is wrong, even if everyone is for it.”
Là người xa lạ và từng tôn sùng Cộng Sản, Sartre vẫn không thể dằn lòng trước gánh nặng oan khiên của người dân Việt Nam và phải công khai nhìn nhận nỗi nhục ngu si của bản thân mình.
Sartre hành động từ năm 1979 tức là tròn 30 năm trôi qua tính tới hôm nay.
Tại sao lại có tình trạng kéo dài nỗi đau xót như Tô Hải đã nhắc?
Tại sao chính những kẻ đã sống với cái chủ nghĩa nặng mùi xác chết ngay trên đất nước Việt Nam lại không thể thú nhận mình lạc lối dù ý thức rõ về sự lạc lối của mình?
Tô Hải gọi những trang viết của mình là hồi ký và ghi lại nhiều đoạn đời khởi từ 1945, nhưng nổi bật lên chỉ là nỗi dày vò trong tâm khảm của một người ý thức mình đi lạc mà không thể nào dừng bước. Dù viết về các lời lẽ gian trá hay hành vi tàn bạo của chế độ, dù viết về những kẻ ngu xuẩn tận cùng hay lưu manh ghê tởm, dù viết về toan tính của bản thân hay tâm tư của bè bạn, Tô Hải không bao giờ rời nổi nỗi đau đã thành cực hình vò xé tim óc. Đó là nỗi đau phải sống cuộc sống không còn là cuộc sống con người. Nỗi đau càng lớn hơn khi luôn phải gặp gỡ không ít kẻ mệnh danh trí thức vẫn vênh váo tự hào với cuộc sống đó.
Thực ra, những trang viết của Tô Hải và thực tế Việt Nam đã cho thấy không ít sự biểu lộ thái độ của nhiều người từng có tên trong giới sinh hoạt văn chương nghệ thuật…
Đó là những câu thơ viết lúc sắp giã từ cõi sống của những Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi:
Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?
Tôi, tôi người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong …
(Chế Lan Viên)
hoặc:
Tất cả người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh, nhuốm đỏ
Tay tôi vương nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi! Xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần tàn ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn…
(Nguyễn Đình Thi)
Đó là những dòng chữ cũng viết vào lúc cuối đời của những Nguyễn Khải, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Minh Châu… hay các tác phẩm như Ba Người Khác của Tô Hoài, Ba Phút Sự Thật của Phùng Quán…
Dù luôn mong có thêm nhiều biểu hiện như thế ở mọi người, Tô Hải đã không ngần ngại cho rằng tất cả đều chưa xa nổi chữ HÈN. Bởi những thái độ đã biểu hiện hay những tác phẩm đã có chỉ gói tròn trong mục đích phân trần mình đã trải nhiều ray rứt, không hề thanh thản khi cúi đầu nhận phận tôi đòi. Điều này không còn cần thiết, tương tự sự tố giác hay kết án bản chất phi nhân của các chế độ Cộng Sản.
Thực tế đã nói quá rõ rằng bất kỳ ở nơi nào hiện diện chủ nghĩa Cộng Sản thì ở nơi đó sự sống bị huỷ hoại. Không còn cần phải chờ nghe phân giải của Lâm Ngữ Đường về hậu quả tất yếu của việc thay đổi các quy luật diễn hoá tự nhiên như Marx hô hào hay chờ nghe phân giải về tính phi lý của chủ trương đấu tranh giai cấp đặt con người vô sản thành mục tiêu phụng sự thay thế cho con người.
Thực tế đã khẳng định bằng những tai hoạ mà chủ nghĩa Cộng Sản mang lại cho con người khắp thế giới từ cuộc Cách Mạng Vô Sản 1917 tới nay. Cho nên tố giác Cộng Sản hay phân trần về lý do trở thành công cụ đều vô nghĩa. Thực tế đã làm xong việc đó và đang khẩn thiết kêu gọi hành động vượt thoát mọi di họa mà Cộng Sản đã gieo rắc để đưa cuộc sống trở lại đúng vị thế cuộc sống con người.
Thực tế cũng nói quá rõ về tình trạng bị lường gạt bi thảm của người dân Việt Nam suốt đoạn đường lịch sử mở ra từ mùa Thu 1945 để tới nay vẫn dãy dụa trong ngõ cụt. Một thiểu số giành được quyền lực còn cố giữ quyền lực bằng cách ôm chặt cái chủ thuyết nồng nặc mùi xác chết, và những người đang biện bạch về hành vi dối trá từng làm trong quá khứ vẫn chưa từ bỏ vai trò công cụ lường gạt của mình.
