Chuyện WikiLeaks, Hồi Ba, và những dòng nước đáy…
Hoa Kỳ lại vửa trở thành trò cười cho thiên hạ khi để xảy ra một vụ tiết lộ thứ ba của hệ thống WikiLeaks.
Viết “hệ thống WikiLeaks” thì có thể là sai: trước sau chỉ có một nhân vật chủ động là anh chàng Julian Assange. Đây là một người Úc đang lẩn trốn, có thể trốn ngay tại Anh sau khi đào thoát khỏi Thụy Điển vì bị chính quyền xứ này đòi điều tra về tội sách nhiễu tình dục và yêu cầu cảnh sát quốc tế Interpol truy nã. Nhưng có khi vẫn đúng, vì Julian Assange được sự trợ giúp từ một anh hạ sĩ (Pfc) Bradley Manning để lấy tin và dùng các tờ báo thiên tả phóng tin này ra toàn cầu, mà Chính quyền Hoa Kỳ ngăn không nổi.
Tuần qua, lần thứ ba WikiLeaks đã lại tung bửu bối và gây chấn động toàn cầu…. Câu chuyện rất nghiêm trọng và đứng đắn này có những nét khôi hài mà không ai hiểu nổi.
Lần đầu, WikiLeaks ra tay là vào ngày 25 Tháng Bảy, qua sự phối hợp với ba tờ báo đều thuộc loại thiên tả là The New York Times của Mỹ, The Guardian của Anh và Der Spiegel của Đức. Lần thứ nhì là ngày 22 tháng 10 mới đây qua ba tờ báo kể trên, và hệ thống thông tin Al Jazeera. Lần thứ ba là ngày Chủ nhật 28 tuần trước, qua ba tờ báo đó, thêm tờ Le Monde của Pháp và El Pais của Tây Ban Nha.
Mỗi lần tiết lộ thì lại công khai hóa một số tài liệu mật của Hoa Kỳ theo từng… “chủ đề”.
Lần đầu là các tài liệu chủ yếu về tình hình chiến sự tại A Phú Hãn.
Chủ đề lần hai là chiến sự Iraq qua các tờ trình quân sự của Mỹ trong thời gian từ đầu năm 2004 đến cuối năm 2009.
Chủ đề lần ba là các “điện tín” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Từ mấy chục ngàn trong đợt đầu, khối lượng tài liệu ồ ạt “rò rỉ” như tháo cống lên tới hơn 390 ngàn trong đợt hai và 250 ngàn trong đợt ba. WikiLeaks còn khéo quảng cáo là nay mai sẽ tung ra tài liệu mật khác, với chủ đề là hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ, và đối tượng chính sẽ là Bank of America!
Xin chào mừng thế giới có đầy quyền tự do thông tin… bi hài
Trước hết, một số hệ thống truyền thông được WikiLeaks liên lạc dùng làm cổng phóng tin ra ngoài, nhưng lại từ chối, như truyền hình CNN hay báo The Wall Street Journal. Tờ nhật báo WSJ có lập trường diều hâu về an ninh nên có thể cân nhắc lợi hại và từ chối cuộc chơi hấp dẫn, nhưng CNN thì không thể là một cơ quan truyền thông bảo thủ. Cả hai đều cân nhắc kỹ về quyền tự do thông tin của mình. Cho nên bảo rằng tiếp tay loan truyền tin tức mật – có thể phương hại đến an ninh quốc gia và cả sự an toàn của người phục vụ về tình báo và quân sự – là sự thể hiện quyền tự do thông tin được Đệ nhất Tu chính án bảo vệ chỉ là một cách nói.
Và đáng thảo luận lại.
Thứ hai là về nội dung.
