Cầm một cuốn sách mới, chúng ta có thể làm được gì? Hiển-nhiên, ta có thể đưa lên để xem cuốn sách có đẹp không, ngắm bìa trước, đọc bìa sau, ngửi mùi thơm của giấy mới và, trong trường-hợp một cuốn sách bìa cứng như tác-phẩm mới nhất của Phong Thu ra mắt hôm nay, ta còn có thể nâng niu để xem cuốn sách được chăm sóc như thế nào.
Phải nói, đây là sản-phẩm của một người yêu sách hay ít nhất cũng tự-trọng đủ để không bôi bác, nghĩa là cũng tôn-trọng luôn người đọc. Đọc vào trong các truyện, ta thấy Phong Thu săn sóc khá kỹ lời văn và mặc dầu chị là người miền Nam, sách hầu như có rất ít lỗi chính-tả hỏi ngã.
Tiếp-tục việc đong đo cuốn sách, ta thấy Sài Gòn Mưa Vẫn Rơi gồm 14 truyện mà theo nhà văn Song Nhị, viết trong Bạt, hầu hết xoay quanh một thành-phố quen thuộc của chúng ta, một thành-phố lớn, có lẽ lớn nhất, của Việt-nam, đó là Saigon. Ta hãy nghe nhà văn Song Nhị nhận-định:
“Sài Gòn với người dân miền Nam là tiếng gọi thiêng liêng, thân thương như máu thịt dù đang ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Không chỉ những người con của Sài Gòn sinh ra và lớn lên, nối tiếp dòng sinh mệnh từ bao đời của cha ông tiên tổ mà cả những người dân từ mọi miền đất nước, từ Quảng Trị đến Cà Mau tới đó lưu cư, hít thở không khí an lành trong hơn hai mươi năm tồn tại của thể chế Miền Nam Tự Do, khi xa Sài Gòn cũng quặn lòng thao thức, nhớ về núm ruột của quê hương.
“Trong hơn 300 năm lịch sử từ Sài Côn, Bến Nghé đến Hòn Ngọc Viễn Đông, đã có biết bao nhiêu những áng văn, thơ, nhạc viết về Sài Gòn, viết về những bước đi lớn mạnh, về những thăng trầm buồn vui của Sài Gòn theo vận nước.”
Ngay trong chúng ta hôm nay, một người Bắc đặc như Nguyễn Thị Ngọc Dung, ngoài Phượng vẫn nở bên trời Hà Nội vẫn phải có Sài Gòn nắng nhớ mưa thương. Tại sao? Tại vì Hà Nội là quê hương trong trí nhớ còn Sài Gòn là nơi Ngọc Dung đã lớn lên thực-sự, là cô gái dậy thì biết yêu, biết ghét, để dần dà bị dẫn vào hai cuộc tình lớn, với một nhà văn Việt và một nhà ngoại-giao Mỹ. Những cuộc tình này hiển-nhiên là hồi hộp hơn những ngày thơ ấu ở Hà Nội.
Trong một nghĩa nào đó, Sài Gòn Mưa Vẫn Rơi, đối với người chưa đọc, có thể bị hiểu lầm là “lại” một cuốn sách hoài-niệm về một thời hoàng-kim đã mất. Song nghĩ như thế là không thể nào sai hơn được.
Những đề-tài thời-sự
Không! Đọc Phong Thu trong tập truyện này, ta có cảm-tưởng như ta đọc báo ngày hôm nay song câu chuyện được tả một cách tròn trịa, đầy đủ và nghệ-thuật hơn báo hàng ngày rất nhiều vì báo hàng ngày, tự bản-chất của nó, vẫn có tính-cách mánh mun, chỉ nhìn được từng khoanh của câu chuyện một, không thấy đầu đuôi ra ở đâu cả.