Một chọn lựa cần có chưa hề xẩy ra, một đáp ứng đúng mong mỏi vẫn gần như vắng bặt.
Khi ghi lại nỗi đau riêng của bản thân qua cuộc sống cá nhân nhỏ bé, Tô Hải đã góp thêm chứng tích vào cái kho thực tế đang kêu gào thức tỉnh về một thái độ từng có và vẫn đang có để vùi dập con người giữa vô vàn tai ách. Bởi thái độ mà những Bertrand Russell, những Jean Paul Sartre bày tỏ từ nửa thế kỷ trước đây ‒ và chính Sartre đã từ bỏ ‒ vẫn phổ biến trên đất nước Việt Nam.
Mù quáng và hèn mạt do những động cơ cá nhân tiếp tục là thực tế duy trì nhịp đập của những con tim ác thú. Không còn là tiếng than của một cá nhân cho chỉ riêng bản thân khi những lời này được cất lên:
“Tinh hoa đất nước giờ đâu tá?
Ai cũng hèn như tôi sao?…
Ai sẽ đưa con thuyền Việt Nam khỏi con đường vô định này, nếu những người hèn vẫn không dám nhận là mình hèn, không kiên quyết giã từ cái ngu dại, không lên án những gì mà mình làm tưởng là “vinh quang rực sáng” lại chính là “tội lỗi ngút trời”, không biết khuyên nhủ con cái chớ có dẫm vào vết chân đầy máu và nước mắt mà mình đã đi qua…
Phải kiên quyết giã từ cái quá khứ đầy vinh quang vô ích của mình. Chỉ có sự giác ngộ chính trị cuối cùng này mới giải toả được mọi nỗi đau.
Sự “trở cờ”, “phản bội” để “đi tìm một sự trung thành mới” như Jean Paul Sartre nói không ai dám làm ư? Vì còn… sĩ diện! Vì còn bị quá khứ níu kéo?
Bỏ một thứ tà đạo, một niềm tin mù quáng, vứt vào sọt rác cái chiêu bài hoen rỉ, mốc meo, chẳng khác gì ly dị một con vợ độc ác, chẳng yêu gì mình khó lắm sao? Sao rất ít “thức giả” dám tuyên bố công khai:
“Tôi từ bỏ chủ nghĩa cộng sản?”
(HKCMTH – tr. 411)
Những lớp lớp cá nhân Tô Hải qua Hồi Ký Của Một Thằng Hèn dù có đáng thương mức nào, đáng tội nghiệp tới đâu thì cảm xúc xót thương, tội nghiệp dành cho họ sẽ hoàn toàn vô ích. Bởi nỗi đau mà Tô Hải gánh chịu không phải nỗi đau riêng của Tô Hải, không phải hậu quả chỉ đến với một cá nhân do những chọn lựa của bản thân mà chính là một nét thực tế biểu hiện cái thân phận oan khiên mà dân tộc Việt Nam đang gánh chịu. Thực tế này khiến nỗi đau tăng gấp ngàn vạn lần so với nỗi đau bị dập vùi, khi không thể chối cãi rằng cái thân phận oan khiên kia sở dĩ đã có chỉ do cái HÈN và NGU của nhiều thế hệ.
Diễn trình lịch sử từng cho thấy hàng loạt dân tộc lâm vào những đoạn đường trở thành nô lệ, bị buộc phải mang thân phận tôi đòi với cuộc sống súc vật để dấy lên nhiều cảm xúc xót thương, chia xẻ. Nhưng không vì thế mà bài bác nổi thái độ miệt thị những kẻ vì mưu cầu, ham muốn sẵn sàng quỳ gối trước bả lợi danh, sẵn sàng nói không thành có để giúp hoàn tất một ý đồ lường gạt, nhất là tự mãn về những thủ đoạt của bản thân bất kể do đó đã gieo tai rắc họa cho đồng loại.
Con người đáng được thương cảm khi thất thế cùng đường bị dồn vào cảnh sống tối tăm, nhưng phải bị nguyền rủa, coi khinh khi tự nguyện khoanh tay cúi đầu bước vào cảnh sống tối tăm đó. Cảm giác nhức nhối mà những dòng tự sỉ mạ của Tô Hải khơi lên nơi người đọc chính là cảm giác này khi đối chiếu với giai đoạn lịch sử mở ra cho đất nước Việt Nam từ giữa thế kỷ trước.