Khác với việc một nhân viên cao cấp trong Ngũ giác đài đã tiết lộ tài liệu mật về Chiến tranh Việt Nam – The Pentagon Papers của Daniel Ellsberg năm xưa – tài liệu của WikiLeaks không là thông tin tối mật từ thượng tầng về những tính toán hoạch địch của giới lãnh đạo quân sự và chính trị Hoa Kỳ. Nó là báo cáo của cấp dưới – trong quân đội và ngoại giao – trình lên thượng cấp ở nhà. Mức độ thiệt hại của việc WikiLeaks tiết lộ vì vậy có thấp hơn… một cách tương đối.
Thứ ba là về cấp độ bí mật.
Sau vụ khủng bố 9/11 năm 2001, Chính quyền Hoa Kỳ gồm cả Lập pháp lẫn Hành pháp đã kiểm lại vì sao mà tin tức về an ninh và tình báo lại không được các cơ quan hữu trách chia xẻ để kịp thời am hiểu, dự báo và ngăn ngừa những vụ tấn công tương tự. Một Ủy ban Điều tra Lưỡng đảng đã được thành lập và khuyến cáo việc cải tổ hệ thống tình báo và bảo vệ an ninh. Cũng từ kinh nghiệm đó, Chính phủ có Sắc lệnh của Hành pháp (Executive Order 13526) lập ra mạng lưới thông tin điện toán SPIRNet (Secret Internet Protocol Router Network) để các cơ quan hữu trách có nơi tập trung và phân phối thông tin. Chỉ cần vào trung tâm này là có hết mọi tin mật!
Người của WikiLeaks, có thể là cậu bé Bradley Manning, đã vào tới đó và tải ra chuyện mật cho thiên hạ. Anh chàng hạ sĩ này là một nhân viên phân tách tình báo trong quân đội và có lẽ bất mãn vì bị đồng đội trêu chọc là một dân đồng tính nên chơi trội để trả thù. Sau khi bị bắt tại A Phú Hãn vào tháng Năm vừa qua, Manning đang nằm trong trại tù Quantico ở Virginia chờ ngày ra toà án quân sự. Nhưng, kho tài liệu đã thu thập cứ tiếp tục chảy từ WikiLeaks ra ngoài, làm Hoa Kỳ bị “xuất huyết” như lời nhận định của một nhân viên hữu trách.
Sự thật về cấp độ bí mật thì tình hình chưa đến nỗi tệ như vậy. Nhưng còn tệ hơn thế!
Trong hệ thống an ninh Hoa Kỳ, Sắc lệnh Hành pháp 13526 có xếp loại ba cấp thông tin. Cao cấp nhất là loại “Tối Mật”, Top Secret, những tin tức nếu bị trao không đúng tay thì có thể “gây tai họa trầm trọng một cách bất thường” cho an ninh quốc gia (information that could be expected to cause exceptionally grave damage to the national security). “Mật”, Secret, là loại gây thiệt hại đáng kể (serious damage). Và “Kín”, Confidential, là loại thông tin mà người ta có thể cho là phương hại cho an ninh quốc gia (information that could be expected to cause damage to national security if disclosed in an unauthorised manner).
Ta phải đọc lại cách xếp loại đó vì trong lò tin tức SPIRNet đã bị rút ruột quăng ra ngoài chỉ có loại tin “Mật” và “Kín” mà thôi. Và Hoa Kỳ lại có gần ba triệu người được phép chui vào trung tâm này để tham khảo tài liệu hầu còn bảo vệ nước Mỹ.
Trong số người được sưu tra lý lịch rõ ràng mà chỉ có một người tiết lộ thì… đấy là một phép lạ! May mà họ chưa rớ tới loại tin “Tối Mật”. Vì vậy mình mới nói là tình hình chưa đến nỗi tệ!