Để minh-hoạ điều tôi nói, ta hãy thử lấy một đoạn trong truyện “Cành hoa trước gió” xem sao:
“Mới đây nhất, hàng loạt luật sư và những trí thức ưu tú bất đồng chính kiến bị bắt bỏ tù vì lên tiếng đòi tự do, dân chủ. Và mấy tháng nay tin tức về một luật sư trẻ, tài năng, linh hoạt có tấm lòng yêu tổ quốc cũng đã bị bắt khẩn cấp và bị đẩy ra khỏi hoạt động của xã hội. Một luật sư khác vì bênh vực cho nhà thờ Thái Bình ở ngoài Bắc cũng đã bị sách nhiễu và gán cho tội ngoại tình. Tôi đọc báo Việt Nam trên liên mạng, tôi thấy chính quyền Việt Nam mở cửa he hé, rồi đóng cửa bất tử làm nhiều người kẹt tay kẹt chân trong tù. Cai trị một quốc gia mà làm việc tuỳ hứng, tuỳ thời và tuỳ theo tình hình thế giới y hệt thời kỳ chiến tranh. Nhưng tệ nhất là những ai sống trong xã hội Việt Nam đều bọc mình trong một lớp vỏ dầy cộm của loài ốc mượn hồn. Tôi đọc hàng trăm tờ báo Việt Nam, và thấy họ lên án những trí thức nghiên cứu, đọc và tham khảo tài liệu nước ngoài. Nổi bật nhất là vụ án luật sư Lê Đình. Ông là một luật sư du học tại Hoa Kỳ và Pháp. Ông mang những kiến thức Tây Âu vào để khai sáng nền luật pháp tối tăm của Việt Nam. Tại sao tham khảo những tư tưởng tiến bộ lại là phản động? Tại sao nhà cầm quyền CS Hà Nội mở cửa cho sinh viên đi du học lại ngồi xổm trên óc họ để điều khiển?” (trang 282-283)
Một đoạn chừng hơn 10 dòng mà ta đã có thể liên-tưởng đến Luật-sư Lê Thị Công Nhân hay Nguyễn Văn Đài, rồi đến Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, đến nhà thờ Thái Hà và người bị “gán cho tội ngoại tình” Cù Huy Hà Vũ mà phiên toà phúc-thẩm sẽ xảy ra thứ Ba tới đây, ngày 2 tháng 8, 2011. Mà đây là một chuyện viết từ “những ngày cuối tháng 8 năm 2009” (trang 294), thành thử ta có thể nghĩ rằng Phong Thu có cả con mắt tiên-tri.
Phong Thu không giấu giếm là chị viết chuyện thời-sự. Đó là chuyện dân oan đi đòi đất như bà Cà-Na trong truyện “Dòng sông chết” (trang 222-234) hoặc chuyện đi lấy chồng Đại-Hàn như trường-hợp chị Thiện của thằng Tuân (truyện “Tạm biệt chị yêu,” trang 267-278) mà kết-luận không bi đát như ta có thể tưởng, giải thích tại sao nhiều cô gái miền Tây lại “liều mình nhắm mắt đưa chân” đi vào con đường này.
Cũng vì Phong Thu muốn cho người đọc biết rõ là chị viết về Việt Nam của ngày hôm nay nên chị chỉ nguỵ-trang một cách rất sơ sài những tên người tên việc trong những vụ xì-căng-đan lớn ở quê nhà. Tỷ như vụ PMU18 thì chị gọi là PU18 và ông bộ-trưởng bê bối trong vụ này thì không cả đổi họ, chỉ đổi tên thành một tên khá khôi hài, Đào Lo Chôm (truyện “Những vì sao lạc loài,” trang 261-272).
