Sau cuộc bầu cử, Hoa Kỳ sẽ tính sao?
Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên mà có lẽ duy nhất trên địa cầu đã thành hình từ… một sự phát minh.
Xuất thân từ nhiều nơi khác nhau, đa số là từ Âu Châu, người dân xứ này cùng chia sẻ một nỗi khát khao là tự do nên vùng lên giành độc lập. Rồi các thế hệ lập quốc đã… rủ nhau thành lập một quốc gia, ban đầu thật ra còn nhỏ. Các thế hệ di dân nối tiếp là tầng lớp tiên phong khai phá để mở mang lãnh thổ, qua việc mua đất và cả cướp đất. Nhưng nền móng chung trong tiến trình lập quốc đó vẫn là phát minh ban đầu: mỗi người hy sinh một chút cái quyền tự do thiêng liêng của mình để trao cho một cơ chế tập thể đại diện họ giải quyết các vấn đề chung. Quyền lực của cơ chế tập thể ấy là do người dân trao cho họ.
TT Obama và nội các của ông cùng tiến đến vườn Hồng Bạch Ốc ngày 15 tháng 9, 2010 để phát biểu với truyền thông. JEWEL SAMAD/AFP/Getty Images
Cũng vì phát minh cứ tưởng là đơn giản ấy, Hoa Kỳ là một nơi hiếm hoi mà quyền lực nhà nước được chính người dân giới hạn và kiểm soát, trái ngược với đa số quốc gia còn lại trên địa cầu.
Chuyện mơ hồ này dẫn ta trở lại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay.
Gọi là “bầu cử giữa nhiệm kỳ” vì xảy ra giữa nhiệm kỳ của tổng thống, từ đầu năm 2009 tới đầu năm 2013. Dù bất cứ đảng nào thắng cử và chiếm đa số trong Quốc hội, ông Barack Obama vẫn là Tổng thống Hoa Kỳ cho đến trưa ngày 20 Tháng Giêng năm 2013. Bây giờ, câu hỏi đặt ra là cuộc bầu cử này sẽ ảnh hưởng thế nào đến chánh sách đối ngoại của Hoa Kỳ?
Sở dĩ đặt ra vì đảng Dân Chủ của Tổng thống Obama sẽ đại bại, có thể mất đa số tại Hạ viện. Và nếu đảng Cộng Hoà không tự sát, như nhiều lần đã thấy, thì cả Thượng viện cũng đổi ngôi.
Một thắng lợi lớn của phe dân chủ, bà Christine O’Donnell thắng ghế TNS bang Delaware ngày 14 tháng 9, 2010. Mark Wilson/Getty Images
Ngược với sự hồ hởi của nhiều người, Nghị sĩ Barack Obama chỉ đắc cử với 52% số phiếu, tức là còn 48% cử tri không chọn ông. Ngày nay, tỷ lệ ủng hộ của ông sa sút dưới mức 50% và chưa có dấu hiệu gì sẽ bật ngược nếu đảng Dân Chủ còn mất thêm ghế trong Quốc hội Khoá 112 tới đây. Khi tranh cử, Obama đưa việc chống chiến tranh tại Iraq làm chủ điểm để tranh thủ cử tri phản chiến bên cánh tả, nhưng quân bình lại thế đứng bằng chủ trương ưu tiên giải quyết chiến tranh A Phú Hãn. Ông có sự may mắn bất ngờ là khủng hoảng tài chánh bùng nổ hai tuần sau khi được đảng Dân Chủ chính thức đề cử và thắng cử trước một đối thủ quá tồi.
Nói cách khác, chủ điểm tranh cử là đối ngoại bỗng trở thành thứ yếu và chìm sâu trong những chấn động kinh tế tài chánh. Và chuyện bất ngờ thứ hai là tình hình Iraq lại có vẻ khả quan hơn, trong khi chiến trường sạch là A Phú Hãn bỗng lại tèm lem sau khi Obama tăng quân số tham chiến lên gấp đôi. Chuyện ưu tiên nội/ngoại – nội trị và ngoại giao – bỗng dưng đảo lộn thứ tự.
