Ngày thứ Hai 13 tháng 12, Mỹ và CS Hà nội theo thoả thuận trước họp thường niên để đối thoại về nhân quyền Việt Nam, tại Hà nội. Phía Mỹ trưởng phái đoàn là ông Michael Posner, Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động. Và phía Việt Nam CS, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh của nhà cầm quyền CS Hà nội làm trưởng phái đoàn. Trong cuộc họp báo sau đó trưởng phái đoàn Mỹ nói vấn đề nhân quyền là một thành tố chủ chốt trong quan hệ giữa Washington với Hà Nội. Vấn đề đặt ra là việc đối thoại về nhân quyền giữa Mỹ và CSVN liệu có kết quả nào không hay chỉ là một việc làm lấy có vì hai bên Washington và Hà nội có những quyền lợi khác quan trọng hơn là nhân quyền VN.
Thực ra lời của Ông Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động nói trong cuộc họp báo sau cuộc đối thoại nhân quyền ở Hà nội cũng không khác gì với Đại sứ Mỹ Michael Michalak. Vị này sau ba năm làm đại sứ Mỹ bên cạnh CS Hà nội trong cuộc họp báo trước ngày Quốc Tế Nhân quyền 10-12, tại Hà nội cũng đã khen ngợi chế độ Hà nội đã nới rộng quyền tự do tôn giáo và còn hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do sử dụng Internet của người dân trong nước.
Một ông phụ tá ngoại trưởng, một ông đại sứ Mỹ dù gì cũng chỉ là những công chức trong ngành ngoại giao ắt phải thực hiện đường lối chính sách của Bộ ngoại Giao. Vì vấn đề nhân quyền VN, Bộ Ngoại Giao Mỹ đã “lập trình” rồi.
Sau gần hai thập niên Mỹ bang giao, giao thương, đang tiến dần đến tương quan quân sự và an ninh vùng với CS Hà nội, vấn đề nhân quyền VN vần bị Mỹ cho ra rìa. Chữ ‘thiết yếu’ mà ông Michael Posner, Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động kiêm Trưởng Phái đoàn Mỹ trong cuộc đối thoại về nhân quyền VN với CS Hà nội, nói – là danh từ ngoại giao, nói nghe cho êm tai, chớ không phải là chữ có sự sống. Nó không thực tiển, thực dụng, không đi vào sự sống vì người nói, cái máy sản xuất ngoại giao Mỹ đâu có biến nó thành thực tiễn của sự sống.
Một định đề rõ hai với hai là bốn; đó là bao lâu Mỹ còn hy sinh những quyền lợi tinh thần, những giá trị tự do, dân chủ có tính truyền thống, lịch sử lập quốc của Mỹ cho những quyền lợi vật chất kinh tế sản xuất, bán buôn giữa chánh quyền Mỹ và nhà cầm quyền CS Hà nội, thì Mỹ nói nhân quyền VN chỉ là nói cho lấy có mà thôi.
Nên người Việt trong ngoài nước ai đấu tranh cho tự do, dân chủ nhân quyền VN mà nghe Mỹ nói nhân quyền VN là mắc, tin Mỹ về nhân quyền là lầm, chờ Mỹ bật đèn xanh, đèn đỏ nhân quyền là chưa đấu tranh đã thất bại, không khéo sẽ tiêu diêu sinh mạng như bao người bác sĩ, luật sư trong nước.
CS Hà nội có coi người dân Việt trong ngoài nước ra gì đâu. CS Hà nội có mời, có gọi người dân Việt đối thoại hồi nào đâu. CS Hà nội có “đối thụi” người dân trong ngoài nước thì có vì họ coi người Việt hải ngoại là “thù địch” mà. Danh từ chánh trị của CS Hà nội không có chữ thoả hiệp; CS không chia quyền với bất cứ ai.
Nên người dân Việt biết mình biết ta, không đối thoại với CS Hà nội như Mỹ. Đối thoại làm sao được, khi CS Hà nội coi những người khác ý mình là “lực lượng thù địch”, dùng luật hình để trừng trị. CS Hà nội lúc nào cũng dàn dựng những tổ chức nha trảo nanh vuốt của họ như các giáo hội do CS thành lập và điều khiển người dân gọi là giáo hội quốc doanh, những hội đoàn nhân dân cuội như Hội Thanh Niên, Sinh viên Việt Nam, Việt kiều Yêu nước để lũng đoạn các tôn giáo chính thống độc lập hay tổ chức nhân dân ngoài chánh quyến là yếu tố cấu thành xã hội dân sự.
Ai theo CS Hà nội theo kiểu “xin cho”, đầu phục, chiêu hồi thỉ CS o bế gọi là “Việt Kiều yêu nước, khúc ruột ngàn dặm của quê hương, bộ phận của dân tộc không tách rời đuợc”. Và v.v… vì CS Hà nội sẽ còn đặt ra nhiều chữ rất kêu nữa. Dụng danh đạt quả để tuyên truyền là nghề của CS.
Nên người Việt trong ngoài nước không đối thoại mà đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN. Tiêu biểu như mới đây, nhơn kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, người Việt hải ngoại tổ chức cuộc biểu tình chống Cộng ở Washington, Mạng Lưới Nhân Quyền VN phát giải, vinh danh và khuyến khích những nhà đấu tranh trong nước.
Nhân quyền là quyền sống của con người. Dân quyền là quyền của người dân. Chủ quyền là quyền sinh tồn của một quốc gia dân tộc. Những quyền đó là thiêng liêng, bất khả tương nhượng, bất khả thương thảo. Những quyền đó không bao giờ chờ mà có, xin mà được. Phải đấu tranh mới có, mới được. Không ngoại bang nào ăn ở không lo giúp cho mình, đi giúp vô điều kiện. Trong thế giới sử chưa thấy có quốc gia dân tộc nào có nhân quyền, dân quyền, chủ quyền nhờ ngoại bang giúp.
Đấu tranh cho nhân quyền là đấu tranh chánh trị, đấu tranh lâu dài, ngay trong lòng địch. Nên phải tuyên bố đấu tranh bất bạo động, ôn hoà. Nhưng hầu hết các cuộc đấu tranh cho quyền sống của con người, của dân tộc đều kết thúc bằng cuộc cách mạng của dân chúng, có lật đổ, đập phá, súng nổ, máu chảy. Cách mạng Pháp 1789, cách mạng dân quyền, dân chủ đầu tiên trong thế giới sử dân Pháp cũng phải phá ngục Bastille, đánh đuổi dòng vua Louis, xử tử hoàng hậu Marie Antoinette. Hầu hết các chế độ CS ở Đông Âu không thoát khỏi các cuộc cách mạng màu sắc, nghe rất êm dịu như nhung, cam, hoa tulip. Nhưng tất cả đều có hành động cách mạng, lật đổ, phá cũ, thay mới – chớ không thấy đối thoại.
CS Hà nội có thể là một biệt lệ không? Cho đến bây giờ, qua các phong trào đấu tranh của người dân Việt trong ngoài nước đang rộng khắp và mạnh hơn về lượng cũng như về phẩm so với các cuộc đấu tranh giải trừ CS ở thời kỳ tiền cách mạng lật đổ CS ở Đông Âu. Tỷ lệ biệt lệ của CS Hà nội rất mong manh.
Vi Anh