Một thế-giới phong phú
Thế-giới của Phong Thu là một thế-giới rất phong phú, rất đa dạng. Nếu có những chuyện mà rõ ràng là ký-ức của tác-giả, những kinh-nghiệm có thật trong đời của tác-giả, như truyện “Sài Gòn niềm nhớ không tên” (trang 235-254) mà ta có thể gọi được là “những ngày Tân Uyên” đi công-tác thu thập dân-ca miền Đông Nam-bộ cùng với đôi vợ chồng nhạc-sĩ Lưu Nhất Vũ (ở trong truyện được gọi là “ba má Hai”) thì lại cũng có nhiều truyện mà rõ ràng tác-giả không thể có được chút kinh-nghiệm bản-thân nào, như kinh-nghiệm ở nhà tù CS. Đó là chuyện tù của một blogger tên Thông, con cán-bộ cách mạng “gộc” nhưng vì vẫn có lương-tâm nên tố-cáo tham-nhũng trong xây cất rồi bị trù dập (truyện “Sài Gòn Mưa Vẫn Rơi,” trang 379-394). Đó là chuyện ở tù trong “Những vì sao lạc loài” trong đó ông Chinh, một nhà báo đứng đắn, vì tố-cáo tham-nhũng mà phải đi tù rồi rục xương, chết ở trong đó. Tương-phản với tâm-tư đau buồn và vô vọng của ông thì lại là “thằng nhóc” Tài-Béo, nó rất khoái được ở tù vì ở trong tù thì có mái nhà che mưa che nắng, một ngày được hai bữa cơm, không phải lo bữa đói bữa no. Đến khi ra tù nó chẳng biết đi đâu vì đối với nó “Nhà! Nhà là cái gì? Nó làm gì có nhà. Nó chưa bao giờ hiểu căn nhà là tổ ấm hạnh phúc mà ngay cả con chim cũng phải đan lấy cái tổ trên những nhánh cây thật to, thật cao để tránh mưa nắng, sinh sống và tồn tại. Con chim cũng có một bầu trời tự do để ca hát, bay lượn. Còn ba má nó là con người nhưng chỉ biết căn chòi cất tạm bợ bằng giấy cạc-tông và mấy tấm ni-lông rách nát… Bởi ba má nó không một tấc đất cắm dùi nên phải cất chòi trong một nghĩa địa…” (trang 260). Sở dĩ Tài-Béo ra tù không biết đi đâu là vì ba má nó đã quên nó lâu rồi, nó không cả chắc là họ còn sống hay còn sống mà lưu lạc đến nơi nào.
Ra tù, Tài-Béo, người miền Nam, chỉ có một lá thư mà nó không biết đọc của ông Chinh, người miền Bắc, để lại cho nó, dặn dò là phải đi tìm gia-đình ông để đưa vì khi sắp chết, ông Chinh có trăn trối lại như sau: “Nó thấy ông mở mắt thì khóc thút thít. Cái miệng nó méo xệch một bên:
“ Bố Chinh à! Bố đừng chết nghen. Bố có hứa khi ra tù sẽ dẫn con về quê bố. Hai bố con sẽ đi câu cá, bắt ếch, trồng rau để sống mờ…’
“Ông Chinh khó nhọc lắm mới dỗ dành được nó:
“ ‘Bố nhớ chớ. Đó là mơ ước cuối cùng của bố. Bố sẽ mang con về quê bố. Quê bố nghèo nhưng tình thương nhiều lắm. Con tin bố nhé!’ ” (trang 263)
Chỉ sau đó ít lâu, ông Chinh chết rồi Tài-Béo được thả ra. Truyện của Phong Thu nhiều khi kết thúc lơ lửng như thế, để cho trí tưởng-tượng của người đọc tha hồ tiếp nối. Đó là một nét của tân-tiểu-thuyết, chứng tỏ ngòi bút của tác-giả đã già dặn đi rất nhiều.
Nghệ-thuật của Phong Thu
Gần đây, tôi có đọc một quyển sách dầy cộm của Steven Moore, The Novel, an alternative history (“Tiểu-thuyết, một lịch-sử khác”), nói về nghệ-thuật tiểu-thuyết đã chuyển-biến ra sao từ thời thượng-cổ cho đến khoảng năm 1600. Không chỉ tiểu-thuyết phương Tây mà bắt đầu từ những gốc gác Ai-cập, Sumer, Akkad, Do-thái, Hy-La (như những truyện trong Thánh-kinh, từ Cựu-ước đến Tân-ước)… mà còn cả những truyện Ấn-độ, Ả-rập, trung-cổ thời-đại, tiểu-thuyết Trung-hoa, Nhật, Ba-tư v.v. Đã đành, một cuộc nghiên cứu sâu rộng như vậy thì có rất nhiều điều để nói, và tôi không thể nào kể được dù chỉ một phần lại cho Quý Vị nghe ở đây.