Bây giờ mới nói đến phát minh của nước Mỹ.
Từ thời lập quốc, dân Mỹ cho Tổng thống nhiều quyền hạn về đối ngoại, nhưng giới hạn thế lực Tổng thống về nội trị qua các định chế rất mạnh là Lưỡng viện Quốc hội, Tối cao Pháp viện và quyền lực các tiểu bang. Tổng thống Obama có thể muốn cải tạo xã hội – giải quyết chuyện bên trong – nhưng phải nhờ cậy vào Quốc hội ở cùng phe cùng đảng. Nay mai, Quốc hội ấy có thể đổi chủ, và có khi cột tay Tổng thống.
Với thế lực suy yếu như vậy, về đối ngoại ông còn có thể làm được gì?
Xin nhắc thật nhanh để so sánh: Thí dụ thứ nhất là về nội trị. Tổng thống Bill Clinton gặp hoàn cảnh đó sau cuộc bầu cử năm 1994, với đảng Cộng Hoà chiếm lại đa số tại Hạ viện sau 40 năm ngồi ghế đối lập. Clinton lập tức xoay chiều, từ bỏ chủ trương thiên tả ban đầu để áp dụng một số chánh sách trung dung hơn, kể cả cải tổ chế độ an sinh xã hội. Phe cực tả thất vọng, nhưng lá phiếu trung dung và cả việc kết tội Hạ viện Cộng Hoà là kỳ đà cản mũi giúp ông đạt thành tích. Và tái đắc cử. Nếu gặp tình huống đó sau này, Barack Obama Jr. có là Bill Clinton không, ít ra về nội trị?
Nhiều phần thì sẽ là không.
Cũng để so sánh, thí dụ thứ hai là về đối ngoại. Tổng thống Bush gặp hoàn cảnh đó khi cuộc bầu cử năm 2006 giúp đảng Dân Chủ kiểm soát Quốc hội. Mặc dù như vậy, đầu năm 2007, ông Bush vẫn quyết định dồn quân đánh tới tại Iraq. Chỉ vì chẳng còn cái lực khi bị Quốc hội Dân Chủ cột tay, Bush vẫn có cái thế của một Tổng thống để lấy quyết định liều lĩnh. Mà Quốc hội đầy uy quyền vẫn không dám cắt ngân sách quân phí vì sợ tội cột tay chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Gặp tình huống đó, Barack Obama Jr. có là George W. Bush không?
Nhiều phần thì cũng là không.
Sau khi đảng Dân Chủ thất cử, Barack Obama khó thủ vai đối lập để tấn công Hạ viện trong tay đảng Cộng Hoà là kỳ đà cản mũi, như Bill Clinton đã làm. Vì hoàn cảnh và nội dung ngày nay đã khác xưa. Obama thực tâm tin vào giải pháp cải tạo theo kiểu cực tả trong khi quần chúng Mỹ lại quá thất vọng về kinh tế và về nạn chính quyền tăng chi, đi vay để mở rộng tầm can thiệp.
Không thể mở trận tuyến chống Cộng Hoà về các hồ sơ nội chính, Obama có thể tìm vào Hiến pháp để thấy uy quyền vẫn còn khả quan của Hành Pháp về đối ngoại. Một thí dụ là biểu dương ý chí bằng cách ra lệnh không tập các căn cứ hạch tâm của Iran. Nổ hơn tạc đạn!
Bush đã dám làm như vậy năm 2007, nhưng Obama thì không.
Sở dĩ là không vì một do… triết lý chính trị, hay ý thức hệ. Đảng Cộng Hoà vẫn nổi tiếng là bảo thủ về an ninh, diều hâu về đối ngoại. Các Tổng thống Cộng Hoà đều khai thác yếu tố ấy để tấn công Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ là nhu nhược về an ninh, cột tay chiến sĩ, v.v… Lần này, một Tổng thống Dân Chủ không thể dùng lý luận diều hâu đó để chiếm ưu thế với một Quốc hội Cộng Hoà còn diều hâu hơn mình. Và trong hoàn cảnh ngân sách lẫn kinh tế hiện nay, thổi bùng chuyện Iran là mở ra một mặt trận mới, là thổi giá dầu thô lên trời và đẩy kinh tế xuống hố.