Trong hai lần tiết lộ trước, WikiLeaks chỉ xác nhận những gì mà người ta đã có thể biết hoặc suy đoán về tình hình chiến sự tại A Phú Hãn và Iraq, kể cả việc Chính quyền Pakistan đi hàng hai, vừa cộng tác với Mỹ vừa ngầm yểm trợ lực lượng Taliban tại A Phú Hãn. Nhìn một cách nào đó thì việc tiết lộ chi tiết chiến thuật từ dưới lên có khi còn có… mối lợi chiến lược là giúp dư luận thấy ra sự phi lý mà cho phép Chính quyền tháo chạy khỏi cuộc chiến mà ông Barack Obama đánh giá là “sạch” và “có chính nghĩa” (xin đọc lại bài “Vụ WikiLeaks và Màn Tháo Chạy” trên cột báo này trong số ra ngày 30 Tháng Bảy).
Có lẽ vì vậy mà WikiLeaks vẫn có chỗ đắc dụng. Và tiếp tục tung hoành! Nếu coi đây là một chuyện nghiêm trọng cho an ninh thì Chính quyền Mỹ đã có nhiều cách ngăn chặn, từ pháp lý tới kỹ thuật.
Nhưng lần này thì tình hình lại khác.
Những tiết lộ đợt ba của WikiLeaks tập trung vào khối công điện ngoại giao Hoa Kỳ do các Đại sứ hay Sứ quán Mỹ trao đổi với bộ Ngoại giao ở nhà và công bố những nhận xét “nhạy cảm” về chủ trương hay lãnh đạo của các xứ khác. Nó phơi bày bản chất hài kịch của ngoại giao của mọi quốc gia, là nói một đàng làm một nẻo, vì vậy mới thành đầu mối cho nhiều trò cười hấp dẫn.
Xét như vậy thì việc tiết lộ vẫn có vẻ vô hại vì chỉ gây lúng túng cho người trong cuộc, từ Ngoại trưởng Hillary Clinton tới Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates hay Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Quốc vương Saudi Arabia, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh quốc, v.v….
Nó gây lúng túng vì cho thấy cái nhìn thực tế của từng người về quan hệ quốc tế, thường được che giấu đằng sau những lời tuyên bố chính thức, sặc mùi ngoại giao, nghĩa là đầy kịch tích mà không thật. Chuyện ấy thì cứ phủ nhận hay cười xòa là xong vì chỉ là truyện kẻ cắp nói chuyện với bà già mà đôi bên đều hiểu thấu bụng dạ của nhau.
Tuy nhiên, hậu quả thì lại tai hại vô lường không chỉ vì lý do an ninh.
Hậu quả là các đồng minh của Hoa Kỳ đều mang nhục khi công khai hay kín đáo hợp tác với nước Mỹ và nay bị vén áo vạch bụng cho thế gian cùng thấy. Nhất là khi hợp tác về an ninh hay tình báo. Hậu quả là thế giới coi thường hệ thống ngoại giao và các giá trị lý tưởng mà Mỹ đề cao khi mặt trái vẫn chỉ là những tính toán về quyền lợi. Thí dụ như việc Tổng trưởng Ngoại giao Clinton chỉ thị cho các sứ quán tăng cường công tác tình báo ở địa phương, hoặc dò xét hoạt động của viên chức Liên hiệp quốc, từ Tổng thư ký trở xuống, sẽ khiến mọi nỗ lực vận động ngoại giao của Mỹ đều sẽ bị các nước xét lại, nghi ngờ hoặc đòi trả giá đắt hơn.
Quan trọng nhất, những phanh phui đó đều bất lợi cho đồng minh mà có lợi cho kẻ thù của Hoa Kỳ, đứng đầu là quân khủng bố và các chế độ hung đồ. WikiLeaks chứng minh là họ có lý khi chống Mỹ. Và dẫn tới kết luận còn tai hại hơn: kể ra thì thắng Mỹ không khó! Hài kịch trở thành bi kịch là như vậy. Hoa Kỳ là một siêu cường đứng đắn đầu đường, vừa bị chụp hình với dòng nước chạy từ trên đùi xuống.
Và còn đang chảy…
Nguyễn Xuân Nghĩa