Tôi chỉ xin nói là: truyện hay tiểu-thuyết thì bắt đầu phải có một câu chuyện, một cốt truyện. Nhưng một cốt truyện tự nó thường rất khô khan và nghèo nàn, và có người đã cho rằng trong lịch-sử tiểu-thuyết ở trên thế-giới thường chỉ có chừng ba loại cốt truyện mà loại phổ-biến nhất là “những mối tình tay ba, hình tam giác” (“the love triangles”). Thành thử đi từ một cốt truyện mà muốn cho nó hay cần đến nghệ-thuật: Nghệ-thuật kể, nghệ-thuật bố-cục hay còn gọi là sắp xếp các tình-tiết, nghệ-thuật tả tâm-tư nhân-vật, nghệ-thuật lời…
Áp-dụng vào trường-hợp truyện của Phong Thu, ta sẽ thấy mấy truyện như “Sài Gòn niềm nhớ không tên” (trang 241-260, Thương, Trí và Hằng) hay “Sài Gòn, một thuở hẹn hò” (trang 345-361, Thuý Vi, Trường và Lục Vi) và “Lỗi hẹn” (trang 317-329, Hân, Thuý và Nam) là những “love triangles” dễ lôi cuốn ta vào những cảm-xúc lãng mạn. Cái làm cho những truyện này không nhàm chán là ở bối-cảnh câu chuyện: Bối-cảnh truyện đầu là đạo, là chùa; bối-cảnh truyện thứ hai là chuyện yêu nước, biểu tình chống Trung-quốc, trong đó có lồng tí ghen; bối-cảnh của truyện “Lỗi hẹn” là tình bạn và tình qua liên-mạng còn bối-cảnh của truyện “Người câu bóng trăng” (trang 331-344, Thiệt, Đông và Đào) là chuyện “bloggers,” làm báo và tình yêu không tính toán.
Nhưng đặc-sắc của ngòi bút Phong Thu là chị tạo được những nhân-vật sắc nét như ông Khải tương-phản với con ông, thằng Hoàng, hay David, một Việt-kiều về thăm nhà (trong truyện “Bác Khải,” trang 354-368) hay Thạch, một Việt-kiều, bên cạnh Bảo, người em ở lại quê nhà, và Tình, người bạn học cũ, đã đổi thay tính nết và nếp sống đến không nhận được ra (như trong truyện “Tiếng khóc trong đêm mưa,” trang 202-221). Một kỹ-thuật Phong Thu dùng là đem tương-phản hai mốc thời-gian, trước 1975 và ngày nay hay vài chục năm sau hoặc so kinh-nghiệm của người Việt hải-ngoại với người trong nước. Thời-gian, đó là cái bi đát trong câu chuyện một người hùng, anh Thạnh của Lệ Châu, bạn dạy học ngày xưa của tác-giả, anh đi theo kháng-chiến do một tổ-chức hải-ngoại tổ-chức để rồi bị bắt, tuyên án 20 năm tù để đến ngày về thì “thân tàn ma dại,” chỉ còn chờ chết—không khác bao nhiêu chuyện của anh Nguyễn Văn Trại, mới chết gần đây trong tù (truyện “Cánh hoa trước gió,” trang 279-294). Còn rất nhiều truyện trong tập sách là chuyện người Việt về thăm nhà để chứng-kiến bao nhiêu chuyện bể dâu.
Một cái tài-tình khác của Phong Thu là tái-tạo được rất khéo lời lẽ của trẻ con và những cách hành-xử của chúng, chứng tỏ chị có một con mắt quan-sát rất kỹ khi còn làm nghề gõ đầu trẻ. Những nhân-vật như Cư-Còm, Tài-Béo, Lan-Sún hay Thằng Tuân tuy chỉ xuất hiện trong có vài trang nhưng để lại trong người đọc một dư-vị khó quên.
Cũng trong tập truyện, Phong Thu dùng khá điêu luyện nghệ-thuật “flashback” hay những cảnh nằm mơ làm cho những truyện của chị chuyển cảnh rất nhanh, không chán.
Thật ra còn những truyện khác trong tập truyện Sài Gòn Mưa Vẫn Rơi mà ta không có thời giờ đi vào và phân-tích. Nhưng tôi sẽ làm một chuyện hại độc-giả nếu tôi không dành cho Quý Vị cái hứng thú đi tìm ra những cái hay, cái đặc-sắc khác trong cuốn sách ra mắt hôm nay của Phong Thu.
Nguyễn Ngọc Bích
Đọc tại buổi ra mắt sách
James Lee Community Center (Annandale, VA)
Ngày 30/7/2011
One Comment
phong thuy nha o
Hi there very nice website!! Man .. Excellent .. Amazing ..
I’ll bookmark your site and take the feeds additionally?
I’m satisfied to find a lot of helpful info right here within the submit, we’d like develop more
strategies in this regard, thanks for sharing.
. . . . .