Huống hồ, các đảng viên Dân Chủ còn lại cũng đều muốn núp sau lá cờ trắng và đòi lui binh để… tiết kiệm ngân sách.
Nhưng, nếu Obama chọn trận địa đối ngoại mà với tinh thần chủ hòa thay vì chủ chiến như Bush năm 2007, thì câu chuyện trở thành ly kỳ hơn.
Vì tinh thần chủ hoà, ông đã triệt thoái dần khỏi chiến trường “bẩn” là Iraq – mà không dám công nhận là do công lao liều lĩnh của người tiền nhiệm. Bây giờ, sau khi đôn quân vào A Phú Hãn mà lại quyết định sẽ rút theo đúng kỳ hạn, ông sẽ lãnh nạn là tháo chạy. Mà vẫn không thoát.
Năm 1995, Bill Clinton có thể dựng thế đối lập với đảng Cộng Hoà đa số trên trận tuyến nội trị và phần nào giành lại được quyền chủ động. Ông không cần dùng ưu thế về đối ngoại của Hành pháp để lên gân vì thời đó Chiến tranh lạnh đã kết thúc. Hoa Kỳ đang hưởng “cổ tức hoà bình” nhờ đối phương đã tan rã và khủng bố Hồi giáo chưa lên.
Ngày nay, Hoa Kỳ đang lâm chiến, vẫn còn bị các lực lượng Hồi giáo quá khích đe dọa và còn gặp sự thách đố của các cường quốc đang lên, như Iran, Liên bang Nga hay Trung Quốc. Vì vậy, dù Tổng thống Mỹ có rất nhiều quyền hạn về ngoại giao, trước làn sóng Cộng Hoà đang lên, ông không thể đi ngược và tiếp tục thỏa nhượng, trở thành “Người vái tứ phương”.
Nếu chủ chiến để giành quyền chủ động thì Tổng thống sẽ bị kẹt bên cánh hữu còn chủ chiến gấp bội. Nếu chủ hòa thì càng rơi vào hố sâu của Jimmy Carter – tổng thống ngây thơ nhu nhược – và sẽ tạo điều kiện cho các đối thủ của Hoa Kỳ tung hoành mạnh hơn. Nếu suy luận như vậy, có lẽ Barack Obama chỉ còn một giải pháp “chua ngọt” về đối ngoại.
Nửa chua là thỏa hiệp với đối thủ là Iran để mua hòa bình – hoặc bán rẻ hoà bình – tại Iraq và A Phú Hãn hầu rút lui cho lẹ và tự khoe là người của hoà bình. Richard Nixon đã áp dụng giải pháp ấy khi thỏa hiệp với Trung Quốc. Nhưng, và đây là phần ngọt, để chứng tỏ là ta không nhu nhược, Obama có thể tri hô về nguy cơ bành trướng để xẵng giọng với Trung Quốc. Sau khi thất bại trong trò đấu trí với Liên Xô tại Cuba, John Kennedy đã áp dụng giải pháp lên gân đó tại… Việt Nam. (Trong cả hai trường hợp quái đản này, nhân vật cần chú ý không phải là Obama mà là Ngoại trưởng Hillary Clinton, một quái chiêu rất đáng nể!)
Hoa Kỳ là quốc gia rất lạ. Người dân có quyền bầu ra lãnh đạo vì những quan tâm thiết thực – thậm chí cục bộ – của họ, mà khỏi cần chú ý tới thiên hạ sự khi bỏ phiếu. Nhưng người lãnh đạo thì phải lấy nhiều quyết định liên quan tới vận mệnh – cả sinh mệnh – của các quốc gia khác. Lần này, ta sẽ xem Barack Obama xoay trở ra sao về thiên hạ sự, sau khi dân đã lên tiếng.
Chỉ mong là thiên hạ đừng tưởng bở mà có khi chết oan vì những quyết định ấy.
NGUYỄN XUÂN NGHĨA