Cái NGU đã mở đường xâm nhập cho một tà thuyết trong khi cái HÈN đã giúp tà thuyết đó mặc tình thao túng và vẫn vạch đường chỉ lối buộc cả dân tộc phải noi theo đến giờ này. Thực tế không thể phủ nhận là không riêng cá nhân này hay cá nhân khác lâm cảnh trầm luân, tủi nhục mà là toàn thể dân tộc đã rơi vào một ngõ cụt thảm thương do cái lỗi lầm HÈN, NGU mà nhiều thế hệ đã mắc.
Cho nên thay vì bày tỏ cảm giác tội nghiệp xót thương cho cá nhân này hay cá nhân khác, cần nhìn thẳng vào nỗi nhục tự biến mình thành công cụ tôi đòi, nỗi nhục vận dụng tới tận cùng khả năng trí óc để ngụy biện cho sự tình nguyện khom lưng uốn gối là thức thời ‒ theo kiểu Nguyễn Tuân với câu nói từng được lập lại “phải biết sợ để tồn tại.”
Vì bất kể lý do nào, việc tránh né nhìn thẳng vào các nỗi nhục này chỉ kéo dài thêm thời gian giam hãm đất nước trong ngõ cụt để sẽ biến nhiều thế hệ tiếp nối thành những đàn lũ súc vật. Bởi hiểm hoạ chôn vùi cuộc sống lúc nào cũng đầy rẫy nhưng nặng nề hơn hết luôn là động lực NGU, HÈN sẵn có nơi mỗi con người. Tấn thảm kịch diệt chủng Campuchia thời gian 1975-1979 chính là lời khẳng định về tác hại kinh hoàng của các động lực này. Cái tên Pol Pot tới nay luôn gợi sự ghê tởm, nhưng vẫn phải công bằng nhìn nhận ý hướng phụng sự xã hội của Saloth Sar khi còn là một sinh viên trường EFR ‒ École Francaise de Radioélectricité ‒ tại Paris thuở 1949-1953. Thiếu ý hướng này, Saloth Sar sẽ không gia nhập đảng Cộng Sản Pháp, không thể nghĩ đến giai cấp đấu tranh và mơ tưởng về một xã hội cộng sản trong sáng, coi hết thẩy người sống tại thành thị đều là kẻ thù cần tiêu diệt theo chủ trương đã công khai phổ biến là chỉ cần giữ lại một phần ba dân số. Vì thế năm 1975, khi đổi tên thành Pol Pot và nắm chính quyền, Saloth Sar đã tức khắc tiến hành cuộc diệt chủng tàn khốc với đối tượng không chỉ là thị dân mà là mọi giới tu sĩ, trí thức… Tiêu chuẩn trở thành tử tội đơn giản tới mức ngoài tính thành phần xã hội, chỉ cần đeo kiếng hoặc có bệnh là đủ để đem ra rút lưỡi hoặc dùng búa đập vỡ sọ, bất kể già nua hay trẻ nít.
Theo Pol Pot, đời sống chỉ tốt lành khi con người tham gia sản xuất nên kẻ bệnh hoạn, tật nguyền hoặc bất thường như mắt phải nhờ kiếng mới nhìn rõ… đều thiếu điều kiện tham gia sản xuất nên là thứ ký sinh cần loại trừ. Hai triệu mạng sống đã bị huỷ hoại do cái chủ trương man rợ điên cuồng này và không thể nói khác về nguồn gốc của nó ngoài động lực NGU và HÈN. Ngu tối đã khiến lao đầu xuống đáy vực mà vẫn tự hào đang nhàn tản dạo mát giữa đồng xanh, trong khi rũ liệt dưới sức khống chế của hèn mạt thì không thể đón chờ tương lai nào khác ngoài sự tự biến thành con mồi cho mọi dã tâm xâu xé.
Con đường ngu tối mà Pol Pot mở ra trên đất Campuchia chính là con đường đã mở ra cho đất nước Việt Nam từ giữa thế kỷ trước, và tình trạng rũ liệt trong vòng vây hèn mạt không còn là điều ngờ vực. Chủ trương xây dựng “Xã Hội Cộng Sản Nông Thôn Trong Sáng” chỉ là sự lập lại những chủ trương Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Thương Nghiệp và nhiều chủ trương khác của Việt Nam với điểm khác biệt duy nhất là không cần che đậy bằng hình thức pháp luật vô pháp luật. Số nạn nhân bị cướp đoạt mạng sống tại Việt Nam nếu tính từ năm 1945 chắc chắn gấp bốn, năm lần số nạn nhân tại Campuchia. Giữa hai vùng đất đau thương này chỉ Campuchia có thể đang khởi đầu trở lại đoạn đường phục hồi sự sống còn Việt Nam vẫn nằm trong ngõ cụt giữa những bức tường NGU – HÈN sừng sững khắp nơi.
Những trang cuối hồi ký của Tô Hải kể lại chọn lựa cuối cùng của hoạ sĩ Dương Bích Liên năm 1988.
Dương Bích Liên quyết định rời khỏi đảng Cộng Sản mà ông tham gia từ 40 năm trước, rồi đốt tất cả tác phẩm và tuyệt thực cho đến chết. Bên cạnh xác của ông chỉ còn duy nhất một bức chân dung tự họa chưa hoàn tất với cái tên Ngõ Cụt.
Chọn lựa của Dương Bích Liên là chọn lựa của hàng loạt người Nga vào thời điểm 1991-1992, sau khi chế độ Cộng Sản Nga sụp đổ từng được nữ ký giả Svetlana Alexievitch ghi lại trong tác phẩm Ensorcelés par la mort. Chứng tích từ những người tự tử sưu tập được cho thấy tất cả đều không chịu đựng nổi nỗi dằn vặt đã vì ngu hèn tự biến thành công cụ bị lường gạt, bị sai phái và bị hành hạ. Một sinh viên vừa hoàn thành bản luận án tiến sĩ về chủ nghĩa Marx đã lao khỏi cửa sổ từ tầng lầu 11. Bản luận án còn lưu lại cho thấy mỗi trang đều bị gạch chéo với những chữ lớn viết bằng mực đỏ: Lừa gạt, khoác lác, xảo trá…
Tuy cùng chọn cái chết nhưng nỗi đau của những người này không nặng nề như nỗi đau của Dương Bích Liên. Bởi Dương Bích Liên không chỉ đối diện riêng với cảm giác hổ nhục vì ngu hèn của bản thân mà còn đối diện với tương lai mù mịt của đất nước. Anh sinh viên Ivan Ivachovest có thể hoàn toàn thanh thản khi phóng qua khung cửa sổ tầng lầu 11 vì cái thời của những lời lẽ lường gạt trên đất nước Nga đang lùi vào dĩ vãng và cái chết chắc chắn sẽ chấm dứt nỗi hổ nhục vì ngu hèn của bản thân anh. Với Dương Bích Liên, suốt thời gian dài dặc hành hạ thân xác bằng quyết định tuyệt thực vẫn phải từng giây đối mặt với cảm giác tuyệt vọng vì cảnh ngộ đất nước nằm trong ngõ cụt. Cảm giác này không hề thay đổi hay giảm sút cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vì vây quanh vẫn là những bức vách Ngu Hèn cao ngất. Đến lúc này những bức vách vẫn hiển hiện để thúc đẩy tâm trạng dày vò tự sỉ mạ, tự lăng nhục chua xót “cái Hèn vẫn bao trùm nhiều khía cạnh, nhiều trang đời, nhiều suy nghĩ của tôi…” ‒ như Tô Hải đã ghi lại.
Tự nhiên, tôi bỗng nhớ tới khung cảnh kinh thành La Mã bốc cháy trong tác phẩm Quo Vadis của Henryk Sienkiewicz và thấy những trùng hợp kỳ lạ với hiện trạng Việt Nam.
Giữa thập niên 60 của thế kỷ công nguyên đầu tiên ấy, những người nghèo khó La Mã hướng về ngọn đuốc sáng Yêu Thương đã bị nhìn như kẻ tử thù bởi triều đình của một bạo chúa.
Gần như không có cách biệt khi so sánh thân phận những người nghèo khó ấy với 80 triệu con dân Việt Nam hiện nay. Cũng tương tự, nếu so sánh tập đoàn lãnh đạo Việt Nam với triều đình Neron thuở đó.
Neron luôn ngùn ngụt tham vọng biến mình thành kẻ vĩ đại bậc nhất trên mặt địa cầu tới mức thản nhiên hạ sát cả vợ, cả mẹ để giảm bớt cản trở trong nếp sống xa hoa tàn bạo. Con người phi nhân tới mức đó lại được một đám cận thần tung hô, tôn xưng như thần thánh và sẵn sàng tuân theo mọi lệnh chỉ. Vì thế, khi Neron muốn tìm cảm hứng nhìn lửa cháy để tạo một tác phẩm nghệ thuật mà y tin sẽ vượt xa các tác phẩm lẫy lừng Illiade và Odyssée, đám cận thần đã dâng sáng kiến hoả thiêu La Mã. Toàn bộ kinh thành bốc cháy khơi dậy sự giận dữ trong quần chúng, sự giận dữ mà Neron và đám cận thần không ngờ tới. Kế sách đối phó được đề ra là lập tức rao truyền chính đám người nghèo khó theo chúa Jesus đã nổi lửa và cái triều đình ác thú ấy ban lệnh “ném ngay lũ Thiên Chúa Giáo cho sư tử.”
Cơn uất hận vì cơ ngơi bị huỷ hoại, người thân bị chết thảm đã khiến từng đám đông cuồng nộ trở thành hung thú lao vào tàn sát những kẻ cũng là nạn nhân như mình theo lệnh truyền của chính các thủ phạm gây tội ác. Đây đúng là cảnh đã kéo dài trên đất nước Việt Nam từ 1945 qua mọi biến cố do chỉ hai động lực Ngu – Hèn. Cái Ngu đã khiến nhiều thế hệ lao vào xâu xé lẫn nhau bởi không nhận chân nổi thủ đoạn lường gạt của một bạo chúa, đồng thời cái Hèn đã liên tục tạo thêm sức mạnh cho bạo chúa mặc tình thao túng. Ai cũng dễ dàng nhận thấy nếu không có những Tigellinus và đội ngự lâm quân, không có những Chilon Chilonides … thì dù Neron có ba đầu sáu tay cũng không thể gieo tai rắc hoạ, không thể chỉ một giây phút phù du thiêu hủy cả một kinh thành…
Khác biệt giữa hai thảm cảnh La Mã thuở nào và Việt Nam hiện nay là La Mã có sự hiện diện của thằng hèn Chilon Chilonides. Thằng hèn Chilon đã nhúng tay vào đủ thứ nhơ nhuốc, bạo ngược để được trở thành cận thần của bạo chúa. Thằng hèn Chilon cũng là kẻ đi ban bố lệnh truyền “ném bọn Thiên Chúa Giáo cho sư tử”. Nhưng, chính thằng hèn Chilon đã đứng thẳng, vươn tay chỉ vào giữa mặt Neron, cáo giác kẻ chủ mưu đích thực vụ đốt phá kinh thành là ai.
Một thời tôi đã bị cuốn hút tới mức đọc đi đọc lại nhiều lần hai chương Quo Vadis nói về giây phút cuối cùng của thằng hèn Chilon Chilonides ‒ một chương chấm dứt với sự thản nhiên trước cực hình rút lưỡi để được đứng bên đám người nghèo khó vẫn giữ vững nhịp con tim chan chứa tình người và một chương chấm dứt với nụ cười mãn nguyện cùng những dòng nước mắt đón nhận niềm vui của nạn nhân vào giây phút lìa đời.
Nhưng vượt lên trên hết vẫn là hình ảnh thằng hèn Chilon đứng thẳng, vươn tay chỉ vào giữa mặt bạo chúa, hình ảnh ghi lại bước khởi đầu sự cáo chung của một triều đại man rợ ghê tởm để những con tim của đám người nghèo khó La Mã đang bị treo trên thập tự giá, bị quăng vào móng vuốt ác thú, bị moi gan rút lưỡi… tiếp tục gửi tình Yêu Thương tới khắp năm châu.
Ý nghĩ cuối cùng dấy lên từ những trang “Hồi ký của một thằng hèn” lại là sự trở về với một thằng hèn trong hình ảnh một ước mơ.
Mong sao sớm xuất hiện tại Việt Nam những thằng hèn Chilon Chilonides!
Uyên Thao
Virginia, March 09, 2009
(*) Chilon Chilonides là một nhân vật hư cấu trong truyện lịch sử Quo Vadis. Chilon là một kẻ bịp bợm và là một thám tử tư. Ông được Marcus mướn đi tìm Ligia. Trong nhiều bộ phim, nhân vật này bị loại bỏ, ngoại trừ loạt phim nhiều tập do Ba lan sản xuất vào năm 2001. Tuy nhiên trong tiểu thuyết, Chilon đóng một vai trò quan trọng. Một kẻ phản bội đôi và kết cuộc của hắn là nguồn cảm hứng từ Thánh Dismas.
Chilon Chilonides[Characters in Quo Vadis] Chilon Chilonides (fictitious), a charlatan and a private investigator. He is hired by Marcus to find Ligia. This character is severely reduced in the 1951 film and the 1985 miniseries, but in the novel itself, as well as in the Polish miniseries of 2001, Chilon is a major figure. A doublecrossing traitor, his end is clearly inspired by Saint Dismas.